Khắc Ngọc buông đũa, lắc đầu tỏ vẻ không sao. Cô trở về phòng mình, chỉ thấy nặng nề. Nhìn đám tường vi tươi tốt, nói thì thầm một mình:
- Mỗi lần đều vậy nhưng sao mình cứ mãi thế này? Mọi thứ sẽ tốt lên theo thời gian, chắc chắn là như thế!
Tiếng vú Hạo đón tiếp cô giáo dạy thêm vang lên, Khắc Ngọc lấy lại tinh thần, bắt đầu việc của mình. Chỉ khi chìm đắm vào thế giới những con số, những dòng chữ, những nốt nhạc, cô mới thư thả, như đó chính thực là thế giới của cô.
Ngày hôm sau, Khắc Ngọc được tài xế đưa đến trung tâm văn hóa thành phố nhận thưởng. Phóng viên cũng phỏng vấn cô chia sẻ bí quyết học tập, động lực nào để cô đạt được thành tích như vậy, cô có lời muốn tâm sự với người thân và bạn bè hay không. Cô trả lời trôi chảy, vốn đã có khuôn mẫu, mỗi lần đều như thế.
Bà Trịnh tay cầm điều khiển tivi dò tìm kênh truyền hình. Bấm đến đài truyền hình thành phố đang trực tiếp lễ trao giải cuộc thi toán quốc gia, mắt bà ngưng trọng. Bà tự nói với mình:
- Xuất sắc quá không tốt, đã đến lúc cần phải có một kế hoạch kết thúc một khối u ác tính rồi.
Bấm số điện thoại của Bảo Nghi, giọng bà mềm mỏng:
- Alo, cháu có rảnh không, đến chơi với bà nội.
Giọng Bảo nghi nũng nịu trả lời:
- Hôm nay là ngày nghỉ, cháu rảnh. Cháu lập tức đến bà nhé.
Mười lăm phút sau, Bảo Nghi bước vào phòng khách biệt thự Trịnh gia. Với vẻ mặt người chủ, cô phách lối hỏi vú Hạo:
- Bà nội đâu?
Vú Hạo không có thiện cảm với cô cháu họ của nhà họ Trịnh này, nhưng vẫn điềm tĩnh trả lời:
- Bà cụ ở phòng thờ phật.
Bảo Nghi lườm vú Hạo, sau đó nghênh ngang lên lầu. Cô thật bực mình bà vú không thức thời này. Bà nội tuy không phải là bà nội ruột của cô, nhưng bà rất quý cô, chiều cô, gấp nhiều lần với Khắc Ngọc. Nhiều lần, bà bóng gió sẽ chọn cô là người thừa kế. Nghe mẹ cô nói, thân thế của Khắc Ngọc có một bí mật động trời, chắc chắn sẽ không thể thừa kế nhà họ Trịnh được. Cô thầm nghĩ “Tài giỏi thì sao, xinh đẹp thì sao, mãi mãi cũng không thể bằng cô được”.
Thấy Bảo Nghi bước vào, bà Trịnh cười hiền lành. Bảo Nghi sà vào ôm bà, thân thiết làm nũng:
- Nghe bà nội buồn là cháu lập tức đến ngay. Bà là người Bảo Nghi thương yêu nhất đó.
Bà Trịnh vỗ vỗ tay Bảo Nghi, miệng vẫn nở nụ cười, sau đó kéo tay cô ra khỏi phòng thờ phật, về phòng riêng của mình để tâm sự giải buồn. Bà quan tâm hỏi han Bảo Nghi việc ăn uống, học hành, cô cũng đáp lời vui vẻ. Bà Trịnh như chợt nhớ, vỗ trán mình, ân cần nói với Bảo Nghi:
- Cuối tuần sau là sinh nhật của cháu, bà suýt nữa lại quên. Cháu có ý tưởng gì tổ chức sinh nhật chưa?
Bảo Nghi rất cảm động, ôm bà nói:
- Bà là người đầu tiên nhắc đến sinh nhật năm nay của cháu đó. Cháu cảm ơn bà nhiều lắm. Nhưng hiện tại cháu chưa có ý tưởng gì, cháu nghĩ sẽ tổ chức sơ sài như mọi năm thôi.
Bà Trịnh cười đậm hơn, ngón tay ấn nhẹ vào trán Bảo Nghi, cưng chiều:
- Cái con bé này, năm nào bà cũng cho cháu tiền tổ chức, còn nói sơ sài. Nếu như vậy thì không có mấy người tổ chức long trọng quá.
Bảo Nghi tay ôm càng chặt, ngước mắt nhìn bà, cười vui vẻ:
- Cháu nói vui với bà thôi, cháu thấy như vậy đã tốt lắm rồi.
Bà Trịnh vuốt nhẹ tóc Bảo Nghi, từ tốn nói:
- Năm nay cháu tròn mười tám tuổi, phải tổ chức quy mô lớn hơn. Bà sẽ cho cháu ba mươi triệu để mời bạn bè tại một điểm nào lớn trong thành phố, có được không?
Bảo Nghi nghe vậy, buông tay nhảy lên vui mừng, sau đó quay người hôn “chụt” lên mặt bà Trình, hân hoan trả lời:
- Cháu cảm ơn bà nhiều, cháu là hạnh phúc nhất khi có bà.
Bà Trịnh cũng cười, nói thêm một vài chuyện thì bảo mệt cần nghỉ ngơi. Bảo Nghi đang vui như mở cờ trong bụng nên cũng chào bà ra về, nói mình cũng cần lập kế hoạch chuẩn bị sinh nhật mình. Trước khi rời đi, bà Trịnh dặn dò Bảo Nghi khi nào sắp xếp xong thì điện thoại báo bà một tiếng, bà sẽ cho mang quà chúc mừng đến.
Khi Bảo Nghi đi rồi, bà Trịnh đứng lên lấy quần áo đi tắm. Bà thấy người mình rất bẩn.
Hai ngày nghỉ cuối tuần kết thúc, Khắc Ngọc đến trường như mọi ngày. Tâm lý cô tự cân bằng, không miên man suy nghĩ nữa.
Khắc Ngọc bước vào vị trí của mình ngồi xuống, chưa đến giờ vào lớp, mọi người đứng có, ngồi có lao nhao nói chuyện, Khắc Ngọc nhìn về bàn cuối lớp, thấy Liên Hạnh, Phương Uyên, Phan Hậu đang tụm lại ăn bánh pateso. Phương Uyên nhìn lên thấy Khắc Ngọc, vẫy tay ra hiệu bảo Khắc Ngọc đến cùng tham gia. Khắc Ngọc chậm rãi đi xuống tìm một vị trí ngồi vào. Phương Uyên lấy một cái bánh đưa vào tay bạn, Khắc Ngọc lắc đầu nói:
- Mình ăn rồi.
Liên Hạnh nhanh miệng nói:
- Phan Hậu sáng nào cũng mua thức ăn cho Phương Uyên, phải chăng con đường nhanh nhất từ trái tim đến trái tim là…
- Là truyền máu.
Không để Liên Hạnh nói hết câu, Phương Uyên đã chen ngang cắt lời. Phan Hậu đang cắn miếng bánh lớn, chưa kịp nhai đã vướng ở cổ nghẹn lại, ho sặc sụa, có cần phải đả kích tình cảm như vậy không.
Khắc Ngọc ánh mắt có ý cười, lắc đầu.
Ngoài cửa, Bảo Nghi đầu tóc chải chuốt, môi son đỏ chót, đồng phục tự ý cắt ngắn đến nửa đùi, uốn éo đi vào. Đi cùng cô là “bộ tứ” nữ thân thiết cười nói tiến vào. Nhìn Khắc Ngọc và nhóm bạn đang ngồi cùng, mở miệng châm chọc:
- Vật hợp theo loài, không rõ nguồn gốc chỉ có thể kết với quê xa tỉnh lẻ mà thôi.
Phương Uyên trừng mắt, buông lời đánh trả:
- Cũng đúng, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, kề chót cũng chỉ có thể kết với đội sổ.
Bảo Nghi tức giận đỏ mặt, cô đúng là học có tệ một chút, nhưng dù sao cũng xinh đẹp như hoa như ngọc, chưa tính tương lai thừa kế Trịnh gia, bao nhiêu đó cũng hào quang bốn hướng, sao mỗi lần đụng phải con nhỏ này cũng nhận tức giận vào mình.
Tiếng chuông vào học vang lên, mọi người lại nhốn nháo về vị trí, chấm dứt trận đấu khẩu của hai nhóm bạn trong lớp này.
Môn học đầu tiên ngày hôm nay là thực hiện kỹ năng sống, cô giáo đưa vấn đề thảo luận làm thế nào khi học sinh rời khỏi ghế nhà trường có thể hoàn thiện bản thân mình thành một người có văn hóa, tiến tới phấn đấu trở nên toàn diện.Khi cô nhìn thấy đồng phục và trang điểm của Bảo Nghi, cô hỏi:
- Bảo Nghi, em nghĩ thế nào về vấn đề cô đưa ra bàn luận?
Bảo Nghi này giờ không tập trung, đang nghĩ đến sinh nhật mười tám của mình, nghe cô hỏi giật mình ỏng ẹo đứng lên. Vừa rồi cô chỉ nghe loáng thoáng là toàn diện, nên lắp bắp trả lời:
- Thưa cô… em cũng đang phấn đấu thành một người toàn diện ạ.
Phan Hậu vốn đã chướng mắt Bảo Nghi, nghe vậy, giơ tay lên. Cô giáo mời Phan Hậu tham gia bàn luận. Phan Hậu phát biểu:
- Thưa cô, theo em nghĩ, bạn Bảo Nghi đã là người toàn diện rồi.
Bảo Nghi nghe vậy, khóe miệng cười tươi, lòng tự hân hoan: “Thấy chưa, trong mắt con trai, con gái chưng diện, buông thả nửa vời mới là chuẩn”.
Cô giáo ngạc nhiên nhìn Phan Hậu, học sinh bây giờ nhìn về cái đẹp lệch lạc vậy sao. Cô lắc đầu, hỏi thêm:
- Em có thể diễn giải rõ hơn về suy nghĩ của em không?
Phan Hậu cười, đáp:
- Thưa cô, bởi bạn ấy sáng diện, trưa diện, chiều diện, tối lại diện, mặc dù lố lăng không đẹp lắm nhưng cũng được xem là toàn diện ạ.
Cả lớp cười ầm lên, Bảo Nghi tức giận trào nước mắt, chỉ muốn độn thổ trốn đi. Có người con trai nào thô lỗ chê bai bạn gái lố lăng trước chỗ đông người như vậy. Cô thề, cô sẽ không bỏ qua chuyện này dễ dàng như vậy. Cô giáo gõ nhịp thước kẻ lên bàn, ổn định lớp học:
- Qua chuyện này, cô muốn nhắc các em, cái đẹp có văn hóa là phù hợp lứa tuổi, tình huống, hoàn cảnh. Chỉ cần trong mỗi sự việc, hành động, mỗi chúng ta tôn trọng văn hóa của mình, văn hóa của xã hội, chúng ta dần tiến đến sự toàn diện.