From Hanoi

chương 3-3

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Một ngày đầu tháng , Đăng phóng xe máy qua quán điện tử tìm tôi, cậu ta hỏi tôi có rỗi không để đi ăn tối và uống café, tiếc là mấy hôm nay tôi không đi khỏi quán được vì cậu em làm cùng đang xin nghỉ để đi tìm địa điểm kinh doanh, sau khi lăn lộn thử sức với nhiều công việc trên thành phố, thấy kinh nghiệm tích lũy cũng đủ nên anh chàng muốn tự đứng ra làm chủ, nghe đâu là định mở quán nhậu nhẹt gì đó.

Đăng đi vào quán chơi và ngồi tán dóc với tôi một lúc, nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi thường bị xen ngang bởi những tiếng gọi của khách, ngồi hơn nửa tiếng thấy tôi tất bật quá Đăng bèn bảo thôi, để hôm nào nhiều thời gian anh em nói chuyện sau.

Đúng lúc Đăng đứng lên định ra về thì khu phố chúng tôi bị mất điện, các thanh niên đang cày cuốc điện tử hăng say bị cắt ngang nên rất tức tối, họ đập bàn phím và chửi bới om sòm cả lên, tôi phải đi một vòng từ tầng một đến tầng hai để bảo mọi người bình tĩnh chờ một lúc xem thế nào.

Chờ đến mười lăm phút vẫn chẳng thấy tín hiệu gì, tôi ra hỏi hàng xóm thì thấy bảo đang sửa trụ điện nên phải cắt điện đột xuất, có người còn nói hình như cắt đến nửa đêm cơ, vậy là quán đành phải tạm ngừng phục vụ, cả năm nay mới có một lần quán nghỉ sớm từ năm giờ chiều như vậy.

“Hay thật đấy!” Đăng nói, khi ấy tôi đang thu tiền của những vị khách cuối cùng. “Xem ra hôm nay ý trời muốn chúng ta ngồi lại với nhau rồi.”

“Ừ. Nhưng tớ cũng chẳng đi xa được đâu.” Tôi tiu nghỉu nói. “Nhỡ mình bỏ đi chơi mà tí nữa lại có điện thì áy náy lắm.”

“Ừ, tớ biết cậu là một nhân viên có trách nhiệm.” Đăng nhíu mày suy nghĩ. “Hay mình mua ít đồ về quán, tranh thủ lai rai trong lúc chờ có điện.”

Một ý tưởng quá hay, tôi đồng ý cả hai tay hai chân với Đăng, sau đó tôi nhờ cậu ta ngồi trông quán hộ và lấy xe đi loanh quanh mua một ít đồ ăn.

Khoảng hai mươi phút sau tôi quay trở về, mang theo một bữa ăn có thể nói là thịnh soạn đối với sinh viên, bao gồm hai chai rượu trắng, một hộp cơm rang, một hộp phở xào, bốn gói mì tôm và một ít trái cây.

Chúng tôi thắp hai ngọn nến lên và trải chiếu gần cửa ra vào để có thêm ánh sáng, không khí lúc này ấm cúng không khác gì một buổi sinh nhật.

“Mình có nên hát bài Happy Birthday không?” Đăng tươi cười nói. “Coi như chúc mừng sinh nhật cậu sớm, sinh nhật tớ thì qua từ giữa năm mất rồi.”

“Chúc mừng từ bây giờ thì sớm quá.” Tôi cười hềnh hệch và nói. “Mà đúng là chẳng có gì nhanh bằng thời gian, mới ngày nào anh em mình tuổi lên thủ đô còn ngơ ngác như con nai tơ, giờ đã tuổi, chuẩn bị ra trường rồi.”

“Quay đi quay lại có khi tuổi bây giờ ấy chứ!” Đăng nói và rót rượu ra hai cốc nhựa. Tôi giúp cậu ta bẻ mấy gói mỳ tôm ra để làm đồ nhắm.

Tửu lượng của Đăng không được cao cho lắm, chỉ uống được một chút là mặt cậu ta sẽ đỏ phừng phừng lên như con tôm luộc, nhưng cách cư xử của Đăng trong cuộc rượu đã khiến cậu ta trở thành một trong những người tôi thích uống rượu cùng nhất trong đám bạn bè đại học.

“Vậy là…” Tôi hỏi sau khi hai đứa cụng ly đầu tiên. “Cậu vẫn tính ra trường sẽ quay về Quảng Ninh đấy à?”

“Ừm.” Đăng uống một ngụm rượu và nói. “Cậu biết tính tớ thích yên tĩnh mà, với tớ thành phố này ồn áo náo nhiệt quá, không hợp với tớ, ở đây sau một ngày lăn lộn ngoài đường về nhà tớ cảm thấy như kiểu bị stress ấy.”

“Công việc của cậu ở văn phòng luật sư có tốt không?” Tôi hỏi.

“Cũng khá tốt, sếp cũng quý tớ, nhưng tớ chỉ xác định ngày nào còn làm thì làm hết sức thôi.”

“Tớ nghĩ công việc của cậu phải ở đây mới có cơ hội phát triển chứ về quê thì hơi khó.”

“Tớ biết mà.” Đăng vừa nói vừa ngắm nghía miếng mì tôm trên tay. “Nếu về quê thì tớ sẽ tìm công việc khác, bằng luật có thể làm được nhiều việc mà, không cứ phải làm luật sư.”

“Này.” Tôi uống hết rượu trong cốc mình và nói tiếp. “Tớ có thắc mắc này muốn hỏi cậu lâu rồi, luật sư ở mình có như trong phim nước ngoài không?”

“Ý cậu là sao?”

“Tớ thấy trong phim nước ngoài nghề luật sư hoành tráng lắm, luật sư rất được trọng vọng, họ thông minh uyên bác và tham gia vào những màn đấu trí cực kỳ kịch tính nơi pháp đình.”

“Phim ảnh là người ta nghệ thuật hóa lên thôi.” Đăng bật cười. “Nhưng tất nhiên, để so sánh với thế giới thì hơi khó. Cậu có biết nghề luật sư ở Việt Nam có lịch sử thế nào không?”

“Cậu nói đi.” Tôi cầm miếng xoài non lên ăn, vì quên chấm muối nên cắn một miếng mà chua loét hết miệng.

“Nghề luật sư trên thế giới có lịch sử phát triển rất dài, nó khởi nguồn từ tận thời Hy lạp cổ đại cơ, còn ở Việt Nam thì nghề này mới được định hình từ hồi Pháp thuộc, sau đó do những biến động thời cuộc, đặc biệt là thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp thì không có đất nào cho nghề này diễn cả, đến khoảng những năm , hồi mình sinh ra ấy, khi đất nước bắt đầu từ bỏ kinh tế bao cấp thì cùng với nó nghề này quay trở lại, đấy là năm đầu tiên có quy định về luật sư, nhưng dù vậy thì luật sư lúc ấy vẫn chưa thành một nghề độc lập, gọi phiên phiến là luật sư công thì đúng hơn. Cả một thời gian dài hầu như xã hội không hề quan tâm đến vai trò của luật sư nên nghề này cũng chẳng phát triển. Phải đến cách đây bảy năm, cùng với sự phát triển của xã hội, vào khoảng năm thì mới có những quy định cụ thể về luật sư với tư cách là một nghề.”

“Trời. Thế là non trẻ như một đứa trẻ lên bảy thôi à?”

“Ừ. Cho nên không thể so được với luật sư trong phim ảnh nước ngoài của cậu đâu.”

“Ôi. Tớ thật không ngờ đấy.”

“Ừ, cậu không trong cuộc thì không biết là đúng rồi.” Đăng rót thêm hai cốc rượu mới. “Tớ nhớ cách đây bốn năm, khi tớ thi đại học, tất cả mọi người xung quanh đều can ngăn, họ nói học luật làm gì, đại học luật lấy điểm rất thấp, học những trường như thế sau này tìm việc rất khó. Thực tế đúng là như vậy, tớ thi ban A, có ba môn mà chỉ cần lấy điểm hai môn cộng lại là đủ đỗ rồi.”

“Chà. Cậu lấy đâu ra can đảm để đi ngược dòng như vậy?” Tôi nói.

“Tại tớ thấy mình hợp với nghề luật mà, khô khan và cứng nhắc.”

Tôi phì cười với câu nói trào phúng của Đăng. Chúng tôi tiếp tục nâng cốc lần nữa.

“Vậy, cậu này…” Tôi nói sau khi đặt cốc xuống. “Sau một thời gian đi làm, cậu đánh giá triển vọng nghề này thế nào?”

“Vì văn phòng chỗ tớ chỉ làm về kinh doanh nên tớ chỉ đánh giá lĩnh vực này nhé.” Đăng nói. “Sau khi gia nhập WTO, làn sóng đầu tư đổ vào nước mình đang gia tăng rất mạnh, kinh tế nội địa cũng đang phát triển rất nhanh, có thể thấy những điều này sẽ tạo ra một thị trường về dịch vụ pháp lý càng ngày càng to lớn. Thế nên tớ tin là nghề luật sư đang là một nghề rất tiềm năng, con đường đi của nó đang rất rộng mở, nhưng đương nhiên, cũng sẽ có rất nhiều thách thức đi kèm.”

Một hai thanh niên trong xóm đi ngang qua thấy chúng tôi thắp nến nên ngó nghiêng vào, tôi muốn tối nay chỉ tâm sự riêng với Đăng nên khi họ đi qua tôi bèn chạy ra kéo cửa xếp xuống đến tầm cao hơn đầu chúng tôi ngồi một chút.

“Kín đáo tí để anh em tâm sự cho thoải mái.” Tôi nói với Đăng sau khi về chỗ. “Nghe cậu phân tích tớ thấy hiểu ra nhiều điều, nghề cậu có triển vọng như vậy thì tốt quá, chả biết nghề sử học bọn tớ có tiềm năng gì trong thời buổi hội nhập này không nhỉ?”

“Tớ hiểu.” Đăng nói. “Thật buồn là khoa học xã hội ở nước mình hơi kém phát triển, các trường về khoa học xã hội đang bị coi như đại học hạng hai. Sinh viên nước mình ra nước ngoài rất kém về các môn khoa học xã hội, dù rằng họ không hề thua kém bất kỳ sinh viên nước nào về khoa học tự nhiên hay các bộ môn kinh tế.”

Tôi uống một hơi hết rượu trong cốc mình và nói: “Để tớ kể cậu nghe chuyện này… Hôm rồi tớ ngồi nói chuyện với ông thầy dạy sử ở trường, ông ấy bảo là hiện nay có rất nhiều học giả, nghiên cứu sinh Trung Quốc đang nghiên cứu đến tận các nhân vật lịch sử nước mình, như Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi… Họ đọc văn bản rất kỹ lưỡng, sử dụng phương pháp mới mẻ, chú giải, bình luận rất thuyết phục, thậm chí ông ấy còn bảo những tiến sĩ của nước mình chưa chắc phản biện nổi với họ. Rõ ràng họ cũng đang trong thời kỳ lao đầu vào phát triển kinh tế, nhưng sao khoa học xã hội của họ vẫn được chú trọng hơn hẳn ở mình như vậy?”

“Ừ thì… có thể vì họ là dân tộc ưa triết lý và chiêm nghiệm bậc nhất thế giới mà, hàng nghìn năm nay họ vẫn xem trọng khoa học xã hội như thế rồi.” Đăng nói.

“Nghĩ thấy nản nhỉ!” Tôi nói ngậm ngùi.

“Thôi… cũng đừng bi quan quá, Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng, như tớ đây này, chỉ trước và sau khi nước mình gia nhập WTO mà luồng tư tưởng đã hoàn toàn thay đổi, giờ ở quê chả ai bảo tớ thi luật là sai nữa. Mọi thứ sẽ còn thay đổi, chẳng ai nói trước được điều gì, biết đâu mười năm nữa đại học luật của tớ sẽ thành trường tốp một, và nghề sử học của cậu trở thành nghề đỉnh cao xã hội, lúc ấy cậu có thể bỏ nghề báo để quay lại với nghề sử của mình.”

“Ha ha.” Tôi cười khoái chí. “Biết là cậu nói quá lên mà tớ vẫn phấn khởi hết cả người đấy.”

Sau đó chúng tôi liên tục chúc rượu lẫn nhau, chúc đi chúc lại chẳng mấy chốc mà đã sang đến chai thứ hai.

Khi rượu bắt đầu ngấm khá sâu vào cơ thể thì tôi và Đăng bỗng trở nên trầm ngâm, hai thằng cứ thế ngồi khật khừ nhìn chăm chú vào đốm lửa đang đung đưa trước mặt, đầu óc nghĩ ngợi nhiều chuyện mông lung, không ai nói với ai câu nào nữa. Không khí dần lắng xuống rồi im lặng như tờ.

Phải nói là sau một thời gian làm bạn với Đăng, tôi đã đưa ra được một khái niệm bạn thân rất thú vị, bạn thân nghĩa là hai người chơi với nhau mà không phải xã giao, khách sáo hay sợ mất lòng gì nhau cả, giống như hai đứa tôi lúc này đây, chúng tôi có thể ngồi cạnh nhau trong bóng tối đến nửa tiếng đồng hồ, mỗi người suy tư một việc, chẳng cần mở miệng nói gì với nhau cả.

Phải đến khi Đăng đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, tôi mới nhớ ra là bây giờ cơ hội để chúng tôi nói chuyện với nhau rất ít, tôi và cậu ta đều tất bận với những lo toan cuộc sống của mình, chúng tôi không nên lãng phí những cơ hội được ngồi với nhau thế này.

Tôi đứng dậy và đi lấy cây đàn guitar đang treo ở trên tường, tôi rất thích món này nên hồi cấp ba có đi học mót thầy này thầy kia. Trình độ của tôi không quá xuất sắc nhưng cũng đủ dùng trong những bữa tiệc nho nhỏ với bạn bè như tối nay.

Sau khi so dây đàn xong, không hiểu sao, tôi lại nhớ đến Lan, không biết cô đang làm gì nhỉ, bình thường giờ này chúng tôi đang chuẩn bị lên mạng tán gẫu với nhau rồi đây.

Vừa nghĩ đến cô là những ngón tay tôi cứ thế vô thức gẩy lên bài hát mà cô hay cài làm nhạc chuông cho điện thoại, đó là bản nhạc Yesterday kinh điển của ban nhạc The Beatles:

“Yesterday, all my troubles seemed so far away/ Now it looks as though they"re here to stay/ Oh, I believe in yesterday…”

“Chà, đang đánh bài Yesterday đấy à?!” Đăng nói khi từ nhà vệ sinh ra.

“Ừ.” Tôi ngoái lại nói với Đăng. “Gần đây tớ hay nghe thấy giai điệu này nên gẩy thử tí xem còn nhớ không.”

“Lâu lắm rồi tớ cũng không nghe bài này, cậu chơi tiếp đi.”

“Thực ra… tớ nhớ mỗi đoạn đầu.” Tôi nhăn nhó với Đăng. “Bài này học từ ngày mới tập đàn, mấy năm không đánh lại nên quên hết mất rồi.”

Đăng ngồi xuống và rót rượu tiếp cho hai đứa, với người uống kém như cậu ta mà nhiệt tình thế này thì trong lòng hẳn là đang có nhã hứng lắm.

“Vậy cậu chơi bài khác đi, bài nào hai đứa cùng hát được ấy.” Đăng nói và đưa cốc rượu để tôi uống cho ngọt giọng.

Uống cốc rượu ấy vào tôi trở nên rất hào hứng, tôi ôm đàn gẩy liên tục năm bài nhạc trẻ thịnh hành, nhưng Đăng chỉ đung đưa người theo nhạc chứ có vẻ không thích lắm.

Hết bài thứ năm tôi dừng lại và hỏi Đăng thấy sao, cậu ta bảo không hợp với không khí này lắm, có lẽ tôi nên quay lại dòng nhạc mà cả hai đứa tôi đều chết mê chết mệt, đó là nhạc Trịnh Công Sơn.

“Ok.” Tôi nói và chuyển sang chơi những bản nhạc hay nhất của người nghệ sĩ tài hoa ấy, chủ yếu là các bản tình ca trong đĩa Sơn ca số như là Tình nhớ, Biển nhớ, Diễm xưa và Hạ trắng…

Khi giai điệu du dương của bài hát cuối cùng vừa qua đi, Đăng rót nốt rượu trong chai ra thì được nửa cốc, cậu ta rủ tôi uống cùng một cốc cho vui. Cậu ta uống trước rồi đến lượt tôi.

