Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Tôi là một người đàn ông, người yêu của tôi cũng sẽ là một người đàn ông. Và, tôi gọi đó là một phép màu.
Đó là một người đàn ông gọn gàng, tuổi chừng ngoài ba mươi, trầm tính và tuấn tú, nhìn thôi cũng biết là người có lễ độ. Từ đầu tới chân anh ta toát lên một sức hấp dẫn mạnh mẽ của một người đàn ông từng trải. Tôi phát hiện ra một điều thú vị, đôi mắt đen láy của cậu bé này được di truyền từ cha của mình.
▒
Suốt một buổi chiều, tôi ngồi trong cửa hàng để đọc hết một quyển sách. Đứng dậy hoạt động gân cốt một chút rồi đặt nó lại trên kệ.
Tôi không định mua vì ở đầu giường cũng đã nó một quyển tương tự như thế, nó là bạn đồng hành của tôi đã nhiều năm.
Nhìn ra ngoài cửa sổ, sắc trời ngả về chiều. Một hoàng hôn nữa lại tới, ánh nắng nhè nhẹ mà gắt gỏng chiếu rọi xuống mặt đất tạo ra một vùng ánh sáng mờ ảo, gợi nhớ một nét hoài cổ xưa cũ. Có vẻ thời tiết hôm nay rất tốt, trời chiều cũng rất đẹp mắt, nhưng đáng tiếc tôi lại bỏ lỡ. Tiếc thật.
Đi ra khỏi tiệm, từng đợt hương thơm ngào ngạt xông vào mũi. Đã là giờ cơm chiều vì thế tôi quyết định đi ăn một chút gì đó.
Đối với những chuyện tự chăm sóc cho bản thân như thế này, tôi là một người rất hay quên. Ví dụ như ăn cơm, tôi không phải là người thích ăn kiêng, nhưng đúng là ăn rất ít, lại hay bỏ bữa. Người ta nói có thực mới vực được đạo, nhưng tôi lại thường xuyên không quan tâm tới chữ “thực” kia, có lẽ số phận đã như vậy, tôi là một người chẳng theo được một cái “đạo” nào, chẳng có lấy một con đường rõ ràng, phải chấp nhận phiêu bạt cả đời.
Khẳng Đức là một tiệm ăn luôn đông đúc, dù là người lớn hay trẻ con đều thích tới quán này, có vẻ như không ai đủ sức cưỡng lại được hương thơm mời gọi hấp dẫn tỏa ra từ những thứ đồ ăn được bày bán bên trong. Hoặc có thể ở cái thành phố ít phồn hoa mà nhiều ồn ào này thì đây được xem như một cách thức để người dân tiêu khiển cho bớt mệt mỏi, căng thẳng.
Tôi rất ít khi tới đây, trong trí nhớ còn sót lại cũng không có chuyện cùng ăn với ai đó ở nơi này. Thường đi một mình, đa số đều là bỗng dưng muốn ghé như lúc nãy. Hoặc cũng có dăm ba lần, chả biết phải ăn cái gì, tôi cũng tìm tới nó.
Gọi một phần cơm gà xối mỡ và một ly nước cam, tôi tìm một góc yên lặng ngồi xuống đó, bắt đầu ăn bữa tối và cũng là bữa ăn đầu tiên trong ngày hôm nay của mình. Mùi vị cũng không đến nỗi tệ.
Không khí mát mẻ tới lành lạnh trong quán ăn làm cho người ta cảm thấy thoải mái nhưng cũng có phần thê lương. Tôi đột nhiên nhớ tới một người bạn, một đứa em là Lưu Hãn còn đang học phổ thông. Nó nói nó thích nhất là tới ăn ở Khẳng Đức, chưa bao giờ nó tới quán nào khác. Hỏi nó vì sao, nó trả lời thật đơn giản, bởi vì nó sống ở thành thị từ nhỏ, chưa thấy ở đâu có không khí dịu mát như quán này. Lưu Hãn đúng là một cậu nhóc mới lớn đúng kiểu, yêu hay ghét đều rất rõ ràng, nhìn qua có vẻ vô cùng đơn giản, nhưng chính sự đơn giản đó lại khiến tôi có cảm tình với cậu nhỏ.
Trước đây, Vũ cũng từng như vậy, cũng dùng sự chân thành giản đơn như thế để cởi bỏ được khúc mắc nhiều năm trong lòng tôi, để tôi có thể yêu và được yêu thêm một lần, để còn được cảm thụ sự ấm áp trong cuộc đời này một lần nữa.
Nhớ tới Vũ, bi thương trong lòng tôi lại trào lên không thể ức chế, tim quặn thắt lại, nước mắt bắt đầu rơi lã chã. Không biết từ bao giờ mà tôi lại trở nên yếu đuối như bây giờ, có thể dễ dàng để lộ ra cảm xúc thật của mình, không hề giấu diếm. Chẳng còn biết một thằng con trai máu lạnh, dứt khoát trước kia đã biến đi đâu nữa.
Tôi vội vàng lau nước mắt, đã hứa với Vũ là sẽ sống cho thật tốt, sẽ cố gắng sống thật vui vẻ. Tôi không được khóc, nước mắt là thứ mà tôi không cần nhất trong lúc này. Hơn nữa, tôi không muốn người khác nhìn thấy phần yếu đuối nhất trong con người mình, nhất là trước mặt những người xa lạ ở nơi công cộng như vầy. Sẽ không có ai quan tâm tới bạn vì sao mà khóc, bọn họ chỉ biết cười nhạo hoặc cùng lắm chỉ thương hại cho một đứa ngốc nghếch còn sót lại trên cõi đời này. Thế giới này vốn dĩ vẫn tàn khốc như vậy.
Nhưng hình như không kịp nữa rồi, có một đứa trẻ chạy lại phía tôi, hé ra một chiếc khăn tay, giọng nói trẻ con vang lên “Anh ơi, anh đừng khóc nữa, anh mà khóc cũng làm em khóc theo đấy!”
Nhận lấy khăn tay, lau khô giọt nước còn sót lại nơi khóe mắt, tôi bắt đầu quan sát đứa bé xa lạ này. Cậu bé ước chừng khoảng năm, sáu tuổi gì đó, khuôn mặt rất khả ái, đôi mắt đen láy với hai hàng lông mi dài, cong vút. Tôi thích cậu bé. Không biết vì sao lòng tôi chợt nảy sinh một loại cảm giác đặc biệt với thiên thần nhỏ đáng yêu này.
Tôi cười với nó “Anh bạn nhỏ, cảm ơn nhiều nhé!”
Nó cũng cười, giọng nói rất thích thú “Hi hi, anh à, khi cười trông anh rất đẹp trai!”
Tôi cười ha ha, một nụ cười thực sự, không biết con nhà ai mà khéo dạy, nhỏ thế mà đã biết nói lời lấy lòng người khác rồi. Nhéo nhéo khuôn mặt phấn hồng của nó, tôi mắng yêu một câu “Còn nhỏ mà đã lẻo mép thế này rồi, lớn lên thì khối cô chết đây!”
“Con tôi không hề lẻo mép.” Đột nhiên có một giọng nói truyền đến. Tôi ngẩng đầu lên thật nhanh mới phát hiện ra có một người vẫn đứng cách chúng tôi không xa. Dựa vào lời nói vừa rồi, rất có thể anh ta chính là cha của cậu bé.
Đó là một người đàn ông gọn gàng, tuổi chừng ngoài ba mươi, trầm tính và tuấn tú, nhìn thôi cũng biết là người có lễ độ. Từ đầu tới chân anh ta toát lên một sức hấp dẫn mạnh mẽ của một người đàn ông từng trải. Tôi phát hiện ra một điều thú vị, đôi mắt đen láy của cậu bé này được di truyền từ cha của mình. Tôi ngẩn người.
Anh ta lại gần sát bên, thản nhiên hỏi “Trên người tôi có gì không ổn sao?”
Tôi kinh ngạc vì sự thất thố của mình, vội vàng cười xấu hổ, đáp lời “À, không có, rất xin lỗi ông.” Chuyển đề tài sang đứa trẻ, tôi chỉ chỉ vào nó “Đây là con của ông phải không?”
“Đúng là con tôi, nhưng hầu như không có ai nói rằng nó đáng yêu cả. Bác sĩ nói nó bị chứng tự kỷ nghiêm trọng, suốt hơn một tháng qua nó chưa từng nói chuyện hay cười nói với ai cả, đối với tôi cũng thế. Nhưng cậu lại là một ngoại lệ, cậu đã khiến cho nó cười rất thoải mái. Tôi rất biết ơn cậu.” Trong đôi mắt hút hồn của anh ta có sự thương cảm sâu đậm, xem ra người đàn ông này rất mực yêu thương con của mình.
Tự kỷ? Thảo nào tôi lại cảm thấy đứa bé này sao mà có cái gì đó thân quen đến thế? Thuở nhỏ, tôi cũng lâm vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng rồi dẫn tới tự kỷ kéo dài, tôi luôn sống trong thế giới nhỏ hẹp của chính mình, không muốn nói chuyện, không muốn để ý tới bất kỳ ai khác, vĩnh viễn cô độc một mình. Nhiều năm sau, Vũ đã tới, đã cứu vớt cuộc sống tẻ nhạt vô vị của tôi, nhưng giờ đây, cậu ấy cũng bỏ lại tôi mà đi.
Nhìn lại cậu bé mũm mĩm này, thật đáng tiếc. Tôi sờ sờ khuôn mặt nhỏ nhắn ấy rồi mỉm cười với cậu.
Dường như rất vui mừng, nó liền cười nói với tôi “Anh, anh đi chơi với em có được không? Đã lâu rồi không có ai chơi với em hết.”
Tôi có chút khó xử. Chơi với trẻ con vốn không phải là thế mạnh của tôi, chỉ cần thấy chúng nó khóc nháo lên thôi là đầu tôi đã đau như muốn vỡ ra rồi. Tôi cũng không biết dỗ dành chúng, không biết khi một đứa trẻ cáu gắt thì mình nên làm những gì, rồi khi nó phạm lỗi thì nên nhắc nhở nó ra sao. Bởi thế mặc dù rất thích trẻ con nhưng tôi chỉ đứng nhìn chúng từ phía xa xa, giống như một thứ gì đó quý giá mà mình không dám chạm tới vì sợ sẽ tổn thương tới nó.
Dù vậy tôi lại cũng không thể trơ mắt mà cự tuyệt một cậu bé đáng yêu, dễ mến như thế này. Nó còn rất đáng thương, và còn có một vài nét tương đồng với tôi nữa.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn cha nó, ngay cả anh ta cũng đang có vẻ mong đợi tôi gật đầu. Trong giây phút đó, tôi nhận ra, mình không thể kháng cự được ánh mắt kia.
Vì thế tôi liền ôm lấy cậu nhóc “Được rồi, anh sẽ đi chơi cùng em. Nhưng em phải nghe lời anh, được không?”
Cậu nhóc hớn hở khoa tay múa chân lung tung còn hôn “Chụt” một cái thật mạnh lên má tôi.
Mấy giờ sau đó tôi đều đi chung với hai cha con họ. Tôi nắm tay cậu bé, đưa nhóc đi dạo trên phần đường dành cho người đi bộ, cùng ăn mấy thứ quà bánh đủ màu sắc. Rồi chúng tôi vào xem một triển lãm về thư pháp thơ cổ, tôi nói cho cậu bé nghe về những chuyện có liên quan tới những tác gia nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ. Nó gật đầu lia lịa, chả biết có hiểu được tí nào không?
Có vẻ như nó rất thích tôi, cứ cười với tôi suốt thôi, lại còn mau mồm mau miệng, nói thật là nhiều nữa. Nó với tôi rằng tên nó là Tống Tống, cha cậu tên là Tống Ứng Sinh, rồi thì thầm vào tai tôi rằng năm nay cậu vừa tròn sáu tuổi, sắp vào học lớp một rồi. Cậu còn hăm hở khoe với tôi rằng thần tượng của mình là nhà vật lý chuyên nghiên cứu sợi tổng hợp Kha Lam, lúc đi chơi cậu rất thích ăn kẹo đường… Tóm lại, trên đường đi, tôi được tiết lộ rất nhiều sở thích và những ham mê của một người đàn ông bé. Nhờ vậy, dường như chúng tôi đã trở thành những người bạn thân với nhau từ lúc nào.
Có lẽ là do lâu ngày không tiếp xúc với thế giới xung quanh nên khi tìm được một người hợp ý, Tống Tống rất thoải mái bày tỏ suy nghĩ của bản thân với tôi, không hề e ngại.
Tống Ứng Sinh vẫn đi theo sau chúng tôi, đôi lúc anh ta cũng mỉm cười khi thấy hai người phía trước đùa giỡn. Người đàn ông từng trải và đẹp mã này có một nụ cười vô cùng quyến rũ, có thể làm cho người ta bị chìm ngợp trong đó không thể thoát ra được. Tôi chợt nghĩ, có lẽ không ai có thể thoát khỏi thứ ma lực chết người đó của anh ta.
Bản thân tôi cũng không dám quay đầu lại nhiều, sợ rằng chính mình sẽ mê đắm trong vũng lầy ảo mộng bất tận kia.
Thời gian trôi qua rất nhanh, giờ đã là hơn mười một giờ tối, lúc này, có lẽ mấy đứa trẻ tầm tuổi Tống Tống đã đi ngủ từ lâu. Nhìn khuôn mặt cậu rõ ràng là rất mệt mỏi ấy vậy mà vẫn nắm chặt tay tôi không chịu buông.
Tôi gọi nhỏ “Tống Tống? Anh mệt rồi? Chúng ta về nhà được không? Nên đi ngủ sớm cho khỏe nữa chứ!”
Tống Tống có vẻ không vui, nó bĩu môi “Anh à, sau này anh có thể tới chơi với em nữa không?”
“Tất nhiên rồi.” Tôi véo nhẹ mũi nó, cười trả lời. Kỳ thật tôi cũng không biết mình có thể gặp lại hai cha con họ thêm một lần nữa không, nhưng chắc hẳn, cho Tống Tống một hy vọng nhỏ là điều nên làm.
Lập tức cậu nhóc lại hí hửng, chạy kéo tay tôi về phía trước “Anh, em với ba sẽ đưa anh về nhà.”
Tôi quay lại, Tống Ứng Sinh mỉm cười “Xe của tôi ở ngay gần đây.”
Sau khi lên xe, Tống Ứng Sinh hỏi tôi “Tôi còn chưa hỏi, không biết cậu họ gì?”
Tống Tống cũng chợt nhớ ra “Đúng vậy, anh à, Tống Tống vẫn chưa biết tên của anh nữa!”
Tôi lễ phép trả lời “Tôi họ Lâm.” Sau đó quay sang Tống Tống, tôi lại thích nhéo má của nó “Tống Tống, sau này em cứ gọi anh là anh Tiểu Thất đi!”
“Anh Tiểu Thất, thật là dễ nghe nha~”
Tôi cười hôn nó một cái “Cái miệng này thật dẻo quá đi!”
Tống Ứng Sinh lại hỏi: “Nhà của cậu ở đâu vậy?”
“Ông đưa tôi đến ký túc xá được rồi.”
“Cậu là sinh viên?”
“Đúng vậy, năm hai.”
Sau đó không ai nói gì nữa. Tống Tống quá mệt nên dựa vào người tôi ngủ gục. Dù sao nó cũng chỉ là một đứa trẻ, đi nhiều như thế, chắc chắn là rất mệt.
Cho tới khi về tới ký túc xá, Tống Tống vẫn không biết gì. Tôi đặt nó tựa vào ghế rồi nhẹ nhàng xuống xe.
Tống Ứng Sinh cũng xuống. Tôi tỏ vẻ khách sáo “Cảm ơn ông đã đưa tôi về.”
Anh ta cũng khách khí “Cậu Lâm nói gì lạ vậy? Cậu làm cho Tống Tống vui vẻ suốt cả ngày, tôi còn chưa cảm tạ cậu hết mà. Đã lâu rồi tôi không thấy nó cười sảng khoái như vậy.”
Tôi vốn không muốn hỏi vì sao Tống Tống lại mắc chứng tự kỷ, vì dù sao đây cũng là chuyện nhà của người ta, mình không có quyền hỏi. Tôi chào tạm biệt “Vậy làm phiền ông, Tống Tống mệt rồi, ông mau về đi.”
“Vậy, tôi đi đây!” Anh ta vẫn luôn nho nhã, phong độ như vậy.
“Tạm biệt!” Tôi xoay người bước đi, chưa được hai bước, Tống Ứng Sinh đã gọi lại “Cậu Lâm!”
“Dạ?” Tôi hơi ngạc nhiên “Còn có việc gì ạ?’
“Cậu có thể cho tôi xin số điện thoại được không? Nếu Tống Tống có nhắc tới cậu và nếu cậu có thời gian, tôi hy vọng cậu có thể bầu bạn với nó một chút. Nó thực sự rất thích cậu.”
“Đương nhiên là được rồi.” Lại như thế thêm một lần, không biết tại sao mà dường như tôi không thể từ chối được yêu cầu của người đàn ông này. Cho dù anh ta có nói gì đi nữa tôi cũng sẽ gật đầu như một cái máy. Nhưng mà, thực sự tôi cũng rất thích Tống Tống, vì thế tôi cũng không do dự mà cho anh ta số điện thoại của mình.
Tôi nhìn Tống Ứng Sinh lưu số điện thoại của tôi vào máy, phất tay nói “Hẹn gặp lại!” rồi lên xe đi mất.