Sau khi Hoa Niên đi lạc, mẹ Cẩm Sắt để cô dập đầu bái lạy trước mặt mẹ Hoa Niên ba lần, nhận bà làm mẹ nuôi.
“Từ nay về sau, cậu có thêm một đứa con gái rồi, Cẩm Sắt chính là con của cậu. Sau này già đi, để con bé chăm sóc cậu đến cuối đời nhé.”
Khoảnh khắc đó, hai người bạn tình thâm ý trọng ôm nhau thắm tiết, "minh châu lớn nhỏ đều nằm trong đĩa ngọc"*. Hai người lại cầm tay nhau, nhìn nhau rơm rớm nước mắt mà nghẹn ngào không nói nên lời.
*Ý chỉ hai cô con gái Cẩm Sắt, Hoa Niên quý giá như châu báu đều là con gái của hai người mẹ, không phân biệt là do ai sinh ra.
Việc nhận con nuôi cũng không phải là chuyện đùa, từ đó về sau, mẹ Hoa Niên thực sự xem Cẩm Săt như con ruột, một lòng yêu thương, che chở trăm đường.
Những năm đầu đi tìm con gái, quanh năm suốt tháng bà đều ở bên ngoài, chịu cảnh màn trời chiếu đất, ăn gió nằm sương, lộ phí kiếm được đều là nhờ vào công việc làm thêm dọc quãng đường tìm kiếm.
Nhưng cho dù cuộc sống có nghèo khó túng quẫn đến đâu thì mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, bà đều dành dụm tiền mua những món đặc sản, quà lưu niệm ở địa phương vừa đi qua để gửi về cho Cẩm Sắt. Bất kể là đồ ăn, quần áo hay đồ dùng đều là những món đắt tiền cả.
Mỗi năm Tết đến, mẹ nuôi sẽ về nhà 10 ngày, tranh thủ thời gian đan áo len cho Cẩm Sắt mặc đi chơi Tết. Bà tiêu tiền cho bản thân rất dè sẻn, nhưng chăm chút cho Cẩm Sắt thì lại chưa từng tiếc rẻ. Ngày lễ ngày Tết, bản thân bà có thể thắt lưng buộc bụng cũng phải cho Cẩm Sắt một bao lì xì lớn.
Cẩm Sắt là một đứa trẻ hiểu chuyện, cô bé biết mẹ nuôi cực kỳ đau lòng khi lạc mất con gái, quanh năm suốt tháng ra ngoài tìm con chịu biết bao dày vò, thế nên số tiền mẹ nuôi cho cô bé chưa từng tiêu xài hoang phí, đều để dành mua thuốc bổ cho mẹ nuôi.
Chỉ cần là lúc mẹ nuôi trở về, cô bé sẽ dành cả ngày ở bên mẹ, nhẹ nhàng đấm lưng cho mẹ, hát cho mẹ nghe những bài hát học được ở trường, còn lấy mẹ nuôi làm hình mẫu cho bài văn "người tôi tôn kính nhất", ca ngợi tình mẹ bao la vĩ đại của mẹ nuôi.
Giọng nói trẻ thơ líu lo bay bổng khiến lòng mẹ nuôi khuấy lên những cảm xúc ngổn ngang, cũng xoa dịu tâm tình của bà. Mẹ nuôi thường ôm cô bé vào lòng, tươi cười đầy hạnh phúc, đồng thời lại len lén lau đi nước mắt trên khóe mi.
"Nếu Hoa Niên của mẹ có ở đây thì hẳn cũng đã cao đến chừng này rồi nhỉ?" Mẹ nuôi cười nhẹ nhìn Cẩm Sắt như cây non mạnh khỏe lớn lên từng ngày, lòng khẽ thì thầm. Trong lòng bà đã sớm xem Cẩm Sắt là Hoa Niên rồi.
Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt bé nhỏ thật giống Hoa Niên của Cẩm Sắt, nỗi nhớ con gái quằn quại của bà lại ập đến, đánh tan tất cả kiên cường bấy lâu trong lòng mẹ nuôi. Nỗi nhớ ấy đã chiếm cứ lòng bà quá lâu rồi, bất tri bất giác hình thành một vòng luẩn quẩn, không thể quên đi, không thể vượt qua, cũng không thể trốn tránh. Đây là số mệnh của bà.
Mẹ Cẩm Sắt cũng rất thương người chị em tốt của mình, chỉ cần mẹ nuôi trở về, bà sẽ dẫn bạn mình đến spa tốt nhất trong thành phố, nói là để tẩy trần cho nữ hiệp vừa vân du tứ hải trở về của chúng ta.
Hai người bạn nhiệt tình tán gẫu, luôn bắt đầu từ những câu chuyện thú vị dọc đường đi, nhân tiện ôn lại chuyện cũ, bà tám đó đây, kể lể chút việc nhà, cuối cùng lại quay về chủ đề muôn thuở - bi kịch vĩnh viễn không thể thay đổi kia, kết thúc cuộc trò chuyện trong nước mắt.
Năm thứ mười từ khi Hoa Niên mất tích, mẹ Cẩm Sắt và mẹ nuôi đã nói chuyện rất lâu.
"Ròng rã mười năm rồi. Chúng ta là mẹ con bé, nhưng làm mẹ thì cũng là người mà. Cậu không làm gì có lỗi với Hoa Niên cả, cứ tiếp tục tìm kiếm như vậy cũng là muốn tìm an ủi cho lòng mình thôi. Cậu biết rõ những điều này mà... Hay là đừng tìm nữa nhé?" Mẹ Cẩm Sắt ngập ngừng mở lời.
"Không tìm nữa, không tiếp tục tìm nữa, đã mười năm rồi. Mười năm nay mình đi khắp trời nam đất bắc, đào sâu ba tấc đất cũng không tìm thấy bóng dáng con bé đâu... Không tìm thấy thì chỉ có thể chờ đợi mà thôi. Ngày nào chưa tìm thấy thi thể của con thì trong lòng mình, con bé vẫn còn sống."
"Mình sẽ đợi con bé trở về. Mình không sợ nó ốm đau ngu dại, cũng không sợ nó trở thành tàn tật, chỉ cần còn một hơi thở, mình nhất định sẽ chăm sóc nó đến cuối đời." Âm thanh của mẹ nuôi tuy đau thấu tâm can nhưng lại mang cảm giác nhẹ tựa lông hồng.
"Vì các con của chúng ta, cạn ly!" Mẹ Cẩm Sắt cầm ly rượu vang trong tay, một hơi uống hết.
Mười năm rồi, ngọn lửa hy vọng trong lòng mẹ nuôi đã bị dập tắt. Hoa Niên bị làn sương mù dày đặc kéo đi, cuối cùng lưu lạc trong dòng thời gian dài đằng đẵng. Tối hôm đó, mẹ Cẩm Sắt và mẹ nuôi đều say bí tỉ, hai người uống đến bất tỉnh nhân sự.
Mẹ nuôi trở về nhà, từ đó về sau không đi đâu xa nhà nữa. Những năm đi tìm con gái, bà đã trải qua cảnh màn trời chiếu đất, nay đây mai đó, chưa từng ăn được một bữa cơm chắc bụng, cũng chưa từng ngủ được một giấc an lành, bôn ba khắp nơi nhưng cuối cùng vẫn là trắng tay trở về, còn biến mình trở thành dáng vẻ như linh hồn vô định.
Những năm này, bà đi khắp thế gian, lại bị thế gian bỏ lại. Trong mắt bà không có phong cảnh, chỉ có Hoa Niên. Bà như sống lơ lững giữa không trung, một khi nhắm mắt, cả thể giới sẽ đóng sầm cửa lại. Chính bà cũng không biết thế giới phồn hoa này đã sớm thay đổi đến long trời lở đất rồi. Vật đổi sao dời, thế sự biến ảo, tuế nguyệt thiên thu sẽ không chờ đợi bất kỳ ai.
Năm cuối thế kỷ 20, ba mẹ Cẩm Sắt nghỉ việc, nương theo phong trào cải cách mà Nam tiến, dùng hết vốn liếng dành giụm để mở một công xưởng tư nhân. Những năm sau đó, hai người phu thê đồng tâm, công việc kinh doanh ngày càng hưng thịnh, đến nay đã trở thành một cặp doanh nhân thành đạt trong thành phố, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, gia đình hòa thuận ấm êm.
Mẹ Cẩm Sắt thấy mẹ nuôi đáng thương nên sắp xếp cho bà một vị trí quản kho nhàn rỗi trong công xưởng của nhà mình, lượng công việc không nhiều nhưng tiền lương lại khá cao, coi như là một cách tiếp tế "trá hình" cho bà.
Vốn là bằng tuổi nhau, mẹ Cẩm Sắt vẫn giữ được vẻ dịu dàng động lòng người, mà tóc mai của mẹ nuôi đã điểm bạc. Nếu không quan sát kỹ thì có lẽ người ta sẽ nghĩ hai người thuộc về hai thế hệ đấy.
Mẹ nuôi cũng chỉ có thể nhìn người chị em xinh đẹp cùng mình trưởng thành này được thời gian thăng trầm biến hóa bảo dưỡng nét phong nhuận phú quý. Hai người có cùng một xuất phát điểm, sau đó bà bứt tốc bay cao, siêu việt, thay đổi từng ngày, nhưng rồi bà lại đình trệ, thụt lùi, cuối cùng lại không theo kịp bước chân của bạn mình.
Hồi còn trẻ, bà cứ nghĩ rằng vận mệnh giống như chiếc máy bán hàng tự động, chỉ cần trả đủ chi phí và nỗ lực thì sẽ nhận được viên kẹo có giá trị tương xứng. Mà mấy năm lang bạt giữa núi sông này lại càng khiến bà cảm nhận sâu sắc một điều rằng cuộc đời này càng giống một canh bạc hơn, nỗ lực tất nhiên là quan trọng, nhưng càng phải dựa vào vận may nữa. Bà giống như một con bạc thua đến đỏ mắt, mặc dù đã thua đến thân tàn ma dại nhưng thứ đợi bà ở phía sau lại là một bước sơ sẩy, vạn kiếp bất phục. Vận khí của bà từ đây đều tiêu tán.
Kể từ mùa hè năm đó, vận may của bà đã sớm tàn lụi theo ngày Hoa Niên đi lạc. Theo sau đó là con cái, công việc, hôn nhân, gia đình của bà đều bị vận mệnh xua đuổi, cuộc đời bà như lạc vào mê cung, trượt dốc xuống ngõ cụt.