Mặt trời đứng bóng mọi người lên đường. Ba người đàn ông cầm chèo ba chiếc ghe nối đuôi nhau theo con sông nhỏ về hướng Giồng Riềng. Lý thúc cương quyết cầm chèo chiếc ghe nhỏ nhà Mai. Qua mấy tháng tập luyện cho chân phải cụt đến đầu gối, hai tay thúc ấy đã khoẻ hơn. Thúc ấy khéo léo di chuyển từ cầu ván lên ghe, chậm chạp nhưng thúc ấy không nhờ ai giúp, tự mình chống đỡ.
Hai bên bờ sông hẹp xanh xanh rừng cây. Trương bá cừa chèo vừa kể chuyện xưa ở vùng này. Làng ông trước đây gọi là làng nội, dọc theo con rạch đó hướng ra biển còn hai làng nữa là làng trung và làng ngoại. Tên làng Giá Khê Thượng là gọi chung cả ba làng nhỏ này. Hạ lưu Sông Lớn còn mấy làng lần lượt là Giá Khê Trung, Giá Khê Hạ.
Trước đây làng ngoại Giá Khê rất sung túc, trù phú. Người Việt, người Chân Lạp cùng sống chung hơn năm mái nhà. Còn có ngôi chùa lớn của người Chân Lạp do ông Lục coi sóc. Cách đây hơn mười năm, giặc Xiêm la vào cướp bóc, bắt phụ nữ và đàn ông lên thuyền chở đi. Dân chúng bỏ chạy trốn vào chùa, bọn chúng còn chưa đến mức xông vào chùa giết người, nhưng bao vây xung quanh. Ông Lục phải đưa cho bọn chúng chuông đồng, đỉnh bạc và các món đồ quí giá trong chùa bọn chúng mới rời đi.
Trước khi đi bọn chúng ào vào làng trung tìm kiếm, nhưng không thấy được vật quí giá nên quay ra biển giông buồm ra đảo.
Những năm sau đó, dân chúng vẫn còn lo sợ, lớp bỏ đi, lớp ở lại. Ai cũng phải làm lại từ đầu, cuộc sống dân ổn định nhưng không phô trương như trước.
Có những gia đình xứ khác đến dựng nhà sinh sống. Việc mưu sinh trong rừng ngập mặn tuy không đói kém nhưng cũng không dư giả.
– Ta thấy làm nông như đệ ổn định hơn, ít ra không lo đói. Chỉ là dòng họ đều ở đây, đi không nỡ.
Càng đi vào phía trong, cây xanh hai bên bờ đa dạng hơn. Bèo li ti kết thành mảng trôi lênh đênh trên sông. Mấy con rạch lớn nhỏ tạo thành ngã ba ngã tư như đan lược. Nếu không phải quen đi lại trên sông chắc chắn sẽ lạc đường. Bây giờ Mai mới hiểu vì sao người ta gọi tên làng, tên sông theo tên của cây rừng. Vì đi trên sông chỉ phân biệt được khoảng cách khi rừng cây hai bên thay đổi. Có làng tên là làng Bèo vì khúc sông ở làng đó dày đặc bèo từ các nơi trôi về.
– Lần tới đi Trấn Giang ta sẽ đến thăm thúc phụ. Mấy ngày này còn bận chút việc, không theo nhà đệ đến được.
Có lẽ một phần Trương bá biết nhà ông ngoại làm Lễ thành thân Sinh ca nên không tiện đến. Cha nói rõ tên làng và nhà ông ngoại cho Trương bá và Lý thúc biết.
Giống như hôm qua, mặt trời vừa xuống biển thì chỉ còn những tia nắng le lói trên những ngọn cây. Không gian sáng mờ mờ, gió vờn trên mặt nước mang hơi ẩm và lạnh.
– Đó là chợ Giồng Riêng, ngày chợ phiên cũng nhộn nhịp lắm. Lão thê nhà ta hay đi chợ này, mấy lúc săn được đồ quý mới đi Trấn Giang bán.
Trương bá chỉ một khoảng đất gò cao. Cây cối thưa thớt nhưng có mấy cây cổ thụ rễ lồi lên mặt đất. Ba chiếc ghe neo lại ở cầu ván. Nương đưa mấy đứa nhỏ nồi, thức ăn mang lên gò đất. Mấy người lớn lên trước đã làm xong hai bếp lửa, kiếm củi, nhóm bếp.
Người ở đây có mấy loại bếp lửa, bếp ở trong nhà là bếp ba chân là dùng ba cục đá lớn hình chữ nhật kê chụm đầu. Có nhà khá giả thì mua chân bếp bằng đất sét nung, hình dáng thuôn nhỏ thuận tiện khi đút củi vào. Bếp đốt ở sân nhà để nướng thức ăn, hoặc dùng chiếu sáng (tiết kiệm dầu) thì chỉ là những cây củi lớn chụm lại rồi cứ thuận tay ném củi nhỏ vào, nướng thịt cá thì gói trong lá chuối. Bếp ‘dã ngoại’ là loại bếp dùng cho người đi rừng hoặc phải dừng lại ngủ đêm như nhà Mai thì có thêm ba cây gỗ lớn chụm lại phía trên đống lửa để treo nồi nấu thức ăn. Có khi bên dưới mặt đất được đào lỗ nướng gà, cá lóc.
Lúc trưa Lý thúc xỏ mang ba con cá lóc bông lớn, giờ đã được gói lá cây vùi xuống đất dưới bếp lửa. Bữa cơm chiều có cơm, cá nướng, khô mực và nồi nước ấm mật ong gừng. Ăn cơm xong, Bình ca rót chén rượu cho Trương bá, mấy đứa con trai ngồi xung quanh nghe người lớn nói chuyện. Phía xa trong gò đất có mấy bếp lửa bập bùng, cũng có nhiều nhà sống xung quanh đây. Nương và Cúc tỷ dọn dẹp xong tránh lên ghe ngồi. Mai còn nhỏ tuổi nên nương không kéo đi theo để cô ngồi bên bếp lửa ‘hóng chuyện’.
Rượu uống được ba tuần thì cha đằng hắng một tiếng rồi nói:
– Lần này đến thăm là Lý đệ là có chuyện muốn nhờ.
Lý thúc nghe vậy đã đáp ứng:
– Lê huynh có gì cứ nói, đệ sẽ hết sức làm.
– A, là như vầy nhà ta cần mua nhiều tổ ong, đệ cũng hay vào rừng nên bỏ thêm ít công lấy tổ ong được không?
– Trời, tưởng chuyện gì, cái này là đương nhiên, huynh cần nhiều ít cứ nói.
– Cái này là việc làm ăn, ta còn nhờ nhà ngoại a Bình làm cùng, nên a, a … một tổ ong lớn giống như lần trước là nửa quan, đệ thấy được không?
– Hả, không cần, ta không nhận tiền nhà huynh.
Cha giơ tay có ý ngăn lời Lý thúc nói tiếp,
– Thật sự là chuyện làm ăn. Nếu đệ không nhận tiền ta quả thật không lấy tổ ong nhà đệ mà phải tìm nhà khác mua.
– Thật?
Nãy giờ Trương bá nghe hai người nói chuyện, giờ mới chen lời hỏi.
– Thật đó Trương huynh. Như lời huynh nói, ba nhà chúng ta không cần khách khí. Nhưng chuyện này đệ là nói thật lòng.
– Được, đệ cần bao nhiêu tổ ong?
Trương bá rất quyết đoán, thay Lý thúc nhận lời.
– Tháng này là tổ. Nếu cần thêm đệ nhắn người báo qua.
Lần này Trương bá nhìn Lý thúc nói:
– Đệ và a Sao tìm đủ?
– Đủ, cũng không khó, chỉ là,…
– Đệ không nên giữ kẽ, làm mất giao tình mấy nhà chúng ta.
An ca rất đúng lúc đưa cha túi vải xanh leng keng tiếng mấy đồng tiền kẽm chạm nhau. Cha đưa cho Trương bá:
– Nhờ huynh giữ hộ ba quan này, là đệ trả trước sáu tổ ong.
– Cái này, huynh để sau đi. – Ha ha ha,
Trương bá rất sảng khoái cười lớn, cầm túi tiền trong tay.
– Được, được, ta nhận.
Xem ra chuyện này đã quyết xong rồi. Lý thúc cũng biết vậy, rót rượu mời Trương bá và cha nói:
– Đệ cảm tạ hai huynh chiếu cố.
Uống thêm hai tuần rượu nữa có một chiếc ghe lớn cập vào. Mọi người đều đứng dậy nhìn hai bóng người đi vào, người đi đầu chắp tay chào hỏi từ xa.
– Ta họ Trần, ở vũng Đông Hồ, chào huynh đệ.
– Là Trần huynh sao? Đệ là Lê tứ đây,
– A, là Lê đệ, may quá!
Trong giọng nói đều nghe ra vẻ nhẹ nhõm. Trời đã tối chỉ thấy bóng, lúc đến gần bếp lửa thấy là người quen, cả hai phía đều vui vẻ chào hỏi, giới thiệu.
– Là đệ đệ kết nghĩa của ta Trần Si.
Trần bá giới thiệu người đi cùng, trẻ hơn cha nhưng rất vạm vỡ, chắc nịch.
– Ta đi mua một ít lúa gạo ở quanh đây, không kịp về Đông Hồ nên ghé đây nghỉ một đêm.
Chiếc ghe Trần bá chở khẳm, thành ghe gần chạm mép nước. Hai người mới nhập vào uống mấy chén rượu rồi mới thư thả ăn mấy củ khoai lang được vùi trong lửa với cá lóc nướng. Xem ra họ quen thuộc ăn uống như vậy.
– Thời tiết năm rồi thuận lợi, thu hoạch khá nên ta đi mua giá cũng rẻ.
– Vậy huynh bán đi đâu?
Câu hỏi này với người đánh cá, làm ruộng thì rất đúng, nhưng đối với thương lái, thương hồ thì có vẻ ‘ngu ngơ’. Thu hoạch được mùa người nông dân sẽ bán lương thực dư để mua sắm đồ dùng trong nhà. Nhà nào cũng bán thì giá sẽ giảm, thương lái sẽ mua dự trữ để bán giá cao kiếm lời những năm mất mùa. Nhưng cũng không thể dự trữ quá lâu, lúa gạo cũ dễ bị nấm mốc ăn không được.
Năm nay thời tiết cũng khá thuận lợi. Theo lời ông nội xem trăng và kinh nghiệm của những người lớn trong làng thì sẽ có thêm một năm được mùa. Do vậy cha mới không hiểu Trần bá mua lúa gạo bán đi đâu?
Trần bá cân nhắc một hồi mới chậm rãi nói:
– Mấy tháng nay các chành đi Trấn Biên, Đề Ngạn đều ráo riết thu mua lúa gạo. Từ ngày Dinh Trấn Biên (), Phiên An () được lập thì dân cư dần đông đúc. Haiz, ta cũng là nghe nói thôi, trước mắt cứ bán cho nhà chành, lời ít hơn chút.
Tin tức thương lái luôn biết sớm hơn mọi người, Mai nghĩ chắc là đúng rồi.
– Ta nghe nói Nguyễn gia đã đi chành Mỹ Tho rồi.
Nguyễn gia mà Trần bá nói là nhà ngoại Tương huynh, không biết huynh ấy có đi theo lần này không.
Mấy đứa nhỏ nghe được vài chuyện thì cha bảo đi ngủ. Mọi người đều ngủ trên ghe, ba mẹ con Mai và a Phúc ngủ trong mui ghe lớn. Nương đã mang mấy tấm đệm đan bằng lát để trên ghe nhỏ. Đang mùa nắng nóng, mấy người đàn ông chắc ngủ bên ngoài không chui vào mui kín đáo, chỉ cần tấm đệm lót lưng cho êm là được.
Chỉ giữ lại một đống lửa, thảy vô mấy cây gỗ lớn ít ra cũng cháy được đến khuya.
Lần đầu tiên ngủ trên ghe, không có sóng lớn nhưng chiếc ghe cũng dập dềnh. Nước mặn không lấn sâu vào chợ này nên trong không khí chỉ hơi hơi có mùi mặn, chỉ những lúc sắp ngủ thanh tịnh mới nhận ra.
Có thêm Trương bá và cha con Lý thúc làm buổi tối hôm nay trôi qua rất tốt. Nếu không có mình cha ở đây với một nhà đàn bà con nít cũng hơi sợ. Mai thầm nghĩ sẽ ghi nhớ ân tình của hai nhà, có dịp sẽ đền đáp.
Mai không nghĩ là Trần bá làm ăn lớn và đi nhiều nơi như vậy. Nghề thương lái hay thương hồ phải lênh đênh rày đây mai đó. Không phải ai cũng làm được. Nhớ lại sự cảnh giác và căng thẳng lúc Trần bá đến cũng biết nghề này nguy hiểm không nhỏ. Vị nghĩa đệ của Trần bá chắc có võ nghệ. Thúc ấy chỉ nói rất ít, như muốn hòa vào xung quanh. Nhưng Mai cảm giác thúc ấy luôn nghe ngóng từng âm thanh từ xa vọng đến để phán đoán, đề phòng.
A Sao theo mấy đứa con trai ngủ trên ghe nhỏ nhà Mai. Gió đêm thổi lành lạnh qua mặt nhưng hắn không thấy lạnh chút nào. Cảm giác xúc động vẫn còn, nhẹ giơ tay sờ túi tiền trong ngực áo, là ba quan Lê bá đưa. Lúc nãy Trương bá nói là ông say rượu sợ rớt mất tiền nên đưa hắn giữ, thật ra ai cũng hiểu ý nghĩa của nó.
Nhìn mấy ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Hắn nhớ lúc nhỏ nương chỉ vào ngôi sao sáng nhất, luôn đứng ở phương bắc nói: Đó là ngôi sao may mắn, sẽ chỉ đường cho con khi đi rừng, khi đánh cá trên sông. Bây giờ đối với cha và hắn thì ngôi sao may mắn là nhà Lê bá. Mấy tháng trước, trên đường theo cha tìm lang y. Hắn tuyệt vọng nghĩ là cha sẽ chết, hắn cũng sẽ chết. Nhưng rồi ở nhà Lê bá, hắn ngồi trên ván nhìn hai đứa bé còn nhỏ hơn hắn lần lượt băng bó vết thương cho cha, cho hắn, nấu thức ăn bồi bổ cơ thể. Giống như phép màu khi cha tỉnh lại, từ từ hồi phục.
Từ ngày cha và hắn về làng, ai cũng nhìn bằng đôi mắt thương hại. Hắn đã cắn răng bỏ qua, không nghĩ đến. Nhà tam thúc giằng co chuyện hai miếng gỗ trầm hương, nếu không phải do cha tìm thấy chúng chắc thím ba sẽ không chỉ nặng nhẹ mà để mặc cha bệnh tật. Từ lần đó hai nhà gần như không qua lại.
Khi cha đã qua nguy hiểm thì trong nhà cũng không còn gì, lội rừng săn thú, bắt cá đổi gạo qua ngày. Hôm qua nhà Lê bá đến, nhà cửa trống trơn, bếp lạnh tanh không có gì đãi khách làm hắn ngượng cúi mặt. Nhờ Trương bá giúp đỡ mới có bữa cơm thịnh soạn. Bá mẫu để lại gạo, muối, đậu, khoai trên kệ sau bếp, còn vá quần áo cho hắn. Hắn đều thấy đều tự nói với mình ‘sau này, sau này mình lớn sẽ trả ân tình này’.
Việc mua bán tổ ong lần này chính là mang gạo cho người đói kém. Một mình hắn có thể làm được, mấy quan tiền này sẽ cho cha và hắn qua những ngày khó khăn. ‘Mong cho chuyện làm ăn nhà Lê bá thuận lợi’ hắn thầm nhủ rồi dần chìm vào giấc ngủ.
(): Trấn Biên là Biên Hòa ngày nay
(): Phiên An là Sài Gòn – Chợ Lớn ngày nay.
Địa giới các Trấn, tỉnh ở Nam kỳ thay đổi rất nhiều qua thời gian do chiến tranh, sáp nhập – chia cắt nên tên gọi và ranh giới không thật sự giống nguyên từ xưa đến nay. Độc giả tra cứu chi tiết trong chính sử để hiểu rõ hơn.