Gã Đàn Ông Xấu Xa

chương 1: lâm lang

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Tôi nghe nói, một người phải đi con đường rất rất dài mới gặp được người kia.

Ngày Lâm Lang chào đời là lập đông năm , thời tiết cuối thu điển hình, mẹ Lâm thích nhất gốc hải đường bốn mùa nở hoa yêu kiều trên bệ cửa sổ, sắc màu tươi đẹp thấm tận đáy lòng. Ba Lâm hoang mang đẩy mẹ Lâm ra cửa, ngẩng đầu lên là bầu trời ngập nắng chiều, ánh tà dương quyến rũ mà thê lương.

Lâm Lang mới sinh chỉ nặng có hai ký hai, theo lời ba Lâm là cánh tay cẳng chân nhỏ xíu xiu, nom đáng thương vô cùng. Trước Lâm Lang, nhà họ Lâm đã có hai con trai, đôi vợ chồng một lòng muốn áo bông nhỏ tri kỷ (con gái), đời này xem như trọn vẹn. Thế nên, khi mẹ Lâm biết lần này lại mang thai con trai, chẳng những không vui sướng, ngược lại còn tính phá bỏ Lâm Lang. Chung quy đối với hai vợ chồng bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà nói, ba con trai quả thực có chút đáng sợ. Thời khắc quan trọng, vẫn là bà nội Lâm lên tiếng, bà cụ tư tưởng truyền thống, nói sao cũng không nhẫn tâm vứt bỏ cháu trai nhỏ đã thành hình, bèn vỗ bàn bảo: "Đẻ! Tụi bây nuôi không nổi tao nuôi!"

Năm xưa bà nội Lâm cũng là tiểu thư nhà giàu, mười ngón không dính nước mùa xuân, đáng tiếc gả đến Lâm gia chưa đầy vài năm thì góa chồng, cách mạng văn hóa thời ấy lại chia thành "Hắc ngũ loại", bị không ít người phê phán. Nhưng dù vậy, người phụ nữ bó chân như bà vẫn cắn răng nuôi lớn ba đứa con thành người, nỗi nhọc nhằn trong đó nghĩ cũng biết. Ba Lâm là người con hiếu thảo, hiển nhiên không dám đổ gánh nặng nuôi con cho bà cụ, vì thế khẽ cắn môi gia nhập đội ngũ xuôi nam đi làm thuê. Qua hai năm, mẹ Lâm phu xướng phụ tùy, cũng cùng đi tới phía Nam, ba con trai trong nhà giao tất cho bà nội Lâm chăm sóc. Mẹ Lâm là phụ nữ nông thôn một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng ba Lâm lại uống mực nước suốt mấy năm. Hôm nọ ông nhặt được tờ báo trên công trường, bảo là đứa trẻ bị bỏ lại cha không thương mẹ không đau tội nghiệp biết bao nhiêu, trong lòng vô cùng hổ thẹn với ba đứa nhỏ nhà mình, do vậy cứ dăm ba bữa lại gửi tiền về cho các con cải thiện sinh hoạt. Nhiều năm qua bà nội Lâm luyện được tài nấu nướng điêu luyện, củ cải trắng cũng làm ra vị thịt cá, lại hết mực yêu thương già trẻ, thành ra cuộc sống của Lâm Lang có thể nói là vô ưu vô lự.

hắc ngũ loại: năm phần tử xấu trong cách mạng văn hóa, bao gồm địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phần tử theo cánh hữu

Chẳng biết có phải tại sinh non không, từ bé Lâm Lang đã nhỏ gầy hơn những người khác, song lại trắng trẻo vô cùng. Việc này rất hiếm thấy trong thôn bọn họ, bởi trẻ con nhà quê ra đất vào bùn, không béo béo trắng trắng thì cũng đen đen gầy gầy, chỉ mình Lâm Lang trắng trẻo gầy teo. Theo như bà nội Lâm thì rõ là một tiểu tú tài sống sờ sờ. Xưng hô tú tài này ấy à, bạn đừng tưởng không quan nào to bằng trạng nguyên, với gia đình nhà nông ở cái thôn Thập Lý Câu bốn bề núi vây mà nói, tú tài đã là chuyện ngoài tầm với rồi.

Cũng không ngờ bà nội Lâm nói chuẩn. Do không có ba mẹ bên cạnh, Lâm Lang đi học sớm hơn người thường một chút. Trẻ con thời đó tám chín tuổi mới nhập học, Lâm Lang sáu tuổi đã theo anh hai vào tiểu học. Năm ấy, nông thôn chưa phổ biến nhà trẻ, chỉ có một lớp vỡ lòng, đếm được tới một trăm là đạt tiêu chuẩn nhập học. Trước đây Lâm Lang vốn phải đút tiền, ai dè thời hoàng kim của cậu cứ thế bắt đầu, ngay lần đầu tiên dự thi đã đứng nhất toàn lớp, bà nội Lâm mừng đến nỗi dẫn cháu trai yêu quý đi hết nhà này tới nhà khác. Chưa đầy nửa ngày, cả Thập Lý Câu đều biết nhà họ Lâm sinh ra tiểu Phượng Hoàng. Kể từ đó, thành tích của Lâm Lang hát vang tiến mạnh, giấy khen nhận được treo đầy tường, nghiễm nhiên trở thành một thắng cảnh phải ngắm của Lâm gia. Năm Lâm Lang lên lớp ba, vì thành tích quá xuất sắc nên nhảy thẳng lên lớp năm, bà nội Lâm thấy nhiều đã quen, tương đối bình tĩnh.

Người dân quê đặt nặng học thức. Nhờ thành tích tốt, Lâm Lang thành đứa trẻ gương mẫu trong thôn, nhà ai có con nít không nghe lời hoặc thi cử không tốt, người lớn sẽ lôi Lâm Lang ra: "Mày xem Lâm Lang nhà người ta kìa, vừa ngoan vừa học giỏi biết bao nhiêu! Cũng ăn cơm uống nước giống nhau, mày mà bằng được một nửa Lâm Lang nhà người ta thôi thì tao với ba/mẹ mày coi như sống không uổng rồi!"

Từ bé Lâm Lang đã trầm tính, không thích nói chuyện lắm. Những lúc chơi chung với đám bạn nhí, Lâm Lang vĩnh viễn là người im lặng đứng một bên, cười cũng khéo léo khả ái. Nhưng không thích nói chuyện đâu có nghĩa là không biết nói, dáng vẻ Lâm Lang điềm đạm nho nhã, cư xử rất có lễ phép, học hành lại giỏi giang, bộ dạng hợp lòng người nhường ấy sao không khiến người ta thương cho được? Cho nên, Lâm Lang ở nhà nhận hết yêu chiều, đi thăm họ hàng cũng là đối tượng được bác mợ dì khen ngợi. Anh chị em cùng thế hệ đều quý mến cậu, Lâm Lang thanh tú trầm lặng như thế, động vào một đầu ngón tay của cậu cũng có cảm giác phạm tội.

Nghỉ đông năm lớp chín của Lâm Lang, ba Lâm mua một chiếc xe ba gác máy chở cả nhà đi thăm bác gái của Lâm Lang. Bác Lâm Lang lấy chồng xa, nhà cách đây vài mỏm núi, quanh năm suốt tháng cũng hiếm có dịp trở về. Hôm đó là mùng sáu Tết, tuyết đọng tan hết khiến đường núi lầy lội không chịu nổi. Lâm Lang sợ lạnh rúc vào lòng mẹ Lâm, cười xem hai anh trai nắm tay vịn gào to bài "Côn nhị khúc" thịnh hành nhất thời bấy giờ.

Xe bất thình lình lật rơi xuống chân núi. Đoạn ký ức ấy với Lâm Lang vô cùng mờ nhạt, cậu chỉ nhớ rõ mẹ Lâm ôm chặt đầu cậu, hét lên một tiếng, tiếp theo xe liền lăn xuống. Lâm Lang mất đi ý thức giữa tiếng kêu sợ hãi.

Lâm Lang ở nhà bà ngoại một tháng, đến khi quay về, cậu cùng bà nội Lâm sống nương tựa lẫn nhau. Mọi người nhắc đến cậu, ngoại trừ kinh ngạc trước tướng mạo ngày càng tuấn tú, thì chỉ còn một tiếng thở dài.

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio