Sự nổi tiếng của Trường đại học N. bắt đầu từ trường dạy toán Lily.
Người đầu tiên đưa lại danh tiếng cho trường là John Lily. Ông làm cái chuyện động trời là chiêu sinh cả những nữ học sinh, đúng là việc kinh động thế gian, lập tức làm cho trường nổi tiếng. Trong mấy năm đầu, có cảm giác trường này giống như một trường Tây, ai đến thành phố này cũng phải đi xem trường, xem cho thoả thích con mắt, giống như đi chơi cô đầu. Theo kể lại, trong xã hội phong kiến, chỉ với cái cớ tuyển nữ sinh, cũng đủ san phẳng nhà trường. Tại sao không? Có nhiều cách nói, cứ như cách nói trong gia phả dòng họ Dung, có thể đáng tin nhất. Gia phả họ Dung kín đáo chỉ ra rằng, những người con gái đầu tiên vào trường học đều là hậu duệ của dòng họ. Như vậy có nghĩa là, tôi giẫm đạp lên bản thân tôi, liệu các người còn nói gì nào? Đấy là điều mà môn hình học gọi là hai vòng tròn chồng lên nhau, không giao cắt, cung tròn tiếp giáp nhau. Đấy là điều diệu kì làm cho trường dạy toán bị chửi rủa nhưng không bị đổ. Giống như đứa trẻ gào khóc, trường dạy toán Lily bị người đời tát cho khóc to hơn.
Người thứ hai đưa lại danh vọng cho nhà trường cũng là người nhà họ Dung: một cô cháu gái của John Lily, kết tinh của người anh cả của J. Lily ở độ tuổi sáu mươi với nàng hầu. Cô gái này có cái đầu hổ vừa tròn vừa to, nhưng chứa đựng trong đầu không phải là bã đậu, mà là những mưu kế thần diệu. Từ nhỏ cô tỏ ra thông minh khác người, nhất là làm các phép tính dài và thuật diễn toán. Mười một tuổi đi học, mười hai tuổi có thể cộng trừ nhân chia trên bàn tính, tính nhanh ai cũng phải phục, chỉ cần nhổ xong một bãi nước bọt cô đã tính nhẩm xong hai con tính nhân chia bốn chữ số. Những đề toán khó đến tay cô đều giải quyết một cách nhanh chóng, khiến người ra đề phải thất vọng, ngờ rằng cô ta chưa hề nghe thấy đề toán ấy. Một ông thầy bói mù chuyên sờ đầu đoán số, đã đoán số cho cô, nói chóp mũi cô cũng có óc, chín chín tám mươi mốt năm mới có một kì nhân như thế này. Năm mười bảy tuổi, cô cùng người anh họ con bà cô du học ở tại Đại học Cambridge, chuyến tàu thuỷ đi vào bến Luân Đôn sương mù dày đặc, ông anh họ vốn lấy thơ phú làm thú tiêu khiển tao nhã, bỗng trào ý thơ, cảm hứng trước lớp sương mù, xuất khẩu thành thơ:
Dựa vào sức mạnh đại dương
Ta đến đây
Ta đến đây
Ta đến đây
Sương mù không che khuất vẻ hoa lệ.
Cô em họ bị tiếng ngâm thơ của ông anh làm tỉnh giấc, cặp mắt ngái ngủ nhìn cái đồng hồ quả quýt vỏ vàng, cô bật lên một câu: “Chúng ta đi mất ba mươi chín ngày và bảy tiếng đồng hồ.”
Sau đấy hai anh em như bước vào một con đường đã định, lần lượt hỏi đáp.
Anh hỏi: “Ba mươi chín ngày bảy tiếng đồng hồ bằng...”
Cô em trả lời: “Chín trăm bốn mươi ba tiếng đồng hồ.”
Anh hỏi: “Chín trăm bốn mươi ba tiếng đồng hồ bằng...”
Cô em: “Năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi phút.”
Anh hỏi: “Năm mươi sáu ngàn năm trăm tám mươi phút bằng...”
Cô em: “Ba triệu ba trăm chín mươi tư ngàn tám trăm giây.”
Tưởng chừng trò chơi này là một phần trong cuộc sống của hai anh em, ai cũng coi cô là cái bàn tính không cần đụng tay, cũng có lúc họ dùng đến. Trò chơi ấy trong cuộc sống khiến cho tài năng và giá trị của cô nổi trội, theo đó mọi người gọi cô là Cái bàn tính. Bởi cái đầu cô rất lớn, cho nên có người gọi cô là Cái bàn tính đầu to, nhưng sự thật thì, thuật toán của cô còn cao siêu hơn bất cứ một cái bàn tính nào. Tưởng chừng như cô đã thu hết khả năng tính toán làm ăn của nhiều đời trong dòng họ Dung vào đầu óc mình, mang ý nghĩa lượng biến thành chất.
Trong thời gian ở Cambridge, cô vẫn giữ được cái tư chất bẩm sinh lại phát lộ thêm những tư chất mới, ví dụ học ngôn ngữ. Bạn bè phải nghiến răng nghiến lợi để học, còn cô chỉ cần tìm một đứa bạn người nước ngoài đến ở cùng phòng, thử vài lần là có thể giải quyết vấn đề. Chừng như mỗi học kì lại đổi một bạn ở chung, cho đến khi kết thúc học kì, chắc chắn cô đã có thêm một ngoại ngữ, nói không thua kém gì bạn cùng phòng. Rõ ràng, về phương pháp học không có gì đặc biệt, chỉ là phương pháp thông thường mọi người vẫn học. Kì lạ là kết quả. Như vậy, trong mấy năm học cô biết thêm bảy ngôn ngữ nước ngoài, hơn nữa, thứ tiếng nước ngoài nào cô cũng đọc và viết thành thạo. Một hôm, trong sân trường, cô gặp một cô gái tóc màu tro, cô gái này hỏi chuyện gì đó, cô nghe không hiểu, nói với cô gái kia bằng bảy thứ tiếng, nhưng vẫn không hiểu nhau. Thì ra cô gái này vừa từ Miland đến, chỉ biết nói tiếng Ý. Biết vậy, cô mời cô gái kia về ở cùng phòng một học kì. Ngay trong học kì ấy, cô bắt đầu thiết kế cầu toán học Newton.
Cầu toán học Newton là một cảnh quan đẹp của thành phố Cambridge, cầu được ghép bằng bảy nghìn một trăm bảy mươi bảy thanh gỗ lớn bé khác nhau, có mười ngàn hai trăm chín mươi chín chỗ nối, nếu tính mỗi chỗ nối có một cái đinh, vậy ít nhất có mười ngàn hai trăm chín mươỉ chín cái đinh. Nhưng Newton đổ tất cả đinh xuống sông, toàn bộ cây cầu không có một cái đinh nào, đó là sự kì diệu của toán học. Bao nhiêu năm nay, những nhân vật tài giỏi của khoa toán trường Cambridge đều mơ ước tìm lời giải cho bài toán cây cầu, nói một cách khác, làm một cây cầu như cây cầu toán học trên trang giấy. Nhưng chưa một ai làm được. Có rất nhiều người thiết kế ra một cây cầu nhưng phải dùng hàng ngàn cái đinh mới có được hiệu quả như cây cầu kia, chỉ một số ít người giảm được số đinh xuống còn ít nhất dưới một ngàn chiếc đinh. Có một người Băng Đảo nói, anh ta lập được thành tích tốt nhất trong lịch sử là đã giảm số đinh xuống còn năm trăm sáu mươi mốt chiếc. Tiến sĩ toán nổi tiếng Pedro Almo, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thẩm định cây cầu toán học Newton đưa ra cam kết, nếu ai có thể giảm được số lượng đinh theo cơ số trên đây, dù chỉ là một cái, sẽ được vinh dự trực tiếp nhận học vị Tiến sĩ toán của Đại học Cambridge. Về sau cô em họ đã nhận học vị tiến sĩ của Đại học Cambridge theo cách đó, vì cô đã thiết kế được cây cầu toán học chỉ dùng ba trăm tám mươi tám cái đinh sắt. Trong lễ phong học vị tiến sĩ, cô đã dùng tiếng Ý để nói lời cảm ơn, nhằm chứng tỏ chỉ trong một thời gian ngắn nhất cô đã nắm vững được thêm một ngôn ngữ.
Đấy là năm thứ năm cô vào Đại học Cambridge, lúc ấy mới hai mươi hai tuổi.
Năm sau, có hai anh em muốn đưa con người lên trời, đến Cambridge gặp cô em, họ có lí tưởng và quyết tâm cao, đưa cô sang Mĩ. Hai năm sau, ở một vùng nông thôn bang Caroline Bắc, con người đã thành công đưa được một cái máy bay lên bầu trời xanh. Trong bụng chiếc máy bay ấy có một tấm biển màu xám, khắc tên những nhân vật chủ yếu và thời gian thiết kế, chế tạo chiếc máy bay này. Trong đó, dòng thứ tư khắc như sau: Người thiết kế cánh máy bay: Dung Bàn tính Lily, người thành phố C, Trung Quốc.
Dung Bàn tính Lily là tên Tây của cô, trong gia phả nhà họ Dung, cô tên là Dung Ấu Anh, là hậu duệ đời thứ tám dòng họ Dung. Còn hai người đưa cô sang Mĩ là người đầu tiên trong lịch sử chế tạo máy bay, anh em Wright.
Máy bay đã đưa tên tuổi của cô lên trời, cô cũng đã đưa tên trường mẹ lên trời. Sau cách mạng Tân Hợi, nhận thấy tổ quốc Trung Hoa có cơ hội chấn hưng, thậm chí cô đã từ bỏ tình yêu đã qua nhiều năm, dứt khoát về nước, nhận chức Chủ nhiệm khoa toán của trường mẹ. Lúc ấy, trường dạy toán Lily đã đổi tên thành trường đại học N. Mùa hè năm , Chủ tịch Hội đồng thẩm định cầu toán học Newton, tiến sĩ Pedro Almo, nhà toán học nổi tiếng, đem theo mô hình cây cầu toán học Newton có ba trăm tám mươi tám cái đinh do Dung Ấu Anh thiết kế, xuất hiện ở Trường đại học N. Điều ấy đã đưa lại cho Đại học N một vinh dự, cũng có thể nói tiến sĩ Pedro Almo là người thứ ba đưa lại tiếng tăm cho Đại học N.
Một ngày tháng Mười năm , quân Nhật đưa ngọn lửa chiến tranh đến khuôn viên Đại học N, mô hình một phần hai trăm năm mươi của cây cầu toán học Newton - báu vật của thế giới - do tiến sĩ Pedro Almo tặng, bị thiêu trong ngọn lửa dã man và ngu xuẩn. Nhưng hai mươi chín năm trước, tức một năm sau ngày tiến sĩ Pedro Almo thăm Đại học N, chủ nhân thiết kế cây cầu đã từ biệt cõi đời, năm ấy mới bốn mươi tuổi.