"Anh không vui hả?"
Tôi tưởng mình nghe nhầm nên không nói gì.
"Anh, anh không vui hả?"
Tôi ngẩng đầu trông thấy em gái đứng trước cửa phòng đang mấp máy môi nói gì đó.
"Anh ổn."
Cô bé mang dép lê bước vào phòng ngồi xuống bên cạnh tôi, sau đó tinh nghịch nhún nhún giường.
"Anh không vui chứ gì."
Tôi mím môi, không biết nên nói gì, có lẽ với tư cách của một người anh trai khi đứng trước mặt em gái thì tôi đã quen giấu hết cảm xúc vào lòng, cho dù em có hỏi thì cũng sẽ bảo mọi chuyện đều ổn.
"Anh không muốn lấy anh ấy thì đừng lấy."
"Anh, anh có thể từ chối cơ mà, ngày mai em sẽ làm cô dâu thay cho anh, được không anh?"
"Dù sao thì trông anh ấy cũng được, em mà sống với ảnh thì cũng giống bố mẹ mình đấy, sau này cũng sẽ hạnh phúc thôi..."
"Đừng nói nữa."
Tôi nhẹ giọng cắt ngang, hàng lông mi em vẫn luôn hấp háy, vô tình vạch trần lời nói dối của em ấy.
Em không biết làm sao để giúp tôi, không biết làm sao cho tôi sống vui vẻ, nên chỉ đành nhờ vào chút xúc động và dũng cảm cỏn con còn sót lại đến trò chuyện với tôi.
Cũng hệt như đêm đó, em đã lựa chọn im lặng, tuy vô ích nhưng ít ra vẫn an ủi tôi phần nào.
"Anh sẽ sống tốt thôi, " Tôi giơ tay vỗ nhẹ tay em, chắc nịch và nghiêm túc bảo, "Doãn An Thất yêu anh, anh ấy rất biết cách chăm sóc anh, anh sẽ sống tốt mà."
Em ấy chừng như đã bị tôi thuyết phục và cũng như đã tìm được một cái cớ không làm bản thân thấy quá áy náy.
Tôi nhìn em giơ tay lau đi nước mắt ngân ngấn, sắc mặt lại trở nên vô cùng vui vẻ.
Em nói: "Bố mẹ không lừa em, hai anh đúng là yêu nhau mà."
Tôi mỉm cười gật gật đầu, sau đó em cứ quấn lấy bắt tôi kể chuyện năm xưa của cả hai cho em nghe.
Tôi kể cho em chuyện năm đó chúng tôi đứng trong con hẻm nhỏ dưới ánh hoàng hôn, tỏ tình rồi yêu nhau.
Tôi kể cho em nghe chuyện bọn tôi đến một nơi gọi là Chân trời góc biển, sau đó bị người ta dụ dỗ chi tiền làm một cái ổ khóa bằng vàng.
Tôi kể cho em nghe rằng thật ra chúng tôi đã kết hôn với nhau từ rất lâu trước đây rồi, trên một cánh đồng thảo nguyên mênh mông bát ngát.
Em bảo tôi kể rõ chi tiết cho em nghe, xong lại bảo sao hai anh kết hôn mà em ấy chẳng hay biết gì thế.
Tôi hồi tưởng lại khung cảnh năm đó, chọn lựa những chuyện thú vị kể cho em.
Khi ấy chúng tôi mới mười bảy mười tám, cả hai cùng nhau đi một chuyến lên thảo nguyên, chẳng biết sao lại bị dụ tham gia trò chơi lễ thành hôn của người Mông Cổ.
Tôi bẻ gãy cái cổ cừu mọi người đưa đến xong mới phát hiện anh vốn không có xiên sắt vào bên trong.
Anh cưỡi ngựa đuổi theo tôi, nói anh nhất định sẽ chạy về căn lều của tôi trước tiên.
Chúng tôi đứng đối diện lò lửa lạy ba lần, sau đó lần lượt uống một ít rượu trong chén mình và chén đối phương, đấy là loại rượu sữa ngựa được ủ trong một vại rượu có bôi bơ trên miệng.
Anh nhìn tôi cười, tôi cũng nhoẻn cười nhìn anh, rồi cả hai cùng mỉm cười nằm cạnh nhau, sau đó bắt đầu vươn tay cởi lớp quần áo thật dày trên người đối phương.
Bên ngoài căn lều có người hát vang lên giai điệu bài ca "Hôn em".
"Ánh trăng bàng bạc, soi lên gương mặt em. Khuôn trăng hồn nhiên như đứa trẻ.
Tiếng đàn morin khuur du dương, kìa tiếng ai đang hát, xin đừng đánh thức tôi, người mà tôi yêu ơi.
Hôn lên nụ cười em.
Hôn lên nỗi buồn em.
Nơi có em là thiên đàng.
Hôn lên bao sóng gió em đã trải.
Hôn lên hương hoa em.
Em sẽ cưỡi lên lưng chú tuấn mã của anh, rồi đôi ta cùng nhau du ngoạn khắp thế gian."
Ghi chú:
() (Bài hát: "Hôn em", trích từ album "Giai điệu Mông Cổ", ca sĩ Cáp Lâm)
() Thông thường, đám cưới ở Mông Cổ thường trải qua bốn giai đoạn gồm nghi lễ Quà đính ước, Thách thức sức mạnh chàng rể, Chạy đua đến đám cưới và cưới chính thức.
Nghi thức Quà đính ước: Khi một chàng trai trẻ người Mông Cổ cảm mến một cô gái và muốn cưới về làm vợ, anh ta sẽ nhờ đến người mai mối đem đến chỗ cô gái ấy đường, lá trà và cổ chân ngựa. Tất cả được gói cẩn thận trong một chiếc khăn tay màu trắng, biểu tượng cho sự hòa hợp, ẩm ướt và thịnh vượng.
Nếu những lễ vật đó được chấp nhận, điều đó đồng nghĩa với việc gia đình cô gái cũng tán thành cho sự kết đôi. Sau đó, chàng trai cùng gia đình sẽ tiếp tục mang quà đến nhà gái gồm khăn quàng cổ truyền thống, sữa và đường khối để cầu hôn. Thủ tục này sẽ diễn ra nhiều lần thì cặp đôi mới chính thức đính ước.
Nghi thức Thách thức sức mạnh chàng rể: Khi chú rể và gia đình đến nhà gái để chuẩn bị hộ tống cô dâu, họ sẽ được đối đãi như những vị khách quý. Tại nhà cô dâu, mọi người lúc này sẽ ăn uống linh đình, nhảy múa và ca hát. Một người được nhà gái giao nhiệm vụ chuyển lời sẽ bí mật rời bữa tiệc và đưa chú rể đến phòng cô dâu. Tại đây, các phù dâu sẽ đem ra một cái đầu cừu đã nấu chín và ở giữa được xiên bằng gỗ liễu hoặc sắt, để thách thức chàng trai bẻ bằng tay không. Nếu may mắn được được ai đó mách lẻo trước, anh ta có thể phát hiện ra trò đùa này, lấy thanh gỗ ở giữa ra và dễ dàng đáp ứng lời thách thức. Còn nếu không biết, chàng rể sẽ bị mất mặt, trở thành trò đùa của các phù dâu.
Ở đây Doãn An Thất chơi xấu không xiên thanh sắt.
Nghi thức Chạy đua đến lễ cưới: Vào ngày diễn ra đám cưới, hai bên nhà trai và nhà gái sẽ tiến hành cuộc ganh đua khá ầm ĩ để đến nhà chú rể – nơi diễn ra lễ cưới. Họ sẽ xem thử ai đến nơi tổ chức đám cưới trước tiên. Để chiến thắng, những người bên nhà gái sẽ tóm lấy ngựa của chú rể rồi quất vào mông để nó chạy mất nhằm trì hoãn chàng rể vì anh ta sẽ phải mất một thời gian đi kiếm nó. Chàng rể cũng lường trước được sự việc, anh ấy có thể chuẩn bị sẵn một bữa yến tiệc đâu đó gần nhà, để người nhà gái khi nhìn thấy sẽ buộc phải dừng lại và tham dự, cho chú rể có thời gian chạy về nhà trước.
Nghi thức Cưới chính thức: Khi cô dâu đến nhà chú rể vào ngày cưới, hai người sẽ cùng nhau giết chết một con gà để tìm kiếm dấu hiệu may mắn trong gan của nó. Sau đó, cặp đôi tham dự một buổi lễ, ở đó sẽ có một vại rượu có bôi bơ trên miệng được đặt trước mặt. Cô dâu sẽ uống một ít trong chén của mình và uống tiếp trong chén của chú rể. Tương tự, chú rể cũng sẽ uống một ít trong chén của cô dâu. Khi nghi lễ đám cưới kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ tiếp đón bà mối và khách khứa. Mọi người hai bên gia đình cùng khách uống rượu chia vui, hát hò và nhảy múa đến nửa đêm