Bà ngoại tết năm nay được chú Đại chở đi vãn cảnh chùa nên bà vui lắm, cả Nam lẫn bé Hạnh cũng thấy thích vì cũng khá lâu rồi từ ngày ông ngoại mất mấy bà cháu mới có một cái tết sum vầy, đầm ấm như vậy. Tuy ông Tuấn nằm trong viện nhưng bù lại tình cảm cha con, gia đình lại tiến triển một cách tốt đẹp. Nằm trong viện nhưng con cái, người thân luôn bên cạnh lại khiến ông Tuấn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Người đàn ông đã đi quá nửa đời người, thăng trầm nằm gai, nếm mật đủ cả nhưng phải đến bây giờ mới cảm nhận được thứ tình cảm gia đình trọn vẹn. Về phần mụ Hường có lẽ từ khi được chú Đại đứng ra lo cho một phần nợ nần nên mụ cũng biết sống hơn. Trước mặt mọi người dường như mụ đã thay đổi, mụ quan tâm hỏi han cả Nam lẫn Hạnh mỗi khi hai anh em vào thăm bố. Mụ cũng không còn mặt nặng mày nhẹ với mọi người.
Một tháng như vậy từ sau khi tết đi qua, ăn tết xong, nghỉ ngơi xong cũng là lúc chú Đại phải chuẩn bị thực hiện lời hứa của mình với ông Tuấn, đó là giải quyết nợ nần cho mụ Hường như đã hứa với đám chủ nợ trước tết. Cách đó một tuần, chú Đại có ngồi nói chuyện với ông Tuấn và bố mẹ:
- - Cũng sắp đến lúc phải trả nợ cho vợ anh Tuấn rồi, hôm qua chỗ bà Hường cũng gọi cho con nói bà ấy đã xoay sở được hơn một tỷ, thấy bảo cũng thu hồi nợ vài chỗ với miếng đất mà anh Tuấn cầm cố được sau khi sang tên đã bán đi. Vậy cũng tạm ổn, chỗ còn lại con cũng chuẩn bị xong rồi. Nhưng mà…
Bố chú Đại nói:
- - Nhưng sao..? Nhà mình đã hứa với nó như thế thì cứ làm thôi. Nếu thiếu tiền bố sẽ rút tiền tiết kiệm ra đưa cho con.
Mẹ chú Đại cũng gật đầu đồng ý, ông Tuấn nói:
- - Có vấn đề gì sao hả em..?
Chú Đại cười:
- - Dạ, vấn đề không phải tiền, con nói con chuẩn bị xong là con lo hết rồi. Chỉ là con thấy sao bà ấy xoay được tiền tỷ nhanh như vậy. Nếu trước đây thì không nói, nhưng vừa mới báo vỡ nợ mà vẫn xoay được tiền thì con hơi lạ. Chứ chẳng có vấn đề gì đâu.
Mẹ chú Đại mắng:
- - Mày lắm chuyện, lúc thì mày bảo nó ỉm tiền, lúc nó có tiền bù vào trả nợ thì mày lại suy đoán linh tinh. Dạo gần đây mẹ thấy nó cũng thay đổi nhiều rồi, nó cũng hối cải rồi đấy. Sau này thằng Tuấn còn phải nhờ nó chăm sóc nữa. Mày cứ nghĩ thế oan cho nó.
Chú Đại đáp:
- - Vầng, thì con cũng chỉ suy nghĩ tí thôi...Chứ con trả nợ cho bà ấy cũng là vì anh Tuấn, vì các cháu. Con cũng hi vọng bà ấy thấy được điều này mà thay đổi cách sống, chứ tiền bạc mua sao được tình cảm. - tỷ to thật nhưng cái chính là anh con sau này sống phải được vui vẻ.
Quay sang nhìn ông Tuấn chú Đại nói:
- - Anh không cần suy nghĩ gì nhiều đâu, cứ để em lo nốt. Bác sỹ bảo hơn tháng nữa anh mới được xuất viện, về nhà lúc đó muốn làm gì thì làm. Còn mấy chỗ bảo kê kia em nghe mang máng bọn khác nó cũng chiếm hết rồi. Mà bỏ đi anh ạ, em là em muốn anh bỏ lâu rồi. Cũng không phải cho vay cho mượn gì nữa, chỗ anh em mình làm cũng ra tiền. Sao phải mạo hiểm mạng sống, máu của mình làm gì.
Ông Tuấn trả lời:
- - Ừ, anh cũng nghe rồi...Rắn mất đầu thì bọn nó lao vào ngay, anh cũng nghĩ kỹ lâu nay, anh không sao...Nhưng chắc vợ anh nó không chịu, nó vẫn muốn làm ăn về vay nợ lắm. Mà nó không làm cái đấy cũng chẳng biết làm cái gì, nhiều chỗ cho vay giờ nghĩ bỏ cũng phí. Không vướng vào cái vụ kia thì nó cũng có khá tiền rồi...Giờ mà bảo nó nghỉ thì cũng biết đầu tư làm vào cái gì.
Ông Tuấn nói cũng có lý, trước này mụ Hường xuất thân từ nghề cho vay nặng lãi, bao năm qua tiền đẻ ra tiền, lại có ông Tuấn đứng sau bảo hộ nên không ai dám chậm trễ. Có trách thì trách mụ quá tham nên sa vào quả lừa ngoạn mục, mà người lừa thì đã trốn biệt tích. Nếu như mụ không đâm sâu vào một chỗ đó thì kể cả có bị chạy mụ vẫn ung dung tự tại. Hơn hai hết mụ biết nghề cho vay lãi có thể vực dậy nhanh như thế nào. Nhất là khi đã có nền tảng từ trước, chỉ có điều với tình trạng sức khỏe hiện giờ của ông Tuấn không còn một tay bao cả khu vực như trước nữa.
Nói trắng ra giờ những nơi bảo kê, thu phế, đàn em, tay chân cũng đã dần dần bị nuốt chửng bởi những thế lực cạnh tranh khác. Điều chú Đại lo lắng đó chính là nếu như mụ Hường còn làm cho vay thì bắt buộc ông Tuấn sẽ lại phải ra mặt. Nhưng giờ đây con hổ bị mất một chi thì làm sao còn có thể làm chúa sơn lâm trong khi khu rừng không thiếu những con hổ khác đang rình rập.
Vốn xuất thân từ giang hồ, chú Đại không lạ gì cách làm việc của dân xã hội. Những bè phái, băng đảng cạnh tranh, gầm ghè nhau từng khu vực, từng mét đất. Bạn chỉ khiến những người khác sợ bạn khi bạn thực sự mạnh cả về lực lẫn tiền. Một khi bạn yếu đi một trong hai thứ đó bạn sẽ bị mất quyền kiểm soát. Trong giới làm ăn phi pháp không tồn tại cái thứ gọi là Lộc Ai Nấy Hưởng. Chỉ là khi Lộc của bạn chưa bị Cướp mất mà thôi.
Biết tính ông Tuấn nên chú Đại càng lo lắng, chú Đại không thể ở đây để kề sát bên anh mãi được. Hơn nữa nếu ông Tuấn mất đi địa vị làm ăn thì bản thân chú Đại ở cái đất này cũng chỉ là một con mèo mà thôi. Dường như ông Tuấn cũng nhận ra điều đó bởi chính ông Tuấn cũng đã phải chịu bao nhiêu nhát chém, đổ bao nhiêu máu mới có được chỗ đứng ngày hôm nay. Mất một cánh tay là mất hết tất cả...Đấy là chưa nói những thù hằn gây nên những năm trước đây có thể bị đám tiểu nhân quay lại cắn bất cứ lúc nào.
Mẹ chú Đại nói:
- - Thôi, hai anh em cứ tạm thời vậy đã, sau Tuấn về nhà rồi mình bàn tiếp.
Chú Đại gật đầu, vì chú cũng đã nói với bố mẹ trông anh thì cũng nên tác động với ông Tuấn vấn đề mà chú Đại bàn tới. Nhưng ngặt một nỗi còn phải thuyết phục mụ Hường nữa, mà điều này chú Đại không muốn. Bởi mụ Hường trong mắt chú Đại không là cái thá gì cả. Chỉ cần ông Tuấn quyết định thì mụ phải theo, không theo mụ có thể tự độc lập hoặc đi mà dựa hơi người khác.
Bẵng đi một tuần sau, mọi việc vẫn trôi qua êm ả như vậy, ngày trả nợ cũng đã đến. Chẳng cần để đám chủ nợ phải gọi điện, chú Đại bảo mụ Hường tập trung tất cả chủ nợ lại, mang theo giấy tờ vay mượn rồi đợi ở cửa nhà mụ Hường. h sáng, chú Đại đi cùng Long đến nhà mụ Hường, đến nơi đã thấy tất cả ngồi ngay ngắn ở bên trong. Đúng là cái cảnh nhận tiền nó yên bình, êm ái hơn cái cảnh đi đòi nợ rất nhiều.
Mặt ai cũng hớn hở như hoa nở mùa xuân, chú Đại bảo Long xách cái balo vào bên trong, mụ Hường cũng chuẩn bị sẵn số tiền của mình. Đặt chân vào đến trong nhà thì đám người ở đó lại nhận ra Long, bởi ở đây Long cũng có chút tiếng tăm, tù ra Long theo ông Tuấn ở đây lập nghiệp. Hồi mới theo ông Tuấn đi tranh địa bàn, tranh bãi xe Long cũng là một tay máu mặt, nổi tiếng lỳ lợm. Đã có một câu chuyện kể về ông Tuấn và Long khi hai người, chỉ hai người mà chém cho cả đội bảo kê bãi xe ôm phải chạy toán loạn, mặc dù đội bên kia phải hơn thằng. Lần đó Long bị chém xả ngực, máu chảy lênh láng nhưng vẫn liều lĩnh túm được gã cầm đầu bảo kê bãi xe rồi đâm thủng một bên thận.
Sau khi gây án, Long phải chạy nã mất tháng, chú Đại khi đó là người có kinh tế vững nhất đã giúp Long chạy án thông qua quan hệ của ông Tuấn. Từ ngày đó ở cái đất này khi nhắc đến ông Tuấn thì người ta cũng nhớ ngay đến Long. Chỉ có điều sau khi ông Tuấn cặp với mụ Hường và chuyển sang cho vay nợ, bảo kê bến bãi dần dần đệ nhiều nên ông Tuấn nói Long phụ chú Đại quản lý một cơ sở làm ăn ở đây. Bởi ông Tuấn không thích liên quan đến những chuyện sổ sách, ba anh em qua nhiều năm nhưng luôn luôn là huynh đệ tốt, sống chết có nhau.
Và Long luôn một mực trung thành với hai anh, hoàn thành tốt mọi công việc được giao phó. Nhìn thấy Long đi theo sau chú Đại là thằng ranh con đứng lên hổ báo với chú Đại cách đây một tháng đã choáng váng ngay khi vừa chạm mặt rồi. Cả đám chủ nợ khi ấy cũng biết chú Đại không phải là dạng vừa, cũng phải thôi, nếu không có bản lĩnh một tháng trước đây sao chú Đại dám một mình ngồi giữa tất cả hút thuốc rồi nói chuyện một cách bình tĩnh, lạnh lùng như vậy được.
Ngay cả gã giang hồ, máu liều như Long còn phải đi sau sách balo cho chú Đại thì choáng là điều tất nhiên. Chú Đại vào chỗ ngồi rồi nói:
- - Tổng số nợ vẫn như thế phải không..? Trong một tháng qua có ai cho chị Hường đây vay thêm không..?
Cả đám lắc đầu đáp:
- - Hạn một tháng đã đến, hôm nay như hẹn chúng tôi đến đây lấy nợ. Giấy tờ chúng tôi mang đầy đủ cả đây.
Chú Đại nhìn Long nói:
- - Em quay lại video lưu cho anh, dù sao cũng phải chắc một chút. Ở đây cũng toàn người có máu mặt, giấy tờ thì giấy tờ nhưng mình là người trả tiền vẫn cần đảm bảo.
Một tay cộm cán đáp:
- - Chúng tôi không phải trẻ con, hơn nữa cậu Long đây cũng biết bọn tôi, không ai lạ gì ai cả. Cần gì phải chắc như thế.
Chú Đại cười:
- - Động chạm đến tiền bạc người thân còn giết nhau chứ nói gì dân xã hội. Mọi người cầm tiền là xong nhưng tôi còn phải cho anh Tuấn xem buổi trả nợ nữa chứ. Chỉ là cái video thôi mà, không ảnh hưởng gì đâu. Yên tâm đi, tiền ở đây cả rồi…
Mụ Hường thấy chú Đại nói chuyện như thế thì cũng yên tâm là chú Đại có mang tiền trả nợ cho mụ. Vì quả thật cả tháng qua mụ vẫn sợ chú Đại lật kèo vì vồn không ưa gì mụ.
Thủ tục giải quyết nợ nần diễn ra rất nhanh chóng, ai lấy nhận tiền cũng vui vẻ ra về mặc dù trong số đó chú Đại thấy có - người hơi run. Thu hồi lại đủ giấy vay nợ, chú Đại đưa cho mụ Hường rồi nói:
- - Vậy là xong, tôi mong chị từ nay về sau làm ăn nên cẩn thận một chút, người ta bảo ăn ít nhưng “chín” còn hơn ăn xổi nhưng đôi khi lại bị “ sống “ đấy. Và mong chị sau này đối xử tốt với anh tôi. Chỉ cần thế là được...Chuyện tiền nong không nên suy nghĩ nhiều.
Mụ Hường rối rít cảm ơn, hứa hẹn đủ các kiểu...Xong việc chú Đại và Long ra xe đi về, Long nói: