Đồ Mi Không Tranh Xuân

chương 20: bệnh dịch (3)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Kể từ đó, ai cũng chắc nịch rằng Cao Thừa An là nguồn cơn của căn bệnh, mà Cao Giới là kẻ đầu sỏ gây ra tất thảy.

Mặc dù trước đó Cao Giới đã hạ lệnh người của Đông Cung không được ra vào mà không có lệnh nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Bách quan kìm nén bấy lâu nay như đã tìm được chỗ xả giận, cả đám người ào ào xin ý chỉ, xin hoàng đế ban lệnh niêm phong Đông cung tránh dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Hoàng đế im lặng nhiều ngày, dưới thế công kích của đám quan lại trong triều, cuối cùng ngài cũng hạ chỉ cho cấm vệ quân bao vây Đông cung, chỉ được phép vào không cho phép ra.

Quan viên và dân chúng bức bách như hổ rình mồi, vì công bằng bình đẳng, ngoại trừ Tương Nhã Đồng đang bầu bí được chuyển đến biệt viện hoàng gia ở ngoài dưỡng thai, tính luôn Cao Giới thì tất cả những người còn lại đều bị giam ở Đông cung.

Cùng lúc đó, hoàng tế cũng lệnh cho những thái y sức khỏe bình thường tiến hành kiểm tra kỹ lượng từng hộ gia đình, hễ nhà có ba ca bệnh trở lên, bất luận là thuộc thân phận địa vị nào đều sẽ bị cấm trong vòng trăm ngày không được bước ra khỏi cửa.

Đám Cao Yển từng có tiếp xúc gần với Cao Giới trở thành tâm điểm của đợt kiểm tra lần này. Cả Tần vương phủ từ trên xuống dưới mấy trăm người được kiểm tra sức khỏe bởi tốp thái y che kín mặt bằng vải trắng. May mắn thay, sau khi xem mạch, Tần vương phủ không người nào bị nhiễm bệnh.

Theo thông lệ, thái y để lại một ít dược liệu rồi dặn toàn bộ người trong phủ phải uống, nói là có thể phòng ngừa bệnh dịch. Bếp sau sắc thuốc xong lập tức báo cho bọn ta tới lấy, còn thuốc Cao Yển uống là tự tay Lý Mậu Sơn sắc.

Thấy người ra bếp sau đứng chật cứng nên ta bèn đợi đến khi vãn người mới qua, chén thuốc ta nhận vừa đặt lên bàn thì đầu bếp đã xoay người đi làm việc luôn tay luôn chân.

Chén thuốc trên bàn đã nguội lạnh từ lâu, đang chuẩn bị uống một hớp thì đột nhiên ta nhìn thấy chỗ đầu ngón tay vừa chạm đáy chén xuất hiện dấu vết màu nâu nâu. Nhìn kỹ lại cái chén, ta lờ mờ cảm thấy có điều gì đó không ổn. Thế là ta cầm chén, không vội vàng uống hết mà quay sang hỏi đầu bếp: “Sư phụ, trong quý phủ có ai chưa uống không? Tôi thấy ông bắt đầu rửa bát, chắc chén trong tay tôi là chén cuối cùng rồi nhỉ?”

Đầu bếp ngoái lại nhìn ta trong lúc bận bịu, mở miệng lưu loát trả lời: “Ta cũng chả rõ nữa, có điều sau khi sắc thuốc xong người trong phủ đều vội tới đây uống, chắc chẳng có ai chưa uống đâu.”

“Vậy chén này là để riêng cho tôi hả?” Ta bưng chén tủm tỉm cười hỏi.

Đầu bếp không quay đầu, cặm cụi rửa sạch đống bát đũa: “Vừa rồi bao nhiêu người đến, sao ta biết được ai chưa uống, nếu cô không nhắc ta còn không thấy vẫn còn một chén thừa lại trên bàn đây. Cô đến muộn quá, thuốc còn thừa mới nãy ta đổ hết rồi. Cô chưa uống thì uống nốt chén đấy luôn đi.”

“Ồ? Chén này không phải để dành riêng cho tôi à?” Ta nói, ra chiều như tiếc nuối lắm.

Đầu bếp cũng bị ta chọc đến nỗi bật cười, lên tiếng thúc giục: “Cô uống mau rồi đưa chén cho tôi rửa luôn một lượt, giờ không giống ngày xưa nữa, chén đĩa các thứ sử dụng qua đều phải rửa mấy lần mới được.”

Ta vẫn giữ nguyên nụ cười, tiếp tục ôn tồn nói: “Vậy tôi bưng về uống được không? Bình thường tôi sợ nhất là đắng, vừa khéo trong phòng tôi còn mứt hoa quả, phải ăn cái đó mới uống được.”

Có lẽ đầu bếp đã nhận ra ta là người trong viện của Cao Yển, không chút do dự bảo: “Không sao, thế cô cứ đi đi, một cái chén thôi mà.”

Ta nói cảm ơn rồi cầm chén thuốc xoay người rời đi. Về tới phòng, ta đặt chén thuốc lên bàn, chưa hề uống ngụm nào, nhìn chén thuốc đầy ứ sóng sánh, ngón tay ta siết chặt vào nhau. Hy vọng chỉ là ta nghĩ nhiều.

Đến ngày thứ ba, cái chén trống không ta đặt ở góc bàn tự dưng biến mất không tăm hơi, lục tung cả phòng tìm kiếm cũng chẳng thấy đâu. Ta hỏi mấy nô tài quét tước trong viện, cả bọn đều nói không thấy bắt kì kẻ nào ra vào phòng ở của ta. Phòng ta nằm ở góc hẻo lánh nhất trong viện, không ai chú ý tới cũng là chuyện bình thường, cơ hồ chỉ cần trèo qua tường là có thể lẻn vào mà không bị người bắt gặp. Bằng không lúc trước Hồ Nguyên Ly tới phòng ta nhiều lần như thế, có bị phát hiện bao giờ đâu.

Đây cũng chỉ là nghi ngờ của ta, dù sao ngay sau khi dịch bệnh lây lan, tất cả đồ dùng của quý phủ đều được mang ra tẩy rửa mấy lần mới sử dụng lại. Chỉ có cái chén hôm ấy, cạnh chén không hiểu sao bị dính bẩn, như thể là có ai dùng rồi nhưng không kịp rửa lại mang ra dùng tiếp.

Hiện giờ dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, nhất cử nhất động sẽ bị quan trọng hóa lên gấp nhiều lần, sư phụ ở bếp sau tuyệt đối không có khả năng mắc phải lỗi sai rõ ràng dễ để người khác chỉ ra như vậy. Huống chi ta đến nhận thuốc rất trễ, khi đó ông ấy cũng đang rửa chén rồi, trong lúc nói chuyện ông ấy cũng bảo lúc dọn dẹp không hề để ý trên bàn vẫn còn chén dư.

Đủ loại dấu hiệu khả nghi, hơn nữa cái chén đặt trong phòng ta biến mất một cách vô căn cứ, tất cả đều đang chỉ ra rằng - chén thuốc kia có vấn đề. Rất có thể có người đặc biệt để riêng chén thuốc này cho ta.

Lần thứ nhất ra bếp sau, vì quá nhiều người nên ta chờ một lát cho đỡ đồng rồi mới vào lại. Thế nên, chắc chắn trong khoảng thời gian đó có người đã để mắt đến ta, và chờ khi tất cả mọi người nhận thuốc xong hết, lợi dụng lúc đầu bếp bận rộn liền mò vào thay chén thuốc khác, chỉ chờ ta tới dốc cạn vào bụng.

Tuy rằng giờ không còn chén thuốc nhưng ta đã nhanh trí lấy khăn thấm hết thuốc trong chén rồi mang đi bảo quản, nên chén thuốc cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Thế nhưng hiện tại khắp nơi trong thành bị treo lệnh cấm, tạm thời ta không thể ra phủ tìm thầy thuốc hỏi xem miếng khăn có hiện tượng gì kỳ lạ hay không, chỉ đành cất nó thật kỹ.

Ngày thứ bảy chén thuốc mất tích, Tân vương phủ vẫn gió yên biển lặng như cũ, chưa ai nhiễm bệnh. Đồng thời về chuyện chén thuốc lần trước, ta hoàn toàn khẳng định rằng có người đang nhắm vào một mình ta. Vậy thì, từ giờ trở đi, ta càng phải đề cao cảnh giác, cẩn thận với cả đồ ăn lẫn đồ dùng. Xem ra Tần vương phủ cũng chẳng phải dạng bền vững chắc chắn như tưởng tượng, người muốn giết ta sẽ có vô vàn cơ hội. Nói “giết” thì có hơi nghiêm trọng, suy cho cùng ta còn không biết rốt cuộc chén thuốc kia có vấn đề gì. Sắp đặt này trông có vẻ chỉ là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng không hề thu hút lực chú ý của người khác, nếu chẳng phải ta lo nghĩ nhiều thì ắt sẽ không phát hiện được điểm lạ.

Tuy nhiên biến số quá nhiều, kiểu gì cũng tồn tại sai lệch, cho nên lúc kẻ đứng sau ra tay, có phải cũng không muốn ta nhất định phải chết? Trước kia là do ta không biết lượng sức, chủ động xen vào một vài chuyện, giờ ta đã muốn buông tay bỏ cuộc rồi, ngược lại đến phiên ta ở ngoài sáng, địch ở trong tối.

Vì không biết ai muốn hại mình, mọi người xung quanh dường như đều được liệt vào diện tình nghi, mà ta lúc này chỉ có thể giả vờ không biết gì hết, im lặng chờ hung thủ thực hiện bước thứ hai.

Gần đây Cao Yển hơi bận rộn, nom người ngợm mỏi mệt uể oải, ngoài ra thì không có gì bất thường. Chắc cũng tại y hay nghĩ nhiều, dẫu sao thời cuộc giờ đây không được khả quan lắm, mà từ trước tới nay tâm tư của y đều thâm sâu như biển, người khác không thể đoán được gì. Đó cũng là lý do tại sao ta luôn nghiêm túc chép sách và hầu hạ tận tâm mà không bao giờ nói những điều vô nghĩa.

Trải qua một năm rèn giũa, chữ nghĩa của ta cũng đều đặn đúng theo quy cách, gần như đã không còn quá chênh lệch với chữ của Cao Yển, có điều vẫn còn thiếu vài phần sắc sảo. Mà hình như y cũng chẳng có tâm trạng kiểm tra thành quả luyện tập của ta, y giao cho ta toàn quyền phụ trách nhiệm vụ sao chép, còn mình thì ôm một đống tấu chương đọc tới đọc lui.

Công việc chép sách này khiến hai bả vai ta lên cơn đau buốt, giữa chừng không nhịn được dừng tay lén nhìn Cao Yển mấy lần, lại thấy y đã ngả người bên án thiếp đi tự bao giờ. Ta thừa cơ đặt bút xuống tạm nghỉ một lát, nhẹ nhàng xoa bóp các đốt ngón tay mỏi nhừ.

Trong tay Cao Yển vẫn cầm một bản tấu chương, nửa bên mặt gối lên cánh tay, nửa mặt kia được mái tóc đen như mực và tấm áo choàng tím tôn lên nom trắng ngần, dáng vẻ lúc y ngủ cũng không khác người bình thường là bao.

Mặc dù trong phòng có đốt than nhưng nếu ngủ vẫn sẽ thấy lạnh. Thế rồi ta rón ra rón rén đứng dậy, đi ra ngoài hỏi xin Lý Mậu Sơn cái áo choàng hoặc quần áo. Đầu ngón tay trái khẽ chạm lên mặt bàn, ta quay đầu, tay phải nhẹ nhàng kéo cái ghế đang ngồi ra, nín thở di chuyển vị trí. Nghe nói đã nhiều đêm y ngủ không ngon, Lý Mậu Sơn hầu hạ y mà vòng quanh mắt cũng xanh xanh tím tím. Giờ y ngủ rồi, ta không dám lớn tiếng quấy rầy y.

Vất vả lắm mới dịch được ghế dưới mông ra, đang định đứng thẳng người, vừa quay đầu đã chạm phải đôi con ngươi đen láy.

Y tỉnh khi nào?

Ta hoảng hồn ngã ngồi xuống ghế, người suýt thì bật ngửa ra sau. Vươn tay giữ chặt bàn, ta vội vàng mở miệng: “Ngũ gia, nô tỳ vừa định tìm cho ngài bộ quần áo, không phải làm biếng đâu.”

Cao Yển ngồi ngay ngắn lại, chẳng buồn để ý tới ta. Y không ngủ nữa, ta chỉ có thể tiếp tục quay về công việc sao chép.

Mới viết vài dòng chợt nghe Cao Yển cất lời: “Ngươi và Hồ Nguyên Ly sao thế? Mấy ngày nay đệ ấy đối xử với ngươi rất khác.”

Tay run lên, đường bụt nguệch ra, thấy Cao Yển vẫn chưa nhấc mắt, ta đáp: “Có lẽ nô tỳ làm không tốt chỗ nào đó đắc tội tiểu Yến vương, nô tỳ ngu dốt lại chẳng phát hiện.”

Lúc này Cao Yển mới ngước lên liếc nhìn ta: “Ngươi thật sự không biết?”

Ta gật mạnh đầu, Cao Yển nhìn chằm chằm ta một chốc, tự dưng mím môi cười, nụ cười khiến người ta rợn hết cả tóc gáy, y chỉ cười rồi không nói thêm gì. Đúng lúc tới giờ cơm trưa, nghe giọng Lý Mậu Sơn từ ngoài truyền vào, ta vội vàng rời chỗ đi ra giúp một tay.

Nói chuyện được vài lần, lúc Hồ Nguyên Ly đến quý phủ, Cao Yển sẽ lấy đủ kiểu lý do để ta đi chỗ khác, vì thế ta và Hồ Nguyên Ly đã rất lâu rồi chưa gặp mặt. Tránh được tên tiểu Diêm Vương cáu kỉnh kia, ta tất nhiên là hết sức vui vẻ.

Một tháng nữa lại đến, ta nghe ngóng được mấy tin tức ở ngoài, những nô tài nhiễm bệnh ở Đông cung lần lượt qua đời, nhất thời cả hoàng thành ngập trong bất an lo lắng.

Tuy nhiên người chết vì nhiễm bệnh đang gia tăng nhưng cũng không xuất hiện ca bệnh mới, hơn nữa sau khi hoàng thành treo lệnh cấm, mấy quận huyện lân cận chưa hề xuất hiện ca bị nhiễm bệnh nào. Đang trong giai đoạn căng tằng, vậy mà cũng tìm được chút an ủi xoa dịu.

Cùng lúc đó, trắc phi của Cao Hoằng Lãng hạ sinh một hoàng tử, trở thành hoàng trưởng tôn thế hệ mới, góp thêm niềm mừng vui hoan hỉ cho hoàng thành. Cao Hoằng Lãng tự biết tình hình đặc thù, chủ động đề nghị không tổ chức tiệc đầy tháng cho hoàng tôn để tiết kiệm sức người sức của, mấy hoàng tử cũng tặng ít quà cáp giản đơn.

Lòng nhân đức ấy khiến hoàng đế cảm động, đích thân hạ chiếu ban cho tiểu hoàng tôn cái tên “Tu Bình”.

Hoàng thành chìm trong tăm tối thời gian dài cuối cùng cũng đón được một ít ánh sáng, thêm nữa dịch bệnh khiến người người nhà nhà sợ hãi cũng không bùng phát trên diện rộng mà chỉ dừng lại ở mấy người bị nhiễm ban đầu.

Lòng dạ dân chúng thả lỏng, chả biết là ai khơi mào, những lời ca ngợi hoàng đế tài đức sáng suốt đã lan truyền đi khắp các phố lớn ngõ nhỏ. Mà việc này đã hình thành cảnh tượng đối lập rõ ràng với Đông cung của Cao Giới, tuy bách quan không trực tiếp biểu đạt bất mãn của mình nhưng phía dân chúng đã ý kiến tới tấp. “Tán tụng hoàng đế phế bỏ thái tử” không biết từ bao giờ đã trở thành xu thế chung ở mọi nơi, dù chưa có ai nói thẳng ra câu “phế thái tử”, nhưng sự thực cho thấy Cao Giới đã đánh mất phần lớn sự ủng hộ của dân chúng.

Có lẽ một tháng nay người nhiễm bệnh không tăng nên lệnh cấm của Đông cung cũng không quá chặt chẽ, chỉ là không cho phép người ở trong ra vào, người ở ngoài thì vẫn được vào thăm hỏi. Vì vậy vừa có dịp là Cao Yển đã đến Đông cung ngay, ta cũng phải đi theo.

Cao Giới ngồi trong thư phòng, mặc đồ trắng từ đầu xuống chân, mặt mũi bợt bạt, lúc nói chuyện cũng chỉ hỏi đôi ba câu về Tương Nhã Đồng đang dưỡng thai ở biệt viện hoàng gia. Biết chỗ nàng ta mọi chuyện đều ổn thỏa, hắn không nói gì nữa, chỉ nhờ Cao Yển khoảng thời gian này giúp hắn chăm sóc Tương Nhã Đồng, vì hiện giờ hắn đang bị hạn chế đi lại.

Tất nhiên Cao Yển đồng ý ngay tắp lự. Lúc sau họ lại nói đến hoàng trưởng tôn Cao Tu Bình.

“Cao Tu Bình… Tu, Bình…” Cao Yển đọc cái tên này mấy lần, thốt nhiên nở nụ cười, chỉ là trong tiếng cười chẳng hề có chút ý vui. Dường như hắn đã tập mãi thành thói quen, rồi lại cất giọng nói đầy mất mát: “Quả nhiên phụ hoàng vẫn luôn bất công như thế.”

Nghe vậy, ta chẳng dám thở mạnh, lời này thật sự quá to gan.

Cao Giới cũng chỉ nói một câu đó rồi trở về như bình thường. Sau đó hắn đứng dậy đi lấy mấy cái khóa bình an cho em bé, ta đi theo đại thái giám bên cạnh Cao Giới xuống nhận đồ, để hai huynh đệ họ ngồi với nhau.

Lúc trở lại thì Cao Yển đã chuẩn bị rời đi. Trên đường về, y bỗng mở miệng bảo phu xe quay đầu đi về hướng Tề vương phủ của Cao Hoằng Lãng. Nếu là tặng quà thì phái hại nhân đi là được, như tiệc đầy tháng lúc trước Cao Yển cũng chỉ sai hạ nhân đưa quà qua. Mà giờ y lại muốn tự mình đi một chuyến. Mục đích chuyến này đi, sẽ không chỉ có tặng quà.

Đến Tề vương phủ, hạ nhân tới đón chúng ta rồi dẫn tới viện của Cao Hoằng Lãng. Vừa vào cửa đã thấy hai tay Cao Hoằng Lãng ôm một đứa nhỏ, ánh mắt dạt dào âu yếm dán lên đứa nhỏ nằm trong lòng mình, dáng vẻ tuy vụng về lại cẩn thận từng li từng tí. Cạnh hắn ta là một nữ tử với gương mặt dịu dàng, đáy mắt hàm chứa ý cười có hơi không được tự nhiên. Nhìn nụ cười cứng ngắc của nàng, ta đoán đó chắc là chính phi vừa gả vào phủ Cao Hoằng Lãng không lâu. Nếu nhớ không nhầm thì nàng chính là đích nữ nhà thái sư.

Trắc phi có con trước, tâm trạng chính phi mới về nhà chồng đương nhiên là chẳng vui nổi. Cao Hoằng Lãng chắc cũng để ý tới suy nghĩ của chính phi nhà mình, lúc này trong viện ngoài hai vợ chồng họ thì không có người nào khác.

Thấy chúng ta bước vào, Cao Hoằng Lãng vẫn ôm đứa nhỏ không rời tay, chỉ hỏi Cao Yển có muốn bế hay không.

Cao Yển cười từ chối: “Tay chân ta không phân biệt được nặng nhẹ, sao bế đứa nhỏ được?”

Cao Hoằng Lãng cũng không quan tâm lắm, vừa vỗ về đứa nhỏ nằm gọn lỏn trong tã bọc vừa nói: “Chính thế, ta cũng nghĩ bế đứa nhỏ không dễ dàng hơn luyện võ là mấy, hại ta chả dám dùng quá nhiều lực, mới ôm có tí người đã đổ đầy mồ hôi.”

Nói xong Cao Hoằng Lãng giao đứa nhỏ cho Tề vương phi, như là khát nước, hắn ta nâng chung trà lên thổi nhè nhẹ, bảo: “Cần phải luyện nhiều đấy, có ai sinh ra đã biết chăm sóc em bé đâu? Ta thấy tuổi Ngũ đệ cũng không còn nhỏ, tới lúc nên lo chuyện của mình rồi.”

Khuôn mặt tuấn tú kia tràn ngập vẻ ân cần thân thiết với huynh đệ của mình, bên khóe mắt còn đong đầy ý trêu đùa, dung mạo đúng là khiến người ta không thể rời mắt.

Cao Yển lúng túng ho khan một tiếng, né tránh ánh mắt hắn ta, nói: “Chuyện này khoan hẵng nói, hôm nay ta tới là…”

“Không nói sao được?” Cao Hoằng Lãng không ngần ngại cắt ngang lời Cao Yển: “Biểu muội của ta ngóng trông mòn mỏi, lời lúc trước ta nói giờ vẫn được tính đấy. Ngũ đệ phải suy nghĩ cho bản thân đi, đâu thể ngày nào cũng quan tâm người khác, tự dưng làm lỡ mình, ta nói mấy câu này đều là thật lòng lo cho đệ thôi.”

(còn tiếp)

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio