Khí lạnh từ vùng cao áp trên Mông Cổ thổi xuống, gió lạnh buốt và cuốn theo những hạt mưa nhỏ như kim lướt qua mặt biển, hơi lạnh thấu xương len qua cổ áo. Trên thuyền vang lên những tiếng vun vút, người lái thuyền nói: "Tuyết rơi rồi".
Đúng là tuyết rơi rồi, trận tuyết đầu đông, từng đóa hoa tuyết lấp lánh rơi xuống từ khoảng không vô định. Chỉ có thể nhìn thấy khung cảnh này trên biển, trời và biển bị ngăn cách bởi một tầng trắng mông lung như được phủ một lớp lụa mỏng. Từ xa nhìn lại những hòn đảo nhỏ như những đỉnh núi nhấp nhô giữa tuyết trắng và gió đêm trên biển. Con thuyền phải đi hơn nửa giờ đồng hồ nữa mới đến bờ. Khi con thuyền cập bến, trên bến không một bóng người, người lái thuyền đặt một tấm ván.
Anh lấy tiền ra để trả nhưng người lái thuyền sống chết không chịu nhận, nói với anh: "Bác sĩ Thiệu, nếu sáng mai anh muốn về, tôi sẽ cho thuyền ra đón, không lấy tiền của anh", anh ngạc nhiên ngẩng đầu, người lái thuyền cười thành thật: "Thằng con thứ hai của tôi học trên đảo này, từ lâu đã cho tôi xem hình của anh và cô Đỗ", lại hỏi, "Cô Đỗ sao lại không đến?".
"Cô ấy ra nước ngoài học rồi."
Thuyền trưởng ngẩn người, lại cười nói tiếp: "Học là tốt, bác sĩ Thiệu, anh không đi cùng cô ấy sao?".
Anh không đáp, chỉ xách ba lô leo núi lên, bên trong toàn là dụng cụ học tập và sách cho bọn trẻ, quay người lại vẫy thuyền trưởng: "Làm phiền anh đợi ở đây một chút, tôi đi thăm bọn trẻ rồi sẽ về ngay trong ngày".
"A, được!"
Đường lên đảo chỉ có một nên không thể bị lạc được. Trèo lên lưng chừng núi đã nghe thấy tiếng đọc bài rất lớn, tiếng lũ trẻ trong trẻo. Anh ngẩng đầu lên mình, trên mái hiên phòng học có lá cờ đỏ nổi bật giữa những bông tuyết đang bay lượn.
Thầy Tôn nhìn thấy anh thì vô cùng kinh ngạc, còn bọn trẻ thì vui mừng khôn xiết, vây lấy anh ồn ào ríu rít nói không ngừng. Bọn trẻ nghe nói chị Hiểu Tô không đến thì đều thất vọng. Anh lấy đồ dùng học tập và sách ra, bọn chúng mới vui trở lại. Sao đó kéo anh đi xem tranh, một bức rất to được dán ngay trong phòng ngủ. Bức tranh vẽ bạn trẻ cùng thầy Tôn đang vây quanh anh và Đỗ Hiểu Tô.
"Chú Tiểu Thiệu, có giống chú không?"
"Giống!", anh khen, "Rất giống".
"Là cháu vẽ đó!"
"Cháu cũng vẽ!"
"Cháu vẽ tóc chị Hiểu Tô!"
"Cháu vẽ mắt chị Hiểu Tô!"
...
Bọn trẻ tranh nhau nói, anh đứng giữa những âm thanh non nớt nhìn bức tranh. Bọn trẻ vẽ anh và Đỗ Hiểu Tô nắm tay nhau, vai kề vai mỉm cười, giống như không gì có thể chia cắt họ.
"Bức tranh này có thể cho chú Tiểu Thiệu không?"
"Đương nhiên là được!"
"Vốn là định tăng cho chị Hiểu Tô!"
Bọn trẻ hăm hở mang nước đến sau đó chầm chậm gỡ bức tranh trên tường. Thầy Tôn cũng đến giúp gỡ tranh xuống rồi giao cho anh. Anh cẩn thận cuộn tròn, thầy Tôn tìm mấy tờ báo và giúp anh gói lại.
Có thứ gì đó đầy lông lá chợt chạy vụt qua chân. Anh cúi đầu xuống nhìn thì thấy chính là con mèo con gầy đáng thương đó. Đã khá lâu rồi nhưng hình như nó không lớn lên bao nhiêu, vẫn gầy như thế, ngẩng đầu nhỏ lên kêu "meo meo" với anh.
Anh ôm mèo con lên, hỏi: "Con mèo này cũng có thể tặng tôi chứ?"
"Được", thầy Tôn gãi đầu, "Trên đảo cũng không có gì ăn, mà cũng chẳng có ai cho nó ăn, anh mang đi đi".
Tuyết càng lúc càng rơi nhiều. Cuối cùng khi lên thuyền rời đi, bọn trẻ tiễn anh ra cầu tàu, chào tạm biệt anh: "Chú Tiểu Thiệu! Lần sau nhớ cùng chị Hiểu Tô đến thăm bọn cháu!".
Mấy cánh tay nhỏ bé không ngừng vẫy, càng lúc càng xa, dần dần không rõ nữa. Cũng giống như đoạn hồi ức tươi đẹp nhất trong đời, dần dần khuất trong gió tuyết, không thể tìm lại.
Anh gần như cả đêm không ngủ, khi về đến Thượng Hải thì liền vội vàng ra sân bay. Nhìn thấy Đỗ Hiểu Tô từ đằng xa, lúc đó anh mới thở phào, vội gọi cô lại, đưa bức tranh cho cô: "Bọn trẻ tặng cô".
Cô ngẩn người, sau mới biết đó là bọn trẻ trên đảo, đôi mắt không khỏi ngẩn nước: "Sao bọn trẻ lại biết?".
"Tôi ra đảo, tôi không nói gì cho chúng cả, cô yên tâm", anh ngẩng lên xem đồng hồ, "Sắp lên máy bay rồi nhỉ? Cô vào sớm đi, vào phòng chờ nghỉ ngơi một chút. Xuống máy bay sẽ có người đón cô, nhớ chú ý an toàn".
Cuối cùng cô nói: "Cảm ơn"
Anh như mỉm cười: "Mau vào đi".
Hôm nay tiết trời thật âm u, ảm đảm.
Anh thặt dây an toàn, con mèo nhỏ lặng lẽ nhảy từ ghế sau lên, kêu "meo" một tiếng, sau đó cuộn lại trên ghế phụ lái.
Anh chưa bao giờ lái xe qua quãng đường cao tốc dài như vậy, km về phía bắc. Con đường đằng đẳng như kéo dài vô tận, chẳng có điểm dừng. Vượt qua vô số xe chở hàng đường dài, hàng rào bảo vệ bên đường trở thành dải lụa bạc, lướt qua vun vút bên ngoài cửa xe. Trong xe yên tĩnh đến mức có thể nghe được từng nhịp thở của mèo con khi ngủ, một cảm giác trống vắng, cô quạnh bủa vây.
Cũng như một người bị mũi dao sắc nhọn đăm trúng, luôn phải mất rất lâu mới phản ứng lại, thì vết thương đã chảy máu không ngừng rồi.
Vào đến địa phận Hà Bắc thì trời đã tối, thời tiết rất xấu, dù mở đèn chiếu xa cũng không sao nhìn rõ ràng được đường. Mèo con tỉnh dậy vì đói, ngồi trên ghế kêu "meo meo". Anh lái xe vào một trạm dừng rồi mua một con cá. Con mèo ăn ngấu nghiến, chờ đến khi anh quay đầu lại thì đã nằm lăn ra ghế ngủ tiếp.
Cuối cùng cũng về đến thành phố, ánh đèn sáng rực rọi vào mắt. Cuộc hành trình dài đã rút cạn sức lực của anh. Từ bóng tối đến ánh sáng, từ cô đơn đến náo nhiệt dường như chỉ trong tích tắc.
Anh dừng xe bên ngoài, mèo con vẫn đang ngủ say. Anh khóa cửa xe, ngẩng đầu nhìn bức tường, sau đó leo lên cây hòe đã rụng hết lá trèo vào trong.
Trước khi trèo vào bên trong anh đã tiện tay lấy chiếc tuốc nơ vít, cũng may mặt đất đầu đông chưa bị đóng băng. Anh đào rất lâu, kiên nhẫn, lần trước khi anh đào hộp lên lại lấp đất mới vào, nên lúc này đào cũng khá dễ.
Một lúc sau, tiếng cạch nhỏ vang lên, chiếc tuốc nơ vít chạm vào hộp bằng sắt.
Anh gạt hết đất ra, lấy cái hộp lên.
Nắp hộp đã bị gỉ. Anh mở nắp hộp, bên trong cũng đầy những mảnh giấy, chỉ có anh biết trên đó viết gì.
Từ khi còn nhỏ đến thời niên thiếu, từ thời niên thiếu đến giờ, tất cả những hồi ức tốt đẹp nhất đều ở bên trong.
Khi ấy cùng Triệu Chấn Vinh chôn hộp, Chấn Vinh nói: "Chờ chúng ta già rồi cùng mở ra".
Nhưng Chấn Vinh đi trước rồi.
Anh mang hộp đến bên hồ, lấy từng mảnh giấy thả xuống nước. Tán cây che khuất phân nửa luồng sáng của ánh đèn đường, chỉ có thể thấy những mảnh giấy thấp thoáng chìm nổi, lênh đênh trên nước.
"Mẹ thích Chấn Vinh, bố thích anh cả."
"Bà ngoại, con nhớ bà.”
"Chấn Vinh, sinh nhật vui vẻ!"
"Tôi không muốn vào học trong Tứ Trung.”
"Lớn lên tôi muốn làm điều mình muốn.”
"Thầy Tần, cảm ơn thầy!"
...
Tay anh cầm một tờ giấy, trên đó là nét chữ của cô: "Khoai môn, khoai môn mau dậy đi!".
Đó là khi anh vừa xuất viện, có một buổi sáng nọ phải đi kiểm tra nên cô đến gọi anh dậy. Anh rất buồn ngủ, cô gọi mấy tiếng anh cũng không thèm nhúc nhích. Kết quả khi tỉnh lại thì phát hiện cô viết tờ giấy này, dán lên đầu anh.
Chữ cô hơi láu, còn chữ anh cũng chẳng ngay ngắn cho lắm. Lúc ấy xương gãy chưa lành, anh cầm bút chưa vững: "Khoai môn yêu Hiểu Tô".
Lúc đó vì giấy nhỏ, không đủ chỗ viết nên anh phải viết chữ rất bé, vì thế lúc này anh cũng không nhìn thấy rõ nữa. Còn bây giờ, anh chỉ hy vọng mình chưa từng làm việc ngốc nghếch này, cũng may cô không nhìn thấy.
Anh ném tờ giấy xuống nước.
Tất cả giấy đều bị anh ném xuống hồ, lững lờ trôi theo làn sóng, tất cả những chữ viết trên đó, đều sẽ bị biến mất? Có lẽ đây là kết cục tốt nhất, sẽ không bao giờ có người đến hỏi, anh đã giấu những gì trong đó.
Cuối cùng, anh ném cả chiếc nhẫn đang giữ trên tay ra giữa hồ.
Khoảng nửa đêm hôm đó, anh ôm mèo con rồi đến gõ cửa nhà dì Triệu. Dì bị đánh thức, khoác áo ra mở cửa, vừa thấy khuôn mặt nhợt nhạt của anh đã giật mình sợ hãi: "Sao thế này? Sao con lại đến đây lúc này?".
Anh vừa mệt vừa buồn ngủ, thả mèo con xuống đất: "Dì Triệu, con mệt".
Dì Triệu không hỏi thêm câu nào, chỉ nói: "Con sang phòng phía đông ngủ, dì đi trải giường cho con", nói rồi kéo tay anh đi như khi anh còn nhỏ. Có lần anh theo anh cả đi chơi, nhưng chẳng may bị lạc mất anh, một mình chạy lung tung trong khu vườn rộng lớn như mê cung, không tìm thấy đường về nhà. Tâm trạng của một đứa trẻ khi ấy vô cùng lo sợ, sợ rằng sẽ không bao giờ được gặp bố mẹ nữa. Anh khóc rồi lại khóc, cuối cùng dì Triệu tìm được, ôm anh về nhà.
Anh sức cùng lực kiệt ngã xuống giường, biết dì Triệu đang giúp mình cởi giày, nghe tiếng dì nói: "Sao thế này? Con xem con kìa, hệt như vừa bị bệnh nặng lắm", bà nhẹ nhàng sờ trán anh, "Không phải sốt rồi chứ?".
Thật ra khi còn nhỏ vẫn là dì Triệu chăm sóc anh. Từ trong thẳm sâu lòng anh, đây mới là người mẹ thật sự. Anh trở về nhà khi khốn đốn nhất, về bên mẹ, nói mà anh cảm thấy hạnh phúc và thư thái vô cùng. Anh mơ màng nói: "Mẹ, con không sao".
"Haizzz, thằng bé này cứ làm người ta lo lắng", tiếng dì Triệu xa dần rồi im lặng, không còn nghe thấy bất kỳ âm thanh gì nữa, "Mấy ngày trước còn hùng hổ chạy về đòi lấy nhẫn, dì còn tưởng con sắp dẫn cô nào về cho dì xem mặt...". Bà vuốt gọn mớ tóc lòa xòa trên trán anh, để anh ngủ thoải mái hơn một chút, nhìn bộ dáng anh khi ngủ rồi bất giác thở dài nói: "Ngủ dậy là tốt thôi".
Ngủ dậy sẽ tốt thôi, cũng như khi còn nhỏ mỗi lần sốt, chỉ cần đi ngủ, ngủ dậy bệnh sẽ khỏi.
Anh ngủ thiếp đi. Rồi anh mơ thấy vô số hoa tuyết rơi xuống mặt biển, những bông hoa tuyết trắng muốt lững lờ trôi trên mặt biển. Thật ra đó không phải là hoa mà đó là những mảnh giấy mà anh đã viết trong suốt hơn hai mươi năm qua.
Anh vốn tưởng rằng sẽ có một người đến, cùng anh chia sẻ quãng thời gian hai mươi năm đó, chia sẻ những ký ức của hai mươi năm, chia sẻ hạnh phúc trong hơn hai mươi năm ấy.
Anh đợi rồi lại đợi, nhưng vẫn không tìm thấy.
Cũng giống như một giấc mộng có vô số hoa tuyết nhẹ nhàng bay rồi lặng lẽ biến mất trên mặt biển. Tát cả chẳng qua là một giấc mộng, cũng như chiếc nhẫn ấy, nhẹ nhàng rơi xuống, sau cùng chìm vào đáy nước.
Đời này kiếp này, không ngày gặp lại.