Tan tầm, tôi đi ra cửa với tâm trạng lơ mơ, tôi chỉ muốn nằm vật ra ngủ một giấc cho đã đời. Tôi cứ như vậy ôm cái bụng đói meo chạy thẳng đến nhà của Vũ, trong lòng chỉ còn ý nghĩ duy nhất là ngủ ngủ ngủ… không cần ăn uống gì sất.
Nhưng khi đến nhà anh, cảnh tượng bên trong khiến tôi thanh tỉnh hết một nửa, có ai đoán được tôi nhìn thấy gì không? Đó là cảnh tượng khiến tôi ngạc nhiên, chỉ có ngạc nhiên mới vực con người đang buồn ngủ cực hạn như tôi tỉnh táo trở lại!
Các bạn đã đoán ra chưa? Mà thôi, những cái đầu đen tối đừng nên suy nghĩ nữa. Vì cảnh tượng tôi nhìn thấy đó rất bình thường, chỉ có mình tôi kinh ngạc mà thôi. Nhưng đó là cảnh tượng gì mới được… vâng vâng, tôi giải đáp thắc mắc ngay đây.
Tôi nhìn thấy Vũ đang ngồi trên xe lăn trước bàn thờ cha mẹ, à không, anh đang chật vật chống nạng đứng lên khỏi xe. Khi tôi vào bên trong và khóa xong cổng rào anh cũng đứng vững vàng rồi. Tiếp theo, anh bưng những chén dĩa nào là cơm trắng nào là thức ăn đang để trên cái bàn xếp bên cạnh đặt lên bàn thờ cha mẹ. Tôi đi nhanh lại, tò mò nhìn.
Anh hiểu thắc mắc của tôi nên mở lời giải thích:
- Hôm nay đám giỗ cha mẹ anh.
Tôi phụ anh đặt những món ăn lên bàn thờ, tôi nghe giọng mình giận dỗi:
- Vậy mà mấy hôm trước không nói cho em tiếng nào.
- Anh quên mất.
Đặt mấy cái tô, chén, dĩa lên xong tôi lấy khăn lau sơ cái bàn rồi xếp lại. Anh vươn tay lấy mớ nhang trên bàn thờ có lẽ định đốt lên. Thấy anh loay hoay tôi chìa tay ra:
- Đưa cho em.
Tôi đốt nhang lên, khói nhang nhanh chóng váng vất khắp phòng khách nhà anh. Tôi chỉ tay vào cây đèn dầu cạnh đó hỏi:
- Cần đốt lên không?
Ngọn đèn đó tuy ngày nào đến đây tôi cũng thấy nó nằm nơi đó nhưng chẳng khi nào thấy nó được đốt lên, tôi nghĩ nó chỉ có tác dụng trong ngày trọng đại này. Anh gật đầu, tôi đưa nhang cho anh tự mình cắm vào lư hương, tiện tay khêu ngọn đèn lên.
Anh lui ra, chắp tay hướng về phía bàn thờ nhắm mắt khấn nguyện điều gì đó. Tôi im lặng tôn trọng khoảnh khắc hiếu đạo thiêng liêng ấy. Sau đó anh mở mắt, im lặng nhìn di ảnh mẹ cha, tôi nhìn thấy trong mắt anh khi ấy chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm.
Tôi đứng một lúc thì cơn buồn ngủ lại kéo đến khiến tôi rơi vào cảm giác mơ màng. Chỉ có điều tôi chưa mơ màng được bao lâu thì giọng của anh cất lên khiến tôi bừng tỉnh.
- Nga, giúp anh…
Tôi ngước mắt nhìn anh, chưa kịp hỏi anh cần tôi giúp chuyện gì thì thấy cả người anh đổ rầm xuống đất, bất tỉnh. Tôi lập tức bị dọa cho tỉnh như sáo, có ai nói cho tôi biết tình huống này là tình huống gì hay không?
Tôi nhào lại xốc anh lên, vừa chạm vào tôi liền biết nguyên nhân, cả người anh đang nóng như cục than đang cháy.
- Vũ, Vũ… tỉnh tỉnh…
Não của tôi căng ra làm việc. Ngất rồi thì làm thế nào, đơn giản, trước hết cứ lay tỉnh!
- Vũ… Vũ…
Tôi vỗ nhẹ vào mặt anh, không chút phản ứng, mạnh một chút cũng không phản ứng… trường hợp này nên làm sao? Tôi nhớ mẹ tôi từng nói nếu bất tỉnh thì cứ giật tóc may, nếu chưa chết nhất định bị đau mà tỉnh. Tôi bối rối đưa tay nắm mấy cọng tóc may của anh giật mạnh.
Vẫn không phản ứng sao? Tình hình có vẻ nghiêm trọng rồi! Ai nói cho tôi biết gọi xe cấp cứu số mấy đi! Tôi lấy điện thoại ra, mịa nó, lúc khẩn cấp chỉ nhớ được số của cảnh sát () thì làm được gì hả trời? Tôi hít một hơi sâu cố để cho lòng thanh tỉnh và nhớ, đúng rồi, cấp cứu là , tôi vội bấm bấm điện thoại miệng liên tục tụng niệm “cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu”. Bất ngờ bàn tay tôi bị bàn tay nóng hổi giữ chặt, anh đã tỉnh dậy rồi, tôi xém chút thở phào.
- Em định làm gì?
- Gọi cấp cứu.
- Không cần, anh nghỉ một lát là khỏe lại.
- Không được, anh đang rất nóng, phải đi bệnh viện.
Tôi giằng tay ra khỏi tay anh đang định bấm phím gọi thì điện thoại bị anh cướp mất, anh mệt mỏi nói:
- Không, anh không muốn vào bệnh viện.
- Nhưng mà…
- Anh không sao.
Tôi kiên quyết:
- Anh phải vào viện. Đưa điện thoại cho em.
- Anh có chết cũng không đi…
Câu nói này sao quen quá vậy nhỉ? À, trước đây tôi từng đến bệnh viện nhưng thủ tục rườm rà quá, tôi ức nên từng nói câu tương tự, là thế này “nếu không hôm mê bất tỉnh có chết tôi cũng không vào bệnh viện”.
- Được rồi, không đi thì không đi. Em đưa anh về phòng!
Tôi đỡ anh đứng lên, toàn bộ sức nặng thân thể anh chừng như dồn hết lên đôi nạng, còn đôi chân chỉ nhích được hai bước cả người liền lao chao muốn ngã ngang. Tôi kéo xe lăn lại ấn anh ngồi lên rồi đẩy vào phòng, lôi lôi kéo kéo một hồi tôi cũng quăng anh nằm ngay ngắn lên giường, chỉ có điều anh lại bị cơn sốt làm cho tiếp tục mê man bất tỉnh rồi.
Tiếp theo nên làm gì? Đúng rồi, hạ nhiệt! Nhưng dùng cái gì để hạ nhiệt? Tôi chỉ biết một vài thứ hạ nhiệt cấp tốc là rượu, nước nóng, nước đá… cả ba thứ nhà anh đều không có, nước nóng muốn có thì phải nấu… Khi tôi định nấu nước thì chợt nhớ nhà anh có một thứ khác cũng có thể hạ nhiệt, đó chính là giấm chua.
Dùng giấm để hạ nhiệt cho một người đang sốt cao không phải tôi chưa làm lần nào nhưng là lần đầu tiên tôi chữa trị cho đàn ông nha! Có ai đang thắc mắc tôi nói điều đó làm gì hay không? Là vì dùng giấm hạ nhiệt thì phải cởi đồ người bệnh ra.
Véo, véo, véo… ba cái camera giám sát bị tôi vứt khăn đậy kín lại. Sau đó thì tôi cởi trần người đàn ông tương lai sẽ là đấng ông chồng của mình. Dùng khăn nhúng vào thau giấm chua rồi chà khắp người cho anh, hơi nóng cùng với vị chua chua phả ra khiến tôi cảm thấy cực kỳ ngột ngạt. Đúng như mong muốn, nhiệt độ cơ thể anh nhanh chóng hạ xuống. Tôi lay mãi anh mới mơ màng tỉnh dậy, tôi nhét thuốc vào miệng anh rồi đổ nước vào, anh uống thuốc sau đó lại khép mắt, mê man.
Đổi bộ quần áo khác cho anh xong tôi vẫn thấp thỏm chốc chốc kiểm tra xem thân nhiệt anh có tăng lên hay không… may là không tăng thêm. Tình hình tạm ổn cũng là lúc bao tử của tôi réo ầm ầm, đồng hồ báo thức của tôi la lối rền rĩ, đến giờ đi làm rồi. Tôi bất đắc dĩ gọi cho sếp:
- Sếp ơi em bệnh rồi, chiều nay cho em nghỉ nha!
Sếp của tôi nghe vậy thì ừ, kêu tôi đi khám rồi uống thuốc cho mau khỏe, tôi vâng dạ rồi ngắt máy. Người bệnh không phải tôi nhưng hiện tại tôi cũng sắp bệnh tới nơi rồi. Tôi nấu gói cháo ăn liền xơi xong cái bụng mới tạm thời yên tĩnh lại.
Tôi mở cửa, đi vào phòng chứa dàn máy lưu trữ video từ camera giám sát, tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Công việc ấy thời gian gần đây đã trở thành thói quen mới của tôi, như xem bộ phim truyền hình dài tập vậy. Chỉ cần đến đây tôi sẽ tranh thủ xem lại video giám sát một chút, tôi muốn biết lúc tôi vắng mặt anh làm gì. Vừa nhìn tôi giật mình nhận ra camera giám sát phòng anh vẫn bị tôi đậy kín đến giờ vẫn chưa gở mấy cái khăn che xuống. Tôi trở lại phòng anh, tháo mấy cái khăn ra khỏi camera đồng thời kiểm tra thân nhiệt anh lần nữa, đúng là không tăng lên, tôi thở phào nhẹ nhõm quay trở về phòng máy.
Ngày thứ bảy trước đó trôi qua bình thường như mọi ngày. Tôi chọn tua nhanh qua những đoạn không có chuyện gì quan trọng. Chủ nhật, sáng anh đến cửa hàng, trưa về thì trời mưa. Anh uống thuốc rồi ngủ! Đến gần chạng vạng, trời vẫn còn mưa nhưng anh trở dậy đi nấu mỳ ăn sau đó uống thuốc và tiếp tục ngủ. Nửa đêm mưa to kèm theo sấm sét làm anh tỉnh giấc, anh vào toilet khi trở ra thì video tối đen không có hình ảnh gì, có lẽ sấm chớp làm cho mất điện nên camera không thu lại hình ảnh, chỉ có dàn máy tính được kết nối với máy trữ điện nên vẫn còn hoạt động. Sau khi hình ảnh hiển thị trở lại tôi thấy anh đang ngồi dựa lưng vào tường giống với đêm mưa hôm đó.
Sau đó video lại tối đen, khi hình ảnh có trở lại tôi vẫn thấy anh ngồi nơi đó. Hình ảnh cứ mất đi rồi có lại tầm bốn năm lần, hình ảnh cuối cùng tôi thấy là anh nằm dài trên sàn bếp… và anh “ngủ” cả đêm với tư thế đó trên nền đất lạnh. Đến tận sáng nay anh tỉnh dậy chống nạng về phòng thay đồ rồi ra ngoài, khi trở về trên tay còn xách thêm một cái túi lớn. Anh mang cái túi vào bếp sau đó về lấy xe lăn, anh ngồi trên xe lăn bắt đầu nấu ăn. Trong tất thảy video giám sát của nhà anh mà tôi được xem thì đây hình như là lần đầu tiên tôi thấy anh nấu ăn! À không, hình như tôi đã từng thấy anh nấu cơm một vài lần rồi.
Trí tò mò bị kích thích, tôi mở file lưu trữ video giám sát của năm trước. Tua video trở về ngày này của một năm trước, quả nhiên anh cũng tự tay nấu cơm. Phong giúp anh mua nguyên liệu và mang thành phẩm đặt lên bàn thờ cha mẹ.
Tôi tiếp tục nhìn chầm chầm vào video để xem sáng nay anh nấu ăn xong thì làm gì. Anh mang chiếc bàn xếp ra để trước bàn thờ, sau đó chất đồ ăn lên cái mâm nhỏ, anh đặt mâm lên đùi mình rồi điều khiển xe lăn ra phòng khách, để chúng lên bàn. Vòng tới vòng lui mấy lượt anh mới mang hết đồ cần thiết ra nhà trước. Sau đó, anh chống nạng chật vật đứng lên để chuyển đồ trên cái bàn xếp lên bàn thờ. Những chuyện sau đó tôi đã chứng kiến nên không cần xem nữa.
Hóa ra vì ngủ một đêm dưới nền đất lạnh, sáng ra lại không chịu ăn gì cứ để bụng rỗng chạy lăng quăng đi mua đồ về nấu nướng. Trời hôm nay cứ mưa âm ĩ, anh có thể chịu đựng đến lúc cúng xong mới ngã ngang cũng là chuyện đáng nể rồi. Đổi lại là tôi, tôi cũng không chịu nổi. Tôi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Tôi đi sang phòng anh kiểm tra một chút, anh lại hâm hẩm nóng, không có dấu hiệu nóng thêm hay mát đi, đây là tình trạng có thể nói là ổn định của anh mỗi khi trời bên ngoài bắt đầu mưa. Tôi cảm thấy cả người mệt mỏi nên về phòng mình ngủ một giấc. Không biết đã qua bao lâu, chuông điện thoại làm tôi giật mình thức giấc, tôi nhận điện thoại xong thì hoàn toàn tỉnh táo. Tôi xem đồng hồ xong mới giật mình nhận ra tôi chợp mắt một chút mà gần ba tiếng đồng hồ.
Tôi vươn vai đứng dậy đi sang phòng của Vũ. Anh đã tỉnh lại nhưng chỉ nằm yên, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nhận ra trong ánh mắt đó có dư vị của đau thương. Tôi dừng lại bên mép cửa nên có thể anh không nhận ra tôi đã đến. Tôi quay lưng trở vào bếp làm một vài chuyện, lúc sau tôi trở lại nhận ra anh vẫn giữ nguyên tư thế ấy, mắt nhìn xa xăm về hướng cửa sổ mặc dù nơi đó chẳng có thứ gì để nhìn ngoài tấm rèm cửa sổ đang bay bay và vách tường nhà hàng xóm… Và tôi nghe rõ anh đã thở dài…
Tôi vào phòng anh cũng không buồn quay lại nhìn tôi, tôi đi đến đưa tay kiểm tra thân nhiệt của anh, đã ổn định rồi, trời bên ngoài cũng không còn mưa nữa. Anh rốt cuộc cũng quay lại nhìn tôi, vẫn là ánh mắt sâu thăm thẳm khiến người ta nhìn vào bất chợt tái tê kia. Tôi vươn tay vỗ nhè nhẹ vào hai bên má của anh cười nói:
- Đừng nghĩ linh tinh nữa.
- Em biết anh nghĩ gì sao?
Anh dùng giọng vịt đẹt để hỏi tôi, sau đó có lẽ cảm thấy cổ họng có chịu nên anh tằng hắng mấy cái. Tôi cười cười:
- Ý nghĩ hiện hết lên trên mặt, em không muốn biết cũng không được.
Anh cụp mắt không nhìn tôi nữa.
- Đừng ngủ nữa. Ngồi dậy ăn chút gì đó đi.
Tôi lôi lôi kéo kéo anh ngồi dậy. Anh ngồi dậy sau đó cúi nhìn hàng cúc áo đang bị mở tang hoác của mình thì có vẻ ngạc nhiên. Tôi cười vô tội:
- Anh không chịu đi bác sĩ nên em phải làm bác sĩ cho anh.
- Làm gì?
- Không ngửi thấy mùi vị gì sao?
Anh hít mũi sau đó mờ mịt nhìn tôi. Tôi tốt bụng giải thích.
- Giấm chua, hạ sốt.
- Giấm có tác dụng đó sao?
- Có thể, thứ đầu tiên em nghĩ là rượu nhưng nhà anh không có, cái thứ hai là nước nóng nhưng muốn dùng được phải nấu. Chỉ có giấm quơ tay một cái là có mấy chai ngay lập tức.
- Dùng nó như thế nào?
Tôi cười cười nói:
- Chính là cởi sạch đồ, chà giấm lên cho nó hút đi chất nóng trên người. Em nói cho anh biết người ta bị bỏng da có thể dùng giấm đắp vào đó, đắp xong sẽ không cảm thấy nóng về sau cũng không nổi bóng nước lên trên da.
- À... Lúc trưa là em cởi đồ anh sao?
- Chứ anh nghĩ là ai…
A, đợi một chút, lúc cấp bách tôi lỡ cởi rồi chắc không phải anh đòi tôi chịu trách nhiệm gì đó đâu ha. Không được, phải đánh lạc hướng mới được!
- Trên lưng anh có mấy vết sẹo, nó là gì? Nói cho em biết được không?
Tôi không phải là người nhạy cảm nhưng khi tôi nói xong câu đó tôi nhận ra mặt anh ngay lập tức trầm xuống. Tôi vừa hỏi điều không nên hỏi sao? Anh không muốn nói về nó sao? Tôi nghi hoặc nhìn anh. Anh im lặng một lúc mới nói:
- Vết vừa to vừa rộng là bỏng nước sôi.
- Ừm, vậy là em đoán đúng. Còn hai vết dài dài…
- Là…
Anh đột nhiên cúi gằm mặt, hình như anh không muốn nói, tôi bối rối vươn tay nắm lấy bờ vai anh. Đôi vai anh không rõ từ khi nào trở nên cứng ngắc, còn run lên nhè nhẹ. Tôi hơi ngẩn người, lẽ nào tôi vô tình khơi lại ký ức khủng khiếp nào đó của anh?
- Nếu anh không muốn nói thì đừng nói.
Mãi lúc sau đôi bờ vai anh mới có chút thả lỏng, anh thấp giọng nói:
- Đó là vết bị đánh.
- Ai đánh anh, Phong sao? Hay du côn trên đường hay...
- Không phải, là cậu anh.
Tôi sững sờ. Trong những lần tôi nghe anh kể về gia đình, người cậu này tuy cả ngày tất bật với công việc nhưng đối với anh không tệ, mỗi lần con gái ruột của ông và Phong làm Vũ bệnh, ông luôn là người đưa anh đi bệnh viện. Tôi không nghĩ ra được lúc nào ông ta có thể xuống tay đánh anh, đánh mà có thể để lại sẹo thì cơn giận khi đó nhất định không bình thường.
- Là lỗi của anh, anh làm bé Thy té đổ máu. Cậu tức giận mới mạnh tay như vậy.
Tuy rằng anh nói với giọng bình thản, nói rằng đó là lỗi do anh nhưng tôi vẫn cảm thấy bất nhẫn. Những lần anh kể chuyện Phong và Thy làm anh bệnh ngất ngư kia có lần nào hai kẻ kia bị dạy dỗ gì đâu, còn anh làm lỗi liền bị mang ra trút giận không thương tiếc.
Tôi nhận ra dù ở đâu, dù là thời đại nào đi nữa, khi trong gia đình có thành viên là người khuyết tật mọi người trong nhà nhất định xuất hiện xu hướng phân biệt đối xử, nếu không phải cưng như trứng sợ động mạnh sẽ vỡ thì lạnh nhạt như nước lã, thậm chí hành hạ không thương tiếc. Cả cái xã hội tôi đang sống này nữa, cái gì mà trợ cấp xã hội, vẫn chỉ là phân biệt đối xử mà thôi. Tôi biết xã hội không nghĩ đến những chuyện đó nhưng người như anh sẽ nghĩ đến. Tuy anh không nói gì nhưng tôi cảm nhận được, anh cũng muốn mình được đối xử như người bình thường, muốn yêu thương và được yêu thương nhưng chẳng biết đến bao giờ mọi người chịu đối xử như một người bình thường.
Tôi choàng tay qua người anh, hít hít cái mùi chua chua còn phảng phất của giấm cười hỏi:
- Mùi vị nồng như vậy mà nằm nãy giờ anh chịu nổi sao?
- Anh không có mắc bệnh sạch sẽ, vả lại dù sao đây cũng là mùi vị của bà xã có gì mà không chịu được.
Cái gì? Mùi của bà xã, ý gì đây?
- Đi đi đi… tắm tắm tắm…
- Ừm.
- Nước chắc được rồi.
- Nước gì?
- Anh mới sốt cao, không được tắm nước lạnh. Chỉ được tắm nước nóng do em chuẩn bị.
Không để anh có ý kiến tôi bồi luôn câu tiếp theo:
- Em sống chế độ nữ quyền quen rồi, nên, hôm nay nghe theo em, không được cãi.
- Ừm.
- Muốn mặc bộ đồ nào? Bộ này hay bộ này…
Tôi mở tủ lấy vài bộ đồ ra dò ý, anh thờ ơ nói:
- Bộ nào cũng được.
Người này đúng là, lâu lâu tôi mới nhiệt tình được một lần lại không biết tận dụng gì cả.
- Anh tự lựa đồ đi, em đi pha nước!
Nước mà tôi chuẩn bị thật ra không đơn giản chỉ là nước nha, đó là nước trà. Khi nãy tôi thấy anh đã thức dậy nên tôi mang gói trà xanh mới mua ban sáng vào bếp để nấu. Các bạn có biết tắm nước trà rất tốt cho sức khỏe không? Trà giúp cơ thể thư giãn rất hiệu quả đấy. Những lúc cơ thể mệt mỏi hay cảm sốt tôi cũng thường tắm nước trà, nó giúp tôi cảm thấy sức khỏe tốt hẳn ra.
(hết chương)