Cổ Phật Tâm Đăng

chương 15: bốn người trẻ tuổi thi tài biểu diễn võ công

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Một tiếng hú vang lừng trỗi dậy, một chiếc bóng mờ từ trên một cành cây gần đó vù vù bay xuống.

Khí thế cực kỳ hung bạo, như rồng thiêng xuống biển, như phi tướng quân xuống trần, rơi vào giữa hai người, vung song chưởng ra, chọi lại với hai bàn tay sắt thép.

Tâm Đăng giật mình nhìn kỹ, thấy đó là một lão già tuổi đã ngoài ngũ tuần, mặt mày dạng rỡ, cặp mắt tinh anh lão ta mặc một chiếc áo dài nâu, chân mang một đôi võ hài tuyệt đẹp.

Trên tay lão, còn kẹp một ống sáo bằng bạch ngọc sáng ngời.

Chú còn đang kinh dị cho tài của người này, dám cả gan dùng sức mạnh để chọi lại giữa hai nguồn áp lực của Lư Âu và Thiết Điệp, chợt nghe Vạn Giao cười nói :

- Ngươi là ai!... thì ra là Khúc huynh...

Nghe tiếng “Khúc” Tâm Đăng mới biết người này chính là Khúc Tinh, người có biệt hiệu Quá Thiên Phong.

Chàng cứ nghĩ Khúc Tinh là một lão già gầy gò ốm yếu hình dáng kỳ quặc, nào ngờ ông là một nho sĩ có bề ngoài hào hoa phong nhã, thái độ cao sang.

Và vào lúc đó, hai tiếng “bốp” khô khan nổi dậy của Thiết Điệp và Lư Âu thảy đều thối lùi hai bước.

Khúc Tinh xá chào một vòng tròn, đoạn cười nói :

- Khúc Tinh xin ra mắt quý bạn!

Thiết Điệp và Lư Âu mặc dù đang bực tức, nhưng trông thấy một người bạn già đã cách biệt mười tám năm trường, không bảo nhau, cả hai thảy dằn cơn bực tức, Lư Âu nói với Khúc Tinh :

- Lão Khúc! Mi tới trễ một bước...

Thiết Điệp cũng xin chào mà nói :

- Mười tám năm không gặp, Khúc huynh quả thật tiến bộ rất nhiều, đến một cánh tay nhanh nhẹn như Quá Thiên Phong!

Khúc Tinh ngửa cổ ha hả cười nói :

- Thiết lão, mi quá khen, ta đến đây thăm bệnh của Lạc huynh.

Nói rồi, vừa cười vừa đi thẳng vào ngôi nhà đá, thái độ hòa nhã.

Tâm Đăng thấy Lư Âu và Thiết Điệp nối gót theo sau, chuyện trò vui vẻ, dường như quên bẵng việc đấu võ ban nãy, trong lòng chú lấy làm lạ lắm.

Đây nói về Khúc Tinh và Cô Trúc, vừa nói chuyện vừa bước vào nhà, nhác trông thấy Bệnh Hiệp nằm trên giường, Khúc Tinh vội vàng bước tới, nắm tay khô đét của Bệnh Hiệp, mà nói một câu thảm não :

- Giang huynh, tôi không ngờ bệnh tình của Giang huynh đến nỗi này...

Bệnh Hiệp chỉ nhìn Khúc Tinh qua một ánh mắt đầy bi thảm, dường như ông ta đang nói :

- Cảm ơn lòng tốt của Khúc huynh.

Tâm trạng của Bệnh Hiệp lúc này, buồn vui lẫn lộn, ông ngắm hết những người bạn già của mình, trải qua mười tám năm trời, mà vẫn còn mạnh khoẻ, và võ công tăng tiến.

Chỉ còn có mỗi mình ông ta, là nằm trên giường bệnh để chờ chết.

Trong những người bạn già này, dường như chỉ có Thiết Điệp là người chăm sóc đến Bệnh Hiệp nhứt, dường như bà ta biết sự xuất hiện của Khúc Tinh, sẽ gợi cho Bệnh Hiệp một niềm thương cảm.

Vì vậy bà ta thét Tâm Đăng cùng mấy người trẻ tuổi, bày tiệc ra ăn uống một lần nữa, để cho Bệnh Hiệp được khuây khỏa mạch sầu.

Mọi người quây quần chung quanh bàn tiệc, và câu chuyện lại nổ ròn tan như pháo tết.

Mọi người đều nhắc lại ba mẩu chuyện lý thú trong làng võ lâm, làm cho những kẻ hậu sinh nghe qua, tỏ vẻ thích thú lắm.

Khi tiệc gần tàn Khúc Tinh nói rằng :

- Ban nãy, Thiết lão có nói với ta, những người có mặt ở đây, sau khi rã tiệc, thảy đều biểu diễn một trò cho vui.

Mọi người nghe qua, thấy đều tán thành, sau khi sắp xếp, do Khắc Bố bắt đầu biểu diễn.

Khắc Bố nghe qua, trong lòng lấy làm sợ hãi, vì giữa bàn tiệc này anh là người nhập tịch làng võ trễ nhất, nên có vẻ sượng sùng e lệ.

Anh ta gương cặp mắt cầu cứu nhìn về phía Bệnh Hiệp, và Bệnh Hiệp dùng mắt ra dấu bảo anh ta cứ biểu diễn.

Bất đắc dĩ, Khắc Bố mới bước ra chỗ trống, và bắt đầu cuộc diễn bằng một thế võ làm cho mọi người thảy đều sửng sốt, đó là Hải Triều Sơ Sinh, một thế võ nằm trong Thiên Phong chưởng.

Chúng anh hùng chợt thấy hai bàn tay của Khắc Bố trao đổi với nhau vùn vụt, và thân hình của hắn liên tiếp dồi ra ba thế, và xử một đòn thứ hai trong Thiên Phong chưởng.

Thiết Điệp thấy khí sắc của Khắc Bố biết được sức lực của người này còn yếu, nhưng mà bỏ đi tướng đứng thảy đều ung dung, thật là người có dịp may được danh sư chỉ bảo.

Thế rồi, những đường võ trong Thiên Phong chưởng tiếp tục được tuôn ra, đến đòn thứ năm trở đi thì tay chân của Khắc Bố ngày càng thuần thục, cứ cái điệu bộ đó thì người ta phải cho rằng Khắc Bố đã luyện võ trên ba năm là ít.

Chúng anh hùng thấy vậy, thảy đều khen thầm, cho Khắc Bố là bậc kỳ tài trong đám hậu sinh.

Bệnh Hiệp và Tâm Đăng thảy đều vui mừng ra nét mặt vì rằng Khắc Bố đã đem đến cho Tâm Đăng và Bệnh Hiệp một niềm an ủi vô biên, Bệnh Hiệp nghĩ thầm :

- Rất tiếc là ta gặp nó trễ mười năm, bằng không thì...

Nghĩ đến đây thì Thiên Phong chưởng vừa chấm dứt, Khắc Bố hơi thở vẫn điều hoà, sắc mặt vẫn tươi tỉnh như người không phải dùng đến sức lực.

Tiếp đó đến phiên của Thẩm Tiểu Thạch.

Tiểu Thạch nghe mọi người giục mình biểu diễn, vụt cười xòa rồi thò tay lên bàn lấy ba chiếc chung trà, sắp ra trên mặt đất thành hình tam giác.

Tiểu Thạch xá chào mọi người, đoạn đưa mắt nhìn Thiết Điệp là sư phụ một cái nhìn vô cùng hài hước.

Thiết Điệp mắng :

- Mi muốn diễn trò gì thì cứ diễn ra ngay đi hà tất phải...

Thẩm Tiểu Thạch cười hềnh hệch, trả lời :

- Sư phụ đừng nóng, càng chậm trễ nhường nào thì món ăn càng thấy ngon nhường ấy...

Thiết Điệp quắc mắt :

- Đồ khỉ, đừng lôi thôi dài dòng.

Chúng anh hùng thấy hai thầy trò cãi nhau, thảy đều cười lên ầm ĩ.

Đang cười như vỡ chợ, bỗng Thẩm Tiểu Thạch nhún chân, bay mình đứng lên trên một tách trà rồi thân hình của hắn quay cuồng lông lốc, như một chiếc xe gió to tướng, ống tay áo của hắn rủ trong gió nghe vèo vèo.

Chúng anh hùng thấy vậy, thảy đều kinh dị, cho rằng khinh công của Tiểu Thạch đã luyện đến mức tinh vi tuyệt đỉnh!

Và Tiểu Thạch nhún chân nhảy sang hai chiếc tách trà bên kia, sau khi đi đủ mấy vòng, thình lình hắn thét lên một tiếng, thân hình của hắn như một con diều đứt dây bay bổng sang phía tả, rồi một tiếng “bộp” vang lên, người ta thấy thân hình của hắn bám chặt vào tường như một con thằn lằn đeo trên vách.

Nhìn điệu bộ của hắn, thì ra đó là một thế võ Dã Hỏa Liêu Nguyên, rồi không thấy bàn chân của hắn động đậy, mà thân hình của hắn vụt bay ra khỏi vách tường, để rơi trở về một chiếc tách trà đặt dưới đất.

Mũi giày của hắn đạp nhẹ vào miệng tách, để rồi thân hình của hắn giống như một mũi tên lìa ná bắn trở lên.

Lần này, hắn không bám vào tường, mà lại dùng một thế võ Tàng Long Hí Quỷ để cho thân hình bám chặt lên trần nhà.

Chúng anh hùng còn đang kinh dị, thì hắn lại sử một thế Tàng Long Hồi Đầu, để bay trở về mặt đất, rồi tung tăng bay nhảy khắp nơi, nhưng chân không hề bước xuống mặt đất, mà chỉ bước trên những miệng tách, càng làm cho người ta thán phục hơn nữa là mỗi một bước đi thảy đều là một thế võ cao kỳ xuất sắc.

Những tay cao thủ có mặt, thảy đều biết hắn ta dùng phép Thả Cần Việt Hỏa, lẫn lộn trong phép Bích Hổ Du Tường, để mà thi thố đường võ danh chấn giang hồ của Thiết Điệp là Phi Điệp chưởng.

Đường võ này ngoài những bậc kỳ lão trong giang hồ như Cô Trúc và Khúc Tinh ra, không mấy ai được biết!

Thiết Điệp cũng không ngờ Thẩm Tiểu Thạch lại dùng hết bình sinh sở học của mình, biểu diễn một màn võ thuật bao gồm ba loại võ công đặc sắc của mình, bất giác trong lòng lấy làm mừng rỡ.

Không bao lâu đường Phi Điệp chưởng đã chấm dứt, khi thế võ cuối cùng là Hoa Điệp Hồi Viên vừa tung ra, thì Tiểu Thạch trụ mình trên miệng một tách trà, để rồi thân hình bắn gọn ra phía sau ba thước, và ba chiếc tách trà đã thu gọn trong tay của Tiểu Thạch.

Hai chân vừa đứng vững, Tiểu Thạch tung ba chiếc tách trà lên cao, để rồi lần lượt rơi xuống, chồng vào nhau trong bàn tay của hắn, tất cả đều hiện ra một cách êm như ru không một tiếng động nhỏ.

Chúng anh hùng thấy vậy, thảy đều ngợi khen, những tràng pháo tay nổi lên giòn giã nhiệt liết tán thưởng tài khinh công thượng hạng của Tiểu Thạch.

Mọi người đều không ngờ Tiểu Thạch bề ngoài đần độn, nặng nề, cục mịch, mà khi biểu diễn khinh công lại nhanh nhẹn nhẹ nhàng nhường ấy.

Thâm tâm của Thiết Điệp vô cùng hể hả, vì thấy đứa học trò đã làm cho mình được tiếng ngợi khen của những người bạn mà mình đã cách biệt mười tám năm trường.

Thẩm Tiểu Thạch vênh váo :

- Sư phụ chớ giận tôi, tôi còn giấu sư phụ sáu món nghề riêng, chưa hề biểu diễn!

Thiết Điệp hả dạ lắm nhưng vẫn giả vờ mắng :

- Thôi bước sang một bên nhường chỗ cho người khác...

Vừa nói đến đây, bỗng thấy từ phía cửa, có một người con gái che ngang vuông lụa trên mặt, mình mặc một bộ võ y bó sát vào mình, hai cánh tay trắng muốt của nàng xách một chiếc giỏ màu xanh, phi thân bay vào nhanh như cơn gió thoảng.

Chúng anh hùng còn đang lấy làm lạ, thì Tâm Đăng đã nhận ra đó là Trì Phật Anh.

Chú giật mình bụng bảo dạ :

- Cô ấy đi đâu, vắng mặt lâu quá chẳng thấy?

Chợt nghe Lư Âu cười ha hả, nói rằng :

- Phật Anh, mau bước sang đây ra mắt chư vị sư bá!

Nói rồi giới thiệu cho từng người Phật Anh là học trò của Lư Âu.

Phật Anh mang chiếc giỏ đến trước mặt của Bệnh Hiệp nhỏ nhẹ nói rằng :

- Lạc bá bá, cháu mang ít quả tươi đến đây biếu bá bá!

Nói rồi mở giỏ ra, mọi người nhìn thấy trong đó có mười mấy quả đào chín mọng, đủ màu sắc trông thật đẹp mắt, ngoài ra còn có ba chùm nho lóng lánh.

Bệnh Hiệp tỏ vẻ rất cảm kích, Lư Âu mắng rằng :

- Con quỷ nhỏ này, ta biểu mi nấu vài món ăn cho ngon mi lại hái những quả như thế này.

Cô Trúc cười nói :

- Bà chớ khó tính, hai món đồ này đều là hai loại quả hiếm có lấy từ xứ Tân Cương đến đây, phải tốn rất nhiều công phu mới có.

Bệnh Hiệp dùng mắt ra dấu bảo Tâm Đăng chia nhỏ ra cho mọi người cùng ăn.

Vạn Giao vừa ăn nho của Phật Anh vừa đề nghị nàng biểu diễn võ thuật cho mọi người xem.

Tiểu Thạch nghe nói, thích chí gieo hò ầm ĩ, làm cho Thiết Điệp phải trừng mắt nhìn hắn.

Phật Anh bị mọi người thôi thúc bất đắc dĩ nàng phải đứng dậy bước ra.

Trong tay nàng thủ sẵn một chiếc hột đào, mà khách vừa ăn dở. Sau khi trụ hình đứng giữa nhà, Phật Anh tung hột đào lên khỏi đầu chừng ba thước.

Chờ cho hột đào mơn trớn rơi trở về, còn cách đầu nàng trừng một thước, thình lình sử một thế Tiểu Chi Tàng Ma, bàn tay hữu vung ra, người ta thấy có hai đốm sáng lập loè vèo vèo bay tới.

Có hai tiếng động nhỏ vang lên, và hột đào đi xuống giữa chừng bỗng bật trở lên vì chạm phải ám khí của nàng.

Hồi tiếp đó Trì Phật Anh sử một thế Tị Mục Nghênh Tinh, vừa bay vù sang cành lá, vừa vung bàn tay ra, và hai điểm sáng nữa từ trong bàn tay của nàng bay về phía hột đào, hột đào trúng ám khí lại lật ngược trở lên.

Thế rồi thân hình của nàng tung bay lả lướt, mỗi một lần thay hình đổi bộ là mỗi một lần nàng biểu diễn một thế võ cực kỳ ngoạn mục, và hai mũi kim bạc lại bay ra trúng vào hột đào, làm cho nó cứ bay bổng giữa từng không chẳng rơi về mặt đất được.

Sau khi đã ném mất ba mươi sáu mũi kim, Trì Phật Anh vội dùng một thế Xảo Ngọc Thiên Tinh, để ném thêm hai mũi nữa, và hột đào lần này bay bổng lên cao hơn ba thước.

Trì Phật Anh dùng chân đình bộ, ngửa bàn tay ra đón lấy hột đào đã ghim đầy những mũi kim sáng loáng.

Bằng một động tác cực kỳ lanh lẹ, Trì Phật Anh vò nhẹ hột đào trong tay mình, Tâm Đăng thoáng nghe có một tràng tiếng “lách cách” nho nhỏ vang lên, trong chớp mắt hột đào nát biến trong bàn tay ngà ngọc, gần bốn chục mũi kim sáng loáng thảy đều rơi về bàn tay ngà ngọc của nàng, và mảnh vụn của hạt đào rơi tứ tung trên mặt đất.

Tâm Đăng sẽ lén mừng thầm cho Phật Anh, vì với từng tuổi non nớt đó, mà luyện được môn ám khí lanh lẹ tinh vi chừng ấy thật là hiếm có.

Mọi người đang nức nở khen Trì Phật Anh, thì Tân Trường Sơn từ dưới bếp mang lên mấy dĩa thịt gà, hương thơm ngào ngạt.

Vạn Giao sẽ cất tiếng nói :

- Bây giờ đến lượt của Trường Sơn.

Trường Sơn đưa mắt nhìn sư phụ của mình là Khúc Tinh, sau khi được ông ta đồng ý, Trường Sơn thong thả bước ra giữa nhà.

Chúng anh hùng được dịp nhìn kỹ, thấy Trường Sơn thân hình cân đối, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, sắc diện hào hùng, trông bề ngoài người ta có thể đoán chừng công lực của người này chắc có lẽ trội hơn Tiểu Thạch và Phật Anh.

Lại nữa, vì bề ngoài của Trường Sơn có vẻ hào hoa trang nhã nên mọi người đều với chàng thảy đều sinh ra một nguồn hảo cảm.

Trường Sơn xá chào mọi người nói :

- Đệ tử không lượng sức mình làm gan múa rìu trước cửa Lỗ Ban, vậy xin quý vị hãy lượng thứ cho những chỗ sai sót.

Nói rồi chàng thò tay nhấc chiếc giỏ đựng hoa quả của Trì Phật Anh, rồi chọn mấy chiếc bát đặt trước mắt của Cô Trúc, Khúc Tinh, Lư Âu, Thiết Điệp và Bệnh Hiệp rồi mới rút lui ra ngoài xa mấy bước.

Tâm Đăng mới nhìn đã biết Trường Sơn đã dùng môn khí công lột vỏ những quả đào và ép lấy nước đổ vào chén, chỉ có Tiểu Thạch và Phật Anh vẫn nhìn chưa ra.

Trường Sơn thong thả lui ra mấy bước rồi dừng chân đứng lại, chầm chậm đưa bàn tay hữu lên, khép hai ngón tay điểm nhẹ một ngón.

Một tiếng “rốp” vang lên, Tâm Đăng thấy một quả đào nằm trên mặt, bị thủng một lỗ nhỏ.

Những dòng nước từ trong quả đào ứa ra ròng ròng nhưng nước vừa ứa ra khỏi vỏ, Tâm Đăng bỗng thấy Trường Sơn dùng bàn tay hữu xoè ra, để cách quả đào chừng năm tấc.

Chú biết Trường Sơn sắp sửa dùng nội lực.

Quả thật những dòng nước vừa ứa ra đó bỗng thình lình tụ lại, và biến thành một vòi nước nho nhỏ, tạo thành một đường hình cầu, để rồi rơi vào giữa bát của Cô Trúc.

Không mấy chốc, nước đã đầy bát, và quả đào trong giỏ bẹp dí đi, đó là phép Cách Truyền Trích Thủy, duy chỉ có những bậc luyện khí công đến mức thượng thừa mới có thể sử dụng được.

Thế rồi, Trường Sơn vẫn dùng phương pháp đó để ép lấy nước đào, “rót” vào chén cho Khúc Tinh.

Nhưng khi giọt nước vừa tạo thành hình vòng cầu rơi vào chén của Khúc Tinh, bỗng nghe ông ta nạt :

- Hãy nhường cho vị khác!

Nói rồi ông búng nhẹ năm ngón tay về phía trước, và vòi nước kia bị nguồn tiềm lực của ông ta đánh bay tứ tán.

Trường Sơn giật mình kinh hãi, nhập hai bàn tay lại, tăng gia sức mạnh, để gom những tia nước bắn tứ tung về một chỗ, để rồi rơi vào chén của Thiết Điệp.

Ngón nội lực hùng hồn đó, làm cho chúng anh hùng thảy đều kinh sợ, duy chỉ có Khúc Tinh là mừng thầm trong dạ, vì ông ta biết nội lực của thằng học trò mình gia tăng nhiều lắm.

Trường Sơn liên tiếp dùng cách đó để rót nước đào cho Thiết Điệp, Vạn Giao, Lư Âu.

Và đến quả thứ năm, thì chàng vung bàn tay hữu ra, và một quả đào thoát ly khỏi giỏ, bay bổng lên cao rồi dừng lại giữa từng không.

Dùng bàn tay tả toát nội lực để nâng quả đào, tay hữu dùng phép Cách Không để chọc thủng một lỗ vào giữa quả đào, để rồi tiếp tục ép lấy nước, làm cho một cây nước từ trong quả đào bắn rơi đúng vào mồm của Bệnh Hiệp.

Trò ép nước của Trương Sơn chấm dứt giữa những tràng pháo tay vang dậy.

Và khi tràng pháo tay chấm dứt Thiết Điệp nở một nụ cười tươi, bảo :

- Bây giờ, đến lượt tiểu hòa thượng!

Chúng anh hùng thảy đều biết Tâm Đăng là một đứa học trò cưng của Cô Trúc, nên thảy đều nóng lòng muốn trông thấy tuyệt kỹ của chàng.

Bị mọi người thúc giục, Tâm Đăng gắng gượng bước ra giữa nhà, chú nói với lại :

- Nhị vị sư phụ chỉ truyền cho con võ nghệ mà không dạy cách biểu diễn, nên con chẳng biết phải biểu diễn ra thế nào.

Cô Trúc và Bệnh Hiệp thảy đều mỉm miệng cười, và mọi người lại tiếp tục thúc giục...

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio