Đạo Mộ Bút Ký

quyển 3 chương 22: tiếp tục trèo

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Editor: Tiểu Phong Hoa

Beta: Tiểu Điệp

Tôi nhìn sắc mặt lão Dương có vẻ không ổn, trong lòng thầm cảm thấy bất thường vội kêu to tên hắn. Lão Dương bị tôi làm giật bắn mình, lập tức phản ứng lại, sợ đến run rẩy mà đứng khựng tại chỗ.

Hai chúng tôi vội lao tới, truy hỏi hắn vừa rồi định làm trò gì.

Lão Dương nhìn nhìn cái cây rồi lại quay sang nhìn nhìn chúng tôi, dè dặt đáp: “Tớ cũng không biết nữa, quái đản thật, ban nãy thoáng nhìn thấy cái cây này đã có cảm giác quen thuộc lắm, bỗng nhiên muốn…leo lên.”

Leo lên? Tôi ngờ vực nhìn lão Dương, ngẩng đầu nhìn cây, tự thắc mắc tên này đâu phải khỉ, kiểu gì mà thấy cây lại muốn trèo lên liền hỏi hắn: “Hay là cậu bị khí thế hoành tráng của nó cuốn hút? Người ta nhìn thấy thứ gì cao cao thường cũng sinh hứng leo trèo mà.”

Lão Dương lắc lắc đầu: “Tớ chịu thôi!”

Trợ lý Lương ngắm nghía cây Thanh đồng, nói: “Cây này lớn như vậy, chắc chắn có điểm quỷ quái. Trong lúc quan sát chúng ta phải cực kỳ thận trọng, cố gắng đừng chạm vào nó.”

Lão Dương gật đầu tỏ vẻ đồng tình, tôi giơ cao bó đuốc, tiến lại gần bộ rễ của thanh đồng đại thụ.

Cây thanh đồng là văn vật vô cùng hiếm gặp, theo trí nhớ của tôi, trừ lần khai quật được ở gò Tam Tinh, những nơi khác hầu như chưa từng có. Tôi xem phóng sự chỉ hiểu được đôi chút, về vấn đề nguồn gốc của thứ này, giới khảo cổ cũng không có kết luận chắc chắn, giả thuyết thì vô số.

Từ khoảng cách gần có thể phát hiện trên mặt cây thanh đồng không được trơn nhẵn cho lắm mà khắc chi chít những bức họa hình rắn hai thân, tượng trưng cho thần tính của cây thanh đồng.

Trợ lý Lương nhìn hồi mới nói với tôi: “Kích thước khổng lồ thế này chưa biết chừng là đồ cúng tế, rơi vào khoảng thời Thương – Chu gì đó, nhưng cụ thể ở thời điểm hiến tế có tác dụng thế nào thì đã quá cổ xưa, vượt quá phạm vi kiến thức của tôi rồi.”

Điều đó cũng giống những lời ông già ngày trước nói cho tôi, nhưng khoảng thời Thương – Chu, nhà Thương kéo dài hơn sáu trăm năm, nhà Chu cũng đến năm trăm hai mươi hai năm, cộng vào cũng lên tới hơn một ngàn một trăm năm. Dao động quanh con số đó, cứ cho là lên xuống tầm bốn trăm năm cũng đã chiếm một nửa những gì sử sách Trung Quốc có ghi lại, những phán đoán thế này thì thà đừng nói còn hơn.

Tôi hỏi gã ta xem liệu có thể xác định chính xác rốt cuộc là thuộc giai đoạn nào ở thời Thương – Chu hay không.

Trợ lý Lương than rằng gã cũng bó tay không còn cách nào khác: “Thứ này mắt thường sao có thể nhìn rõ được, tôi tài hèn chỉ võ đoán cho cậu mà thôi. Cậu nhìn thử xem, những nốt gỉ này đều ngả màu xám đen, rất có thể là thiếc thanh đồng là một chủng loại trong số chì thiếc thanh đồng và chì thanh đồng. Khả năng rơi vào thời Tây Chu là lớn nhất, đại khái khoảng %, % còn lại kia tôi cũng không biết nói sao. Quy tắc của chúng ta cậu cũng thừa hiểu rồi, tôi chỉ biết được đến thế thôi, nói sâu hơn nữa thì tôi chịu thôi.”

Chế tác đồ cổ cũng có một đường ranh giới phân chia giữa các triều đại, một lượng lớn đồ cổ đều xuất hiện sau thời nhà Tống, trước thời nhà Đường không có mấy, thời Thương – Chu lại càng hiếm hoi. Nhận thức trong nghiệp vụ đối với những thứ này rất ít ỏi, như trợ lý Lương đã là rất khá rồi, còn giỏi hơn tôi nhiều.

Tôi nghe gã ta nói đến thế rồi mà vẫn chẳng có tí khái niệm gì, đành hỏi: “Vậy nếu dựa theo thời Tây Chu thì anh có thể nhận định thêm một chút được không? Trình độ của công nghệ Thanh đồng Tây Chu, trên lý thuyết có thể tạo ra thứ này hay không?”

Trợ lý Lương đáp: “Vấn đề này tôi lại càng không trả lời được, tôi chỉ biết vào thời điểm đó, trước khi chế tác đồ thanh đồng phải làm đào phạm (khuôn đúc để đúc đồ gốm sứ), theo lý mà nói chỉ cần làm được đào phạm, thì tất nhiên đúc được thành phẩm. Có điều vật này quá lớn, e rằng vận dụng công nghệ truyền thống sẽ không tài nào chế được.”

Lão Dương hỏi gã: “Trợ lý, ông nói thứ này có thể là di tích của nền văn minh thời tiền sử, nhưng tôi đọc báo có biết được rằng, mấy triệu năm trước đào mỏ còn chẳng ra nổi một tấc sắt, vật này lớn đến thế, “người” thời đó chắc không làm nổi đâu nhỉ?”

Trợ lý Lương lắc đầu: “Hai ông lớn ạ, về chuyện này thì bản thân tôi đây cảm thấy cũng không hẳn vậy, trước Công nguyên một nghìn năm cho đến khoảng đầu Công nguyên trong lịch sử được người ta xưng tụng là thời đại kỳ tích, đã kiến tạo được vô số kỳ quan tưởng như bất khả thi, như Vạn lý trường thành, Kim tự tháp, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vườn treo Babylon. Các cậu bảo không thể chế ra được cây Thanh đồng, điều đó rất khó khẳng định. Tổ tiên chúng ta khi đó đã biết đúc đồ thanh đồng, chỉ cần Hoàng đế hạ lệnh một tiếng, dân chúng dù cực khổ đến mấy cũng phải thi hành, dù mất vài chục năm nhưng cũng không phải không có khả năng.”

Trợ lý Lương nói cũng có lý, nhưng thời đó ngành luyện kim còn chưa phát triển, kiếm đâu ra nhiều thanh đồng như vậy mà sử dụng? Tần Thủy Hoàng thu hết binh khí trong thiên hạ mới chỉ đúc được mười hai bức tượng đồng, một thân cây này có thể đổi ra hàng trăm bức chứ không đùa, lượng Thanh đồng khổng lồ như thế ở đâu ra?

Tôi nghĩ đi nghĩ lại vẫn không sao lí giải được, nhưng trái lại đột nhiên nhớ ra một sự việc. Hồi chúng tôi nghe lỏm Lý Tỳ Bà nói chuyện, nghe lão nói rằng đồ trong cổ mộ này còn ngon hơn cả đồ trong lăng Tần Thủy Hoàng, nhưng chúng tôi suốt dọc đường mò mẫm xuống đây mãi chẳng thấy có cái của nợ gì hay ho, đi đến đường cùng rồi may ra được cây đồng này an ủi, nhưng bọn tôi cũng đâu phải dân nhặt đồng nát.

Có điều cái cây này cũng đáng giá một ngàn đồ đồng nát, đủ sống phủ phê cả đời đấy…

Trong ‘Hà mộc tập’ của lão nhất định có viết gì đó khiến lão phải cố sống cố chết tìm đến đây. Lão là loại người đã từng thấy qua vô số bảo vật, thứ có thể làm lão phải thốt ra câu đấy chắc chắn không tầm thường chút nào. Nhưng đó là cái gì? Và ở đâu?

Theo lý, đáng ra ở đây hoặc là trong cả cổ mộ, hoặc là trong trung tâm thần tích chắc phải có đồ tốt, cũng có thể là ở gần chỗ này. Nhưng ngoài cái cây này, tôi dám đảm bảo chẳng có thứ gì đáng cho người như ông chủ Lý để mắt tới.

Khoan đã nào…Cây…?

Tôi chợt nảy ra một ý, ngẩng đầu lên nhìn rồi nghĩ thầm: Có khi nào thứ đồ hấp dẫn lão lại giấu trên cây thanh đồng này không?

Cây thanh đồng lớn như thế, đối với người dân Xà quốc thời cổ đại mà nói đúng là công trình cực kỳ đồ sộ, có thể nói là thần tích, khó đảm bảo rằng đế vương của bọn họ sẽ không đem lăng mộ của chính mình xây dựng tại nơi gần thần tích nhất. Nếu nói đây đúng là một cổ mộ thật, thì quan tài của chủ mộ cùng tất cả các loại minh khí rất có thể đang ở trên cây.

Tôi nói thử suy nghĩ của mình với hai người kia, bọn họ đều cho là rất có lý. Tôi hỏi họ, đã như vậy liệu có nên trèo lên không?

Lão Dương đương nhiên đồng tình ngay: “Đã đến tận đây rồi thì trèo thêm một tí cũng chẳng chết ai. Cây này bên trên có rất nhiều mấu, cũng y hệt như leo thang thôi, không tốn sức lắm đâu.”

Tôi cũng không quan tâm lắm, có điều trợ lý Dương vừa bị bỏng, thể lực cũng cạn kiệt rồi, nếu bắt gã leo cây nữa chỉ e cái mạng cũng khó giữ. Chẳng may gã gục giữa chừng chúng tôi lại phải trông nom, còn phiền phức hơn.

Tôi quay đầu định bảo gã cứ ngồi dưới chờ, hai người chúng tôi lên là đủ, nhưng lại thấy trợ lý Lương xoa xoa mặt rồi vỗ tôi một cái: “Không sao hết, đã tới cửa cuối cùng rồi, kiểu gì tôi cũng phải đi xem thử.”

Tôi xem gã có vẻ kiên quyết lắm, biết rằng khuyên thêm cũng bằng thừa, không cần tốn công vô ích, vì thế liền lẳng nhanh ba lô lên vai, giơ bó đuốc nói với lão Dương: “Chúng ta đi tiếp thôi.”

Lão Dương móc trong túi ra một đôi găng tay đeo vào, ngay sau đó đặt chân lên chạc cây đầu tiên, bắt đầu leo lên. Tôi và trợ lý Lương làm theo động tác hắn, ở phía sau cứ theo trình tự bước chân của hắn mà leo một mạch.

Mật độ những chạc cây không quá thưa cũng không quá mau, trèo lên tương đối thuận tay, lão Dương vừa đi vừa nhắc nhở chúng tôi phải chú ý, không được sơ suất mà bước hụt ra ngoài.

Dán mình vào vỏ cây thanh đồng tôi càng nhìn càng thấy rõ ràng. Những nhánh cây mọc ra đều giống như đúc từ cùng một khối với thân cây, những điểm nối cực kỳ hoàn chỉnh không một chút tì vết, không có bất cứ mối hàn nào. Chỉ có một điều làm tôi hơi thất vọng, chính là hình rắn hai thân trên đó khắc quá sâu, tưởng chừng chạm cả vào lõi sâu nhất của thân cây. Tôi nhìn mãi mà không ra trong đó có gì.

Do động tác phải cẩn thận từng li từng tí, chỉ một chốc sau mồ hôi chúng tôi đã nhỏ tong tỏng, ai nấy thở phì phò như trâu. Tôi ngoái nhìn xuống dưới, nhận ra đã không thấy mặt đất đâu nữa, chỉ còn ánh sáng lờ mờ tỏa ra từ hỏa đàn bên cạnh cổng, trông qua chẳng khác gì một vực thẳm không đáy.

Đi được một quãng, sức trợ lý Lương đã chịu không nổi nữa, tôi bèn gọi lão Dương dừng lại, ra hiệu cho hắn đừng nóng vội, để trợ lý Lương nghỉ ngơi một chút.

Trợ lý Lương như được đại xá, liền lập tức ngồi phịch xuống. Gã đã mệt đến mức sắp ngã đến nơi, mồ hôi đầm đìa, chân không ngừng run rẩy, cơ hồ đứng cũng không vững. Tôi ngồi xuống trên chạc cây, hai chân phải lơ lửng giữa không trung thoạt chẳng vững chắc chút nào. Đến nghỉ mà cũng khổ như vậy.

Lão Dương thấy tình hình chúng tôi căng quá liền quăng cho một ít lương khô để có cái mà nhai, nói: “Nhìn mấy người thế này không xong rồi, muốn lên đỉnh còn phải tới hơn trăm mét nữa, sức đuối như vậy có khi phải lê lết ở đây mất một đêm. Ê lão Ngô, nếu không thì cậu với tớ tán chuyện tí cho thư giãn?”

Tôi mệt đến độ mở miệng ra còn thấy ngại, mắng hắn: “Biến, cậu thì không mệt chắc?! Xem cẳng chân thì run như cầy sấy thế kia, cậu thích tán chuyện thì cứ tự biên tự diễn đi, ông đây không dư sức!”

Lão Dương cắn một miếng bánh bột ngô: “Nói thì nói chứ sao, có điều cậu trả lời cho tớ một câu này đã. Lão Ngô, cậu thử phát biểu xem, chúng ta phát hiện ra thứ này mà thông tri với chính phủ thì có được lấy tên mà đặt cho nó không nhỉ?”

Đối với vấn đề này thì đúng là tôi hoàn toàn mù tịt, liền quay lại nhìn trợ lý Lương. Trợ lý Lương thở hổn hển khoát tay: “Dương gia này, anh đã bao giờ nghe nói tới những đồ cổ như ‘Đỉnh vuông Vương Nhị mặt rỗ’ hay ‘Cốc ba chân Triệu Thổ Căn’ chưa? Từ trước đến giờ những người phát hiện ra quốc bảo hầu hết đều là nông dân hoặc công nhân xây dựng, anh phải lấy luôn tên bọn họ mà đặt. Như thế cũng có cái hay. Chúng ta tất nhiên là không có ý kỳ thị nhân dân lao động, nhưng tên của người Trung Quốc không giống tên nước ngoài, cứ thế mà mang ra đặt anh không thấy nghe có vẻ rất bần cùng sao?”

Lão Dương ngẫm nghĩ thấy cũng có lý, lại hỏi tiếp: “Nhưng ít nhất cũng phải cho chúng ta cái quyền đặt tên đúng không? Các hòn đảo khi được phát hiện chẳng phải lấy luôn tên người đầu tiên phát kiến mà đặt à?”

Trợ lý Lương đáp: “Đúng là có quy ước như vậy, có điều tôi chưa nghiên cứu bao giờ.”

Tôi bảo lão Dương: “Hỏi cái này làm gì, tiền cậu còn chưa kiếm ra đã lại lên cơn thèm hốt cả danh lẫn lợi rồi rồi. Cậu ngồi thử ngẫm lại xem một người không liên quan thì mò tới chỗ này chơi không ngắm cảnh chắc? Cậu đang giở trò gì đưa mắt nhìn qua cũng biết.”

Lão Dương nói: “Tớ thấy thứ này ngắm cũng hay hay, cậu nói xem cái cột đồng to như vậy đặt tên gì thì hợp? Hai người cũng nghĩ thử đi, về sau chúng ta mang ra khoe khoang còn thống nhất cách nói.”

Cái suy nghĩ chán chết đó làm tôi thấy phát nhảm chẳng muốn động đến thêm nữa liền nói với hắn: “Tính ra thì cậu là người đầu tiên phát hiện, cho cậu đặt đấy. Tôi đối với cậu tốt đến thế là cùng.”

Lão Dương ngẩng đầu ngắm nghía: “Tớ vừa nhìn thấy vật này trong đầu đã nảy ra một cái tên, đặt cái cột này là ‘Ngã ái nhất điều sài’(), nghe thế nào?”

()Tên của giang hồ đệ nhất xuân dược trong phim Lộc Đỉnh Ký chi Thần Long Giáo, có Châu Tinh Trì

Tôi nổi khùng: “Cậu lậm phim chưởng quá rồi đúng không? Cậu ‘ái nhất điều sài’, đặt tên này ra ngoài đảm bảo sẽ bị sét đánh chết!”

Lão Dương bật cười, trợ lý Lương cũng lắc đầu cười. Có một chút thời khắc vui vẻ này, ai ai cũng được thư giãn.

Chúng tôi ăn xong đều hồi sức được kha khá, lão Dương liền giục giã tiếp tục leo lên. Tôi vừa nhấc chân định đi bỗng thấy là lạ, nhìn kỹ thì thấy…Ấy, hỏa đàn bên cạnh cửa đã tắt ngấm từ khi nào rồi?

Lão Dương nhíu mày: “Chắc là gió trong này thổi tắt chứ gì?”

Tôi lắc đầu đáp không phải, hỏa đàn lớn như vậy, so với cái tôi làm chuyên nghiệp hơn vạn lần, gió không thể thổi tắt được. Trừ khi bên dưới đã xảy ra chuyện bất thường.

Đang nghĩ ngợi bỗng cả cây đồng chấn động, tuy rất nhẹ nhưng vẫn giống như có gì đó đụng phải. Trợ lý Lương hít một hơi khí lạnh, vội hỏi sao lại thế này.

Lão Dương ra hiệu cho chúng tôi chớ có lên tiếng, sau đó khum tay thành hình loa áp vào vách cây, vừa nghe xong đã biến hẳn sắc mặt: “Bỏ mẹ rồi, hình như có gì đang trèo lên thì phải!”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio