Qua ngày rằm tháng mười một thì Mai được đi học trở lại. Haiz, mấy đứa con trai cứ hay liếc nhìn về chỗ cánh tay Mai. Đúng là không giấu được chuyện gì hết. A Phúc còn làm quá lên, mang giỏ đệm dùm cô. Hắn cứ cặp nách hai giỏ, a, không ai nói cho đệ biết làm vậy sẽ học “ngu” chết luôn hay sao? Hèn chi học hơn tháng rồi, mà mấy chữ viết không xong. Nhưng mà mấy câu tam tự kinh có vần có điệu hắn lại thuộc rất nhanh. Mấy lúc hắn vui miệng còn tự ngâm nga.
Năm nay gặt lúa sớm hơn, nước trên ruộng vẫn còn xâm xấp chỉ còn trơ lại gốc rạ đã úa vàng. Khắp nơi đều như thế, nhưng hai mẫu đất cao nhà Mai vẫn xanh um. Mấy nhà trong làng đều hiếu kỳ đến xem. Đây là hai mẫu đất trồng đậu lúc trước, tháng chín hái xong đậu thì nhà cô đã trồng dây khoai lang, dây khoai mỡ, còn ghim mấy gốc khoai mì nữa. Bây giờ mấy luống đã xanh um, dưới rễ chắc đã tượng được củ rồi.
Thúc bá trong làng nghe cha nói tranh thủ trồng thêm thì đều ngạc nhiên, rồi vui mừng. Nếu có thể trồng như vậy, lương thực trong nhà thêm một bồ nữa thì còn gì bằng. Mặc dù ăn khoai không chắc bụng như ăn cơm, nhưng ăn phụ bữa trưa, bữa tối. Mấy năm lúa mất mùa lại càng quý giá.
– Giờ nhà ta trồng kịp không?
Một vị bá bá hỏi, ông nhìn đám rau lang xanh rờn không nhịn được hỏi cha.
– Đệ nghĩ được, nhưng sẽ hơi cực. Phải tưới nước mấy ngày nắng lớn. Nhà đệ mỗi chiều tối đều tưới. Mấy hôm có mưa thì khỏi.
Mùa mưa đã qua, chỉ còn lác đác vài cây mưa sót lại. Bây giờ trồng thì sẽ tốn công nhiều hơn. Nhưng mà nhà nông vừa gặt xong mùa lúa, rảnh rỗi làm gì? Bây giờ trồng, qua Tết thì có củ rồi, lúc đó giá lương thực đều cao. Biết đâu có thể bán được giá, không bán được thì để trong nhà ăn lần, mất mát gì đâu?
Mỗi người một câu, nhà nào cũng định trồng thử, không nhiều thì ít, cỡ một hai công ruộng cũng được. Cha nói thúc bá không cần ươm giống, cắt dây khoai nhà cô trồng sẽ nhanh hơn. Dây khoai lang lúc bắt đầu có củ thì cũng nên cắt bớt dây nhánh, để rễ chỉ nuôi củ, thì củ mới lớn.
Mấy ngày nay nhà Mai bắt đầu tỉa dây, lá xanh nấu cháo cho ba con heo, dây khoai thì quăng vào chỗ ủ phân, một vòng khép kín.
– Làng mình đào thêm mấy cái hào lớn nữa đi, trữ nước ngọt, vừa nấu nướng, tưới khoai nữa.
Dương ông thấy mọi người háo hức, sẵn dịp đề xuất luôn. Hào sen cạnh chùa tuy lớn, nhưng mỗi ngày tưới khoai mà đi xa như vậy thì đúng là vất vả.
– Dương bá thấy chọn chỗ nào, có nước ngọt còn gần các nhà nữa.
– Được, để ta hội ý Nguyễn lão, Trần tú tài xem sao. Đúng là nên tính toán để nhà nào cũng thuận lợi.
Chuyện nọ nối chuyện kia, nương và ngũ cô nướng cá, khô; rồi còn kêu An ca chạy đi mua chút rượu để khách vừa nhâm nhi vừa nói chuyện.
– Sao không thấy a Hà qua?
– Ha ha, ta nói hắn có út nam rồi, mặt mày hớn hở, nhìn không được!
Ha ha, mọi người đều lớn tiếng cười. Trong mấy ngày Mai đi Giá Khê, Lưu bá mẫu đã sanh, là con trai. Cả nhà Lưu bá đều vui mừng, hớn hở. Đứa nhỏ cũng thiệt khỏe mạnh, khóc lớn, ngủ ngáy cũng lớn.
Sau đợt bán hai mươi chiếc ghe nhỏ, còn thêm cái ghe lớn Trần gia mua, tính toán chi phí xong thì Mai và a An “báo cáo” sổ sách. Nhà nội được gần tám mươi quan, thêm tiền bán ghe từ đầu năm nữa đã hơn trăm quan rồi. Gương mặt ai cũng mừng rỡ. Cha, nương và mấy đường ca thu xếp ra làng chài một chuyến. Mai thấy hơi lạ, Vinh ca, Hân đã lớn, tự mang tiền về được, chắc là cha nương muốn gặp ông bà nội có chuyện gì đó. Chuyện gì mà có vẻ bí mật vậy kìa?
Mai quên chuyện này rất nhanh, mỗi ngày ngoài hai canh giờ ở lớp Trần tú tài, cô sẽ dành một canh giờ để tập viết chữ. Còn lại là phụ làm việc nhà, hiện cô đang nghĩ chuyện ba con heo. Ba con heo nhà cô được gần trăm cân, bây giờ nuôi thúc tới Tết chắc được hơn một trăm cân.
Nhà nông nuôi heo cả năm, sẽ tranh thủ bán thịt vào dịp Tết, vừa được giá vừa giữ lại đầu heo, lòng heo làm thức ăn trong mấy ngày Tết nữa. Nhưng mà nếu nhà mình bán đi, qua tháng giêng lại tìm nhà có heo con để mua. Lỡ tìm không có thì sao? Nhà mình chờ lâu lắm mới mua được ba con này.
Trời xế bóng, mấy cơn gió mát từ vũng Đông Hồ thổi vào nhẹ nhẹ. Nước đã rút ra biển, mấy con đường nhỏ đã khô lại, không còn nhão nhoẹt. Nhưng mà con nước cũng “san bằng” mặt ruộng bờ đất. Qua giêng, người nông dân lại phải đắp bờ cao lên, lên giồng để trồng khoai đậu. Cực nhọc hơn một chút nhưng có cái lợi là nước ngọt thượng nguồn rửa bớt độ mặn, trôi phèn chua của cả vùng đồng bằng này. Sau năm có lũ, đất sẽ màu mỡ hơn, cây trái cũng xanh tốt hơn.
Ngũ cô đang may giày cho ông bà nội, nương và Cúc tỷ thì đo xấp vải thô, rồi tính toán cắt may. Năm nay nhà mình ai cũng sẽ có một bộ quần áo mới, không cần nhường nhau nữa.
Mai ngồi bên cạnh tập làm túi vải. Túi vải nhiều lúc thuận lợi hơn giỏ đệm, đeo quàng trên vai cũng dễ dàng hơn. Giỏ đệm bằng lát xài được một năm sẽ hư, có khi không cẩn thẩn để ướt càng mau hư. Túi vải đi đường xa đều có hai lớp, lớp ngoài vải thô, lớp trong vải mịn. Có may thêm túi nhỏ đựng tiền hay vật có giá khác. Mai cũng có một cái túi nhỏ trong tay áo. Mỗi lần đi chợ phiên cô đều nhét vài văn tiền trong đó.
– Nương ơi, nhà mình có để heo nái giống Nguyễn gia được không? Nương ngước lên rồi quay sang hỏi ngũ cô.
– Ý muội sao?
– Muội cũng muốn nuôi thêm heo con, tẩu thấy mình đến hỏi Nguyễn gia được không?
Đúng là chỉ ngại nhà người ta không sẵn lòng chỉ dẫn. Giá thịt heo cao, nhà nào nuôi khéo, cuối năm bán thịt là đủ mua đồ tết, sắm sửa trong nhà.
– Để ta hỏi ý cha con xem sao, dù sao chuyện heo giống mấy người đàn ông rành rẽ hơn chúng ta.
Chính vì chuyện này nên Mai không dám nói trực tiếp với cha. Thời này phân chia rất rõ, chuyện cây giống hay con giống đều do đàn ông quyết định. Mấy thiếu nữ như a Cúc cũng không được biết, nói chi đến cô.
Đến giờ chuẩn bị cơm chiều thì mọi người chia nhau làm việc. Ngũ cô và Mai định đi ra chuồng heo cho nó ăn thì có dáng người vào sân, là Đỗ bà mai. Cô hơi nhíu mày, là chuyện gì vậy ta?
– A Cúc, con ra cho heo ăn đi.
– Dạ,
A, lại bị đuổi rồi! Lần này a Cúc kéo tay cô đi nhanh, không cần cô nghe lén nữa sao? Hả, mặt tỷ ấy đã hơi ửng lên rồi. Xem ra tỷ ấy biết là người lớn bàn chuyện gì. Không lẽ chuyện cưới gả của Hùng huynh và a Cúc có thay đổi? Nếu có, chỉ có thể là tốt hơn thôi. Sau chuyến đi vào rừng tìm cậu hai. Cả nhà cô đều quí Hùng huynh hơn nhiều. Gặp lúc cảnh nhà khó khăn, huynh ấy chung tay lo lắng thì còn gì bằng? Lúc trước, cha đã mang ít đồ trong nhà cùng với cậu hai đến thăm La gia và nói cảm ơn.
Tối hôm đó thì cả nhà đã biết là chuyện gì, chuyện vui, đương nhiên là chuyện vui. Lễ thành hôn của Hùng huynh và Cúc tỷ sớm hơn dự định, qua Mùng tháng hai là tổ chức. Cả nhà vui vẻ nói xem nên chuẩn bị cái gì? Làm sao? Nương sẽ bận rộn nhất đây.
– Ngày mười chín này nhà trai qua đưa lễ, hai mươi thì a Hùng đến làm rể một tháng. Mình sắp xếp sao đây?
Còn có chuyện làm rể một tháng nữa? Đúng là cưới được vợ về không dễ dàng chút nào! Mai nghe Vinh ca nói a Hùng sướng thiệt, chỉ ở một tháng. Năm đó ca ấy làm rể tới ba tháng. Chàng trai đi làm rể nhà vợ đương nhiên là rất “căng thẳng” rồi. Thời gian đó là để nhà gái xem coi tính tình, tài năng của chàng rể. Trong dân gian rất nhiều câu chuyện bi hài kể chuyện đi làm rể. Chàng rể khờ quá thì bị chê, làm biếng cũng không được, mà lanh lẹ thì nhiều khi hỏng chuyện.
Ha ha, Mai cười thầm nghĩ “Hỏng lẽ, hồi đó cha đi làm rể nhà ngoại có trục trặc gì sao mà cha rất ngán ông ngoại”. Nhà gái vẫn có quyền từ chối gả con gái mà không trả lễ nếu chàng rể không giống như bà mai nói ban đầu.
A, như vậy chuyện cô tính xin cha sửa lại nhà có thể làm được rồi, có thêm “nhân công miễn phí” mà.
– Cha, con thấy nhà mình sắp xếp lại giống nhà Đỗ lang y thuận tiện hơn?
Mai nói xong thì chạy đi lấy tấm bảng gỗ và mấy tờ giấy cô đã “nghiên cứu” vẽ sẵn mấy ngày nay. Trên đó là cách bố trí, sắp xếp mấy gian nhà. Mục đích chính là tách riêng chỗ xưởng gỗ, tiệm tạp hóa Đông Hồ ra khỏi nhà.
Cả nhà thấy cô vẽ từng ô chữ nhật trên giấy thì lạ lùng, hỏi tới lui chỗ này là xưởng gỗ, chỗ này là chuồng heo hả? Cũng tốn mất gần nửa canh giờ cả nhà mới biết sơ sơ là mai mốt sắp xếp như thế nào, ai sẽ ở đâu.
Mai “lợi dụng” cơ hội này làm riêng gian nhà cho cô. Cô thích có chỗ riêng để tắm rửa vệ sinh. Lần này cần dựng chính là gian nhà đó. Thật ra nó giống mấy nhà khác, có ba gian chính và hai chái, chỉ là nằm hơi tách biệt một chút. Sau khi dựng xong thì ngũ cô, a Cúc và cô không phải ở gian phía sau nhà chính của khách nữa. Mai mốt cô sẽ trồng mấy hàng cây mai trắng, luống cây sống đời, từ từ sẽ thành Mai viên. Mới nghĩ tới đó là cô đã thấy vui sướng, thỏa mãn.
– Cô ở phòng nhỏ này được rồi, sao phải tách ra?
Ngũ cô nghe nói mình tách ra ở một gian riêng thì hơi ái ngại. Cha lại dứt khoát nói:
– Tính như vậy đi. Thợ trong xưởng, rồi khách đến đông. Muội và hai đứa con gái ở phía sau cho tiện. Phòng đó để dùng việc khác.
Vậy là việc này đã định rồi, nhờ có chuyện Hùng huynh đến làm rể, thuận lợi hơn Mai nghĩ nhiều.