Kim Nhất Phàm vốn tính tình hào sảng, khẳng khái vô cùng, y là con người hiếu động nên khi nghe Tường Vân thổi phồng mấy tiếng thì khoái quá bèn gật đầu :
- Được, được, cô nương bắt buộc quá thì tại hạ còn biết nói sao hơn là phải vâng lời? Nhưng chẳng lẽ chỉ một mình tại hạ phải múa rối cho tất cả mua cười sao? Như vậy thì bất công lắm...
Tường Vân nhìn Vương Lập Văn, rồi nhìn Bạch Thiếu Huy, đoạn bật cười thốt :
- Thế theo ý Kim đại gia thì như thế nào mới gọi là công bằng?
Kim Nhất Phàm đáp liền :
- Cô nương ca một bài, Bạch huynh thổi một khúc. Vương huynh thì tùy Vương huynh xử lý, miễn sao làm cho tất cả chúng ta đây không phải so đo thì thôi.
Nếu ai tinh ý một chút thì sẽ để ý thấy trong lời đề nghị của Kim Nhất Phàm có kiêm cả hai mặt văn võ. Văn đây là ca xướng, song y không nêu rõ cái ý đó ra thì có lẽ là muốn Vương Lập Văn phải chọn cái võ giống như y. Nhưng bảo Vương Lập Văn chọn mặt võ thì biết hắn có hài lòng không? Y không buộc khó cho hắn nên đành để cho hắn tự quyết định.
Tường Vân không để cho Vương Lập Văn tỏ ý kiến, vội đề nghị :
- Ở đây tôi có một cây cổ cầm, Vương huynh có thể dạo một khúc cổ cầm, như vậy không biết có được chăng?
Câu hỏi đó vừa hướng sang Kim Nhất Phàm vừa hướng sang Vương Lập Văn, không đợi Kim Nhất Phàm chấp thuận mà cũng không đòi hỏi một điều kiện nào khác. Vương Lập Văn điểm một nụ cười, gật đầu chấp thuận, nói :
- Được lắm, cho dù trình độ nghệ thuật của tại hạ chỉ ở mức mèo quào chuột cắn nhưng tại hạ cũng không dám từ chối, miễn sao tạo được cuộc vui cho quí vị mà thôi.
Kim Nhất Phàm cười ha hả nói :
- Vậy coi như là thỏa thuận với nhau rồi, cô nương ca, Bạch huynh thổi tiêu, Vương huynh đàn cổ cầm, còn tại hạ thì múa đao. Nhưng không biết ai trước ai sau đây? chẳng lẽ cùng nhau cả một lúc sao?
Vương Lập Văn suy nghĩ một lúc rồi nói :
- Trong chúng ta thì Bạch huynh là người mới đến đây lần đầu tiên nên phải để cho Bạch huynh trổ tài vào phiên cuối cho Bạch huynh có thời gian nhận xét lối biểu diễn của chúng ta. Tại hạ có đề nghị thế này, khi vào tiệc rượu thì tại hạ sẽ đàn một bản cổ cầm, qua vài tuần rượu thì cô nương sẽ ca một bản. Tiệc rượu được nửa chừng thì Kim huynh sẽ múa đao, khi tiệc tàn thì Bạch huynh sẽ thổi khúc “Phụng Cầu Hoàng”, rồi nhân cái ý “tiếng tiêu vừa dứt, chủ khách phân tay”, mình về luôn, các vị nghĩ thế nào?
Hôm nay có khách lạ mà Vương Lập Văn lại muốn Bạch Thiếu Huy thổi khúc “Phụng Cầu Hoàng” thì Tường Vân làm gì không hiểu ý hắn. Nàng khẽ đỏ mặt, nhìn sang Bạch Thiếu Huy.
Kim Nhất Phàm vỗ tay nói :
- Hợp lý lắm! Hợp lý lắm! Cứ thế mà thi hành.
Cả bốn vào bàn tiệc.
Tường Vân bảo Lục Ngọc vào trong nhà đem chiếc dao cầm ra, rồi nàng tự tay rút chiếc cổ cầm ra khỏi túi gấm trao cho Vương Lập Văn, sau đó đốt một nén hương cắm lên lò nơi án thư.
Người xưa có thông lệ là trước khi dạo đàn thì phải đốt hương cho không khí thanh tịnh, để lòng người lắng lại rồi mới dạo đàn. Cái thú cầm ca của người xưa tao nhã là thế, không như hiện tại, đâu đâu cũng ca hát được, bất chấp ồn ào, bất chấp thời gian.
Đưa ngón tay búng thử dây đàn, Vương Lập Văn bất giác tặc lưỡi, tán thưởng :
- Nhạc khí vô giá.
Hắn điểm một nụ cười, nhìn quanh bàn tiệc một lượt rồi nói :
- Xin các vị đừng chê cười.
Rồi hắn dạo đàn. Hắn dạo khúc “Phong Nhập Trùng” khi vi vu, lúc xào xạc, khi thoang thoảng, lúc ồn ào, diễn tả đúng cái cảnh gió quét trùng trùng lúc mau lúc chậm, khi mạnh khi nhẹ, ngón đàn tuyệt diệu vô song.
Dứt khúc, hắn buông đàn, miệng nở một nụ cười, Tường Vân và Bạch Thiếu Huy đồng vỗ tay khen ngợi.
Hắn đứng lên, vòng tay thốt :
- Các vị thứ lỗi cho, tại hạ nghề mọn có đáng chi đâu.
Kim Nhất Phàm cao hứng quá, hét to :
- Rượu đâu, mang rượu ra đây, tại hạ phải rót một chén kính huynh mới được.
Lục Châu lập tức rót đầy rượu vào bốn chén.
Tường Vân đứng lên, giọng trịnh trọng nói :
- Bạch huynh hạ cố đến chơi, ban cho tôi cái vinh hạnh bất ngờ. Tôi phải kính huynh một chén rượu để đáp lại thịnh tình của khách quý.
Nói xong, nàng một hơi cạn chén, Bạch Thiếu Huy cũng cạn chén rượu của mình.
Kim Nhất Phàm nâng chén rượu của y lên, nhìn Vương Lập Văn cười lớn :
- Vương huynh, tại hạ xin mời huynh một chén.
Cả hai cùng cười vang, uống cạn chén rượu.
Kim Nhất Phàm cao giọng nói :
- Bây giờ đến lượt Tường Vân cô nương đó.
Tường Vân cả cười, lại kính cả hai một chén rượu như vừa mời Bạch Thiếu Huy, đoạn nhẹ nhàng nói :
- Ca thì đành là tôi phải ca rồi, nhưng nếu có gì thô thiển thì xin các vị đừng cười nhé.
Rồi nàng trỗi giọng ca, lời ca ngụ ý thương xót kiếp hoa, dù đẹp, dù tươi, song không kẻ đoái hoài, để cho hoa tàn, hoa rụng, nát tan trong cát bụi.
Giọng nàng ấm êm quá, lời ca thanh tao quá, làm cho Bạch Thiếu Huy và Vương Lập Văn ngồi yên lặng lắng nghe đến mê mẩn. Khi nàng dứt bài ca thì cả hai như bừng tỉnh, vỗ tay khen ngợi không ngớt.
Kim Nhất Phàm cũng vỗ tay không ngừng, cười lớn nói :
- Tại hạ cũng kính cô nương một chén.
Tường Vân điểm nụ cười tươi :
- Chính tôi phải mừng Kim đại gia mới hợp lý chứ, bổn phận của chủ là phải tôn kính quý khách, có dám đâu lại để cho khách nhọc lòng.
Cả bốn người cùng cười vang, lại uống rượu, niềm vui cởi mở trọn vẹn.
Lúc đó thì Kim Nhất Phàm không còn khách sáo nữa, y đòi chén lớn rồi tự mình rót, tự mình uống, không đợi mời. Y uống không biết bao nhiêu chén rồi tính hiếu động lại bộc phát, đứng lên xoa hai tay vào nhau, nói :
- Bạch huynh, Vương huynh, Tường Vân cô nương! Giờ đến lượt tại hạ múa khỉ đây nhé. Đừng nghĩ rằng tại hạ khoe khoang, tại hạ chỉ muốn góp vui mà thôi.
Nói đoạn y rút từ chiếc bao bằng da có màu xanh bên hông ra một thanh đao dài khoảng hai thước, ánh thép ngời sáng lạnh.
Thanh đao đó dĩ nhiên không giống một thanh đoản kiếm, mà cũng không giống một thanh trủy thủ, nó là đao nhưng hình thức lại khác hẳn các loại đao thông thường.
Hắn rời ghế, lui ra xa, vừa lui vừa cười nói :
- Múa đao trong khoảng không rộng không đến sáu thước này thì quả một việc khó khăn, tại hạ lại không tinh thông đao pháp lắm, nếu có gì sơ sót thì các vị xin cũng đừng chê bai nhé.
Vừa nhìn thấy đao, Bạch Thiếu Huy bất giác giật mình thốt lên :
- Quả là bảo đao.
Vương Lập Văn cười nhẹ nói :
- Kim huynh có đao pháp tinh diệu thế nào thì còn ai không biết, cần gì phải nhún nhường như vậy chứ?
Kim Nhất Phàm cười ha hả nói :
- Không dám, không dám.
Bạch Thiếu Huy có vẻ sốt ruột nói :
- Xin Kim huynh khởi sự ngay, bọn tại hạ sốt ruột lắm rồi.
Kim Nhất Phàm càng thêm hứng chí, lại cười ha hả một tràng nữa, nói :
- Xin vâng lời.
Nói xong y nhập cuộc múa đao liền. Y khởi đầu bằng những chiêu thức nhẹ nhàng, uyển chuyển, khác hẳn với cái vóc dáng thô lỗ của mình. Và mặc dù khoảng trống nhỏ hẹp nhưng đao của hắn vẫn thi triển được những đường nét tuyệt kỹ, đủ thấy họ Kim đã phải tốn rất nhiều công khổ luyện.
Sau đó đao pháp của y dần dần biến ảo đến mức độ người ngoài chì còn thấy một làn ánh sáng xanh biếc bao quanh người y.
Bạch Thiếu Huy cũng như Vương Lập Văn đều chăm chú quan sát đường đao biến ảo của Kim Nhất Phàm. Chợt Bạch Thiếu Huy nhìn sang Tường Vân thì ngạc nhiên vô cùng khi thấy nét mặt của nàng vô cùng bình thản, biểu lộ ra rằng nàng không hề để ý đến đao pháp kỳ ảo của Kim Nhất Phàm, hay nói cách khác là nàng coi thường đao pháp của họ Kim.
Bạch Thiếu Huy lại liếc qua hai ả tỳ nữ thì cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy họ cũng như chủ nhân, không coi đao pháp họ Kim ra gì, thỉnh thoảng còn nhếch mép cười nhạt như có ý chê bai, làm cho Bạch Thiếu Huy vô cùng thắc mắc.
Nếu biết võ công thì Tường Vân và hai ả tỳ nữ khinh miệt đao pháp của Kim Nhất Phàm cũng còn có vẻ hợp lý, đằng này.... Bạch Thiếu Huy bất giác đâm ra nghi ngờ Tường Vân có lai lịch không tầm thường, phải chen mình trong giới yêu hoa chẳng qua là để thực hiện một mưu đồ nào đó mà thôi.
Đao pháp của Kim Nhất Phàm càng lúc càng linh diệu, y vừa múa vừa ca, lời ca tràn đầy khí khái, biểu lộ hàm ý trọng nghĩa khinh tài, không màng danh lợi, thích ngang tang, phiêu bạt.
Lời ca dứt, tay đao ngưng, Kim Nhất Phàm thần sắc thản nhiên vòng tay về hướng mọi người, thốt :
- Võ vẽ vài chiêu thức để góp vui, xin các vị bỏ quá cho.
Bạch Thiếu Huy khen ngợi :
- Đao pháp thần kỳ, khẩu khí lại siêu phàm, Kim huynh quả không hổ danh anh hùng, tại hạ vô cùng khâm phục.
Kim Nhất Phàm nâng chén rượu lên, một hơi cạn sạch, khiêm nhường nói :
- Bạch huynh quá khen.
Có lẽ y đắc ý tột độ nên bỏ chén nhỏ, vớ lấy chén to, tự mình rót uống luôn ba chén đầy.
Bạch Thiếu Huy nhận thấy đêm đã khuya, không muốn kéo dài tiệc rượu nên lập tức rút cây tiêu sau lưng ra, cười nói :
- Giờ đến lượt tại hạ giở chút nghề mọn, các vị bỏ quá đừng chê cười nhé.
Rồi chàng lập tức thổi khúc Tiểu Đào Hồng. Tiếng tiêu du dương trầm bổng vang lên giữa đêm khuya nghe buồn thảm vô cùng.
Dĩ nhiên dù âm điệu thế nào thì cử tọa cũng phải vỗ tay hoan nghênh, nhưng Bạch Thiếu Huy không để ý chuyện đó, mà chỉ mong bọn họ đừng nhận ra hành tung của mình mà thôi.
Tiếng tiêu vừa dứt thì đã nghe Kim Nhất Phàm oang oang :
- Hay tuyệt, hay tuyệt.
Rồi hắn nâng chén rượu tới trước mặt Bạch Thiếu Huy, cười ha hả nói :
- Xin kính Bạch huynh một chén.
Bạch Thiếu Huy nâng chén rượu lên, cả hai cùng uống cạn.
Tường Vân nhoẻn miệng cười nói :
- Tiếng tiêu của Bạch công tử thật tuyệt vời, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức.
Bạch Thiếu Huy khiêm tốn nói :
- Xin đa tạ cô nương quá khen, tại hạ còn phải học hỏi nhiều lắm.
Tường Vân ngoảnh lại kêu tỳ nữ rót thêm rượu, mọi người lại cùng nâng chén uống cạn rất vui vẻ.
Một lúc sau thì tiệc tàn, Vương Lập Văn tỏ ý mến phục Bạch Thiếu Huy nên ngỏ lời mời :
- Nhất định tại hạ phải mời Bạch huynh về tệ xá chơi mới được.
Kim Nhất Phàm cười lớn nói :
- Điều đó thì Vương huynh cứ yên trí, sáng mai tại hạ sẽ đích thân đến khách sạn đón Bạch huynh.
Họ tạm biệt nhau rồi ai về nhà nấy.
Hôm sau là ngày mười tám tháng tư, trời vừa hừng sáng thì Vương Lập Văn và Kim Nhất Phàm đã có mặt tại Phù Dung khách sạn. Trước tình thế đó, Bạch Thiếu Huy không thể khước từ, đành phải thu thập hành trang theo Vương Lập Văn về Vương phủ tại Tây thành. Vả lại cho dù là bình thủy tương phùng nhưng Bạch Thiếu Huy nhận ra Vương Lập Văn và Kim Nhất Phàm là hai người bạn tốt, họ cũng chưa có hành vi bất chính nào nên chàng cũng không dám quá cố chấp.
Vương Lập Văn đã cho thu dọn một gian phòng rất trang nhã dành cho Bạch Thiếu Huy trong những ngày chàng lưu lại tại Vương phủ.
Ngày mai, mười chín tháng tư là ngày hội Hoán Hoa hàng năm. Vương Lập Văn nổi tiếng là một hào hoa công tử, có danh hiệu Tiểu Mạnh Thường, hắn đã bao trọn tòa Vọng Giang lâu bên bờ Cẩm Giang để đón tân khách bốn phương nên phải bận rộn suốt ngày với công cuộc tổ chức. Do đó, Kim Nhất Phàm thay hắn bầu bạn với Bạch Thiếu Huy.
Cứ theo lời Kim Nhất Phàm thì Vương Lập Văn là một trong tứ đại công tử Thành Đô, nhưng hắn có lý do gì để vung tiền như thác tiếp đón tân khách bốn phương, bất kể thân sơ như vậy? Còn ba công tử kia sẽ đảm nhận vai trò gì trong mỗi kỳ Hoán Hoa Nhật?
Bạch Thiếu Huy xét thấy con người của Vương Lập Văn không phải là hạng vung tiền qua cửa sổ nên chàng đoán hẳn phải có lợi ích gì thì hắn mới mỗi năm lại chi một số tiền lớn như thế.
Ngoài ra còn Tường Vân, danh kỹ Thành Đô thật sự là ai? Nàng và hai ả tỳ nữ đã coi thường đao pháp của Kim Nhất Phàm thì hẳn phải có lai lịch không đơn giản.
Như vậy thì địa phương này chắn hẳn phải là một nơi ngọa hổ tàng long chứ không sai.
Điều khiến Bạch Thiếu Huy thắc mắc hơn cả là thời gian Cửu Nghi tiên sinh hạn định cho chàng lại trùng hợp với kỳ Hoán Hoa Nhật, sự trùng hợp này chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Bằng cớ là Cửu Nghi tiên sinh có đưa cho chàng một cái ống trúc nhỏ, trong đó có chỉ dẫn chàng những việc phải làm, tuy nhiên chỉ được mở một đêm trước ngày mười chín, tức là đêm nay.
Xong bữa cơm chiều, Bạch Thiếu Huy lập tức về phòng, đóng cửa lại và mở ống trúc ra xem.
Trong ống trúc chỉ có một mảnh giấy nhỏ và một viên thuốc. Mảnh giấy ghi bốn chữ nhỏ “Tùy ngộ nhi an”, còn viên thuốc thì bên ngoài vỏ cũng có ghi bốn chữ “Tối lại sẽ uống”.
Bạch Thiếu Huy giật mình, thầm nghĩ :
- “Chữ ngộ có phải là ám chỉ vào Vương Lập Văn hay không? Phải chăng ta phải nương vào hắn để được an toàn? Còn viên thuốc này uống vào thì có hiệu dụng chi?”
Càng suy nghĩ, Bạch Thiếu Huy càng đoan chắc sẽ có biến cố xảy ra vào ngày mai, đúng vào lễ Hoán Hoa Nhật. Nhưng biến cố thế nào thì chàng không thể tưởng tượng ra được.
Chàng không suy nghĩ nữa, uống ngay viên thuốc rồi lên giường nằm nghỉ.
Hoán Hoa Nhật mỗi năm có một kỳ, lưu truyền từ đời nhà Đường tới giờ. Vì nó được tổ chức tại bờ Cẩm Giang nên con sông này có tên là Hoán Hoa tuyền.
Cổ tục Hoán Hoa đã bị nhân dân quên lãng khá lâu, mãi đến mấy năm gần đây, bốn đại công tử Thành Đô đứng ra phát động trở lại nên mới có cảnh ồn ào náo nhiệt.
Hoán Hoa Nhật còn có vẻ quan trọng hơn tiết Thanh Minh, tiết Đoan Dương mấy phần. Không phải vì tính chất của nó, mà vì cách tổ chức của tứ đại công tử Thành Đô, họ đua nhau xài tiền như nước.
Vì vậy nó hấp dẫn du khách bốn phương kéo về Thành Đô, tạo thành một biển người nhộn nhịp, muôn hình vạn trạng.
Tòa Vọng Giang lâu bên bờ Cẩm Giang đã được Vương Lập Văn bao trọn gói, khách khứa bất cứ ai cũng có thể vào ăn uống thoải mái mà không phải trả tiền. Nhưng khách thì từ giờ ngọ đã vào, còn tứ đại công từ thì đến chiều mới bắt đầu khai tiệc.
Và cũng chính vào lúc tứ đại công tử đủ mặt thì cuộc lễ mới chính thức bắt đầu.
Vào giờ ngọ ngày mười chín tháng tư, thiên hạ đã tụ tập đông đúc trước Vọng Giang lâu, trên sông thì thuyền hoa cũng chật như nêm cối, tiếng huyên náo vang vọng xa mấy dặm đường cũng nghe rõ.
Đúng lúc đó có một đôi tuấn mã từ xa chạy tới thẳng trước Vọng Giang lâu.
Đi đầu là một con Huỳnh Tông Mã có bộ lông vàng ánh, kỵ sĩ là một đại hán mày rậm, mắt to, da mặt tím bầm, áo hở nút bày ra lông ngực xồm xoàm, hông quấn một sợi nhuyễn tiên, khí khái rất hiên ngang, oai hùng.
Dân chúng Thành Đô không xa lạ gì người này. Y chính là hảo hữu của Vương Lập Văn công tử ở Tây thành, tên là Kim Nhất Phàm, nơi nào có Vương Lập Văn là có y ở đó, cứ như là cận vệ của Vương công tử vậy.
Con ngựa đi sau có sắc lông trắng như tuyết, yên bạc, đó là một con Ngân Tông Mã hi hữu trên đời, là cước lực của Vương công tử.
Nhìn thấy Kim Nhất Phàm, nhìn thấy Ngân Tông Mã thì không cần để ý cũng biết kỵ sĩ là ai, lập tức có tiếng kêu :
- Mau tránh đường cho Vương công tử.
Lại có kẻ ngạc nhiên xì xào :
- Mỗi năm Vương công tử chỉ đến sau giờ Mùi, sao năm nay lại đến đúng giờ Ngọ?
Đám đông nhanh nhẹn dạt ra hai bên nhường đường cho hai con ngựa lướt qua.
Nhưng mọi người đều sửng sốt khi nhận thấy người ngồi trên con Ngân Tông Mã không phải Vương Lập Văn công tử mà là một vị công tử mặt trắng như dồi phấn, môi đỏ như thoa son, mặc áo dài xanh, sau lưng giắt một ống trúc tiêu, thần thái phong lưu, cốt cách tân kỳ.
Lời bàn tán lại nổi lên trong đám đông :
- Ai vậy?
- Cùng đi với Kim Nhất Phàm thì chắc là thân nhân của Vương công tử.
- Người đâu mà lại xinh đẹp như một giai nhân, hay là đồng bào song sinh của Vương công tử?
Thiếu niên cưỡi Ngân Tông Mã chính là Bạch Thiếu Huy, thượng khách của Vương Lập Văn công tử. Hôm nay vì hắn bận quá nên nhờ Kim Nhất Phàm đưa Bạch Thiếu Huy đến Vọng Giang lâu trước.
Trên đó tự nhiên đã có bàn tiệc dọn sẵn cho cả hai, được đặt ở một vị trí tốt nhất, ngồi tại đó có thể trông ra tứ phía, vừa hứng được gió mát từ dòng Cẩm Giang thổi tới, vừa tránh được cái ồn ào của biển người.
Nhìn quang cảnh tưng bừng náo nhiệt, Bạch Thiếu Huy buột miệng khen :
- Hoán Hoa Nhật quả là một thạnh hội, bình sinh tại hạ chưa từng thấy qua.
Kim Nhất Phàm đắc ý, cao giọng nói :
- Thế chưa là gì đâu, lát nữa Bạch huynh sẽ còn được thấy nhiều cái hay hơn nữa, khi cuộc lễ thực sự bắt đầu.
Y đưa tay chỉ ra xa, nói :
- Bạch huynh nhìn kìa, suốt mười dặm dài có hai mươi tòa hí đài, treo hoa kết lá, tất cả đều được Vương công tử dựng lên, mỗi tòa hí đài đều có một ban hát sẵn sàng phục vụ du khách tứ phương, tổn phí tất nhiên cũng do Vương công tử đảm nhận.