Editor: Na
Beta: Hoàng Lan
Cửa hàng bánh Hồ được mở ở khu vực của người địa phương ở quận Ngô Hưng, nhưng tiểu nhị bán bánh Hồ lại nói giọng Trung Nguyên, trộn lẫn một chút ngữ điệu của người địa phương, tuy không được giống cho lắm nhưng lại có thể khiến người dân hai miền nam bắc đều nghe hiểu.
A Bình nghe vậy thì rút tay về, nhưng ánh mắt vẫn dừng trên người gỗ đeo vòng cổ bánh Hồ.
Đến lượt nàng, tiểu nhị hỏi nàng muốn loại bánh gì, lần lượt là bánh Hồ phổ biến nhất, rồi đến bánh sữa làm từ sữa bò và bánh tủy có cho thêm tủy xương trâu.
A Bình lựa chọn bánh sữa không chút do dự.
A Bình cắn một miếng bánh sữa, hương vị quen thuộc lan dần trên đầu lưỡi. Tay trái nàng bung dù, tay phải cầm bánh Hồ, vừa đi vừa ăn, âm thanh cộc cộc của guốc gỗ ở dưới chân dường như cũng trở nên uyển chuyển nhẹ nhàng hơn.
Bánh sữa có tác dụng hơn thuốc nhiều, ăn hết một cái bánh sữa, đầu A Bình không còn đau nữa, tâm trạng cũng vui tươi hơn một cách khó hiểu, nàng ra khỏi thành, đi tới xưởng ngói úp của nhà họ Trần ở ngoại thành.
Ngói úp: còn có tên khác là ngói diềm mái, ngói mái chìa
Ngói úp, nghĩa đúng như tên, chính là “thứ để chặn miếng ngói lại”, thật ra chính là miếng ngói chắn ở cuối mái.
Sau khi lợp ngói lên nóc nhà xong, mảnh ngói cuối cùng ở cuối mái hiên sẽ được chặn lại bằng một mảnh ngói bằng gốm hình tròn màu xám —— Bởi vì mái ngói đều có hình gợn sóng, lợp trên mái nhà để che mưa chắn gió, tới chỗ cuối mái hiên, mái ngói gợn sóng trên không trung nhìn không được đẹp mắt nên đã dùng miếng ngói hình tròn có chất liệu tương đồng để “chắn” lại, cho nên gọi là ngói úp.
Trần gia đã làm nghề nung ngói úp từ lúc ở Lạc Dương, nghề này được truyền lại suốt trăm năm, công nghệ chế tạo hoàn mỹ và tinh xảo, đã từng nung ngói lưu ly quý báu cho hoàng gia. Đương nhiên, thứ này được sử dụng trong hoàng thất, hầu hết là những miếng ngói úp hình tròn được làm từ gốm màu xám giống như ngói.
Nói một cách hình tượng, nó chính là một mảnh gốm màu xám với kích thước và hình dạng giống như bánh trung thu.
A Bình là cô gái hiếu thuận, nàng còn nhân tiện mang cho cha hai cái bánh sữa, “Trên đường mới mở một cửa hàng bánh Hồ, ăn giống hệt hương vị ở Lạc Dương, phụ thân nếm thử đi ạ.”
Ông Trần căng thẳng ngay tức thì, “Con… con nhớ ra hương vị của bánh Hồ… ở Lạc Dương?”
“Ăn ngon miệng lắm ạ, chắc chắn là hương vị này.” A Bình gập dù, cởi guốc gỗ, đi vào phòng trong xưởng.
Nàng ngồi quỳ sau bàn, cầm dao khắc rồi vén lớp vải đang phủ trên đất sét lên, miếng vải này khiến cho đất sét duy trì độ ẩm, đây là khuôn để in lại hoa văn lên từng miếng ngói úp.
Trên ngói úp thường được in các họa tiết như vân mây hay dây thừng, phức tạp hơn thì dùng họa tiết động vật, nhưng thứ A Bình điêu khắc lại là họa tiết mặt người hiếm thấy nhất.
Trên bức tường sau lưng nàng được dán đủ loại ngói úp có họa tiết mặt người đã được nung thành hình với đủ loại biểu cảm, có tức giận, có tươi cười, có nhe răng lộ ra vẻ dữ tợn, có tươi cười hòa nhã, có cười to,… Mặc dù mỗi một biểu cảm của con người được biểu đạt một cách thoải mái trên sản phẩm gốm xám nhìn có vẻ thô thiển, nhưng thật ra mỗi biểu cảm đều có một tầng ý tứ sâu xa.
Đây là ngói úp có hoạ tiết mặt người do A Bình sáng tạo ra, lúc mới bắt đầu, A Bình chỉ coi như thứ giải trí trong lúc dưỡng bệnh, vì đầu nàng bị va đập nên đã quên mất phương pháp làm ngói úp như trộn đất sét, tạo khuôn, ấn khuôn, giữ nhiệt độ lò nung mà cha mẹ đã dạy. Cha mẹ đã dạy lại cho nàng, nàng có hứng thú với hoa văn của ngói úp nên đã trộn đất sét và khắc những miếng ngói úp có biểu cảm trên gương mặt con người để luyện tập.
Ai ngờ có vị khách nhìn trúng ngói úp có hoa văn mặt người độc đáo và cảm thấy thú vị.
Đất Giang Nam là nơi hàng triệu kiều dân Trung Nguyên di cư tới, bọn họ đều phải xây nhà, vật liệu xây dựng như gạch, ngói trở thành vật dụng cần thiết, vì thế công việc làm ăn của Trần gia vẫn luôn rất tốt.
Có lẽ vì lý do mất đi nhà cửa cùng với rất nhiều người thân nên sau khi tai qua nạn khỏi, đến khi xây một ngôi nhà mới ở nơi đất khách, mọi người lại càng quý trọng “con người” hơn. Những miếng ngói úp có đủ loại biểu cảm trên gương mặt con người đã nhận được sự yêu thích của kiều dân, công việc làm ăn buôn bán của Trần gia lại còn tốt hơn lúc ở Lạc Dương.
Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Trần và bà Trần kiên quyết muốn kén rể cho con gái, con gái kế thừa gia nghiệp bằng bản lĩnh, nàng sinh ra là để ăn bát cơm này.
Cha mẹ hỏi nàng làm sao nghĩ ra được một loạt biểu cảm phong phú sinh động như vậy?
A Bình nói cứ khắc rồi nó tự ra vậy thôi, nhưng thật ra nàng đã khắc theo gương mặt mơ hồ thường xuyên đi vào giấc mơ của nàng.
Bởi vì hắn là đàn ông, A Bình cũng không thể nói với cha mẹ rằng con thường xuyên mơ thấy một người đàn ông, thế nên A Bình lựa chọn giấu giếm.
Gương mặt người đàn ông trong mơ không rõ ràng, nhưng nàng có thể “nhìn thấy” sự thay đổi trên gương mặt hắn, giống như khắc vào trong lòng nàng. Đến khi tỉnh lại, nàng sẽ vẽ lại tất cả những biểu cảm, sau đó khắc lên khuôn mẫu rồi ấn lên từng lớp đất sét giống như bánh trung thu, sau đó sẽ cho vào lò nung thành hình và trở thành ngói úp gốm màu xám có hình mặt người.
Chỉ cần có thời gian, điều kiện cơ thể cho phép và không bị đau đầu là A Bình sẽ tới nhà xưởng để thiết kế ngói úp có những hình mặt người mới.
Hôm nay nàng khắc gương mặt tức giận, lại còn trợn trừng mắt, con ngươi như muốn nhảy ra khỏi hốc mắt. Trong giấc mơ đêm qua, nàng nhớ mang máng người đàn ông kia tức giận, hắn vừa rèn sắt vừa không ngừng hỏi nàng “Nàng là ai”.
Ta là ai? Ta là thiếu đương gia Trần Bình của Trần gia chuyên nung ngói úp. Ngươi là ai? Tại sao luôn vào trong giấc mơ của ta?
A Bình lấy ra một con dao khắc nhỏ có kích thước lớn bằng đầu tăm, khắc lồi con ngươi lên từng chút từng chút một, giống như chỉ cần khắc đủ cẩn thận và khắc ra đầy đủ những biểu cảm trên miếng ngói úp có hoa văn mặt người là nàng có thể ghép lại gương mặt của nam tử trong giấc mơ.
Ta chắc chắn biết hắn!
A Bình thầm nghĩ, nếu không ta sẽ không mơ thấy hắn hết lần này đến lần khác.
Nhưng là một cô gái chưa lập gia đình cũng chưa đính hôn, A Bình ngại hỏi cha mẹ, trong nhà cũng không có người hầu cũ, tiểu nhị và nha hoàn đều được tuyển hoặc bỏ tiền ra mua về sau khi đến Lạc Dương, nàng không thể biết được quá khứ của mình từ những người khác.
Cha mẹ từng nói, tất cả người hầu và tiểu nhị đã rời đi hoặc chết trên đường chạy nạn, ngoài một nhà ba người bọn họ ra thì không còn một ai sống sót.
Chẳng lẽ người đàn ông này là người mà mình thầm mến mộ? Chiến tranh đã chia rẽ chúng ta sao?
Nếu thật sự có người này thì cha mẹ không thể không nhắc tới một chút nào, chỉ có một khả năng duy nhất chính là mình và người yêu tự định chung thân, không nói cho cha mẹ.
Còn về nguyên nhân, rất có thể là vì cha mẹ chỉ có một con gái duy nhất là nàng nên kiên quyết muốn kén rể, mà gia đình đối phương không cho phép hắn đến nhà gái ở rể?
A Bình gửi gắm tất cả những suy nghĩ và suy đoán của mình lên từng miếng ngói úp có hình mặt người. Nàng đã quên mất những chuyện trong quá khứ, lúc mới tỉnh lại thậm chí còn không nhận ra cha mẹ, huống chi là người yêu?
Nhưng A Bình không cam lòng sống một cuộc đời ngây ngô mơ hồ như vậy, nàng sẽ phải chọn một người đàn ông về ở rể rồi lấy chồng, sinh con kế thừa nghề làm ngói úp, buôn bán ngói úp, lặp đi lặp lại những tháng ngày này đời đời kiếp kiếp.
Nhưng A Bình không thích cuộc sống yên ổn và bình thản như vậy, bởi vì mỗi một ngày trong cuộc sống của nàng đều không có cảm giác thân thuộc và cực kỳ không an lòng. Giống như nàng không thuộc về nơi này, nhưng nàng lại là thiếu đương gia của nhà xưởng, nàng phải ở nơi này và chờ đợi một người nhận được sự đồng ý của cha mẹ để vào ở rể.
Nghĩ đến đây, A Bình bỗng tức giận vô cớ, dao nhỏ trật nhịp, lỡ cứa vào ngón tay nàng.
Tay đứt ruột xót, đau đớn làm nàng tỉnh táo lại, nàng buông dao khắc ra rồi đổ thuốc lên ngón tay.
Xòe ngón tay ra, không có một ngón nào trong số mười ngón tay của nàng là còn hoàn hảo và nguyên vẹn, tất cả đều là những vết thương mới mới cũ cũ với độ lớn bé khác nhau do sử dụng dao khắc lâu ngày sinh ra.
Lúc này, bên ngoài có tiếng ồn ào, A Bình nhìn từ một góc cửa sổ, thấy một công tử cưỡi ngựa đi vào xưởng nhỏ nhà nàng và đang nói chuyện với cha.
Người này chính là Tiền Nhị công tử trong miệng bà mối hôm nay.
Tướng mạo Tiền Nhị công tử cũng khá đứng đắn, nhưng A Bình không thích, nàng chán ghét đôi mắt như cất giấu lưỡi câu và ánh nhìn chứa đầy dm dục tham lam ướt át của hắn.
Thứ biểu cảm này sẽ không bao giờ vào được mặt người trên miếng ngói úp do tay nàng làm ra.
Tiền Nhị công tử xuống ngựa, nói với ông Trần, “Hợp đồng thuê mảnh đất này sẽ hết hạn trong tháng này, Tiền gia chúng ta không cho thuê nữa, xin ông chủ Trần đi tìm chỗ khác.”
Ông Trần nhìn trúng mảnh đất gần núi này để xây dựng xưởng nhỏ, thứ nhất là vì dưới chân núi chính là sông, vừa tiện cho việc lấy nước vừa tiện vận chuyển ngói, Giang Nam nhiều đường thủy, đi đường thủy ít xóc nảy, lúc giao hàng cũng sẽ bị thiệt hại ít hơn.
Thứ hai là đất sét ở đây rất thích hợp để trộn đất sét. Đất sét tinh mịn, khi nung lên có màu xám xanh rất đẹp, nhìn cực kỳ bắt mắt.
Ông Trần thay đổi sắc mặt, “Không thể nào, rõ ràng ta đã ký khế đất mười năm với các người.”
Trước khi buôn bán ông Trần đã tính toán đủ thứ, không dễ gì tìm được một mảnh đất tốt, một khi đã ra tay thì phải thuê ít nhất mười năm.
“Hôm nay bà mối tới cửa cầu hôn, ông chủ Trần đã từ chối.” Tiền Nhị công tử liếc mắt về phía căn phòng nhỏ trong xưởng, A Bình vội vàng rụt người lại rồi đóng cửa sổ kín mít.
Ông Trần nói: “Ta chỉ có một nữ nhi, tương lai phải kế thừa gia nghiệp nên nhất định phải tuyển người vào ở rể.”
Tiền Nhị công tử chỉ vào mình, “Ta đến ở rể nhà ông.”
Ông Trần vội vàng nói: “Nhị công tử là con cưng của gia đình giàu có, môn không đăng hộ không đối, chúng ta không trèo cao nổi.”
Tiền Nhị công tử cười nhạt, “Ý ông chủ Trần là không cần nói chuyện nữa?”
Ông Trần nói: “Nếu chỉ là hôn sự của nữ nhi ta thì đương nhiên không thể nhượng bộ. Còn nếu nói về miếng đất này thì chúng ta có thể tiếp tục thảo luận.”
Tiền Nhị công tử nói: “Không phải nói gì nữa, cuối tháng là tròn một năm, các ngươi nhất định phải đi. Nếu không phục, các ngươi có thể tới nha môn tố cáo ta.”