Cổ Phật Tâm Đăng

chương 42: sóng gió trong thiên hương cốc

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Thì ra ban nãy một số anh hùng hảo hán, lục lâm hắc bạch, bao vây Thần Du Kỳ Thủ, thảy đều tung ra sát thủ, muốn bắt sống lấy tên này ngõ hầu chiếm Tàm Tang khẩu quyết.

Mặc dù có ngón khinh công thượng thặng, tiến thoái nhanh như chớp nhưng hiềm vì những người bao vây chung quanh đây thảy đều thuộc hàng võ nghệ cao cường, vì vậy mà chưa đầy mười hiệp trôi qua, Thần Du Kỳ Thủ bắt đầu luống cuống chân tay.

Bỗng thình lình, từ trên đỉnh đầu có một đường gươm nhanh như một tia điện chớp chém xả xuống.

Lưỡi gươm còn cách Thiên Linh Cái chừng ba tấc thì bất thần chia ra làm ba ngõ, tấn công vào hai huyệt Giai Tĩnh trên hai vai và huyệt Hầu Đầu nơi cổ họng, đường gươm thật huyền ảo mà cay độc.

Thần Du Kỳ Thủ bất giác hãi kinh, trổ hết sức bình sinh xuống một cái tọa tấn để lánh đòn, làm cho ba đường gươm lướt nhẹ trên mái tóc...

Nào ngờ giữa lúc đó thì một đường nhuyễn tiên bay tới, như một con độc xà uốn khúc quấn chặt vào hai chân của hắn.

Hai chân vừa vướng vào nhuyễn tiên thì lưỡi gươm trên đầu bây giờ cũng bắt đầu biến thế, từ ba ngõ thu phắt trở về biến thành một vầng kiếm hoa huyền ảo, để rồi tách ra năm ngõ, tấn công năm đại huyệt trước ngực của kẻ sa chân.

Thần Du Kỳ Thủ cố hết sức vận dụng công lực vào hai chân của mình, thình lình bước ra ba bước để thoát khỏi vòng uy hiếp, nhưng đường nhuyễn tiên của người kia thật là thần diệu, nửa như nới lỏng, nửa như thắt chặt, cứ quấn quít vào hai chân của Thần Du Kỳ Thủ làm cho hai chân người này loạng choạng.

Cùng trong lúc đó, thì đường gươm tai ác kia như một mành lưới chụp tới, và Thần Du Kỳ Thủ chỉ gắng gượng lánh được bốn đường, còn đường cuối cùng cắt vào hông hắn một đường kinh rợn.

Một tia máu đào bắn vọt ra hòa lẫn trong một tiếng kêu thảm thiết, và liền theo đó, ba bề bốn bên gió dậy rào rào, hơn sáu bàn tay thi nhau chộp vào giữa ngực của Thần Du Kỳ Thủ, vì ai ai cũng đều nghi ngờ hắn giấu quyển Tàm Tang khẩu quyết nơi đây.

Chỉ trong một cái chớp mắt, lồng ngực của Thần Du Kỳ Thủ nát be nát bét, quần áo tả tơi, và thêm một loạt tấn công nữa thì thân hình của hắn lõa lồ, không còn một mảnh vải che thân, mỗi người chộp lấy một mẩu để mong chiếm đoạt pho sách quí báu kia.

Nhưng chẳng một người nào được toại nguyện, chỉ có Thần Du Kỳ Thủ thì chết một cách bi thảm, không toàn thi thể.

Thế là mọi người thảy đều thất vọng, trong đó có rất nhiều người vượt đường xa vạn dặm từ đất Trung Nguyên vào đất cao nguyên Tây Tạng, mà ngày nay ảo mộng bất thành.

Một số người uất ức đã ra tay phóng hỏa, và chỉ trong chớp mắt Tây Tạng đệ nhất gia đã đắm chìm trong biển lửa, cả một dinh cơ đồ sộ của Trác Đặc Ba thảy đều làm mồi cho thần hỏa.

Lửa bắt đầu lan tràn và không một nơi nào là thần hỏa không bén mảng tới...

Trong lúc Lăng Hoài Băng đang cấp cứu Vân Cô thì lửa cháy rần rần, tình thế vô cùng hỗn loạn...

Lăng Hoài Băng thò đầu nhìn ra thấy lửa bốc lên ngùn ngụt, vội vàng vác Vân Cô ngang qua vai mình rồi nhắm hướng đông chạy thẳng.

Thoát được một đoạn đường khá xa, Lăng Hoài Băng thò tay vào túi rút ra một tấm địa đồ ra dò đường mà đến bên bờ hồ Tuấn Mã.

Ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Tây Tạng đệ nhất gia lửa cháy hừng trời, tiếng nhà cửa đổ vỡ nghe ầm ì không dứt, Lăng Hoài Băng táng đởm kinh tâm, nghĩ rằng nếu mình không sớm thoát khỏi địa huyệt, thì bây giờ chắc đã cháy ra tro.

Cất lên một tiếng hú dài, Lăng Hoài Băng nhảy tòm xuống nước, đưa thể xác của Vân Cô ngang qua đỉnh đầu của mình, chỉ vận dụng hai chân, Lăng Hoài Băng bơi lần sang bên kia hồ Tuấn Mã.

Qua đến bên kia bờ hồ, Lăng Hoài Băng đã mệt ngất, gắng gượng đưa Vân Cô vào một lùm cây kín đáo, Lăng Hoài Băng điều công vận khí để lấy lại sức khỏe, một mặt tiếp sức cho Vân Cô, vì lúc bấy giờ bà ta đã xuất huyết quá nhiều nên mặt xanh như tàu lá.

Một tiếng đồng hồ sau, tâm tư của Lăng Hoài Băng đã lần lần định tĩnh, và sức khỏe đã lần lần hồi phục, ông ta lại đỡ Vân Cô lên vai, cất bước lên đường, vì nghĩ rằng nơi đây là chỗ thị phi không nên lưu lại.

Trời lần lần sáng...

Đường đi đã tỏ rõ, nhưng thể xác của Vân Cô bấy giờ cực kỳ yếu ớt, vết thương lại đang nổi lên công phạt làm cho bà ta rên rỉ liên hồi.

Thấy tình trạng này không thể kéo dài, cần tìm một nơi ngơi nghỉ để chữa trị vết thương cho Vân Cô.

Vì vậy mà Lăng Hoài Băng càng thêm gia tăng tốc lực đi nhanh về phía trước.

Đầu giờ Thìn ngày hôm ấy, Lăng Hoài Băng đưa Vân Cô đến một thị trấn khá đông đảo.

Khó nhọc tìm kiếm lắm mới thấy một tiệm thuốc, và Lăng Hoài Băng biên toa bổ vài vị thuốc gia truyền băng bó vết thương cho Vân Cô, nhờ đó mà có chiều thuyên giảm.

Nhưng bà ta vẫn còn mê man, có lúc chợt tỉnh lại than khóc ầm ĩ, đòi chết theo Càn Nguyên.

Lăng Hoài Băng phải hết lời an ủi vỗ về, bà ta mới có vẻ nguôi cơn phiền muộn.

Qua đến chiều hôm sau, khi mặt trời gác sau đầu núi, thì hai người này đang lạc lõng giữa một quãng đường hoang vu vắng vẻ, Lăng Hoài Băng trong dạ bàng hoàng, không biết đêm nay sẽ ngủ nơi nào.

Chợt trong sương chiều bảng lảng có tiếng chuông đưa tới, lên hết một triền núi, trước mắt bày ra một mái chùa màu đỏ thẫm.

Lòng mừng khấp khởi, Lăng Hoài Băng tiếp tục đi tới, vượt qua hai rặng cây, ông ta bỗng giật mình, vì tại nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một ngôi chùa kiến trúc khá tinh vi, đồ sộ, nhìn cảnh bên ngoài thì nơi đây hương hỏa thịnh vượng lắm thì phải.

Lúc bấy giờ, cửa chùa đã đóng, tiếng chuông đã ngưng nhưng từng hồi kinh vang vang đồng vọng, hòa lẫn trong những tiếng mõ trầm buồn...

Lăng Hoài Băng vội vàng gõ cửa và người ra mở cửa sơn môn không phải là một chú tiểu mà là một ni cô luống tuổi.

Lăng Hoài Băng mở lời tìm chỗ trọ, ông bịa chuyện rằng có việc cần kíp nên nhỡ đường ngang đây.

Ni cô đón tiếp thật là niềm nở, và đêm ấy hai người ngụ đỡ nơi phòng khách.

Đầu canh hai, Lăng Hoài Băng vì đường xa lạ chỗ nên trằn trọc không hề yên giấc, phần Vân Cô vì vết thương chưa lành nên chợt mê chợt tỉnh.

Bỗng thình lình, ông ta thấy Vân Cô vùng dậy chạy nhanh ra cửa.

Lăng Hoài Băng nằm gần bên cạnh, thấy vậy tức tốc đuổi theo. Nào ngờ, Vân Cô chờ cho Lăng Hoài Băng đuổi theo tới gần, bất thình lình quay trở lại tống một chưởng, mồm thét :

- Đồ khốn kiếp, cớ sao mi chẳng để cho ta về với Càn Nguyên?

Lăng Hoài Băng không ngờ vào giờ phút này mà Vân Cô lại dụng võ nên trúng đòn ngã ngửa ra...

Và Vân Cô tiếp tục gào lên một tiếng bi thiết, nhào tới móc sả vào ngực Lăng Hoài Băng một đường dữ dội...

Bất ngờ bị lãnh đòn, Lăng Hoài Băng đang nằm chỏng gọng, thì hai bàn tay rẽ gió lướt tới vèo vèo...

Giữa lúc tình hình vô cùng nguy cấp, bỗng thình lình Vân Cô nghe thấy huyệt Thần Đường sau lưng mình nhói lên một cái, và tứ chi rã rời...

Nhưng vì thần kinh đã thác loạn, bao nhiêu công lực thảy đều dồn hết vào hai cánh tay, tiếp tục cào vào giữa ngực Lăng Hoài Băng một đường nhanh như chớp...

Lăng Hoài Băng rú lên một tiếng thảm thiết, một dòng máu thẫm tràn ra ướt áo ông ta, nhưng cùng trong lúc đó, thân hình của Vân Cô cũng rũ người ra như một cành hoa trong cơn gió lộng...

Cố gắng ngước mắt nhìn lên, Lăng Hoài Băng thấy trước mắt mình xuất hiện một lão ni cô mặt mày răn reo, thân thể gầy gò nhưng tinh thần vẫn còn quắc thước...

Bà ta dang hai cánh tay ra đón lấy thân hình của Vân Cô mà nói :

- A di đà Phật! Thật là tội nghiệp...

Lăng Hoài Băng lúc đó mới hoàn hồn, ông ta lóp ngóp bò dậy, và ngồi xuống xếp bằng tròn, thong thả điều khí trị thương...

Trong lúc ấy thì Vân Cô vẫn rên rỉ liên hồi trong lòng của lão ni cô.

Chợt nghe bà ta thét :

- Diệu Liên đâu, mau mang cho ta ba viên Hoàn Hồn đan...

Có tiếng dạ ran, và một ni cô tuổi độ trung niên thong thả bước ra, trao cho bà ta một viên thuốc.

Lão ni cô này đón lấy viên thuốc, nhét vội vào mồm của Vân Cô, rồi dùng bàn tay khẳng khiu của bà ta đưa cho nó trôi vào cổ họng.

Vân Cô đang cơn thần trí bàng hoàng, bỗng nghe thấy cổ họng của mình mát rượi, một làn hương thơm sực nức xông lên tận mũi, và viên thuốc đi đến đâu mang đến cho bà ta cảm giác thoải mái đến đó.

Vì vậy mà thần kinh dần dần êm dịu, lão ni cô thò tay ra mở huyệt cho Vân Cô, đồng thời truyền nội lực vào cơ thể để tiếp sức.

Người tên là Diệu Liên thấy vậy, vội vàng bước cất tiếng nói rằng :

- Bạch sư phụ, xin hãy để cho con thay thế.

Nói rồi thò tay ra ém vào huyệt Hội Tông của Vân Cô.

Lăng Hoài Băng bấy giờ đã điều công hoàn tất, mở bừng mắt dậy thưa rằng :

- Bạch sư thái, đêm hôm khuya khoắt, tôi làm khuấy động cửa thiền, thật là đắc tội.

Lão ni cô hiền hòa trả lời :

- Ba nghìn chúng sinh trong thế giới thật là đau khổ vô biên, nhưng mà biết quay đầu trở lại thì đâu cũng là bến là bờ...

Ngừng một chút, bà ta nói tiếp :

- Nếu già này không lầm thì nữ thí chủ đây chắc chắn trải qua một cơn thống khổ...

Lăng Hoài Băng thở dài, kể sơ đầu đuôi công việc mà Vân Cô vừa gặp phải cho vị lão ni cô này nghe.

Nghe xong câu chuyện, lão ni cô gật gù :

- Thật là tội nghiệp, nhưng ở đời, muốn cho mình thoát khỏi bể khổ, khỏi phải trầm luân thì chỉ có cách nương nhờ cửa Phật, nhờ câu kinh tiếng kệ mà gột rửa dần dần, lòng trần có như vậy, thì tâm tư mới được bình thản...

Đoạn bà ta ngậm ngùi quay về phía Vân Cô mà nói với Diệu Liên rằng :

- Hãy dìu nữ thí chủ vào Đại Hùng bảo điện để nghe kinh.

Lúc bấy giờ cặp mắt của Vân Cô lại long lên sòng sọc, có lẽ vì sức khỏe đã vãn hồi, nhớ lại việc thương tâm, và thần kinh bị xúc động mạnh.

Diệu Liên Ni Cô ứng tiếng vâng lời, rồi đỡ nhẹ Vân Cô đi lần về phía đại điện.

Lăng Hoài Băng thoáng nhìn bộ pháp của Diệu Liên Ni Cô bất giác giật mình, vì rõ ràng đó là Liên Hoa Bộ Pháp, một lối khinh công nổi tiếng của làng võ Trung Nguyên.

Vân Cô rũ người ra nhưng Diệu Liên Ni Cô dìu đi nhanh, trong chớp mắt đã vào đến Đại Hùng bảo điện.

Lúc bấy giờ, đèn đuốc sáng choang, khói hương nghi ngút, Diệu Liên Ni Cô dìu Vân Cô ngồi trên một chiếc bồ đoàn đặt giữa đại điện.

Thế rồi tiếng kinh vang lên trầm bổng, hòa lẫn trong tiếng mõ nổi lên đều đặn giữa đêm trường...

Ý nghĩ thâm trầm của câu kinh tiếng kệ lần lần làm cho Vân Cô định tĩnh tâm thần, ánh mắt từ từ lắng dịu, bà ta miên man suy nghĩ tới đứa con thân yêu độc nhất của bà ta là Tâm Đăng, đã có dịp may sống suốt hai mươi năm trường trong khung cảnh hiền hòa êm ả giữa Bố Đạt La Cung.

Hình ảnh của đứa con yêu quí và hình ảnh của người chồng bạc phước năm xưa dần dần thể hiện trong trí não, và bà nghe thấy tâm tư của mình bình tĩnh lắm...

Tâm hồn của bà như lâng lâng thoát tục, phiêu diêu vào một thế giới thần tiên...

Đây nói về Cô Trúc lão nhân vác Tâm Đăng trên vai mình, trổ thuật phi hành vượt đường xa nghìn dặm, về đất Trung Nguyên để tìm Y Thánh trị liệu vết thương cho Tâm Đăng.

Suốt bảy tám hôm liền, ngày đi đêm nghỉ, ba người vượt khỏi địa phận tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên mà vào đến địa phận Giang Nam.

Nhờ Trì Phật Anh tận tình chăm sóc nên Cô Trúc lão nhân và Tâm Đăng vẫn giữ hơi sức còn được điều hòa, và đúng giờ Ngọ hôm ấy, cả đoàn ba người đặt chân vào một thung lũng phong cảnh cực kỳ xinh tươi diễm lệ.

Giang Nam là một vùng có tiếng phong cảnh diễm lệ bậc nhất Trung Nguyên, nhưng vùng thung lũng mang tên là Thiên Hương cốc này, cảnh trí có phần xinh đẹp hơn chỗ khác quá nhiều.

Trì Phật Anh là một người sinh trưởng tại vùng Giang Nam nhưng vẫn chưa có dịp thưởng thức cảnh trí xinh tươi như vậy.

Nàng có cảm giác như mình lạc lối đào nguyên, bàng hoàng trước khung cảnh xinh như mộng ấy.

Nhưng bước chân của Cô Trúc lão nhân vẫn bước đi thoăn thoắt, dường như ông ta quen thuộc đường lối lắm thì phải.

Ba người vừa thoát ra khỏi một rặng liễu xanh tươi, thình lình từ sau một bụi cây rậm rạp có hai chiếc bóng mờ nhảy xổ ra nhanh như hai làn gió thoảng.

Hai người này vừa dừng chân đứng lại thì có một tiếng thét thanh tao nổi lên :

- Chẳng hay quí khách là ai mà dám đường đột đến nơi này?

Cô Trúc lão nhân với Trì Phật Anh không ai bảo ai cùng ghìm tốc dừng chân đứng lại.

Và bây giờ nhìn kỹ, thấy hai người mới đến lại là hai người con gái, mặc toàn đồng phục màu trắng phau phau.

Hai nàng thiếu nữ này thảy đều búi tóc trên đỉnh đầu, trông có vẻ còn ngây thơ lắm.

Cô Trúc lão nhân thở phào :

- Dám hỏi...

Câu nói của ông ta chưa dứt thì bị một nàng thiếu nữ cất tiếng cắt ngang :

- Lại tìm Y Thánh trị thương chứ gì?

Lúc bấy giờ Cô Trúc lão nhân đã đặt Tâm Đăng xuống đất, và một nàng thiếu nữ đưa mắt nhìn thân hình tiều tụy của Tâm Đăng, lộ vẻ khó chịu.

Vào giữa lúc đó thì từ phía xa xa có một câu nói văng vẳng đưa đến :

- Việc gì thế, Bạch Lan và Hồng Điệp?

Câu nói chưa dứt thì từ xa có một vệt khói mờ bay đến, và chớp mắt xuất hiện trước mắt mọi người một gã thiếu niên mắt trong mày sáng.

Người này quắc mắt nhìn Cô Trúc lão nhân rồi lại liếc nhìn Trì Phật Anh, tỏ vẻ quái lạ vì vuông lụa đen che ngang mặt nàng.

Bạch Lan và Hồng Điệp nhanh nhảu trả lời :

- Ba người này vô cớ thâm nhập vùng vào cấm địa...

Thanh niên chưa kịp trả lời, thì từ đằng xa có tiếng chân người nổi lên, và thêm ba gã thanh niên nữa thình lình xuất hiện với một bộ pháp khinh công thật là tuyệt diệu.

Trong ba người mới đến, có một người luống tuổi, độ ba mươi sáu, cả bọn họ nét mặt khẩn trương, người lớn tuổi nhất bọn là Lương Hùng Phi cất tiếng hỏi :

- Bạch Lan, Hồng Điệp có chuyện gì thế?

Hồng Điệp trả lời :

- Báo Lương đại ca, bọn họ trở lại đây chắc là có mưu đồ gì nữa đây.

Cô Trúc lão nhân vội thanh mình :

- Chúng tôi từ Tây Tạng mới đến...

Bạch Lan cắt ngang :

- Rõ ràng là gian tế, không tấn công còn đợi chừng nào?

Câu nói vừa dứt thì Bạch Lan tức tốc dấy động thân hình, nhảy xổ tới tấn công bằng song chưởng liên hoàn.

Cô Trúc lão nhân nãy giờ đứng ngoài, trong lòng lấy làm căm tức, nhưng vì tình thế bắt buộc, ông ta phải tìm cách đấu dịu.

Vì ông ta biết rằng tình cảnh của Tâm Đăng bây giờ thật nguy nan cùng cấp, ngoài Y Thánh ra không một người nào có thể vãn hồi sinh mạng của chàng được, nhưng không hiểu tại sao bọn người trong Thiên Hương cốc này không nói không rằng, vừa gặp mặt đã làm khó dễ.

Giữa lúc bầu không khí đang căng thẳng, ông ta lại không thể mở lời giải thích, chỉ trố mắt lên mà nhìn Bạch Lan tấn công Trì Phật Anh ráo riết...

Trong lúc đó thì toàn thể bọn người trong Thiên Hương cốc mở mắt trừng trừng nhìn Cô Trúc lão nhân không chớp mắt...

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio