Thật lâu, Mông Bất Danh vùng cười lạt :
- Thật là giảo hoạt, một sang Nam, một ngược lên hướng Bắc, chúng cố làm cho người muốn theo cũng không biết đâu để mà theo.
Nghê Thường cau mặt :
- Nhưng chúng ta từ hướng Nam đến...
Mông Bất Danh nói :
- Hết thông minh rồi, bộ hướng Nam là cứ đi thẳng như ruột ngựa vậy sao, chúng không biết quẹo à?
Nghê Thường nói :
- Cứ theo dấu họ mà tìm, chắc chắn sẽ gặp.
Mông Bất Danh lắc đầu :
- Vô ích, cứ theo cách của họ thì rõ ràng họ muốn làm cho người theo bị đứt đuôi, một con người giỏi võ công, khi đã xa chỗ xuất phát rồi, muốn dừng lại lưu dấu đâu phải là chuyện khó.
Nghê Thường hỏi :
- Nếu vậy thì mình phải làm sao bây giờ?
Mông Bất Danh nói :
- Cứ theo tình hình này thì mình chỉ còn có cách...
Nhưng rồi ông ta lại thở dài :
- Thật thì khó mà giải quyết được vấn đề.
Mẫn Tuệ vụt hỏi :
- Mông lão gia, trên đất không có dấu chân đàn bà...
Mông Bất Danh nói :
- Nhưng một người đàn ông vác một người con gái đâu phải là chuyện khó.
Mẫn Tuệ nói :
- Nhưng nếu có vác người trên vai thì dấu chân rõ ràng hơn.
Mông Bất Danh cau măt, ông ta nhìn dấu hồi lâu rồi nói :
- Cả hai đều không có dấu nào đáng nghi ngờ là có vác người.
Mẫn Tuệ nói :
- Nhưng đáng lý thì không thể như thế có phải không?
Mông Bất Danh nói :
- Nếu làm được như thế, nhất định cả hai đều không phải hạng tầm thường...
Mẫn Tuệ nói :
- Nhưng chắc chắn cả hai đều không phải Nam Cung Nguyệt hay là đám thuộc hạ áo đen của hắn.
Mông Bất Danh gật đầu nhưng rồi lại hỏi :
- Làm sao để phân biệt?
Mẫn Tuệ nói :
- Mũi giày của Nam Cung Nguyệt là thứ vừa nặng mà đế lại dày, bọn Hắc Y ấu Sĩ của hắn mũi giày lại nhọn.
Mông Bất Danh nói :
- Cô nương quan sát kỹ lắm.
Ngừng một chút, Mẫn Tuệ nói :
- Đã chắc Thiên Hương không có nơi đây thì chúng ta ở đây đâu có ích gì?
Nghê Thường hỏi :
- Nhưng nếu đi thì đi đâu?
Mẫn Tuệ làm thinh nhưng Mông Bất Danh đã nói :
- Đã đi thì tự nhiên đi về hướng cần có chuyện, lên xe đi.
Mẫn Tuệ và Nghê Thường cúi mặt, cả hai không hẹn mà cùng một lúc thở dài...
Lý Đức Uy là một con người thông minh cơ trí, các anh em “Cùng Gia bang” thu thập tin tức mau lẹ và chính xác có tiếng, thế nhưng vẫn không làm sao biết được Lý Tự Thành ở chỗ nào.
Như vậy về cơ trí và cách phòng gian bảo mật của Lý Tự Thành ở chỗ nào.
Liên tiếp giết mất của Lý Tụ Thành ba viên đại tướng, khiến cho bọn nha trảo của họ Lý khiếp đảm, thanh danh của Ngư Trường kiếm, thanh danh của Ngân Bài lệnh chủ vì thế lan rộng khắp nơi.
Những hành động ác nghiêt của bọn nha trảo Lý Tự Thành nhờ đó mà giảm bớt một phần, không vì giác ngộ mà vì sợ chết.
