Lan Nhi đã khóa facebook, thậm chí là xóa cả zalo rồi, lòng tôi liền cảm thấy bất an.
Mặc dù cái hành động lén lút theo dõi em trên mạng xã hội thật sự đáng xấu hổ, nhưng tôi không thể nào ngừng làm như vậy được. Tôi lo cho em nhiều lắm.
Thử gọi cho Lan Chi, cô bé cũng không nghe máy, tôi đành nhắn tin: "Chi à, có chuyện gì rồi phải không? Đọc được thì gọi lại cho chị nhé."
Một đêm trằn trọc, tới sáng vẫn không thấy Lan Chi phản hồi.
Tôi lấy hết can đảm, thử gọi vào số điện thoại của Nhi, nhưng mà chỉ có tiếng thông báo thuê bao tạm khóa. Thở dài, tôi nặng nề bước vào phòng tắm sửa soạn.
Không biết đã xảy ra chuyện gì nữa. Lòng tôi nóng lên, chỉ muốn nhanh chóng trở về Hà Nội. Dù biết em và tôi đã thực sự kết thúc rồi, nhưng hiện tại tôi vẫn nhu nhược cho mình cái quyền âm thầm trong bóng tối mà lo cho em như thế...
Vừa xách máy tính lên, bên ngoài cửa bỗng vang lên tiếng gõ "cộc, cộc, cộc".
Tôi giật mình, theo thói quen định hỏi: "Nhi hả?", nhưng trong giây lát liền ngẩn ra.
Em không còn ở bên tôi nữa rồi.
Không biết ai lại tìm đến vào sáng sớm như thế này, trong đầu tôi cứ đinh ninh là anh chủ khách sạn. Giây lát mở cửa, bên ngoài chẳng có một ai.
Tôi nghi hoặc ngó quanh hành lang trống vắng, lại ngửi thấy một mùi nếp thoảng vào cánh mũi. Nhìn xuống nắm đấm cửa, hóa ra là một hộp xôi ngô thơm lừng đang treo ở đó.
Đây là cố ý mua cho tôi sao?!
Cầm lấy túi bóng đựng hộp xôi còn nóng hổi, tôi bước hẳn ra ngoài hành lang. Nhờ ánh sáng hắt vào từ các khung cửa sổ, tôi thoáng nhận ra một cái tai gấu đang lồ lộ ở sau bức tường phía cầu thang bộ.
Tôi dở khóc dở cười, chậm rãi tiến tới chỗ Chú Gấu đang nấp.
"Này, em có biết cái đầu gấu này nó quá to so với em lắm không hả?"
Hình như bấy giờ mới phát giác ra tôi, Chú Gấu giật nảy mình, vội vã xoay lưng định bỏ chạy. Nhưng tôi đã kịp tóm lấy cổ áo của người kia, kéo lại. "Mặc bộ đồ này chạy trên cầu thang bộ sẽ ngã đấy. Đi thang máy đi."
Chú Gấu bị tôi giữ cổ áo, không phản kháng được liền gật đầu.
Thang máy chầm chậm đi xuống.
"Không phải em thích chị thật đấy chứ?" Tôi nghiêng mặt nhìn Chú Gấu đang nép vào góc thang máy, dở khóc dở cười hỏi, "Em là trai hay gái vậy?"
Chú Gấu hơi ngẩng đầu, nhưng cũng không đáp.
"Dù là ai thì cũng đừng làm mấy chuyện như thế này nữa. Chị sẽ không nhận bất kỳ cái gì từ em nữa đâu."
Hình như người kia có vẻ hụt hẫng, gương mặt gấu nâu vốn dĩ đã như mếu, nay lại càng thêm u sầu. Nhìn Chú Gấu lặng lẽ bước sang bên đường đối diện, dáng đi lầm lũi cô độc, tôi không biết vì sao lại có loại cảm giác thân thuộc đến thế, nhưng cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, ra khỏi khách sạn là đi thẳng lên Ban quản lý.
"Con nít giờ bạo lắm, cứ thấy ưng mắt cái là tán tỉnh cho được. Hôm trước đám học sinh trung học còn rủ nhau xuống tận Hòa Bình để tìm thầy mo làm Bùa Yêu đấy. May bị mấy chiến sĩ giao thông chặn lại rồi đuổi về. Ranh ma gớm!"
Nghe anh Tùng phòng kế toán kể chuyện phiếm, tôi nhìn hộp xôi đã ăn quá nửa của mình mà nổi một tầng da gà.
Giờ móc họng ọe ra có kịp không?
Có lẽ thấy tôi cứng người, anh Tùng liền bật cười hả hả: "Nhìn cái mặt em kìa. Hồi đầu mới lên đây, anh Hoàng với anh Nam cũng đều bị dọa cho sợ khiếp vía đấy. Nhưng mà yên tâm đi, hiện tại những bậc thầy yểm được bùa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thôi, dễ gì mà gặp được."
Vẫn nên đề cao tinh thần cảnh giác thì hơn.
Hôm sau là cuối tuần, tôi nằm ườn trên giường đến hơn mười giờ sáng. Cơ quan nhà nước thường không làm việc vào thứ bảy giống tư nhân bọn tôi, thế nên coi như hôm nay đối với tôi chính là ngày nghỉ.
Không có tin tức gì từ Lan Chi, điện thoại im lặng. Tôi thở dài, thử gọi vào số của Nhi vẫn chỉ nhận được thông báo thuê bao tạm khóa.
Cứ có cảm giác, tôi thực sự đã bị tách rời khỏi cuộc sống của em mất rồi.
Bước xuống phố, hôm nay là một ngày nắng đẹp.
Nghe sếp Nga nói ở dọc đường Tây Bắc phía trên khách sạn một đoạn, có một quán thịt nướng rất ngon. Tôi tản bộ dọc theo con đường quốc lộ, phố xá không đông đúc như ở Hà Nội đâu. Thi thoảng trên quốc lộ có chiếc xe khách hoặc ô tô tải bấm còi lướt qua, làm náo nhiệt cả một khung đường. Đi một đoạn đã ngửi thấy mùi nướng than hoa thơm lừng, tôi dừng lại, quyết định mua một con vịt thật lớn.
"Thịt lợn nướng lá móc mật cũng ngon lắm, ăn thử đi gái ơi." Chị chủ quán nhiệt tình đến mức tôi còn không kịp từ chối, đã tuốt cho tôi một thanh thịt dài vào trong hộp đựng, "Người Hà Nội lần đầu tới đúng không? Cái xiên này chị tặng, ăn ngon mai lại tới nhá."
Tôi ngượng ngùng cám ơn. Biết số thịt kia cũng không phải rẻ, nên tôi hỏi mua của chị ấy thêm một vài chai bia lạnh rồi mới đi.
Ngang qua quán trà sữa, Chú Gấu đang ngồi dưới gốc cây buồn thiu. Thấy tôi đi sang quán liền quay lưng đi tỏ vẻ giận dỗi. Rõ ràng là một người hoàn toàn xa lạ còn chẳng rõ là nam hay nữ, vậy mà tôi lại có chút áy náy không biết vì sao.
Chắc Chú Gấu giận tôi vì hôm qua đã nặng lời.
"Cho chị một hồng trà sữa nhé." Không biết Chú Gấu thích uống vị gì, nên tôi cứ chọn đại một loại phổ biến nhất.
Phía sau tôi có hai bé gái, chắc là học sinh phổ thông trung học. Một trong hai bé còn nghiêng đầu nhìn tôi cảm thán: "Chị là người Hà Nội đúng không? Nghe giọng mê quá."
Tôi lịch sự đáp: "Đúng rồi, chị mới tới đây công tác."
"Chị bao nhiêu tuổi rồi? Sao da chị trắng trẻo căng mịn vậy?" Cô bé còn bạo đến mức đưa tay chạm vào má tôi.
Tôi còn chưa kịp phản ứng, đã thấy bạn nhân viên quản lý đứng trong quầy pha chế hét lên: "Ôi giời ơi, cái con bé kia, làm cái gì kinh thế hả?"
Theo ánh mắt kinh dị của mọi người, tôi nghi hoặc ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa.
Thế mà tim tôi cũng suýt nảy ra khỏi lồng ngực.
Chú Gấu đang đứng bên ngoài cửa, ịn nguyên cái mặt gấu to đùng lên tấm kính, sát đến mức mà trông biểu cảm trên gương mặt gấu liền trở nên méo mó vô cùng kinh dị. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy lúc này Chú Gấu cứ như nổi lên đằng đằng sát khí.
"Tự dưng hôm nay con bé bị gì không biết." Quản lý dở khóc dở cười.
Tôi kinh ngạc quay sang hỏi lại: "Con bé? Em ấy là con gái sao ạ?"
"Vâng chị, còn là một cô bé rất xinh ấy."
Vậy mà ngày nào cũng mặc một bộ đồ nặng nề kia từ sáng đến tối mịt, không bí bách thì cũng mệt lả người. Tự dưng trong lòng tôi dâng lên một cỗ xót thương.
Chú Gấu hằm hằm bước vào trong quán, cũng chẳng thèm đáp lời quản lý gì cả. Chen ngang hàng đứng trước quầy order, Chú Gấu còn huých tôi một cái rõ mạnh nữa.
"Mày hôm nay làm sao thế em?" Quản lý rướn người qua quầy, hạ giọng hỏi.
Chú Gấu không đáp, nâng tay chỉ mạnh vào một cốc nước loại đắt tiền nhất trên bảng menu, còn ra dấu size L cho bạn nhân viên order.
"Chị uống hả? Hết tổng cộng sáu mươi lăm nghìn nè." Cô bé nhân viên bối rối.
Chú Gấu gật đầu, đoạn quay sang chỏ ngón tay vào tôi.
"Hả?" Tôi ngớ người.
Lần nữa chỉ hẳn vào ví tiền tôi đang cầm trên tay, rồi chẳng thèm đợi tôi phản ứng, giật mạnh lấy túi bóng đựng mấy chai bia, lầm lì bước ra ngoài.
Quản lý giật mình, nghiến răng ken két: "Ơ hay, cái con bé này. Sao lại thái độ như thế với khách hàng hả?"
"Không sao đâu, cứ làm cho mình nhé."
Tôi vội vã móc ví trả tiền cốc nước mà Chú Gấu chọn, nhanh chóng đuổi theo sau.
"Nói chuyện một chút đi nào." Tôi chân dài hơn người kia, đi mấy bước đã tóm được cổ áo mà giữ lại rồi.
Chú Gấu vùng vằng, còn thụi cho tôi một cái rất đau vào bụng nữa.
"Này, chị không đùa đâu nhé." Tôi thấy mình càng ngày càng thiếu kiên nhẫn.
Người kia có vẻ kinh ngạc, ngẩng cái mặt gấu buồn thiu nhìn tôi.
"Em là học sinh trung học phổ thông sao? Đối với người lạ em đều như vậy à, không có một tí cảnh giác gì cả. Hơn nữa, dù em có ý gì với chị nên mới quan tâm đặc biệt hơn, thì em cũng phải nhớ một điều, chị là phụ nữ đấy. Rồi bố mẹ em thấy sẽ nghĩ em thế nào? Đi theo tặng hoa, mua đồ ăn cho một người phụ nữ xa lạ? Chị thì không vấn đề, nhưng chị sợ em sẽ tổn thương vì cái xã hội đầy những rè bỉu và khinh thường đồng tính này. Nếu em muốn làm bạn, chị rất sẵn lòng. Nhưng đừng có hành động như mấy hôm vừa rồi nữa, sẽ khiến chị hiểu lầm ý đồ của em. Đừng cho chị một chút quan tâm hay yêu thương, để rồi cuối cùng lại vì những định kiến của người đời mà bỏ rơi chị. Chị sẽ rất tổn thương và cô độc đấy, em có biết không?"
Những nỗi lòng chất chứa bấy lâu, không ngờ lại bộc phát trước mặt một người xa lạ.
Tôi, hóa ra lại sợ hãi khi được quan tâm đến như vậy...
Chú Gấu vẫn ngẩng mặt, cứ như nghe hiểu tất cả những gì tôi nói vậy. Bàn tay đeo găng nâng lên, nhẹ nhàng xoa xoa mái tóc tôi an ủi.
Tôi kinh ngạc, thật lâu mới thốt nên lời: "Em bỏ bộ đồ này ra được không? Nếu muốn làm bạn thì phải thấy rõ đối phương thế nào chứ?"
Thế nhưng, người kia chỉ khẽ khàng lắc đầu.
"Nếu em xấu hổ thì thôi vậy. Những lời vừa rồi, chị xin lỗi." Tôi thở dài, nhìn túi bóng đựng mấy chai bia trên tay Chú Gấu mà bảo, "Chị cũng không uống, em quăng đi cũng được, tuyệt đối đừng uống đấy. Ban nãy chị có gọi cho em một cốc trà sữa rồi, nhưng em lại gọi thêm cốc nữa, thế nên nếu em uống không hết thì cứ giữ lại đến chiều hoặc tối uống tiếp nhé. Coi như vì em mời chị bữa sáng hôm qua."
Dứt lời, tôi thở dài xoay người bước về khách sạn.
Tự nhiên lòng lại trống trải, cô đơn.
Gần mười một rưỡi đêm, điện thoại của tôi rung lên bần bật. Hóa ra người gọi đến là Lan Chi.
Tôi có chút gấp gáp, vội vàng bắt máy: "Chi à? Chị gọi em mà không được, cũng chẳng thấy em trả lời tin nhắn."
Ở đầu bên kia, cô bé thở dài, "Mấy nay nhà em loạn quá, nên cũng quên mất không liên lạc lại với chị."
"Đã xảy ra chuyện gì?" Lòng tôi bất an.
Im lặng một lúc, Lan Chi mới đáp: "Nghe chị nói vậy là đủ hiểu bà Nhi không tìm tới chỗ chị rồi."
"Là sao?!"
"Bà ý đột nhiên cãi nhau một trận rất to với mẹ, cứ như hoàn toàn là một con người khác ấy. Em nghĩ chắc vẫn như hồi trước, mấy hôm rồi thôi. Ai ngờ, sáng hôm sau bà ý để lại giấy nhắn, thu dọn ít đồ rồi bỏ đi chị Trang ạ. Đến giờ vẫn không liên lạc được nữa. Em phải gàn bố mẹ mấy lần, bố mẹ mới không báo công an đấy."
Tin này khiến tôi như hóa đá. Tôi ngồi bật dậy, nóng lòng đi đi lại lại trong phòng khách sạn.
"Em ấy để lại giấy gì vậy?"
"Bà ý bảo không chịu đựng được nữa, từ nay sẽ sống cuộc đời của chính mình và là chính mình. Còn nếu cố gắng tìm bà ấy bằng mọi cách, thì chỉ có nhận xác bà ấy thôi."
Lan Nhi à, sao em lại bướng đến như vậy chứ?
Tôi day day hai bên thái dương, tâm không chủ được mà run lên. "Chi à, chắc mai chị đón xe về Hà Nội thôi, cứ thế này ở đây chị cũng không làm việc được. Chị phải tìm được em ấy thì mới yên tâm."
"Bỏ đi chị, chị hiểu tính bà Nhi mà. Cả nhà em với anh Bảo tìm đủ mọi nơi rồi, không thấy đâu. Mà để bà ý biết lại làm liều, em cũng sợ ấy chị."
"Chẳng nhẽ cứ bất lực như vậy sao? Ít ra cũng phải nghĩ cách gì chứ? Nhi chưa bao giờ rời xa khỏi gia đình, em ấy sẽ sống thế nào đây?"
Tôi thì bắt đầu không giữ nổi bình tĩnh, còn cô bé vẫn nhẹ giọng trấn an tôi. "Trước khi Nhi bỏ đi, đã rút hết toàn bộ tiền ở tài khoản và sổ tiết kiệm trong ngân hàng rồi. Chị đừng lo lắng quá, cứ an tâm công tác. Ở đây em vẫn tiếp tục nhờ người tìm và nghe ngóng tình hình mà. Cả nhà em cũng lo lắm ấy chứ không phải không đâu. Mẹ đã khóc cả một tuần nay rồi..."
Im lặng, tôi không đáp lời cô bé.
Cả đời tôi luôn lo sợ bị bỏ rơi, nỗi ám ảnh về việc không tìm lại được người mình thương yêu lại trỗi dậy, như cơn sóng thủy triều nhấn chìm tâm hồn xuống đáy biển sâu lạnh lẽo, chẳng còn một ngày thấy ánh nắng bình minh.
Nhi à, em đang ở đâu...
Đừng bỏ chị, đừng đi như thế...