Đương nhiên Lâm Chước Dự sẽ không viết kịch bản kiểu đó, dù sao cũng không phải quay “Brokeback Mountain” bản Trung. Kịch bản mà Hứa Kinh Trập nhận được cũng rất kỳ lạ, không có đoạn giới thiệu thông tin nhân vật cũng không có bất kỳ tóm tắt cốt truyện nào, chỉ có đúng một phần lời thoại và cảnh quay của anh, tổng lại thì không phải quá nhiều.
Lâm Chược Dự bảo tạm thời chỉ nghĩ được tới đó: “Trạng thái của cậu không thể quá tốt, phải là kiểu không được như mong muốn, hiểu chứ. Cậu không tình nguyện tới đây, không thích ứng được với hoàn cảnh, nhớ nhà, ngủ không ngon giấc mà cũng không có bạn bè.”
Hứa Kinh Trập ghi nhớ mấy điểm chính này, anh trước hết phải học thuộc lời thoại đã.
“Cậu thử tìm cảm giác với Lương Ngư xem.” Lâm Chước Dự ngay cả giảng giải nội dung phim cũng không quá chi tiết. Anh ta thật sự tùy hứng tới cực điểm, “Buổi tối chúng ta sẽ thử quay một lần trước đã.”
Phần lời thoại và tình tiết bên Lương Ngư cũng thay đổi rất nhiều. Dù sao quay cảnh đêm thì sớm nhất cũng phải sau chín giờ tối mới bắt đầu, vì thế vẫn còn dư dả thời gian. Hai người Hứa Kinh Trập và Lương Ngư đều ở lại địa điểm quay phim, cùng nhau vùi đầu học thuộc lời thoại hệt như nhóm nhỏ đang ôn tập để mai thi cuối kỳ.
Hứa Kinh Trập học thuộc được một lúc thì vì anh khá hút côn trùng nên tay thường xuyên phải phẩy qua phẩy lại trước mặt.
Lương Ngư ngẩng đầu lên khỏi cuốn kịch bản, nhìn thoáng qua anh rồi thuận miệng gọi nhân viên công tác bên cạnh: “Có xịt muỗi không?”
Vừa hay người kia có mang, bèn lấy đưa hắn một bình còn nguyên.
Mặt Hứa Kinh Trập không thể xịt nhưng chân với cổ đều bôi một lớp. Đầu hai người chụm lại với nhau, gần như cụng phải đầu đối phương.
“Hồi em mới tốt nghiệp đi đóng phim cũng học thoại như này.” Hứa Kinh Trập nở nụ cười, khẽ nói, “Cứ đọc mãi, chỉ sợ mình không thuộc.”
Lương Ngư hỏi anh: “Em thuộc được bao nhiêu rồi?”
Hứa Kinh Trập: “Lời thoại em ít, chắc lát không có vấn đề gì đâu.”
Lương Ngư bĩu môi. Dường như hắn cảm thấy vai diễn của Hứa Kinh Trập không đủ nổi bật, không phát huy được nhiều.
“Anh là nam chính, chứ em đâu cần quá nổi bật.” Tâm trạng Hứa Kinh Trập khá bình thản, “Đây còn là phim của đạo diễn Lâm đó.”
Trong số các đạo diễn Hoa Kiều, thành tích của Lâm Chước Dự luôn ổn định trong top 3. Anh ta rất có danh tiếng tại thị trường quốc tế, so ra thì cũng không thua kém gì Kiều Chân Khiêu, ở thị trường nội địa thì thấp hơn một chút, vì quay nhiều phim thương mại.
Thật ra tối nay Hứa Kinh Trập chỉ có hai cảnh. Một cảnh là cùng “Lão Chu” do Chu Cửu Lâm đóng tính toán tiền nong cùng chi tiêu trong đội, vì chuyện hóa đơn mà cãi vã. Cảnh còn lại là “Trần Lương Sinh” do Lương Ngư đóng tới tìm anh, muốn theo anh học nhận mặt chữ.
“Liệu em có thể cãi nhau với thầy Chu được không?” Lương Ngư bỗng hỏi, “Ông ấy từng dạy em nhỉ?”
Hứa Kinh Trập bật cười, bảo: “Thế này là anh hơi coi thường em rồi đấy. Đóng phim thì sao có thể không cãi được.”
Lương Ngư lật kịch bản. Nếu để người khác diễn vai của hắn thì có thể sẽ gặp chút khó khăn nhưng để hắn vào vai thì lại rất phù hợp. Đại khái là vì con đường trưởng thành cùng kinh nghiệm ngày trẻ có vài chỗ tương đồng. Hắn không cần tốn quá nhiều công sức cũng có thể chạm tới được linh hồn của nhân vật.
Hứa Kinh Trập từng xem phần giới thiệu nhân vật “Trần Lương Sinh” do chính hắn viết. Có thể trong kịch bản của Lâm Chước Dự còn chưa viết phần kết nhưng điểm kết thúc cuối cùng của “Trần Lương Sinh” đã có sẵn trong lòng Lương Ngư rồi.
Đêm trong núi vắng lặng. Hứa Kinh Trập sau khi học thuộc xong lời thoại thì không còn việc gì để làm. Có lẽ vì trước đó anh đã ngủ đẫy giấc nên đây là lần anh cảm thấy thả lỏng nhất khi đứng tại trường quay từ lúc mới vào nghề cho tới giờ. Vai diễn kế toán trẻ trong kịch bản cũng không có tên tuổi cụ thể, chỉ gọi là “Tiểu Hứa”. Hứa Kinh Trập mặc một chiếc áo sơ mi trắng đã bạc màu, trông rất cũ kỹ cùng chiếc quần bông luộm thà luộm thuộm và một đôi giày leo núi, bên ngoài thì khoác chiếc áo gió.
Cảnh cãi nhau với “Lão Chu” được thông qua rất thuận lợi, ngay cả bản thân đạo diễn Lâm Chước Dự cũng không ngờ tới. Anh ta xem đi xem lại mấy lượt, thật sự không tìm được lỗi nào để bắt bẻ, bèn dứt quát hô “Qua”.
Chu Cửu Lâm khen chi tiết giọng địa phương Hứa Kinh Trập làm rất tốt: “Cái tiếng phổ thông lai lái âm miền Nam này em học được từ bao giờ vậy?”
Hứa Kinh Trập nói: “Mấy năm trước em có một bộ phim dân quốc, diễn vai chàng thanh niên người Thượng Hải cũ ạ.”
Chu Cửu Lâm gật gù. Ông rất hiểu cậu học trò tâm đắc của mình, học gì cũng nhanh mà thái độ cũng rất nghiêm túc.
“Đáng nhẽ ra em nên tham gia đóng phim điện ảnh từ lâu rồi.” Chu Cửu Lâm dường như có chút tiếc nuối. Lời này của ông thật ra đã rất kiềm chế rồi. Dù sao trong mảng phim truyền hình, Hứa Kinh Trập cũng là nam diễn viên đứng trên đỉnh kim tự tháp, trẻ tuổi mà có địa vị cao. Nếu cố bới móc khuyết điểm của anh, kêu việc anh chưa từng được tham gia đóng phim điện ảnh là thất bại thì như vậy là sỉ nhục tới những nỗ lực mà Hứa Kinh Trập đã bỏ ra cùng những thành tích anh đã đạt được.
Lâm Chước Dự đạo diễn xong một cảnh thì dường như lại có linh cảm mới. Anh ta sửa kịch bản của Lương Ngư ngay tại chỗ, còn hỏi hắn: “Diễn được không?”
Lương Ngư bị anh ta chọc cho có chút gắt gỏng: “Nếu không anh cho người giơ bảng nhắc thoại đi. Tôi cứ đọc theo đó thôi, cũng tiện cho anh muốn sửa lúc nào thì sửa. Thế nào?”
Lâm Chước Dự vậy mà lại thấy cách này cũng ổn, còn thật sự gọi phó đạo diễn tới hỗ trợ giơ bảng nhắc thoại.
“Thật không vậy?” Hứa Kinh Trập ngồi trong vọng gác. Chu Cửu Lâm đã quay xong nên về nhà trọ rồi. Cảnh lúc nãy của bọn họ theo mạch phim thì không cùng khoảng thời gian với cảnh này, Lâm Chước Dự quay nhảy cóc.
Lương Ngư không muốn nói chuyện. Hắn có vẻ đã giận thật rồi, càu nhà càu nhàu đi vào trong vọng gác. Hắn kéo ghế ra, kê tới bên cạnh Hứa Kinh Trập.
Lâm Chước Dự bắt đầu giải tán mọi người tại trường quay. Cảnh này không cần diễn viên quần chúng, vì chỉ quay đúng hai người Hứa Kinh Trập và Lương Ngư. Lâm Chước Dự đưa ống kính lại sát sịt, khiến Hứa Kinh Trập cảm thấy có lẽ quay xong sẽ toàn những cảnh đặc tả khuôn mặt.
“Màn 23, cảnh 1, lần 1 ——“ Lâm Chước Dự đập bảng, “Action!”
Hứa Kinh Trập và Lương Ngư bốn mắt nhìn nhau. Anh đang chờ hắn đọc thoại vì câu đầu tiên phải do “Trần Lương Sinh” lên tiếng trước.
Phó đạo diễn đứng sau lưng Hứa Kinh Trập giơ bảng nhắc thoại lên. Trông Lương Ngư có vẻ như đang phân tâm. Hắn lơ đãng đọc theo bảng nhắc thoại: “Thầy Tiểu Hứa.”
Lời thoại tiếp theo của Hứa Kinh Trập không có vấn đề gì cả: “Anh gọi tôi tới đây làm gì?”
Lương Ngư: “Tôi muốn học mấy thứ.”
Hứa Kinh Trập lại hỏi: “Muốn học gì cơ?”
Lần này thì Lương Ngư do dự mất một lúc rồi mới nói: “Học nhận mặt chữ.”
Hắn nói quá nhỏ nên Hứa Kinh Trập theo bản năng ngả đầu về trước, hỏi lại: “Học gì cơ?”
Lương Ngư đưa tay ra, chỉ cuốn sách trước mặt anh rồi bảo: “Mấy chữ này có nghĩa là gì?”
Cuốn sách trước mặt Hứa Kinh Trập là cuốn “Anna Karenina”. “Tiểu Hứa” không phải người gác rừng, anh là một kế toán bình thường, mỗi tuần chỉ cần trực một buổi. Hoàn cảnh nơi đây buồn tẻ và lạc hậu. Cuốn sách cũ duy nhất anh có thể tìm được để vượt qua buổi trực đêm này cũng chỉ có cuốn này, thế nên buổi tối anh lấy ra đọc, coi như giết thời gian.
(Anna Karenina: là tiểu thuyết của văn hào người Nga, Lev Tolstoy. Tiểu thuyết kể về cuộc đời của nàng Anna Karenina xinh đẹp phải sống trong vòng dây xiềng xích, trói buộc tự do trong xã hội Nga những năm bất ổn chính trị với tư tưởng phong kiến già cỗi)
Trong phân cảnh Hứa Kinh Trập học thuộc có câu này: “Anna Karenina”, anh vừa đọc vừa chỉ ngón tay qua, giải thích: “Là tên riêng.”
Lương Ngư cũng ghé đầu qua, máy móc rập khuôn đọc lại như cậu học trò nhỏ phát âm theo thầy giáo. Hắn ngừng một chốc rồi hỏi, “Là phụ nữ hả?”
Hứa Kinh Trập không nhịn được bật cười: “Là nữ.” Anh nói, “Là người đẹp nổi tiếng trong giới quý tộc tại Xanh Pê-téc-bua.”
Lương Ngư lại hỏi: “Xanh Pê-téc-bua là gì?”
Hứa Kinh Trập: “Là một địa điểm ở Nga. Anh biết Nga không?”
Lương Ngư gật đầu: “Bọn Tây mũi lõ ở cách vách.”
Hứa Kinh Trập bị ngắc ngứ. Lời thoại của anh chỉ có tới đây, không biết tiếp theo nên tiếp lời thế nào. Nhưng Lâm Chước Dự vẫn chưa hô cắt nên anh chỉ có thể chờ, giả bộ bình tĩnh nhưng không hề biết nên diễn tiếp thế nào.
Lương Ngư ngẩng lên. Hắn nhìn mặt Hứa Kinh Trập nhưng thật ra là đang nhìn bảng nhắc thoại phía sau. Lâm Chước Dự lại đẩy ống kính, tập trung quay biểu cảm của Lương Ngư.
“Cậu dạy tôi nhận mặt chữ đi, thầy Tiều Hứa.” “Trần Lương Sinh” nói. Ngọn đèn duy nhất trong vọng gác chiếu lên mặt hắn, trên làn da dãi nắng dầm mưa có hai gò má đỏ cao nguyên[1] tự nhiên, “Cậu dạy tôi nhận mặt chữ, tôi sẽ mua thuốc lá với rượu cho cậu. Cậu đừng nói với người khác nhé.”
Lâm Chước Dự không hô “cắt” nhưng cũng không lập tức cho “qua”. Anh ta như có chút đăm chiêu xem kỹ lại hai đoạn này, thấy biểu cảm của Hứa Kinh Trập hơi kỳ quái.
Cuối cùng anh ta nói: “Cậu phải tiết chế một chút.” Lâm Chước Dự bổ sung thêm, “Tiết chế tình cảm đi một chút.”
Hứa Kinh Trập không nói gì. Anh im lặng, đã hiểu chỗ nào của mình có vấn đề. Diễn viên thật ra rất kiêng kị tình huống không thể tách bạch giữa vai diễn và bản thân. Lương Ngữ diễn không gặp vấn đề gì vì hắn là hắn mà Trần Lương Sinh là Trần Lương Sinh, có giống nhau hơn nữa thì bọn họ vẫn là hai người riêng biệt.
Ngược lại, Hứa Kinh Trập lại rơi vào vòng luẩn quẩn không tách biệt được Lương Ngư và “Trần Lương Sinh”. Anh đã tự mình đa tình tới mức có chút quá đà. Khi “Trần Lương Sinh” nhìn anh, ánh mắt, động tác hay khi nói lời thoại, Hứa Kinh Trập đều cảm thấy tình cảm của mình như tràn đầy, bất kể lúc nào cũng có thể trào ra.
“Cậu đừng có yêu cậu ta đến vậy nữa.” Lúc Lâm Chước Dự nói lời này nghe có mùi chua chua, “Cậu ta giờ thế này rồi.” Anh ta chỉ Lương Ngư đang ngồi trước cửa vọng gác chờ bọn họ giảng giải nội dung phim. Vì để sát với tạo hình nhân vật nên tóc Lương Ngư đã bốn, năm ngày rồi chưa gội, bết dính xẹp lép. Làn da của hắn mấy ngày nay gần như không thể nào nhìn nổi, vừa đen vừa thô. “Má cao nguyên đỏ” cũng không phải chuyên viên trang điểm vẽ cho hắn mà thật sự là hàng tự nhiên.
Đến Lâm Chước Dự cũng cảm thấy ghét bỏ: “Cậu ta bây giờ có chỗ nào đẹp trai mà cậu còn yêu cậu ta đến vậy hả?!”
Hứa Kinh Trập: “……”
—