Vì phương thức hành động có tính cách cá nhân, Lý Đức Uy nhằm vào mục tiêu “xạ nhân xạ mã, cầm tặc cầm vương”, hắn quyết tâm chặt cho kỳ được đầu con rắn độc, nhất là khi Lý Tự Thành hạ chiến thơ cho Binh Bộ Thị Lang, cho hay cuối mùa xuân sẽ công hãm Kinh sư càng làm cho Lý Đức Uy sốt ruột, hắn biết đó không phải là sự hăm dọa suông, nếu không có phương cách ngăn chặn thi nhất định nó sẽ là sự thật.
Vì sau khi đánh lấy Tây An, Lý Tự Thành thân tự điều động năm mươi vạn quân qua sông, thâu luôn các cửa thành từ Lâm Đồng dẫn đến Từ Châu thì chuyện nhắm vào Kinh sư của hắn đã quá rõ ràng.
Thời gian đã đến tận nơi, Lý Đức Uy cảm thấy nếu cứ chạy từ chỗ này qua chỗ khác để tìm kiếm, rất có thể không làm sao ngăn kịp, hắn quyết định đi thẳng về kinh.
Trên đường đi, Lý Đức Uy nghe được tin tức khá nhiều, toàn la những tin bất lợi, nhưng cũng có những tin nhằm làm dao động lòng dân, họ đã cố tạo dao ngôn vêv chuyện Lý Tự Thành nhất định sẽ thành công, dòng họ nhà Chu sẽ mất...
Những tin tức thật là dồn dập :
- Địa chấn Nam Kinh, Trương Hiến Trung công hãm Quý Châu, Quý Châu thất thủ...
- Lý Tự Thành hãm Phần Châu, Dương Thành, Hoài ộ, Thái Nguyên...
- “Tô Liêu tổng đốc”, Vương Vĩnh Kiệt, Tuần phủ Vương Ngạc dâng sớ triệu thỉnh Ngô Tam Quế điều binh...
- Lê Tự Thành công hãm Lê Thành, Lâm Tấn, bọn Chân Định Phủ Khưu Mậu Hoa phản triều hàng giặc...
- Lý Tự Thành công hãm Chương Đức...
- Nhà vua trưng binh cầm vương, Ta Đô Ngự Sử dâng sớ, Thiên Đô về Nam, nhà vua và triều thần do dự...
Triều đình trưng tập binh mã, hạ lịnh đốt thuyền Cố Khẩu, giữ chặt Thiên Tân...
Những tin tức bất lợi dồn dập truyền đi không ngớt và cuối cùng đầu tháng ba, Xương Binh binh biến, cáo cấp khẩn trương, Kinh sư giới nghiêm, dân chúng trong thành truyền miệng với nhau rằng giặc đã sắp đến rồi...
Ngay trong khi đó thì Lý Đức Uy tới Uyển Bình.
Lư Cầu kiều.
Đó là một cây cầu xưa nhất của cưu Kinh.
Nó là cây cầu nằm nganh Vĩnh Định Hà, cách Kinh sư hai mươi sáu dặm về phía Tây nam.
Cây cầu được kiến lập từ thời Bắc Tống, bị huỷ khi quân Kim xâm nhập, sau lại được trùng kiến, lần sau này, cây cầu được đúc nền đá cột đá cực kỳ hùng vỹ.
Lư Cầu kiều là một chỗ dân cư phồn thịnh, buôn bán làm ăn sầm uất, bất cứ giờ nào cũng thấy người qua kẻ lại dập dìu.
Những quán ăn và những cái sạp buôn bán đủ thứ cần dùng,luôn cả những người buôn cao đơn hườn tán, Sơn Đông mãi võ cũng tập trung, tự nhiên phải có những sòng bạc và giang hồ tứ chiếng đủ hạng đủ cách, nó là một nơi để sống cho bất cứ người nào.
Lý Đức Uy có mặt trong đám người huyên náo ấy, hắn thong dong lên cầu mắt nhìn thẳng và đi thẳng, nhưng khi qua đầu cầu thì hắn vụt dừng lại và rẽ vào đám đông bên trái.
Một cái sạp nhỏ phía sau ngồi một lão đạo sĩ có búi tóc thật cao trên đỉnh tay cầm phất trần, dáng cách có vẻ “tiên phong đạo cốt” bên phải và bên trái ông ta có hai đạo cô nhỏ tuổi.
Tuy là đạo cô nhưng nhiều người chăm chú vì hai vị đạo cô này đẹp quá, thêm vào đó ánh mắt của họ chưa được gần tiên, hình như còn chiếu quá nhiều về trần thế.
Chung quanh cái sạp đó, thiên hạ bu quanh, người mến đạo đó nhiều, kẻ muốn nhờ xủ quẻ cũng không ít, có những người ngoài hai hạng kể trên, họ bu quanh vì hai vị cô nương vừa... trẻ vừa quá đẹp.
Khi Đức Uy đền đó thì lão đạo sĩ đang nói chuyện với một người, người đó có dáng cao và mặc áo đen.
Lão đạo sĩ nói giọng nghiêm trang :
- Câu hỏi vừa rồi của thí chủ, thật rất khó cho bần đạo trực ngôn, nơi đây, giữa Kinh sư, dưới chân Thiên Tử, lại thêm không khí đao binh ngột ngạt...Tuy nhiên xuất thân từ chốn đạo gia, lòng thành đạo tổ thương xót chúng sanh, khiến cho bần đạo không thể không tiết lộ thiên cơ.
Ông ta ngẩng mặt nhìn mặt trời một lúc khá lâu rồi cúi xuống chậm rãi :
- Cứ như hiện tượng hiện nay, thì có những điềm ứng vào khí số, vì từ ngan xưa, bất cứ triều đại nào, cứ mỗi lúc lâm vào diệt hạn thì luôn có điềm dữ, bây giờ điềm đã ứng rồi, khi Kim Tinh nhập nguyệt thì quốc phá quân vong...
Trong đám người bu quanh vụt có nhiều tiếng xầm xì, ban đầu ít người và nho nhỏ nhưng sau thì lan ra, thiên hạ bàn tán xôn xao.
Chợt nghe gã áo đen hỏi :
- Cứ theo đạo trưởng thì thiên hạ ngày mai chắc sẽ về...
Lão đạo sĩ lắc đầu :
- Xin thí chủ rộng lượng, điều đó bần đạo không dám nói, nhưng bần đạo có bốn câu ca dao, nếu thí chủ ghi nhớ được thì chắc có ứng nghiệm mai sau...
Ông ta cao giọng ngâm nga :
- Nhật nguyệt truỵ, mộc tử thăng, nhật nguyệt nội, binh đao binh....
Đọc xong câu ca dao, ông ta nhắm mắt chắp tay không nói nữa Tên áo đen trầm ngâm nhai lại :
- ...nhật nguyệt nội, binh đao binh...cái đó tôi biết nhưng “nhật nguyệt truỵ, mộc tử thăng”... cái này...
Lão đạo sĩ hí mắt :
- Thí chủ không nên lại nơi này phân tách câu đó, xin về nhà nghĩ lại...
Gã áo đen vụt nhướng mắt :
- A...tôi biết rồi, nhật nguyệt hợp lại thành chữ “Minh”, mộc tử hợp lại thành chữ “Lý”, “Minh truỵ”, “Lý thăng” chỉ cần trong một tháng là thiên hạ thái bình... đúng không? Đạo trưởng?
Lão đạo sĩ mở mắt, không xác nhận mà cũng không phủ nhận, ông ta chỉ nói :
- Xin thí chủ hãy về đi.
Gã áo đen vòng tay :
- Đa tạ đạo trưởng chỉ giáo, tại hạ sẽ về đợi sự thay đổi của triều đại này...
Hắn đi ra, Lý Đức Uy bước vào vòng tay :
- Đạo pháp vô biên, đạo trưởng thấu triệt thiên cơ, thật khiến cho người người kính phục...
Lão đạo trưởng nói :
- Thí chủ quá khen, kẻ xuất gia phải biết giữ điều vọng ngữ.
Hai vị đạo cô chớp nhanh đôi mắt “thần tiên” và như chất sắt gặp đá nam châm, ánh mắt của hai vị đạo cô dính ngay vào mặt Lý Đức Uy, vành môi mộng đỏ của hai vị đạo cô khẽ động và bàn tay của họ đang thòng gần lão đạo sĩ cũng động theo...
Lão đạo sĩ vùng mở mắt, mặt lão cũng thay đổi, nhưng chỉ thoáng qua, lão giữ bình tĩnh lại ngay.
Đức Uy nói :
- Vừa rôi tại hạ có nghe bốn câu ca dao của đạo trưởng chứa ẩn huyền cơ, trong lòng tại hạ vô cùng kính phục, bây giờ tại hạ còn một điều nghi vấn xin thỉnh giáo đạo trưởng.
Lão đạo sĩ nói :
- Bần đạo đã tiết lậu cơ trời, bây giờ thì bần đạo không dám nói thêm.
Đức Uy nói :
- Đạo trưởng hãy yên lòng, đạo trưởng là người ngày ngày luyện đạo, hương lễ tổ sư, tâm tánh từ bi, cứu nhân độ thế, cho nên tại hạ không dám gây họa cho đạo trưởng, những nghi vấn của tại hạ thuộc về nhân sự chớ không phải thiên cơ.
Lão đạo sĩ nhìn Đức Uy một cái thật sâu và nói :
- Đã thế thì xin thí chủ cứ nói, điều nào mà bần đạo biết được thì bần đạo tình nguyện không dám giấu.
Đức Uy hỏi :
- Trước hết tại hạ xin thỉnh giáo quý đạo hiệu?
Lão đạo sĩ đáp :
- Cảm ơn thí chủ có lòng, bần đạo pháp hiệu Ngọc Như, ngoại hiệu Chân đạo nhân.
Đức Uy hỏi :
- Chẳng hay đạo trưởng từ đâu đến?
Chân đạo nhân đáp :
- Bần đạo từ Nam Hải “Bồng Lai đảo”.
Đức Uy gật đầu :
- Thảo nào... Bồng Lai tiên đảo từ ngàn xưa vốn là cõi hư vô, bao nhiêu người luyện đạo cầu trường sanh bất lão đã cố vượt biển tìm tòi nhưng không ai tới được. Đạo trưởng từ Bồng Lai đến, hèn gì chẳng thông đạt thiên cơ...
Đức Uy đưa mắt về phía hai vị đạo cô :
- Còn nhị vị đây là...
Chân đạo nhân đáp :
- Đó là tiểu đồ, pháp hiệu là Vô Tà, Vô Đổ.
Hai đạo cô chớp đôi mắt phượng, hé miệng cười duyên và nhè nhẹ cúi đầu.
Đức Uy đáp lễ :
- Chẳng hay đạo trưởng tới Trung Nguyên với mục đích chi?
Chân đạo nhân đáp :
- Bần đạo vân du đến đây, vốn không có ý định dừng lại, nhưng nhìn thấy đao binh khói lửa tàn hại sinh linh nên không nỡ dời hơn...
Đức Uy nói :
- Đạo trưỏng từ bi cảm động đến trời, người mến đức, nhưng chẳng hay đạo trưởng định cứu thế bằng cách nào?
Chân đạo nhân lắc đầu :
- Đó là thiên ý, bần đạo vô năng.
Đức Uy hỏi :
- Nếu không thì làm sao gọi là cứu thế?
Chân đạo nhân nói :
- Bần đạo không thể làm gì ngược lại cơ trời, bần đạo chỉ cứu thế bằng cách chỉ cho người thấy những điều không hiểu, để sanh linh có thể tìm kiết tránh hung thế thôi.
Đức Uy nói :
- Nếu thế thì xin đạo trưởng thi ân bố đức, cứu cho bá tánh tại Kinh sư này.
Chân đạo nhân nói :
- Bần đạo sở dĩ không bỏ đi chính là vì sanh linh ở một nơi chưa thấy máu đổ thịt rơi này vậy.
Đức Uy hỏi :
- Xin thỉnh giáo đạo trưởng bao giờ Sấm tặc mới phạm kinh và bây giờ ở đâu?
Chân đạo nhân nhướng mắt :
- Sao thí chủ lại hỏi...
Đức Uy nói :
- Chính đạo trưởng vừa nói sẽ chỉ cho người tìm kiết tránh hung đó sao? Nếu biết được ngày giờ Sấm tặc phạm Kinh, sanh linh sẽ dự bị di cư tỵ nạn, như thế chẳng là tìm kiết tránh hung hay sao?
Chân đạo nhân lại nhìn Đức Uy một cái dài :
- Thí chủ, bần đạo cố tránh những cái gì phải tránh.
Đức Uy hỏi :
- Nhưng tại làm sao đạo trưởng lại không thể nói cho sanh linh biết ngày giờ Sấm tặc phạm Kinh?
Chân đạo nhân đáp :
- Không phải không nói nhưng vì bần đạo không biết.
Đức Uy nghiêm giọng :
- Đạo trưởng lại khách sáo rồi, đạo trưởng là người biết đựoc máy trời mà...
Chân đạo nhân đáp :
- Nhưng thí chủ hỏi đó thuộc về quân cơ, dụng binh thiên biến.
Đức Uy nói :
- Nhưng làm sao lại có thể khỏi được thiên cơ, nhất là không làm sao qua được mắt thần tiên như đạo trưởng.
Chân đạo nhân nói :
- Bần đạo không phải thần tiên.
Đức Uy cười :
- Không phải thần tiên làm sao đạo trưởng lại biết được nhà Minh sắp diệt, họ Lý đã hưng?
Chân đạo nhân ngập ngừng :
- Điều đó... ấy là...
Đức Uy chận nói :
- Đạo trưởng có biết động lòng người như thế là mang tội chi chăng?
Chân đạo nhân biến sắc đứng lên :
- Bần đạo sở dĩ không đành lòng làm thinh không đành lòng không chỉ cho người biết cách tìm kiếm tránh những là vì lòng thương sanh linh đồ thán, sao thí chủ lại nói đó là xảo ngôn làm biến động lòng người?
Đức Uy điềm đạm :
- Cứ theo tại hạ biết đám tặc tuy chưa đến, nhưng đã phái trước gian tế nhập Kinh, chúng đang có nhiều cách, hoặc cướp phá, hoặc giả dạng đủ hạng người xâm nhập dân gian, tìm lời lẽ làm giao động lòng người, cố làm nhụt ý khí chiến đấu.
Chân đạo nhân xanh mặt :
- Thí chủ đã nói quá lời, bần đạo là kẻ tu hành, không tranh danh đoạt lợi, bần đạo chỉ vì sanh linh mà lo nghĩ, nhưng nếu thí chủ không dung thì bần đạo xin trở lại Bồng Lai...
Ông ta có vẻ vội vàng quay lại cùng với hai vị đạo cô bỏ chỗ vẹt người bươn bả đi ngay...
Đức Uy đưa tay cản lại :
- Khoan, đạo trưởng, ta cần xem bên trong đạo bào của đạo trưởng đang mặc thứ áo gì?
Chân đạo nhân hoảng hốt thối lui, hai vị đạo cô lật đật bước lên cản Đức Uy và cúi đầu :
- Thí chủ đừng làm khó dễ cho kẻ xuất gia, cho dầu binh hoang mã loạn nhưng cũng hãy còn vương pháp.
Đức Uy mỉm cười :
- Nhưng ba vị có tin theo vương pháp hay không? Nếu có ba vị đâu lại đi truyền bá dao ngôn, phá hoại dân tâm sĩ khí? Uyển Bình phủ ở sát bên đây, ai phải ai quấy thì xin đến đó biện minh.
Vị đạo cô lắc đầu :
- Xin thí chủ nên biết rằng kẻ xuất gia không bao giờ bước đến cửa quan.
Hai vị đạo cô cứ án trước mặt Lý Đức Uy để cho Chân đạo nhân lách người đi tuốt.
Đức Uy cười :
- Đạo trưởng, định bỏ nhị vị cao đồ ở lại đây sao?
Vừa nói, hắn vừa lách qua khỏi hai vị đạo cô thật nhanh, nhưng hai vị đạo cô này cũng nhanh, họ tràn mình qua đâm sầm vào người hắn.
Đức Uy nghiêm giọng :
- Nam nữ thọ thọ bất tương thân, đạo cô hãy tránh ra.
Hắn lại lách qua, nhưng ngay khi ấy có tiếng lụa xé, cánh tay áo rộng của vị đạo cô bỗng bị đứt tuột ra, làn da nõn nà bày ra lồ lộ...
Đức Uy cau mặt...
Hai vị đạo cô la lớn :
- Thí chủ sao lại vô lễ như thế? Đối với kẻ tu hành mà lại níu kéo đến rách áo lòi thân, nhớ rằng đây là giữa ban ngày ban mặt, trên có vương pháp, dưới có hàng dân...
Đám người bu chung quanh vụt ào lên :
- Bắt nó, hiếp người, bắt nó...
- Đánh chết tên vô loại ấy đi..
- Tướng học trò mà... mò chọc gái, lưu manh, bắt nó...
- Giữa ban ngày dám chọc ghẹo kẻ tu hành, bắt giải lên phủ mau...
Tiếng huyên náo hô hoán mỗi lúc mỗi ồn ào, đám người bu quanh bỗng thành biến loạn.
Trong số đó chắc cũng có người vì không rõ câu chuyện, chỉ nghe và thấy ở phần sau, nên sanh lòng căm phẫn, nhất là khi nghe có người đã chọc ghẹo níu kéo đến rách cả áo kẻ tu hành...
Đức Uy nhìn hai vị đạo cô mỉm cười :
- Nhị vị quả là lợi hại.
Ngay khi đó một tên đại hán xông vô quát lớn :
- Nhị vị tiên cô hãy đi đi, để hắn lại đây cho chúng tôi trị tội.
Hai vị đạo cô lật đật lui ra và lui mất vào đám đông.
Đức Uy nhìn tên đại hán và nghiêm giọng :
- Các hạ đã để bọn giặc đó chạy rồi.
Tên đại hán quát lớn :
- Mẹ họ, vu cáo hả, người ta tu hành, ngươi là giặc chứ ai là giặc...
Chợt bên ngoài có tiếng oang oang :
- Cái gì? Cái gì mà om sòm vậy? Ở đây bộ không có vương pháp phải không? Tránh ra.
Dẫn đầu hai tên đại hán, nhìn qua là biết ngay quan sai ở phủ Uyên Bình, theo sau một người ốm ốm, cách ăn vận coi có vẻ quan trọng, hình như người có chức phận trong phủ.
Thiên hạ vừa thấy ba người đó là vẹt ra ngay.
Ba người bước vào tới chỗ Đức Uy, một trong hai tên sai dịch trừng mắt :
- Các ngươi làm cái gì om sòm như rừng rú thế? Đánh lộn phải không? Đi tránh không ta gông đầu lại bây giờ.
Tên đại hán khi nãy không chịu đi, hắn chỉ vào mặt Đức Uy bảo đó là kẻ dám chọc ghẹo lăng nhục kẻ xuất gia...
Tên sai dịch quát :
- Đi cả đi, ta đóng gông cả đám bây giờ.
Đám sai nha thường thường có lối “ma bắt coi mặt người ta”, chúng thấy Đức Uy dáng cách đường hoàng, khí thế hiên ngang, nên không dám đường đột quát tháo, một tên trong bọn chỉ nói nhỏ nhẹ :
- Lão đệ này này cũng tệ thì thôi, thiếu gì đàn bà con gái mà lại rớ làm chi những người như thế cho mang tiếng...
Đức Uy nói :
- Các hạ hiểu lầm, bọn đó là tay sai của giặc, giả làm người tu hành truyền bá dao ngôn để mê hoặc lòng dân.
Hai tên sai nha sửng sốt :
- Ủa, người tu hành mà là tay sai của giặc sao?
Đức Uy chưa kịp nói thì tên mặc áo gấm đi sau bước tới hoạnh hoẹ ngay :
- Không bằng chứng gì cả mà dám vu cáo cho người, bộ ở đây không có quan binh gì cả à? Giỡn sao? Bộ ta ăn lương rồi đi chơi à? Đương lúc lộn xộn nầy không lo giữ mình còn đi ghẹo gái rồi vu cáo hả?
Đức Uy nhìn tên áo gấm...
Hình như hắn không phải trong bọn sai dịch, vì cách ăn mặc của hắn khá sang trọng theo dân thường, nên Đức Uy hỏi lại :
- Các hạ là ai?
Tên mặc áo gấm quắc mắt :
- Ta ở Kinh đến đây, được không?
Đức Uy nhìn hắn bằng tia mắt nghiêm nghị :
- Các hạ là người của Đông Xưởng phải không?
Tên áo gấm hơi ngạc nhiên :
- À, mắt sáng đó, phải rồi, có sao không?
Đức Uy vòng tay :
- Xin lỗi, thất kính.
Hắn quay mình lại, vẹt người bỏ đi.
Tên áo gấm nói với hai tên sai nha :
- Tên đó xem có dáng vẻ khả nghi đó, coi chừng hắn cho ta.
Đức Uy làm như không nghe, cứ cúi đầu đi thẳng.
Quan nha đã phái người đến đây là đã có phòng bị rồi, thế nhưng tại sao lại để cho bọn đạo sĩ tung hoành như thế? Quan nha ít người quá nên không lo siết chăng?
Chợt có giọng nói nho nhỏ :
- Lý huynh, lâu quá, về kinh bao giờ thế?
Đức Uy quay qua nhận ngay ra Lăng Phong, nhưng bây giờ thì dáng sắc có vẻ khác nhiều, hắn ốm hơn và không theo lối hành khất nữa, hắn mặc chiếc áo rộng màu lam.
Đức Uy ngạc nhiên :
- Lăng huynh đệ, có mặt ở đây bao giờ thế?
Lăng Phong đáp nhỏ :
- Tổng Đương đã rời khỏi Kinh sư để dồn toàn lực đối phó bên ngoài, lệnh đường hãy còn trong Kinh, hình như người không được vui.
Đức Uy nói :
- Hãy tìm chỗ nào nói chuyện đi.
Lăng Phong nói :
- Quán xá ở đây bây giờ tai mắt địch nhân nhiều lắm, mình hãy ở đây.
Đức Uy hỏi :
- Trong Kinh hiện tại khẩn trương lắm phải không?
Lăng Phong gật đầu :
- Lộn xộn lắm, triều đình dự định thiên đô về Nam, thuyền đã có sẵn rồi, nhưng theo tôi thì sợ e không kịp.
Đức Uy cau mày :
- Giặc đến cận lắm sao?
Lăng Phong nói :
- Gần lắm, bốn phía đều nguy cấp, chỉ sợ chúng công hãm Kinh sư gần đây thôi, Lý huynh có lẽ cũng đã cảm thấy hơi hám bọn giặc đã lan tràn vào thành rồi chớ?
Đức Uy chắc lưỡi :
- Thật đáng lo ngại vô cùng. Có nghe tin Lý Tự Thành ở đâu không?
Lăng Phong đáp :
- Đang còn theo dõi điều tra.
Đức Uy dặn :
- Nhớ được tin là báo cho tôi biết ngay nghe.
Lăng Phong gật đầu :
- Từ đây đi thẳng qua hướng Tây, cách chừng một dặm có một cái am tên gọi là “Thuần Dương am”, bọn đạo sĩ, tên mặc áo gấm, tên đại hán gây sự đều cùng một bọn.
Đức Uy gật gù :
- Thảo nào...
Lăng Phong nói luôn :
- Nơi đây còn có mật thám Đông Xưởng, nhưng đám này không hành đông, họ chỉ lấy mắt xem chơi thôi.
Đức Uy gật đầu :
- Đa tạ, nhớ liên lạc thường xuyên với tôi nghe.
Hắn hình như muốn đi ngay nhưng Lăng Phong cản lại :
- Lý huynh, ngày mai mình có thể uống với nhau một chén không. Tại chỗ của bọn này?
Lăng Phong nói hơi lớn và Đức Uy biết ngay là hắn đánh trống lảng nên vội gật đầu nói lớn theo :
- Được chớ, phải say một bữa chớ...
Cả hai cùng cười nhưng đồng thời Đức Uy cũng nhận ra ngay là có người theo dõi.