Độc giả có thể được coi là nhân vật chính của tiểu thuyết, ngang bằng với tác giả, bởi không có họ sẽ chẳng có gì hết.
Elsa TRIOLET
Làm thế nào mà một khách sạn lại được sở hữu một thư viện lộng lẫy đến thế này?
Rõ ràng là lòng hào hiệp của vị quốc vương dầu mỏ không chỉ mang lại lợi ích cho trung tâm y tế của khách sạn. Điểm đáng nói nhất là vẻ cổ điển và “sang trọng” của chốn này: giống như thể ta đang ở trong phòng đọc của một trường đại học Ăng lô Xắc xông danh tiếng chứ không phải trong thư viện của một nơi nghỉ mát. Hàng nghìn cuốn sách nằm ngay ngắn cạnh nhau chật đầy trên các giá bao quanh các hàng cột kiểu Hy Lạp cổ. Trong căn phòng được cách âm và trang trí cầu kỳ, những cánh cửa nặng nề chạm khắc, những bức tượng nửa người bằng cẩm thạch và loại gỗ lát tường kiểu cổ như đưa ta lùi lại vài thế kỷ trước. Chỉ hiện diện duy nhất một sự nhượng bộ trước thế giới hiện đại: những chiếc máy tính đời mới nhất được đặt trong các tủ gỗ hồ đào vân tròn.
Khi còn nhỏ, tôi từng ao ước được làm việc ở một nơi thế này. Ở nhà tôi không có bàn học. Tôi vẫn thường chui vào toilet đóng cửa lại để làm bài tập, một tấm ván đặt trên đầu gối làm bàn viết, đầu thì đội mũ công nhân để tránh những tiếng la hét từ nhà hàng xóm.
Với cặp kính tròn, chiếc áo pull bằng vải len angora cùng chân váy bằng vải Scotland, ngay cả cô thủ thư cũng tạo cảm giác được chuyển từ một thế giới khác tới. Khi tôi đưa cho cô danh sách những quyển sách muốn tra cứu, cô thú nhận rằng tôi là “độc giả” đầu tiên trong ngày:
- Khi đi nghỉ, khách ở đây thường thích bãi biển hơn là ngồi đọc Georg Wilhelm Friedrich Hegel.
Tôi nở một nụ cười khi cô đưa cho tôi một chồng sách cùng một cốc sô cô la nóng kèm mứt kẹo Mêhicô.
Để tận dụng ánh sáng tự nhiên, tôi tới ngồi bên một trong những khung cửa sổ lớn, cạnh một quả địa cầu màu xanh da trời của Coronelli rồi bắt tay ngay vào công việc.
o O o
Khung cảnh thật phù hợp cho việc nghiên cứu. Bầu không khí yên lặng chỉ bị khuấy động bởi tiếng loạt xoạt khi lật trang sách và tiếng ngòi bút chạy êm trên giấy. Trên mặt bàn, tôi giở ra những quyển sách tham khảo mà tôi đã cày cuốc kỹ thời còn đi học, Văn học là gì? của Jean-Paul Sartre, Lector in fabula của Umberto Eco và Từ điển triết học của Voltaire. Trong hai tiếng, tôi ghi chép kín cả chục trang giấy. Tôi đang như cá trong nước: xung quanh toàn là sách, trong một thế giới tĩnh lặng có thể trầm tư suy nghĩ. Tôi thấy mình lại là giáo viên dạy văn.
- Chà! Cứ như đang ở trường vậy! Milo kêu lên khi vào căn phòng tôn nghiêm chẳng đúng lúc chút nào.
Cậu ta đặt túi của mình lên một chiếc ghế bành Charleston rồi ghé nhìn qua vai tôi:
- Thế nào, cậu tìm được gì chưa?
- Có lẽ tớ đã có kế hoạch hành động, với điều kiện là cậu đồng ý giúp tớ.
- Dĩ nhiên là tớ sẽ giúp cậu rồi!
- Vậy thì chúng ta phải phân chia công việc thôi, tôi vừa nói vừa đóng nắp bút lại. Cậu sẽ quay về Los Angeles để tìm bản sách hỏng cuối cùng. Tớ biết rằng đó gần như là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng nếu bản sách đó bị hủy, Billie sẽ chết, chắc chắn như vậy.
- Thế còn cậu?
- Tớ sẽ đưa cô ấy tới Paris thăm khám ở chỗ vị bác sĩ mà Aurore đã chỉ cho tớ, ít nhất cũng phải cố thử chặn đứng căn bệnh, nhưng nhất là...
Tôi thu lại đám giấy tờ đã ghi chép để việc giải thích của mình được rõ ràng hơn.
- Nhất là sao?
- Tớ phải viết nốt phần ba của bộ tiểu thuyết để đưa Billie trở lại thế giới tưởng tượng.
Milo cau mày:
- Tớ vẫn chưa hiểu tại sao viết một cuốn sách lại có thể đưa cô ấy về thẳng thế giới của mình.
Tôi cầm lấy cuốn sổ tay và giống như bác sĩ Philipson, tôi cố tập hợp những điểm mấu chốt trong quá trình suy diễn của mình lại.
- Thế giới thực là thế giới chúng mình, tức là cậu, tớ và Carole, đang sống. Đó là cuộc sống thực, là nơi chúng ta có thể sinh hoạt và chia sẻ với đồng loại: con người.
- Đến đây thì hoàn nhất trí.
- Ngược lại, thế giới ảo là thế giới của trí tưởng tượng và những điều hão huyền. Nó phản ánh thực thể chủ quan của mỗi độc giả. Đó là nơi Billie tồn tại, tôi vừa giải thích vừa ghi vài điều sơ lược kèm theo:
THẾ GIỚI THỰC
(cuộc sống thực)
TOM
MILO
CAROLE
THẾ GIỚI ẢO
(tưởng tượng)
BILLIE
- Tiếp tục đi, Milo yêu cầu.
- Như chính cậu đã nói, Billie đã vượt qua ranh giới chia cắt hai thế giới do một tai nạn máy móc: một trăm nghìn bản sách bị in lỗi. Đó là thứ cậu gọi là “cổng vào”:
- Ừm, ừm, cậu ta tán thành.
- Vậy nên giờ đây chúng ta thấy Billie đang tàn lụi dần ở nơi không phải môi trường sống của cô ấy.
- Và cách duy nhất cứu cô ấy, cậu ta lại bắt đầu, là tìm lại bản sách bị in lỗi để cô ấy không chết trong cuộc sống thực...
- Và đưa cô ấy về lại thế giới tưởng tượng bằng cách viết nốt tập ba trong bộ tiểu thuyết của tớ. Đó chính là “cổng ra” thế giới thực dành cho cô ấy.
Milo chăm chú nhìn sơ đồ tôi vẽ nhưng tôi thấy rõ có điều gì đó khiến cậu ta băn khoăn.
- Cậu vẫn không hiểu tại sao viết nốt tập ba lại có thể đưa cô ấy trở về thế giới ảo, đúng không?
- Không hẳn.
- Được, OK. Rồi cậu sẽ hiểu. Theo cậu ai tạo ra thế giới ảo?
- Chính là cậu! Ý tớ là nhà văn ấy.
- Đúng thế, nhưng không chỉ một mình nhà văn. Tớ chỉ làm một nửa phần việc thôi.
- Thế ai làm nốt phần kia?
- Độc giả...
Cậu ta nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt còn bối rối hơn nữa.
- Cậu hãy xem Voltaire đã viết gì vào năm , tôi vừa nói vừa đưa cho cậu ta những ghi chép của mình.
Cậu ta chúi đầu vào đám giấy tờ của tôi rồi đọc to:
- “Những quyển sách hữu ích nhất chính là những quyển mà độc giả góp một nửa công sức làm ra nó.”
Tôi đứng dậy và tự tin bắt đầu bài diễn thuyết của mình:
- Nói cho cùng thì một quyển sách là gì hả Milo? Chỉ là những con chữ xếp cạnh nhau trên giấy theo một trật tự nào đó. Không phải cứ đặt dấu chấm hết cho một câu chuyện là có thể làm nó tồn tại được. Trong ngăn kéo của tớ đã có vài đoạn mở đầu của các bản thảo chưa được công bố, nhưng tớ coi chúng là những câu chuyện chết bởi chưa có ai từng đọc chúng. Một cuốn sách chỉ sống khi có độc giả. Chính độc giả mang lại sức sống cho sách khi tạo ra những hình ảnh sẽ tạo nên thế giới tưởng tượng nơi các nhân vật sống.
Cuộc chuyện trò của chúng tôi bị cắt ngang khi cô thủ thư chẳng có việc gì làm mang tới cho Milo một tách sô cô la kèm mứt kẹo. Cậu bạn tôi làm một ngụm ca cao rồi nhận xét:
- Mỗi lần sách của cậu ra hiệu sách và bắt đầu cuộc đời của chúng, cậu đều nói với tớ rằng chúng không còn thực sự thuộc về cậu nữa...
- Chính xác! Chúng thuộc về độc giả, họ sẽ tiếp tục công việc của tớ khi nắm lấy các nhân vật và cho chúng sống trong trí tưởng tượng của họ. Đôi khi, họ hiểu một vài đoạn theo ý của mình, khoác lên chúng một ý nghĩa mới không có trong đầu tớ lúc viết ra, nhưng đó là một phần của cuộc chơi!
Milo vừa chăm chú lắng nghe vừa viết nguệch ngoạc lên cuốn sổ của tôi:
Tôi tin chắc vào lý thuyết này. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng một tác phẩm chỉ thực sự tồn tại thông qua mối liên hệ với độc giả. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, thời chỉ mới đọc chứ chưa viết sách, tôi đã luôn tìm cách đi càng xa càng tốt vào thế giới tưởng tượng của câu chuyện làm mình vui thích bằng cách dự đoán trước, vạch ra hàng nghìn giả thiết, thử đoán cách xử lý của tác giả và tiếp tục câu chuyện trong đầu mình ngay cả khi đã đọc hết trang cuối cùng. Bên ngoài những con chữ được in ra, chính trí tưởng tượng của độc giả mới là thứ quan trọng hơn cả vỏ văn bản và cho phép câu chuyện được tồn tại một cách trọn vẹn nhất.
- Vậy là, nếu như tớ hiểu đúng thì chính nhà văn như cậu và độc giả đã cùng nhau tạo ra thế giới ảo?
- Không phải tớ nói ra điều ấy, Milo ạ, chính là Umberto Eco đấy! Là Jean-Paul Sartre đấy! tôi đáp lại rồi chìa ra cho cậu ta quyển sách đã mở sẵn trong đó tôi có gạch chân câu văn ấy: “Đọc sách là một bản hiệp ước về tính độ lượng giữa tác giả và độc giả, người này tin tưởng người kia, người này trông cậy vào người kia.”
- Nhưng cụ thể là thế nào?
- Cụ thể là tớ sẽ bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết mới nhưng chỉ khi nào những độc giả đầu tiên được đọc nó thì thế giới ảo mới hình thành và khi ấy Billie mới biến khỏi thế giới thực để tìm lại cuộc sống thuộc về cô ấy nơi thế giới tưởng tượng.
- Vậy là tớ không được chậm trễ dù chỉ một giây, cậu ta vừa nói vừa ngồi vào trước màn hình máy tính. Bằng mọi giá tớ phải tìm được bản sách cuối cùng bị in lỗi, đó là cách duy nhất giữ cho Billie còn sống đợi cậu viết xong cuốn tiểu thuyết mới.
Cậu ta vào trong web của hãng hàng không Mexicana Airlines.
- Hai tiếng nữa có một chuyến bay về Los Angeles. Bây giờ mà khởi hành thì tối nay tớ sẽ có mặt ở khu MacArthur Park.
- Cậu định làm gì ở đó?
- Nếu cậu định đưa Billie tới Paris thì phải nhanh chóng làm hộ chiếu giả cho cô ấy. Tớ vẫn còn vài chỗ quen biết, phòng khi cần đến...
- Thế xe của cậu thì sao?
Cậu ta mở túi xách tay lấy ra mấy tập tiền rồi chia làm hai phần bằng nhau.
- Tay nhân viên của Yochida Mitsuko vừa tới lấy nó sáng nay. Đó là tất cả những gì tớ có thể làm được, nhưng chỗ này cũng giúp chúng ta cầm cự được vài tuần.
- Sau khoản này là chúng ta đã vét sạch túi rồi.
- Ừ, và với khoản nợ thuế của chúng ta thì tớ báo trước với cậu là chúng ta còn phải trả nợ trong ít nhất hai mươi năm nữa...
- Lần trước cậu đã quên không nói với tớ điều này đúng không?
- Tớ tưởng cậu tự hiểu được.
Tôi cố gắng làm cho tình hình bớt bi đát đi:
- Chúng ta đang cố gắng cứu mạng sống một con người, đó chẳng phải là việc làm cao quý nhất sao?
- Điều ấy thì chắc rồi, cậu ta đáp, nhưng cô gái này, cái cô Billie ấy, cô ấy có xứng đáng không?
- Tớ nghĩ rằng cô ấy cũng như chúng ta, tôi vừa nói vừa tìm cách diễn đạt phù hợp. Tớ nghĩ rằng cô ấy có lẽ cũng thuộc về “gia đình” chúng ta, gia đình mà chúng ta đã tự chọn, cậu, Carole và tớ. Bởi vì tớ biết rằng thực ra cô ấy cũng không khác chúng ta nhiều đâu: dưới lớp vỏ bọc bên ngoài, cô ấy cũng là một người đa cảm, tốt bụng. Một cô gái khẩu xà tâm Phật, đã bị cuộc đời vùi dập.
Cả hai chúng tôi cùng lặng đi một lần cuối. Khi đã ra đến ngưỡng cửa, cậu ta đột nhiên quay lại phía tôi:
- Cuốn tiểu thuyết mới ấy, cậu sẽ viết được chứ? Tớ tưởng là cậu không còn viết nổi dù chỉ một từ nữa.
Tôi phóng tầm mắt nhìn bầu trời qua khung cửa sổ: những đám mây lớn màu xám chen nhau nơi đường chân trời khiến cho khung cảnh nơi này giống như vùng thôn dã nước Anh.
- Tớ còn lựa chọn nào khác đâu? tôi vừa hỏi vừa gập cuốn sổ tay lại.