Trần Văn Dự thúc ngựa đi được một đoạn dài mới dừng lại, cất giọng khàn khàn gọi: “Ám Đội nghe lệnh.” Một người áo đen lập tức xuất hiện, quỳ xuống đất cứng hành lễ, một tay còn ôm vết thương rướm máu. Trần Văn Dự hỏi: “Dư Ảnh đâu?” Người đó cúi đầu, chậm rì rì đáp: “Thưa chủ nhân, Dư Ảnh cô nương được Ám Đội tương trợ, lẽ ra đã có thể thoát khỏi vòng vây nguy hiểm. Thế nhưng…”
Trần Văn Dự gằn giọng hỏi: “Thế nhưng thế nào? Nàng ấy đâu rồi?” Người áo đen run rẩy trả lời: “Không hiểu sao giữa trận chiến rất nhiều ám vệ cùng bọn thích khách đột nhiên bị kiệt sức, hành động trở nên chậm chạp. Tới lúc cô nương nhảy xuống vực thì đã muộn rồi. Ngay lúc nàng nhảy xuống, Ám vệ Minh Thành ở gần nàng nhất nên cũng vội nhảy xuống theo. Ám Đội đã cử người xuống phía dưới tìm kiếm, thế nhưng mấy canh giờ trôi qua, vẫn chưa có tin tức của hai người…”
Ám Đội sinh ra vì chủ nhân, đã thề suốt đời trung thành với ngài, nguyện chết vì ngài. Vị ám vệ quỳ dưới đất bị tội lỗi cùng hổ thẹn đè nặng, chỉ biết cúi đầu nhận sai với vị chủ nhân mang ơn sâu nặng với mình. Thế nhưng một lúc lâu sau, gã vẫn không nghe tiếng ngài giận dữ trách cứ như dự đoán. Mãi đến khi gã đánh bạo ngẩng đầu lên mới hốt hoảng nhận ra, mặc dù con chiến mã vạm vỡ còn đứng yên đó, thế nhưng trên yên cương nào còn bóng dáng cô độc của ngài giữa màn đêm?
Thời gian gần đây, Trần Văn Dự thường hay nằm mơ.
Những giấc mơ chợt đến chợt đi mang lại cho chàng cảm giác bất an cùng mệt mỏi những khi tỉnh dậy. Nhưng cũng trong những giấc mơ không đầu không đuôi đó, chàng gặp lại một người đã cách xa hai năm về trước.
Trong mơ, nàng không gọi chàng là Trần Văn Dự hay Hắc Vương Gia. Đúng rồi, có lúc nàng gọi chàng là Tĩnh Long, có lúc nàng lại gọi chàng là “sư phụ”. Nhưng chàng biết, làm sao chàng lại có thể là sư phụ của nàng được chứ?
Trần Văn Dự buồn chán ngắt một chiếc lá sen, thả tầm mắt theo hồ sen ngút ngát. Từng cánh sen hồng nhạt lấp ló trên nền lá xanh non, cộng với màu trời xanh trong làm nền khiến khung cảnh trước mắt vừa vô cùng tinh khiết, lại cực kỳ thơ mộng. Xa xa thấp thoáng mái đình nghỉ mát tinh xảo, Trần Văn Dự liền chầm chậm dạo bước về hướng đó.
Lúc này chàng mới nhận ra trang phục trên người mình màu trắng thuần, chất vải nhẹ mà mềm mại đến khó tin. Theo mỗi bước chân chàng, áo dài bay phất phơ cùng làn gió nhẹ, khiến chàng cảm thấy mình có chút cảm giác bay bổng trên mây.
Một tiếng gọi thánh thót cất lên từ phía sau lưng. Trần Văn Dự lúc này đã đến đình nghỉ mát, cứ đứng như trời trồng ngó ra hồ sen, chẳng mải mai ngoái nhìn lại. Giọng mềm mạicủa một cô gái vang lên, càng ngày càng gần: “Sư phụ, sư phụ, sao người không trả lời Tiểu Ly?”
Chàng đáp: “Ta muốn yên tĩnh vãn cảnh hồ.” Cô gái kia dường như vỡ lẽ, giọng lí nhí: “Ý người là, Tiểu Ly đang làm phiền người sao?” Chàng hừ nhẹ không đáp, cô nàng lại dùng giọng xun xoe nói: “Tiểu Ly sai rồi. Người làm sao mà nhỏ nhen như vậy được? Người là Cổ Long Thần, công đức vô biên, chút chuyện nhỏ bé này làm sao làm người khó chịu cho được.” Nàng còn cố tình nói lê thê thêm nhiều câu nữa, giọng nói nhẹ nhàng đáng yêu, thế nhưng đối với chàng, lời nàng nói chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Trần Văn Dự im lặng lắng nghe một chút, cảm thấy tay chân mình bắt đầu hơi run rẩy, thính giác cũng ù đi. Chàng dứt khoát quay lưng lại, trong thoáng chốc bắt gặp khuôn mặt đầy mong đợi của nàng kia đang chăm chăm nhìn mình.
Như nhiều giấc mơ trước của chàng, nàng vô cùng xinh đẹp, đôi mắt long lanh trong sáng luôn hướng về phía chàng, dường như muốn tìm kiếm từ trong mắt chàng một tình cảm lớn lao. Trần Văn Dự biết cô gái này. So với hai năm trước, nàng đã cao lớn hơn, khuôn mặt càng trở nên thanh lệ. Mặc dù chàng rất muốn mỉm cười với nàng, rất muốn nói với nàng những lời dễ nghe nhất, thế nhưng không hiểu sao hết lần này đến lần khác trong giấc mơ, chàng đều quay lưng lại với nàng. Tâm trí chàng gào thét, buộc chàng tỏ ra dịu dàng với nàng, nhưng cơ thể chàng lại dứt khoát rời đi. Thậm chí lúc chàng đi lướt qua, khóe mắt cô gái dường như còn ứa ra vài giọt lệ trong suốt.
Chàng bước đi rất nhanh. Cô gái liền yếu ớt gọi: “Sư phụ.”
Chàng lạnh lùng bỏ lại câu nói: “Ta không nhớ đã từng nhận học trò.”
Nàng gào lên: “Tĩnh Long!”
Bóng lưng chàng hơi khững lại, nhưng ngay sau đó chàng lại bước nhanh hơn.
Trần Văn Dự chợt cảm thấy dằn xé vô hạn. Vì cớ gì mà trong hết mộng cảnh này đến mộng cảnh khác, chàng lại đối xử lạnh nhạt với cô gái có khuôn mặt giống Dư Ảnh như thế? Trong vườn hoa, trên đỉnh núi, trong cung điện, cạnh hồ sen, mỗi lần chàng nhìn thấy nàng là mỗi lần nàng bị chàng thẳng thừng bài xích. Rõ ràng lúc trước, chàng chưa bao giờ có cảm giác chán ghét Dư Ảnh. Dù tình cảm với nàng chưa được gọi là khắc cốt ghi tâm, chàng cũng chưa bao giờ chán ghét nàng.
Trần Văn Dự vừa mải suy nghĩ, cơ thế bất chợt trở nên nhẹ bỗng. Chàng rơi vào một khoảng không bao la không ánh sáng, tốc độ rơi càng ngày càng nhanh.
Một tiếng “ùm” lớn vang lên, Trần Văn Dự chợt thấy lồng ngực của mình căng cứng. Da thịt lạnh như dao cắt, chàng nhận ra mình đã quay lại dòng sông rét buốt hai năm trước. Lúc đó hay tin Dư Ảnh gặp nạn, chàng còn mù quáng nhảy xuống sông tìm nàng. Thế nhưng ngay cả trong mộng cảnh tương tự suốt hai năm qua, nàng cũng chưa bao giờ để chàng tìm ra.
Từng đợt từng đợt lạnh giá ùa vào phổi, Trần Văn Dự cảm thấy từng tấc thịt trên người đều đau. Ngay lúc này chàng mở mắt, mới nhận ra mình lại ngủ gục trên chiếc bàn ngổn ngang tấu chương. Chàng vừa ngồi thẳng dậy đã nghe thấy tiếng ho, vội đi vòng qua tấm bình phong tứ quý thêu chỉ vàng, đến chỗ chiếc giường rộng khảm rồng ở giữa căn phòng.
Hoàng đế anh trai của chàng vừa cố nén tiếng ho, vừa khẽ nói: “Trẫm làm hoàng đệ thứcgiấc sao?” Chàng không nói gì, đón một chén thuốc ấm từ tay cung nữ trực đêm, bón cho anh trai. Trần Văn Nghĩa uống xong một ngụm, khó nhọc nói: “Huynh đệ tốt, trong những lúc bệnh tật thế này, hoàng huynh chỉ tin có mình đệ thôi.” Trần Văn Dự mỉa mai nói: “Ngay cả hoàng tẩu mà hoàng huynh cũng không tin bằng đệ?” Vị hoàng đế yếu ớt nhăn mày: “Đệ lại nhớ tới vị công chúa Long Hà hai năm trước? Chuyện đã qua, đệ đừng trách Hoàng Hậu nữa. Nàng ấy dù sao cũng là chị dâu của đệ.” Trần Văn Dự tủm tỉm nói: “Trách? Đệ cũng đâu phải đứa con nít, những chuyện nên quên thì đều đã để chúng chìm vào dĩ vãng. Thế nhưng hoàng huynh cáo già à, huynh nói huynh tin đệ cũng chỉ vì muốn có người thay mình thức đêm duyệt tấu chương thôi phải không?” Nói rồi bất chợt đứng dậy, bước vòng trở ra tấm bình phong.
Suốt mấy ngày nay, bệnh lao của Trần Văn Nghĩa tái phát. Trần Văn Dự dốc sức thay hoàng huynh quản lý chuyện triều chính, bưng bít thông tin, tránh để kẻ khác lợi dụng cơ hội làm lung lay quyền lực đế vương. Dù không nói ra, Trần Văn Dự luôn hết mực quan tâm, yêu thương vị hoàng huynh tài trí nhưng bệnh tật của mình. Thế nhưng vừa nãy, khi ngụ ý rằng chàng không còn nhớ gì về người con gái tên Dư Ảnh, Trần Văn Dự không nói thật lòng mình.
Trần Văn Dự thừa nhận, tình cảm đối với Dư Ảnh chưa bao giờ là thứ tình yêu thề sống thề chết, bởi chàng sinh ra trong nhà đế vương đầy âm mưu tranh đoạt, tình cảm chân thành luôn là thứ xa xỉ, nói chi tới tình cảm trai gái? Hơn nữa thời gian hai người ở bên nhau không được tính là lâu. Lúc tình yêu vừa chớm nở, nàng đã rơi xuống dòng sông dưới đáy vực mất tích, dù chàng hết sức tiếc thương cùng đau đớn, nhưng cũng không đến nỗi muốn trầm mình cùng nàng. Cứ ngỡ như với một có gái đã biến mất khỏi cuộc sống từ lâu, chàng sẽ chẳng mảy may nhớ đến. Thế nhưng theo từng giấc mơ, nàng trở về bên chàng, gọi chàng bằng những cái tên khác, lại dùng ánh mắt yêu thương và say mê nhìn chàng, rơi lệ vì chàng.
Mỗi lần nhớ tới những giấc mơ đó, Trần Văn Dự luôn cảm thấy day dứt.