Chuyến Du Hành Kỳ Lạ Của Ngài Daldry

chương 12

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Alice,

Tôi hy vọng là cô sẽ thứ lỗi cho tôi vì đã ra đi đột ngột thế này. Tôi không muốn chúng ta lại phải nói lời tạm biệt lần nữa. Tuần vừa rồi tối nào lúc chia tay cô ở cửa phòng tôi cũng nghĩ tới chuyện này, và ý nghĩ xách va li trên tay rồi chào cô ở sảnh khách sạn cứ trĩu nặng trong lòng tôi. Hôm qua tôi đã muốn nói với cô nhưng rồi lại không làm vì tôi sợ sẽ phá hỏng mất khoảnh khắc tuyệt đẹp được ở bên cô. Tôi muốn chúng ta lưu giữ kỷ niệm về chuyến đi dạo cuối cùng bên bờ eo Bosphore. Cô có vẻ thật hạnh phúc và tôi cũng vậy, vậy ta còn mong chờ gì hơn cho thời khắc kết thúc một chuyến đi? Tôi phát hiện ra cô là một phụ nữ tuyệt vời, tôi tự hào vì được trở thành bạn của cô, đấy, ít nhất là tôi hy vọng thế. Với tôi, cô luôn là một người bạn và những ngày được lưu lại Istanbul cùng với cô sẽ là một trong những thời khắc vui vẻ nhất trong đời tôi. Tôi chân thành mong cô sẽ đạt tới đích. Người đàn ông yêu thương cô sẽ phải tập quen với tính cách của cô (một người bạn có thể nói thế mà không khiến cô mất lòng, phải vậy không?), nhưng người đó cũng sẽ có được bên mình người phụ nữ mà tiếng cười của cô ấy sẽ xua tan mọi sóng gió trong đời.

Tôi rất hạnh phúc vì được làm hàng xóm của cô và khi viết những dòng này tôi đã thấy nhớ sự hiện diện của cô cho dù nó thật ồn ào.

Hãy chọn con đường đúng đắn, con gái của ông Cömert Ezaci, hãy đuổi theo niềm hạnh phúc xứng đáng với cô.

Người bạn tận tụy của cô,

Daldry

Ethan,

Sáng nay tôi đã thấy lá thư của anh. Tôi liền gửi qua bưu điện lá thư hồi âm cho anh vào ngay buổi chiều và tôi tự hỏi mất bao nhiêu thời gian nó mới tới được với anh. Tiếng lạo xạo lúc anh luồn bì thư qua khe cửa đã làm tôi thức giấc và tôi hiểu ra ngay rằng thế là anh đi. Tôi vội lao ra cửa sổ, vừa kịp nhìn thấy anh bước lên taxi; khi anh ngẩng đầu nhìn về phía tầng chúng ta ở, tôi đã lùi lại. Có lẽ cũng vì những lý do tương tự anh. Tuy vậy, ngay khi chiếc taxi xa dần trên phố Isklital, tôi lại muốn được đích thân nói câu tạm biệt anh, được nói lời cảm ơn anh vì sự hiện diện của mình. Tính nết anh cũng thật đáng ghét (một người bạn thực thụ có thể nói với anh thế mà không làm anh mếch lòng, phải vậy không?) nhưng anh là một người đàn ông đặc biệt, hào hiệp, hài hước và tài ba.

Anh đã trở thành bạn của tôi theo một cách đầy khác thường, có lẽ tình bạn ấy mới chỉ kéo dài vài ngày, vài tuần tại Istanbul này nhưng cũng khác thường thay, sáng nay bất chợt tôi lại thấy cần có anh.

Tôi thực lòng bỏ qua chuyện anh ra đi là không nói lời nào, tôi thậm chí còn nghĩ rằng anh làm như vậy là đúng, bởi tôi cũng không thích những lời từ biệt. Tôi có đôi chút ghen tị với anh vì anh sắp được quay lại Luân Đôn. Tôi nhớ căn nhà cũ kiểu Victoria của chúng ta, tôi nhớ cả xưởng làm việc của mình. Tôi sẽ ở lại đây chờ mùa xuân tới. Can đã hứa ngay khi thời tiết đẹp trở lại sẽ dẫn tôi tới thăm đảo Các Hoàng tử mà cả hai ta đã bỏ lỡ. Tôi sẽ tả lại cho anh từng ngóc ngách, và nếu có phát hiện ra một ngã tư đúng như anh mong muốn, tôi sẽ miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết cho anh. Ở đó thời gian như ngừng lại, khi đi dạo ở đó người ta tưởng như được quay về thế kỷ trước. Ở đó xe cơ giới bị cấm, chỉ có lừa và ngựa được phép đi lại. Ngày mai, chúng tôi sẽ quay lại chỗ người thợ nước hoa già ở Cihangir, tôi cũng sẽ viết thư kể cho anh chuyến thăm ấy và anh sẽ nắm bắt được những tiến triển trong công việc của tôi.

Tôi hy vọng chuyến đi không quá mệt mỏi và mẹ anh sẽ sớm bình phục. Hãy chăm sóc bà ấy và cả mình nữa nhé.

Tôi chúc anh có được khoảng thời gian tuyệt vời bên mẹ.

Bạn của anh,

Alice

Alice thân mến,

Lá thư của cô mất chính xác sáu ngày mới tới tay tôi. Sáng nay lúc tôi ra khỏi nhà thì người đưa thư mang tới. Tôi cứ tưởng lá thư cũng được chuyển bằng đường hàng không nhưng trên con tem bưu điện không tháy nói nó đi chuyến nào, cũng không biết liệu nó có quá cảnh ở Vienne không. Sau hôm về tới Luân Đôn một ngày, tôi đã dọn dẹp lại căn hộ của mình rồi cũng sang sắp xếp cảu nhà cô. Tôi đảm bảo là không hề động chạm vào đồ của cô, tôi chỉ quét đám bụi đã nhân cơ hội cô vắng nhà mà tự nhiên dọn đến. Cô mà thấy tôi khi ấy: đeo tạp dề, đầu đội khăn, tay chổi tay xô, thì hẳn cô sẽ lại chế nhạo tôi. Vả lại hẳn chính bà hàng xóm tầng dưới của chúng ta đã làm thế, bà hàng xóm đôi khi vẫn khiến cô bực mình vì tiếng dương cầm ấy, không may tôi đã bị bà ấy bắt gặp trong bộ dạng lố lăng khi xuống nhà vứt rác. Căn hộ của cô đã tìm lại được vẻ sáng sủa của mùa xuân và tôi cũng hy vọng mùa xuân sẽ sớm tới. Thật rõ là tầm thường nếu nói với cô rằng lạnh giá và ẩm ướt vẫn ngự trị ở xứ Anh quốc, và dù cho đó là một trong những chủ đề chuyện trò ưa thích của tôi, tôi cũng sẽ tránh cho cô khỏi phát chán với việc thời tiết ra sao. Nhưng cô vẫn nên biết rằng trời mưa không dứt từ lúc tôi về tới giờ và đã mưa như vậy cả tháng trời nay, đó là theo những gì tôi nghe được ở quán bar, nơi tôi đã lấy lại thói quen tới ăn lót dạ mỗi sáng.

Bosphore cùng mùa đông dịu ngọt đáng ngạc nhiên nơi ấy dường như đã rất xa với tôi.

Hôm qua tôi đã dạo dọc bờ sông Themes. Cô nói đúng, ở đó tôi chẳng hề ngửi thấy có mùi hương nào giống với những mùi hương cô đã mất công chỉ cho tôi thấy khi chúng ta đi dạo chơi gần cầu Galata. Ngay cả phân ngựa ở đây dường như cũng khác, trong lúc viết như vậy, tôi đang tự hỏi liệu mình đã chọn đúng ví dụ điển hình nhất minh họa cho điều muốn nói chưa.

Tôi vẫn luôn cảm thấy có lỗi vì ra đi mà không từ biệt cô, nhưng sáng hôm ấy tôi đã thấy nhẹ lòng hơn chút ít. Cô có biết tại sao không, cô có biết mình đã làm được gì cho tôi không? Hẳn không khi nào cô hiểu được điều ấy có ý nghĩa với tôi thế nào, nhưng theo một cách nào đó, vào buổi tối cuối cùng khi chúng ta cùng dạo quanh Istanbul, cô đã trở thành bạn tôi. Như lời một bài hát, cô đã chạm tới tâm hồn tôi, đã thay đổi tôi, cô đã làm nảy sinh trong lòng tôi mong muốn yêu và được yêu, làm thế nào mà bỏ qua cho cô được điều ấy? Một cách rất kỳ lạ, cô đã biến tôi thành họa sĩ tuyệt vời nhất, thậm chí có lẽ là người đàn ông tuyệt vời nhất. Mong cô đừng hiểu lầm, đây tuyệt nhiên không phải lời thú nhận tình cảm yêu đương mà chỉ là cách bộc bạch tình bạn chân thành. Giữa bạn bè với nhau, ta có thể nói biết bao điều, đúng vậy không?

Tôi nhớ cô, Alice thân mến ạ, và niềm vui thích khi được đặt giá vẽ của mình dưới tấm mái kính trong phòng cô chỉ khiến nỗi nhớ tăng lên gấp bội, bởi vì ở đây, giữa những bức tường căn hộ của cô, giữa những tất cả những mùi hương mà cô đã dạy tôi cách nhận biết, tôi như cảm nhận được sự vắng mặt của cô và nó cho tôi can đảm cầm bút vẽ lại quang cảnh ngã tư ở Istanbul mà chúng ta đã cùng nhau quan sát. Như thế thật tham vọng và tôi đã bỏ đi khá nhiều bảng phác thảo mà tôi thấy quá xấu, chưa đầy đủ, nhưng tôi sẽ kiên trì.

Cô chú ý giữ gìn sức khỏe nhé và chuyển đến Can lời chào nồng nhiệt nhất của tôi. Mà thôi, đừng chuyển đến anh ta, hãy giữ lại toàn bộ cho riêng mình thôi.

Daldry

Anh Daldry thân mến,

Tôi vừa nhận được thư anh và tôi cảm ơn anh vì những lời lẽ vô cùng hào phóng anh dành cho tôi. Tôi phải kể với anh mọi chuyện diễn ra trong tuần vừa rồi. Sau hôm anh đi, tôi và Can đã bắt chuyến xe buýt chạy từ Taksim qua Nişantaşi tới Emirgan. Chúng tôi đã ghé qua tất cả các trường học trong khu vực nhưng chẳng thu được kết quả gì. Mỗi lần đều lặp lại kịch bản cũ, hoặc gần như thế; những khoảng sân trời cũng như sân có mái che giống hệt nhau, hàng giờ liền bới tìm trong đống sổ sách cũ mà không hề thấy tên tôi. Đôi lần, chuyến viếng thăm nhanh gọn hơn bởi trường ấy không có hồ sơ lưu hoặc khi ấy trường chưa tiếp nhận học sinh nữ từ thời Đế chế. Như vậy phải nghĩ đến chuyện bố mẹ tôi chưa từng cho tôi tới trường trong khoảng thời gian chúng tôi ở Istanbul. Can nghĩ rằng có lẽ họ làm vậy vì lý do chiến tranh. Nhưng việc chẳng hề tìm được tên mình ở đâu, trong sổ sách của lãnh sự quán cũng như sổ sách ghi danh của tất cả các trường học, đôi khi khiến tôi tự hỏi liệu mình có tồn tại không nữa. Tôi biết là thật vô lý khi nghĩ vậy và hôm kia tôi đã quyết định ngừng công việc tìm kiếm đã bắt đầu trở nên nặng nề với mình.

Sau đó chúng tôi quay lại gặp người thợ nước hoa ở Cihangir, hai ngày vừa qua được làm việc bên ông ấy thú vị hơn nhiều những ngày trước đó. Nhờ khả năng phiên dịch tài tình của Can, tiếng Anh của anh ấy đã cải thiện đáng kể từ lúc anh đi, tôi đã giải thích được với người thợ dự án của mình. Ban đầu ông ấy nghĩ hẳn tôi điên, nhưng tôi đã vận một mẹo nhỏ để thuyết phục ông ấy. Tôi nói về đồng hương của mình, về tất cả những người chưa có cơ hội được tới thăm Istanbul, những người chưa bao giờ được trèò lên ngọn đồi ở Cihangir, những người không được dạo bước trên những con đường hèm rải đá dẫn xuống phía eo Bosphore, những người chỉ có thể ngắm nhìn ánh trăng dát bạc trên mặt nước bập bềnh cửa eo biển qua bưu thiếp, những người chưa bao giờ được nghe tiếng còi của những con tàu hơi nước đang rẽ sóng về phía Üsküdar. Tôi nói với ông ấy rằng sẽ thật tuyệt vời khi giúp những con người ấy có thể mường tượng ta Istanbul diệu kỳ bằng một lọ nước hoa, thứ sẽ kể cho họ về tất cả những vẻ đẹp của thành phố. Và bởi vì người thợ nước hoa già yêu thành phố của mình hơn tất thảy nên ông ấy ngừng cười rồi bỗng chú tâm vào lời tôi nói. Tôi đã chép ra giấy danh sách dài những mùi hương mình ngửi thấy trong những con hẻm ở Cihangir rồi Can đọc lại cho người thợ nghe. Người thợ già rất xúc động. Tôi biết dự án này quá mức tham vọng nhưng tôi đã bắt đầu giấc mơ giữa ban ngày, tôi mơ một ngày nào đó, trong tủ kính một cửa hàng nước hoa ở Kensington hay Piccadilly sẽ có lọ nước hoa mang tên Istanbul. Xin anh đừng chế giễu tôi, tôi đã thuyết phục được người thợ ở Cihangir và tôi cần anh đồng lòng ủng hộ tôi về mặt tinh thần.

Cách tiếp cận của chúng tôi khác nhau, ông ấy chỉ nghĩ đến việc điều chế nguyên chất còn tôi thì theo phương pháp hóa học, nhưng cách làm việc của ông ấy dẫn tôi trở lại với điều cốt yếu, nó mở ra cho tôi những chân trời mới. Phương pháp của chúng tôi ngày càng bổ trợ cho nhau. Tái hiện một mùi hương không phải chỉ là pha trộn tạo ra hỗn hợp mà phải bắt đầu bằng việc ghi lại tất cả những gì khứu giác của ta mách bảo, tất cả những ẫn tượng nó khắc sâu trong ký ức ta giống như cây kim của máy ghi khắc lại một giai điệu troeen lớp xi của đĩa hát rãnh mịn.

Daldry thân mến, giờ đây tôi kể lại cho anh tất cả những chuyện này không phải chỉ đẻ nói về bản thân mình, dù cho tôi rất thích làm việc đó, mà còn để chính tôi cũng được biết công việc của anh tiến triển đến đâu rồi.

