Đời Kỹ Nữ

chương 41: chương 21 part 2

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

- Khi tôi nhìn vào các thanh gươm trong tủ kia, chúng làm cho tôi nghĩ đến ông Nam tước. Ông ta là người nâng đỡ công ty của chúng tôi, và tôi nợ ông ta rất nhiều. Nhưng không vì thế mà tôi phí thì giờ để nghĩ đến ông ta. Tôi trả lời như thế được chưa?

Tôi cúi người chào ông ta, ông ta bỏ đi theo hành lang về phía nhà vệ sinh, đi rất nhanh đến nỗi tôi không theo kịp để mở cửa cho ông ta.

Sau đó khi chúng tôi về lại bên bờ hồ, tôi vui mừng thấy bữa tiệc đã tan. Chỉ còn vài người đàn ông ở lại để dùng cơm tối. Mameha và tôi đưa những người khác ra tận cổng.Chúng tôi chào tạm biệt cho đến người cuối cùng và tôi quay lại đã thấy một gia nhân của ông Nam tước đứng chờ dẫn chúng tôi vào nhà.

Mameha và tôi ngồi cả một giờ sau đó trong khu của gia nhân, ăn bữa tối ngon lành gồm có món tai so usugiri - những lát cá vền biển cắt mỏng như giấy trải trên cái đĩa có hình ngọn lá và ăn với nước sốt ponzu. Nếu Mameha không có vẻ buồn rầu thì chắc tôi sẽ cảm thấy vui vẻ. Cô ấy chỉ ăn vài lát cá rồi đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Trông vẻ mặt của cô ấy, tôi nghĩ chắc cô ấy muốn trở ra ngoài hồ và ngồi ở đấy, có lẽ để cắn môi giận dữ nhìn bầu trời đang phủ màn đêm.

Chúng tôi ra nhập vào nhóm vớI ông Nam tước khi họ đã ăn được nửa chừng, trogn căn phòng mà ông Nam tước gọi là “phòng tiệc nhỏ” . Thực ra, phòng tiệc nhỏ có thể dùng thết đãi đến hay người, nhưng khi ấy buổi tiệc đã giảm bớt người, chỉ còn ông Arashino, ông Nobu và ông bác sĩ Cua. Khi chúng tôi đi vào, họ đang lặng lẽ ăn. Ông Nam tước đã say mèm, tròng mắt như muốn văng ra ngoài.

Ngay khi Mameha bắt đầu nói chuyện, bác sĩ Cua lấy khăn ăn lau bộ râu mép hai lần rồi xin lỗi đi vệ sinh. Tôi dẫn ông ta đi qua hành lang hồi nãy ông Nobu và tôi đã đi. Khi ấy trờI đã tối rồi, tôi không thấy rõ đồ vật gì hết, vì ánh sáng trên cao phản chiếu vào mặt kính trên cái tủ trưng bày. Nhưng bác sĩ Cua dừng lại ở tủ đựng các thanh gươm, ông ta nghiêng đầu cho đến khi trông thấy các đồ vật trong đó.

- Chắc cô biết rõ đường đi trong nhà ông Nam tước - ông ta nói.

- Ồ không, thưa ông, em hoàn toàn bị lạc trong ngôi nhà đồ sộ như thế này. Sở dĩ em biết đường là vì hồi nãy em đã dẫn ông Nobu đi trên hành lang này.

- Tôi chắc ông ta đã đi khắp nơi – ông bác sĩ nói - một người như Nobu không đủ trình độ để thưởng thức những thứ trong các tủ này.

Tôi không biết trả lời ra sao, nhưng ông bác sĩ nhìn tôi đăm đăm.

- Cô chưa tiếp xúc nhiều vớI mọi người - ông ta nói tiếp – nhưng đã đến lúc cô nên học cách đề phòng những người kiêu ngạo đã nhận lời mời của một người như ông Nam tước, rồi nói năng lôm côm với ông ta ngay trong nhà ông ta, như ông Nobu đã nói vào chiều hôm nay.

Tôi cúi người chào khi nghe ông ta nói thế, và khi thấy bác sĩ Cua không nói gì thêm nữa, tôi dẫn ông ta đến phòng vệ sinh.

Khi chúng tôi về lại phòng tiệc nhỏ, các ông đã nói chuyện rôm rả, nhờ vào tài của Mameha, cô ấy chỉ ngồi lặng lẽ phía sau để chuốc rượu thôi. Cô ấy thường nói vai trò của người geisha là chỉ khuấy tô canh cho đều. Nếu có khi nào anh thấy người ta dùng đũa để khuấy tô canh cho đều trước khi múc vào chén của mình, thì anh sẽ hiểu được ý cô ấy muốn nói gì.

Chẳng bao lâu sau câu chuyện quay qua đề tài áo kimono, và chúng tôi đi xuống phòng chứa áo của ông Nam tước ở dưới tầng hầm. Dọc theo tường phòng là những chiếc tủ gỗ khổng lồ treo đầy áo kimono. Ông Nam tước ngồI trên chiếc ghế dựa ở giữa phòng, chống hai khuỷu tay lên đầu gối - mắt vẫn kèm nhèm – và không nói một tiếng trong khi Mameha dẫn chúng tôi đi xem bộ sưu tập áo. Tất cả chúng tôi đều nhất trí chiếc áo đặc biệt nhất là chiếc áo có hình vẽ phỏng theo cảnh của thành phố Kobe, thành phố này nằm trên sườn đồi thoai thoải chạy ra tận biển. Bức hình bắt đầu ở hai vai áo với cảnh trời xanh mây trắng, ở hai đầu gối vẽ cảnh sườn đồi, dưới đó là cảnh biển màu xanh lục chảy thành một đường dài ra phía sau áo, trên mặt biển, lốm đốm những ngọn sóng vàng đẹp đẽ và những chiếc tàu li ti.

- Mameha này – ông Nam tước nói – tôi nghĩ chắc em phải mặc cái áo ấy để đến dự tiệc thưởng hoa của tôi tại Hakone vào tuần sau. Mặc áo ấy, em đẹp phải biết, đúng không?

- Em thật rất thích – Mameha đáp – nhưng như em đã nói hôm kia rồi, em sợ năm nay em không đi dự tiệc được.

Tôi thấy ông Nam tước có vẻ bất bình, vì cặp lông của ông ta sụp xuống như hai cánh cửa khép lại.

- Em nói thế nghĩa là sao? Ai đã ký hợp đồng với em khiến em không hủy hợp đồng được?

- Em rất thích đến đấy ghê lắm, ông Nam tước à. Nhưng năm nay thì không được. Em đã có hẹn bên y tế nên không đi dự tiệc được.

- Hẹn với bên y tế à? Như thế nghĩa là sao? Mấy ông bác sĩ có thể thay đổi thời gian kia mà. Ngày mai em hãy đổi lại buổi hẹn, và có mặt ở buổi tiệc của anh vào tuần sau như mọi khi em thường làm.

- Em xin lỗi – Mameha nói – em đã hẹn với bên y tế cách đây mấy tuần và có sự bằng lòng của Nam tước rồi, kế hoạch này không thể thay đổi được.

- Tôi không nhớ đã bằng lòng cho em hẹn với họ khi nào. Đâu phải là chuyện cần kíp như thể em cần phải phá thai, hay là việc gì như thế…

Mọi người im lặng và có lẽ bối rối một hồi thật lâu. Mameha chỉ sửa lại tay áo cho ngay ngắn trong khi tất cả chúng tôi đứng yên lặng, đến nỗi chúng tôi nghe được cả hơi thở khò khè của ông Arashino. Tôi nhận thấy ông Nobu có vẻ không chú ý gì hết, bỗng quay qua để xem phản ứng của ông Nam tước ra sao.

- Được rồi – cuối cùng Nam tước nói – chắc là tôi quên, bây giờ nghe em nhắc đến…dĩ nhiên chúng ta không thể để có những chú nhóc nam tước rơi rớt chạy rong ngoài đường, đúng không? Nhưng Mameha này, tôi không biết tại sao em không nhắc tôi chuyện này trong chốn riêng tư…

- Em xin lỗi, Nam tước.

- Nếu em không đến Hakone được thì thô! Nhưng còn quý vị đây thì sao? Buổi tiệc này tuyệt lắm, tổ chức tại nhà tôi ở Hakone vào cuối tuần sau. Quý vị phải đến mới được! Tôi tổ chức hàng năm vào mùa hoa anh đào nở!

Ông bác sĩ và ông Arashino không thể đến được. Nobu không trả lời, nhưng khi ông Nam tước thúc ông, ông ta đáp:

- Ông Nam tước này, thực tình ông không muốn tôi đến Hakone để xem hoa anh đào nở đâu.

- Ồ việc hoa nở chỉ là cái cớ để ta mở tiệc – ông Nam tước nói – nhưng cũng chẳng sao. Chúng tôi sẽ có ông Chủ tịch của ông rồi. Năm nào ông ấy cũng đến hết.

Tôi kinh ngạc thấy mình đỏ mặt khi nghe nhắc đến ông Chủ tịch, và suốt cả buổi chiều, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến ông ta. Bỗng tôi cảm thấy như thể mọi người đã biết chuyện bí mật của tôi.

- Tôi thật bực mình khi các vị không ai đến với tôi, - ông Nam tước nói tiếp – chúng ta đã có một buổi tối tuyệt vời cho đến khi Mameha nói đến chuyện mà đáng ra cô ấy phải nói riêng. Này Mameha, tôi phải phạt em mới được. Năm nay thế là tôi không mời được em đến dự tiệc của tôi. Thế nhưng tôi muốn em cho Sayuri đến thay em.

Tôi nghĩ ông Nam tước nói đùa, nhưng thú thực, tôi nghĩ đến cảnh sung sướng khi được cùng ông Chủ tịch đi dạo quanh dinh cơ lộng lẫy của ông Nam tước mà không có ông Nobu, hay là bác sĩ Cua, hay thậm chí cả Mameha.

- Ý kiến thật tuyệt, thưa Nam tước – Mameha nói – nhưng buồn thay là Sayuri bận diễn tập rồi.

- Vô nghĩa – ông Nam tước đáp – Tôi hy vọng sẽ gặp cô ấy ở đấy. Tại sao em cứ khăng khăng không chịu nghe lời tôi yêu cầu em một việc nhỏ nhặt như thế?

Ông ta có vẻ giận dữ, và khốn thay, vì ông ta đang say, nước dãi chảy xuống ròng ròng hai bên khóe miệng. Ông ta lấy lưng bàn tay lau đi, nhưng chỉ làm cho nước dãi lấm lem vào những sợi lông đen dài trên bộ râu cằm.

- Em có quan tâm đến yêu cầu này của tôi không? – ông ta nói tiếp – Tôi muốn thấy Sayuri ở Hakone. Em chỉ việc trả lời “Dạ được thưa Nam tước” là xong.

- Dạ được, thưa Nam tước.

- Tốt – ông Nam tước nói. Ông ta dựa người ra sau ghế, lấy cái khăn trong túi ra lau mặt.

Tôi rất buồn cho Mameha. Nhưng nói sao cho hết nỗi lòng hân hoan sung sướng của tôi khi nghĩ đến ngày dự tiệc ở nhà ông Nam tước. Khi ngồi trên xe kéo trở về Gion, mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, tôi cảm thấy hai tai tôi đỏ rần. Tôi sợ Mameha để ý thấy, nhưng cô chỉ nhìn ra ngòai, cho đến khi về tới nơi mới quay qua nói với tôi:

- Sayuri, cô phải rất cẩn thận khi đến Hakone.

- Vâng thưa chị, em sẽ cẩn thận.

- Hãy nhớ rằng một cô tập sự sắp sửa bán mizuage, giống như bữa cơm đã dọn trên mâm. Nếu người ta nghe nói đã có kẻ khác ăn vụng một miếng thì chẳng có ai muốn ăn mâm cơm ấy đâu.

Sau khi nghe thế, tôi không dám nhìn vào mắt cô ấy. Tôi thừa biết cô ấy muốn nói đến ông Nam tước.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio