Sau khi bán đồ thêu xong, ba người nhà Diệu Nhi đi dạo chợ một vòng. Nương mua hai mươi cân gạo lức mỗi cân giá bảy văn hết một trăm bốn mươi văn, mười cân bột mì thô giá năm văn, lại cắt nửa cân thịt heo nhiều mỡ, ít nạc hết mười văn. Diệu Nhi phải năn nỉ dữ lắm nương mới cho bốn văn mua đống xương heo, mà theo ý nương là chẳng có tác dụng gì cả. Sau đó nương lại mua thêm một ít gia vị các thứ, cuối cùng tổng kết buổi đi chợ tiêu hết hai trăm bốn mươi văn. Tiêu hết số tiền bán măng, còn bị lố sang tiền bán khăn tay và hà bao nữa. Nương thì vừa đi vừa than thở tiếc tiền, Diệu Nhi biết rõ nương đang bực vụ bốn văn tiền xương heo nên khôn ngoan ngậm chặt miệng, chỉ có phụ thân thật thà nói:
”Mẹ nó đừng tiếc nữa, mặc dù tiêu hết số tiền bán măng nhưng chúng ta đã mua được số lương thực đủ ăn cho tận hai tháng.”
Sau khi nghe phụ thân khuyên bảo, nương cũng đã nguôi ngoai phần nào, chín mươi văn còn lại, bà cất thật kỹ, vẻ mặt đề phòng giống kiểu ai mà muốn dùng thì phải bước qua xác của bà vậy.
Diệu Nhi khẽ lắc đầu nhè nhẹ, sau đó khuyên nhủ:
”Nương, người yên tâm đi, con sẽ cố gắng tết vòng tay, tỷ tỷ cũng cố gắng thêu khăn tay hà bao, phụ thân và địa ca sẽ lại làm măng khô đem bán cho các tửu lâu khác, chúng ta rất nhanh sẽ có tiền mà.”
Tầm giờ ngọ, ba người mới về đến nhà. Phụ thân thì đi trả xe trâu, còn đại ca với đại tỷ nhanh tay chạy ra phụ nương bê các thứ vào. Tiểu Sơn cứ xoay quanh Diệu Nhi, vừa chạy vừa vỗ tay vui vẻ:
”A, có gạo, có gạo, chúng ta sẽ có cơm ăn rồi. Lại có cả thịt nữa. Hoan hô, hoan hô!”
Đúng là sẽ có cơm, mặc dù chỉ là cơm gạo lức khô, hơi khó ăn, lại khá cứng nhưng như vậy cũng đã được cả nhà coi là mỹ vị rồi, trân trọng ăn từng hạt từng hạt vì sợ làm rớt. Với tính tình của nương thì vô cùng khó khăn mới năn nỉ bà nấu cho cả nhà một bữa cơm khô thế này, Diệu Nhi cứ nghĩ sẽ khó mà thuyết phục bà lắm chứ, ai ngờ, có lẽ hôm nay mua được nhiều thứ nên tâm trạng bà đang vui, dễ nói chuyện hơn.
Thật ra với một gia đình nghèo ở nông thôn, hai mươi cân gạo này có thể ăn tiết kiệm trong vòng hai tháng luôn đấy. Đa phần sẽ ăn cháo loãng, với rau dại, các loại ngô khoai nấu chung. Cho nên rất ít có nhà nào chịu bỏ một lượng gạo nhiều để nấu cơm.
Trưa ăn cơm gạo lức với canh cải dại nấu tôm, cá kho mặn, rau xào thịt. Cả nhà ăn vui vẻ.
Sau khi cơm nước xong, nghỉ ngơi tầm hai khắc, phụ thân với đại ca lại lên núi lấy măng, nương với đại tỷ tiếp tục sơ chế mớ măng còn lại. Diệu Nhi ngáp ngắn, ngáp dài cùng tiểu Sơn đi ngủ trưa.
Xế chiều, Diệu Nhi dậy, sau khi tỉnh táo hoàn toàn cô bắt đầu lôi mấy sợi dây ra tết. Đầu tiên cô sẽ làm mấy kiểu đơn giản nhất như tết đan chéo hình dấu nhân, chữ thập, hình zích zắc, sau đó đến mấy cái khó hơn hình hoa, lá, đám mây, chữ phúc, lộc, thọ...
Bởi vì tết mấy cái khó khá tốn thời gian, nên Diệu Nhi dạy cho đại tỷ mấy kiểu đơn giản, còn cô tập trung tết mấy cái khó để kiếm tiền. Mấy cái đơn giản cô lại dùng vải cắt hình hoa, lá, quả đủ kiểu gắn lên, dùng kỹ xảo thêu của An Nhi tỷ đính vào, cuối cùng cái tưởng đơn giản mà trông khá đẹp mắt, ước chứng bán cũng được giá cao.
An Nhi tỷ rất thích mấy sợi dây này, cũng phải, đồ trang sức đẹp mà lại lạ mắt thế này cô nương nào mà không thích chứ, cho nên Diệu Nhi tự tay làm tặng nương và An Nhi tỷ mỗi người một sợi khiến hai người vui vẻ, cười híp mắt cả ngày.
Mất chừng một tuần Diệu Nhi mới làm hết bó dây màu, được mười lăm sợi. Bởi vì An Nhi tỷ phải lo thêu thùa không giúp cô được nhiều nên mới mất một thời gian lâu như thế để hoàn thành.
Lần thứ hai đi bán măng chỉ có phụ thân và nương đi, Diệu Nhi nói cha nương mang theo cả chục cân măng chua cô làm đến chỗ Chu chưởng quầy bán thử, và cả mười lăm sợi dây đan, mớ hà bao, khăn tay của An Nhi tỷ nữa.
Vì cha nương không có nhà nên Diệu Nhi năn nỉ đại ca A Thành dân cô đi bắt cá. Bởi vì nhà cô vẫn nghèo hoàn nghèo a, không có tiền mua thịt, cả gần hai tháng xuyên đến đây cô chỉ mới được ăn một bữa thịt ba chỉ nhiều mỡ ít nạc lần trước nương mua a. Nhưng không sao, thịt heo khó có để ăn, thì bắt tôm cá ăn cũng được. Dù sao cái này có sẵn của thiên nhiên, không tốn tiền.
Diệu Nhi đứng trên bờ nói với đại ca A Thành:
”Đại ca, huynh bắt ít cua nha, hôm nay muội sẽ nấu canh cua đãi mọi người.”
”Được.”
A Thành đại ca đáp xong, nhanh chóng xắn quần rồi tiến lại gần bờ sông, giăng lưới.
Diệu Nhi đứng bên một cây cao không biết tên, hết nhìn đại ca dưới bờ sông, lại nhìn quang cảnh đồi núi xung quanh, không khí thật tốt, cây xanh mướt, trời cao. Hai anh em đang loay hoay chợt nghe thấy tiếng gọi:
”A Thành! A Thành!”
Đại ca A Thành nghe có người gọi mình thì quay mặt lại, nhận ra người gọi thì nhoẻn miệng cười đáp:
”Vương Xuân, ngươi đi đâu đây?”
Vương Xuân cười trả lời:
”Ta đi làm đồng, thấy dáng ai giống huynh nên gọi thử. Huynh đang bắt cá à?”
”Đúng vậy. Muội muội ta muốn ăn ít cua nên ta đi bắt.”
Diệu Nhi im lặng đứng kế bên nghe hai người nói chuyện, từ lúc Vương Xuân xuất hiện cô vẫn lén lút quan sát hắn. Đây là một chàng trai cao to hơn đại ca cô nhiều, tuổi cũng tầm mười bốn, mười lăm, làn da ngăm đen, nhưng lại có một đôi mắt rất sáng. Thật ra với nhan sắc này vứt đến hiện đại thì thuộc tuýp khốc ca, nhưng ở cổ đại này lại thuộc dạng quê mùa. Haiz, cổ đại không khí đúng là tốt, nơi nơi đều có trai đẹp để ngắm a.
Dường như cảm nhận được ánh mắt chăm chú của cô, Vương Xuân đột nhiên quay sang, cười hỏi:
”Diệu Nhi muội muội đã khỏe chưa? Ta có nghe đại ca muội nói chuyện lần trước. Sau này, nếu muội muốn ăn cá, A Thành không có thời gian bắt cho muội, thì muội cứ nói với Xuân đại ca, Xuân đại ca sẽ bắt cho muội rất nhiều, chứ đừng tự mình đi nữa nhé, muội còn nhỏ, ra bờ sông một mình rất nguy hiểm.”
Được người khác quan tâm Diệu Nhi cảm thấy trong lòng ấm áp, cười ngọt ngào nói:
”Cám ơn Xuân đại ca.”
Vương Xuân giúp đại ca A Thành bắt được bốn con cá lớn, một ít tôm đất, một ít cua rồi mới đi ra đồng. Đại ca A Thành nói mãi Vương Xuân mới chịu cầm hai con cá, cũng không thể để người ta giúp không công a.
Trưa nay Diệu Nhi hái ít ngọn khoai lang nấu canh cua, bởi vì không có rau đay, nên chẳng biết nấu bằng rau gì, cô hái đại thôi a. Nghe nói nấu bằng ngọn khoai lang cũng không tồi. Hai con cá thì một con ướp để kho, một con cô quyết định chiên xù, dù sao lần trước mua thịt heo mỡ nương thắng được non nửa chén mỡ a.
Non nửa trưa nương và phụ thân về, hai người vẻ mặt rất vui vẻ, Diệu Nhi đóan buôn bán chắc suôn sẻ. Cô lăng xăng lấy khăn múc nước cho cha nương rửa mặt, lại rót cho mỗi người một bát nước sôi hoa cúc. Sau khi uống xong, nghỉ ngơi một chút, nương mới cười nói:
”Hôm nay buôn bán không tệ. Mang khô được mười cân, giá vẫn hai mươi ba văn, măng chua cũng được Chu chưởng quầy mua hết, tính hai mươi văn một cân, mớ măng chua con làm được tầm bảy cân. Sau đó nương đi bán hà bao và khăn tay giá cũng cao hơn lần trước do ho văn lạ.” Nói đến đây nương tạm dừng lấy hới, rồi hai mắt lấp lánh, rất là vui vẻ nói tiếp, “Đặc biệt là mười lăm dây đeo tay của Diệu Nhi bán không tệ, lúc nương đến tiệm có gặp một vị tiểu thư người ta mua năm văn cho mẹ tận một lượng bạc đó, lúc đó ta cứ nghĩ bản thân đang nằm mơ chứ. Còn mười sợi kia ta bán cho lão bản nương với giá mười lăm văn một giây.”
”Thật sao??? Vậy thì quá tốt rồi.” Bốn huynh muội đồng loại vui vẻ kêu lên.
Lâm thị cười gật đầu:
”Hôm nay chúng ta thu được một lượng bảy trăm hai mươi văn, sau đó nương có mua cho Diệu Nhi một bó chỉ màu hết văn, mua hai cuộn vải bố để may cho mỗi người một bộ quần áo hết ba mươi văn, lại cắt thêm nửa cân thịt và mua cho mỗi đứa một cái bánh bao thịt.”
Nghe đến bánh bao mọi người cười vui vẻ. Thật sự cái gia đình này rất rất lâu rồi mới được ăn một bữa ngon, bọn trẻ mới được biết mùi bánh bao thịt là gì. Lâm thị nhìn bốn đứa con vui vẻ mà hai mắt rưng rưng. Trương Tranh nhìn nương tử như vậy cũng khẽ thở dài, khuôn mặt rầu rầu nhưng ánh ắt kiên nghị. Ông nhất định phải cố gắng làm lụng để cho các con và nương tử của ông sống tốt.
Diệu Nhi nhìn thấy nương như vậy liền nhỏ nhẹ an ủi:
”Nương, gia đình chúng ta sẽ càng ngày càng khá lên thôi.”
Lâm thị khẽ gật đầu, rồi vươn tay ôm Diệu Nhi vào lòng.
Thấm thoát lại hơn một tháng trôi qua, đám cây trồng Diệu Nhi thử nghiệm nay đã lên rất tốt khiến nương và phụ thân cứ tấm tắc ra thăm rồi xem xét hoài. Hừ! Lúc đầu cô nói nếu mà làm theo thì vụ mùa này đã bội thu rồi. Haiz!
Trong khoảng thời gian này nhà cô bán thêm được năm lần măng nữa thì măng cũng bớt, người ta cũng giảm thiểu mua. Nhưng đồ thêu và dây đan thì vẫn đắt hàng, tuy nhiên theo cô tính toán cũng tầm một tháng nữa là thị trường bão hòa hoặc ngưng lại rồi, nên cô đang tính tìm cách kiếm tiền khác.
Diệu Nhi năn nỉ phụ thân làm cho một cái chuồng gà nhỏ, lại xin nương ba mươi văn mua mười con gà để nuôi. Từ ngày có mười con gà con, công việc của tiểu Sơn cũng nhiều hơn hẳn, thằng bé phải đi hái rau dại, cỏ dại rồi bắt sâu, bắt giun về nuôi gà, cho gà uống nước. Diệu Nhi thì quét dọn phân gà, thay lớp cỏ khô hằng ngày cho chúng nằm. Bây giờ, mười con gà này đang là hy vọng to lớn của Diệu Nhi đấy. Chúng lớn sẽ đẻ ra trứng, vừa có trứng ăn vừa bán lấy tiền a.
Tiếp đó cô có nói với nương làm chuồng nuôi hai con heo đến đến bán lấy tiền. Sau hai ngày suy nghĩ nương cũng đồng ý, cho nên hôm nay phụ thân và đại ca đang ở phía sau nhà làm chuồng heo.
Diệu Nhi đang quét sân thì nghe tiếng có người gọi ngoài cổng, cô buông chổi đi ra mở cửa, nhìn thấy người đứng bên ngoài liền cười chào:
”Con chào Vương thúc thúc.”
Vương thúc là phụ thân của Vương Xuân đại ca, là một trong những người bạn hữu hảo của phụ thân cô, thường hay qua rủ cha cô đi làm công hoặc đi săn thú. Vương thúc có một tay săn bắn vô cùng giỏi, chính vì vậy mà gia cảnh nhà chú ấy cũng thuộc dạng kha khá a.
”Diệu Nhi hả con? Có mình con ở nhà thôi à? Phụ thân con đâu?”
”Thúc tìm phụ thân con làm gì vậy ạ?”
”Vài ngày này rãnh rỗi thúc tính rủ phụ thân con lên núi săn thú.”
Diệu Nhi nghe thấy vậy cười đáp:
”Phụ thân con đang làm chuồng heo ở sau nhà đó, thúc qua đó đi.”
”Được. Vậy thúc đi nhé, con tiếp tục chơi đi, nhớ đừng chạy lung tung đấy.”
Vương thúc xoa nhẹ đầu cô, dặn dò vài câu mới chịu đi. Diệu Nhi đứng phía sau nhìn bóng dáng ông mà dở khóc, dở cười. Cô cũng đâu còn là một đứa con nít nữa a, linh hồn cũng đã hai mươi mấy tuổi rồi đó.