“Hôm nay cậu uống hơi căng đấy!” Tôi nói sau khi dứt điểm hai chai rượu. “Hay đi làm được tập luyện nhiều nên công lực gia tăng?”

“Đâu có.” Đăng nói. “Là tớ thấy vui hơn mọi ngày thôi. Mà cậu bảo lâu không ôm đàn nhưng tớ thấy hôm nay tiếng đàn của cậu nghe sâu hơn và có nhiều cảm xúc lắm.”

“Vậy à?” Tôi nói. “Có thể càng trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn thì tớ càng đến gần hơn với dòng nhạc này.”

“Ừ, người ta vẫn bảo nhạc Trịnh hát thì dễ, nhưng để đi được vào lòng người thì khá khó, phải có nhiều vốn sống mới làm được.”

“Nhưng phải nói thật điều này nhé.” Tôi nói. “Tớ thấy lời lẽ trong nhạc Trịnh rất khó hiểu, nghe rất hay nhưng đọc lại lời nhạc thì chẳng hiểu gì. Ngôn từ của ông ấy rất mập mờ và phi lô gic.”

“Theo quan điểm cá nhân của tớ thì…” Đăng nói. “Nhạc Trịnh mang ảnh hưởng rất lớn của triết lý Phật giáo, giống như những công án thiền ấy, người ta không thể hiểu nó bằng lý luận, vì nó vượt ra ngoài phạm vi tư duy lý luận.”

“Theo tớ biết thì quê quán nhạc sĩ ở Huế, đấy vốn là một trung tâm Phật giáo lớn...”

“Ừ. Họ Trịnh lớn lên trong tiếng kinh kệ từ bé, nên bài hát của ông ấy nghe giống như những lời kinh Phật vậy, âm nhạc của ông vẽ ra hình ảnh một người đi xuyên suốt cái thế giới nửa hư nửa thực này, người ấy mệt mỏi và buồn bã, dù biết ơn cuộc đời, đặc biệt là tình yêu, nhưng người ấy cũng luôn nhớ rằng tình yêu cũng chỉ là tạm bợ, thế nên không thể bám víu vào cuộc đời này vì bản chất cuộc đời chỉ là khổ đau và không có điều gì tồn tại vĩnh cửu cả.”

Tôi đặt cây guitar xuống chiếu và lấy một điếu thuốc trong bao ra châm lửa. Tôi mời Đăng nhưng cậu ta không hút, Đăng hay nói vui là hôm nào bị người yêu dỗi thì cậu ta mới hút thuốc.

Chẳng là Đăng có một cô người yêu làm y tá ở quê, cô ấy cũng là một phần lý do khiến cậu ta không muốn ở lại thủ đô.

Thật ra, cho đến trước khi gặp Đăng tôi không có cảm tình với bất kỳ tôn giáo nào cả, ngay cả hồi mẹ tôi mất, trong đám tang chị tôi đi mượn về cái xe đẩy có tượng phật trên đấy bảo là để cầu siêu cho tốt, tôi kệ chị làm để chị yên lòng chứ bản thân tôi không tin gì mấy chuyện ấy cả, thật sự tôi chỉ muốn đặt niềm tin vào khoa học thôi.

Sau một thời gian ở với Đăng, được nghe cậu ta giới thiệu tôi mới bắt đầu có cảm tình với Phật giáo, một lần cậu ta cho tôi biết nhà bác học nổi tiếng Enstein từng nói rằng nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo, chính là từ câu nói ấy mà tôi mới bắt đầu chấp nhận và đi sâu tìm hiểu tôn giáo này.

“Tớ đọc gần hết mấy quyển sách về đạo Phật mà cậu đưa rồi.” Tôi nói và chỉ tay lên chỗ sách để trên bàn máy tính. “Những quyển ấy thật sự rất hấp dẫn, tớ đã đọc nó dưới lăng kính của người làm khoa học, nghĩa là gạt bỏ đi những huyền thoại mà tôn giáo nào cũng có, quả thật tớ thấy những tư tưởng của Đức Phật rất mới mẻ và sâu sắc.”

“Cậu nhìn nhận như vậy rất đúng, Đức Phật cũng luôn nói rằng đừng tin người thầy nào chỉ vì uy tín của họ, mà mình phải trực tiếp nghiên cứu và trải nghiệm những lời họ dạy để rút ra kết luận cho riêng mình. Đấy chẳng phải là phương châm hàng đầu của khoa học hay sao?!”

“Nhưng có những điều tớ vẫn chưa thật sự thông suốt nhé.”

“Cậu nói đi.”

“Dạo trước có lần bão to quá, đánh rơi tổ chim ở trên cây bàng trước cửa quán xuống đất, khi chim mẹ về không thấy con đâu, nó bay khắp nơi tìm con và kêu gào rất thảm thiết. Về mặt văn học mà nói thì tình cảm ấy không khác gì con người, nhưng về mặt sinh học mà nói, làm sao có thể tin được có kiếp nào đó chúng ta trở thành con chim ấy?”

“Tại sao lại không? Nếu chỉ dựa vào những gì nhìn thấy mà kết luận, thì làm sao có thể tin tớ và cậu đã phát triển từ một con tng trùng chỉ dài có , milimet, và hơn nữa, trước khi tng trùng gặp trứng thì chúng ta ở đâu, như vậy chẳng phải chúng ta từ hư không mà thành hay sao.”

“Cũng đúng nhỉ.” Tôi nói. “Nhưng dù sao quá trình từ tng trùng thành người thì vẫn dùng máy móc để phát hiện được. Còn từ chim thành người thì chứng minh rất khó.”

“Tớ hiểu ý cậu, nhưng mình cũng nên nhớ rằng xưa nay vĩ nhân là những người không để cho những thứ bề ngoài trước mắt đánh lừa, nếu bằng mắt thường ai cũng nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Còn vấn đề chứng minh mà cậu vừa hỏi thì mình phải đi vào thiền định như Phật mới hiểu được, vấn đề này phải khảo sát nghiên cứu bằng tâm chứ không phải bằng máy móc. Cậu đọc trong sách tớ đưa cũng biết, khi mà giác ngộ thì Đức Phật đã nhìn thế giới đến cấp độ phân tử, ví dụ như cách đây hàng ngàn năm mà ngài đã nói trong bát nước có vô số chúng sinh ấy. Cậu tưởng tượng xem, nếu mình mà thiền đạt mức độ ấy thì chắc chắn nhiều quan điểm của mình về thế giới sẽ hoàn toàn đảo lộn.”

“Tớ không biết có nên tin hay không. Nói chung, tớ thấy lý thuyết luân hồi cũng có thể giải thích cho một số chuyện, ví dụ như tại sao Mozart có thể sáng tác nhạc khi còn bé như thế, hẳn là ông ta phải tích lũy kiến thức và kỹ năng ấy từ rất lâu rồi đúng không?”

“Đúng vậy. Thật ra chưa cần đến những sự thực chứng tâm linh đâu, ngay cả những ảnh hưởng xã hội của Đức Phật cũng phần nào cho thấy những tư tưởng của ngài là rất sáng suốt, ví dụ, thế giới đã tranh đấu cả nghìn năm để đi đến tuyên bố là mọi người sinh ra đều bình đẳng, nhưng từ lâu rồi Đức Phật còn tuyên bố một câu sâu sắc hơn nhiều, đó là tất cả chúng sinh đều bình đẳng, con người và con chim kia là bình đẳng, không biết bao giờ loài người sẽ đi xa được đến mức ấy, nhưng theo tớ thì kết luận đó phải xuất phát từ một cách nhìn nhận về thế giới rất là minh triết. Ý tớ là… có vẻ như ngài đã tìm ra đúng bản chất của thế giới này, mặc dù nó hơi khó tin.”

“Hôm trước rỗi rãi tớ cũng thử tập thiền.” Tôi nói. “Cũng ngồi yên một chỗ tập trung quan sát hơi thở ra thở vào của chính mình, nhưng được một lúc thì chán. Có lẽ tớ còn quá nhiều việc phải lo lắng suy nghĩ nên không thể tập trung được.”

“Cậu có muốn đi học thiền với tớ không? Tớ đăng ký giúp cho.”

“Thôi cậu ạ.” Tôi nói. “Dạo này tớ bận rộn nhiều việc lắm, có lẽ tớ chưa đủ duyên với món ấy đâu.”

“Ừ.”

“Mà này, thử tưởng tượng xem. Những người ra khỏi trạng thái mất trí, ý tớ là nhớ ra những kiếp trước của mình, thì họ sẽ sống tiếp thế nào nhỉ, họ có thấy những chuyện yêu đương, chuyện mưu sinh tranh đấu trên đời là quan trọng nữa không?” Tôi đặt vấn đề. “Nếu là cậu, cậu sẽ thế nào?”

“Tớ cũng mất trí như cậu nên không biết.” Đăng mỉm cười. “Nhưng tớ nghĩ khi tìm ra căn nguyên của vấn đề thì chắc người ta sẽ được thanh thản lắm. Chúng ta thường chỉ nghĩ đơn giản là mình đang hiện hữu ở đây, hãy tận hưởng cuộc sống này đi, nhưng thật ra chúng ta phức tạp hơn thế nhiều, Đức Phật khác chúng ta ở chỗ ngài đã hiểu được hết về chính mình. Giống như hôm trước nói qua mạng cậu bảo là có cô bạn mới quen, không hiểu sao cứ ở cạnh cô ấy là tim cậu đập rất mạnh ấy, liệu cảm giác ấy có một cội nguồn sâu xa gì không, đấy, hành trình giác ngộ chính là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về chính mình như thế.”

“Ừm.” Tôi uống nốt giọt rượu cuối cùng và nói. “Hay thật, đề tài này càng nói lại càng thấy hay, chỉ tiếc là hết rượu mất rồi.”

“Tớ xin phép uống đến đấy thôi.” Đăng lắc đầu. “Tớ mà uống nữa là nôn ra ngay đấy.”

“Vậy cậu ăn cơm đi.” Tôi nói. “Mà tự dưng tớ muốn đi đâu đó chơi quá nhé.”

“Giữa đêm hôm và trong tình trạng say mềm thế này á?”

“Không.” Tôi xé vỏ hộp cơm ra để làm hai cái đĩa cho hai đứa ăn cơm. “Ý tớ là sáng mai, khi đã tỉnh rượu ấy.”

“Được chứ, tại sao không.” Đăng nói. “Bây giờ mình ăn cơm rồi đi nghỉ sớm, mai tớ về phòng lấy ít đồ rồi mình về quê tớ chơi hai ngày, nói đến Phật giáo thì phải đi thăm non thiêng Yên Tử ở quê tớ, cậu thấy sao?”

“Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.” Tôi gật gù và nói: “Được đấy. Tớ cũng muốn về đấy lâu rồi!”

Đăng là người bạn du lịch bụi thân thiết nhất của tôi, từ ngày chơi với nhau đến nay chúng tôi đã đi du lịch đến hầu hết các tỉnh thành ở miền Bắc. Hành trang du lịch của chúng tôi rất đơn giản, một ít đồ đạc cá nhân, một chút tiền bạc đủ dùng, và liên hệ được với một người bạn nào đó ở địa phương để có người đón tiếp và chỉ đường đi chơi, chỉ cần có đủ ba điều kiện ấy thôi, là bất kể ngày nào giờ nào, hai thằng chúng tôi cũng sẵn sàng vác ba lô lên và phóng xe máy chở nhau đi chơi xa đến hàng trăm cây số.

Lên đường, chúng tôi lên đường đi khắp mọi miền đất nước chỉ để tìm kiếm chính bản thân mình, để trả lời cho những câu hỏi rất lớn lao như: Tôi là ai? Tôi đang làm gì ở đây? Tôi phải đặt niềm tin vào điều gì bây giờ? Những câu hỏi mà mười năm sau, trong vòng xoáy khắc nghiệt của cơm áo gạo tiền, có thể trở thành những câu hỏi vô ích mất thời gian, nhưng vào những ngày tháng mơ mộng ấy, chúng chính là những câu hỏi quan trọng nhất của tuổi trẻ.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio