Trống báo giờ vang lên, nhắc khảo sinh chỉ còn một canh giờ nữa là nộp bài, Tả Thiếu Dương vẫn chưa quyết định phải làm thế nào.
Đột nhiên nghe thấy tiếng gì đó giống tiếng khóc, mới đầu còn tưởng là gió thổi qua cãi lỗ sau lưng tạo ra, nghe kỹ đúng là tiếng khóc thật, ở cái chuồng bên cạnh truyền tới, Tả Thiếu Dương dán sát tai vào vách gỗ, có tên nào đó đang khóc tức tưởi.
Các khoa mục được xếp đan cái nhau, như thế tránh bên cạnh có thể nhắc bài, nói cách khác hai buồng thi bên cạnh Tả Thiếu Dương đều không phải y khoa.
Tả Thiếu Dương đoán chắc là không làm được bài, lại sắp hết giờ, cho nên mới khóc. Thời sau tuy áp lực thi cử cũng rất ghê gớm, nhưng một năm thi lớn kiểm tra nhỏ cũng có mấy đợt, mười hai năm đi học vô số kỳ thi, học sinh phần nào được tôi luyện rồi, nhưng thời xưa mười năm đèn sách thi một ngày, ngay cả người tham gia vài lần thi, tâm lý thi cử vẫn rất kém, không làm được bài khóc tại chỗ là bình thường, làm bài không tốt, về phòng trọ treo cổ tự tử gần như năm nào cũng xảy ra, thậm chí nuốt than nóng tự sát ở trường thi cũng có, thế nên quan chủ khảo mới phải làm phép xua đuổi những ác linh đó đi.
Tiếng khóc truyền tới tai giám khảo, bọn họ là người trải qua khoa cử, thấu hiểu gian khổ trong đó, nên không trách mắng, chỉ đi tới nói nhỏ:
- Làm sao vậy?
Khảo sinh bên cạnh nghẹn ngào nói:
- Bẩm đại nhân, trời quá lạnh, tay học sinh cóng lại rồi, không cầm nổi bút nữa.
Giám khảo nhìn hắn một lượt thở dài:
- Ngươi ăn mặc mỏng manh như thế, lại không có lò sưởi ấm, mùa đông giá rét này, có lạnh chết cũng không phải chuyện lạ. Theo quy củ cống viện, ta không thể cho khảo sinh mượn đồ, dù bất kể là thứ gì, ngươi thử đứng lên hoạt động một chút xem.
Không có lò sưởi ấm? Tả Thiếu Dương rùng mình, tên này quá trâu bò biến thái rồi, y có lò có chăn mà run cầm cập nữa là.
Khảo sinh kia nghe lời, định đứng dậy, nhưng càng khóc to hơn:
- Học sinh không đứng lên được nữa.
Giám khảo vội tới gần:
- Suỵt, đừng khóc nữa, ảnh hưởng tới người khác làm bài.
Khảo sinh kia cắn chặt lấy răng, những tiếc nấc nghẹn vẫn phát ra từ mũi.
Tả Thiếu Dương nghe tới đó, thò đầu ra nói:
- Đại nhân, học sinh đã làm bài xong, có thể cho vị huynh đài đó mượn lò sưởi không?
Giám khảo đó nhìn số hiệu của Tả Thiếu Dương, mỉm cười tán thưởng, lấy cái lò, kiểm tra kỹ càng, đưa cho khảo sinh kia:
- Ngươi may mắn đó, không mau cám ơn đi.
Cống sinh kia xoay người, dù cách tấm ván không nhìn thấy, vẫn vái lạy:
- Đa tạ nhân huynh, tiểu đệ Mã Chu đời đời không quên ân này, dám hỏi đại danh?
Mã Chu? Tả Thiếu Dương giật mình, liệu hắn có phải là tấm gương hiếu học Mã Chu, sau đó làm tể tướng không? Thời tiểu học trong những bài học đạo đức có nói tới Mã Chu, chỉ là quá lâu, Tả Thiếu Dương chỉ biết hắn sống thời Đường mà thôi.
Theo chuyện mà Tả Thiếu Dương còn nhớ thì Mã Chu xuất thân bần hàn, cha mẹ đều mất, dựa vào nghị lực ngoan cường khắc khổ học tập, học thức uyên bác, kinh luân đầy bụng, cuối cùng lên làm tể tướng. Vì là bài học giáo dục trẻ con nên đơn giản dễ đọc dễ nhớ, thông tin chi tiết hơn không có, mà có thì Tả Thiếu Dương cũng chẳng thể nhớ được.
Tả Thiếu Dương định trả lời nhưng giám khảo ra hiệu im lặng, trong cống viện không cho phép khảo sinh nói chuyện với nhau, bất kể nội dung là gì.
Mã Chu cũng không dám nói nữa, lại hướng về phòng bên vái lạy một cái, đặt hai tay lên lò sưởi, miệng rên hừ hừ như mèo bệnh, qua một lúc tay bắt đầu cử động được, rơi lệ làm bài.
Có cái định luật khỉ gì nhỉ, năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chạy từ buồng người này qua buồng người khác, Tả Thiếu Dương thấy quá chuẩn rồi, dưới chân không còn lò sưởi ấm nữa, y tha hồ mát mát mẻ, gió rít từ cái lỗ trống đằng sau cứ như cười nhạo sự ngu xuẩn của y, nhiệt lượng cơ thể mất đi rất nhanh, ngón tay bắt đầu không nghe lời nữa.
Không đợi được nữa rồi, cũng không thể muối mặt đòi lại cái lò sưởi, Tả Thiếu Dương đành cầm bút chấm mực viết.
Lần này không suy nghĩ thiệt hơn nữa, cứ đúng là làm, chẳng mất quá nhiều thời gian đã hoàn thành bài thi, đến khi chữ cuối cùng viết xong thì tay cũng cứng đờ, chữ viết xiên xiên xẹo xẹo.
Đút hai tay vào nách, răng va cồm cộp, bây giờ có đọc lại bài thi sửa sai thì cũng không viết nổi.
Phú quý sinh lễ nghĩa, nghèo khó chó ỉa vào niêu mà, chỉ cơm no áo ấm thì mới nghĩ tới lý tưởng được thôi, bây giờ cho y một cái đề cũng có chỗ sai tương tự, Tả Thiếu Dương không thèm suy nghĩ, viết một lèo cho xong, hoàn toàn không liên quan gì tới kiên trì lý tưởng hết.
Sao mà lâu thế, thời gian trôi qua như cả thế kỷ vậy, Tả Thiếu Dương co cả chân lên ghế, cái chăn choàng trên người chẳng có ích lợi gì, chỉ mong tiếng trống giao bài vang lên cho sớm, chạy về kiếm chỗ ấm chui vào.
Cuối cùng thì tên binh sĩ ác độc cũng chịu đánh trống rồi, giám khảo đi thu bài qua chỗ Tả Thiếu Dương vỗ vỗ vai y nói:
- Về được rồi đấy.
Tả Thiếu Dương nhảy ngay xuống đất, vơ vội đồ đạc, lom khom đi ra, thấy một thanh niên đứng trước mặt, hai tay cầm cái lò sưởi đem trả, vái lạy:
- Dám hỏi nhân huynh tôn tính đại danh, ân mượn lò này, tiểu đề khắc ghi suốt đời.
Mặt tái, môi thâm, má hõm vào, hai mắt lờ đờ, trông như thằng nghiện, chẳng có vẻ gì là giống anh tài xuất chúng sau này trở thành tể tướng hết, Tả Thiếu Dương đã lạnh tới hàm cũng cứng đờ rồi, nói năng chẳng lưu loát nữa, với y lúc này cái lò quan trọng hơn cả đương kim tể tướng chứ đừng nói là cái tên chỉ có khả năng là tể tướng tương lai:
- Tiểu đệ Tả Thiếu Dương, người Hợp Châu.
- Thì ra là Thiếu Dương huynh, huynh thi y khoa?
- Đúng.
Mã Chu mỉm cười:
- Tiểu đệ khoa tú tài, còn chút việc vặt, xin cáo từ.
Nói xong vái dài một cái, sải bước rời đi.
Tả Thiếu Dương nhìn bóng lưng hắn, kẻ này tính cách có phần cô ngạo, nếu sau này hắn thành đạt, chắc chắn hắn không quên ân nghĩa hôm nay, nhưng đừng mong hắn vì thế mà thân thiết với mình.
Cả con đường dẫn tới trường thi vẫn được binh sĩ canh gác không cho người vào, hôm nay có tới hơn năm nghìn người đi thi, số thân nhân đón đợi ngoài kia gấp mấy lần con số này, cho nên trong đám đông chẳng thể tìm được nhau, nên Tả Thiếu Dương bảo cha và Bạch Chỉ Hàn không cần đón.
Về tới cổng phường đã thấy cả đám đông đợi mình cả cha y, Bạch Chỉ Hàn, phu thê Cù lão gia, chủ tớ Kiều Xảo Nhi, thấy y về kéo ùa tới hỏi thăm kết quả.
Lúc đi thi thì tràn trề tự tin, bây giờ Tả Thiếu Dương không dám nói chắc gì nữa, lược bỏ phần liên quan tới Mã Chu, chỉ kể khúc mắc liên quan tới điều trong Thương hàn luận, hối hận nói:
-... Cha, con xin lỗi, lần này e rằng kết quả không tốt.
Tả Quý có chút tiếc nuối, nhưng vỗ vai nhi tử an ủi:
- Con làm thế là đúng, không thể vì thành tích mà thỏa hiệp với cái mà con cho là sai được, lần này con thỏa hiệp rồi, lần sau cũng khả năng sẽ làm thế, dần dà thành thói quen. Như vậy khi làm quan, con cũng không kiên trì được chính nghĩa, không thể chống lại cám dỗ mà làm trái lương tâm.
Không ngờ cha thâm thúy như vậy, lại biết cảm thông như vậy, Tả Thiếu Dương rất cảm động, sau này làm quan phải ghi nhớ trong tim, tránh lạc lối, ai ngờ Tả Quý thêm vào một câu làm y ngã dập mặt:
- Năm nay không thành thì năm sau thi lại, con còn trẻ, thi thêm mười năm nữa cũng không thành vấn đề.
….
Chấm bài thi y khoa do bác sĩ chính bát phẩm của thái y thự phụ trách, chấm xong chuyển giao cho, thái y lệnh thất phẩm thẩm hạch, khâu tiếp theo sẽ là đem bài thi đỗ cùng với danh sách tiến cử, nộp cho thượng dược thừa ngũ phẩm thẩm hạch, cuối cùng báo danh sách lên lại bộ công bố.
Người phụ trách chấm bài cho Tả Thiếu Dương là vị bác sĩ trên năm mươi, vừa đọc bài viết vừa gật gù, ngôn tử đơn giản, gãy gọn xúc tích, ý tứ rõ ràng, chữ viết không đẹp nhưng chữ nào ra chữ đó, vừa đọc là biết người hành y có kinh nghiệm rồi, không phải là cái loại thấy không đỗ đạt được tú tài, tiến sĩ rồi nhảy sang kiếm công danh, ông ta khinh loại người đó.
Thế nhưng đọc tới đề liên quan tới Bạch hổ thang, vị bác sĩ này dụi mắt mấy lần, không kìm được đập bàn:
- Vô lý, cuồng vọng.