Chúng ta cộng tác với nhau nên không có chuyện chỉ mình tôi phải làm việc. Nếu như anh chưa quên bất cư điều gì trong thỏa thuận chúng ta đã thống nhất tại một nhà hàng tuyệt vời ở Luân Đôn thì hẳn anh vẫn còn nhớ mình cũng phải khẳng định tài năng của bản thân bằng cách vẽ lại quang cảnh ngã tư đẹp nhất Istanbul. Tôi hẳn sẽ vui sướng khi đọc thấy trong thư sau của anh bản danh sách chi tiết nhất về những gì anh ghi lại được trong lúc tôi đứng đợi anh trên cầu Galata. Tôi không quên bất cứ điều gì của ngày hôm ấy và hy vọng anh cũng thế, bởi tôi mong trên bức tranh của anh sẽ không thiếu một chi tiết nào. Anh hãy coi như đó là một câu hỏi dạng viết và đừng có ngước mắt lên trời... dù cho tôi đoán anh đang làm thế rồi. Những ngày vừa qua tôi đã tới thăm hơi nhiều trường học mà.

Nếu muốn, anh có thể nghĩ rằng khi thỉnh cầu như vậu tức là tôi đang đặt ra cho anh một thử thách, Daldry thân mến ạ. Tôi hứa khi nào về Luân Đôn sẽ mang tới cho anh loại nước hoa do chính tôi tạo ra, và khi anh ngửi hương thơm của nó, mọi kỷ niệm trong anh sẽ sống dậy. Vậy nên tôi cũng hy vọng lúc tôi trở lại, anh sẽ cho tôi xem bức tranh hoàn chỉnh của anh. Chúng sẽ có một điểm chung, bởi mỗi thứ đều sẽ kể lại những ngày chúng ta trải qua tại Cihangir và Galata theo cách riêng của mình.

Giờ tới lượt tôi cũng phải xin lỗi anh vì đã dùng cách lòng vòng như vậy để ngầm nói với anh rằng tôi sẽ ở lại đây lâu hơn.

Tôi lại cảm thấy mình cần làm và mình muốn làm. Tôi hạnh phúc, Daldry ạ, thực sự hạnh phúc. Tôi cảm thấy tự do hơn bao giờ hết, tôi nghĩ thậm chí có thể khẳng định rằng mình chưa bao giờ biết đến một cảm giác tự do đến vậy và nó hình như men say với tôi. Vì thế, tôi không muốn mình là gánh nặng tài chính vung phí món thừa kế của anh. Ngân phiếu anh gửi hàng tuần cho phép tôi được sống trong điều kiện quá mức ưu đãi mà tôi lại không cần tiện nghi đến vậy, xa hoa đến vậy. Có Can đồng hành thật quý giá và anh ấy đã xắp xếp tìm giúp tôi một căn phòng xinh xắn trong ngôi nhà ở Üsküdar, không xa nhà anh ấy là mấy. Một trong những bà cô của anh ấy sẽ cho tôi thuê lại. Tôi vui mừng phát điên, ngày mai tôi sẽ rời khách sạn và bắt đầu sống như một người Istanbul thực thụ. Mỗi sáng tôi sẽ mất gần một giờ đồng hồ để tới chỗ người thợ làm nước hoa, buổi tối thì hơn tiếng một chút mới về đến nhà, nhưng tôi không phàn nàn về chuyện đó, mà ngược lại, ngày hai lần băng qua eo Bosphore bằng vapur, như ở đây người ta vẫn gọi thế, cũng không vất vả bằng chen chúc nhau trong những chuyến xe điện ngầm ở Luân Đôn. Bà cô của Can gợi ý tôi làm phục vụ tại nhà hàng của bà tại Üsküdar, đó là nhà hàng ngon nhất trong khu vực và du khách kéo tới đó ngày một đông. Vậy nên tuyển được một người nói tiếng Anh rất có lợi cho bà ấy. Can sẽ dạy tôi đọc thực đơn và nói được bằng tiếng Thổ thành phần các món ăn do ông chồng thống trị nhà bếp của Mana Can chế biến. Tôi sẽ làm việc ba ngày cuối tuần và thù lao của tôi thừa mức đủ sống, một cuộc sống chắc chắn là giản dị hơn những ngày chúng ta trải qua ở Istanbul, nhưng là cuộc sống vốn quen thuộc với tôi trước khi biết anh.

Daldry thân mến ạ, đêm đã buông xuống Istanbul từ lâu, đêm cuối cùng của tôi tại khách sạn, vậy nên tôi sẽ tận hưởng căn phòng xa hoa này trước khi chìm vào giấc ngủ. Mỗi tối khi bước qua căn phòng anh từng ở, tôi đều thì thầm lời chúc buổi tối dành cho anh; khi chuyển tới Üsküdar, tôi sẽ tiếp tục làm như vậy từ bậu cửa sổ căn phòng nhìn ra eo Bosphore.

Tôi sẽ ghi lại địa chỉ ở mặt sau lá thư và tôi nóng lòng đợi hồi âm của anh, tôi hy vọng có kèm cả danh sách mà tôi buộc anh phải viết.

Anh bảo trọng nhé.

Hôn anh, như một người bạn.

Alice

Alice,

Vì tôi rất biết nghe lời...

Về xe điện:

Bên trong ốp gỗ, nẹp sàn mòn vẹt, một cánh cửa kính mài chàm ngăn giữa người lái và hành khách, tay quay bằng sắt của người lái, đèn trần mù mờ, lớp sơn màu kem đã cũ, bong tróc khắp nơi.

Về cầu Galata:

Mặt cầu có mái che xiên vẹo, từ đó đường ray của hai tuyến xe điện bắt đầu chạy thẳng, mà chúng còn lâu mới đạt đến độ song song hoàn hảo; vỉa hè gập ghềnh, thành cầu bằng đá, hai bên tay vịn bằng sắt rèn màu đen, đầy vết han gỉ và để lộ ra những chỗ ăn mòn ở điểm kim loại ăn vào đá; năm người câu cá đứng chống khuỷu tay vào lan can, trong đó có một cậu nhóc lẽ ra nên đến trường thì tốt hơn là đi câu vào một ngày giữa tuần. Một người bán dưa hấu đứng sau chiếc xe ba gác phủ bạt sọc trắng đỏ; một người bán báo với chiếc túi đeo bằng vải, sợi dây vắt chéo qua vai, mũ lưỡi trai đội lệch còn miệng đang nhai một mẩu thuốc lá (mà anh ta sẽ nhổ ra ngay sau đó); một người bán các loại vòng vèo nhìn eo Bosphore lòng tự hỏi phải chăng sẽ đơn giản hơn nếu quẳng cả anh ta cùng mớ hàng hóa xuống đó; một tay móc túi, hay ít nhất là một gã cứ vật vờ với dáng vẻ gian xảo; trên vỉa hè đối diện, một thương gia mà cứ nhìn vẻ mặt mệt mỏi của ông ta mặc bộ com lê màu lam thẫm, đội mũ và đi đôi giày trắng mũi bọc; hai phụ nữ đi sóng đôi, có lẽ là hai chị em vì vẻ ngoài khá giống nhau; phía sau họ khoảng mười bước chân, một anh chàng bị cắm sừng nhưng có vẻ chưa chấp nhận thực tế; xa hơn chút nữa, một thủy thủ bước xuống cầu thang đi về phía bờ.

Tiện thể nói về bờ, ở đó có hai cầu tàu đang bập bềnh nơi người ta neo những con thuyền màu sắc sặc sỡ, một số có vỏ sọc màu đỏ chàm, số khác sọc vàng tươi. Một bến tàu thủy, nơi có năm người đàn ồng, ba phụ nữ và hai cậu nhóc đang đứng đợi.

Con hẻm chạy dốc lên phía những đồi cao khiến người ta nếu để ý một chút có thể thấy rõ mặt tiền của một tiệm hoa; tiếp theo là chuỗi liên tiếp gồm một của hàng giấy bút, một quầy thuốc là, một quầy rau quả, một hàng tạp hóa và một tiệm cà phê; đến đó thì con hẻm rẽ ngoặt nên tôi không nhìn tiếp được nữa.

Tôi miễn cho cô nghe những miêu tả về màu sắc biến chuyển trên bầu trời mà giữ lại cho riêng mình, cô sẽ khám phá ra điều đó khi xem tranh, còn về eo Bosphore, chúng ta đã cùng nhau chiêm ngưỡng đủ lâu để cô có thể hình dung ra những tia sáng phản chiếu ở chỗ nước xoáy, phía đuôi các con tàu hơi nước.

Phía xa là ngọn đồi Üsküdar cùng những ngôi nhà chênh vênh trên đó, giờ đây khi biết cô sắp tới sống ở đấy tôi sẽ lưu tâm khi vẽ; chóp nhọn của những tháp giáo đường; hàng trăm con tàu, xà lúp, xuồng, thuyền một buồm chạy ngang dọc khắp vịnh... Tôi công nhận là mọi thứ vẫn còn hơi lộn xộn nhưng tôi hy vọng mình đã vượt qua được kỳ thi lên lớp một cách xuông sẻ.

Tôi gửi lá thư này theo địa chỉ cô mới cho tôi lần trước, hy vọng nó sẽ đến được với cô ở khu mà tôi không được ưu ái tới thăm.

Người bạn tận tâm của cô,

Daldry

TB: Cô không bắt buộc phải chuyển lời chào của tôi đến Can và cả đến bà cô của anh ta nữa. Tôi quên mất, ở đây trời mưa hôm thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm, có hơi ngớt mưa vào thứ Tư, nhưng thứ Sáu thì nắng rực rỡ...

Daldry,

Vậy là những ngày cuối cùng của tháng Ba đã tới. Tuần trước tôi không viết được cho anh. Giữa những buổi ngồi lì tại xưởng của người thợ nước hoa ở Cihangir và những buổi tối trong nhà hàng ở Üsküdar, không hiếm khi tôi ngủ thiếp đi ngay khi vừa đặt mình xuống chiếc giường trong phòng mình. Giờ thì ngày nào tôi cũng làm việc ở nhà hàng. Anh sẽ tự hào về tôi, tôi đã rất nhanh nhẹn linh hoạt khi xoay sở với các món ăn và đống bát đĩa, giờ tôi có thể bê ba đĩa trên mỗi cánh tay mà không mấy khi làm vỡ... Mana Can, đấy là cái tên mà tất cả mọi người dành cho bà cô anh chàng hướng dẫn viên của chúng ta, rất quý mến tôi. Nếu ăn hết tất cả những thứ bà ấy tặng cho mình thì hẳn khi về Luân Đôn sẽ béo như gấu.

Sáng nào Can cũng tới đợi tôi dưới nhà rồi chúng tôi đi dạo tới tận bến tàu thủy. Buổi chiều đi dạo mất khoảng mười lăm phút nhưng rất dễ chịu, trừ khi gió Bắc nổi lên. Mấy tuần vừa rồi trời lạnh hơn nhiều so với khi anh còn ở đây.

Được băng qua eo Bosphore vẫn thật tuyệt vời. Mỗi lần như vậy tôi đều tự đùa mình với ý nghĩ rằng tôi đang sang châu Âu để làm việc và buổi tối sẽ quay về lại nhà ở châu Á. Cập bến là chúng tôi liền bắt xe buýt ngay, còn khi nào đi muộn hơn một chút, mà thường thì đều do lỗi của tôi, tôi lại dùng tiền được khách boa hôm trước để đi xe dolmuş. Như thế đắt hơn xe buýt một chút nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với đi taxi.

Khi đã tới Cihangir, chúng tôi còn phải trèo lên những con hẻm dốc đứng nữa. Gần như ngày nào tôi cũng đến vào cùng một quãng giờ nên thường gặp một người bán giày rong vào lúc ông ấy ra khỏi nhà, ông ấy đeo chiếc hòm bằng gỗ lớn nặng gần bằng trọng lượng của mình ngang vùng thắt lưng. Chúng tôi chào nhau rồi ông ấy vừa hát vừa xuôi xuống sườn đồi còn tôi thì leo lên. Chỗ mấy ngôi nhà nằm phía xa, một người phụ nữ đứng ở ngưỡng của nhìn hai đứa con khoác cặp đến trường; cô ấy dõi theo bọn nhỏ cho tới khi bóng của chúng khuất sau góc phố. Khi tôi đi qua, cô ấy mỉm cười với tôi và tôi cảm thấy trong đôi mắt cô ấy có một nỗi lo lắng sẽ chỉ lịm tắt vào cuối ngày khi mấy đứa con nhỏ trở về.

Tôi rất hợp với một người bán thực phẩm khô, sáng nào anh ta cũng tặng tôi một thứ trái cây để tôi chọn trên quầy. Anh ta bảo rằng da tôi trắng nhợt mà các thứ quả của anh ta lại rất tốt cho sức khỏe. Tôi nghĩ anh ta quý tôi và tôi cũng vậy. Buổi trưa, lúc người thợ nước hoa sum họp với vợ, tôi dẫn Can tới cửa hàng thực phẩm khô nhỏ ấy và chúng tôi mua gì đó cho bữa trưa. Rồi cả hai chúng tôi cùng ngồi ở ghế đa trong khu nghĩa trang xinh đẹp dưới bóng một cây vả lớn, chúng tôi tưởng tượng ra cuộc đời đã qua của những người đang yên nghỉ tại đây và cùng nhau cười vui. Sau đó, tôi quay lại xưởng, người thợ đã kê tạm cho tôi một chiếc bàn đàn ống để làm việc. Còn tôi có thể tự mua cho mình mọi dụng cụ cần thiết. Công việc của tôi có nhiều tiến triển. Hiện giờ tôi đang cố tái tạo ký ức về bụi. Đừng có nhạo tôi, trong kỷ niệm của tôi chỗ nào cũng thấy có bụi, và tôi thấy ở đó mùi đất, mùi của những bức tường cũ, của những con đường đầy đá cuội, của muối, của thứ bùn trộn lẫn gỗ mục. Người thợ đã chỉ cho tôi thấy một số khám phá của ông. Giờ đây chúng tôi đã thực sự thông hiểu và hỗ trợ cho nhau. Rồi khi trời tối, Can và tôi về nhà theo đường cũ. Chúng tôi lại bắt xe buýt, rồi lúc nào cũng phải dứng đợi trên bờ kè khá lâu chuyến tàu hơi nước mới tới, nhất là khi trời lạnh, nhưng tôi hòa mình vào đám đông toàn cư dân Istanbul và mỗi ngày qua tôi lại càng cảm thấy mình là một phần trong số họ; tôi không biết tại sao điều ấy lại kiến tôi say sưa đến vậy nhưng đúng là thế đó. Tôi hòa theo nhịp sống của thành phố, tôi đã quen với nó. Tôi thuyết phục Mama Can cho tôi được tới nhà hàng của bà tất cả các buổi tối là vì việc ấy khiến tôi thấy hạnh phúc. Tôi thích được len lỏi giữa các thực khách, thích được nghe người đầu bếp hét lên mỗi khi làm xong một món mà tôi thì chậm chạp chưa tới bê đi, tôi thích những nụ cười đồng lõa của các đồng nghiệp mỗi khi Mama Can vỗ vỗ tay cho ông chồng đầu bếp đang rống lên phải ngừng bặt. Ngay khi nhà hàng đóng cửa, lần cuối cùng trong buổi tối, ông chú Can hét lên gọi chúng tôi vào bếp; Khi tất cả đã ngồi quanh chiếc bàn lớn bằng gỗ, ông trải khăn và phục vụ chúng tôi một bữa tối hẳn sẽ khiến anh phải hài lòng. Và đó là những khoảnh khắc trong cuộc sống của tôi ở đây, những khoảnh khắc ấy khiến tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Tôi luôn nhớ rằng nhờ có anh mà tôi được thế này, Daldry ạ, nhờ anh và chỉ mình anh. Tôi những muôn một buổi tối nào đó được thấy anh đẩy cánh cửa nhà hàng của Mama Can bước vào, anh sẽ được khám phá những món ăn hẳn sẽ khiến mắt anh nhòa lệ. Lúc nào tôi cũng thấy nhớ anh. Tôi mong sớm nhận được tin anh, nhưng lần này không phải là một bản danh sách nữa, thư trước của anh chẳng nói gì về bản thân anh mà đó mới chính là điều tôi muốn được đọc.

Bạn của anh,

Alice

Alice,

Sáng nay người bưu tá đã chuyển thư cho tôi, nói thế là hơi quá, thực ra ông ấy đã ném vào mặt tôi. Người đàn ông ấy rất bực bội, từ hai tuần nay ông ấy không thèm nói chuyện với tôi nữa. Đúng là tôi đã bắt đầu lo lắng vì không có tin tức gì của cô, tôi sợ có chuyện gì xảy đến với cô và ngày nào cũng trách móc bưu điện. Vậy nên tôi đã nhiều lần đến đó kiểm tra xem liệu thư của cô có bị thất lạc không. Tôi đã có chút xích mích với người trực quầy giao dịch, và xin thề với cô là lần này lỗi không phải tại tôi, tất cả chỉ vì anh ta không chịu đựng được việc tôi nghi ngờ tính trung thực của dịch vụ anh ta cung cấp. Cứ như thể bưu điện của Nhà vua anh ta chưa bao giờ biết đến chuyện làm mất mát hoặc để chậm trễ! Tôi chỉ ám chỉ y như vậy với người bưu tá và ông ta cũng rất tức giận. Những con người mặc đồng phục ấy dễ tự ái đến mức chả còn chút khiếu hài hước nào.

Vì cô mà giờ đây tôi phải tới xin họ tha lỗi. Nếu như thời gian biểu của cô kín đến mức cô không tìm đâu ra một khoảng thời gian trống để dành cho tôi thì tôi xin cô ít nhất cũng dành ra vài phút viết cho tôi mấy chữ thông báo rằng cô không có thời gian viết thư cho tôi. Chỉ vài chữ thôi cũng đủ dập tắt được một mối lo lắng vô ích. Cô hãy hiểu cho rằng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trước việc cô có mặt ở Istanbul, vì vậy việc cô bình an vô sự ở đó đương nhiên thuộc bổn phận của tôi.

Tôi rất mừng khi thấy cô và Can ngày càng hòa hợp, bởi theo những gì cô viết thì ngày nào cô cũng ăn trưa cùng anh ta, hơn nữa lại ăn ở nghĩa trang, với tôi đó dù sao cũng là một nơi khá kỳ cục để dùng bữa, nhưng thôi, vì việc ấy khiến cô thấy vui, nên tôi không còn gì để nói.

Tôi rất tò mò về công việc của cô. Nếu đúng là cô đang tìm cách tái hiện ký ức về bụi thì ở lại Istanbul chẳng ích chi, cô nên quay về càng sớm càng tốt, cô sẽ nhận thấy trong căn hộ của mình, bụi vẫn y nguyên như trong ký ức.

Cô đã nói là cô muốn biết tin tức của tôi... Giống như cô, tôi cũng chăm chỉ làm việc và cây cầu Galata đang dần hiện ra dưới cọ vẽ của tôi. Mấy ngày vừa qua tôi bắt tay vào phác họa những nhân vật sẽ có mặt trong tranh, sau đó tôi trau chuốt chi tiết cho các ngôi nhà ở Üsküdar.

Tôi đã tới thư viện và tìm được những bức tranh cổ tái hiện quang cảnh tuyệt đẹp phía bờ thuộc châu Á của eo Bosphore, chúng sẽ rất có ích với tôi. Trưa nào tôi cũng rời căn hộ ra quán bar đầu phố dùng bữa, cô biết chỗ đó rồi nên tôi không cần phải tả nữa. Cô còn nhớ bà góa ngồi một mình ở cái bàn phía sau chúng ta vào hôm cả hai ta tới đó không? Tô có tin vui đây, tôi nghĩ thời kỳ ở góa của bà ấy đã kết thúc và bà ấy đã gặp được người đàn ông khác. Hôm qua bà ấy bước vào quán cùng với một người đàn ông trạc tầm tuổi bà, ông ta ăn mặc khá cẩu thả nhưng khuôn mặt lại dễ gây thiện cảm và tôi thấy họ dùng bữa cùng nhau. Tôi hy vọng chuyện của họ được bền lâu. Chẳng gì ngăn nổi người ta yêu, dù cho ở bất kỳ lứa tuổi nào, phải vậy không?

Đầu giờ chiều, tôi tới căn hộ của cô dọn dẹp một chút, sau đó ngồi vẽ đến tận tối. Ánh sáng rọi xuống qua tấm mái kính nhà cô gần như là thần khải đổi với tôi, tôi chưa bao giờ làm việc hiệu quả đến vậy.

Hôm thứ Bảy tôi đi dạo ở Công viên Hyde. Mưa suốt hai ngày cuối tuần nên tôi gần như chẳng gặp ai ở đó và tôi thấy thích như vậy.

Lại nói đến chuyện gặp người quen, hôm đầu tuần tôi đã gặp một trong những cô bạn của cô trên phố. Một cô Carol nào đó đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi. Tôi đã nhớ ra khi cô ấy kể lại buổi tối tôi đột ngột xông vào nhà cô. Tiện đây tôi cũng muốn nói là tôi lấy làm tiếc vì đã cư xử như vậy. Nhưng bạn cô tới bắt chuyện với tôi không phải để trách cứ tôi vì chuyện lần đó mà bởi cô ấy biết chúng ta đã đi du lịch cùng nhau và trong thoáng chôc hy vọng rằng cô đã trở về. Tôi bảo cô ấy không phải thế rồi chúng tôi cùng đi uống trà, tranh thủ khoảng thời gian ấy tôi đã mạn phép thông báo tin tức của cô. Đương nhiên là tôi không đủ thời gian để kể với cô ấy mọi chuyện, cô ấy phải tới bệnh viện; cô ấy là y tá, còn tôi thì thật ngu ngốc lại đi nói với cô điều ấy bởi cô ấy là bạn thân của cô, nhưng tôi rất ghét phải gạch xóa. Carol tỏ ra rất hào hứng với câu chuyện về những ngày chúng ta lưu lại Istanbul và tôi đã hứa tuần tới sẽ ăn tối cùng cô ấy để kể tiếp cho cô ấy nghe. Cô đừng lo, chuyện này chẳng có gì khó nhọc cả, bạn cô rất thú vị.

Vậy đấy Alice thân mến ạ, qua những gì vừa đọc hẳn cô đã nhận ra, cuộc sống của tôi không có nhiều mới lạ như của cô nhưng cũng giống như cô, tôi thấy hạnh phúc.

Bạn của cô,

Daldry

TB: Trong thư trước, vẫn trong lúc nói về anh chàng Can thân mến, cô đã viết: “Sáng nào Can cũng đợi tôi dưới nhà:. Phải chăng ý cô muốn nói giờ Istanbul đã trở thành “nhà cô”?

(trang trong sách truyện - ảnh chụp quá mờ không nhìn thấy)

gặp anh ta, anh ta chính là chủ cửa hàng nhạc cụ nơi tôi mua cây kèn trompet. Nhưng nói về tôi thế là đủ rồi. Vậy là anh đã gặp Carol? Tôi rất mừng vì điều ấy, cô ấy có một trái tim vàng và đã tìm được nghề phù hợp với trái tim ấy. Tôi hy vọng anh có quãng thời gian dễ chịu bên cô ấy. Chủ nhật tới, nếu trời đẹp, thời tiết cũng đã dịu đi rất nhiều rồi, chúng tôi, tức là có cả Can và cháu ông Zemirli, sẽ đi dã ngoại trên đảo Các Hoàng tử; tôi từng kể anh nghe về đảo ấy trong thư trước đây rồi. Mỗi tuần Mama Can cho phép tôi được nghỉ một ngày,vậy nên tôi thuận theo thôi.

Tôi rất vui khi biết việc thực hiện bức tranh đã tiến triển và anh thấy thích khi làm việc dưới mái kính nhà tôi. Tóm lại, tôi thích hình dung ra cảnh anh ở nhà tôi, cầm cọ vẽ trên tay, tôi hy vọng mỗi tối lúc rời đi anh sẽ để vương lại chút màu vẽ cũng như chút ngông cuồng của mình để làm nơi ấy thêm vui mắt (anh cứ coi đay là lời khen chỗ bạn bè với nhau).

Tôi lúc nào cũng thấy muốn viết thư cho anh nhưng tôi mệt đến mức lại thường xuyên từ bỏ mong muốn ấy. Thêm nữa, tôi sẽ dừng bút sớm ngay tại đây dù còn muốn kể với anh hàng nghìn điều khác vì hai mắt tôi đang trĩu xuống. Mong anh biết rằng tôi vẫn luôn trung thành với tình bạn của anh và mỗi tối trước khi đi ngủ tôi đều gửi đến anh những suy tư trìu mến nhất từ cửa sổ phòng mình ở Üsküdar.

Ôm hôn anh.

Alice

TB: Tôi quyết định học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và điều ấy khiến tôi vui lắm. Can đang dạy cho tôi và tôi tiến bộ nhanh chóng khiến anh ấy chưng hửng, anh ấy bảo rằng tôi nói gần như không có trọng âm nữa, rằng anh ấy tự hào về tôi. Tôi hy vọng anh cũng thế.

Suzie vô cùng thân mến!

Xin đừng ngạc nhiên... Cô đặt cho tôi cái tên mới, Anton, trong khi tên tôi vốn là Ethan và khi viết cho tôi, cô vẫn luôn mở đầu bằng dòng “Daldry thân mến”.

Ai là anh chàng Anton mà cô nghĩ đến trong lúc ngồi viết cho tôi lá thư vừa rồi ( nó cũng đến muộn chẳng kém thư trước là bao)?

Nếu không cực kỳ ghét chuyện gạch xóa thì hẳn tôi đã gạch đi tất cả những gì vừa viết mà ắt sẽ khiến cô nghĩ rằng tôi đang bực bội. Cô nghĩ thế cũng không sai, tôi không hài lòng với công việc đã hoàn thành từ nhiều ngày nay. Những ngôi nhà ở Üsküdar và đặc biệt là ngôi nhà cô đang ở khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chắc cô cũng biết nếu nhìn từ chỗ chúng ta đứng trên cầu Galata thì những ngôi nhà ấy vô cùng bé, nhưng giờ khi đã biết cô sống ở đó, tôi muốn vẽ chúng lớn hơn, có thể phân biệt để cô còn nhận ra được nhà mình.

Trong thư trước, tôi thấy cô không hề nói về công việc của mình. Không phải tôi lo lắng với tư cách người cộng tác làm ăn với cô mà chỉ là người bạn đang tò mò thôi. Công việc của cô tiến triển đến đâu rồi? Cô đã tái hiện được ký ức về bụi chưa hay là cô muốn tôi gửi sang cho một gói bụi nhỏ?

Chiếc Austin cũ của tôi không còn chạy được nữa rồi. Rõ ràng là không đáng buồn bằng việc ông Zemirli qua đời nhưng tôi biết cái xe lâu hơn quen biết ông Zemirli rất nhiều và tôi không giấu cô rằng trái tim tôi nhói đau khi phải để nó lại garage. Mặt tích cực đó là tôi sẽ có thể phung phí thêm chút nữa món thừa kế của mình, bởi vì cô đã không chịu giúp tôi phung phí khoản đó, và tuần sau tôi sẽ đi mua một chiếc xe mới toanh. Tôi hy vọng (nếu ngày nào đó cô trở về) được vinh dự chỉ cho cô cách lái nó. Có vẻ như thời gian cô lưu lại Istanbul sẽ kéo dài nên tôi đã quyết định thay cô trả tiền thuê cho người chủ nhà của chúng ta, mong cô hãy tử tế đừng cự nự tôi một lần, làm thế là hết sức hợp lý bởi tôi là người duy nhất sử dụng căn hộ ấy.

Tôi hy vọng chuyến đi dạo của cô trên đảo Các Hoàng tử mang lại nhiều thú vị đúng như cô mong đợi. Về chuyện đi chơi cuối tuần thì cuối tuần này tôi sẽ để cô bạn Carol của cô lôi kéo đến rạp chiếu bóng thì đó quả là một ý tưởng vô cùng độc đáo.

Tôi chưa thể tiết lộ tên bộ phim chúng tôi sẽ xem với cô được bởi đó còn là một bất ngờ. Tôi sẽ kể cho cô về buổi đi xem phim trong thư sau.

Xin gửi đến co những suy tư trìu mến nhất từ căn hộ của cô, trước lúc tôi trở về nhà mình vào sẩm tối.

Mong sớm được gặp lại cô, Alice thân mến ạ. Tôi nhớ trong bữa tối của chúng ta ở Istanbul và những điều cô kể về nhà hàng của Mama Can cùng người chồng đầu bếp của bà ấy khiến tôi thấy ngon miệng hơn.

Daldry

TB: Tôi rất vui mừng trước năng khiếu ngôn ngữ của cô. Tuy nhiên, nếu chỉ có Can dạy cô thì tôi dứt khoát khuyên cô nên kiểm tra lại trong một cuốn từ điển chính thống những gì anh ta dịch cho cô.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một gợi ý...

Daldry,

Từ nhà hàng về, tôi ngồi viết thư cho anh giữa một đem không tài nào chợp mắt được. Hôm nay có một chuyện xảy ra khiến tôi vô cùng bối rối.

Như mọi sáng, Can đến đón tôi. Chúng tôi xuôi theo những ngọn đồi ở Üsküdar xuống phía eo Bosphore. Trong đêm trước, một dinh thự bị thiêu rụi, mặt tiền tòa nhà cổ đổ sập ngay giữa con phố chúng tôi vẫn qua hằng ngày khiến chúng tôi phải đi vòng tránh đống đổ nát. Phố xá quanh đó cũng ngổn ngang tắc nghẽn nên chúng tôi đã đi qua vòng khá xa.

Trong thư đã có lần tôi kể với anh rằng chỉ cần một mùi hương cũng đủ giúp ta tìm lại được ký ức về một nơi không còn nữa đúng không? Trong lúc đi dọc một bờ rào sắt chằng chịt dây hồng leo, tôi dừng khựng lại; một mùi hương quen thuộc đến mức lạ thường với tôi, mùi cây đoạn hòa lẫn với hương hồng dại. Chúng tôi đẩy một đoạn rào sắt và phát hiện ra một căn nhà bị lãng quên phủ bụi thời gian nằm sâu trong con ngõ cụt.

Chúng tôi liền bước vào sân, một người đàn ông đứng tuổi đang tỉ mẩn chăm sóc đám cây cối vừa đâm chồi nẩy lộc cùng với mùa xuân. Bất chợt tôi nhận thấy mùi hương hoa hồng, mùi những viên sỏi, mùi của bức tường vôi và một chiếc ghế băng bằng đá nằm dưới tán cây đoạn, vậy là hình ảnh nơi ấy trỗi dậy trong ký ức tôi. Tôi như thấy lại khoảnh sân ấy khi xưa lúc còn đầy trẻ con, tôi nhận ra cánh cửa màu xanh phía trên bậc thềm nhà, những hình ảnh đã bị lãng quên ấy lần lượt hiện về trong tôi như một giấc mơ.

Người đàn ông đứng tuổi lại gần hỏi xem chúng tôi cần gì. Tôi hỏi ông ấy xem khi xưa từng có ngôi trường nào ở đây không?

“Có đấy, ông tiết lộ, một ngôi trường nhỏ thôi, nhưng từ lâu nó đã trở thành nơi ở của người làm vườn rồi.”

Người đàn ông cho tôi biết hồi đầu thế kỷ ông là giáo viên tiểu học, ngôi trường là của bố ông. Năm khi cách mạng nổ ra thì ngôi trường đóng cửa rồi không bao giờ mở lại nữa.

Ông đeo kính vào, tới gần sát tôi và nhìn tôi chằm chằm khiến tôi khó chịu. Sau đó ông ấy đặt cái cào của mình xuống rồi nói:

“Tôi nhận ra cô rồi, cô bé Anouche đây mà.”

Ban đầu tôi nghĩ hẳn ông ấy cũng không còn minh mẫn nữa, nhưng tôi nhớ ra là cả hai chúng ta cũng đã nghĩ như vậy về ông Zemirli tội nghiệp, vậy nên tôi gạt thành kiến của mình và đáp rằng có lẽ ông nhầm rồi, rằng tên tôi là Alice.

Ông khăng khăng vẫn nhớ tôi. “Ánh mắt của cô bé bị lạc này, bác không thể nào quên được”, ông nói và đã mời chúng tôi vào nhà dùng trà. Khi chúng tôi vừa vào đến phòng khách, ông liền nắm lấy tay tôi rồi thở dài:

“Anouche tội nghiệp của bác, bác rất buồn vì chuyện bố mẹ cháu.”

Làm thế nào mà ông ấy lại biết chuyện bố mẹ tôi đã thiệt mạng trong trận ném bom Luân Đôn? Tôi thấy ông ấy càng thêm bối rối khi nhận được câu hỏi ấy.

“Bố mẹ cháu đã chạy trốn được sang Anh ư? Cháu nói gì vậy Anouche, không thể thế được.”

Những lời ông ấy nói chẳng có ý nghĩa gì nhưng ông ấy lại tiếp tục.

“Bố bác biết rất rõ bố cháu. Trò tàn bạo của những thanh niên điên rồi, thật là bi kịch! Mọi người không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy đến với mẹ cháu. Cháu biết đấy, không phải chỉ có cháu gặp nguy hiểm. Chính vì thế mà tất cả chúng ta đều quên đi rằng họ đã buộc chúng ta phải câm miệng.”

Tôi chẳng hiểu chút gì trong câu chuyện của ông ấy, lại càng không hiểu những gì người đàn ông ấy vừa kể, Daldry ạ, nhưng giọng ông ấy thành thực đến mức khiến tôi thấy hoang mang, lung lay.

“Cháu là một cô bé chăm chỉ, thông minh, dù cho cháu không không nói bao giờ. Không thể nghe được bất cứ âm thanh gì phát ra từ miệng cháu. Điều ấy khiến mẹ cháu tuyệt vọng. Nhìn cháu là có thể biết được rằng cháu giống mẹ. Lúc trông thấy cháu trong ngõ khi nãy, bác tưởng như đã nhận ra mẹ cháu, nhưng dĩ nhiên là không thể thế được, mọi chuyện xảy ra quá lâu rồi. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, mẹ cháu vẫn dẫn cháu tới, vô cùng hạnh phúc vì cháu có thể học ở đây. Chỉ có mình bố bác chịu nhận cháu vào trường của ông, những nơi khác đều từ chối vì cháu cứ khăng khăng không chịu nói.”

Tôi đã hỏi cắt ngang lời ông, tại sao ông lại ám chỉ rằng mẹ tôi lại có số phận khác với bố tôi, trong khi chính mắt tôi đã nhìn thấy hai người tan biến dưới trận bom?

Ông nhìn tôi vẻ hối tiếc rồi nói.

“Cháu biết không, bà vú nuôi của cháu vẫn sống khá lâu trên những ngọn đồi ở Üsküdar, thỉnh thoảng bác vẫn gặp bà ấy đi chợ, nhưng gần đây thì không thấy bà ấy nữa. Có thể bà ấy mất rồi.”

Tôi hỏi ông ấy xem ông ấy đang nói về bà vú nào.

“Cháu không nhớ bà Yilmaz à? Vậy mà bà ấy đã yêu cháu biết bào... Cháu chịu ơn bà ấy rất nhiều.”

Không thể tìm lại được khoảng ký ức về những năm sống ở Istanbul khiến tôi bực tức và tâm trạng khi ấy lại càng tồi tệ thêm kể từ lúc tôi được nghe câu chuyện không mấy rõ ràng của ông giáo già đã gọi tôi bằng một cái tên khác không phải tên tôi.

Ông dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà và chỉ tôi căn phòng nơi tôi từng học. Giờ nơi ấy đã biến thành phòng đọc sách nhỏ. Ông muốn biết hiện giờ tôi làm gì, đã lập gia đình và sinh con chưa? Tôi kể với ông nghe về nghề nghiệp của mình và gần như không hề ngạc nhiên trước việc tôi chọn hướng đi này, ông nói thêm:

“Đa số những đứa trẻ khác khi được đưa cho thứ gì thì đều đưa lên mồm nếm thử; còn cháu thì cháu ngửi, đó là cách riêng hết sức đặc biệt của cháu để biết xem nên nhận hay nên từ chối thứ ấy.”

Rồi ông dẫn chúng tôi ra tận hàng rào đầu con ngõ cụt, khi đi ngang qua chỗ cây đoạn lớn đổ bóng xuống nửa khoảng sân tôi lại nhận thấy những mùi hương ấy và tôi hiểu rõ rằng đây không phải lần đầu mình tới nơi này.

Can bảo chắc hẳn trước kia tôi hay lui tới trường này, mà người đàn ông đứng tuổi kia thì không còn minh mẫn nữa, ông ấy đã nhầm tôi với đứa trẻ khác rồi lẫn lộn kỷ niệm với nhau giống như tôi vẫn pha trộn các mùi hương với nhau. Anh ấy nói rằng sau khi có một số chuyện xảy đến với tôi thì những kỷ niệm khác rồi cũng sẽ sống lại, rằng chỉ cần kiên nhẫn và tin vào số phận. Nếu như dinh thự ấy không bốc cháy, chúng tôi hẳn sẽ không bao giờ đi qua hàng rào của ngôi trường cũ ấy. Dù tôi biết anh ấy còn có ý khác ngoài chuyện muốn an ủi tôi, nhưng Can hoàn toàn không sai.

Biết bao câu hỏi không lời giải đáp cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi, anh Daldry ạ. Tại sao ông giáo ấy lại gọi tôi là Anouche, trò tàn bạo ông ấy nhắc đến là thế nào? Bố mẹ tôi vẫn ở bên nhau cho tới tận lúc chế vậy tại sao toi lại nghe nói điều ngược lại? Ông ấy có vẻ tin chắc vào điều mình vừa nói và rất buồn vì tôi không nhớ gì nữa.

Xin anh thứ lỗi vì đã viết cho anh những điều vô nghĩa này, vậy nhưng hôm nay tôi đã tận tai nghe thấy những điều ấy.

Ngày mai, tôi sẽ quay lại xưởng ở Cihangir; dù thế nào thì tôi cũng biết được điều cốt yếu. Tôi đã sống ở đây hai năm và vì một lý do nào đó tôi không rõ, bố mẹ đã gửi tôi đến tận ngôi trường ở bên kia eo Bosphore, trong một con ngõ cụt hẻo lánh tại Üsküdar, có lẽ là cùng với bà vú nuôi tên Yilmaz.

Tôi hy vọng là về phần mình anh vẫn khỏe, việc vẽ bức tranh vẫn tiến triển và niềm hứng khởi của anh vẫn tăng lên trước giá vẽ. Mách với anh là căn nhà tôi ở có ba tầng, tường nhà màu hồng nhạt còn cửa sổ thì màu trắng.

Ôm hôn anh.

Alice

TB: Xin lỗi anh vì tôi đã nhầm tên, tôi thật đãng trí. Anton là người bạn cũ mà tôi vẫn thư từ. Nhân nói về bạn bè, anh có thích bộ phim đã cùng đi xem với Carol không?

Alice thân mến,

(Mặc dù Anouche là một cái tên rất đẹp.)

Quả thực tôi nghĩ ông giáo già ấy đã nhầm cô với một bé gái khác thường lui tới ngôi trường ấy. Cô hẳn không nên day dứt bởi những câu chuyện nảy ra trong trí nhớ của một người đàn ông không minh mẫn.

Tin tốt là cô đã tìm được lại ngôi trường từng theo học suốt hai năm tuổi thơ ở Istanbul. Vậy là cô đã có bằng chứng chứng tỏ bố mẹ cô ngay trong thời kỳ khó khăn cũng không lơ là chuyện học hành của cô. Cô còn muốn kiếm tìm gì hơn nữa?

Ngẫm về những câu hỏi không lời đáp của cô, tôi đã tìm ra cho chúng một logic không thể chối cãi được. Trong thời chiến và với hoàn cảnh của họ (tôi cần phải nhắc cô rằng những điều đặc biệt họ làm cho người dân ở Beyoğlu không phải là nguy hiểm), rất có thể bố mẹ cô muốn gửi cô đến một khu khác hơn. Rồi bởi vì hai người đều làm ở bệnh viện nên cũng có thể họ đã thuê một vú em. Đó là lý do tại sao ông Zemirli không nhớ gì về cô. Khi ông ấy tới lấy thuốc thì cô đang ở lớp hoặc được giao cho bà Yilmaz kia. Bí ẩn đã được khám phá và cô có thể bình tâm quay về với công việc mà tôi hy vọng là đang tiến triển nhanh chóng.

Về phần tôi, bức tranh cũng đang dần hiện ra, không nhanh như tôi mong muốn nhưng tôi nghĩ là mình xoay sở khá tốt. Tóm lại là mỗi tối khi rời căn hộ của cô tôi đều tự nhủ như vậy, rồi lại nghĩ hoàn toàn ngược lại khi trở lại vào ngày hôm sau. Nào có thể mong gì hơn, đó là cuộc đời nghiệt ngã của một họa sĩ ảo, ảo tưởng rồi lại vỡ mộng, ta tưởng đã làm chủ được bản thể của mình nhưng chính những cây cọ tệ hại kia mới thống lĩnh ta, mà chúng chỉ cần dùng đầu để làm việc ấy. Dù cho không phải chỉ mình chúng phải dùng đầu...

Và rồi, bởi vì qua thư tôi nhận thấy cô càng lúc càng bớt nhớ Luân Đôn hơn trong khi tôi lại thường xuyên nhớ đến thứ rượu raki tuyệt vời đã uống ở Istanbul cùng với cô, một vài tối tôi bắt đầu mơ tưởng đến bữa tối trong nhà hàng Mama Can; tôi ước một ngày nào đấy có thể tới thăm cô tại đó, dù biết rằng đó là điều không thể vì thời gian này tôi phải làm việc.

Người bạn tận tụy của cô,

Daldry

TB: Cô đã quay về đi dã ngoại trên đảo Các Hoàng tử chưa, nó có xứng với tên gọi ấy không, cô có gặp chàng hoàng tử nào ở đó không?

Daldry thân mến,

Anh hẳn sẽ trách cứ tôi vì thư này đến muộn nhưng đừng giận tôi nhé, tôi đã làm việc không nghỉ suốt ba tuần vừa rồi.

Tôi đã có nhiều tiến bộ và không chỉ trong môn tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Với người thợ ở Cihangir, chúng tôi đã tiến đến được điều gì đó xác thực hơn. Lần đầu tiên chúng tôi có được một sự kết hợp tuyệt vời. Mùa xuân cũng đã giúp sức rất nhiều. Daldry thân mến của tôi ơi, giá như anh biết được Istanbul đã thay đổi thể nào kể từ khi những ngày đẹp trời quay lại. Cuối tuần vừa rồi Can dẫn tôi đi thăm thú vùng nông thôn ngoại vi thành phố và tôi tìm lại được ở đó những mùi hương lạ thường. Xung quanh thành phố giờ phủ toàn hoa hồng, phải có đến cả trăm loại khác nhau. Đào và mơ đều đang giữa mùa hoa nở, những cây tử kinh thì nhuộm tím hai bên bờ Bosphore.

Can bảo với tôi rằng chẳng mấy nữa sẽ tới lượt hoa đậu kim vàng rực rỡ, hoa mỏ hạc, hoa giấy, tú cầu cùng nhiều loại hoa khác. Tôi đã khám phá ra thiên đường trên mặt đất dành cho thợ làm nước hoa và tôi chính là người thợ may mắn nhất được có mặt ở đó. Anh có hỏi tôi về đảo Các Hoàng tử, hòn đảo ấy thật rạng rỡ với thảm thực vật phong phú còn ngọn đồi Üsküdar nơi tôi sống thì không chỉ có thế. Sau khi xong việc ở nhà hàng, tôi thường cùng Can đi nhấm nháp chút gì đó tại những quá cà phê nhỏ ẩn mình trong những khu vườn nằm kín đáo giữa Istanbul.

Chỉ một tháng nữa thôi trời sẽ ấm dần lên và chúng tôi có thể ra biển bơi. Anh thấy đấy, ở đây tôi hạnh phúc đến mức đã gần như mất đi tính kiên nhẫn. Mùa xuân mới qua chưa được một nửa mà tôi thì đã rình chờ hạ tới.

Daldry thân mến, tôi không biết phải trả ơn anh thế nào vì chính nhờ có anh mà tôi mới biết đến một cuộc sống khiến mình say sưa đến vậy. Tôi yêu những giây phút ngồi làm việc bên người thợ nước hoa ở Cihangir, tôi yêu công việc của mình tại nhà hàng Mama Can, bà trìu mến với tôi đến độ như đã trở thành người thân trong nhà, còn bầu không khí dịu ngọt của những đêm Istanbul lúc tôi trở về nhà sau giờ làm việc mới tuyệt vời làm sao.

Tôi chỉ ước sao anh có thể tới thăm tôi, dù chỉ là một tuần, để có thể sẻ chia với anh những điều tuyệt diệu tôi khám phá ra.

Giờ đã muộn rồi, cuối cùng thì thành phố cũng chìm vào giấc ngủ, tôi cũng phải làm thế đây.

Ôm hôn anh và hứa sẽ viết cho anh ngay khi có thể.

Bạn của anh,

Alice

TB: Anh nhắn với Carol là tôi nhớ cô ấy, tôi sẽ rất mừng nếu nhận được tin của cô ấy.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio