Chúng ta tạm gác cuộc phá án thế thân ở Thuần Vu gia trang mà quay lại với chàng câm tội nghiệp.
Số là, Thuần Vu Kỳ đau đớn đến phát cuồng, chạy như bay ra khỏi nhà, lướt nhanh trên con đường trục Bắc Nam, khiến người trong thành nhìn nhau ngơ ngẩn. Họ tự hỏi chàng trai kia điên hay là ăn cướp đang bỏ chạy.
Đứa con bị từ chối ấy rời cửa Nam, tiếp tục phi thân cứ như đang chạy đua với người kỵ sĩ phía sau.
Nắng hạ chói chang đã làm Thuần Vu Kỳ sớm mệt mỏi và khát nước, chàng dừng chân ở bìa một cánh rừng cách Khai Phong chín dặm.
Nhờ vậy, người nữ kỵ sĩ áo xanh, đội nón rộng vành, chung quanh có rèm bằng the mỏng màu đen, mới bắt kịp. Nàng ta dừng cương trước mặt Thuần Vu Kỳ, tháo túi da đựng nước ném cho chàng.
Dù ngạc nhiên nhưng vì đang khát nên chàng không từ chối, tu ngay một hơi dài.
Nữ kỵ sĩ kia xuống ngựa, lột nón, đứng nhìn chàng cười tủm tỉm. Nhận ra gương mặt đẹp tuyệt trần và hai chiếc răng sói quái dị của Sầm Tú Linh, Thuần Vu Kỳ hổ thẹn vì nhớ đến lúc mình ôm chặt nàng, hôn lên má, lên môi. Chàng lúng túng ra dấu :
- Sao cô nương lại đuổi theo ta?
Sầm Tú Linh cười đáp :
- Vệ đại ca đã tiên đoán trước nên sai nô tỳ mang hành lý và bảo kiếm đến cho công tử. Và nô tỳ có nhiệm vụ tháp tùng công tử đến núi Võ Đang.
Thuần Vu Kỳ buồn rầu xua tay, ý rằng không muốn nhận bất cứ vật gì của Thuần Vu gia trang, đồng thời chàng cũng chẳng cần nàng tháp tùng.
Lang Nha mỹ nhân nghiêm giọng :
- Vụ án thế thân ở Thuần Vu gia trang rất phứt tạp và quan hệ đến cơ nghiệp cũng như tính mệnh của Trang chủ cùng phu nhân, mong công tử bình tâm, lắng nghe nô tỳ trình bày.
Nàng ngồi xuống bãi có dưới bóng mát của tàn cây cổ thụ rồi đưa bàn tay ra dấu mời ngồi. Thủ pháp của nàng rất điêu luyện, nhanh nhẹn, cứ như một người câm thực thụ vậy.
Thuần Vu Kỳ kinh ngạc hỏi :
- Sao cô nương lại biết thứ ngôn ngữ bằng tay này?
Lang Nha mỹ nhân đáp bằng lời :
- Tiên mẫu cũng là người bị á tật bẩm sinh nên từ nhỏ nô tỳ đã học Á Ngôn Thủ Hiện toàn thư để trò chuyện cùng mẫu thân.
Vào thời Bắc Tống, một bậc danh sĩ tài cao học rộng đất Trung Nguyên cũng bị câm. Ông bèn sáng tạo ra một hệ thống dấu hiệu gồm cử chỉ hai bàn tay, liên quan đến đầu, mặt, thân trên để giúp người câm diễn đạt ý mình. Sách Á Ngôn Thủ Hiện toàn thư được truyền bá rộng rãi và rất được người câm hoặc người điếc ưa chuộng.
Thuần Vu Kỳ cũng được Trương chân nhân dạy nói bằng tác phẩm trứ danh này.
Nay gặp được người thông hiểu mình, chàng vô cùng mừng rỡ, bất giác sinh lòng yêu mến Sầm Tú Linh.
Chàng ngồi xuống nghe nàng kể hết kế hoạch của Vệ Cửu, lòng bình thản trở lại, yên tâm lên đường đi Hồ Bắc. Chàng phải có mặt trên núi Võ Đang trước ngày rằm tháng tám. Sứ mạng này rất quan trọng nên chàng chẳng dám trễ nải.
Thấy chỉ có một con ngựa, chàng ra hiệu rằng mình sẽ đi bộ còn Sầm Tú Linh cỡi tuấn mã. Lang Nha mỹ nhân đỏ mặt cười thùy mị :
- Công tử ngồi chung với nô tỳ cũng được. Hôm trước chàng đã ôm hôn người ta, giờ còn ngạo ngùng gì nữa? Hơi hai chục dặm nữa mới đến trấn Long Oai để mua thêm ngựa, công tử đi bộ làm sao nổi.
Thuần Vu Kỳ nghe nhắc đến lỗi cũ, riu ríu nghe lời nạn nhân. Vả lại, chàng vốn phóng khoáng, ít câu nệ tiểu tiết. Trên ngọn núi hoang vu kia làm gì có đàn bà con gái để Trương chân nhân nhắc nhở đến.
Lang Nha mỹ nhân tung mình lên trước, chàng nhảy lên sau. Chưa cỡi ngựa bao giờ nên Thuần Vu Kỳ cảm thấy bất an, liền ôm lấy vòng eo thon thả của nàng. Sầm Tú Linh rùng mình vì rất ngượng nhưng không hề phản kháng. Từ ngày bị chàng ngố kia ôm hôn, Sầm Tú Linh chẳng còn úy kỵ gì nữa, chỉ mong sao chàng xứng đáng để mình thờ phụng.
Phần Thuần Vu Kỳ cũng bắt đầu xao xuyến bởi da thịt mềm mại của mỹ nhân cũng như hương thơm từ tóc nàng. Chàng khoan khoái, ngất ngây, tưởng như đang được ôm Thuần Vu Tiệp. Chàng không nổi tà ý và cũng không áy náy, chỉ thản nhiên hưởng thụ với cái tâm trong sáng, tự nhiên nhi nhiên.
Bất giác, Thuần Vu Kỳ mỉm cười cho rằng sư phụ đã sai khi bắt chàng phải tránh xa các mỹ nhân. Thuần Vu Tiệp và Sầm Tú Linh đều rất đẹp và rất tốt với chàng.
Lang Nha mỹ nhân biết một đường mòn vắng vẻ đi tắt đến trấn Long Oai nên không ra quan đạo cho thiên hạ cười, cứ lặng lẽ thúc ngựa đi chậm rãi để kéo dài những thời khắc ôn nhu, tuyệt diệu.
Chợi tuấn mã vấp phải mô đất khiến Thuần Vu Kỳ sợ hãi ôm chặt hơn. Sầm Tú Linh phì cười, hiểu rằng chàng ngốc này không biết cỡi ngựa. Nàng liền dừng cương bảo :
- Đoạn đường này rất vắng, công tử hãy học thuật kỵ mã để mai sau sử dụng.
Thuần Vu Kỳ nghe nói có lý nên nhận lấy dây cương, làm theo sự chỉ dẫn của nàng.
Khi chàng đã nắm được cơ bản thì Sầm Tú Linh xuống ngựa để chàng cỡi thử một mình. Thuần Vu Kỳ giỏi khinh công nên học thuật cỡi ngựa rất nhanh, thực tập nửa canh giờ là thành thạo.
Chàng hứng thú ra hiệu gọi Sầm Tú Linh lên ngồi sau lưng để chàng chở đi.
Đến lượt Lang Nha mỹ nhân ngây ngất vì mùi đàn ông ngai ngái và quyến rũ.
Dục tính bao năm bị dồn nén, giờ bùng lên như nước vỡ bờ. Nàng khát khao được ôm lấy thân hình cường tráng, săn chắc của chàng.
Nhưng Lang Nha mỹ nhân lại là một nữ nhân cả thẹn và kiên quyết. Nàng không chiều theo cảm xúc của xác thân mà cố đè nén xuống. Nàng muốn biết chắc là Thuần Vu Kỳ có phải là người mình mơ ước hay không. Sau đó là việc chàng dành cho mình tình cảm chân thành, tha thiết đến đâu. Nếu không có một trong hai điều ấy thì nàng sẽ lặng lẽ ra đi. Do đã có chủ ý như thế nên Sầm Tú Linh vẫn ngồi xa, không chạm vào người Thuần Vu Kỳ.
Sáng hôm sau, hai người tới trấn Long Oai, có thêm một tuấn mã. Sầm Tú Linh đã mua cho Thuần Vu Kỳ vài bộ võ phục vì mớ quần áo mà nàng vơ vội trong phòng chàng chẳng hề thích hợp với cảnh phêu bạt giang hồ.
Tối qua, Sầm Tú Linh đã hỏi thử :
- Vì sao đêm ấy công tử không hề sợ hãi mà lại ôm lấy nô tỳ.
Thuần Vu Kỳ thật thà thú nhận mối tình của mình với Thuần Vu Tiệp và cả ý định tác hợp của mẹ mình. Lang Nha mỹ nhân nghe lòng chua xót, sợ cảnh lẽ mọn sau này.
Nàng trằn trọc cả đêm, quyết định gác lại chuyện tình duyên, chỉ theo Thuần Vu Kỳ như một thủ hạ. Sau khi đưa chàng đi Võ Đang sơn về trang an toàn, nàng sẽ trở lại Hàm Đan.
Thuần Vu Kỳ hoàn toàn không có chút kinh nghiệm giang hồ, chẳng thể một mình dong ruổi được. Nhưng chàng câm lại không hiểu được tâm sự ấy, chàng vui vẻ chuyện trò, hỏi han Sầm Tú Linh về nếp sống của khách võ lâm. Khi được giải thích, chàng nhìn nàng với ánh mắt khâm phục và ngưỡng mộ. Có lần chàng còn ngắm nàng rất lâu và thản nhiên khen rằng nàng rất đẹp. Song điều này chẳng thể làm Sầm Tú Linh vui lên.
Thời gian còn dài nên hai người chẳng cần phải vội. Đến mỗi địa phương, họ đều nán lại vài ngày để Thuần Vu Kỳ được thưởng lãm các thắng cảnh hoặc ngon miệng với những món ăn đặc sản của mỗi vùng.
Rõ ràng chàng câm thơ ngây như một đứa trẻ lên mười, kể cả việc xài tiền.
Chàng không biết giá trị của vàng bạc hay những tờ Đại Minh Thông Hành Bản Sao, không biết vì sao Sầm Tú Linh phải trả giá khi mua vật dụng. Nàng vừa bực bội vừa tội nghiệp, dạy bảo tỉ mỉ cho chàng trai sơn dã kia cách sống nơi đô hội. Sầm Tú Linh chợt thắc mắc :
- Thế suốt mười mấy năm qua, công tử và Trương chân nhân sống bằng cách nào? Tiền đâu mua thực phẩm và y phục?
Thuần Vu Kỳ vui vẻ đáp :
- Dưới chân núi mà ta và sư phụ cư trú có một bản lớn của người thiểu số. Họ thường mang nếp, kê, ngô, muối, thịt rừng. lên biếu sư phụ vì ông trị bệnh cho họ.
Sầm Tú Linh che miệng cười khúc khích :
- Té ra Trương chân nhân cũng ăn thịt.
Thuần Vu Kỳ gật đầu viết :
- Đạo giáo khác với Phật giáo, các đạo sĩ ăn chay để giới dục chứ không phải vì giới sát. Gia sư đã đạt mức Phản Phác Qui Chân, lòng trống không, thanh tĩnh, vô tri, chẳng chút dục vọng nên không cần phải chay tịnh nữa. Với ông, rượu thịt hay đậu hũ cũng giống nhau.
Lang Nha mỹ nhân hỏi đùa :
- Thế còn tông tử thì tu luyện đến trình độ nào rồi?
Thuần Vu Kỳ ngượng ngùng đáp :
- Nhờ ơn giáo dưỡng của ân sư, ta biết xem thường của cải, danh lợi song vẫn còn hơi háo sắc.
Trong lúc nói, ánh mắt chàng nhìn Sầm Tú Linh với vẻ đắm say khiến nàng rùng mình hổ thẹn. Tuy vậy, trong suốt mấy trăm dặm đường, Thuần Vu Kỳ không hề suồng sã với Sầm Tú Linh. Mặc dù có những lần họ đứng sát bên nhau để trú mưa hoặc cùng nằm bên đống lửa hồng bìa rừng vì lỡ độ đường.
Gần trưa ngày cuối tháng sáu, hai người đến thành Nam Dương, vào Kỳ Lân đại tửu điếm dùng cơm. Không phải vì nơi đây bán thịt kỳ lân mà vì có một con kỳ lân bằng đá bạch thạch cao đến gần trượng, chiễm chệ trấn giữ mảnh sân rộng trước quán.
Tửu điếm Kỳ Lân không có lầu nhưng rộng mênh mộng, chung quanh là vườn hoa xinh đẹp, râm mát.
Khi bước vào trong, phát hiện ra thực khách toàn là người võ lâm, Lang Nha mỹ nhân thoáng cau mày, hiểu rằng Nam Dương đã phát sinh đại sự. Những cao thủ thành danh kia chẳng ở không mà vác mặt đến đây làm gì.
Nàng chọn một bàn sát cửa sổ, ngồi nhìn ra vườn để tránh mặt người quen. Cặp răng sói của Sầm Tú Linh chỉ lộ ra khi nàng nói cười, còn thường thì chúng bị cặp môi anh đào chín mọng che khuất. Do vậy, với tư thế này, người ngoài khó mà nhận ra nàng dù chiếc nón rộng vành đã được lột bỏ.
Chả cần phải hỏi han ai, Sầm Tú Linh cũng biết được lý do hiện diện của đám hào khách kia. Người võ lâm thường ăn to nói lớn, vỗ ngực xưng tên, cố tỏ ra mình là kẻ cao kiến. Mục tiêu của họ là Tiết gia trang ở ngoài cửa Nam Thành. Tiết trang chủ là bậc đại phú hào nhưng thời trai trẻ đã từng vác gươm phiêu bạc gang hồ, có danh hiệu là Kình Thiên đại hiệp, tên gọi Tiết Cao Vân.
Mười lăm năm trước, Tiết đại hiệp lỡ tay đánh chết bằng hữu là Cửu Giang Thần Quyền Tạ Quốc Tân trong một cuộc tỷ võ. Tạ Quốc Tân bị trúng một đòn vào tâm thất, hộc máu. Họ Tạ giận dữ lên ngựa bỏ về nhưng về chưa đến nhà thì chết ở dọc đường.
Tiết Cao Vân nghe tin vô cùng hối hận, đến Cửu Giang chịu tội nhưng đã quá trễ. Sau khi chôn cất Tạ Quốc Tân, vợ con Cửu Giang Thần Quyền đã bán nhà bỏ đi đâu không rõ.
Giờ đây con trai Tạ Thần Quyền là Tạ Ngân Long đã trưởng thành và nhờ Công Lý hội đứng ra đòi họ Tiết trả nợ máu.
Thuần Vu Kỳ không điếc nên cũng nghe được những lời đàm đạo, bàn bạc của đám hào kiệt. Chàng cau mày, chấm rượu viết lên mặt bàn :
- Kình Thiên đại hiệp Tiết Cao Vân chính là bào huynh của gia mẫu. Năm xưa ông phản đối mối lương duyên của gia phụ và gia mẫu nên không hề liên lạc. Tuy nhiên ta không thể bỏ mặc cậu mình được.
Lang Nha mỹ nhân gật đầu :
- Công tử nói rất phải, ăn uống xong thì chúng ta sẽ theo đám cao thủ kia đến Tiết gia trang.
Thuần Vu Kỳ lại viết :
- Công Lý hội là tổ chức như thế nào?
Văn tự của Trung Hoa là loại chữ tượng hình chứ không phải tượng thanh. Do vậy, những dấu hiệu trong ngôn ngữ người câm không thể diễn tả được những ý trừu tượng, nhất là các danh từ như tên người chẳng hạn. May mà Thuần Vu Kỳ biết viết chữ.
Sầm Tú Linh tư lự đáp :
- Công Lý hội là một bang phái rất thần bí, mới xuất hiện độ bảy tám năm nay. Không ai biết lai lịch cũng như căn cứ của Công Lý hội song dường như họ rất đông nhân thủ, có mặt khắp các địa phương sầm uất. Ai có mối thù cần phải báo phục là họ đến liên hệ và nhận trách nhiệm giúp đỡ. Bản lĩnh của các sứ giả Công Lý hội rất cao cường, thủ đoạn lại tàn nhẫn phi thường. Thường thì họ yêu cầu đối phương phải dùng vàng bạc để bồi thường, hoá giải mối oan cừu. Khi khổ chủ không đồng ý thì họ ra tay chém giết. Tổng cộng đã có ba bốn chục cao thủ võ lâm bị mất vàng hoặc mất mạng. Có điều lạ lùng là tất cả những người nhờ vả đến Công Lý hội đều đã biệt tăm, không hiểu bị thủ tiêu hay trở thành thủ hạ của tà hội kia.
Thuần Vu Kỳ cau mày :
- Tiết cửu phụ lỡ tay giết bạn thì chắc sẽ vui lòng bỏ vàng ra đền cho vợ con của bằng hữu. Chỉ sợ gã Tạ Ngân Long kia không đồng ý.
Sầm Tú Linh gật đầu :
- Đúng vậy. Lúc ấy thì sẽ không thương lượng gì hết. Chỉ còn đòi nợ máu mà thôi.
Có lẽ vì biết chắc như thế nên Tiết đại hiệp đã mời đồng đạo đến hỗ trợ. Ông ta có giao tình sâu đậm với hai phái Võ Đang và Thiếu Lâm cũng như nhiều đại nhân vật trên giang hồ.
Giữa giờ Ngọ, đám hào khách đã no say, ngất ngưởng rời Kỳ Lân đại tửu điếm, đi về hướng Nam để đến Tiết gia trang. Thuần Vu Kỳ và Sầm Tú Linh cũng bám theo họ, cách xa chừng một dặm để tránh những luồng bụi mịt mù của đoàn kỹ sĩ đông đảo.
Tiết gia trang ở cách cửa thành hơn chục dặm, tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, chung quanh là rừng trà bạt ngàn. Nhưng trồng trà chẳng phải là nghề chính của họ Tiết, ba đời nay, Tiết gia kinh doanh tiền trang, cơ sở đềuở trong thành. Tổ phụ họ Tiết vốn là người Sơn Tây, đến Nam Dương lập nghiệp đã mấy chục năm.
Thuần Vu Kỳ ngỡ ngàng nhận ra rằng kiến trúc của Tiết gia trang hoàn toàn giống hệt Thuần Vu gia trang. Thì ra mẹ chàng tưởng nhớ cố hương nên đã cho xây dựng Thuần Vu gia trang y như nơi sinh trưởng.
Do sự phản đối của Kình Thiên đại hiệp Tiết Cao Vân nên sau đám cưới, cha mẹ chàng phải rời Nam Dương. Với mười vạn lượng vàng làm của hồi môn, đôi uyên ương đến Khai Phong xây tổ ấm. Và tài kinh doanh của Thuần Vu Hồng đã phát triển số vốn kia lên hàng trăm lần.
Thuần Vu Hồng quê đất Dương Châu, nơi có nghề chạm ngọc nổi tiếng nhất nước, chẳng thua gì Bắc Kinh. Ở quê không cạnh tranh lại những đồng nghiệp nhiều vốn liếng, Thuần Vu Hồng phẫn chỉ ra đi, đến Nam Dương mở một cửa hiệu nhỏ. Tiết Như Xuân là khách hàng thường xuyên lui tới và rồi họ yêu nhau.
Tiết lão thái cảm mến chàng thợ ngọc khéo tay, thông minh, giỏi thi phú nên đã tác thành. Lão thái cũng là con nhà bần dân về làm dâu họ Tiết nên rất thông cảm, bỏ qua việc môn đăng hộ đối.
Tiết Cao Vân cho Thuần Vu Hồng là gã đào mỏ nên rất chán ghét. Ông không dám cãi lời Tiết lão thái nhưng ra điều kiện rằng em gái và em rể không được ở đất Nam Dương. Thỉnh thoảng Tiết lão thái cũng đi Khai Phong thăm con cháu nhưng bà đã cỡi hạc qui tiên cách đây bốn năm. Sau đó, mối liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Vì vậy, Tiết gia không biết việc Tiết Như Xuân đã tìm được đứa con bị mất tích.
Giờ đây, Thuần Vu Kỳ bồi hồi bước vào nhà cậu ruột mình, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Sầm Tú Linh mới được nghe chàng kể chuyện xưa, hiểu ngay tâm trạng liền nói nhỏ :
- Công tử hãy khoan nhận họ hàng, cứ dùng tên giả mà ra mắt, chờ xong việc rồi hẵng hay. Nô tỳ sẽ giới thiệu tên công tử là Trương Tiểu Kỳ.
Thuần Vu Kỳ mỉm cười tán thành, thích thú vì cái tên kia mang họ của ân sư.
Ngay sau cổng trang, cạnh đường vào, cũng có một tòa tiểu đình. Và trước hiên là bàn ghi danh tính khách đến.
Lễ tân gồm hai người, một già, một trẻ. Người trẻ tuổi đôi mươi, phụ trách việc ghi chép. Người già là một lão nhân mày thanh, mắt sáng, râu năm chòm đen nhánh, mặc trường bào thư sinh. Ông ta chỉ có trách nhiệm quan sát và mỉm cười.
Sầm Tú Linh nhận ra Huyền Cơ thư sinh Lư Thiếu Kỳ, người thông minh, uyên bác nhất võ lâm và cũng là bằng hữu của cha nàng. Tú Linh vội lột nón, tươi cười :
- Lư đại thúc. Sao người lại có mặt ở đây?
Lư Thiếu Kỳ hoan hỉ đáp :
- Ái chà. Không ngờ tiểu nha đầu vẫn xinh đẹp như ngày nào và trẻ như gái đôi mươi vậy.
Ông chợt nhận ra chàng trai tuấn tú mặc võ phục lam đứng cạnh nàng, liền nheo mắt nói đùa :
- Ai đấy? Phải chăng Linh nhi đã tìm được một gã không biết sợ ma làm chồng?
Sầm Tú Linh đỏ mặt, chối đây đẩy :
- Đại thúc chớ hiểu lầm. Đây là Trương công tử, chủ nhân của tiểu nữ.
Huyền Cơ thư sinh biến sắc, cười nhạt :
- Ái nữ của Hàm Đan Thần Kiếm mà cũng phải đi hầu hạ người ta ư? Lão phu không thể nào hiểu nổi.
Sầm Tú Linh bối rối xua tay và nháy mắt với lão. Huyền Cơ thư sinh hiểu ngay cười khánh khách :
- Té ra là thế. Lão phu hiểu rồi.
Ông quay sang hỏi Thuần Vu Kỳ :
- Chẳng hay phương danh của Trương công tử là chi?
Chàng câm mỉm cười không nói, để mặc Sầm Tú Linh khai báo :
- Bẩm đại thúc. Tên của chàng là Trương Tiểu Kỳ.
Là người thông tuệ tuyệt luân, Lư Thiếu Kỳ phát hiện ngay ẩn tình, buột miệng nói :
- Chẳng lẽ y bị câm?
Thuần Vu Kỳ gật đầu ngay chẳng chút mặc cảm, miệng vẫn nở nụ cười hồn nhiên.
Đôi nam nữ quái dị kia đi rồi, Lư lão vuốt râu lẩm bẩm :
- Linh nhi đã thề chỉ lấy bậc anh hùng cái thế. Vậy chẳng lẽ gã câm này lại là một đại cao thủ. Nếu quả đúng thế thì phen này Tiết gia có cơ thoát nạn. Nhưng liệu y có chịu liều mạng ra tay giúp đỡ hay không?
Trong lúc ấy, Thuần Vu Kỳ và Sầm Tú Linh đã vào đến tòa khách sảnh đồ sộ giữa sân gạch. Vị trí và kiểu cách cũng giống như tòa đại sảnh ở Thuần Vu gia trang song nơi này không phải là nơi mua bán châu ngọc.
Cửa chung quanh đều được mở toang để gần trăm vị khách quý hứng lấy ngọn gió hạ hiếm hoi. Hoa lựu đỏ rực khắp nơi càng khiến vầu không khí thêm nóng nực.
Đã quá bữa trưa nên đa số khách dùng trà, song ai muốn uống rượu thì chủ nhà cũng sẵn sàng phục vụ. Mùi khô nai nướng thơm phưng phức làm cho sáu nhà sư Thiếu Lâm phải nhăn mặt vì động lòng trần tục. Kẻ tu hành luôn phải giữ cho lục căn thanh tịnh song khứu giác lại là thứ bản năng mạnh mẽ và khó làm chủ nhất. Thấy gái đẹp thì có thể nhắm mắt quay đi nhưng mùi thịt nướng thì bát ngát khắp sảnh, chẳng thể nào tránh nổi. Xem ra, họ chỉ còn cách bịt mũi lại.
Cạnh bàn của sáu nhà sư trung niên kia là bàn của năm đạo sĩ, có lẽ thuộc phái Võ Đang. Năm người này tuổi chỉ độ ba mươi trở xuống, dung mạo đầy vẻ cao ngạo, chỉ trừ những lúc họ nói chuyện với các nhà sư.
Sau khi Trương Tam Phong bỏ núi ra đi, đám đồ tử đồ tôn của ông mất chỗ dựa, đã khiêm tốn lại đôi chút. Trước đây họ cho rằng các trưởng lão Thiếu Lâm thua xa sư tổ mình nên rất xem thường. Nay Trương Tam Phong không còn trong lúc chùa Thiếu Lâm vẫn còn tồn tại bốn năm nhà sư trăm tuổi, võ nghệ thông thần, khiến núi Võ Đang thấy thua thiệt. Cũng nhờ vậy mà mối giao hữu giữa hai đại phái đã mật thiết hơn xưa, cùng nhau giữ gìn chính khí võ lâm.
Sầm Tú Linh tủm tỉm nói nhỏ :
- Công tử. Năm gã đạo sĩ kia là nhân tài trẻ tuổi của phái Võ Đang. Họ là đệ tử chân truyền của đương kim Chưởng môn, nổi tiếng giang hồ với cái danh Võ Đang ngũ tú.
Thuần Vu Kỳ tự hào, chấm trà viết :
- Họ phải gọi ta là sư thúc tổ đấy.
Ngoài Võ Đang ngũ tú, số người trẻ tuổi trong sảnh cũng khá đông. Tất cả đều công khai hoặc lén lút nhìn về phía Lang Nha mỹ nhân. Lúc đầu, họ còn chú ý đến hai chiếc răng sói đáng sợ nhưng dần dần đều bị nhan sắc thiên kiều bá mị của Sầm Tú Linh thu hút. Họ tự nhủ rằng nếu mỹ nhân bỏ tính ngoan cố, chịu cưa ngắn bớt răng nanh thì họ sẵn sàng quỳ dưới chân nàng.
Nhìn cảnh thân mật, vui vẻ giữa Sầm Tú Linh và gã câm kia, đám thanh niên bỗng nổi cảm giác bực bội và ganh ghét. Trong số họ cũng có những người phóng khoáng, xem thường tiểu tiết, từng ngỏ lời tán tỉnh Sầm Tú Linh nhưng đều bị nàng phớt lờ. Vì họ không đáp ứng được điều kiện thứ hai của nàng. Đó là bản lĩnh võ công, chưa thắng nổi nàng chứ đừng nói đến việc xứng danh anh hùng. Mà võ nghệ của Lang Nha mỹ nhân thì lại khá cao siêu, đứng đầu trong giới hồng nhan.
Cuộc chiến giữa Thuần Vu Kỳ và Đơn Nhai Chân Quân hoàn toàn được giữ kín nên chàng vẫn chỉ là một kiếm thủ vô danh. Người ta chỉ nghe đồn là Đổng Hoa Phát bị đuổi chạy khỏi Thuần Vu gia trang đất Khai Phong nhưng không biết rõ nội tình.
Vài gã ngồi gần, loáng thoáng nghe được cách xưng hô của Sầm Tú Linh lại càng thêm kinh ngạc.
Cuối giờ Mùi, thầy trò Huyền Cơ thư sinh từ ngoài đi vào. Tất cả những ai được mời đều đã có mặt, Huyền Cơ thư sinh chẳng cần phải đón tiếp nữa. Lão tươi cười vòng tay nói với cửa tọa :
- Kính cáo đồng đạo. Lão phu xin thay mặt Tiết trang chủ cảm tạ chư vị đã vì đạo nghĩa mà đến đây tương trợ. Lát nữa, Tiết trang chủ và gia quyến sẽ ra đáp lễ. Sau đó Tiết trang chủ sẽ tường trình để chư vị được rõ ẩn tình sau cái chết của Cửu Giang Thần Quyền.
Mọi người xôn xao bàn bạc, phần vì vụ án năm xưa, phần vì sắp được diện kiến đại tiểu thư Tiết Mạn Thụy, được xưng tụng là Trại Ngu Cơ.
Ngu Cơ chính là ái thiếp của Hạng Võ, nhan sắc kiều mị, hình dung yểu điệu.
Song ánh mắt và gương mặt luôn phảng phất nỗi buồn sâu kín. Lời đồn từ xưa là thế, nay Tiết Mạn Thụy cũng có nét tương đồng cổ nhân nên mới có danh hiệu nàng.
Kết cục cuộc đời Ngu Cơ chẳng mấy vui nên Kình Thiên đại hiệp không hài lòng, thường nguyền rủa kẻ nào đã đặt danh hiệu ấy cho con gái mình.
Chính bản thân Lang Nha mỹ nhân cũng hiếu kỳ, nóng lòng muốn biết mặt Tiết Mạn Thụy. Nàng vẫn hậm hực khi đến Thuần Vu gia trang mà chưa được gặp Đan Nhược Tiên Tử. Họ được tôn làm Võ lâm Tam đại mỹ nhân nhưng chưa gặp mặt nhau bao giờ để có thể so sánh hơn thua.
Gần khắc sau, Tiết Cao Vân và vợ con ra đến khách sảnh. Thuần Vu Kỳ chăm chú nhìn gương mặt của Kình Thiên đại hiệp, nhận ra những nét quen thuộc của mẫu thân, lòng dạt dào tình ruột thịt. Tiết phu nhân với dung mạo phúc hậu, hòa ái cũng khiến chàng cảm mến. Sau đó chàng mới quan sát Tiết Mạn Thụy, người chị họ của mình, thầm khen nàng xinh đẹp chẳng kém Thuần Vu Tiệp hay Lang Nha mỹ nhân.
Sầm Tú Linh cũng phải choáng váng trước cái đẹp ảo não, cao quý như cung phi của đối phương, tự hiểu rằng mỗi người một vẻ khó mà hơn được.
Trại Ngu Cơ là người học võ nên không quá e lệ như bề ngoài. Nàng kín đáo liếc nhìn cử tọa, phát hiện dung nhan chim sa cá lặn của Lang Nha mỹ nhân, sinh lòng mến mộ, khẽ gật đầu chào và mỉm cười. Nàng biết cô ả có nét đẹp trang nghiêm, thanh thoát kia đang chiếu tướng mình. Đương nhiên là Lang Nha mỹ nhân phải cười đáp lễ.
Lúc này Kình Thiên đại hiệp Tiết Cao Vân đã vòng tay thi lễ với khách, mời họ an tọa vì mọi người đều đã đứng lên đón chào chủ nhà.
Tiết phu nhân cùng ái nữ đã ngồi xuống chiếc bàn sát vách chính Bắc. Riêng Tiết trang chủ và Huyền Cơ thư sinh vẫn đứng, chưa chịu ngồi. Gương mặt trắng trẻo, không râu của họ Tiết lộ vẻ thê lương và giọng nói cũng trầm ngâm khi phải nhắc đến sự cố thương tâm khi xưa.
“Kính cáo chư vị? Mười lăm năm trước. Bằng hữu chí thân của tại hạ là Cửu Giang Thần Quyền Tạ Quốc Tân đã đến chơi chốn này nửa tháng. Tạ huynh dự định sáng rằm tháng năm sẽ khởi hành, quay lại Cửu Giang, nên chiều mười bốn đã cùng tại hạ uống say túy lúy. Tàn tiệc, Tạ huynh rủ tại hạ so quyền cho vui. Ông ta khoe rằng mình mới học được vài chiêu rất lợi hại muốn nhờ tại hạ ấn chứng.
Quả đứng như thế, sau hơn trăm chiêu bất phân thắng bại, Tạ Quốc Tân tung ra một loạt chiêu liên hoàn mãnh liệt như núi đổ, quyền phong xé gió vù vù đẩy tại hạ lùi sát hàng cây Mộc Cẩn ngoài vườn.
Nhận ra Tạ hiền huynh đã mất lý trí, mắt đỏ ngầu sát khí, đường quyền hiểm ác như đấu với kẻ thù. Tại hạ đành phải xuất chiêu “La Hán Hàng Yêu” để tự cứu mạng.
Song phương đều trúng đòn nhưng tại hạ bị thương nhẹ hơn. Tạ huynh hộc máu, cất tiếng trách móc rồi bỏ đi ngay chiều hôm ấy. Tại hạ nghĩ rằng mình không có lỗi nên chẳng lưu lại.
Nào ngờ nửa tháng sau, tại hạ nghe tin Cửu Giang Thần Quyền chết trong một quán trọ gần bờ nam sông Hán Thủy, được Tri huyện Chương Phàn cho lịnh đưa xác về nhà. Tại hạ đau lòng khôn xiết, vội đi ngay Cửu Giang, nhưng tang lễ đã xong từ lâu, còn thê tử của Tạ Quốc Tân cũng bán nhà đi mất.
Tại hạ vô cùng nghi hoặc vì biết chiêu quyền kia không thể gây ra thương tích trầm trọng đến mức làm hại được một cao thủ như họ Tạ. Tại hạ liền đến huyện đường Chương Phàn xem xét văn bản khám nghiệm tử thi thì được biết nạn nhân chết vì dập cả bai lá phổi.
Tại hạ chỉ đấm Tạ Quốc Tân có một quyền vào ngực trái và không nặng lắm, vì họ Tạ còn có thể lên ngựa phóng đi vượt mấy trăm dặm để đến Chương Phàn. Do vậy, tại hạ tin chắc rằng bạn mình đã bị người khác hạ độc thủ.
Bao năm nay, tại hạ đã bỏ ra hàng ngàn lượng vàng, mướn người điều tra thủ phạm, cũng như tung tích vợ con họ Tạ, mà không có kết quả.
Không ngờ giờ đây nam tử của Tạ Quốc Tân là Tạ Ngân Long lại nhờ đến Công Lý hội đòi nợ máu. Trong thư Công Lý hội bắt tại hạ phải bồi thường cho Tạ Ngân Long hai ngàn lượng vàng. Việc này thì tại hạ không hề tiếc. Nhưng điều kiện thứ hai thì rất bá đạo, không thể chấp nhận được. Đó là việc gả Tiết Mạn Thụy cho Ngân Long”.
Đám hào kiệt trẻ tuổi phẫn nộ ồ lên, chửi rủa Công Lý hội cũng như gã họ Tạ.
Nãy giờ, ai nấy đều ngất ngây trước dung nhan sầu muộn và quyến rũ của Trại Ngu Cơ nên sẵn sàng chết vì nàng.
Tiết Mạn Thụy chẳng đẹp hơn Lang Nha mỹ nhân nhưng không có răng nanh mà lại giàu nứt đố đổ vách. Nàng ta trông hiền lành, thùy mị, dễ thân hơn Sầm Tú Linh.
Nhà sư Thiếu Lâm cao tuổi nhất bọn lên tiếng :
- A di đà Phật. Nếu Tiết thí chủ không đáp ứng điều kiện ấy thì đối phương sẽ tính sao?
Giọng nói trầm hùng của ông đã át được tiếng la hét, chửi bới của đám trai trẻ si tình. Tuy tuổi mới năm mươi lăm nhưng Định Sân đại sư lại là thủ tòa La Hán đường của phái Thiếu Lâm, bản lãnh chỉ thua Phương trượng sư huynh Định Tâm.
Tiết trang chủ vội vòng tay đáp :
- Bẩm đại sư. Trong thư kia còn có điều kiện thứ ba là cho người tỷ đấu với Tạ Ngân Long hai trăm chiêu. Không hiểu bản lãnh họ Tạ cao diệu đến mức nào mà gã dám chấp Tiết gia dùng phép xa luân chiến. Ba người nối nhau xuất trận, hết hai trăm chiêu mà người cuối cùng vẫn đứng vững thì thắng. Nhưng ba người tham chiến đều phải là con cháu họ Tiết. Dù dâu rể gì cũng được. Nếu thua thì tại hạ phải thực thi hai điều kiện kia.
Định Sân đại sư là người thông tuệ khác hẳn dáng vóc vạm vỡ, võ biền của mình.
Ông trầm ngâm bảo :
- Lạ thực? Xem ra vị Tạ thí chủ quyết tâm làm rể Tiết gia chứ không muốn đòi nợ máu. Nếu y không phải là đệ tử của một nhân vật tà ác như Công Lý hội chủ thì làm rể họTiết cũng không sao.
Tiết Cao Vân đang nhấp hớp trà thấm giọng nên Huyền Cơ thư sinh đỡ lời :
- Đại sư không biết đấy thôi, đây chính là một âm mưu sâu độc của Công Lý hội, dùng Tạ Ngân Long để chiếm đoạt gia sản họ Tiết, cũng như tuyệt học Nhất Dương chỉ của Vương Trùng Dương, sư tổ phái Toàn Chân. Khi đòi cưới Tiết Mạn Thụy, Tạ Ngân Long đã bắt buộc Tiết gia phải dùng viên Tỵ Tà thần châu làm của hồi môn. Viên ngọc này có tác dụng trừ tà, trị độc, lại sáng rực dưới làn nước đen ngòm của Hắc Thủy đàm, nơi được cho rằng Vương tổ sư đã giấu chân kinh. Khổ thay, sau khi Tiết lão thái từ trần ít lâu, Tiết trang chủ mới phát hiện ra viên Thần châu đã biến mất.
Nghe đến đây, Thuần Vu Kỳ hiểu rằng viên ngọc màu vàng mình đang đeo trên ngực chính là Tỵ Tà thần châu. Như Xuân cho rằng viên ngọc quí này có ích cho sức khỏe con trai nên đã bắt Thuần Vu Kỳ phải đeo vào người.
Lang Nha mỹ nhân cũng từng được nhìn thấy viên Hoàng Ngọc lúc chàng thay áo nên mỉm cười nói nhỏ :
- Công tử? Sau khi xong việc ở Võ Đang sơn thì chúng ta đi Hắc Thủy Đàm một chuyến xem sao.
Thuần Vu Kỳ cười mát :
- Đấy chỉ là chuyện hoang đường. Gia sư từng bảo rằng nếu Vương Trùng Dương biết công phu Nhất Dương chỉ thì sao không truyền lại cho đệ tử? Phái Toàn Chân vẫn còn đấy mà có ai biết chưởng chỉ gì đâu?
Tú Linh gật đầu, công nhận chàng có lý.
Tiết trang chủ đã lên tiếng :
- Lời đồn đãi về Hắc Thủy đàm chỉ mới xuất hiện vài năm nay và rất hoang đường, chẳng mấy ai tin. Còn đặc tính phát sáng trong nước đen của Thần châu thì tại hạ cũng mới nghe Lư lão huynh đây nói chứ chưa kiểm chứng. Vậy thì tại sao Công Lý hội và Tạ Ngân Long cứ nằng nặc đòi cho được viên ngọc ấy? Thực là khó hiểu. Nay Thần Cháu không còn, Tiết Gia dẫu có muốn cũng chẳng thể đáp ứng điều kiện của đối phương, chỉ còn cách tỷ võ hoặc tử chiến. Nhưng nếu tỷ võ thì Tiết gia không có người. Ngoài tại hạ và Thụy nhi thì chẳng ai có võ công kha khá cả.
Môn quy của phái Võ Đang rất phóng khoáng, ai muốn hoàn tục cưới vợ cũng được. Do vậy Tam Tú Từ Nguyên Hạo biểu lộ ngay tham vọng của mình. Gã ngắt lời chủ nhà :
- Vãn bối cho rằng Trang chủ cứ kén ngay một chàng rể võ công xuất chúng là có người đối phó với Tạ Ngân Long. Chẳng cần phiền đến Trang chủ phải ra tay. Dẫu y có luyện võ từ năm bốn tuổi thì vãn bối cũng không sợ.
Kẻ cao ngạo thường bị người chung quanh chán ghét nên ai đó buột miệng xỏ xiên Tam Tú :
- Phải rồi? Tạ Ngân Long thì nhằm nhỏ gì. Võ Đang ngũ tú học võ lúc còn ở truồng cơ mà.
Giọng nói hoạt kê, khôi hài kia đã khiến nhiều người phá lên cười. Từ Nguyên Hạo thẹn quá hóa giận, đứng lên tìm kẻ độc mồm kia. Nhưng Định Sân đại sư đã lên tiếng :
- Bản lãnh của Tiết thí chủ cao siêu như thế mà còn nghĩ đến kế hoạch xa luân chiến thì chắc đã biết rõ sự lợi hại của chàng trai họ Tạ.
Từ Nguyên Hạo đành ngồi xuống lắng nghe câu trả lời của Tiết Cao Vân. Tiết trang chủ rầu rĩ gật đầu :
- Đại sư quả là tinh ý. Tạ Ngân Long đã đích thân đến đây ra điều kiện và y đã biểu diễn một chiêu Kiếm thần sầu quỷ khóc khiến tại hạ phải kinh hoàng. Chỉ trong vài cái chớp mắt Tạ Ngân Long đã đâm thủng và chém rách bảy mươi hai chỗ trên bức tranh thủy mạc.
Quần hào ồ lên khâm phục phép khoái kiếm thượng thừa của Tạ Ngân Long.
Lang Nha mỹ nhân tủm tỉm hỏi Thuần Vu Kỳ :
- Nếu là công tử thì có khá hơn không?
Chàng câm vui vẻ ra dấu :
- Ta chỉ có thể đâm chết mười tám con ruồi đang bay mà thôi.
Sầm Tú Linh phì cười trước cái cách tự đắc trẻ con của chàng trai sơn dã. Tranh trên tường là vật tĩnh, còn ruồi đang bay là vật sống, không có vị trí cố định. Bởi vậy, tuy số lượng ít hơn nhưng kiếm của Thuần Vu Kỳ vẫn nhanh và chuẩn xác gấp bội Tạ Ngân Long Lúc này Tiết trang chủ đã lấy từ tủ gỗ ở góc sảnh ra một cuộn lụa. Ông mở bức tranh giơ cao để cử tọa nhìn rõ những lỗ thủng trên ấy.
Chứng cớ rành rành đã khiến mọi người nhụt chí. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện đưa thân ra làm bia cho chiêu kiếm khủng khiếp nọ. Kình Thiên đại hiệp còn sợ thì họ làm sao sống sót để hưởng cảnh giàu sang bên cạnh Trại Ngu Cơ Không khí trong sảnh chùng hẳn xuống, cứ như ai nấy đều nín thở vậy. Huyền Cơ thư sinh cười nửa miệng hỏi bâng quơ :
- Vị nào có cao kiến gì xin chỉ giáo cho Tiết gia.
Và cái giọng đểu cáng lúc nãylại vang lên :
- Bốn mươi năm trước, sư phụ của Công Lý hội chủ là Huyết Hồn Tôn Giả từng bị Trương chân nhân chặt tay. Điều này chứng tỏ Huyết Hồn kiếm pháp kém xa Thái Cực kiếm pháp. Nay chúng ta chỉ cần mời đệ tử phái Võ Đang xuất thủ là xong ngay.
Võ Đang ngũ tú giận tái mặt nhưng những người khác thì giật mình, nhìn về hướng phát ra tiếng nói.
Kẻ ấy đã nói ra lai lịch sư thừa của Công Lý hội chủ, điều bí mật quan trọng nhất võ lâm.
Người kia không hề trốn tránh, đứng lên cười khà khà :
- Lão phu vắng mặt mới vài năm mà không còn ai nhận ra cả. Thực là chán cho nhân tình thế thái.
Dung mạo ông ta chỉ độ bốn mươi, tóc đen nhánh mà lại xưng là lão phu thì quá nực cưới. Nhưng cái giọng ồm ồm, già nua kia bỗng trở thành trong trẻo, eo éo như thiếu nữ và có gì đó rất ma quái, khiến mọi người rùng mình nhăn mặt :
- Trương lang ôi. Sao chàng lại cứ gãi mông của thiếp?
Câu hát véo von này đã lừng danh khắp giang hồ nên cử tọa mừng rỡ rú lên :
- Ngạo Thế Thần Ông.
Và họ ôm bụng cười sặc sụa khi giọng nữ nhân biến thành nam mà hát rằng :
- Cha chả? Trời tối quá, ta chẳng thấy đường, mông nàng mà ta ngỡ mông ta.
Lão nhăn nhó lắc đầu, xuống giọng bi lụy :
- Than ôi. Té ra mông nàng cũng chỉ toàn xương xẩu và đầy ghẻ, chẳng khác gì mông của ta.
Bọn nam nhân cười vang như sấm còn Lang Nha mỹ nhân và Trại Ngu Cơ đỏ mặt tía tai, gục xuống bàn để giấu nụ cười. Nét mặt và lối diễn xuất của Thần ông cực kỳ sinh động, bi hài đã gây cười chứ chẳng phải nội dung câu hát.
Ngạo Thế Thần Ông xuất thânlà một diễn viên kinh kịch. Ngày xưa không có nữ diễn viên do đó các vai nữ đều do người nam trẻ, giọng cao thủ diễn.
Đoạn trên là cảnh hẹn hò lần đầu tiên của Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, trong vở tuồng Tây Sương Ký.
Thần ông đã sửa lời để chế giễu cái quan điểm thẩm mỹ đương thời. Cho rằng đàn bà phải gầy gò, mình hạc xương mai mới là đẹp.
Ngạo Thế Thần Ông tên thật là Tần Minh Khước, năm nay đã chín mươi. Tần lão tinh thông Tam giáo, tính tính vui vẻ nhiệt tình, là bạn của tất cả các Chưởng môn Bạch đạo.
Thần ông gọi Trương Tam Phong là sư thúc nên vai vế thuộc hàng thúc tổ của Võ Đang ngũ tú. Tần Minh Khước có hành tung vô định, hạc nội mây ngàn, song mỗi lần xuất hiện lại cống hiến cho võ lâm những tin tức quý giá, hoặc góp phần vãn hồi tai kiếp.
Sau khi trận bão cười lắng xuống, đám hào khách xôn xao thi lễ ra mắt Thần ông.
Định Sân đại sư đi trước, nghiêm trang chắp tay vái chào :
- Đệ tử Định Sân bái kiến Tần lão thí chủ.
Thần ông nheo mắt nhìn, tủm tỉm hỏi :
- Phải chăng ngươi là gã đệ tử thứ tư của hòa thượng Viên Chiếu, năm xưa từng bị phạt vì tội lén xuống núi ăn thịt chó?
Lỗi lầm cũ của bậc cao tăng bị khai ra khiến nhiều người thích thú bật cười.
Nhưng Đinh Sân vẫn không giận, không xấu hổ, vui vẻ gật đầu :
-A di đà Phật. Chính là đệ tử đấy ạ.
Thần ông mỉm cười, xoa đầu Định Sân khen ngợi :
- Giỏi lắm? Ngươi đã thắng được lòng sâu hận, không uổng công dạy dỗ của Viên Chiếu.
Thì ra, trước đây Định Sân có tính nóng như lửa, thường bị sư phụ quở trách và đặt cho pháp danh Định Sân để nhắc nhở.
Năm nhà sư còn lại thuộc bối phận thấp nên Thần ông không biết, chỉ gật đầu nhận lễ.
Sau phái Thiếu Lâm là Võ Đang ngũ tú, họ quì cả xuống đất mà lạy :
- Đệ tử Võ Đang khấu kiến lão tổ.
Thần ông cười cợt :
- Lạ thực? Đạo sĩ mà mặc toàn đạo bào bằng lụa thượng hạng, bảnh bao như Vương Tôn Công Tử. Trương chân nhân mà biết bọn đồ tôn giàu sang, vinh hiển thế này chắc sẽ rất hài lòng.
Ngũ tú tái mặt vì hổ thẹn, chẳng dám mở miệng. Ngạo Thế Thần Ông bỗng thở dài, đổi giọng nghiêm khắc :
- Đạo gia chủ trương sống đạm bạc, khiêm tốn. Nay bọn ngươi ăn mặc diêm dúa, vênh váo khinh người là đã xa rời Đại Đạo. Từ giờ trở đi phải sửa mình, nếu không sẽ bị lão phu lột truồng ra đấy.
Ngũ tú sợ hãi vâng dạ, tiu nghỉu trở về bàn, nét mặt ngượng ngùng, chẳng còn dám cao ngạo nữa.
Huyền Cơ thư sinh lên tiếng :
- Kính thỉnh Tần sư bá lên đây để tiểu điệt và Tiết trang chủ hầu rượu.
Thần ông cười khà khà :
- Rượu thì tốt. Nãy giờ lão phu chỉ được uống trà.
Thần ông quay lại nháy mắt với Thuần Vu Kỳ rồi đi lại bàn chủ vị.
Sầm Tú Linh ngạc nhiên hỏi chàng câm :
- Chẳng lẽ công tử quen biết với Thần ông?
Thuần Vu Kỳ mỉm cười, viết rằng :
- Tần lão thường lui tới núi Hòa Sơn thăm gia sư, có khi ở lại hàng tháng, ta gọi lão bằng sư huynh.
Trên kia, Tiết Cao Vân và vợ con đã quỳ cả xuống để ra mắt bậc kỳ nhân lão thành. Thần ông xua tay miễn lễ, ngắm nghía Trại Ngu Cơ Tiết Mạn Thụy rồi tấm tắc khen :
- Con bé này dễ thương thực.
Chủ khách an tọa cùng cạn chén đầu. Huyền Cơ thư sinh hỏi ngay :
- Đã có sư bá ở đây thì tiểu điệt rất an tâm. Nhưng xin người chỉ giáo cho phương sách đối phó với Tạ Ngân Long và Công Lý hội. Loạn chiến thì Tiết gia mang tiếng với đời còn tỷ võ thì không địch lại.
Thần ông cười khanh khách :
- Lão phu có mang theo tên sư đệ bản lãnh rất cao siêu. Một chiêu đâm chết mười tám con rồi đang bay, thừa sức thắng được Tạ Ngân Long. Lát nữa, lão phu cho hắn xuất trận với danh nghĩa rể của nhà họ Tiết.
Cả sảnh giật mình ngó dào dác, tìm xem ai là sư đệ của Thần ông. Phần Tiết phu nhân thì biến sắc, run giọng hỏi :
- Bẩm Thần ông. Đã nhận là rể thì không thể canh cải duyên phận được. Nhưng Thụy nhi mới mười chín tuổi đâu thể sánh duyên với một lão nhân.
Thì ra bà cho rằng sư đệ của một lão chín chục tuổi chẳng thể nào trẻ được. Cử tọa đều nghe rõ nên có chàng trẻ tuổi ấm ức lên tiếng :
- Nếu phải làm vợ một lão già thì chẳng thà Tiết tiểu thư lấy quách Tạ Ngân Long còn hơn.
Đám thanh niên đồng thanh khen phải. Riêng Lang Nha mỹ nhân thì biến sắc, mặt hoa buồn rười rượi, gượng cười bảo chàng câm :
- Công tử quả là tốt số. Sắp lấy được cô chị họ đẹp như tiên.
Thuần Vu Kỳ nghiêm nghị lắc dầu, chấm trà viết :
- Ta là kẻ tật nguyền, chẳng thể để Tiết Mạn Thụy phải chịu thiệt thòi. Ta làm khổ Thuần Vu Tiệp là quá lắm rồi, mặt mũi nào mà đa mang thêm nữa.
Sầm Tú Linh chợt bàng hoàng, hiểu rằng chàng ta cũng không hề có ý định lấy mình. Nàng đã tự nhủ là không để ý đến Thuần Vu Kỳ nữa, nhưng khi phát hiện đối phương chẳng lưu luyến gì mình thì lòng lại càng cay đắng, giận hờn.
Tú Linh chưa kịp nói gì thì nghe Thần ông trả lời Tiết phu nhân :
- Không. Không. Tiểu sư đệ của lão phu còn rất trẻ, mặt mũi anh tuấn, tính tình thuần hậu, hiền lành. Chỉ ngại một điều là y ít nói và đã có hai vợ thì phải Tiết Cao Vân thận trọng phát biểu :
- Nếu lệnh sư đệ trẻ trung, anh tuấn thì rất tốt, còn việc đa thê cũng chẳng sao.
Người võ lâm thường không phân biệt chính thứ, quí hồ Thụy nhi được xem trọng ngang với hai người kia là được.
Thần ông gật gù hỏi Trại Ngu Cơ :
-Tiểu nha đầu tính sao?
Tiết Mạn Thụy đã ẩn nấp lén nghe ngóng cuộc thương lượng đòi nợ của cha mình và Tạ Ngân Long nên thấy rõ phong thái lạnh lùng tàn nhẫn, ác độc của họ Tạ. Nàng lại thích những nam nhân hiền hậu, ít nói nên quyết định lấy sư đệ của Thần ông để giải trừ tai họa cho Tiết gia. Bởi thế Trại Ngu Cơ thẹn thùng đáp :
- Phận nữ nhi chỉ mong được nương tựa bậc anh hùng, dẫu thiệt thòi đôi chút tiểu nữ cũng vui lòng.
Huyền Cơ thư sinh không hổ danh là kẻ thông minh tuyệt thế, đoán ngay ra ẩn tình. Ông gặng hỏi :
- Sư bá. Vị sư thúc kia vì sao lại ít nói?
Thần ông thản nhiên đáp :
- Y bi câm thì làm sao nhiều lời được?
Cử tọa giật bắn người, có kẻ bật cười rũ rượi, lên tiếng chế giễu :
- Té ra Thần ông đang cố tìm vợ đẹp cho đứa sư đệ tật nguyền.
Và họ chợt thức tỉnh, đứng cả lên nhìn về phía Thuần Vu Kỳ. Ở đây chỉ có mình chàng là người câm.
Trại Ngu Cơ cũng vậy, chăm chú quan sát chàng trai đang ngồi cạnh Lang Nha mỹ nhân, đoán rằng Sầm Tú Linh là một trong hai người vợ của chàng câm.
Tú Linh nổi tiếng võ lâm vì sự khó tính kén cá chọn canh, chưa bao giờ đi chung với một nam nhân nào. Nay nàng ta thân mật với chàng trai tật nguyền kia thì chắc hẳn chàng phái có điểm hơn người, cả về võ công lẫn nhân phẩm.
Hơn nữa, quả thực là dung mạo chàng câm rất đôn hậu, ôn nhu, dễ mến, đúng với lòng mơ ước của Trại Ngu Cơ. Ngoài ra, mặt chàng còn có những nét rất quen thuộc với Tiết Mạn Thụy. Dường như chàng ta khá giống Tiết Cao Vân, người mà Trại Ngu Cơ yêu thương, tôn kính nhất trên đời.
Nguyên nhân thầm kín khác chính là sự đố kỵ. Cùng đứng chung hàng ngũ Võ lâm Tam đại mỹ nhân, các nàng ghen nhau về nhan sắc và tính cách. Biết võ công mình không bằng Lang Nha mỹ nhân, Trại Ngu Cơ muốn chứng tỏ sự ưu việt trong nghề cầm, kỳ, thi, họa. Và muốn so sánh hơn thua thì chỉ có cách lấy chung chồng.
Vì những lý do rắc rối kiểu đàn bà kia, Trại Ngu Cơ cắn răng lên tiếng :
- Dẫu người ấy có bị á tật thì tiểu nữ cũng vinh hạnh được nâng khăn sửa túi.
Cử tọa hết hồn còn Thần ông thì khoái trá cười dài :
- Hảo nhi nữ. Con quả có mắt tinh đời. Sư đệ của lão phu chính thực là thiên hạ đệ nhất kỳ nam tử, không ai hơn được.
Phu thê Thiết Cao Vân hơi ngán ngẩm vì có rể bị câm, nhưng Trại Ngu Cơ đã tuyên bố trước mặt quan khách, chẳng thể nào sửa đổi được nữa.
Dưới này, lòng Lang Nha mỹ nhân cũng rối bời trước sự chọn lựa kiên quyết, chóng vánh của Trại Ngu Cơ. Chỉ mới gặp vài khắc mà Tiết Mạn Thụy đã nằng nặc đòi lấy Thuần Vu Kỳ, trong khí nàng cứ phân vân mãi. Không lẽ con bé có đôi mắt buồn rầu, ủ rũ kia lại sáng suốt hơn nàng?
Cử tọa cũng xôn xao xì xầm, tự hỏi gã câm kia tán gái bằng cách nào mà được cả hai tuyệt đại mĩ nhân một lúc.
Ngạo Thế Thần Ông đã hớn hở đứng lên vẫy Thuần Vu Kỳ :
- Tiểu sư đệ. Ngươi mau lên đây cho đàng gái xem mặt.
Chàng câm ngượng ngập rời bàn. Thấy Sầm Tú Linh rầu rĩ không đi theo, chàng nắm tay nàng lôi kéo và ra hiệu :
- Nàng hãy làm thông ngôn cho ta.
Tú Linh đành phải đứng lên, mặt đỏ bừng vì chàng câm không chịu buông tay mình ra, cứ nắm chặt lấy.
Nàng bối rối hỏi :
- Công tử có lấy Tiết Mạn Thụy không?
Thuần Vu Kỳ lắc đầu, ra dấu rằng mình sẽ khai ra thân phận thực, dùng danh nghĩa cháu ruột mà đại diện Tiết gia.
Lang Nha mỹ nhân cảm thấy vui nhưng càng thấm thía rằng mình cũng chẳng có phần.
Lên đến bàn chủ vị, Thuần Vu Kỳ vái Thần ông và Huyền Cơ thư sinh nhưng lại khấu đầu quỳ lạy vợ chồng họ Tiết.
Lang Nha mỹ nhân nghiêng mình thi lễ xong, lên tiếng thay cho chàng câm :
- Bẩm Trang chủ và phu nhân. Tiện nữ là Sầm Tú Linh quê đất Hàm Đan, phụ trách việc thông ngôn cho công tử đây. Chàng ta tên thực là Thuần Vu Kỳ, cháu ruột của Tiết trang chủ.
Tiết Cao Vân sửng sốt trợn mắt :
- Thực thế ư? Chẳng phải mười bảy năm trước Kỳ nhi bị nước lũ cuốn mất hay sao?
Thần ông cười nhạt :
- Y đúng là đứa bé ấy đấy. Tại ngươi hẹp hòi, từ bỏ em gái nên đâu biết việc cháu ruột đã tìm về Thuần Vu gia trang.
Nghe bậc kỳ nhân xác nhận, Tiết Cao Vân đã tin tưởng đến chín phần, nghẹn ngào bước đến đỡ cháu lên. Trên gương mặt chàng, lão nhận ra những nét đẹp của dòng họ Tiết.
Kình Thiên đại hiệp sa lệ nói :
- Kỳ nhi, Cửu phụ quả là một kẻ tiểu nhân đáng khinh. Hai năm gần đây, ta vô cùng hối hận vì chuyện cũ và nhớ thương em gái hiền lành, thùy mị nhưng chẳng còn mặt mũi nào đến Khai Phong. Kỳ nhi hãy gởi đến song thân của con lời tạ lỗi của ta.
Tiết phu nhân cũng nói vào :
- Đúng đấy, Kỳ nhi. Gần đây Cửu phụ ngươi cứ bàn mãi việc đi Khai Phong song chưa đủ dũng khí.
Thuần Vu Kỳ nở nụ cười độ lượng, khoa tay ta dấu. Sầm Tú Linh liền dịch :
- Công tử nói rằng phụ mẫu y không hề giận hờn, định sẽ đến Nam Dương để dự đám giỗ Tiết lão Trang chủ vào tháng mười một sắp tới.
Tiết Cao Vân nghe lòng nhẹ nhõm, hớn hở kéo Thuần Vu Kỳ ngồi xuống cạnh mình. Chàng gật đầu cười với Trại Ngu Cơ rồi mới an tọa. Tiết Mạn Thụy cũng đon đả mời Sầm Tú Linh ngồi với mình.
Diễn biến bất ngờ này khiến cử tọa kinh ngạc, nhất là khi nghe Huyền Cơ thư sinh hỏi chàng câm :
- Vậy phải chăng công tử chính là người đã đuổi Đơn Nhai Chân Quân chạy khỏi Thuần Vu gia trang hồi mấy tháng trước?
Chàng câm vừa gật đầu thì Lang Nha mỹ nhân đã ứng tiếng :
- Bẩm phải. Trận ấy công tử trổ tài thần oai đâm Đổng lão ma mười bốn kiếm, tuy nhẹ nhưng cũng đủ để lão ta khiếp vía.
Quan khách ồ lên thán phục chàng câm vì bản lãnh Chân quân cao siêu nhất nhì giới võ lâm Sơn Đông và cả Hoa Bắc.
Song Thuần Vu Kỳ lại nhăn mặt, ra thêm nhiều dấu hiệu nữa. Sầm Tú Linh đỏ mặt ngượng ngùng giải thích :
- Công tử trách tiểu nữ đã không nói rõ sự tình. Thực ra công tử còn kém lão họ Đổng, trúng mười mấy phát chưởng Bồng Lai suýt chết.
Cử tọa không hề giảm sút lòng ngưỡng mộ mà còn thêm yêu mến vì tính trung thực, khiêm tốn của chàng trai tật nguyền.
Định Sân đại sư cao giọng tán dương :
- Thiện tai. Thiện tai. Võ công đáng thán phục song nhân phẩm kia lại càng khiến bần tăng phải cúi đầu. Người trẻ tuổi thường kiêu ngạo, hiếm có ai khiêm tốn như Thuần Vu thí chủ.
Võ Đang ngũ tú chạnh lòng nên hổ thẹn đến mức mặt mày xám ngoét lại.
Mới là gần cuối giờ thân, vầng dương còn đỏ rực đằng Tây nhưng Tiết trang chủ vì cao hứng mà thét gia nhân bày ngay đại yến để mừng cháu.
Chỉ hơn khắc sau, rượu thịt đã dược dọn ra, nóng hổi và thơm nức mũi. Các nhà sư cũng có mâm cơm chay thượng hạng, ngồi khá xa đám người trần tục.
Tiết Cao Vân áy náy vì đã khắc nghiệt với em gái nên muốn đến bù cho cháu trai.
Tục lệ Trung Hoa không cấm anh em họ lấy nhau nên ông định gả Tiết Mạn Thụy cho Thuần Vu Kỳ.
Hơn nữa, ông đã nhận ra ánh mắt nàng ngày càng nồng thắm đối với chàng câm.
Tiết trang chủ cười khà khà dọ hỏi :
- Tần lão tiền bối. Lúc nãy người bảo rằng Kỳ nhi đã có hai vợ. Một là con bé răng só? này. Vậy đứa thứ hai là ai?
Ngạo Thế Thần Ông cười đáp :
- Chính là dưỡng nữ của lệnh nội tên gọi Thuần Vu Tiệp nổi danh Đan Nhược Tiên Tử.
Thuần Vu Kỳ vô cùng kinh ngạc, không hiểu sao lão ta lại biết được mối tình bí mật của mình. Chàng không muốn người ngoài hiểu lầm, hại đến danh tiết của Sầm Tú Linh nên định cải chính nhưng Lang Nha mỹ nhân đã lên tiếng trước :
- Bẩm Trang chủ. Tiểu nữ chỉ theo giúp đỡ công tử đây thôi chứ chẳng có tình ý hay danh phận gì cả.
Thuần Vu Kỳ cũng ra dấu rằng mình không thích đa thê. Nghe Tú Linh dịch lại như thế, Tiết Cao Vân cũng không tiện nói ra ý định gả con.
Tiệc tan, khách khứa được bọn tỳ nữ hướng dẫn về chỗ nghỉ ngơi. Khi cường địch đến họ mới phải ra tay, còn việc canh gác đã có đám gia đinh nhà họ Tiết.
Thuần Vu Kỳ và Sầm Tú Linh thì vào khu hậu viện, ở chung dãy với chủ nhà. Họ quây quần trò chuyện đến tận giữa canh hai mới về phòng.
Song Thuần Vu Kỳ lại có khách, đó là Ngạo Thế Thần Ông và Huyền Cơ thư sinh Tần lão nghiêm giọng trách móc :
- Sao ngươi dám nhân lúc Trương sư bá vắng nhà mà bỏ núi ra đi?
Thuần Vu Kỳ hổ thẹn, gượng cười ra dấu :
- Tiểu đệ từng xin phép hạ sơn tìm phụ mẫu. Gia sư bảo rằng khi nào luyện xong chiêu “Hạc Tiếu Trùng Thiên” thì mới được phép. Nhưng khi hoàn thành chiêu kiếm thì ân sư lại vắng mặt, tiểu đệ đành phải dặn dò trưởng bản rồi đi Khai Phong.
Thần ông giật mình :
- Ngươi đã luyện xong chiêu tuyệt kiếm ấy rồi ư? Vậy sao ngươi lại để cho suýt chết dưới tay Đơn Nhai Chân Quân?
Thuần Vu Kỳ vui vẻ viết :
- Lần đầu xuất trận mà lại đụng ngay đại cao thủ, tiểu đệ hơi bối rối, trúng ngay một chưởng, bế tắc kinh Thủ Thái Âm Phế nên không thể thi triển được tuyệt chiêu. Nhưng nếu Đổng Chân quân còn sống để tái đấu thì tiểu đệ quyết chẳng chịu thua.
Thần ông hài lòng :
- Giỏi lắm. Ta chỉ lo lắng cho ngươi đấy thôi. Thực ra, ngay lão phu mà đụng phải Bồng Lai chưởng pháp thì cũng không chắc sẽ thắng nổi.
Đến lượt Huyền Cơ thư sinh dặn dò Thuần Vu Kỳ sách lược đối phó với Tạ Ngân Long. Ông muốn chàng đả thương và bắt sống họ Tạ để khai thác tin tức về Công Lý hội. Đêm ấy trôi qua rất yên lành vì đối phương không tập kích mà đến giờ dậu chiều hôm sau. Khách có mười bảy người kể cả Tạ Ngân Long.
Cao thủ Công Lý hội đều mang loại mặt nạ thô sơ, da tái mét như người chết, chủ yếu để che giấu chân mục. Y phục của họ cũng không cùng màu, nhưng vũ khí đều là trường kiếm.
Riêng Tạ Ngân Long oai vệ trong bộ võ phục bằng gấm trắng, áo choàng đen. Gã lại rất anh tuấn chẳng khác gì Cửu Giang Thần Quyền lúc còn trẻ. Tuy nhiên, vẻ cao ngạo hiện rõ qua ánh mắt lạnh lùng, tàn khốc.
Khách để ngựa ngoài cổng, tiến vào đến sân gạch rộng phía trước khách sảnh thì gặp phe chủ nhà.
Thấy có cả sự hiện diện của gần hai trăm hào kiệt, lão già cầm lá cờ tam giác nhỏ thêu bốn chữ Công Lý lệnh kỳ, cười nhạt hỏi :
- Phải chăng Trang chủ định ỷ thế hiếp cô, giết Tạ thiếu chủ để không còn ai đòi nợ?
Tiết Cao Vân đã được Huyền Cơ thư sinh dặn dò nên thản nhiên đáp :
- Lão phu không giết Cửu Giang Thần Quyền thì hà tất phải nhổ cỏ tận gốc? Lão phu mời chư vị anh hùng đến đây để làm chứng cho kết quả hòa giải mà thôi.
Tạ Ngân Long quắc mắt hỏi :
- Thế Trang chủ chọn điều kiện nào?
Tiết Cao Vân cười mát :
- Lão phu sẽ cho đứa cháu gọi mình là cậu ruột ra tỷ đấu với ngươi. Nếu thắng ngươi sẽ có tất cả, bằng như thua ngươi phải ly khai Công Lý hội về làm gia nhân nhà họ Tiết.
Tạ Ngân Long bật cười cuồng ngạo :
- Lão làm gì có đứa cháu nào. Nhưng bổn thiếu gia chẳng thèm để ý đến tiểu tiết sẵn sàng bỏ qua. Chỉ mong rằng sau khi y chết lão đừng nuốt lời là được rồi. Bảo y bước ra đi.
Tiết Cao Vân quay lại ra hiệu cho Thuần Vu Kỳ. Chàng câm chậm rãi xuất hiện, đứng đối diện Tạ Ngân Long và mỉm cười.
Họ Tạ tự xem mình là cao thủ số một trong giới trẻ cũng như trung niên nên rất xem thường đối thủ. Gã không thèm rút kiếm, ngạo nghễ nói :
- Chắc là tuổi ngươi nhỏ hơnta, hãy xuất thủ trước đi.
Thuần Vu Kỳ vui vẻ gật đầu đặt tay vào chuôi kiếm rồi chậm rãi từng bước ngắn, tiến về phía đối thủ.
Song phương mỗi lúc một gần khiến Tạ Ngân Long chột dạ. Chẳng lẽ gã tiểu tử kia định đến sát rồi mới ra tay? Gã đã hứa không đánh trước, chẳng lẽ lại nuốt lời?
Họ Tạ bắt đầu khẩn trương, bàn tay hữu xiết chuôi kiếm, sẵn sàng đối phó.
Người chung quanh cũng nín thở đợi chờ giây phút chạm mặt của hai đại kiếm thủ. Họ nhận ra sự tương phản giữa hai dung mạo, một thư thái tươi tắn và một căng thẳng, u ám. Về định lực và dũng khí thì Thuần Vu Kỳ hơn hẳn, song kiếm của ai nhanh hơn thì chưa rõ.
Có người lại lo sợ theo hướng khác đó là Trại Ngu Cơ Tiết Mạn Thụy. Nàng hồi hộp lên tiếng cảnh báo :
- Kỳ đệ coi chừng y tấn công trước?
Bằng linh cảm diệu kỳ, nàng đã nhìn thấy tâm tư Tạ Ngân Long. Gã đã bị đởm lược của Thuần Vu Kỳ dọa khiếp, lòng tự tin bắt đầu lung lay. Kẻ ham tài háo danh, háo sắc như họ Tạ thì thường sợ chết. Gã lại chủ trương thà mình phụ người chứ chẳng để người phụ mình.
Thế nên Trại Ngu Cơ vừa dứt câu thì Thuần Vu Kỳ cũng bước vào tầm sát thương của trường kiếm, và Tạ Ngân Long lập tức xuất thủ ngay.
Quần hào kinh hãi, chưa kịp than trời thì nghe tiếng thép chạm nhau vang dội, kiếm quang lóe sáng, sau đó là tiếng rú đau đớn. Chẳng cần nhìn cũng biết ai thọ thương vì người câm không thể la hét hay đến thế được.
Quả đúng vậy. Tạ Ng