Đời Nhẹ Khôn Kham

chương 7: nụ cười của karenin

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Cửa sổ trông ra triền dốc um tùm những thân táo oằn oẹo. Rừng cây che mất tầm nhìn bên trên triền dốc, xa xa đồi núi chập chùng. Tối xuống khi mảnh trăng non bắt đầu nhô trên nền trời nhá nhem, Tereza bước ra ngoài đứng bên hiên cửa. Mảnh trăng lơ lửng trên nền trời xâm xẩm tối trông như ngọn đèn buổi sáng ra đi quên tắt, ngọn đèn le lói cháy suốt ngày trong gian phòng người chết.

Không cây táo nào mọc trên triền dốc có thể rời bỏ chỗ chúng đâm rễ, như Tereza và Tomas sẽ chẳng bao giờ lìa bỏ ngôi làng. Hai người bán hết xe cộ, máy truyền hình, máy thu thanh rồi gom góp tiền bạc mua lại căn nhà nhỏ xíu cùng thửa vườn từ người nông dân dọn nhà ra đô thị.

Về quê sinh sống là lối thoát duy nhất cho hai người, bởi chỉ nơi thôn dã mới có cảnh người ít của nhiều. Không ai cất công nhòm ngó quá khứ chính trị của kẻ chỉ muốn ra đồng ruộng hay vào rừng sâu lao động; không ai ganh tị với họ làm gì.

Tereza vui sướng lìa bỏ thành phố, lìa bỏ bọn sâu rượu xàm xỡ xúc phạm đến cô, lìa bỏ những người đàn bà xa lạ để lại mùi háng trong tóc tai Tomas. Bọn công an không quấy nhiễu hai người nữa, và chuyện không may với gã đàn ông hành nghề kĩ sư thoa nhập lẫn lộn vào giấc mộng trên đồi Petri đến độ cô không còn phân biệt đâu là thật và đâu là mộng nữa. (Gã đàn ông phải chăng là cò mồi của công an? Có lẽ đúng, có lẽ không. Đàn ông mượn phòng làm nơi hẹn hò và không bao giờ ăn nằm quá một lần với đàn bà không phải là chuyện hiếm hoi.)

Dù sao, Tereza vẫn vui sướng và cảm thấy sau cùng cô đạt được ước nguyện: cô và Tomas có nhau và hai người sống biệt lập. Biệt lập ư? Hãy cho tôi nói rõ hơn: sống “biệt lập” có nghĩa là cắt đứt mọi liên hệ bạn bè quen biết cũ, cắt đời sống ra thành hai mảnh như cắt sợi dây băng; tuy vậy họ thấy rất tự nhiên giữa đám dân quê họ làm việc chung, và thỉnh thoảng họ qua lại thăm viếng nhau.

Từ hôm tình cờ gặp người chủ nhiệm hợp tác xã tại thành phố khoáng tuyền nơi đường phố mang toàn tên Nga, trong đầu Tereza bỗng nhiên nẩy sinh hình ảnh đời sống thôn dã từ sách vở cô đọc được hay từ người lớn tuổi trong dòng họ. Thế giới đó là thế giới hài hoà; mọi người quây quần trong đại gia đình tràn đầy hạnh phúc với sở thích và công việc thường nhật như nhau: Chủ nhật đi lễ nhà thờ, quán rượu là nơi bọn đàn ông có chỗ trốn vợ đi chơi, quán rượu còn có phòng rộng cho ban nhạc trình diễn để thứ bảy dân làng ra nhảy múa vui đùa.

Tuy nhiên dưới chế độ Cộng sản, đời sống thôn dã không còn theo tập quán cũ kĩ muôn đời đó nữa. Nhà thờ ở làng bên, và chẳng còn ai đi lễ; quán rượu biến thành văn phòng làm việc, vì thế đám đàn ông không có chỗ ngồi nói chuyện gẫu uống bia và bọn trẻ trong làng mất chỗ nhảy múa vui chơi. Ngày lễ hội tôn giáo bị cấm đoán và chẳng ai thèm để ý đến những thú vui tiêu khiển trám chỗ. Rạp chiếu bóng duy nhất toạ lạc ở thị xã cách đó mười lăm dặm. Vì vậy, sau ngày làm việc huyên náo tiếng người, họ ngồi thảnh thơi nói dăm ba câu chuyện vãn rồi âm thầm rút vào bên trong bốn bức tường, giữa đống bàn ghế đồ đạc thô lậu, mắt dán lên màn ảnh chói loà của chiếc máy truyền hình. Họ chẳng bao giờ ghé nhà nhau thăm viếng ngoại trừ dăm ba câu thăm hỏi trước bữa ăn tối. Họ mơ có ngày dọn nhà lên tỉnh. Đời sống thôn dã không đem lại thú vị gì cho họ nữa.

Có lẽ bởi không còn ai tha thiết về quê sinh sống nên nhà nước mất dần quyền hạn nơi thôn quê. Người làm ruộng mà không có trong tay tấc đất của riêng mình, một người làm công không hơn không kém, sẽ không bao giờ trung thành với miền đất mình cư ngụ cũng như công việc làm; hắn không mất mát, cũng chẳng phải e dè sợ sệt điều chi. Kết quả của sự dửng dưng đó là thôn quê vẫn giữ khá nhiều quyền tự quyết và phần nào tự do. Ông chủ nhiệm hợp tác xã là người trong làng do dân làng bầu lên chứ không phải từ ngoài đưa vào (như tất cả viên chức cao cấp trên thành phố.)

Bởi ai cũng muốn bỏ làng ra đi nên Tereza và Tomas rơi vào trường hợp ngoại lệ: họ tình nguyện đến đây. Trong khi những người khác tìm mọi cơ hội lên tỉnh giao dịch buôn bán, Tereza và Tomas rất vui vẻ ở lại làng, điều này có nghĩa chẳng bao lâu hai người biết rõ mọi người trong làng còn hơn họ biết nhau.

Chủ nhiệm hợp tác xã trở thành người bạn thân thiết thật sự. Ông có vợ, bốn người con và một chú heo ông nuôi như nuôi chó trong nhà. Con heo tên Mefisto là niềm tự hào cũng như cái gì đáng chú ý nhất làng. Trông nó lúc nào cũng sạch sẽ hồng hào, nghe chủ gọi nó lập tức chạy lại; nó đi diễu qua diễu lại như mụ đàn bà bắp đùi to béo, dưới chân đi giày cao gót.

Lần đầu gặp Mefisto, Karenin gầm gừ bực dọc lắm. Nó đi vòng quanh con heo, đánh hơi một lúc lâu. Nhưng mau chóng hai con vật trở nên thân thiết đến nỗi nó thích chơi với con heo hơn với đám chó khác trong làng. Thật ra, nó không thèm để ý các con chó khác, bởi chúng đều bị xích trong chuồng và lúc nào cũng ăng ẳng sủa bậy vu vơ. Karenin rất đúng khi tự quy định cho nó là số một, không giống ai, và tôi không ân hận chút nào khi nói nó vô cùng biết ơn tình bạn giữa nó và con heo.

Ông chủ nhiệm thấy hân hạnh có cơ hội giúp đỡ vị bác sĩ từng chữa bệnh cho mình, nhưng cùng lúc ông thấy buồn bã vì ông chẳng làm được gì nhiều hơn. Tomas trở thành tài xế xe tải chở người ra đồng làm việc hoặc tải nông cụ từ nơi này ra nơi khác.

Trong hợp tác xã có bốn chuồng bò lớn và một chuồng nhỏ hơn nuôi bốn chục con bò cái tơ. Tereza giữ nhiệm vụ trông coi đàn bò và mỗi ngày hai lần cô lùa chúng ra đồng ăn cỏ. Đồng cỏ gần làng bị bò gặm trụi lủi nên cô phải đưa chúng ra những ngọn đồi lân cận cho chúng ăn cỏ. Dần dà cô phải đi xa hơn và trong vòng năm trời, không cánh đồng nào quanh vùng còn nguyên vẹn với đàn bò. Vẫn như thời trẻ tuổi sống dưới tỉnh nhỏ, lúc nào trên tay cô cũng có quyển sách, trong lúc đàn bò gặm cỏ cô mở sách ngồi đọc.

Karenin lúc nào cũng bên cạnh cô. Nó học được cách sủa không cho những con bê thích nhảy cỡn chạy lạc ra ngoài đàn; thấy rõ nó làm công việc đó hết sức mình. Chắc chắn trong gia đình Tomas nó là kẻ sung sướng nhất. Chưa bao giờ chức vị kẻ canh giữ đồng hồ được nể vì như thế. Đồng quê không phải là nơi chốn tùy tiện muốn làm gì thì làm; giờ khắc Tereza và Tomas sống bên trong càng lúc càng tiến gần đến điểm bình thường giờ khắc của nó.

Một hôm, trong giờ nghỉ trưa (có riêng một tiếng đồng hồ), hai người dẫn Karenin leo lên con dốc phía sau nhà.

“Em thấy nó chạy có gì không bình thường.” Tereza bảo.

Một chân sau của Karenin không khỏe khiến nó đi cà nhắc. Tomas cúi xuống rờ nắn. Gần nhượng chân nó anh phát giác một cục u nhỏ.

Hôm sau anh dẫn nó theo cho ngồi trên băng trước xe tải nhân chuyến chở nông cụ sang ngôi làng kế cận nơi có vị bác sĩ thú y cư ngụ. Tuần sau, anh sang lần nữa. Anh về nhà báo tin Karenin bị ung thư.

Ba hôm sau, Tomas tự tay giải phẫu con vật có vị bác sĩ thú y phụ tá. Lúc Tomas đem nó về nhà nó vẫn chưa tỉnh thuốc mê. Nó nằm dưới thảm bên cạnh giường ngủ, mắt mở, cổ họng gầm gừ, đùi nó bị cạo lông nhẵn thín, vết mổ và sáu sợi chỉ khâu trông đến ghê người.

Cuối cùng nó cố đứng dậy nhưng không nổi.

Tereza kinh hãi nghĩ nó sẽ không bao giờ đi được nữa.

“Em đừng lo.” Tomas bảo cô, “Thuốc mê chưa tan.”

Cô bế nó lên tay nhưng nó há mõm cắn cô. Đó là lần đầu tiên nó cắn Tereza!

“Nó không nhận ra em đâu.” Tomas lại nói.

Anh giúp cô bế nó lên giường rồi cả người lẫn vật mau chóng đi vào giấc ngủ quên.

Đến ba giờ sáng, đột nhiên nó đánh thức hai người, đuôi ve vẩy, nó bò lên cùng khắp thân mình hai người, rúc vào họ, không biết phải làm sao cho vừa.

Đó cũng là lần đầu tiên nó đánh thức hai người! Thường nó chờ một trong hai người thức dậy trước rồi mới dám nhẩy lên giường. Nhưng vào nửa đêm, nó không tự chủ được nữa. Nào ai biết quãng đường nó trải qua trên đường về ra sao? Ai biết ma quỷ nào nó phải chiến đấu? Và giờ đây ở nhà bên cạnh những người thân yêu, nó không ngăn được nỗi vui mừng, nỗi vui mừng của kẻ chết đi sống lại.

Từ những dòng chữ đầu của Sáng Thế Kí, chúng ta biết Thượng đế thụ tạo con người để trao con người quyền bá chủ loài cá, chim muông và tất cả loài khác. Dĩ nhiên, Sáng thế kí do người chứ không phải ngựa viết ra. Không có gì bảo đảm Thượng đế thật sự ban cho con người quyền làm bá chủ các loài khác. Thật ra, có lẽ đúng hơn, con người phát minh ra Thượng đế để thánh hoá quyền bá chủ hắn tự tiếm đoạt trên con bò con ngựa. Vâng, quyền được phép giết chết con nai hay con bò là cái gì duy nhất loài người có thể tán đồng, ngay cả giữa thời kì chiến tranh khốc liệt đẫm máu nhất.

Chúng ta mặc nhiên chấp nhận quyền hạn đó bởi chúng ta đứng ở tầng trên cùng của đẳng cấp thứ tự. Nhưng hãy để thành phần thứ ba đi vào cuộc chơi – thí dụ, người đến từ một hành tinh khác, người được Thượng đế ban bố, “Ngươi sẽ làm bá chủ muôn loài trên tất cả các tinh tú này” – ngay tức khắc, mặc nhiên chấp nhận Sáng Thế Kí sẽ gây phiền toái vô cùng. Có lẽ lúc đó kẻ bị người Hoả tinh tròng vào xe kéo hay bị cư dân dải Ngân hà cho lên lò xiên nướng nhớ lại miếng thịt bò hắn thường cắt xẻ trên dĩa cơm sẽ phải tạ lỗi (cách muộn màng) với con bò.

Trong lúc lùa đàn bò cái tơ đi ăn cỏ, Tereza phải luôn tay luôn chân giữ gìn trật tự, vì lũ bê con ham chạy nhảy thích chạy băng ra cánh đồng. Cô có Karenin làm bạn. Suốt hai năm trời ngày nào nó cũng lẽo đẽo theo cô ra đồng chăn bò. Nó vui thích với vai trò giữ trật tự đám bê con, nó há mõm sủa, ra vẻ ta đây đầy quyền uy thế lực. (Chúa của nó cho nó quyền làm bá chủ đàn bò, và nó rất hãnh diện với vai trò đó.) Vậy mà hôm nay khó khăn lắm nó mới lết đi nổi, chỉ còn ba chân khập khiễng, chân thứ tư bị thương và vết thương đang ung mủ. Tereza chốc chốc cúi xuống xoa lưng nó. Hai tuần lễ sau ngày mổ, Karenin càng ngày càng suy yếu vì mụt ung thư mỗi lúc mỗi lan rộng.

Trên đường ra đồng, Tereza gặp bà láng giềng chân đi ủng da đang hối hả ra chuồng bò. Bà ta chợt ngừng lại hỏi, “Con chó bị gì vậy? Hình như nó đi khập khiễng.” “Nó bị ung thư.” Tereza trả lời. “Vậy thì chẳng còn hi vọng gì nữa.” Cô nghẹn ngào không tiếp tục cất bước nổi. Người đàn bà để ý thấy Tereza chảy nước mắt và bà ta nổi doá, “Chúa ơi! Cô ở đó vật vã chết lên chết xuống chỉ vì một con chó sao!” Chẳng phải bà ta dữ dằn; sự thật bà ta là người tử tế chỉ muốn an ủi Tereza thôi. Tereza hiểu, cô sinh sống ở thôn quê lâu đủ để biết nếu những người dân làng yêu thương từng con thỏ như cô yêu thương Karenin chắc họ và đàn thú của họ sẽ chết đói mất thôi. Tuy vậy, cô vẫn thấy ấm ức và câu nói của người đàn bà trở nên thiếu thiện cảm. “Tôi hiểu,” cô không cãi lại, nhưng vội vã xoay lưng bỏ đi. Cô có cảm tưởng vì thương yêu con vật cô bị tách lìa khỏi đám đông. Với nụ cười buồn bã, cô nhủ thầm mình sẽ phải giữ kín điều này còn hơn giữ kín một vụ ngoại tình. Nhưng giả như người đàn bà láng giềng khám phá Tereza có lúc không chung thủy với Tomas chắc bà ta sẽ vỗ vai Tereza biểu lộ tình đoàn kết tương ái bí mật với cô.

Dù chuyện đó có xảy ra, Tereza vẫn tiếp tục bước đi, và trong lúc nhìn đàn bò đứng cạ vào nhau, cô thấy chúng dễ thương làm sao. Thanh thản, vô tư, đôi lúc hiếu động như trẻ con, trông chúng như bọn người đã quá năm mươi to béo phục phịch mà làm như mới mười ba mười bốn. Không gì dễ thương hơn một đàn bò đang chơi giỡn. Tereza thú vị nhìn chúng diễn trò, trong đầu cô không thể không bật ra ý tưởng (ý tưởng này lởn vởn trong đầu óc cô suốt hai năm trời cô sinh sống ở miền quê) người là kí sinh trùng của bò cũng như sán là kí sinh trùng của người: Chúng ta bú vú bò như đỉa hút máu. “Người là kí sinh trùng của bò,” có lẽ người không thuộc trái đất này định nghĩa con người chúng ta như vậy trong sách vở Động vật học của họ.

Ở đây, chúng ta có thể xem định nghĩa này là chuyện bông phèng rồi cười xoà bỏ qua. Nhưng vì Tereza nghiêm túc tin tưởng như vậy, cô tự để mình lâm vào vị trí hết sức bấp bênh: ý tưởng đó nguy hiểm và khiến cô xa cách con người. Mặc dù Sáng Thế Kí viết Thượng đế ban cho con người quyền làm bá chủ mọi loài vật khác, chúng ta có thể lí giải Ngài chỉ tin tưởng con người sẽ phải lo toan bảo bọc vận mạng các loài thú khác mà thôi. Con người chỉ là quản lí chứ không phải chủ nhân ông, và vì thế sẽ dần dà nhận lãnh mọi trách nhiệm quản trị quả địa cầu. Descartes quả quyết bước tới bước nữa: ông biến con người thành “maitre et propriétaire de la nature”. Và chắc chắn có sự liền lạc sâu đậm giữa bước tới đó và sự kiện ông là người thẳng thắn chối từ, không cho loài thú có linh hồn. Con người là chủ nhân, là nghiệp chủ, theo lời Descartes,

trong khi con vật chỉ là vật tự động, một cái máy biết cử động, một machinae animatae. Khi con vật đau đớn rên rỉ, đó không phải là tiếng rên rỉ mà chỉ là tiếng kêu rạo rạo của hệ thống động cơ vận động thiếu hoàn hảo. Khi bánh xe chiếc xe kéo phát tiếng kêu cót két, chiếc xe đâu biết đau đớn, chỉ việc châm chút dầu nhớt là xong. Do đó, chúng ta không có lí do phải đau buồn vì con chó bị chặt sống ra từng mảnh trong phòng thí nghiệm.

Trong lúc đàn bò gặm cỏ, Tereza ngồi dưới gốc cây bên cạnh có Karenin, nó gác đầu lên đùi cô. Cô nhớ lại mẩu tin vắn hai dòng cô đọc trên báo chí cách đây chừng mười năm gì đó loan tin tất cả chó ở một thành phố bên Nga bị đem ra bắn tập thể. Chính mẩu tin vụn vặt nằm khiêm nhường trên báo đó đã để lại trong cô nỗi ám ảnh hãi hùng về quốc gia láng giềng to lớn kia.

Mẩu tin ngắn là dự báo những gì xảy ra sau đó. Những năm tháng đầu sau cuộc xâm lăng sự khủng bố chưa có gì đáng kể. Bởi trong nước gần như ai cũng bất mãn với nhà nước đô hộ, người Nga phải bới tìm vài trưởng hợp ngoại lệ và đẩy họ ra cầm quyền. Nhưng họ tìm nơi đâu? Mọi tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản và tình thương cho nước Nga tiêu tan sạch sẽ rồi. Vì vậy họ tìm đến những người đang mong chờ có cơ hội trở lại đời sống làm một cái gì, những người trong đầu nung nấu mối hận thù. Thế rồi họ phải tập trung, xây đắp và duy trì tính hung hăng của những con người này, họ tìm vật thay thế để tập sự cho việc sinh sát. Vật thay thế đó chính là đám thú vật.

Ngay tức khắc, báo chí khởi sự tung ra nhiều loạt bài và thư độc giả giả mạo, thí dụ như yêu cầu diệt trừ hết bồ câu trong phạm vi thành phố. Thế là bồ câu bị diệt trừ. Nhưng mũi dùi chính hướng về đám chó. Đời sống người dân vẫn còn bi thảm vì những tai hoạ của cuộc xâm chiếm, nhưng đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí lải nhải ngày này qua ngày khác về chó: chó phá hại đường phố, công viên, gây nguy hiểm đến sức khỏe con em, không đem lại lợi ích gì mà còn phải nuôi ăn. Họ tạo cơn sốt cuồng loạn đến nỗi Tereza phát kinh khi nghĩ chẳng may bọn người điên rồ kia phạm đến Karenin. Nhưng chỉ sau năm trời sự độc hại chồng chất (cho đến thời điểm đó, để tập sự, chỉ trút lên đầu đám vật) tìm thấy mục tiêu thật: đám dân. Người bị đuổi khỏi sở làm, người bị bắt bớ, đưa ra toà. Cuối cùng đám thú vật được tự do hít thở khí trời trở lại.

Tereza xoa đầu con Karenin trong lúc nó nằm yên đầu gác lên đùi cô và ý tưởng sau chạy qua tâm tư cô: tử tế với đồng loại chẳng đem lại chút công đức gì đặc biệt. Cô đối đãi đàng hoàng tử tế với những dân làng khác, chẳng qua vì nếu không cô sẽ không thể sinh sống chung đụng với họ. Ngay cả với Tomas, cô cũng phải khép mình tỏ vẻ dễ thương với anh bởi cô cần anh. Chúng ta không bao giờ biện biệt cách chắc nịch phần nào liên hệ giữa chúng ta với người khác là hệ quả của cảm xúc – tình yêu, ác cảm, lòng từ thiện, tính ác độc – và phần nào bị thiên định bởi trò chơi quyền thế giữa cá nhân.

Lòng lương hảo thật sự của con người, ở dạng đơn thuần và thanh khiết nhất, chỉ có thể bật ra khi kẻ đón nhận không hề có chút quyền thế nào. Bài trắc nghiệm đạo đức của con người, bài trắc nghiệm cơ bản (nằm sâu dưới bề mặt), bao gồm thái độ con người đối xử kẻ dưới tay: đó là loài vật. Và ở khía cạnh này con người vướng phải thất bại cơ bản, cơ bản đến nỗi tất cả những thất bại khác đều từ đó mà ra.

Một trong mấy con bò cái tơ đánh bạn với Tereza. Nó hay dừng lại và giương đôi mắt nâu to nhìn cô. Tereza nhận ra nó. Cô đặt tên nó là Marketa. Nếu làm được, chắc cô đã đặt tên tất cả các con bò cô chăn nuôi. Nhưng chúng đông quá. Trước đó không lâu lắm, chừng bốn năm chục năm, tất cả bò trong làng đều có tên gọi. (Và nếu tên gọi là dấu hiệu của linh hồn thì mặc kệ Descartes, tôi có thể nói chúng đều có linh hồn.) Nhưng từ khi làng xã biến thành hãng xưởng tập thể, đàn bò bắt đầu sống cuộc đời chúng bên trong chu vi năm bộ vuông dành cho mỗi con trong chuồng. Từ giây phút đó, chúng không có tên gọi nữa và trở thành machinae animatae không hơn không kém. Thế giới chứng minh Descartes đúng.

Tereza cứ hiện ra trước mắt tôi. Tôi thấy cô ngồi dưới gốc cây tay xoa đầu con chó Karenin và trầm tư về những thất bại của con người. Một ảnh tượng khác cũng hiện ra trong trí tôi: Nietzsche đang từ khách sạn nơi ông cư ngụ ở Turin bước ra. Trông thấy người phu xe cầm roi quất con ngựa, Nietzsche bước đến bên con ngựa và ngay trước mắt người phu xe, ông ôm cổ nó rồi bật lên tiếng khóc.

Chuyện đó xảy ra năm , khi Nietzsche đã lui ra khỏi thế giới loài người. Nói cách khác, đó là thời điểm căn bệnh tâm thần ông bột phát. Nhưng vì chính lí do đó tôi cảm thấy hành động ông hàm chứa ý nghĩa rộng lớn hơn: Nietzsche đang tạ lỗi với con ngựa giùm Descartes. Sự điên loạn (thoát li vĩnh viễn với con người) của ông khởi điểm ngay lúc ông bật khóc bên con ngựa.

Và đó là Nietzsche tôi yêu mến, cũng như tôi yêu mến Tereza với con chó mắc bệnh sắp chết nằm gác đầu lên đùi cô. Tôi thấy người và vật bên cạnh nhau: cả hai đang lui bước ra khỏi con đường trên đó loài người, “chủ nhân và bá chủ thiên nhiên”, đang diễn hành bước tới.

Karenin đẻ ra hai ổ bánh mì và một con ong. Nó trân trối nhìn tác phẩm của mình. Hai ổ bánh nằm bất động, nhưng con ong loạng choạng như bị ăn thuốc rồi cất cánh bay đi.

Đó là chuyện xảy ra trong giấc mơ của Tereza. Cô kể cho Tomas nghe khi anh thức giấc, và qua giấc mơ hai người tìm ra ít nhiều an ủi. Nhờ giấc mơ Karenin đang từ có bệnh biến thành có chửa, cảnh tượng nó đẻ ra một lúc hai ổ bánh mì và một con ong nghe vừa khôi hài vừa cảm động.

Một lần nữa cô bị những hi vọng phi lí đánh lừa. Cô ngồi dậy đoạn đi mặc áo quần. Ở đây cũng như trên thành phố lúc trước, ngày của cô bắt đầu bằng việc đi mua sữa và bánh mì. Nhưng buổi sáng hôm đó khi cô cất tiếng gọi Karenin, nó chỉ hơi nhích đầu lên một chút rồi thôi. Đó là lần đầu tiên nó từ chối tham dự cái nghi lễ trước đây chính nó ép buộc hai người chủ của nó phải theo.

Cô đi chợ một mình. “Karenin đâu rồi?” Bà bán hàng đứng sau quầy hỏi, như thường lệ bà ta cầm sẵn trên tay ổ bánh cho Karenin. Tereza bỏ bánh vào giỏ đem về. Đứng trước cửa nhà cô chìa miếng bánh cho con chó trông thấy. Cô muốn nó đến ngoạm miếng bánh trên tay cô. Nhưng nó nằm lì bất động.

Tomas thấy Tereza buồn rười rượi. Anh ngậm ổ bánh trong miệng rồi quỳ xuống bò từ từ đến gần con chó.

Karenin theo dõi anh, ánh mắt nó dường như hơi nhen nhúm chút thú vị, nhưng nó vẫn không chịu đứng lên. Tomas ghé mặt sát mõm nó. Thân mình vẫn không di động, nó há mõm ngoạm đầu ổ bánh ló ra từ miệng Tomas. Đoạn Tomas nhả ổ bánh ra để nó có thể ăn hết.

Vẫn bò dưới đất, Tomas lùi lại một chút, anh cong lưng lên và phát tiếng sủa ăng ẳng, như thể anh muốn đánh nhau với nó để giành lại ổ bánh. Ít phút sau, nó sủa lại đôi ba tiếng. Mãi rồi cũng được! Chỉ chờ nhiêu đó thôi! Karenin muốn đùa giỡn lại rồi! Karenin vẫn còn ham sống!

Tiếng sủa ăng ẳng của Karenin là tiếng cười của nó và hai người mong tiếng cười đó kéo dài thật lâu, càng lâu càng tốt. Tomas lại bò đến gần con chó, anh lấy miệng ngoạm đứt ổ bánh trong mõm nó. Mặt anh sát mặt nó đến nỗi anh ngửi thấy mùi hơi thở chó trong miệng nó, những sợi lông dài trên mõm nó làm anh nhồn nhột. Con chó lại kêu lên tiếng ăng ẳng rồi nó há mõm giật mạnh miếng bánh; thế là người và chó mỗi bên cướp được nửa miếng bánh ngậm giữa hai hàm răng. Nhưng Karenin bị một sai lầm chiến thuật hết sức cũ kĩ: nó nhả nửa phần bánh trong miệng nó ra với hi vọng được hưởng luôn nửa phần kia trong miệng chủ nó. Nó quên chủ nó không phải là chó mà là người có hai bàn tay. Anh đứng dậy nhặt lên nửa miếng bánh dưới sàn nhà, miệng vẫn ngậm nửa kia.

“Tomas!” Tereza kêu lên, “Bộ anh tính giật hết ổ bánh của nó đấy sao?”

Tomas đặt hai nửa miếng bánh dưới sàn nhà ngay trước mặt con Karenin. Nó nuốt trọng miếng thứ nhất nhưng miếng thứ hai nó cố ý ngậm trong miệng thật lâu như muốn khoe khoang thành tích chiến thắng của mình.

Đứng nhìn con chó, một lần nữa hai người có ý nghĩ nó đang cười và còn cười được là còn động lực muốn sống dù không tránh nổi bản án tử hình.

Hôm sau nó có vẻ khá ra thật. Hai người ăn trưa. Thường đó là lúc hai người dẫn nó ra ngoài đi dạo. Thói quen của nó là chạy nhắng lên từ người này sang người kia. Hôm đó, Tereza cầm dây tròng cổ lại nhưng chỉ thấy nó nhìn với đôi mắt rầu rầu. Hai người cố làm ra vẻ vui tươi phấn chấn để thúc đẩy nó thêm phần hăng hái. Một lúc lâu thấy thương hại hai người chủ nó bèn lảo đảo ba chân khập khiễng đứng dậy cho Tereza tròng sợi dây vào cổ.

“Tereza, anh biết em ghét chụp ảnh, nhưng hôm nay em đem máy theo nhé.” Tomas bảo cô.

Tereza mở rương lục lạo đám vật dụng cũ tìm chiếc máy ảnh từ lâu bị bỏ quên. “Mai này có ngày mình sẽ vui sướng nhờ những bức ảnh này,” Tomas tiếp tục nói. “Karenin đã từng chiếm một phần quan trọng trong đời sống vợ chồng mình.”

“Anh nói ‘đã từng’ là nghĩa gì cơ chứ?” Tereza nói như thể cô bị rắn cắn.

Chiếc máy ảnh nằm ngay trước mắt cô dưới đáy rương nhưng cô không thiết cúi xuống cầm lên nữa. “Em không muốn chụp ảnh. Em không chấp nhận chuyện sẽ phải mất Karenin. Trong khi đó anh gọi nó bằng thì quá khứ!”

“Anh xin lỗi em.”

“Không sao.” Tereza dịu giọng. “Em tự nhận ra em cũng gọi nó bằng thì quá khứ. Em cố bôi xoá điều đó ra khỏi trí óc em. Đó là lí do tại sao em không muốn cầm theo máy chụp ảnh.”

Họ đi bên nhau trong im lặng. Im lặng là cách duy nhất không nghĩ đến Karenin bằng thì quá khứ. Họ luôn mắt canh chừng nó, theo sát nó, chờ đợi nó nở nụ cười. Nhưng nó không cười, nó chỉ khập khiễng ba chân cố lóp ngóp đi theo hai người chủ.

“Nó vì chúng mình đấy.” Tereza bảo. “Nó đâu muốn đi, nó đi vì muốn làm mình vui lòng.”

Điều cô nói buồn bã lắm, nhưng dù không nhận ra, hai người quả có vui sướng. Họ vui sướng không phải vì bất chấp mà vì nhờ có nỗi buồn. Họ nắm tay nhau và trong ý nghĩ hai người hiện lên cùng hình ảnh: con chó đi khập khiễng, con chó tượng trưng cho mười năm trời của cuộc sống chung.

Họ đi thêm đoạn nữa. Bỗng Karenin ngừng lại rồi quay đuôi bỏ về trước sự thất vọng lớn của hai người. Họ đành theo nó trở về.

Có lẽ ngày hôm đó hay có thể ngày hôm sau, Tomas ngồi trong nhà đang đọc một lá thư thì Tereza mở cửa bước vào. Nghe tiếng cửa mở, anh nhét lá thư vào đống giấy tờ, nhưng cô trông thấy anh làm cử chỉ đó. Lúc bước ra, cô còn thấy anh nhét lá thư vào túi. Nhưng anh quên cái phong bì. Ngay lúc anh vừa ra khỏi nhà, cô lấy phong bì lá thư ra quan sát kĩ lưỡng. Tuồng chữ ghi địa chỉ cô thấy không quen thuộc nhưng nét chữ nắn nót và cô đoán phải là nét chữ đàn bà.

Khi anh về, cô thờ ơ hỏi anh hôm nay có thư chưa.

“Chưa.” Tomas trả lời. Câu trả lời của Tomas làm Tereza thấy đầy ứ nỗi chán chường tuyệt vọng, nỗi chán chường càng ghê gớm vì cô vẫn không tài nào chấp nhận nó cách dễ dàng. Không, cô không tin anh có nhân tình bí mật nào trong làng. Điều đó không thể xảy ra. Mỗi giây phút rảnh rỗi của anh cô đều hay biết anh làm gì. Chắc anh vẫn giữ liên lạc với người đàn bà nào trên Praha, người anh không xoá bỏ hình bóng được dù cô ta không để lại mùi háng trên tóc tai anh nữa. Tereza không nghĩ Tomas muốn bỏ cô chạy theo người đàn bà đó, nhưng hai năm trời hạnh phúc ở đồng quê giờ đây đột nhiên bị câu nói dối làm lu mờ ảm đạm.

Ý tưởng cũ lại hiện về trí óc cô: Ngôi nhà của cô là Karenin chứ không phải Tomas. Ai sẽ là người lên dây cái đồng hồ đo ngày tháng của hai người sau khi Karenin ra đi?

Đưa trí óc trôi về tương lai, tương lai không có Karenin, Tereza cảm thấy như bị bỏ rơi.

Karenin nằm rên gầm gừ trong xó nhà. Tereza bỏ ra vườn. Cô nhìn đám cỏ giữa hai cây táo và tưởng tượng sẽ chôn Karenin ở đó. Cô ấn gót chân xuống đất và vạch thành hình chữ nhật trên cỏ. Đó sẽ là mồ chôn Karenin.

“Em làm gì vậy?” Tomas hỏi cô, anh làm cô giật mình như trước đó ít giờ cô làm anh giật mình.

Cô không trả lời. Anh để ý thấy lần đầu tiên trong nhiều tháng trời tay cô run lẩy bẩy. Anh đưa tay nắm tay cô nhưng cô giật lại.

“Có phải đó là mồ chôn Karenin?”

Cô vẫn không thèm trả lời anh.

Sự im lặng làm anh bốc cơn giận dữ. Anh nổ bùng. “Em lên án anh nghĩ đến nó bằng thì quá khứ, còn em, em đang làm cái gì đây? Em đi thu xếp việc ma chay cho nó!”

Cô quay lưng lại anh.

Tomas bỏ vào phòng riêng đóng sầm cánh cửa.

Tereza theo vào mở cửa ra. “Thay vì lúc nào cũng nghĩ đến mình, anh thử ít nhất tôn trọng nó một chút xem sao.” Cô bảo anh. “Nó đang ngủ, anh vào đánh thức nó dậy. Bây giờ nó lại bắt đầu rên rỉ nữa kìa.”

Cô biết cô không phải với anh (con chó đâu có ngủ); cô biết cô đang diễn những hành vi đàn bà tầm thường nhất, hạng đàn bà gây đau đớn và biết cách gây đau đớn cho người khác.

Tomas rón rén bước vào phòng nơi Karenin đang nằm, nhưng Tereza không cho anh yên một mình với con chó. Cả hai ngồi phủ phục lên nó, mỗi người một bên. Hành động này không ám chỉ sự làm lành hoà hoãn. Ngược lại là đằng khác. Mỗi người một thế giới riêng. Tereza với con chó của cô. Tomas với con của anh.

Tại sao từ ngữ “điền viên tĩnh mặc” lại quan trọng như vậy với Tereza?

Giống như chúng ta trưởng thành với những huyền thoại từ quyển kinh Cựu Ước, có thể nói điền viên tĩnh mặc là hình ảnh rơi rớt trong chúng ta như kí ức về Thiên đàng: sống trên Thiên đàng không có nghĩa là chạy theo đường thẳng đi về nơi vô định; cuộc sống không phải cuộc mạo hiểm. Nó di động theo đường tròn quanh những món vật quen thuộc. Đơn điệu nảy sinh hạnh phúc, không phải nỗi buồn tẻ chán chường.

Khi nào còn sinh sống nơi đồng quê, với thiên nhiên, chung quanh là gà vịt trâu bò, giữa những mùa màng đều đặn đến rồi đi, con người còn ghi nhận trong lòng hình ảnh lờ mờ cảnh điền viên tĩnh mặc nơi Thiên đàng. Đó là lí do tại sao khi gặp người chủ nhiệm hợp tác xã tại thành phố khoáng tuyền, trong đầu Tereza vẽ nên hình ảnh miền quê (miền quê cô chưa bao giờ sinh sống hoặc hiểu biết) mà cô thấy êm đẹp quyến rũ vô cùng.

Adam, đứng nhìn xuống lòng giếng, không nhận ra hình bóng dưới giếng chính là mình. Adam chẳng bao giờ hiểu nổi Tereza khi cô còn là cô bé gái đứng trước gương và cố thấu thị tâm hồn mình qua thân xác. Adam giống Karenin. Tereza đặt ra trò chơi bắt Karenin nhìn nó trong gương, nhưng nó chẳng bao giờ nhận ra hình ảnh chính nó mà chỉ nhìn vô hồn với vẻ thản nhiên ngoài tưởng tượng.

So sánh Adam với Karenin khiến tôi liên tưởng đến ý nghĩ trên Thiên đàng con người chưa hẳn là con người. Hay nói chính xác hơn, khi con người chưa bị đuổi đi. Giờ đây chúng ta là những kẻ bị đuổi ra khỏi Thiên đàng từ lâu lắm rồi, và đang bay giữa khoảng trống thời gian theo đường bay thẳng tắp. Tuy vậy đâu đó mãi sâu bên dưới, sợi chỉ mong manh vẫn thắt buộc chúng ta với cõi Thiên đàng tít tắp mù khơi kia, nơi Adam đứng soi hình bóng mình dưới lòng giếng và, không giống Narcissus, ông chẳng bao giờ nghi hoặc cái bóng vàng chạch nhờ nhờ dưới kia lại chính là mình. Con người khao khát Thiên đàng tức là khao khát không còn là con người nữa.

Khi còn nhỏ, mỗi lần bắt gặp băng vệ sinh mẹ cô dùng xong vứt bừa bãi, cô cảm thấy gớm ghiếc ghê tởm, cô ghét mẹ không biết xẩu hổ không chịu ném những vật ghê tởm đó đi. Nhưng Karenin, một con chó cái, cũng có chu kì kinh nguyệt của nó. Mỗi sáu tháng nó bị một lần và mỗi lần kéo dài cả hai tuần lễ. Để ngăn ngừa nó làm dơ nhà, Tereza nhét nùi bông gòn giữa hai chân sau nó rồi tròng chiếc quần lót cũ giữ cho bông gòn khỏi rớt, xong cô còn khéo léo thắt chiếc nơ bó chặt những thứ lùng nhùng đó vào thân mình nó. Suốt hai tuần lễ cô cười ngất mỗi lần nhìn con chó.

Tại sao kinh nguyệt của chó cô thấy thích chí buồn cười còn kinh nguyệt của chính mình cô thấy buồn nôn buồn mửa? Tôi thấy câu trả lời giản dị lắm: chó không bao giờ bị đuổi khỏi Thiên đàng. Karenin không hay biết gì về tính lưỡng đối giữa tâm hồn và thể xác, nó cũng chẳng có khái niệm gì về sự ghê tởm. Đó là lí do tại sao Tereza thấy tự do và dễ dàng với con chó. (Và đó cũng là lí do tại sao thật nguy hiểm nếu chúng ta biến con vật thành một machinae animatae, biến con bò cái thành cái máy sản xuất sữa. Làm thế, con người cắt đứt sợi chỉ ràng buộc con người với Thiên đàng và sẽ chẳng còn gì cho con người nắm giữ hay an ủi trong chuyến không trình bay xuyên qua khoảng trống thời gian nữa.)

Từ những ý tưởng lộn xộn này nảy sinh một ý tưởng táo bạo mà Tereza không tài nào trấn át nổi: tình thương thắt buộc cô và Karenin còn tốt đẹp hơn tình thương giữa cô và Tomas. Tốt đẹp hơn chứ không to lớn hơn. Tereza không muốn trách cứ Tomas hay chính mình; cô không đòi hỏi hai người phải yêu thương nhau nhiều hơn. Đặt bên cạnh bản chất liên hệ vợ chồng, cô có cảm giác tình thương giữa đàn ông đàn bà là cái gì thấp kém hơn cả tình thương (ít nhất ở những cảnh huống tốt đẹp nhất) giữa người và chó. Sự bất thường trong lịch sử con người đó, theo cô, có lẽ là do Ông Tạo không tính trước.

Tình thương đó hoàn toàn không vị kỉ: Tereza không hề mong muốn điều gì từ Karenin; cô chẳng bao giờ yêu cầu nó phải yêu thương cô lại. Cô cũng tuyệt nhiên không thắc mắc nêu câu hỏi thường xuyên giằn vặt quấy nhiễu những cặp vợ chồng người: Chàng có yêu thương mình không? Chàng có yêu thương ai hơn mình không? Chàng có yêu thương mình hơn mình yêu thương chàng không? Có lẽ tất cả những câu hỏi chúng ta đặt ra để đo lường, thử thách, trắc nghiệm, cứu vãn tình yêu đều tạo ảnh hưởng phụ lực chặt đứt nó mau lẹ hơn. Có lẽ lí do chúng ta không yêu thương được ai là vì chúng ta khao khát được yêu thương, điều đó có nghĩa chúng ta đòi hỏi cái gì đó (tình yêu) từ người bạn đời thay vì dâng hiến chính chúng ta cho người kia mà không kèm theo yêu cầu nào ngoại trừ sự có mặt của người đó.

Và còn điều nữa: Tereza chấp nhận Karenin là Karenin; cô không ép buộc nó phải ghi khắc hình ảnh cô. Cô đồng ý ngay từ lúc khởi điểm cuộc đời nó là cuộc đời chó, cô không ép buộc nó phải bước ra cuộc đời đó, cô không ganh tị với những bí mật cuộc đời nó. Lí do cô huấn luyện nó không phải vì cô muốn thay đổi nó (như vợ chồng tìm cách cải đổi nhau), mà chỉ vì cô muốn dạy nó một thứ ngôn ngữ sơ đẳng để nó hiểu cô, và từ đó có thể chung sống với nhau dễ dàng hơn.

Rồi còn nữa: Không ai ép buộc cô phải thương Karenin; thương chó là cái gì tự nguyện. (Một lần nữa Tereza lại nhớ đến bà mẹ, và cô ân hận về những chuyện xảy ra trước đây giữa mẹ con. Giá mẹ cô là một trong những người đàn bà vô danh trong làng, chắc cô sẽ thấy thái độ thô lậu luông tuồng của bà chẳng có gì khó ưa. Ôi, phải chi mẹ cô là người lạ! Từ thuở bé thơ Tereza đã thấy xấu hổ vì diện mạo mình giống mẹ và cách mẹ cô tước đoạt “cái tôi” từ cô như thế nào. Tệ hại hơn là cái mệnh lệnh xưa cũ muôn đời “Hãy yêu mẹ kính cha” ép buộc cô phải đồng ý cho kẻ xâm lăng chiếm đoạt, phải gọi sự thô bạo là tình thương! Không phải vì mẹ cô có lỗi cô từ bỏ ra đi. Tereza từ bỏ mẹ không phải vì bà là bà mẹ tệ lậu không ra gì mà chỉ vì bà là mẹ cô.)

Nhưng trên hết: Không ai có quyền cho kẻ khác quà tặng được hưởng thú yên bình tĩnh lặng; chỉ loài vật làm được điều đó, bởi loài vật không bị đuổi ra khỏi Thiên đàng. Tình thương giữa người và chó là cái gì tĩnh lặng dịu êm. Không có những va chạm đối nghịch, không có những cảnh tượng khiếp vía kinh hồn, không có những biến chuyển đổi thay. Karenin vây quanh Tereza và Tomas với cuộc sống dựa trên sự lặp lại, và nó chờ đợi hai người cũng làm như thế với nó.

Giả như Karenin là người thay vì chó, chắc chắn từ lâu nó đã bảo Tereza, “Này, tôi chán vô cùng mỗi ngày phải ngoạm đem về ổ bánh trong miệng. Bà không biết cho tôi cái gì khác hơn sao?” Và nằm trong đó là toàn thể tình huống con người. Thời gian của con người không đi theo đường tròn; nó chạy về phía trước theo đường thẳng. Đó là lí do tại sao con người không thể có hạnh phúc: hạnh phúc là khao khát sự lặp lại.

Vâng, hạnh phúc là khao khát sự lặp lại, Tereza nhủ thầm.

Lần nào cũng thế, lúc dẫn con heo Mefisto ra ngoài đi dạo và gặp Tereza, ông chủ nhiệm hợp tác xã đều nói câu, “Tereza, tại sao phải đợi đến cuối đời tôi mới có nó vậy? Nó và tôi, chúng tôi mà đi tán đàn bà thì phải biết! Đàn bà nào chịu thấu hai con heo nhỏ này?”, lúc đó con heo được dạy phải kêu ủn ỉn và hục hặc cái đầu. Mỗi lần như vậy Tereza cười ngất, mặc dù cô biết trước từng chữ từng câu ông ta sẽ nói. Câu nói bông đùa không hề mất vẻ duyên dáng mặc dù ông lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngược lại là đằng khác. Giữa khung cảnh điền viên tĩnh mặc lí tưởng, ngay cả sự bông đùa cũng bị định luật ngọt ngào của sự lặp lại chi phối.

So với người, chó không được hưởng bao nhiêu ưu thế, nhưng một ưu thế tối quan trọng chó hơn người là: không luật pháp nào ngăn cấm chó được chết cách nhẹ nhàng không đau đớn; loài vật có quyền chết cái chết khoan dung, thanh thản. Karenin còn ba chân để đi và càng ngày nó càng nằm bệt nhiều hơn trong xó nhà. Và gầm gừ rên rỉ. Cả vợ lẫn chồng đều đồng ý không việc gì bắt nó phải chịu đau đớn không cần thiết như thế. Nhưng hai người chỉ đồng ý trên nguyên tắc, họ phải đối đầu mối lo làm thế nào định được thời điểm sự chịu đựng thật sự không cần thiết nữa, thời điểm cuộc sống không còn đáng sống.

Phải chi Tomas không phải là bác sĩ! Nếu vậy họ có thể trốn núp sau nhân vật thứ ba. Họ chỉ việc đem nó trở lại vị bác sĩ thú y và nhờ ông tiêm cho nó một ống thuốc ngủ là xong.

Đảm nhiệm vai trò Tử thần là cái gì hết sức kinh khiếp. Tomas nhất định không chịu cầm ông tiêm; anh bảo để người bác sĩ thú y sang làm công việc đó. Nhưng rồi anh nhận ra chính anh là người có thể ban bố cho Karenin cái đặc ơn loài người bị cấm đoán: Cái chết đến với nó qua lốt vỏ những người yêu thương nó.

Suốt đêm Karenin rên rỉ. Sáng ra, sau khi xem xét chân con vật, Tomas bảo Tereza, “Phải làm ngay thôi, chờ đợi chỉ chuốc thêm khổ cho nó.”

Ít phút nữa họ phải ra đồng. Tereza vào thăm Karenin. Cho đến lúc đó, nó vẫn nằm yên trong xó nhà tuyệt nhiên không buồn động đậy (ngay cả khi Tomas vào xoa nắn chân nó, nó cũng không cất đầu lên nhìn anh), nhưng nghe tiếng cửa mở và thấy Tereza đi vào, nó ngước đầu dậy giương mắt nhìn cô.

Cái nhìn của Karenin làm cô xốn xang không chịu nổi, nó làm cô gần như hãi sợ. Nó chẳng hề nhìn Tomas như thế, chỉ với cô thôi. Nhưng chưa bao giờ mãnh liệt như vầy. Không phải là cái nhìn tuyệt vọng, ngay cả buồn bã cũng không. Không, đó là cái nhìn hàm chứa niềm tin khôn kham đáng sợ. Cái nhìn là câu hỏi nôn nao. Suốt đời Karenin chờ đợi câu trả lời từ Tereza, và nó đang cho cô hay biết (với sự khẩn cấp hơn bình thường) là nó vẫn đang sẵn sàng học thêm chân lí từ cô. (Với nó tất cả những gì từ Tereza đều là chân lí. Ngay cả những câu ra lệnh như “Ngồi!” hay “Nằm xuống” nó đều xem là chân lí đem ý nghĩa lại cho cuộc đời nó.)

Cái nhìn với niềm tin đáng sợ đó kéo dài không lâu; chỉ trong thoáng chốc nó lại gục đầu xuống hai bàn chân trước. Tereza biết sẽ chẳng bao giờ còn ai nhìn cô với ánh mắt đó nữa.

Hai người không bao giờ cho nó ăn đồ ngọt, nhưng gần đây cô mua cho nó ít kẹo sô cô la. Cô bóc bao giấy nhôm, bẻ vụn thỏi kẹo thành nhiều mảnh nhỏ rồi rải thành vòng tròn chung quanh nó. Đoạn cô đem đến tô nước lạnh để nó có mọi thứ ăn uống trong thời gian mấy tiếng ở nhà một mình. Cái nhìn nó nhìn cô mới đây dường như làm nó thấm mệt. Mặc dù chung quanh đầy kẹo sô cô la, nó vẫn không ngẩng đầu lên.

Cô nằm dài dưới sàn nhà bên cạnh con chó rồi quàng tay ôm nó. Với đầy khó nhọc nó chậm chạp xoay đầu lại đánh hơi rồi thè lưỡi liếm mặt cô hai ba cái. Cô nhắm chặt hai mắt trong lúc nó liếm cô như thể cô muốn ghi nhớ cảm giác đó mãi. Đoạn cô đưa má bên kia cho nó liếm.

Sau đó cô phải đi chăn đàn bò. Cô về nhà trước giờ ăn trưa. Tomas chưa về. Karenin vẫn nằm dưới sàn nhà, chung quanh sô cô la còn nguyên, nó không buồn ngẩng đầu khi nghe tiếng cô bước vào nhà. Cái chân đau của nó bây giờ sưng vù lên, và vết ung nhọt lan rộng hơn. Cô để ý thấy dưới lớp lông của nó lấm tấm mụn ửng đỏ (nhưng không giống màu máu.)

Một lần nữa cô nằm dài bên cạnh con chó. Cô quàng tay ôm thân hình nó rồi nhắm mắt lại. Đột nhiên cô nghe tiếng đập cửa. “Bác sĩ! Bác sĩ! Con heo đến rồi. Con heo và chủ nó!” Cô không còn hơi sức đâu để nói chuyện với bất cứ ai trong lúc này, cô nằm yên, mắt vẫn nhắm nghiền. “Bác sĩ! Bác sĩ! Mấy con heo đến rồi.” Và sau đó là im lặng.

Mãi nửa giờ sau Tomas mới có mặt ở nhà. Anh đi thẳng vào nhà bếp, không nói không rằng chuẩn bị kim chích. Lúc anh bước vào phòng nơi Karenin nằm, Tereza đã đứng lên và con chó đang cố chõi dậy. Khi thấy Tomas, nó vẫy đuôi yếu ớt.

“Anh xem này,” Tereza bảo, “nó đang cười.”

Cô nói giọng khẩn khoản, như cố trì hoãn việc đã rồi, nhưng không có gì quyết liệt lắm.

Cô chậm rãi trải tấm vải trên mặt ghế dài. Tấm vải màu trắng điểm những bông tím tí hon. Cô đã suy nghĩ và sắp đặt cẩn thận mọi thứ, tưởng tượng ra cái chết của Karenin từ nhiều ngày trước. (Ôi, quả kinh hãi khi ta thật sự tưởng tượng trước cái chết của người ta yêu thương!)

Nó không còn sức nhẩy lên ghế. Hai người phải bế nó lên. Tereza đặt nó nằm nghiêng trong lúc Tomas xem xét một trong ba chân lành của nó. Anh vạch lông tìm một động mạch tương đối lớn. Đoạn anh dùng kéo cắt đi ít lông.

Tereza quỳ gối bên cạnh, cô ôm đầu con Karenin sát vào mặt mình.

Tomas nhờ cô bóp chân Karenin vì mũi kim vào hơi khó. Cô làm theo lời anh bảo, nhưng mặt cô vẫn không rời đầu con vật. Cô khe khẽ vỗ về nó, và nó chỉ nghĩ đến cô mà thôi. Nó không sợ hãi. Nó liếm mặt cô hai lần nữa. Tereza tiếp tục nói thầm vào tai nó, “Cưng đừng sợ, cưng đừng sợ nhé, ở trên đó cưng sẽ không bị đau đớn nữa đâu, cưng sẽ mơ thấy sóc nè, thỏ nè, sẽ có đàn bò cho cưng nữa, và Mefisto sẽ lên chơi với cưng, cưng đừng sợ nhé...”

Tomas đâm mũi kim vào mạch máu con Karenin. Chân nó giật mạnh, hơi thở nó dồn dập chừng vài giây rồi ngừng hẳn. Tereza vẫn ngồi dưới sàn nhà bên cạnh ghế, mặt cô vùi vào đầu con vật.

Sau đó hai người ra đồng tiếp tục công việc bỏ dở, xác con vật nằm trên ghế dài, trên tấm vải trắng điểm bông tím tí hon.

Mãi gần tối họ mới về. Tomas ra vườn sau. Anh tìm ra đám cỏ nơi Tereza dùng gót chân vạch thành hình chữ nhật giữa hai gốc táo. Đoạn anh bắt đầu xới đất lên. Anh đào lỗ huyệt thật sát theo đường vạch. Anh muốn mọi thứ phải y như Tereza hoạch định.

Cô ở lại trong nhà với Karenin. Cô sợ nếu không cẩn thận, lỡ chôn sống nó thì nguy lắm. Cô ghé tai sát miệng nó lắng nghe và ngỡ như có tiếng thở yếu ớt. Cô lùi lại và dường như thấy ngực nó hơi cử động lên xuống.

(Không, tiếng thở từ cô, và vì hồi hộp cơ thể cô hơi dao động khiến cô có cảm tưởng con vật đang động đậy.)

Cô lục tìm trong xắc tay cái gương nhỏ rồi dí sát miệng con vật. Cái gương lem luốc đến độ cô tưởng trên mặt gương đọng những giọt hơi nước do hơi thở con vật gây ra.

“Tomas! Nó còn sống!” Cô hét lên trong lúc Tomas từ ngoài vườn bước vào, đôi ủng dưới chân anh dính đầy bùn đất.

Tomas đến cúi xuống xác con vật, anh lắc đầu.

Vợ chồng mỗi người nắm một đầu mảnh vải, Tereza đầu dưới, Tomas đầu trên, hai người khiêng xác con vật ra vườn.

Tereza cảm thấy mảnh vải ươn ướt trong tay mình. Nó quậy ướt lúc đi vào cuộc đời mình bây giờ quậy ướt lúc đi ra, vừa khiêng cô vừa nghĩ thầm như vậy, và mảnh vải ướt khiến cô thấy vui vui trong lòng, đó là lời chào vĩnh biệt của nó.

Họ khiêng xác nó đến đặt dưới lỗ huyệt bên cây táo. Cô kéo miếng vải che kín xác nó. Lát nữa đây đất bùn sẽ ném xuống như mưa đập lên thân xác trần truồng của nó, nghĩ đến chừng đó thôi cô đã chịu không nổi rồi.

Đoạn cô trở vào nhà lấy ra giây tròng cổ của nó và nắm sô cô la còn nguyên rải dưới sàn nhà chung quanh nó từ sáng. Cô ném tất cả xuống lỗ huyệt.

Bên cạnh là ụ đất mới đào. Tomas cầm xẻng lên.

Ngay lúc đó, Tereza nhớ lại giấc mơ: Karenin đẻ ra hai ổ bánh mì và một con ong. Đột nhiên dòng chữ vang lên nghe như lời ghi trên mộ bia. Cô hình dung đài kỉ niệm dựng lên nơi đó, giữa hai cây táo, với hàng chữ Nơi yên nghỉ của Karenin. Nó đẻ ra hai ổ bánh mì và một con ong.

Trong vườn trời tranh sáng tranh tối, thời điểm giữa ngày và đêm. Trên nền trời mảnh trăng lờ mờ hiện ra, ngọn đèn quên tắt trong gian phòng người chết.

Ủng dưới chân hai người bê bết bùn đất lúc họ đem mai xẻng đi cất trong nhà chứa dụng cụ nơi cào, cuốc, thùng đựng nước dựng đứng thành hàng một.

Anh ngồi tại bàn giấy chỗ anh thường ngày đọc sách. Những lúc như vậy Tereza hay lẻn đến sau anh, cúi xuống áp má cô vào má anh. Nhưng hôm đó cô làm anh giật mình. Anh không đọc sách, trước mặt anh là một lá thư, và mặc dù lá thư dài không quá năm hàng chữ đánh máy, Tomas tư lự nhìn vào mảnh giấy thật lâu.

“Chuyện gì vậy, anh?” Tereza hỏi, giọng cô đột nhiên đầy lo âu.

Vẫn không quay đầu lại, Tomas đưa cô lá thư. Lá thư yêu cầu anh có bổn phận phải trình diện ngay ngày hôm đó tại phi trường thị xã lân cận.

Khi anh quay lại nhìn cô, Tereza đọc được nét khiếp sợ mới dấy lên trong cô nơi mắt anh.

“Em đi với anh.” Cô bảo.

Anh lắc đầu. “Họ chỉ muốn gặp anh thôi.”

“Không, em đi với anh.” Cô lặp lại lần nữa.

Hai người đi bằng xe tải của Tomas. Không bao lâu họ đến phi trường. Trời sương mù dày đặc. Cố lắm họ mới nhận ra hình ảnh lờ mờ mấy chiếc phi cơ đậu trong phi trường. Họ đi từ chiếc này sang chiếc khác, nhưng tất cả cửa phi cơ đều đóng kín. Không được phép vào. Cuối cùng họ tìm ra chiếc phi cơ cửa mở, cầu thang dẫn thẳng lên. Họ leo lên cầu thang và người tiếp viên đứng bên cửa chào đón họ. Phi cơ nhỏ lắm – loại chứa không quá ba mươi hành khách – và hoàn toàn trống trơn. Họ bước lần theo lối đi giữa hai hàng ghế, vừa đi vừa ôm lấy nhau cố không để ý gì đến ngoại cảnh chung quanh. Họ chọn ghế ngồi bên cạnh nhau và Tereza ngả đầu lên vai Tomas. Làn sóng khiếp sợ đầu tiên đi qua và nỗi buồn tràn về xâm chiếm.

Khiếp hãi là cú sốc, là thời khắc của mù loà câm nín. Khiếp hãi thiếu mọi ám hiệu gợi nét đẹp. Tất cả những gì nhìn thấy chỉ còn là tia sáng xuyên phá của biến cố bất tường đang chờ đón. Buồn bã, mặt khác, đi kèm giả thiết đã hay biết tường tận trước sau. Tomas và Tereza biết rõ chuyện gì đang chờ đón hai người. Tia sáng của khiếp sợ vì thế nhạt đi nét thô bạo, và thế giới đắm chìm giữa luồng sáng êm dịu xanh xao và thật sự đẹp đẽ hẳn lên.

Lúc đọc lá thư, Tereza không thấy yêu thương Tomas; cô chỉ giản dị nhận ra cô không thể tách lìa anh một giây một phút nào: cảm giác khiếp hãi chế ngự hoàn toàn mọi cảm xúc và bẩm tính khác. Giờ đây ngồi dựa vai anh (trong lúc phi cơ bay xuyên qua những đám mây dông bão), cơn sợ trong cô lắng xuống và cô nhận ra tình yêu của mình, tình yêu cô biết không có hạn kì hay cương vực.

Cuối cùng phi cơ đáp xuống. Họ đứng dậy đi ra cửa, người tiếp viên mở cửa cho họ ra. Vẫn ôm hông nhau, họ dừng lại từ trên cầu thang nhìn xuống. Bên dưới ba gã đàn ông đầu phủ bao vải kín mít, tay cầm súng dài. Trốn chạy chỉ vô ích thôi, bởi không có lối thoát nào. Họ từ từ bước xuống, và khi chân họ vừa chạm mặt đất, một trong ba gã đàn ông nâng súng lên nhắm vào người họ. Không nghe tiếng súng nổ nhưng Tereza cảm thấy Tomas ngã gục xuống đất dù mới phút giây trước đó anh còn dựa vào cô, tay vòng qua ôm hông cô.

Cô cố sức lôi anh về phía mình nhưng không cách nào giữ anh đứng vững nổi, và anh ngã xuống nền xi măng phi đạo. Cô nghiêng người trên xác anh, như sắp sửa quăng mình lên anh, dùng xác mình che xác anh. Đột nhiên cô thấy cái gì lạ lùng quá đỗi hiện ra: xác anh bỗng nhiên vụt cái thu nhỏ lại ngay trước mắt cô. Cô kinh hoàng đến độ tê cứng cả người và đứng chết trân nơi đó. Càng thu rút nhỏ, xác Tomas càng không giống anh, cho đến khi nó biến thành món vật bé tí teo và bắt đầu cử động, rồi nó phóng vụt qua bãi đất trống phi trường.

Gã đàn ông bắn anh hồi nãy gỡ bao che mặt rồi nhìn Tereza cười thiện cảm. Đoạn gã quay người phóng chạy đuổi theo món vật bé tí. Nó đâm bên này bổ bên kia như thể đang cố gắng cách tuyệt vọng trốn chạy và tìm chỗ ẩn núp. Cuộc rượt bắt kéo dài trong chốc lát đến khi gã đàn ông thình lình phóng mình xuống mặt đất. Cuộc rượt bắt kết thúc.

Gã đàn ông đứng dậy bước về phía Tereza, cầm trên tay món vật gã bắt được. Nó sợ hãi run bần bật. Một con thỏ. Gã đưa Tereza con thỏ. Ngay lúc đó, cơn khiếp sợ cũng như nỗi buồn trong cô bỗng nhiên lắng xuống và cô thấy vui sướng xiết bao được ôm con vật trong lòng, vui sướng vì con vật thuộc về cô và cô có thể ép nó sát người mình. Nước mắt sung sướng cô trào ra. Cô khóc, khóc mãi đến khi nước mắt khiến cô mù loà, và cô đem con thỏ về nhà với cảm giác cô đã đạt gần tới mục tiêu, nơi chốn cô muốn trở về và sẽ không bao giờ ruồng bỏ nữa.

Lang thang trên đường phố Praha, cô dễ dàng tìm ra căn nhà cũ, căn nhà cô chung sống với Ba Mẹ cô khi còn là cô bé gái. Nhưng Ba Mẹ đi đâu mất rồi. Chào đón cô là hai người già cả cô chưa bao giờ gặp mặt nhưng cô biết ngay đó là ông bà cố mình. Da dẻ khuôn mặt hai người già nhăn nheo như thân cây đại thụ, nhưng Tereza sung sướng sống chung với họ. Nhưng bây giờ Tereza muốn yên tĩnh một mình với con vật của cô. Cô tìm ngay ra căn phòng riêng hồi cô năm tuổi, lúc cha mẹ cô quyết định cô xứng đáng có phòng riêng.

Phòng có giường ngủ, bàn ghế mỗi thứ một cái. Trên bàn đặt ngọn đèn, ngọn đèn không bao giờ tắt tiên liệu có lúc cô quay về, một con bướm đôi cánh mở rộng trên có hai con mắt lớn đậu trên ngọn đèn. Tereza biết cô đã đạt tới đích. Cô nằm lăn ra giường và ôm con thỏ ép sát mặt mình.

Anh ngồi tại bàn giấy chỗ anh thường ngày đọc sách, trước mặt anh là cái phong bì với lá thư bên trong. “Thỉnh thoảng anh nhận được những lá thư này mà anh chẳng bao giờ cho em hay biết.” Anh bảo Tereza. Thư thằng con trai anh viết. Anh cố tách rời đời sống nó ra khỏi đời sống anh, vậy mà định mệnh đâu để yên cho anh. Cách đây ít năm nó bị đuổi khỏi trường Đại học. Hiện nó lái xe máy cày tại ngôi xã lân cận. Đời sống nó và anh có thể không dính líu gì nhau, nhưng cả hai cùng đi về một hướng, như những đường thẳng song song.”

“Tại sao anh không bao giờ cho em hay biết về những lá thư?” Tereza hỏi, thở phào nhẹ nhõm.

“Anh không biết tại sao. Có lẽ vì chẳng có gì vui, anh đoán vậy.”

“Nó thường viết cho anh không?”

“Thỉnh thoảng.”

“Nó viết về cái gì?”

“Về nó.”

“Có chi hay ho không?”

“Có. Em nhớ mẹ nó là người Cộng sản trung kiên. Nhưng nó từ mẹ nó từ lâu lắm rồi. Sau đó nó kết thân với những người bị gây rắc rối như cảnh ngộ vợ chồng mình, và nó dính líu tới những hoạt động chính trị của những người đó. Có người hiện đang ở tù. Nhưng rồi nó lại từ giã. Trong thư nó gọi những người này là ‘những nhà cách mạng muôn đời.’“

“Điều đó có nghĩa nó chấp nhận sống yên với chế độ sao?”

“Không, không hề có chuyện đó bao giờ. Nó tin vào Thượng đế và nghĩ đó là chìa khoá cho đời sống. Nó nói chúng ta nên sống theo lời dạy của tôn giáo mà quên đi mọi chú ý đến chế độ, hoàn toàn để ngoài tai. Nó bảo nếu chúng ta tin vào Thượng đế, chúng ta có thể chấp nhận mọi trạng huống và, dùng chính hành vi của chúng ta làm phương tiện, khả dĩ hoán đổi trạng huống đó thành cái nó gọi là ‘Thiên quốc Đức Chúa Trời nơi hạ giới.’ Nó bảo nhà thờ là hiệp hội tình nguyện duy nhất trong toàn quốc thoát cảnh bị nhà nước quản chế. Anh thắc mắc, không hiểu nó gia nhập Hội thánh vì muốn chống chế độ hay thật sự tin tưởng vào Thượng đế.”

“Tại sao anh không hỏi thẳng nó?”

“Anh kính phục những người có niềm tin,” Tomas nói tiếp. “Anh nghĩ họ là người có đường lối tiếp nhận sự vật một cách siêu việt khác thường mà anh không có. Nó tương tự như cái nhìn thông suốt quá khứ vị lai, em có thể nói như vậy. Nhưng cảnh ngộ thằng con anh lại chứng minh niềm tin thật ra là cái gì hết sức đơn giản. Nó bị trù dập, nhà thờ mở cánh cửa đón nó vào, và nó có niềm tin trước khi nó nhận ra điều đó. Vì thế, nghe như chính sự biết ơn đã quyết định câu chuyện. Quyết định của con người quả đơn giản lắm thay.”

“Anh có bao giờ hồi âm nó không?”

“Thư nó viết chẳng bao giờ ghi địa chỉ người gửi,” anh trả lời cô, “mặc dù con dấu bưu điện ghi tên quận hạt. Anh có thể gửi thư về văn phòng hợp tác xã.”

Tereza thấy xấu hổ vì đã nghi ngờ Tomas, cô hi vọng chuộc tội bằng cách mở lòng tử tế tốt đẹp đến người con trai anh. “Nếu vậy sao anh không viết cho nó vài hàng mời nó đến nhà chơi?”

“Trông nó giống anh lắm,” Tomas bảo. “Lúc nói chuyện, môi trên nó cong lại y như môi anh. Ý tưởng nhìn đôi môi mình đi lại bên trong Thiên quốc Đức Chúa Trời – lạ lẫm quá đỗi thôi.”

Tereza phá lên cười.

Tomas cười theo.

“Tomas, anh đừng trẻ con! Dù sao chuyện giữa anh và bà vợ trước là chuyện cũ. Việc gì đến nó? Nó dính líu gì đến chuyện đó đâu. Tại sao phải làm khổ thằng nhỏ chỉ vì lúc trẻ anh không chín chắn khiến xảy chuyện lỡ lầm?”

“Thành thật mà nói, anh thấy khớp nghĩ đến lúc gặp mặt nó. Đó là lí do chính tại sao anh trù trừ do dự mãi. Anh không biết cái gì khiến anh cứng đầu như thế và ngăn cản, không cho anh gặp nó. Đôi khi mình có thiên kiến về vấn đề gì đó mà không biết tại sao, và sự quyết tâm đó dai dẳng không đổi thay được vì sức mạnh cái noạ tính trong con người chúng ta. Năm tháng chồng chất nỗi khó khăn thay đổi càng lúc càng lớn hơn.”

“Anh mời nó lại nhà đi.” Cô bảo anh.

Chiều hôm đó trong lúc từ chuồng bò về, cô nghe tiếng người văng vẳng từ xa. Đến gần hơn, cô thấy chiếc xe tải của Tomas. Tomas đang cúi người thay bánh xe, trong lúc mấy người đàn ông khác đứng chung quanh nhìn và chờ anh làm xong công việc.

Cô thấy xót xa trong dạ: trông anh già nua quá đỗi. Tóc anh bạc, và sự chậm chạp vụng về nơi anh không phải vì anh đang từ địa vị bác sĩ bỗng chốc biến thành người tài xế xe tải mà vì anh không còn trẻ trung nữa.

Cô nhớ câu chuyện mới đây với ông chủ nhiệm hợp tác xã. Ông bảo cô chiếc xe tải của Tomas hư hao nhiều quá. Ông nói như đùa bỡn chứ không phải than phiền, nhưng cô hiểu ông quan tâm. “Tomas rành rẽ lục phủ ngũ tạng bên trong cơ thể con người ta chứ máy xe thì ổng biết gì.” Ông vừa nói vừa cười. Đoạn ông thú thật ông lên nói chuyện với cơ quan trên mấy lần xin phép cho Tomas trở lại hành nghề bác sĩ, ngay tại địa phương đây cũng được. Nhưng ông biết bên công an chẳng bao giờ chấp thuận cho chuyện đó xảy ra.

Cô đến núp sau thân cây lớn để không ai trông thấy cô. Đứng quan sát anh, cô tự trách thầm: Chính cô là người có lỗi đã buộc anh phải quay về Praha, và cũng vì cô anh phải từ bỏ Praha về đây. Ngay cả nơi đây, cô cũng không để anh sống yên bình, cô vẫn hành hạ anh bằng lòng dạ nghi ngờ thầm lén trong khi Karenin nằm chờ chết.

Cô lúc nào cũng thầm trách anh không yêu thương cô tận tình. Tình yêu nơi cô, cô đặt trên mọi than trách, nhưng tình yêu của anh chỉ là sự hạ cố tầm thường mà thôi.

Giờ đây cô thấy cô không công bằng chút nào: Nếu cô thật sự yêu thương Tomas với tình yêu vĩ đại như vậy, cô vẫn có thể chung sống với anh ở nước ngoài được chứ! Ở nước ngoài Tomas sẽ hạnh phúc; một cuộc sống mới mẻ mở ra cho anh! Vậy mà cô từ bỏ anh! Đúng, ở thời điểm đó cô tự khẳng định cô rất cao thượng trả tự do lại cho anh. Nhưng phải chăng lòng cao thượng của cô chẳng qua chỉ là lối thoát khéo léo? Cô biết rõ sớm muộn cuối cùng anh sẽ quay về với cô! Cô kêu gọi anh đi theo cô càng lúc càng xa như vị nữ thần sơn thủy đánh lừa dẫn dụ đám dân làng cả tin ra giữa vũng đầm lầy để họ chôn thân dưới đó. Cô đã lợi dụng một đêm bao tử bị quặn thắt để ngon ngọt dụ dỗ anh dọn nhà về thôn quê! Cô xảo quyệt lắm thay! Cô kêu gọi anh đi theo cô như thể muốn thử đi thử lại tình yêu anh cho cô; cô dai dẳng kêu gọi anh đi theo cô mãi, và giờ đây, anh mệt mỏi già nua, với những ngón tay cứng ngắc không bao giờ đủ sức cầm lại con dao mổ nữa.

Nhưng đến đây rồi còn đi đâu nữa. Biết về đâu bây giờ? Sẽ chẳng bao giờ được phép ra nước ngoài. Trở về Praha cũng không còn cơ hội: sẽ không ai cho họ công việc mưu sinh. Ngay cả lí do xin dọn sang ngôi làng khác cũng không.

Hỡi Chúa Trời đầy ân phước, chẳng lẽ hai người phải đi hết chặng đường đó chỉ để cô tin tưởng anh thật tình yêu thương cô sao?

Cuối cùng Tomas lắp xong bánh xe. Anh chui vào ngồi sau tay lái, bọn đàn ông nhảy lên ngồi phía sau, và chiếc xe nổ máy.

Cô về nhà mở nước tắm. Lúc nằm ngâm mình trong nước nóng, cô nhủ thầm cô đã bỏ ra cả đời người đem sự yếu đuối của mình gây khổ cho Tomas. Chúng ta ai cũng có khuynh hướng xem sức mạnh là thủ phạm và yếu đuối là nạn nhân vô tội đáng thương. Nhưng giờ đây Tereza nhận thức trong trường hợp cô điều trái ngược mới đúng! Ngay cả những giấc mơ, như thể nhận biết điểm yếu duy nhất từ người đàn ông mạnh mẽ, phô bày nỗi khổ ải của cô cho người đàn ông nhìn thấy, và từ đó bắt người đàn ông phải thối lui. Sự yếu đuối nơi cô trở nên hung hãn và liên tục ép đẩy anh phải đầu hàng cho đến điểm cuối anh mất hết sức mạnh, hoá thân thành con thỏ trong cánh tay cô. Cô không cách nào gột bỏ giấc mơ đó ra khỏi đầu óc.

Cô đứng dậy bước ra khỏi bồn tắm đoạn mặc lên người cái áo khá xinh đẹp. Cô muốn mình thật đẹp để làm anh vui, làm anh sung sướng. Ngay lúc cô cài xong khuy áo, Tomas cùng ông chủ nhiệm hợp tác xã và một gã nông phu trẻ mặt mày xanh lét ồ ạt xông vào nhà.

“Nhanh lên em!” Tomas kêu lên. “Có rượu không đem ra!”

Tereza chạy vụt ra ngoài và cô trở về với chai rượu mận trên tay. Cô rót ra li và gã thanh niên trẻ nốc một hơi cạn li rượu.

Đoạn họ kể cô nghe chuyện xảy ra. Gã thanh niên bị trặc xương vai và gã kêu rống lên đau đớn. Không ai biết phải làm gì và họ chạy đi gọi Tomas. Tomas chạy đến và chỉ cần một cái giật mạnh cánh tay gã trở lại bình thường.

Sau khi nốc cạn thêm li rượu nữa, gã thanh niên bảo Tomas, “Bà bác sĩ hôm nay trông xinh đẹp quá.”

“Thằng ngu!” Ông chủ nhiệm hợp tác xã la lên. “Tereza lúc nào chẳng xinh đẹp.”

“Tôi biết bà lúc nào cũng xinh đẹp rồi,” gã thanh niên chống chế, “nhưng hôm nay bà còn mặc áo đẹp trên người. Tôi chưa bao giờ thấy bà mặc bộ đồ đó. Ông bà sắp đi đâu phải không?”

“Không, chúng tôi chẳng đi đâu cả, tôi mặc vì Tomas đấy.”

“Ông quả tốt phước!” Ông chủ nhiệm hợp tác xã vừa nói vừa cười. “Cái mụ nhà tôi đến trong mơ cũng chẳng bao giờ ăn mặc cho tôi nhìn.”

“Có phải vì thế mà lúc nào ông cũng đi ra ngoài với con heo của ông chứ không phải mụ vợ già,” gã thanh niên trẻ nói xong vui vẻ cười theo.

“Mefisto ra sao rồi? Tomas hỏi. “Tôi không gặp nó dễ chừng” – anh ngưng lại trong giây lát – “dễ chừng một tiếng đồng hồ rồi.”

“Chắc nó đang nhớ tôi.” Ông chủ nhiệm cất tiếng.

“Nhìn bà mặc áo đẹp bỗng dưng tôi thèm đi khiêu vũ quá sức thôi,” gã thanh niên bảo Tereza. Rồi quay sang Tomas, gã hỏi, “Bác sĩ cho phép tôi khiêu vũ với bà không?”

“Vậy thì tất cả chúng ta cùng đi khiêu vũ,” Tereza nói.

“Bác sĩ đi không?” Gã thanh niên hỏi.

“Anh định đi đâu?” Tomas hỏi.

Gã thanh niên nói tên tỉnh lị lân cận nơi quán rượu khách sạn có sàn khiêu vũ.

“Cả ông nữa,” gã thanh niên quay sang nói với ông chủ nhiệm giọng chắc nịch, và lúc đó nốc đến li rượu mận thứ ba gã nói thêm, “Nếu con Mefisto nhớ ông nhiều đến vậy thì chúng tôi đem nó theo luôn. Thế là chúng ta có đến hai con heo để khoe khoang bà con. Bọn đàn bà con gái sẽ đến van xin khi nhìn đầy mắt hai con heo đi cạnh nhau!” Gã ta cứ thế cười mãi không thôi.

“Nếu quý vị không xấu hổ vì con Mefisto thì tôi đây sẵn sàng.”

Đoạn mọi người chất lên chiếc xe tải của Tomas – Tomas sau tay lái, Tereza ngồi cạnh anh và hai người đàn ông ngồi phía sau với chai rượu mận chỉ còn lưng lửng. Mãi đến lúc xe ra khỏi làng ông chủ nhiệm mới chợt nhớ mọi người quên mất con Mefisto. Ông ta la lớn bảo Tomas quay xe lại.

“Thôi đi ông ơi,” gã thanh niên gạt đi. “Một con heo nhỏ đủ làm nên trò trống rồi.” Nghe vậy ông chủ nhiệm tạm dịu xuống phần nào.

Trời tối dần. Chiếc xe tải bắt đầu leo lên những con dốc ngoằn ngoèo quẹo gắt.

Đến tỉnh mọi người đi thẳng vào khách sạn. Tereza và Tomas chưa đặt chân đến đây bao giờ. Mọi người xuống hầm dưới nơi có quầy rượu, sàn khiêu vũ và dăm ba cái bàn. Một người đàn ông tuổi chừng sáu mươi đang đàn dương cầm, người đàn bà cũng cỡ tuổi đó kéo vĩ cầm. Bản nhạc họ đang hoà tấu là nhạc cách đây bốn chục năm. Ngoài sàn nhảy có chừng năm sáu cặp đang khiêu vũ.

“Chẳng có gì cho tôi ở đây,” gã thanh niên nói sau khi quan sát tình thế, rồi gã lập tức mời Tereza ra sàn nhảy.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã và Tomas ngồi xuống bàn trống và gọi một chai rượu.

“Tôi không uống,” Tomas nhắc ông ta. “Tôi phải lái xe.”

“Ông đừng vớ vẩn, bọn mình ở lại qua đêm.” Đoạn ông bước ra quầy tiếp khách đặt hai phòng ngủ.

Lúc Tereza và gã thanh niên từ sàn nhảy trở về bàn, ông chủ nhiệm mời cô ra nhảy và cuối cùng đến phiên Tomas.

“Tomas,” cô bảo anh lúc hai người ra sàn nhảy, “tất cả những trắc trở xảy ra trong đời anh đều do lỗi em gây ra. Vì em anh bị xuống thấp đến mức này, thấp đến nỗi không thể thấp hơn được nữa.”

“Thấp? Em đang nói gì vậy?”

“Nếu ở lại Zurich, anh vẫn là bác sĩ.”

“Và em vẫn là nhiếp ảnh gia.”

“So sánh như thế vớ vẩn lắm,” Tereza bảo. “Công việc của anh đối với anh là tất cả; còn em, em đâu màng gì nó, em có thể làm bất cứ chuyện gì, em chẳng hề mất mát; chính anh mới là người mất mát mọi thứ.”

“Tereza, em không thấy anh sung sướng được sinh sống nơi đây sao?”

“Làm bác sĩ giải phẫu là sứ mệnh của anh.” Cô bảo.

“Tereza, sứ mệnh là cái gì hết sức ngu xuẩn. Anh chẳng có sứ mệnh gì cả. Không ai có. Và thật nhẹ nhõm khi nhận ra mình không còn nặng nợ một sứ mệnh nào.”

Giọng nói anh chắc nịch rạch ròi. Cô nhớ chuyện ban sáng lúc cô nhìn anh thay bánh xe tải và trông anh thật già nua. Cô đạt đến đích rồi: cô luôn mong mỏi anh già nua. Một lần nữa cô nghĩ đến con thỏ cô ôm sát mặt mình trong căn phòng thời thơ ấu.

Biến thành thỏ là ngụ ý gì? Là mất đi sức mạnh. Là không còn mạnh mẽ hơn ai nữa.

Hai người khiêu vũ theo tiếng nhạc. Tereza ngả đầu lên vai Tomas. Y như lúc hai người ngồi trong phi cơ bay xuyên qua những đám mây dông bão. Cô thấy trong lòng dâng lên cảm giác sung sướng lẫn buồn rầu như lúc đó. Buồn rầu nghĩa là: chúng ta đang ở trạm cuối. Vui sướng nghĩa là: chúng ta đang ở cạnh nhau. Buồn là hình thức, vui là nội dung. Niềm vui tràn ngập khoảng chứa của nỗi buồn.

Hai người trở lại bàn. Cô nhảy thêm hai bản nữa với ông chủ nhiệm hợp tác xã và một bản với gã thanh niên, gã say đến nỗi kéo cô ngã chúi ra ngoài sàn nhảy.

Đoạn mọi người kéo nhau lên lầu và tách ra thành hai nhóm vào hai phòng ngủ.

Tomas tra chìa khoá mở cửa rồi bật ngọn đèn trên trần. Tereza thấy trong phòng có hai cái giường ngủ kê sát nhau, cạnh đầu giường là cái bàn đêm, trên bàn đặt cái đèn chụp. Từ trong chụp đèn, một con bướm đêm hoảng hốt vì ánh sáng đèn trần, vụt lên rồi bắt đầu bay vòng vòng quanh gian phòng. Tiếng dương cầm hoà lẫn tiếng vĩ cầm văng vẳng vọng lên từ bên dưới.

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio