ANDREW VÀ TÔI GẶP NHAU ở Gettysburg – đúng ra là trong một màn tái hiện cuộc chiến ở hội chợ Connecticut. Anh được cử vào vai một người lính không tên ở phe miền Nam, được hướng dẫn hét, “Cầu Chúa trừng phạt cuộc chiến của lũ xâm lược miền Bắc này!” rồi ngã xuống chết sau loạt đại bác đầu tiên. Tôi là đại tá Buford, người anh hùng thầm lặng của ngày đầu tiên trong trận Gettysburg, và bố tôi là Đại tướng Meade. Đó là cuộc tái diễn lớn nhất ở ba bang và chúng tôi có đến hàng trăm người (đừng ngạc nhiên quá, những chuyện này rất phổ biến mà). Năm đó, tôi là thư ký của Hội Anh Em Chống Anh Em và trước trận chiến, tôi chạy qua chạy lại với tấm bìa kẹp hồ sơ, đảm bảo là mọi người đều đã sẵn sàng. Rõ ràng, tôi đã rất dễ thương… ít nhất đó là điều mà về sau Andrew Chase Carson nói lại với tôi.
Tám tiếng sau khi chúng tôi bắt đầu và khi đã có đủ xác lính rải rác trên chiến trường, bố cho phép những người chết đứng dậy và một người lính miền Nam tiến lại phía tôi. Khi tôi chỉ ra rằng hầu hết lính Nội chiến không đi giày hãng Nikes, anh ta cười to, tự giới thiệu và mời tôi đi uống cà phê. Hai tuần sau, tôi yêu.
Về mọi mặt, đó là mối quan hệ tôi vẫn luôn hình dung. Andrew thận trọng, ít nói, trông dễ mến hơn là đẹp trai, với tiếng cười truyền cảm và vẻ ngoài tươi vui. Anh thuộc dạng người gầy khẳng khiu, với cái cổ mỏng manh ngọt ngào, tôi thích ôm chặt lấy anh, cảm giác về mấy chiếc xương sườn khiến tôi thấy muốn chăm sóc và bảo vệ anh. Cũng giống như tôi, anh là người hâm mộ lịch sử - anh là một luật sư về bất động sản cho một hãng lớn ở New York. Chúng tôi thích những món ăn giống nhau, những bộ phim giống nhau và đọc những cuốn sách giống nhau.
Bạn thắc mắc về quan hệ thể xác? Cũng ổn. Thường xuyên, nồng nhiệt vừa đủ, tương đối thỏa mãn. Andrew và tôi đều thấy người kia hấp dẫn, có chung sở thích và những cuộc trò chuyện tuyệt vời. Chúng tôi cười. Chúng tôi nghe những câu chuyện về công việc và gia đình của nhau. Chúng tôi thực sự, thực sự đã rất hạnh phúc. Dù sao tôi cũng đã nghĩ vậy.
Nếu có sự ngần ngừ nào từ phía Andrew thì tôi cũng chỉ nhận ra về sau này. Nếu như anh có nói điều gì với chỉ chút xíu nghi ngại thì tôi cũng chả nhận ra. Không nhận ra cho tới tận sau này.
Natalie ở Standford suốt quãng thời gian tôi yêu Andrew, con bé đã tốt nghiệp trường Georgetown một năm trước. Do kinh nghiệm suýt chết của con bé, nó trở nên càng quý báu hơn với tôi, và em gái tôi tiếp tục khiến cả nhà rạng danh vì những thành tích học tập của mình. Trí thông minh của tôi không được thể hiện rõ ràng lắm, chỉ trừ với môn lịch sử Mỹ. Tôi giỏi giải đáp, những câu hỏi kiến thức tổng hợp và có thể làm chủ bản thân trong những bữa tiệc cocktail, những việc kiểu như vậy. Margaret, mặt khác, lại thông minh kiểu sắc bén, đáng sợ. Chị tốt nghiệp ở vị trí thứ hai của trường luật Harvard và đầu quân cho phòng bào chữa tội phạm ở hãng luật mà cha tôi là đối tác, khiến ông tự hào không sao nói hết.
Nat pha trộn giữa cả hai. Thông minh một cách nhẹ nhàng, có năng khiếu một cách thầm lặng, con bé chọn kiến trúc, một sự hòa trộn hoàn hảo giữa nghệ thuật, cái đẹp và khoa học. Tôi nói chuyện với nó ít nhất hai lần một tuần, gửi thư điện tử hàng ngày và ghe thăm mỗi khi nó chọn ở lại California trong kỳ hè. Con bé mới thích nghe kể về Andrew làm sao! Con bé mới vui mừng làm sao khi chị của mình đã gặp được Người Đó!
