Editor: Na
Beta: Hoàng Lan
Con trai vỗ ngực bảo đảm, bên cạnh còn có Vương Duyệt làm chứng, Chu Phỏng không thể không nể mặt, ông mở thư tay của Tuân Tung ra, bên trên viết: “Uyển Thành và Kinh Châu là hàng xóm, môi hở răng lạnh, nếu Chinh Đông đại tướng quân xuất binh cứu Uyển Thành, Tuân Tung sẽ uống máu ăn thề với đại tướng quân, sau này Uyển Thành và Kinh Châu sẽ cùng chung chí hướng, Uyển Thành làm lá chắn cho Kinh Châu, cùng nhau bảo vệ Giang Nam.”
Tuân Tung uyển chuyển bày tỏ ý muốn đi theo Minh chủ Giang Nam.
Có được Tuân Tung, tương đương với việc lôi kéo được danh môn vọng tộc như Dĩnh Xuyên Tuân thị, còn lấy được Uyển Thành có vị trí trọng yếu và chiến lược mà không mất một binh lính nào.
Chu Phỏng quyết định xuất binh ngay lập tức.
Tuân Hoán mừng rỡ, cuối cùng cũng không làm nhục sứ mệnh, nàng thúc ngựa dẫn đường ở phía trước, Vương Duyệt thấy Chu Phỏng xuất binh, biết đã giữ được Uyển Thành thì chào từ biệt tức thì.
Tuân Hoán biết Vương Duyệt vẫn luôn tìm kiếm Thanh Hà, gật đầu nói, “Huynh đi một mình nhé, có bất kỳ tin tức gì cũng phải nói ngay cho ta. Đến khi Uyển Thành giải quyết được vòng vây, ta và phụ thân nhất định sẽ đi Kiến Nghiệp, đến lúc đó ta và huynh cùng tìm người.”
Đi theo Minh chủ Giang Nam, cả nhà Tuân Hoán sẽ phải chuyển đến Kiến Nghiệp.
Vương Duyệt gật đầu, suy nghĩ một lát rồi nói: “Năm ngoái mẫu thân gieo giống cây lê, năm nay đã khá lớn, mùa xuân vừa ra hoa, nhưng phải hai năm nữa mới có quả.”
Tuân Hoán tràn ngập hy vọng đối với tương lai, “Chờ khi ta chuyển đến Kiến Nghiệp sẽ tới nhà huynh ngay, đào mấy cây về trồng, ở nhà cũng được ăn lê giòn.”
Tuân Hoán luôn sôi động và tràn đầy sức sống. Một năm nay Vương Duyệt đã trải qua hai cơn hành hạ nặng nề là sự mất tích của Thanh Hà và sự thật về thân thế, một mình chống đỡ tất cả áp lực. Hắn mới mười sáu tuổi, nhưng cõi lòng như đã cằn cỗi, nhìn thấy nụ cười của Tuân Hoán, một luồng sức mạnh vô hình tràn vào tim, lần này Tuân Hoán phá vòng vây cứu cha đã gây chấn động thành Kinh Châu, nàng lúc nào cũng tràn đầy dũng cảm và tinh thần phấn chấn, tin tưởng vào kỳ tích, luôn cổ vũ Vương Duyệt.
Vương Duyệt hiếm khi cười tươi, “Được, mẫu thân có một vườn lê, tất cả đều được trồng từ hạt giống của Nhung kẹt xỉ, muội thích chọn cây nào thì chọn.”
Tuân Hoán vỗ vai Vương Duyệt, “Cố lên nhé, Thanh Hà vẫn chờ huynh cưới tỷ ấy.”
Tuân Hoán thúc ngựa, đuổi theo cha con Chu Phỏng Chu Phủ.
Chu Phỏng ở phía trước nhỏ giọng hỏi nhi tử, “Sao con và Đại tiểu thư Tuân gia thân quen thế?”
Chu Phủ nói: “Cha còn nhớ Tào Mãnh từng tới Kinh Châu cùng Vương Duyệt vào năm ngoái không?”
Chu Phỏng: “Không nhớ rõ lắm, lúc ấy toàn bộ lực chú ý đều đặt trên người Vương Duyệt.” Vương Duyệt chính là kiểu người chỉ bằng ánh mắt đầu tiên là ngươi có thể nhìn thấy trong hàng vạn người, còn những người khác đều trở thành nền.
Chu Phủ: “Tào Mãnh chính là Đại tiểu thư Tuân gia.”
Chu Phỏng suýt nữa ngã xuống lưng ngựa, “Ôi trời, nữ tử nhà thế gia đại tộc này đúng là khác biệt. Một người chém giết khỏi vòng vây trùng điệp để tìm viện binh, đại tiểu thư Tuân gia từ nay sẽ nổi danh khắp thiên hạ.”
Chu Phủ tự cảm thấy trên mặt có ánh sáng, “Đúng ạ, từ nhỏ Hoán Nương đã không giống người bình thường. Lúc con và thế tử chạy đến tiếp ứng, nàng ấy đã phá vỡ vòng vây bằng chính thực lực của mình. Chỉ bằng sức lực của mình nàng ấy đã cứu toàn bộ thành và gia tộc, Hoán Nương là một anh hùng.”
Chu Phỏng nhắc nhở con trai, “Không thể gọi khuê danh của nữ tử loạn lên được, người khác sẽ nói người Giang Đông chúng ta không có lễ nghĩa.”
Chu Phủ nói: “Là Hoán Nương muốn con gọi nàng ấy như vậy.”
Trong lòng Chu Phỏng nảy một cái, “Con thân với người ta lắm à?”
Chu Phủ, “Đương nhiên ạ.”
Chu Phỏng hỏi: “Thế con và Vương Duyệt, ai có quan hệ tốt với nàng ấy hơn?”
Chu Phủ cúi đầu, “Đương nhiên là Vương Duyệt.”
Chu Phỏng ồ một tiếng, không nói gì nữa.
Chu Phủ bị một tiếng ồ của cha ruột làm tổn thương lòng tự trọng, vùng vẫy giải thích: “Bọn họ cùng bái sư và học võ của Lưu Côn từ hồi nhỏ, cùng nhau lớn lên, cùng nhau xuôi nam, cùng chung hoạn nạn, quan hệ của bọn họ đương nhiên là tốt rồi. “
Chu Phỏng: “Đây có nghĩa là thanh mai trúc mã, môn đăng hộ đối.”
Một câu này còn đâm thẳng vào lòng người hơn đấy có được không!
Chu Phủ bị cha ruột làm tổn thương đến mức thương tích đầy mình, vừa hay Tuân Hoán thúc ngựa chạy tới, thấy Chu Phủ mặt mày ủ rũ, hỏi ngay: “Chu huynh, ta thấy sắc mặt huynh không tốt, đêm qua mắc mưa cảm lạnh à? Đừng gắng gượng, nếu mệt thì cứ lên xe ngựa nghỉ một chút.”
Chu Phủ thấy Tuân Hoán quan tâm mình, tâm trạng từ mưa như trút nước chuyển ngay thành trời quang mây tạnh, “Không, ta chỉ đang nghĩ làm thế nào để đánh đuổi liên quân của Đệ Ngũ Y và Đỗ Tăng đi thôi.”
Tuân Hoán vung tay lên, “Vốn là một đám ô hợp, có lẽ vừa thấy đại quân Kinh Châu của các huynh đuổi tới, nghe được uy danh của Chinh Đông Đại tướng quân sẽ bị dọa chạy ngay lập tức, cũng không cần đánh nữa đâu.”
Tuân Hoán im hơi lặng tiếng nịnh nọt Đại tướng quân Chu Phỏng, nghe thấy Đại tiểu thư Tuân gia đánh giá mình và quân đội dưới trướng như vậy, Chu Phỏng rất hưởng thụ, cảm thấy Tuân Hoán vừa có thể đánh giặc vừa có thể ngoại giao, không hổ là danh môn thục nữ có tri thức hiểu lễ nghĩa.
Lưng ngựa xóc nảy, lúc hành quân trên đường núi, Tuân Hoán rõ ràng ít nói hơn, thỉnh thoảng lại nắm eo, Chu Phủ dè dặt hỏi: “Trên người nàng có vết thương sao?”
Tuân Hoán nói: “Tối qua bị đụng vào thân cây, lúc ấy không cảm thấy gì, giờ eo hơi đau một chút.”
Chu Phủ vội vàng đề nghị Tuân Hoán vào trong xe ngựa ngồi.
Tuân Hoán cũng không cậy mạnh, nàng nằm trong xe ngựa, chỉ chốc lát, Chu Phủ đưa thuốc dán tới, “Loại này để bôi ngoài da, dán lên chỗ đau, còn loại này để uống, đây là phương pháp điều chế do tổ tiên nhà ta truyền lại, dùng rất hiệu quả.”
Tuân Hoán nói lời cảm ơn, nhận lấy thuốc.
Chu Phỏng thấy con trai lúc thì đưa thuốc, lúc thì đưa nước, lúc lại đưa thức ăn, còn nói chuyện phiếm với người ta, cứ bận tới bận lui như một chú ong mật, trong lòng ông vừa vui mừng vừa tiếc nuối, mừng vì con trai cuối cùng cũng thông suốt, mắt nhìn người rất tốt.
Tiếc nuối là dòng dõi Chu gia quá thấp, không xứng với sĩ tộc như Dĩnh Xuyên Tuân thị, huống chi Tuân Hoán một trận chiến đã thành danh, phải sĩ tộc hàng đầu như Lang Gia Vương thị mới xứng với cô gái như Tuân Hoán.
Cùng lúc đó, theo dòng nước sông cuồn cuộn chảy về phía nam, tới Tiền Đường Quan, cửa ngõ của quận Ngô Hưng, nước sông từ nơi này đổ vào sông Trường Giang, mặt sông càng rộng hơn so với Kinh Châu.
Trong thôn Lạc Dương của Tiền Đường Quan, chợ sáng đã tan.
Tại sao ở quận Ngô Hưng lại có nơi gọi là Lạc Dương?
Bởi vì hầu hết dân tị nạn đều từ Lạc Dương chạy nạn đến đây, những người dân tị nạn này đều là thương nhân ở Lạc Dương, bọn họ khởi hành từ sớm, sử dụng xe bò, xe lừa và các loại gia súc có sức chịu đựng khá để vận chuyển đồ đạc và tài sản trong nhà, kết bạn cùng đi, còn thuê bảo tiêu bảo vệ gia đình mình. Sau khi những người dân tị nạn này qua sông đã định cư tại quận Ngô Hưng trù phú và bắt đầu làm ăn buôn bán.
Thời cổ đại có ý thức mạnh mẽ về quê cha đất tổ, tuy bị ép phải xuôi nam, nhưng những người dân chạy nạn này vẫn lấy thân phận con dân đất Trung Nguyên rộng lớn làm niềm kiêu ngạo, coi trọng nguyên quán, nhất là Lạc Dương dưới chân thiên tử, đương nhiên là muốn giữ quê quán của mình, cho nên dân chạy nạn đã lấy tên quê quán của mình đặt cho nơi ở mới, chính là Lạc Dương trong Tiền Đường Quan.
Để thu xếp cho những người dân chạy nạn và bảo vệ trật tự xã hội, Kỷ Khâu Tử Vương Đạo đã đặt tên riêng cho những nơi chuyên dùng để bố trí tái định cư cho người tị nạn là Kiều Châu, quận Kiều, huyện Kiều, phố Kiều, tôn trọng nguyện vọng giữ nguyên quê quán của nhóm dân chạy nạn và gọi bọn họ là kiều dân.
Kiều dân: nghĩa gần như kiều bào, tức là đi sinh sống ở vùng khác không phải quê quán của mình.
Ngoài ra, Vương Đạo còn ban hành “Kiều Ký Pháp”. Căn cứ theo quy định pháp luật, kiều dân xuôi nam đến Giang Nam sẽ được giữ nguyên hộ tịch, chỉ cần thêm một chữ Kiều ở đằng trước và được cho phép giữ nguyên quê quán.
Pháp luật dành cho kiều dân
Quan trọng hơn là, tất cả kiều dân đều được miễn đóng thuế và miễn phục dịch!
Phục lao dịch hay phục dịch: bắt dân chúng đi làm việc cho nhà vua
Điều này có ý nghĩa như thế nào? Chính là cho dù nhóm dân tị nạn ở đây có trồng trọt hay buôn bán thì đều được miễn thuế!
Hơn nữa không cần phải đi lao dịch —— chính là kiểu bỏ công bỏ sức và lao động miễn phí cho hoàng gia như xây dựng cung điện các kiểu.
Nhưng vẫn cần phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình thường.
“Kiều Ký Pháp” của Vương Đạo vừa được ban hành đã thu hút số lượng lớn người có tiền ở Trung Nguyên chạy tới Giang Nam, để được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế và miễn lao dịch, thậm chí những người Trung Nguyên chưa bị rơi vào tay nước Hán cũng tấp nập xuôi nam xuống Giang Nam.
Dưới sự vận hành của Vương Đạo, Giang Nam giống như một con quái vật hút máu khổng lồ, hút hết nhân tài, của cải, kỹ thuật, v.v… của Giang Bắc và Trung Nguyên tới Giang Nam, mảnh đất Giang Nam bị người Trung Nguyên coi là vùng hoang vu cằn cỗi đã phát triển nhanh chóng nhờ vào sự hút máu của “Kiều Ký Pháp”.
Lạc Dương của Tiền Đường Quan chính là một nơi như vậy, trước kia chỉ là một làng chài nhỏ nghèo nàn, giờ khắp nơi đều là nhà cửa và đất đai của người Trung Nguyên, đông người sẽ sinh ra phố xá và chợ, có làm ăn mua bán. Ở đây, ngôn ngữ phổ biến là tiếng Lạc Dương, gần như giống hệt lối sinh hoạt trước kia.
Trong phố Lạc Dương, có một cô gái đang nằm mơ, nàng mơ thấy một cánh rừng trúc, sâu trong rừng truyền đến từng tiếng gõ leng keng.
Tiếng gõ này rất êm tai, nghe còn hay hơn bất kỳ tiếng hát nào.
Nàng bước từng bước đến gần, con đường dù dài hơn cũng không ngăn được nhịp bước của nàng.
Cuối cùng, nàng nhìn thấy một cửa hàng rèn ở tận sâu trong rừng trúc, có một chàng thanh niên để trần cánh tay phải, cầm búa gõ từng nhát từng nhát một lên miếng sắt.
Keng keng!
Dần dần, nhịp tim nàng như bị khống chế bởi chiếc búa trong tay chàng trai, tần suất tim đập giống hệt tốc độ chiếc búa rơi xuống miếng sắt.
Trái tim nàng đập càng lúc càng nhanh, mặt cũng càng ngày càng nóng, bằng trực giác, nàng cảm thấy người rèn sắt rất tuấn tú, nhưng khuôn mặt của người đó luôn bị sương mù bao phủ, cho dù nàng nhìn thế nào cũng không thấy rõ.
“Ngươi là ai?” Nàng hỏi.
Hắn không đáp, chỉ tiếp tục rèn sắt, từng nhát búa như nện thẳng vào lòng nàng.
“Ngươi rốt cuộc là ai?”
“Tại sao ngươi luôn xuất hiện trong giấc mơ của ta?”
“Ngươi mau nói chuyện đi!”
Nàng hô to.
Cuối cùng hắn cũng đáp lại.
Gương mặt hắn vẫn mơ hồ như cũ, nhưng nàng có thể nghe thấy giọng hắn.
“Không phải nàng luôn hỏi ta là ai, nàng là ai? Nàng tới từ đâu? Nàng đi về đâu?” Hắn nói.
“Ta ——” nàng ngây người, suy nghĩ thật lâu cũng không nghĩ ra đáp án của ba câu hỏi này.
“Ta không biết, ta không nhớ gì cả.” Nàng nói, “Ngươi là ai? Ngươi từ đâu tới? Tại sao ngươi luôn xuất hiện trong giấc mơ của ta? Ngươi nói cho ta đi, có lẽ ta sẽ biết ta là ai?”
Hắn không đáp mà tiếp tục vung búa lên.
“Ngươi là ai!”
Thiếu nữ bừng tỉnh khỏi giấc mộng, trên trán lấm tấm mồ hôi.