Hôm sau, tôi soạn lại ba lô thì phát hiện chiếc khăn tay ấy. Trông nó rất tinh tế, chất vải tốt, màu trắng tinh tươm, đường chỉ cầu kỳ, trên viền còn thêu chữ “Lâm”, chắc được đặt may theo yêu cầu. Trước tiên, tôi cẩn thận dùng xà phòng thơm giặt sạch, suy nghĩ nên lấy dịp gì để trả khăn cho chị đây? Nói đi thì phải nói lại, thật ra tôi là một đứa sinh viên nghèo, làm sao hiểu được lòng dạ của con nhà giàu chứ? Vé xem múa ba-lê phỏng chừng cũng không rẻ. Haiz, không có biện pháp nào khác, đành liều mạng cày thôi.
Hơn một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của Bạch Nhược Lâm.
“Thỏ con, tối nay có rãnh tới hội sở không?”
“Có hoạt động gì ạ?”
“Có một chị tổ chức sinh nhật, em cũng tới góp vui nhé. Đến lúc đó, em lên đàn vài bài, nhất định sẽ rất náo nhiệt.”
Tôi không nghĩ ra cách từ chối, chẳng qua tôi cảm thấy tiệc kiểu này thật sự không hợp với mình.
Dường như chị đoán được tâm tư của tôi, “Không cần lo lắng, lần trước em cũng gặp mấy người này rồi, không có ai lạ đâu. À đúng rồi, chị còn mời Lạc tổng nữa.”
“Dì Lạc cũng đi nữa ạ?” Giọng nói của tôi không giấu được vui mừng.
“Ừa, chị mời cô ấy rồi. Cô ấy bảo sẽ cố gắng đến dự.”
Tôi đang do dự có nên hỏi dì Lạc trước một tiếng hay không. Bạch Nhược Lâm lại nói tiếp bên kia điện thoại, “Coi như em tới giúp chị chút chuyện đi. Em không cần nói gì hết, chỉ cần đồng ý đánh đàn thôi. Không thích thì ăn uống ít đồ, nếu thấy vô vị thì có thể về sớm, thế nào?”
“Vậy cũng được, tối nay em sẽ tới!”
“Thật tốt quá, sáu giờ chị tới đón em!”
“Không cần đâu, chị bận rộn vậy mà. Em tự đến được rồi!”
“Ừ, vậy cũng được, chị chờ em.”
Cúp điện thoại, tôi lại điện cho dì Lạc, nhưng không gọi được. Tôi gởi tin nhắn nói rõ tình huống cho dì, nhưng cũng thật lâu không có hồi âm. Hết cách rồi, tới đó rồi tính thôi.
Hơn sáu giờ, tôi đến hội sở. Phòng khách đã được bố trí ổn thỏa, hoa tươi, rượu ngon và thức ăn được xếp đầy bàn dài. Hai hàng ghế cũng có bảy, tám người người ngồi. Tôi phóng tầm mắt nhìn xung quanh, không thấy dì Lạc đâu, trong lòng có chút mất mát.
Bạch Nhược Lâm từ bên trong đi ra. Hôm nay chị mặc một bộ sườn xám màu tím nhạt, trên tóc búi kẹp trân châu màu tím, hệt như mỹ nhân “Lương Hữu” () từ tạp chí đi ra vậy.
“Thỏ con, lại đây nè!” Chị mỉm cười kéo tôi ngồi vào vị trí nhập tiệc.
“Chị Bạch, hôm nay chị thật đẹp.” Tôi nhìn chị, thật lòng ca ngợi.
“Cảm ơn!” Chị cúi đầu, dường như có chút ngượng ngùng.
Mọi người ngồi trò chuyện, một lúc sau, một người ăn mặc như ‘công chúa thọ tinh’ () cũng đến. Ai nấy đều vây quanh chị, ép chị ngồi vào ghế chủ tịch. Một bàn người tiếp tục líu ra líu ríu, cười nói vui vẻ, vừa ăn vừa trò chuyện. Bạch Nhược Lâm đề nghị hát bài mừng sinh nhật ‘thọ tinh’, đương nhiên mọi người đều đồng ý. Bạch Nhược Lâm dùng mắt ra hiệu cho tôi. Tôi đi tới bên chiếc Piano, đàn bài ca sinh nhật. Ai cũng vỗ tay hát hò, lúc này người phục vụ cũng đẩy bánh gatô vào. Thổi nến, cắt bánh, mọi người lại vỗ tay, thật náo nhiệt.
Bạch Nhược Lâm cúi đầu hỏi tôi, “Thỏ con, em có thể đàn bài ‘ánh trăng nói hộ lòng tôi’ không?” ()
“Đặng Lệ Quân ạ? Em đàn được!”
Chị gật đầu, hắng giọng nói thêm, “Bạch Nhược Lâm tôi hôm nay muốn hiến tặng một ca khúc, chúc thọ tinh của chúng ta sinh nhật vui vẻ.”
Mọi người lập tức vây kín chiếc Piano.
Bài hát này nhẹ nhàng tình cảm, tiết tấu tương đối chậm, cũng không khó đàn lắm.
Khúc nhạc chậm rãi vang lên.
“Anh hỏi em yêu anh liệu có đậm sâu, rằng em yêu anh có mấy phần…” Bạch Nhược Lâm cất giọng êm dịu, ngọt ngào, lại có bảy phần như Đặng Lệ Quân. Chị hát rất tập trung, sóng mắt lưu chuyển, đuôi mày mang ý cười, khóe mắt ẩn tình. Tôi thầm nghĩ, cô gái như Bạch Nhược Lâm liệu có thật sự yêu ai không? Hay tất cả chỉ là vui chơi qua đường?
Tuy chị chưa từng học ca hát chuyên nghiệp, nhưng phối hợp với Piano nghe cũng hay lắm. Sau khi kết thúc, ai nấy đều rối rít vỗ tay, không ngừng ca ngợi, họ nói Bạch Nhược Lâm không vào giới giải trí quả thật là tổn thất lớn. Bạch Nhược Lâm lắc đầu bảo nhờ nhạc sĩ đàn quá xuất sắc nên giấu được khuyết điểm của chị. Mọi người nghe vậy lập tức khen ngợi tôi, còn tôi chỉ cười biết khúc khích đáp lại.
Tối hôm ấy, có vài người nhờ tôi phối nhạc, tôi cũng vui vẻ đàn mấy bài quen thuộc. Chắc ai cũng cảm thấy trò này khá mới mẻ, nên cứ mãi cất cao giọng hát.
Người đàn kẻ hát một lúc rồi ai cũng mệt mỏi, họ tụm năm tụm ba tán gẫu, uống rượu và ăn đồ ăn. Tôi đi tới bên cửa sổ, nhìn sắc trời khuya. Đã hơn tám giờ rồi, nhưng dì Lạc vẫn chưa tới, tôi cũng không có lý do ở lại đây nữa.
Tôi kéo Bạch Nhược Lâm qua một bên, “Chị Bạch, mọi người cứ chơi tiếp đi, em có chút chuyện, muốn về trước.”
Chị cũng không miễn cưỡng tôi, “Vậy cũng được, hôm nay cám ơn em nhiều lắm. Chị đưa em về nhé.”
Tôi chào hỏi những người khác một chút, rồi cùng chị xuống lầu.
Ra khỏi thang máy, tôi nói, “Chị dừng lại đi. Em tự đón xe về được rồi, cũng dễ lắm.”
Chị cúi đầu lấy một phong thư trong túi xách ra nhét vào tay tôi.
“Đây là gì ạ?”
“Tuyệt đối đừng khách khí. Chút lòng thành của thọ tinh thôi. Cảm ơn em đã đem âm nhạc tuyệt vời đến cho mọi người.”
“Không đâu. Em đâu phải là ngôi sao. Chị đừng nói cái này là lệ phí đi đường nha!” Tôi nhét thư lại vào tay chị.
“Thỏ con” chị đè tay tôi lại, “Ngoan đi. Em không nhận thì chị cũng khó xử lắm. Coi như nể mặt chị nhé!”
Tôi nghĩ thầm trong lòng, ‘thôi kệ, nếu tiểu thư đã hào phóng thưởng cho nhạc sĩ nghèo như mình, thì cần gì phải giả bộ thanh cao nữa’
“Cũng được, chị cảm ơn chị ấy thay em nha!” Tôi không từ chối nữa.
“Ừ, em đi đường cẩn thận!”
Ngồi trên xe trở về, tôi mở phong thư ra, phát hiện tờ một ngàn trong đó. Thật ra tôi đoán Bạch Nhược Lâm đã sớm chuẩn bị kỹ càng rồi, không hẳn là ý của thọ tinh. Nhưng có gì khác biệt đâu chứ, vốn cũng không phải bạn bè thân thiết, coi như tiền công được rồi, xem ra nghề này có thể kiếm được nhiều tiền hơn nghề thiết kế của mình.
Về tới trường, tôi tắm xong, rồi lấy điện thoại di động ra, mới phát hiện có mấy cuộc gọi nhỡ, đều là số của dì Lạc. Vậy ra lúc nãy ồn quá nên không nghe thấy, nhìn thời gian cũng cách hai giờ trước rồi.
Tôi vội vàng gọi lại cho dì.
“A lô, thỏ con, con còn ở hội sở không?” Giọng nói của dì có chút uể oải.
“Dì Lạc, con về trường rồi. Lúc nãy ồn quá nên con không nghe thấy dì gọi!”
“Ừ, dì cũng đoán thế. Sao rồi, đi chơi vui không?”
“Dạ vui lắm. Dì Lạc, sao dì không đến?” Tôi khó có thể nói được là tôi đến đó vì muốn gặp dì.
“Công ty có chút việc, cuộc họp kết thúc rất muộn, muốn đến cũng không kịp. Hơn nữa dì cũng không quen biết cô thọ tinh kia.”
“Con cũng có biết đâu.” Tôi nói thầm.
“Ha ha, con không giống dì. Người trẻ tuổi, có tiếng nói chung. Được rồi, không nói nữa, con nghỉ sớm đi, mai còn dậy đi học.”
“Dạ, dì ngủ ngon!”
Nhưng tôi không cách nào ngủ được. Đêm nay, hạnh phúc vốn không thuộc về tôi. Tôi chỉ có thể gặp dì vào buổi tối, nhưng chỉ thăm hỏi vài câu ngắn ngủi rồi thôi, đọng lại mấy phần nuối tiếc, mấy phần thương cảm.
Tôi khoác áo đứng dậy, nhìn màn đêm mênh mông, không khí bỗng có mùi ẩm ướt, hóa ra là mưa xuân rả rích. Cơn mưa dai dẳng róc rách, như nỗi buồn của mỹ nhân, không hề có tiếng động.
Bụi mưa lất phất dính lên mặt tôi, rồi dần dần biến thành giọt nước.
Mỗi giọt mưa trên bầu trời hệt như nước mắt trượt dài trên đường vòng cung. Chẳng có giọt mưa nào nghĩ mình sẽ rơi xuống đầm lầy tan xương nát thịt cả.
Giống như người trên thế gian này.
Tìm kiếm thứ gì đó, rồi quên lãng thứ gì đó.
Tại sao đến rồi lại đi?
Tại sao họp rồi lại tan?
Đời người sống vội mấy chục năm, thời gian lặng lẽ lướt qua, tầm tay còn lại bao nhiêu?
Phải chăng biết rõ chỉ còn vài ngày nữa thôi, mới có thể tự do sống hết mình?
Mong ước bao nhiêu thì vọng tưởng bấy nhiêu. Mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát, cần gì phải hứa hẹn cho mai sau?
Dư Hoa () đã nói, ‘Mục đích duy nhất của cuộc sống chính là phải sống.’ Phải chăng ai đọc được câu này đều cảm thấy vui mừng, vì ít ra mình vẫn còn sống? Hay chỉ đơn giản bởi sinh mệnh có vô vàn những điều vọng tưởng?
Nếu như có thể, tôi nguyện không cần tương lai, vì tôi rất ghét những điều vọng tưởng không có thật ấy. Nếu như có thể, tôi nguyện giống như giọt mưa rơi tan xương nát thịt, vì đau khổ kiếp này nhất định sẽ luôn tái hiện từng ngày.