Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

chương 27: trẻ con có mẹ là báu vật

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Mẹ là người phụ nữ rất dịu dàng, tính cách trái ngược hoàn toàn với tính cách của bố tôi.

Mẹ dịu dàng, tỉ mỉ, tính tình cởi mở, mẹ chấp nhận và thích giao lưu, trao đổi với tôi về bất cứ chuyện nhỏ gì.

Quan hệ xã hội của mẹ cũng rất tốt, nụ cười luôn nở bên khóe miệng, khiến người khác cảm thấy gần gũi tự nhiên. Tôi vô cùng ngưỡng mộ mẹ, tính cách của tôi giống bố, tài năng bộc lộ hết ra ngoài, không chịu ai hơn mình. Mỗi lần nghe thấy có người khen mẹ tôi tốt tính, tôi liền có mong muốn học tập bắt chước mẹ. Đáng tiếc mong muốn không trở thành thói quen được. Tôi vẫn cứ ngang bướng kiêu ngạo, đánh đấm lung tung.

Hồi trẻ con, khi tôi và bố tranh cãi, mẹ sẽ đứng ra giảng hòa. Trước mặt bố, mẹ sẽ nói tốt cho tôi, xoa dịu sự bất mãn và thất vọng của ông dành cho tôi; trước mặt tôi, mẹ lại nói nỗi vất vả của bố, nói công việc của ông khổ ra sao, nói thực ra ông vì muốn bảo vệ tôi nên mới yêu cầu nghiêm khắc như vậy.

Mẹ luôn nói, con à, trên đời này người yêu con nhất đương nhiên là mẹ và bố con, những người khác không ai đối xử thật với con bằng bố mẹ đâu.

Tôi biết mẹ nói thật, sau chuyện của ông nội tôi không hận bố tôi như tôi nghĩ nữa, nhưng vào lúc quan hệ giữa tôi và bố dần dần dễ chịu dễ chịu hơn thì tôi và mẹ lại xảy ra xung đột.

Nguyên nhân vẫn là việc học.

Cho tới thời điểm này, đó là việc khiến tôi xấu hổ nhất, cho dù mẹ chưa bao giờ cảm thấy gì nhưng tôi vẫn không thể quên được.

Tôi không có năng khiếu trong việc học tập, cho dù dồn hết tâm sức vào nó cũng không thu được kết quả cao, nhưng tôi luôn biết mình không thể không học. bố mẹ đã từng nói rất nhiều lần, trong xã hội này không có bằng cấp thì không làm được việc gì.

Bố từng nói, muối ông từng ăn còn nhiều hơn cơm tôi ăn, những đạo lí ông nói cũng là kinh nghiệm ông tích lũy trong thời gian dài chứ không phải nói đùa với tôi.

Bản thân tôi cũng hiểu tầm quan trọng của bằng cấp, nhưng mục tiêu tôi tự đặt ra cho mình không cao, chỉ muốn làm một học sinh mĩ thuật trong trường cấp ba của vùng này, thi vào một trường đại học bình thường là đủ.

Nhưng mẹ tôi không nghĩ vậy.

Mẹ bị bố làm lay động, lại bắt đầu cảm thấy tôi là một đứa bé học hành chưa tới nơi tới chốn. đây đúng là một chuyện buồn cười biết bao. Nhưng bố mẹ không cảm thấy vậy, mẹ bắt đầu giáo huấn tôi không mệt mỏi, giảng giải cho tôi tầm quan trọng của việc học cấp ba, miêu tả cuộc sống tươi đẹp ở đại học cho tôi, nhân tiện quy hoạch luôn cuộc đời tôi.

Đó đúng là cuộc sống khiến người khác ghen tị, công việc ổn định, chỉ cần tôi không phạm sai lầm to lớn, cả đời này không lo thất nghiệp. Nhưng khi ấy tôi không thích, lí tưởng của tôi là trở thành một họa sĩ, một nhà văn, một nhiếp ảnh gia, du hành giữa sông dài núi rộng, tìm kiếm cảm hứng, sáng tạo những tác phẩm của riêng mình.

Đó là lần đầu tiên tôi và mẹ nổ ra tranh cãi gay gắt nhất từ trước đến giờ. Tôi luôn cảm thấy mẹ thật đáng sợ, lại muốn định đoạt cuộc đời sau này của tôi, thay đổi tương lai tôi.

Tôi không cam tâm, tranh cãi với mẹ hết lần này tới lần khác, tôi nằm mơ cũng muốn chứng minh rằng đi theo con đường của mình, tôi sẽ vẫn sống tốt như vậy. Nhưng một mình thế lực mỏng không thể nào thuyết phục được hai người lớn, đành chỉ biết kháng cự một cách tiêu cực.

Khi thi cấp ba, tôi đã mắc sai sót lớn, hai câu cuối bài đọc tiếng Anh tôi không làm mà cứ thế nộp bài. Thực ra thành tích của tôi luôn ở mức trung bình khá, thi vào trường cấp ba trong khu vực hoàn toàn không vấn đề gì, nhưng còn cách trường mẹ tôi chọn quá xa. Cộng thêm tôi làm thiếu hai câu, khoảng cách với điểm sàn vào trường ấy càng xa hơn.

Tôi tưởng rằng kết quả như vậy sẽ khiến bố mẹ thuận theo ý của tôi, nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại. hôm có điểm số, tôi nhìn thấy sự thất vọng trong mắt bố mẹ. Tôi lên tiếng an ủi liền bị mẹ ngắt lời.

Mẹ nói với tôi: “Mấy hôm nữa chúng ta đi gặp ông bác con”.

Khi nghe mẹ nói vậy, tôi vô cùng kinh ngạc. gia đình tôi nhiều năm rồi không qua lại với nhà ông bác, từ khi vùng này bắt đầu giải phóng mặt bằng và bồi thường, gia đình tôi và gia đình ông bác đã không nhìn mặt nhau nữa. Mỗi lần nhắc tới chuyện này bà ngoại lại than trách ba đứa con của mình, than trách các con không nên giấu bà mà quyết định, không nên chia tiền nong rạch ròi như thế. Hai cậu của tôi cũng không chịu, thường xuyên cãi nhau với bà ngoại vì chuyện này, cậu luôn nói họ đã làm theo di chúc. Bố của bà ngoại trước khi mất có hai căn nhà, con trai con gái mỗi người một căn. Sau khi dỡ mới phát hiện căn nhà của bà ngoại thuộc khu thi công công nghiệp nên đương nhiên tiền bồi thường sẽ nhiều hơn, còn căn nhà của ông bác vì thi công thiết bị công cộng nên tiền bồi thường ít hơn rất nhiều. Vì thế con trai của ông bác đưa ra ý kiến cộng tiền bồi thường hai nơi lại rồi chia đều, hai cậu của tôi đương nhiên không đồng ý. Hai nhà cứ đề cập tới vấn đề này là dùng ngôn từ rất gay gắt, đến sau này cả đời cũng không qua lại nữa.

Đến bây giờ bà ngoại vẫn canh cánh trong lòng chuyện này, tuổi tác đã cao, bà không coi trọng việc hưởng lạc, bà để tâm tới chuyện tình cảm hơn tiền nong, nhưng hành vi của hai con trai khiến anh trai bà hận bà tận xương cốt, bà chỉ biết bất lực, chỉ biết thở dài.

Đã từng đồng cam cộng khổ, người anh cả đã từng ăn chung một bát cơm trong những năm đói khát bây giờ lại không bằng người dưng, bà sao có thể không buồn, sao có thể không thầm rơi lệ được.

Tôi luôn biết chuyện này vì thế mới cảm thấy vô cùng kinh ngạc khi mẹ nói chuyện muốn tới nhà ông bác. Mẹ cho tôi câu trả lời nhanh chóng: “Con dâu của ông bác con đang dạy ở trường cấp ba X. Điểm số của con kém quá, những người quen khác chúng ta đã nhờ đều không giúp được, chỉ đành nhờ cô ấy giúp đỡ”.

Con dâu của ông bác, điểm số con cách quá xa, đi nhờ vả cô ấy.

Nghe thấy mấy từ này tôi lập tức phát hỏa, chỉ là học cấp ba thôi, thực sự cần phải như vậy sao?

Thực sự phải cần vào ngôi trường cấp ba đó sao?

Chỉ có thể học trường cấp ba đó mới thi đại học được sao?

Tại sao phải đi cầu xin người ta?

Mẹ giải thích với tôi một cách rất bình thản và điềm nhiên: “Cấp ba X là trường tốt nhất, sau khi con vào đó nhất định sẽ thi được trường đại học tốt”.

Tôi khinh bỉ điều này, nhưng bất kể tôi nói thế nào, tỏ thái độ ra sao mẹ đều không nghe. Chẳng bao lâu sau, mẹ dẫn tôi đến gặp ông bác.

Đó là một cuộc gặp gỡ không vui vẻ, ngôn ngữ của đối phương hoàn toàn khiến người nghe ức chế, toàn lành những lời châm biếm lạnh nhạt. Con trai, con dâu của ông bác đều tỏ thái độ không coi chúng tôi là người thân nữa, vì thế việc học hành của tôi không liên quan tới họ.

Lần gặp mặt này, tàn cuộc không vui vẻ gì.

Trong lòng tôi rất vui, thậm chí tôi tưởng rằng qua chuyện này mẹ tôi sẽ từ bỏ, cho đến một hôm bố nói với mẹ: “Nếu không được thì đưa phong bì cho nhà bác em đi”.

Trên đường đi tôi cật lực phản đối, mẹ đột ngột ngắt lời tôi: “Con đừng gây chuyện nữa, nếu thành tích của con tốt thì bố mẹ có cần phải chạy vạy khắp nơi không?”.

Mẹ nói đúng, nếu thành tích của tôi tốt thì họ cần gì phải đôn đáo khắp nơi thế này, cần gì phải năm lần bảy lượt hẹn gặp cả nhà ông bác.

Lần gặp gỡ thứ hai thái độ của mẹ tôi đã thay đổi nhiều so với lần đầu, vẫn là quán ăn ấy, vẫn là những người ấy nhưng tâm tư của con người đã khác quá xa.

Mẹ tôi lần trước cung kính và điềm nhiên, tôn kính trưởng booism tôn trọng và hữu hảo với con trai, con dâu bác. Còn lần này, mẹ thay đổi rồi, nụ cười trên khuôn mặt mẹ trở nên giả tạo, trở nên xu nịnh, trở nên cẩn thận.

Bất luận gia đình ông bác nói gì mẹ mẹ tôi đều chấp nhận không phản đối, chịu mắng mỏ tơi bời thay hai cậu tôi. Đó không phải là những lời than trách giữa người thân với nhau, đó là những lời chỉ trích, nhục mạ gay gắt, thậm chí gây tổn thương tới tự tôn của người nghe. Những lời ấy dường như đã khiến mẹ tôi rơi lệ.

Tôi ngồi bên quan sát mẹ, không hiểu tại sao chúng tôi phải tới đây để nghe những lời nhục mạ này, đúng lúc tôi dịnh làm ầm, kéo mẹ rời khỏi nơi này, thì mẹ ngẩng đầu lên. Những giọt nước mắt đã không còn giấu vết, nếu không phải nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe tôi còn nghi ngờ những gì vừa xảy ra chỉ là ảo giác của mình. Mẹ tôi mỉm cười trước mặt ông bác và những người khác, nụ cười ấy là nụ cười nịnh nọt, là khiêm nhường, là oan ức và cũng là bất lực.

Tôi tháy mẹ đưa phong bì cho cả nhà ông bác, thấy mẹ cẩn thận đối đáp mỗi người có mặt ở đây, thấy mẹ hết lần này tới lần khác lên tiếng cầu xin họ.

Mẹ nói, mẹ chỉ có một đứa con gái, muốn tôi học trường đạo học tốt một chút, muốn con đường sau này tôi đi sẽ thuận lợi, bình an, không phải lo lắng mưu sinh. Tôi cứ nhìn mẹ như thế, nhìn mẹ nhiều lần mở miệng, nhìn mẹ mím môi, nhìn mẹ nuốt nước mắt hết lần này tới lần khác. Khó coi như vậy, bất lực như vậy, và cảm giác này cứ bám theo tôi tới khi tốt nghiệp cấp ba mới chấm dứt.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ như vậy, cho dù mẹ ra sức che giấu, tôi vẫn nhìn thấy sự mệt mỏi và bất lực của mẹ. Tôi không dám lên tiếng an ủi, cũng không dám mở miệng than phiền, cho dù tôi biết những thứ này không phải tôi mong muốn, dù vậy tôi cũng không thể nói ra bất cứ lời nào làm mẹ tổn thương thêm nữa. Cuối cùng tôi chỉ biết thờ ơ cúi đầu nhìn ngón chân mình, giả vờ như chưa xảy ra chuyện gì, cùng mẹ chậm rãi bước về nhà.

Cuối cùng tôi cũng vào được ngôi trường cấp ba ấy, ngôi trường trọng điểm quốc gia khiến rất nhiều người ghen tị. Tôi đối mặt với áp lực lớn, sống chết cắm đầu vào học như một con cún.

Đó là những tháng ngày đen tối nhất của tôi, tôi không giỏi, học tập mất sức, không theo kịp tiến độ của các bạn khác, lao tâm khổ tứ để giữ được thành tích trên trung bình.

Mẹ hiểu được nỗi vất vả của tôi,an ủi tôi, động viên tôi hết lần này tới lần khác. Mặc dù bố không hiểu nhưng cũng cố gắng tránh va chạm với tôi.

Tôi biết, họ đang nhường tôi, nhưng trong nghịch cảnh và áp lực thế này, tôi đã trở nên mắc chứng cuồng loạn, tính tình trở nên thô bạo. Và tính cáu kỉnh này cuối cùng đã làm tổn thương người phụ nữ luôn mỉm cười với tôi.

Đó là kì nghỉ cuối cùng trước khi tôi thi đại học, nhà trường cho chúng tôi nghỉ học để nghỉ ngơi, cân bằng trạng thái. Tôi về nhà, nhưng vẫn cảm thấy trạng thái tinh thần của mình không hề tốt. Sau bữa cơm tối mẹ dẫn tôi ra ngoài đi dạo, mùa hè nóng nực, chỉ có hai bên bờ sông mới khiến người ta mát mẻ hơn chút, tôi dắt tay mẹ chậm rãi bước đi.

Khi ấy, mẹ đã bị bệnh Meniere (một chứng rối loạn tai trong), không phân biệt rõ phương hướng. Tôi vốn không muốn ra ngoài nhưng khi thấy tinh thần phấn chấn của mẹ thực sự tôi không nỡ từ chối. tôi cố chọn nơi ít người, dọc đường men theo bờ sông đi, giữa chừng gặp mấy người quen, mẹ đều nhiệt tình chào hỏi.

Trong ba năm cấp ba tôi rất ít khi về nhà, người quen của mẹ có nhiều người đã không nhận ra tôi, họ lịch sự hỏi: “A, cháu cao lên nhiều quá, lần trước gặp cháu mới cao bằng chừng này...”.

Nói xong liền so độ cao, độ cao như thế chắc là từ rất lâu rồi.

Ngay cả tôi cũng không nhớ.

Mẹ tôi lại nhớ rất rõ, bà vỗ vai tôi, nói: “Lần trước gặp cô con mới học cấp hai...”.

Cô ấy cũng cười sau đó than thở thời gian trôi nhanh quá, nói: “Đúng thế, nhanh quá, chớp mắt cháu đã sắp phải thi đại học rồi nhỉ”.

Đối với tôi lúc đó, chủ đề này vô cùng nhạy cảm, giống như bãi mìn, giẫm vào sẽ bị nổ. tôi vốn không thích thảo luận cùng người khác, bởi vì không chú ý một chút tôi sẽ không kiềm chế được.

Cô và mẹ tôi bắt đầu nói chuyện về chủ đề này, tôi sầm mặt lại, đi sang một bên, dường như không nghe thấy gì, không chút để tâm, bất luận họ hỏi gì tôi cũng vờ như không nghe thấy.

Cô này mau chóng cảm thấy ngượng ngùng, một hồi sau kiếm cớ rời đi. Cô ấy đi xong tôi vẫn giữ bản mặt lạnh lùng, mẹ cũng không còn hứng tản bộ nữa, mặc tôi dìu về nhà.

Vừa về tới nhà, mẹ bắt đầu chỉ trích thái độ thờ ơ, ngạo mạn vô lễ của tôi, mẹ nói tôi không hề biết tôn trọng người khác, không quan tâm đến những gì mẹ nghĩ, không để mẹ sống yên.

Vừa nghe thấy vậy, ngọn lửa trong lòng tôi bùng lên. “Con không để mẹ sống yên sao?”.

Nếu không phải muốn mẹ sống yên, con sẽ đi học ở ngôi trường đó sao?

Bây giờ con trở nên thế này, vì một kì thi mà ăn không ngon ngủ không yên, mẹ đi hỏi xem những người quen biết con bây giờ có ai không bảo con gầy không ra hình người, nhìn như con nghiện không?

Còn mẹ, mẹ cảm thấy mọi thứ đều nên như thế.

Vì tiền đồ mẹ đã vẽ cho con, vì muốn đạt được mong muốn của mẹ, vì muốn giữ thể diện cho mẹ trước mặt người khác, mẹ gặp ai cũng nói, tôi có một đứa con gái đang học trường cấp ba X, có một đứa con gái có thể thi đỗ vào trường đại học trọng điểm...

Mẹ nói con chưa bao giờ nghĩ tới cảm giác của mẹ, vậy mẹ có nghĩ tới cảm giác của con không?

Mỗi lần mẹ giới thiệu với người ta con đang học trường nào, con đều vô cùng căng thẳng, thành tích của con không tốt, để vào được trường ấy mẹ suýt phải quỳ xuống đất cầu xin người ta mua về. Con không hiểu rốt cuộc mẹ đang khoe khoang cái gì...”.

Những lời nói cay nghiệt đã ấp ủ từ lâu này còn chưa nói xong, mẹ đã tát tôi một cái.

Đó là lần đầu tiên mẹ tát tôi từ bé đến giờ, rõ là mẹ đánh tôi nhưng mẹ lại tỏ ra còn buồn bã hơn tôi, đôi mắt xinh đẹp của mẹ đầy nước mắt, và khuôn mặt luôn dịu dàng bây giờ đầy sự hoảng loạn và kinh ngạc.

Có lẽ còn có sự tuyệt vọng!

Đúng thế, làm sao mẹ lại không tuyệt vọng cơ chứ?

Đứa con gái độc nhất, một thời khiến mẹ tự hào, lại dùng những lời lẽ làm tổn thương người ta nhất thế này chỉ trích mẹ không chút thương tiếc. nói mẹ yêu hư vinh, nói mẹ không bao giờ quan tâm tới cảm giác của người khác.

Mẹ tôi bật khóc, bà không khóc thành tiếng mà chỉ âm thầm thút thít. Những giọt nước mắt trong suốt chảy xuống từ khóe mắt xuống má, mang theo từng vệt nước, cuối cùng rơi xuống cổ hoặc xuống đất.

Tôi lập tức hối hận, vì sự bồng bột nhất thời và cay nghiệt của mình mà hối hận.

Nhưng tôi không biết phải vớt vát thế nào, chỉ biết đứng đó, bất lực chờ đợi.

Thực ra tôi cũng không hiểu rốt cuộc mình chờ đợi cái gì.

Mẹ thở dốc, nấc liên tục. tôi thấy mẹ toàn thân run rẩy, tôi thấy mẹ không thở nổi, tôi thấy mẹ đổ gục ngay trước mặt tôi.

Một chuỗi sự việc xảy ra rất nhanh, nhanh tới mức tôi không kịp đưa tay kéo mẹ lại.

Tôi rất sợ, lúc mẹ đổ xuống tôi dường như thấy trời đất sụp đổ trước mặt mình. Tôi gọi mẹ, lắc người mẹ liên tục, làm cấp cứu lung tung, thúc giục xe cứu thương hết lần này tới lần khác...

Tôi luôn là vậy, không ngừng phạm lỗi, không ngừng làm tổn thương cha mẹ mình, khiến họ đau lòng, khiến họ tuyệt vọng, khiến họ rơi lệ, tôi hận bản thân mình nhưng lại không tìm được cách nào để thay đổi, để đột phá.

Cuối cùng mẹ tôi tỉnh dậy ở bệnh viện, bố tôi biết chuyện nhưng không trách móc tôi, ông chỉ thở dài, lặng lẽ thở dài. Tôi lại khiến ông thất vọng, mấy năm qua tôi không hề lớn lên, tôi vẫn là đứa con gái hư hỏng hay kích động, ấu trĩ, không màng tất cả, không nghĩ cho người khác.

Tôi không dám ở lại bệnh viện, tôi sợ nhìn thấy ánh mắt thất vọng của cha mẹ, tôi sợ sự im lặng của họ, nhưng còn sợ biểu cảm e dè của họ hơn thế.

Chúng tôi bước vào giai đoạn chiến tranh lạnh như vậy, không ai lên tiếng phá vỡ sự im lặng, cho đến trước khi mẹ ra viện, bà mới phá vỡ sự im lặng đáng sợ này.

“Con vẫn giận mẹ à?”. Mẹ hỏi tôi.

Tôi lắc đầu, thực ra tôi không giận mẹ, tôi thực sự không giận, tôi biết mẹ muốn tôi sống tốt hơn, muốn tôi nổi trội hơn người, muốn tôi thuận buồm xuôi gió , mặc dù trong lòng tôi không mong muốn nhưng tôi chưa bao giờ giận mẹ.

“Con giận mẹ thì cứ giận, mẹ không cố ý, mẹ chỉ cảm thấy tính cách của con không thích hợp làm một số công việc nay đây mai đó. Con là con gái, mẹ hi vọng con bình an, bố con mong con đi mở mang đầu óc, nhìn ngắm thế giới bố mẹ chưa từng thấy, trải nghiệm cuộc sống bố mẹ chưa từng trải qua”.

Tôi im lặng, những đạo lí này tôi đều hiểu, nhưng tôi bài xích việc gần nó.

“Mẹ biết mấy năm qua con chịu nhiều áp lực, con cảm thấy mẹ vì con mà đánh mất tự tôn, con cảm thấy chuyện đi cầu xin nhà ông cậu là mất mặt, con cảm thấy mẹ dùng tiền, dùng sức lực mới đưa con vào được trường ấy, con sợ bố mẹ thất vọng vì con, sợ bố mẹ cảm thấy không xứng đáng... Nhưng làm gì có chuyện đó? Con gái, sao con lại nghĩ như vậy chứ? Con là con gái duy nhất của bố mẹ, bố mẹ làm bất cứ việc gì cho con cũng đều cam tâm tình nguyện. mẹ chưa bao giờ cảm thấy việc đi nhờ vả, cầu xin người khác là mất mặt, mẹ cũng chưa bao giờ cảm thấy con khiến mẹ thất vọng, bởi con luôn là niềm tự hào của mẹ. Con nói mẹ khoe khoang,ừ mẹ quả thực đang khoe khoang, nhưng mẹ không phải khoe khoang con đang học hành ở đâu, mẹ muốn khoe mẹ có một đứa con gái hiểu chuyện, đáng yêu, yêu thương mẹ như thế nào. Đây vốn là một chuyện khiến người ta tự hào, vốn đủ để mẹ hãnh diện với người khác rồi”.

Mẹ quá mệt, nói xong liền thở hổn hển, thân hình gầy gò của mẹ đang phải chiến đấu. Mẹ ôm chặt tô, nhận lỗi liên tục.

Tôi sợ mất mẹ, tôi sợ mẹ thất vọng vì tôi.

Cảm giác sợ hãi này đủ khiến mọi cơn nóng nảy, suy sụp của tôi biến mất.

Trên đời này còn gì quan trọng hơn mẹ nữa chứ?

Không còn, chắc chắn là không.

Tôi yêu mẹ còn hơn cả yêu bản thân mình, yêu hơn mọi thứ của tôi, tôi tin bà cũng như thế.

Tôi và mẹ từng là một, tôi đã ở mười tháng trong bụng mẹ, tôi là người thân nhất trên đời này của mẹ, mẹ cảm thấy tự hào vì có đứa con gái như tôi, tôi cũng cảm thấy tự hào vì có người mẹ như mẹ.

Mẹ vẫn dịu dàng như thế, mẹ khẽ vuốt tóc tôi, an ủi tâm trạng tôi, mong tôi không nên đau buồn, không nên lo lắng, cho tới khi tâm trạng của tôi bình tĩnh trở lại.

Tôi nghĩ, các bậc cha mẹ trên đời này cũng như bố mẹ tôi,cho dù tôi hiểu nhầm họ, cho dù họ vì tôi mà bỏ qua lòng tự trọng, cho dù họ dốc tâm huyết và tiền bạc vì tôi, họ cũng cảm thấy cam tâm tình nguyện.

Bởi trong thế giới của họ, tôi đã là tất cả.

Các bậc cha mẹ trên thế giới này cũng thế, luôn dịu dàng với con cái, thỏa mãn mọi yêu cầu con cái đưa ra, mong muốn con cái trải qua tất cả, sau đó lo lắng mọi điều bất ngờ và hoàn cảnh khốn khó xảy ra với con họ giống như người ,mắc chứng bệnh hoang tưởng.

Họ sẽ nghĩ đủ mọi cách để con cái mình tránh xa khó khăn, họ sẽ giúp con mình có sự lựa chọn tốt nhất, cho dù con cái không chấp nhận, cho dù con cái chỉ trích họ, cho dù con cái vì thế mà cãi nhau với họ.

Nhưng, sự thật chứng minh cha mẹ đúng.

Đừng nên nghi ngờ, vì động cơ xuất phát của những việc làm này đều bắt nguồn từ tình yêu dành cho con cái.

Tôi muốn chúng tôi luôn bên nhau.

Thực ra tôi đã quên mất bao lâu rồi tôi không nói chuyện với bố mẹ, từ khi tôi bắt đầu đi làm là không có những kì nghỉ dài tự do phóng khoáng nữa, do công việc nên chúng tôi bên nhau thì ít, xa nhau thì nhiều.

Họ không hề giận tôi, cũng không nói với tôi những điều không thuận lợi của họ.

Bố mẹ càng ngày càng già, tôi cũng càng ngày càng trưởng thành. Bốn mùa luân phiên nối tiếp nhau, tôi không kịp quan sát sự thay đổi của bố mẹ, bởi sự thay đổi ấy qua chậm, cũng quá im lặng, đến lúc tôi phát hiện ra thì đã muộn.

Khi còn nhỏ, bố là ánh sáng trong thế giới của tôi, mẹ là chỗ dựa dịu dàng nhất trong thế giới của tôi. Bất giác, mối quan hệ này đã thay đổi. bố mẹ bắt đầu nhường nhịn tôi, bắt đầu thuận theo ý tôi, bắt đầu e dè tôi, bởi vô hình trung muốn tăng thêm sự lưu luyến gia đình trong tôi, muốn tôi tăng thêm nỗi nhớ dành cho họ.

Tốt nhất là, tôi về nhà nhiều hơn một chút, để tôi có thể ở bên họ nhiều hơn.

Thời gian trôi đi, mái tóc của bố đã điểm đầy hoa râm, nếp nhăn khóe mắt mẹ lại thêm mấy đường, mỗi khi chú ý đến tôi lại cảm thấy lo lắng. Tôi bắt đầu mua nhiều mĩ phẩm cho mẹ, muốn lưu giữ vẻ đẹp của mẹ; tôi bắt đầu đi bộ cùng bố, muốn loại bỏ những lo lắng phiền muộn trong cuộc sống của ông.

Nhưng thời gian tôi có thể ở bên họ ngày càng ít đi, thứ tôi có thể thay đổi đã ít lại càng ít hơn.

So với thời gian, sức mạnh của con người luôn quá nhỏ bé.

Lại là mùa hè, thời gian một lần nữa thể hiện khả năng của nó, nó tàn nhẫn và vô tình khi cướp đi ông ngoại tôi, mái đầu mẹ sau một đêm đã bạc thêm nhiều sợi

Tôi càng ngày càng lo lắng tình hình của mẹ, những ngày qua mẹ luôn một mình âm thầm rơi lệ, luôn ngây người nhìn di ảnh của ông ngoại. Mẹ nói với tôi, đó là người đàn ông yêu thương mẹ nhất, giống như bố con với con.

Con tim ngập tràn yêu thương, xót xa.

Mẹ chỉ một con đường cũ và nói với tôi: “Khi đó, ở đây có một ngọn núi, mẹ đi học ở bên kia núi, nhưng nhà ở bên này núi... mỗi ngày ông ngoại dắt tay mẹ, đưa mẹ đi học, mẹ không muốn đi nên làm nũng đòi ông cõng, con đừng tưởng ông có hai cậu con trai, thực ra người ông thương nhất là cô con gái này đấy”.

Chỉ khi nhắc tới chuyện cũ mẹ mới hé nở nụ cười, chỉ cần trở về hiện thực mẹ lại âm thầm rơi lệ, tôi phát hiện ra, mẹ liền an ủi: “Con đừng lo, mẹ chỉ hơi đau lòng... một thời gian sau sẽ ổn thôi”.

Tôi biết điều này không phải sự thật nhưng tôi vẫn sợ mẹ sẽ mất hi vọng vào cuộc sống. Tôi bắt đầu bảo vệ mẹ, chốc chốc lại gọi điện cho mẹ, hỏi mẹ đang làm gì, hỏi mẹ ăn gì.

Bố nói đùa với tôi: “Hình như mẹ mới là đứa trẻ không hiểu chuyện, con đã trở thành phụ huynh”.

Bố nói bâng quơ, nhưng trong lòng tôi lại rất xúc động, đây là một quá trình tuần hoàn, một vòng tuần hoàn không ai tránh được, người này mất đi người kia trưởng thành.

Chúng ta được bố mẹ chăm sóc thời thơ bé, đến khi già chúng ta chăm sóc bố mẹ, mọi thứ đều hợp logic nhưng lại khiến người ta tuyệt vọng và bất lực.

Bởi vì bất cứ ai cũng sẽ phải già đi, bất cứ ai cũng không có cách nào níu giữ thời gian.

Trách nhiệm và nghĩa vụ không ngừng thay đổi vị trí giữa dòng chảy của thời gian, chúng ta không thể nào khống chế được, cũng không thể chạy thoát được.

Trong quá trình chuyển đổi ấy, chúng ta tất nhiên sẽ có giận dữ, sẽ cảm thấy không đủ kiên nhẫn, sẽ có tranh cãi, nhưng khi mọi thứ trở về tĩnh lặng, bạn sẽ phát hiện ra những hồi ức tồn tại trong ngày tháng ấy chưa từng rời xa, hơi ấm và tình yêu vẫn ở trong tim bạn. chỉ cần bạn đồng ý, sẽ phát hiện ra người ấy hoặc là đứng trước mặt bạn, hoặc là đứng sau lưng bạn.

Dẫn bạn đi, hoặc để bạn dẫn đi, chậm rãi bước về phía trước.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio