Trên đường phố người dân truyền tai nhau, rằng tiểu thư Tần An Bắc của phủ Định Viễn Hầu không phải là một khuê nữ bình thường.
Chuyện này cũng không thể trách ta được, trước mười tuổi ta luôn ở nơi Bắc Cương xa xôi, trưởng thàng bên cạnh phụ thân và ca ca. Bắc Cương vốn là nơi đất phong oai hùng, hơn nữa ta suốt ngày quanh quẩn trong quân doanh học võ công thao lược. Trong tình cảnh như vậy mà viết ra một nét chữ đẹp, luyện ra một tay thêu thùa mới là không bình thường. Tuy nói ta kém cỏi hơn các nữ tử khác, nhưng đổi lại ta cũng học được những thứ mà các nàng không có được. Lúc ta đang ở Bắc Cương phi ngựa như bay trên đồng cỏ, e rằng các nữ tử ở kinh thành chạy còn không nổi nữa kìa. Lúc ta hồi kinh cũng là lúc nghe được những lời đồn đãi này, ta kinh ngạc đến mức cằm thiếu chút nữa rớt xuống. Ta còn chưa cười các nàng yếu đuối thì thôi, các nàng còn cười nhạo ta? Để ta hồi kinh chuyến này, cha mẹ ta đúng là đã làm dậy lên một trận ồn ào kinh thiên động địa rồi.
Trên ta còn có hai tỷ tỷ nữa. Đại tỷ năm trước đã gả vào phủ Thượng thư, hôn sự của nhị tỷ cũng đã được an bài đâu vào đấy, chỉ chờ đến tuổi cập kê là lập tức gả về nhà người. Các ca ca đều theo cha tới Bắc Cương, chỉ còn lại đệ đệ do tuổi còn quá nhỏ nên ở lại kinh thành với mẫu thân.
Đáng ra ta cũng phải sống trong phủ lớn lên bên người mẫu thân, nhưng năm ta ra đời lại trùng với sự kiện cha đánh thắng một trận lớn, đường làm quan rộng mở. Ông đặt cho ta cái tên “An Bắc”, ẩn ý chính là đặt kỳ vọng cao vào ta. Chính vì vậy mà ta tuy là tiểu thư quý phủ nhưng không được trải qua cuộc sống của một tiểu thư, bị cha mang theo tự tay dạy dỗ, đến tận tết nguyên tiêu năm nay mới được hồi kinh.
Ngày đó ta đang ở trong tiểu viện luyện kiếm thì vô tình nghe thấy âm thanh cãi vã từ trong phòng truyền ra.
Người phụ nữ dịu dàng nhất thiên hạ như mẹ ta nay còn không kiềm chế được: “Năm đó thiếp đã nói rồi, An Bắc cái gì mà An Bắc. Chàng còn trông mong con gái đi bình định Bắc Cương cho chàng đấy ư?”
Cha ta đè thấp giọng: “An Bắc do chính tay ta nuôi dưỡng, không giống những nữ tử tầm thường các nàng. Nó là con dân của Đại Lương, tất nhiên cũng phải có trách nhiệm với sự an nguy của Đại Lương.”
Mẹ ta hít thở không thông: “Nhưng dù thế nào thì con chúng ta cũng chỉ là một cô gái, phải thành gia lập thất! Chàng đem nó ra biên cương, vô pháp vô thiên dung túng nó là muốn tốt cho nó, thiếp hiểu, nhưng trên chiến trường đao kiếm không có mắt, chàng thật sự nhẫn tâm như vậy sao? Hơn nữa, nếu cứ tiếp tục như vậy thì ai mà dám lấy nó nữa đây? Chàng thế này chính là làm lỡ dở cả đời nó.”
Cha ta nghe vậy lập tức trầm mặc.
Mẹ ta thấy ông đã bị bà thuyết phục liền dịu giọng nói tiếp: “Đợi sang năm các chàng quay lại Bắc Cương thì để nó ở lại kinh đi. An Bắc rất thông minh, thiếp sẽ đi tìm thầy giỏi đến dạy dỗ nó cẩn thận, nhất định sẽ không để nó thua kém người ta. Bảo vệ đất nước đã có chàng, còn hai ca ca của An Bắc và đệ đệ nó nữa, không đến lượt nó phải xả thân vì nước đâu.”
Cha ta thở dài, cuối cùng đành đáp ứng điều kiện của mẹ. Ta nghe xong cả người sững sợ, cây thương quấn dây tua đỏ trên tay rơi xuống đất.
Ngày cha và ca ca rời đi quả nhiên không mang ta theo. Ta thực muốn khóc, suy cho cùng chừng ấy năm luôn ở bên cạnh bọn họ, dù sao đi nữa vẫn thân thiết và quen thuộc hơn rất nhiều. Cha dù nghiêm khắc với ta nhưng thật ra lại đau đến tận xương tuỷ. Vả lại, ta thà cưỡi ngựa bắn cung còn hơn ngồi im một chỗ học cầm kì thi hoạ. Cái này khác nào nhốt sói lang vào lồng hoàng yến đâu? Thế nhưng cứ tưởng tượng đến đoạn cha nhìn thấy ta rơi lệ sẽ không thương ta nữa, ta đành nuốt nghẹn trở về.
Đại ca vuốt tóc ta, cười cười dặn dò ta ở lại nhớ học làm khuê nữ cho thật tốt, nhưng tay kia ở bên dưới lại âm thầm đem trường kiếm huynh ấy yêu thích đặt vào tay ta, coi như là thường ngày rèn luyện thân thể, múa may chơi đùa chút đỉnh. Nhị ca cũng nhìn thấy cảnh này, huynh ấy nói không mang theo thứ gì có thể tặng được nên đáp ứng trở về sẽ chăm sóc con hồng mã của ta thật tốt.
Trước khi khởi hành, cha còn không quên quay lại dặn dò: “Dù thế nào An Bắc cũng là đích nữ của phủ Định Viễn hầu. Tuy nó có chút phóng túng tuỳ hứng, cũng không ai được phép nói ba dạy bốn.”
Nói xong lời này liền thúc ngựa rời đi, để lại đằng sau cát bụi mịt mù.
Ta đứng nhìn theo đến khi bọn họ khuất dạng mới lẳng lặng quay trở vào phủ. Trong lòng buồn đau vô ngần, mặt khác cũng thông cảm cho mẹ.
Cứ như vậy, năm mười tuổi ta chính thức bắt đầu sống cuộc sống của một tiểu thư chân chính.
Còn đâu những năm tháng vùng vẫy nơi Bắc Cương oai hùng, hai năm nay ở kinh thành ta chán đến mức… mẹ nó chán chết.
Ôi, những lời này mà để mẹ ta nghe được thì hai bàn tay ta chỉ còn nước bị vụt thôi. Chỉ có những ngày lễ tết mọi người từ biên cương trở về thì ta mới được thả lỏng một chút, không cần giả vờ mà thoải mái luyện cung thương kiếm pháp. Lúc nào rảnh rỗi cha sẽ dạy ta mấy bộ kiếm pháp, mang ta đi cưỡi ngựa cho đỡ ghiền. Nói tóm lại, e là nhìn khắp kinh thành chẳng có ai mong ngóng đến Tết bằng ta đâu. Tuy nhiên, cả ngày bị mẹ bắt học này học nọ đâm ra tính tình ta cũng thu liễm lại nhiều lắm.
Chẳng qua là có một lần chơi bóng với thiên kim nhà Trung thư thị lang, nàng ta cưỡi ngựa không tốt mà còn dám bày đặt chê cười ta, dưới tình thế cấp bách ta mới không khống chế được bản thân dùng roi quất vào ngựa nàng hại nàng ngã ngựa, nằm liệt giường cả nửa tháng có lẻ. Chẳng qua có một lần ta trốn ra ngoài phủ chơi gặp được kẻ yêu mến nhớ thương hà bao của ta nên ta mới định cho hắn một bài học, nào ngờ đâu xuống tay hơi nặng làm hắn gãy một cánh tay… Cơ mà trừ mấy chuyện đó ra, ta nghĩ ta vẫn có vài phần khí chất của tiểu thư khuê các mà.
Thôi thôi, chuyện này miễn cưỡng thế nào được, ta cá là lúc ta đầu thai chuyển kiếp đã là một sai lầm của tạo hoá rồi, thế nào lại nhầm lẫn giới tính được cơ chứ.Buổi chiều ngồi học nữ công gia chánh, ta ngắm nhìn đôi bàn tay mà thấy xót thương cho cái thân mình quá. Tay này thì làm sao mà cầm được thương giữ được đao nữa đây? Nếu giờ này ta ở Bắc Cương chắn hẳn đã lập được chiến công hiển hách, thế mà lại ngoan ngoãn tủi hờn ngồi nơi đây xe chỉ luồn kim, thật là lãng phí tài năng.
Ta chẳng dễ dàng gì sống đến năm tuổi, cũng là năm biên cương thật sự được bình định.
Năm đó phụ thân về nhà vừa hay có thể quang minh chính đại đưa ta đi. Ngày ấy, ta thay bộ váy hải đường, cầm cây cung khảm sừng trâu, tóc buộc cao, thần thanh khí sảng.
Cha không đồng ý cho ta tiến vào khu vực săn bắn mà chỉ cho ta cưỡi ngựa ở khu vực an toàn, thấy thỏ thì bắn cho đỡ ghiền. Tất nhiên là ta vui vẻ nhận lời, nhưng trong lòng lại suy tính, đợi tí nữa bốn bể bát ngát, còn ai để ý đến ta?
Ta dắt ngựa đi tản bộ hai vòng, thuận tay bắn hạ con chim, trong lòng vui vẻ vì tay nghề không giảm rồi phi ngựa vào rừng sâu. Một thân cưỡi ngựa bắn cung của ta do đích thân cha dạy, nói hổ phụ sinh hổ tử thật chẳng ngoa chút nào. Nghĩ ngợi hồi lâu ta mới nhận ra, thực chất là bản thân mình muốn bộc lộ tài năng cho cha và ca ca xem.
Còn không phải ta được ông trời chiếu cố hay sao? Ý nghĩ này vừa mới vụt lên trong đầu ta, phóng tầm mắt đã nhìn thấy một con nai. Ta híp mắt, rút tên, nhanh chóng kéo cung. Vút một tiếng, ngọn tên xé gió lao đi. Chỉ tiếc rằng con nai kia dường như đã nhận thấy nguy nan nên tránh được chỗ hiểm, chỉ bắn được trúng chân. Ta hơi tức giận, kẹp chặt bụng ngựa, ra roi phóng theo hướng nó chạy đi. Thế mà ta lại quên mất con ngựa này không phải là hồng mã của ta, trong lòng độc ác mắng nó một trận, thế này thì mang đi cưỡi ngựa bắn cung thế nào được?
Ta nhìn theo hướng nai chạy trốn, hung hăng ghìm lại dây cương, móng ngựa giơ lên cao làm ta suýt bị văng xuống đất. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, cả người ta bỗng nhẹ bẫng đi, trước mắt trời đất ngả nghiêng, khi hoàn hồn lại đã thấy mình đang ngồi trên lưng một con ngựa khác.
Con ngựa này đúng là một con ngựa tốt! Ta hơi tán thưởng, cúi xuống vuốt ve lông nó, chợt nghe thấy phía sau phát ra một tiếng cười khẽ.
Ta hơi sửng sốt, bỗng dưng lại nhớ đến chuyện con nai, mỡ dâng đến miệng rồi còn để mất, thay vì nói lời cảm ơn, ta lại căng dây cương nói cho người đằng sau nghe: “Vị huynh đài này, cho ta mượn ngựa của huynh dùng một chút nhé.” Rồi lập tức giục ngựa phi về phía trước.
Tuy rằng đây là lần đầu tiên cưỡi ngựa với người khác, nhưng cũng may là người này thức thời phối hợp cùng ta. Ta không có cảm giác gì lắm, chỉ vô hình cảm thấy một ánh mắt đang dán chặt vào gáy mình mà thôi.
Ta lần theo vết máu, cuối cùng cũng nhìn thấy con nai vừa rồi. Ta lại rút tên phóng ra. Thế nhưng khoảng cách hơi xa, lực đạo của ta lại hơi kém, tuy bắn trúng nhưng nai kia vẫn chạy được. Ta hơi tức giận, lại định giục ngựa đuổi theo. Chỉ nghe phía sau có tiếng xé gió, ba phát trúng cả ba, vừa nhanh vừa chuẩn, con nai bị ghim chặt lên cây. Ta nhịn không nổi tán thưởng ra tiếng, lực đạo vô cùng chuẩn xác, có khi còn ngang cơ đại ca của ta nữa kìa. Vì vậy ta cả kinh hơi hơi quay mặt lại lén nhìn hắn.
Một thân bạch ngọc khôi giáp…
Ta hoàn hồn, vẫn còn biết giữ chút ý tứ: “Vừa rồi tình thế cấp bách nên chưa kịp nói lời cảm tạ. Chẳng hay công tử là người phương nào?”
Người nọ lại khẽ cười, âm thanh trầm thấp dễ nghe, chậm rãi nói: “Ta nghĩ phải hỏi cao danh quý tính của cô nương trước mới phải. Không biết trong kinh thành sao lại có một cô nương như vậy?”
Ta suy xét ý tứ trong lời hắn nói, đây là nói mỉa nói mai chứ có phải thật lòng khen ngợi gì đâu?
Cho nên ta mang theo vài phần bất mãn gắt gao trừng hắn.
Không ngờ đến chạm vào một đôi mắt hoa đào ngậm nước, con ngươi sáng ngời, ta còn có thể nhìn thấy một thân hồng y của mình soi trong mắt hắn.
Ta giật mình, tim đập như trống dồn, lúc phản ứng lại mới nhận ra người này không giống cha và ca ca ta, hai người ngồi chung một ngựa thật sự là quá gần rồi.
Hắn thích thú nhìn gò má đỏ ửng của ta: “Vừa rồi ngươi mượn ngựa của ta, ta có thấy ngươi ngại ngùng vậy đâu.”
Xuân sắc nhân gian, trong rừng sâu chỉ còn mơ hồ nghe thấy tiếng ồn ào huyên náo từ xa vọng lại.
Lần đầu ta và hắn gặp gỡ chính là khung cảnh như vậy, đẹp đến nao lòng.