“Cảm giác đó như thế nào ạ?” một đêm nọ con bé hỏi tôi trên điện thoại.
“Cái gì cảm giác thế nào?” tôi hỏi.
“Ở bên tình yêu của đời chị, ngốc ạ.” Tôi có thể nghe thấy giọng cười của con bé và cười hết cỡ đáp trả.
“Ôi, tuyệt lắm. Rất là… hoàn hảo.Và dễ dàng nữa, em biết không? Bọn chị chẳng bao giờ cãi nhau, không giống như bố với mẹ.” Khác với bố mẹ tôi là một dấu hiệu rõ ràng rằng Andrew và tôi đã đi đúng hướng.
Nat cười lớn. “Dễ dàng hả? Nhưng cuồng nhiệt nữa, đúng không ạ? Tim chị có đập nhanh hơn khi anh ấy bước vào phòng chị không? Chị có đỏ mặt khi nghe giọng anh ấy trên điện thoại không? Da chị có râm ran khi anh ấy chạm vào chị không?”
Tôi ngừng một chút. “Hẳn rồi.” Tôi có cảm thấy những thứ đó không? Chắc chắn là có rồi. Tất nhiên là có chứ. Hay tôi đã từng, những cảm giác mới mẻ đê mê đó đã lớn lên thành một cái gì đó khác, đúng ra là… thoải mái hơn.
Sau bảy tháng gắn bó, tôi chuyển tới căn hộ của Andrew ở West Harford. Ba tuần sau, chúng tôi đang xem phim Phù thủy xứ Oz trên kênh HBO – được rồi, không phải là chương trình lãnh mạn nhất, nhưng dù sao, chúng tôi cũng đã âu yếm nhau trên ghế bành, và điều đó thật đáng yêu – thì Andrew quay sang tôi và nói, “Anh nghĩ là chúng mình có lẽ nên kết hôn, em nghĩ sao?”
Anh mua cho tôi một chiếc nhẫn xinh xắn. Chúng tôi nói chuyện với hai gia đình và chọn ngày Lễ Tình nhân, sáu tháng nữa, làm ngày cưới. Cha mẹ tôi rất hài lòng – Andrew có vẻ vững vàng và chắc chắn, rất đáng tin cậy. Anh là một luật sư cho doanh nghiệp, một công việc rất ổn định, lương rất cao, điều đó giúp xua đi nỗi lo của bố tôi rằng đồng lương giáo viên rồi sẽ khiến tôi thành vô gia cư. Andrew, là con một, được cha mẹ hết mực tôn thờ, và dù không thăng hoa như kiểu cha mẹ tôi, họ cũng đủ thân thiện. Margaret và anh nói chuyện về luật, Stuart có vẻ thích công ty của anh. Ngay cả nội cũng thích anh như thích một con người.
Chỉ có Natalie là chưa từng gặp anh, con bé vẫn mắc kẹt ở Standford như mọi khi. Con bé nói chuyện với Andrew trên điện thoại khi tôi gọi để thông báo rằng chúng tôi đã đính hôn, nhưng chỉ có thế.
Cuối cùng, con bé về nhà. Đó là dịp Lễ Tạ ơn, và khi Andrew cùng tôi tới buổi gặp gia đình, mẹ chào đón chúng tôi ở cửa cùng với cả tràng phàn nàn thường trực về việc mẹ phải dậy sớm thế nào để đặt “cái con chim chết tiệt” vào lò nướng, mẹ phải nôn khan trong lúc nhồi nó ra sao, còn bố thì thật là vô dụng thế nào. Bố đang xem một trận bóng và lờ mẹ đi, Stuart chơi piano trong phòng khách còn Margaret ngồi đọc.
Và rồi Natalie lao như bay xuống cầu thang, hai cánh tay dang rộng vồ lấy tôi trong một cái ôm thật chặt. “Gissy!” con bé hét lên.
“Nattie Bumppo!” tôi thốt lên, ghì chặt con bé.
“Đừng có hôn em, em đang bị cảm,” con bé nói, đứng lùi ra. Mũi con bé đỏ ửng, da hơi khô, được bọc trong bộ quần chun ấm và áo khoác dài của bố, thế nhưng con bé vẫn xoay xở được để trông xinh đẹp hơn cả cô bé Lọ Lem trong buổi dạ hội, mái tóc vàng hoe mềm mại được buộc đuôi ngựa cao, đôi mắt xanh trong không bị lớp trang điểm át đi.
Andrew nhìn con bé một cái và đánh rơi cái bánh mà anh đang cầm đúng theo nghĩa đen.
Tất nhiên, dĩa đựng bánh rất trơn. Đĩa hãng Pyrex, bạn có biết không? Và mặt Natalie ửng lên như thế là bởi vì… à, vì con bé bị cảm, và không phải đỏ ửng và nóng ran là một phần hậu quả của cảm hay sao? Tất nhiên là thế rồi. Sau đó, đương nhiên, tôi công nhận rằng chẳng phải do cái đĩa Pyrex trơn tuột nào hết. Nhìn một cái tôi đã biết đó là tiếng sét ái tình.
Natalie và Andrew ngồi đối diện ở hai đầu của bàn ăn trong Lễ Tạ ơn. Khi Stuart mở một trò chơi đố chữ ra và hỏi họ có muốn chơi sau bữa tối không, Andrew nhận lời và Natalie ngay lập tức từ chối. Ngày hôm sau, chúng tôi đi chơi bowling, và họ không hề nói chuyện với nhau. Sau đó, chúng tôi đi xem phim, và họ ngồi cách xa nhau hết sức. Họ tránh đi vào phòng nếu người kia đang ở đó.
“Thế em nghĩ sao?” tôi hỏi Natalie, vờ như mọi chuyện đều bình thường.
“Anh ấy rất tuyệt,” con bé nói, gương mặt lại đỏ bừng lần nữa. “Rất đáng yêu.”
Với tôi thế là đủ tốt rồi. Tôi không cần phải nghe thêm nữa. Rốt cuộc thì sao lại nói chuyện về Andrew chứ? Tôi hỏi con bé về trường học, chúc mừng vì con bé giành được suất thực tập ở Cesar Pelli và một lần nữa kinh ngạc vì sự hoàn hảo, vì khối óc và trái tim nhân hậu của con bé. Cuối cùng thì tôi vẫn luôn là người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của em gái mình.
Andrew và Natalie gặp nhau lần nữa trong dịp Giáng sinh, ở đó, họ tránh nhánh tầm gửi như thể nó là cây quyền trượng hào nhoáng bằng uranium vậy, và tôi vờ như không thấy phiền hà gì. Giữa họ chẳng thể có gì hết, bởi vì anh là chồng chưa cưới của tôi còn con bé là em gái tôi. Khi bố bảo Nat đưa Andrew xuống ngọn đồi phía sau bằng chiếc xe trượt tuyết cũ của chúng tôi và cả hai đều không thể tìm được cách ra khỏi xe, tôi đã cười nghiêng ngả khi họ đâm sầm và lăn lông lốc, rồi thành ra quấn lấy nhau. Không, không, chẳng có gì ở đó cả.
Chẳng có gì cái khỉ mốc ấy.
Tôi không định nói gì hết. Mỗi lần cái giọng nói khe khẽ châm chích trong đầu tôi gợi chuyện đó lên, thường là vào lúc ba giờ sáng, tôi lại bảo nó rằng nó đã sai. Andrew vẫn ở ngay đây với tôi. Anh yêu tôi. Tôi với tay ra và chạm vào khuỷu tay gồ ghề của anh, cái cổ ngọt ngào của anh. Những gì có giữa chúng tôi là thật. Nếu Nat có lỡ phải lòng anh… thì thật ra… Ai có thể trách con bé được chứ?
Lễ cưới của tôi sẽ diễn ra trong mười tuần nữa, rồi tám, rồi năm. Thiệp mời đã gửi đi. Thực đơn đã chốt. Váy áo đã chọn.
Và rồi, hai mươi ngày trước lễ cưới, Andrew đi làm về. Tôi có cả chồng bài kiểm tra đặt cạnh trên mặt bàn bếp, và anh đã rất chu đáo mang về nhà một ít đồ ăn Ấn Độ. Anh thậm chí còn bày thức ăn ra, rưới nước sốt thơm lừng lên cơm, đúng như cách tôi thích. Và rồi những lời khủng khiếp tuôn ra.
“Grace… chúng ta cần phải nói chuyện,” anh nói, nhìn chằm chằm vào món hành kulcha. Giọng anh run run. “Em biết là anh quan tâm đến em rất nhiều mà.”
Tôi đông cứng, không ngẩng lên khỏi xấp bài kiểm tra, mấy từ đó mang điềm báo xấu không kém gì những lời Sherman nói tại Georgia(). Cái giây phút tôi vẫn tránh để không nghĩ tới cuối cùng đã ập đến. Biết rằng mình sẽ không bao giờ còn nhìn Andrew như cũ được nữa, tôi không thể thở được bình thường. Tim tôi nổi trống điên cuồng.
() Ở đây nhân vật nói đến trường Sherman trong chiến dịch Savannah của Cuộc Nội chiến.
Anh quan tâm tới tôi. Tôi không biết các bạn thì thế nào, các cô gái của tôi, nhưng khi một anh chàng nói Anh quan tâm tới em nhiều lắm thì với tôi nó có vẻ như những điều tồi tệ nhất sắp sửa ào ào tuôn xuống. “Grace,” anh thì thầm, tôi cố gắng không nhìn anh. Trong khi món bánh mì tỏi Ấn Độ chưa hề được đụng tới của chúng tôi nguội dần, anh nói với tôi rằng anh không biết chắc phải nói điều này thế nào, nhưng anh không thể cưới tôi.
“Em hiểu,” tôi nói xa xăm. “Em hiểu.”
“Anh rất xin lỗi, Grace,” anh thì thầm, và quý hóa thay, mắt anh rơm rớm nước.
“Có phải vì Natalie không?” tôi hỏi, giọng bình thản và vô cảm.
Ánh nhìn của anh rơi xuống sàn, mặt anh đỏ ran, và bàn tay run lên khi anh lùa nó qua mái tóc mềm của mình. “Tất nhiên là không rồi,” anh nói dối.
Và chuyện là như thế đấy.
Hai chúng tôi mới mua căn nhà trên phố Maple, mặc dù vậy chúng tôi còn chưa ở đó ngày nào. Như là một phần trong thỏa thuận ly hôn của chúng tôi hoặc theo cách mọi người vẫn nói – tiền bồi thường, tiền đền bù, phí tổn tinh thần – anh để tôi giữ phần tiền đặt cọc của anh. Bố tôi rà soát lại tinh hình tài chính của tôi nhằm khai thác một vài khoản chung mà ông nội tôi để lại cho tôi, qua đó làm giảm phần tiền thế chấp để tôi có thể giành quyền sở hữu và chuyển về ở trong ngôi nhà này. Một mình.
Natalie hoàn toàn suy sụp khi biết chuyện. Tất nhiên tôi không kể cho nó về lý do chia tay. Con bé lắng nghe tôi nói dối về lý do chia tay… có gì không đúng… chưa thực sự sẵn sàng… chưa thực sự chắc chắn.
Nó chỉ có đúng một câu hỏi nhỏ khi tôi giải thích xong. “Anh ấy có nói gì nữa không?”
Chắc chắn là vì nó biết tôi không phải người nói lời chia tay. Con bé biết tôi rõ hơn ai hết. “Không,” tôi trả lời dứt khoát. “Chỉ là… không có duyên phận thôi. Sao cũng được.”
Natalie không có liên quan gì cả, tôi quả quyết với bản thân như vậy. Đó chỉ là vì tôi chưa tìm đúng. Người Đó, bởi Andrew trông có hoàn hỏa đến đâu, cảm xúc tôi dành cho Andrew có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là giả dối. “Không phải thế,” tôi nghĩ khi ngồi đây giữa phòng khách mới sơn trong ngôi nhà mới mua của mình, thưởng thức bánh sô cô la và xem phim tài liệu của Ken Burn về cuộc Nội chiến cho đến khi tôi nhớ lại được. Andrew không phải Người Đó. Tốt thôi. Tôi sẽ tìm ra Người Đó, bất kể anh ta ở đâu, và, hây. Sau đó, cả thế giới sẽ biết tình yêu là thế nào, khốn nạn thật.
Natalie hoàn thành việc học và trở lại khu Đông. Con bé sở hữu một căn nhà nhỏ xinh xắn ở New Haven và bắt đầu công việc. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau, và tôi rất vui vì điều đó. Con bé không phải là người phụ nữ khác… nó là em gái tôi. Người tôi yêu nhất trên đời. Món quà sinh nhật của tôi.