Học kỳ hai năm lớp Chín, không khí chiến đấu của kỳ thi lên cấp càng lúc càng nồng đậm, cái gọi là danh sách đen đã không còn ý nghĩa, mặc dù tôi vẫn bận rộn học hành để yêu đương, không rảnh đi chọc cười trong giờ học nữa.
Mé phải bảng đen lúc nào cũng viết chi chít giới hạn kiểm tra trên lớp ngày mai và ngày kia, từ bài nào đến bài nào, hoặc từ học kỳ nào đến học kỳ nào, không còn xuất hiện số hiệu học sinh của những đứa quậy phá làm ồn. Mé trái bảng đen dùng phấn màu đỏ viết đầy những con số nhìn mà thấy giật mình phát hoảng, đếm ngược mỗi ngày.
Khi đếm ngược về đến số , cũng chính là thời khắc cuối cùng, chúng tôi sẽ phải quyết tử chiến với đại ma vương Thi-Lên-Cấp.
“Đợi thi xong, nghỉ hè các em muốn chơi bóng rổ bao lâu thì cứ chơi cho chán. Nhưng trước thời khắc thi lên cấp quan trọng này, chúng ta cần phải cố gắng hết mình để thi cho tốt. Đây là cuộc chiến đầu tiên trong cuộc đời một con người, không tiến ắt thành lùi…” Thầy Lại giống hệt những nhân vật mô phạm thường xuất hiện trong các câu chuyện, quan niệm vừa cũ kỹ vừa thiếu sức thuyết phục, so với Mel Gibson phết sơn xanh nửa gương mặt, thúc chiến mã chạy qua chạy lại hô xung phong trong phim Trái tim dũng cảm thì kém xa tít mù tắp.
Nhưng bây giờ chẳng ai rỗi hơi đi phản bác thầy. Oán niệm của tập thể khi đắm chìm trong bầu không khí chăm chỉ học hành thực sự rất đáng sợ.
Những đề trắc nghiệm đủ thể loại được nhét hết bó này đến bó khác vào cái tủ sắt chuyên dùng để cất giữ đề thi, chỉ có thầy Lại và lớp trưởng là có chìa khóa mở tủ. Mỗi lần tủ sắt mở ra, chỉ trong mấy giây đồng hồ, đề trắc nghiệm liền bay đến nằm trên bàn của từng đứa chúng tôi. Ngày lại qua ngày, cái tủ sắt đựng đầy bụng kinh luân biến thành trung tâm cuộc sống máy móc của mọi người.
Tôi chẳng bao giờ thấy được cái ngày tủ sắt trống không.
Không chỉ giờ Thể dục, giờ Mỹ thuật, giờ Âm nhạc, mà bất cứ môn phụ nào kết thúc sớm đều bị con ma Thi-Lên-Cấp mượn xác hoàn hồn, biến thành vô số giờ tự học có thể khiến thời gian ngừng lại, lúc nào cũng chỉ nghe thấy những âm thanh đơn điệu như thể bút bi đang đóng cọc trên mặt bàn. Tách tách tách, cạch cạch cạch.
Ngay cả trong giờ tự học có thầy Lại ngồi trấn giữ, Lý Tiểu Hoa và tôi vẫn chẳng ngại ngần dồn sách vở học chung một bàn, hỏi nhau những vấn đề mình chưa hiểu, trao đổi bằng phương thức nhiều cảm xúc nhất: bút đàm.
Mỗi sáng sớm vừa lao đến trường, tôi liền đến căng-tin mua một hộp sữa bò thay lời chào hỏi, thân mật bỏ vào ngăn kéo bàn của Lý Tiểu Hoa, cho dù thầy Lại đang trừng mắt lên nhìn, tôi vẫn cứ làm. Tôi đây có cái tật đã muốn thì phải làm cho được.
Mà thầy Lại thật ra cũng không thẩm vấn chúng tôi bằng ánh mắt hoài nghi lần nào, nói cho cùng thành tích học tập của tôi đang lên cao với tốc độ tương đối chóng mặt, thậm chí còn lên đến khoảng hai mươi, ba mươi trong bảng xếp hạng toàn trường, lọt vào Bảng Vàng trở thành chuyện như cơm bữa, khiến thầy được an ủi rằng “Haiz, mình quả nhiên là một bậc danh sư nghiêm khắc, không ngờ đã khiến thằng nhãi hư đốn Kha Cảnh Đằng vươn lên đến mức này!” mà chẳng buồn quan tâm xem động lực cố gắng học hành của tôi có phải Lý Tiểu Hoa hay không.
Thành tích học tập mỗi ngày một khá khẩm của tôi kỳ diệu không khác gì nhà tiên tri Moses dùng một cánh tay tách đôi Hồng Hải ở Ai Cập (giống đâu mà giống!), một số đứa trong lớp còn tò mò hỏi xem tôi dùng loại sách tham khảo nào, hay là học thêm ở đâu mà tự dưng học giỏi đột xuất thế.
“Nếu cả ngày mày bị một đứa con gái học giỏi gấp mười lần mày hỏi bài, xem mày có cuống lên mà học hành chăm chỉ không?” Tôi trả lời một cách đơn giản, đây cũng là một trong những cảm giác của tôi.
… Nhưng tôi đã ngầm giấu đi bí quyết thực sự “và mày còn thích cô ấy nữa”.
Sau đó, thầy Lại nôn nóng bắt từng đứa cam đoan sẽ tiến bộ lên thứ hạng nào trong kỳ thi thử, đồng thời liên tục sắp xếp lại chỗ ngồi, hy vọng có thể lập ra đội hình hoàn mỹ “thích hợp nhất cho học sinh chuẩn bị thi cử”. Nhưng dù Lý Tiểu Hoa ngồi bên trái hay bên phải, đằng sau hay đằng trước mặt tôi, thầy Lại cũng không dám tách hai chúng tôi ra, chỉ sợ thành tích học tập của tôi sẽ theo đó mà trượt dốc.
Đứng trên lập trường của trường tư thục, cần có một số lượng học sinh giỏi cố định để trấn giữ danh sách thi đỗ đại học, phòng giáo vụ bắt đầu tổ chức một loạt các buổi tọa đàm thuyết phục một trăm học sinh đứng đầu phân hiệu cấp II “lên thẳng phân hiệu cấp III của trường.” Nếu điểm thi trong kỳ thi lên cấp đạt trên sáu trăm điểm, đồng thời chọn trường cấp III Tinh Thành, sẽ được nhận học bổng mười nghìn đồng mỗi học kỳ; người nào điểm thi thấp hơn sáu trăm, nhưng cao hơn điểm chuẩn vào trường trung học Chương Hóa hoặc nữ trung Chương Hóa, và chọn học tiếp trường này, sẽ nhận được học bổng sáu nghìn đồng mỗi học kỳ.
“Vả lại, chúng tôi sẽ dành cho hai lớp đứng đầu các giáo viên tốt nhất, trong các thầy cô giáo này có cả những thầy nổi tiếng của lớp luyện thi đại học Đài Trung, có những người đã dạy mấy năm ở trường phụ đạo Chương Hóa, rất có uy tín, đảm bảo đều là các thầy cô giáo hạng nhất…” thầy Lại hùng hồn nói.
Thực ra học bổng không phải thứ cám dỗ nhất, thầy cô giáo có tốt hay không cũng chẳng ai biết chắc, nhưng vì học trong lớp có thành tích đều nhất trường, cả lớp đều kiên định ở lại mái trường này thêm ba năm nữa, dù sao trung học Chương Hóa là trường nam, nữ trung Chương Hóa là trường nữ, chỉ trường Tinh Thành có cả nam lẫn nữ mới là nơi chốn lý tưởng của tình yêu!
Thế mà Lý Tiểu Hoa lại không nghĩ đến việc tiếp tục học ở Tinh Thành, vấn đề này làm tôi băn khoăn tợn.
“Cậu không định ở lại trường Tinh Thành à?” Tôi viết.
“Không.” Lý Tiểu Hoa viết.
“Nếu cậu giấu bố mẹ thủ tiền học bổng làm quỹ đen, thế là có một khoản tiền tiêu vặt kha khá rồi đấy!” Tôi viết.
“…” Lý Tiểu Hoa.
Mặt khác, công việc làm kỷ yếu tốt nghiệp cũng được tiến hành sôi nổi, do tôi và bọn Thẩm Giai Nghi, A Hòa, Dương Trạch Vu phụ trách.
Hễ đến ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi lại tụ tập ở phòng khách nhà A Hòa bàn luận, hoặc dứt khoát xin nghỉ, chui vào thư viện trường cắt cắt dán dán những tấm ảnh sinh hoạt, ảnh cá nhân mà mọi người nộp về. Lớp chúng tôi là lớp Mỹ Thuật, nên chân dung của tất cả các thầy cô bộ môn đều do mấy đứa phụ trách làm kỷ yếu tốt nghiệp chúng tôi phác họa.
Còn tôi, tôi lấy làm vui mừng vì lại có cơ hội cãi nhau với bà tám Thẩm Giai Nghi, cứ như thể trời sinh tôi ra đã thiếu giáo dưỡng vậy.
“Này, Kha Cảnh Đằng, dạo này tao với thằng Thuần về nhà toàn thấy mày đi với Lý Tiểu Hoa thôi à!” A Hòa cười khì khì, nó đang chọn một tấm ảnh cả lớp chụp chung.
Thằng khốn, mày đúng là đồ tâm địa xấu xa.
“Đúng thế, nhà bọn tao ở gần nhau lắm.” Tôi vừa cười vừa viết lời giới thiệu. Thực ra, trong bụng rất muốn song phi cho thằng A Hòa này một phát.
Tuy tôi đã có Lý Tiểu Hoa để thích rồi, nhưng cũng không thể cứ thế phủ nhận thiện cảm của mình với Thẩm Giai Nghi được.
“Có phải chúng mày đang làm chuyện gì mờ ám không?” A Hòa không bỏ cuộc, truy cứu đến cùng.
“Cũng thường thôi.” Tôi ngầm giơ ngón giữa lên với A Hòa.
Bấy giờ vẫn là thời nguyên thủy, máy tính còn là bảo bối quý hiếm, thậm chí hệ điều hành Win . của công ty Microsoft chuyên gia lầm lỗi vẫn chưa được sinh ra trên đời. Việc làm kỷ yếu hoàn toàn thủ công, phát hành theo cách thức và tiêu chuẩn do nhà trường thống nhất, ngoài ra phải tham chiếu một bảng kích cỡ chữ để tiện cho cửa hàng đánh máy và in ấn sau này.
Thẩm Giai Nghi dùng bút chì và thước kẻ cẩn thận đánh dấu vị trí dán của từng bức ảnh trên tờ giấy vân hoa, đồng thời kẻ các ô trống dùng để viết chữ. Tôi và Dương Trạch Vu phụ trách viết lời giới thiệu.
“Kha Cảnh Đằng, cậu thích Lý Tiểu Hoa à?” Thẩm Giai Nghi đột nhiên lên tiếng.
“Ừ đấy.” Tôi thành thật trả lời.
“Cậu không cảm thấy tuổi bây giờ, yêu đương vẫn còn quá sớm à?” Thẩm Giai Nghi nhìn tôi bằng ánh mắt quái lạ.
“Phải đấy, tao cũng cảm thấy sớm quá!” A Hòa phụ họa theo.
“Hừm? Nói nghe xem nào.” Chắc vẻ ấm ức đã hiện rõ trên mặt tôi.
“Cậu thử nghĩ xem, cậu và Lý Tiểu Hoa giờ mới mười lăm tuổi, nếu bây giờ các cậu đã yêu nhau rồi, thật sự có thể làm bạn trai bạn gái mãi đến tận năm ba mươi tuổi mới kết hôn không?” Giọng điệu Thẩm Giai Nghi như người lớn, đôi mắt chớp chớp lay động.
“Tại sao không được? Mười lăm tuổi đầu rồi, sao mà vẫn không biết mình có thích người ta hay không?” Tôi nói, nếu nghiêm túc truy ngược lại, từ hồi đi mẫu giáo đây đã bắt đầu yêu đương lãng mạn rồi cơ.
“Dù hai cậu có yêu nhau, nhưng cũng không thể làm bạn trai bạn gái mãi được. Nếu biết trước là nhất định sẽ phải chia tay, tại sao vẫn còn yêu đương sớm thế làm gì? Thế chẳng phải vô nghĩa lắm à?” Thẩm Giai Nghi nghiêm túc nói.
“Cậu biết rõ đời này rốt cuộc cũng phải chết, thế tại sao giờ không chết trước luôn đi?” Tôi chống cằm, thực tình là cực kỳ khó chịu rồi đây.
“Hai chuyện chẳng giống nhau tẹo nào, cậu đúng là đồ trẻ con!” Thẩm Giai Nghi thở dài.
Đám học sinh sắp tốt nghiệp chúng tôi cũng không tránh được lệ cũ, bắt đầu ngầm truyền tay nhau cuốn lưu bút, cả lớp viết đi viết lại trên cuốn lưu bút của bạn thân những sở thích của mình, rồi hy vọng ở tương lai, hay những lời chúc sáo mòn kiểu như “chúc bạn như chim bằng bay vạn dặm”, hay “chúc bạn vạn sự như ý”…
Tôi chẳng thể nào nhớ nổi hồi đó mình viết cái gì lên sổ lưu bút của Lý Tiểu Hoa nữa. Chỉ lờ mờ nhớ được, trong phần sở thích, đã điền vào là “ném Yakult[]”, và ký tên “Minamoto Yuuji lại-mang-đao”, tóm lại là không có gì nghiêm túc cả.
[] Một loại thức uống giống như sữa chua, gồm sữa gầy, đường và một loại khuẩn sữa đặc biệt.
Mặc dù tôi rất hoan hỉ viết linh tinh lên lưu bút của người khác, nhưng thời đó tôi cảm thấy làm giống mọi người thì thật chán ngấy lên được, vậy nên không ra hiệu sách mua lấy một quyển lưu bút đèm đẹp để cả lớp viết gì lên đấy.
“Sao mày không có lưu bút? Tao muốn viết vào lưu bút của mày.” Liêu Anh Hoằng đẩy vai tôi một cái.
Lưu bút của nó bị tôi viết bậy viết bạ rồi vẽ cả cơ quan sinh thực vào, trong đầu chỉ hừng hực ý muốn báo thù.
“Không phải cả đám đều định lên thẳng phân hiệu cấp III hay sao? Đằng nào sau này chẳng học với nhau, giờ đi viết mấy lời ly biệt ấy mày không thấy kỳ cục à?” Tôi nói thẳng. Theo tôi biết, ít nhất có một nửa lớp định học thẳng lên trường cấp III Tinh Thành này.
“Nói vậy cũng đúng, nhưng mày nhất định sẽ hối hận đấy!” Hứa Bác Thuần nói bằng giọng điệu già dặn chẳng hợp với nó chút nào.
“Tao tự biết mình là ai chứ, quyển lưu bút hồi tiểu học của tao giờ chẳng tìm đâu được nữa. Tao là người không biết giữ gìn đồ đạc.” Tôi ngáp dài.
Đúng thế, người không biết giữ gìn đồ đạc.