Hạnh Phúc & Tình Yêu Cõi Bờ Bên Ấy

chương 9: hoàng tử bé

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

- “Thư Lộ thân mến, tiếp theo là tin vui tới muốn gửi với cậu và các bạn nghe đài, chí ít, đối với tớ mà nói, đó là tin cực kỳ vui.”

Thư Lộ ngừng một lúc, khoé mắt ướt nhoèn, dường như tâm trạng của Tiểu Man từ nơi xa xôi nghìn dặm đã lan cả sang cô.

- “Hôm kia, tức hôm thứ Ba, tớ đã hạ sinh một cô con gái vô cùng kháu khỉnh. Tớ và Pierre mừng quýnh cả lên, thậm chí anh ấy còn khóc nữa cơ đấy. Còn bà sản phụ vượt cạn thành công sau năm tiếng đồng hồ đầy đau đớn là tớ vẫn tươi hơn hớn. Bao giờ con gái đầy tháng, tớ sẽ gửi ảnh cho cậu xem, bây giờ tuy bé cũng đáng yêu, nhưng mặt mũi nhăn nheo, mấy nét xinh đẹp do được di truyền từ tớ nhìn chẳng rõ gì cả.”

Ngoài phòng thu âm, qua lớp vách kính, Thư Lộ có thể thấy được nụ cười tủm tỉm trên khuôn mặt mỗi người đồng nghiệp, đôi ba người cũng đỏ hoe con mắt như cô. Tổ chương trình có lúc như một gia đình bao gồm Tiểu Man là một thành viên trong đó, tuy tha hương nơi xứ người, nhưng cả nhà ai cũng lấy làm mừng khi biết tin cô ấy đang sống hạnh phúc.

- Vậy mong sao thời gian trôi nhanh để chúng ta được thấy hình em bé. Tôi sẽ đăng bức ảnh lên website của chương trình, để mọi người cùng gửi lời chúc phúc tới thiên thần bé nhỏ.

Xưa nay, tâm trạng chưa bao giờ ảnh hưởng đến chất giọng của Thư Lộ.

- Nói đến trẻ con, không biết “Đường sách thênh thang” có thính giả nhí không nhỉ? – Lạc Lạc tiếp lời.

- Theo thống kê hằng năm, chương trình nhận được thư từ bạn độc giả trẻ nhất là mười hai tuổi – nhưng cũng phải bổ sung thêm, đó là chuyện của năm năm về trước. Còn năm nay, chúng tôi nhận được thư của một người cha nói rằng, con trai anh vừa bước vào lớp hai, cũng thường xuyên cùng bố đón nghe chương trình của chúng ta, không biết cậu bé có phải thính giả có độ tuổi nhỏ nhất hay không?

- Không biết các em thiếu nhi bây giờ thích đọc sách gì, hồi tiểu học, mình hay đọc cổ tích Andersen, Grimm, Nghìn lẻ một đêm, vân vân. Còn bạn thì sao?

- Thực tình mình không cố ý tỏ ra mình là người đặc biệt đâu nhé. – Thư Lộ bèn nói: – Nhưng hồi xưa mình xem chủ yếu là những tác phẩm nổi tiếng, như Hồng lâu mộng, Jane Eyre.

- … Bạn xem hiểu không đó? – Lạc Lạc hơi thẹn thùng.

- Nói thật là… không hiểu gì cả. Nhưng do yêu cầu của bố mẹ nên hè nào cũng vậy, mình và chị gái thường ngồi nhà, cố gắng hoàn thành số “bài tập” bổ sung ấy.

- …

- Bọn mình chỉ đọc một lượt rồi liệt kê những chữ không hiểu, sau đó tra từ điển dần dần.

- Tội nghiệp thật.

- Đương nhiên rồi. – Thư Lộ phá lên cười: – Thế nên, mong rằng những vị phụ huynh đang nghe chương trình của chúng tôi không nên làm vậy với con cái mình, thỉnh thoảng hãy để bọn trẻ được làm những gì chúng thích.

- Vậy tiếp theo chúng ta sẽ giới thiệu cuốn sách gì?

- Một cuốn sách thiếu nhi, nhưng dành cho người lớn và có tên gọi “Hoàng tử bé” của tác giả Antoine de Saint-Exupéry.

oOo

Bước qua tết Dương lịch năm , tết Nguyên đán đang rục rịch đến gần cũng là thời điểm tổ chương trình “Đường sách thênh thang” bận bịu hơn bao giờ hết. Với một tiết mục có lượng thính giá tầm tầm, nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống lại hơn ối người như họ mà nói, lịch thu âm được lên từ rất sớm. Thư Lộ tính nhẩm, một tuần phải thu hai số, với cô và Tiểu Man đúng là quá sức, thế là, lại một lần nữa, hai cô gái cùng nhau sánh vai tới thư viện viết kịch bản.

- Có câu trắc nghiệm cho cậu đây. – Tiểu Man nói.

- Hử? – Thư Lộ thì thào hỏi.

Lúc đó là hơn bốn giờ chiều, thư viện quang người, nhưng bà dì quản lý vẫn là nỗi khiếp đảm với họ.

- Nếu được là một nhân vật trong “Hoàng tử bé”, cậu muốn là ai? Có ba sự lựa chọn: – Hoàng tử bé, viên phi công, cư dân của sáu tiểu tinh cầu trước đó.

Không ngờ trò trắc nghiệm của Tiểu Man lại có đẳng cấp này, Thư Lộ bèn buông giới thiệu Trương Ái Linh trên tay xuống, tập trung suy nghĩ một chốc rồi nói:

- Hoàng tử bé.

- Ờ… – Tiểu Man mở tạp chí, tìm đáp án cho câu trả lời “Hoàng tử bé”: – Cậu là người chính trực luôn bênh vực chính nghĩa, rất có lý tưởng, vô cùng thẳng thắn, nhưng cậu thường xuyên có cảm giác lạc lõng giữa cuộc đời, giống như một đứa trẻ rơi vào thế giới của người lớn.

Thư Lộ trợn mắt khinh khỉnh, cái trò trắc nghiệm rõ nhạt:

- Nói vậy, nếu tớ chọn “cư dân của sáu tiểu tinh cầu trước đó”, điều đó nói lên rằng, tớ là người có ham muốn quyền lực, tự phụ, ham hư vinh nhưng lại có thể thích nghi với thế giới này; còn nếu tớ chọn “phi công”, vậy tớ là người hiểu rõ mình đã lớn, nhưng vẫn mang trong mình trái tim trẻ thơ, theo đuổi lý tưởng song nỗi cô đơn thường xuyên đeo bám?!

Tiểu Man so đáp án rồi nhìn Thư Lộ, ngạc nhiên nói:

- Sao cậu biết hay vậy?!

- Thì đều là mấy câu phân tích nhân vật trong Hoàng tử bé mà.

- …

- Vậy cậu sẽ chọn ai. – Thư Lộ hỏi.

- Không biết. – Tiểu Man so vai, mặt ra vẻ vô tội: – Tớ đã đọc Hoàng tử bé đâu.

- …

Tối đó về nhà, cả người Thư Lộ mệt rũ, anh già khuyên cô đi ngủ sớm nhưng sáng mai còn phải thu âm, cô bèn chuyển sang thư phòng sửa bản thảo.

- Uống đi này. – Anh rót cốc sữa nóng đặt trước mặt cô.

- Em muốn uống cà phê. – Cô day hai bên thái dương.

- Em cố thủ ở đây chi bằng đi ngủ sớm, bằng không sáng mai không dậy được đâu.

- Em sợ làm không xong, anh cứ ngủ trước đi.

Bốn mắt nhìn nhau một hồi, dường như không ai nói nổi ai.

- Em uống sữa là được chứ gì, sắp xong rồi, anh cứ ngủ đi. – Thư Lộ cười trừ.

Gia Tu khẽ bĩu môi rồi bước ra ngoài.

- Đồ trẻ con ngang cành bứa. – Anh nói rất nhỏ, cứ như đang lẩm bẩm một mình.

Buông tiếng thở dài, cô lại tiếp tục đọc bản thảo của mình. Bảo cô ngang, chẳng nhẽ anh lại không?

Thế mà sáng hôm sau, quả nhiên đúng như lời anh già dự đoán, Thư Lộ dậy muộn một tiếng đồng hồ.

- Trời ơi! Sao anh không gọi em.

Cô chạy vọt vào nhà tắm, quáng quàng cầm khăn lau mặt, thậm chí đến nước cũng chẳng buồn nhúng.

- Vừa nãy sao không nghe tiếng đồng hồ báo thức nhỉ, tối qua em đã hẹn bảy giờ rưỡi rồi cơ mà! Đúng là, bình thường anh cũng dậy tầm này, sao không gọi em…

Cô ló đầu khỏi nhà tắm, căn phòng im lìm không một bóng người, chỉ nghe tiếng con lắc đồng hồ loại cổ xưa trong phòng khách, đung đưa điểm nhịp tích tắc tích tắc.

Lão già chết tiệt, mới đó đã đi rồi!

Chiều đó, mãi một giờ mới thu xong tiết mục, Thư Lộ và Tiểu Man vác hai bọng mắt thâm quầng xuống căng tin lấy cơm. Món trứng xào cà chua khoái khẩu của cô đã bị người ta vét sạch, chỉ chừa lại ít cơm thừa canh cặn.

- Tớ muốn ngủ. – Tiểu Man uể oải nói.

- Ờ, tớ cũng thế.

Thư Lộ trệu trạo nhai miếng thịt bò nguội ngắt. Sáng nay cả hai cô bị “đại gia” phòng thu mắng té tát một trận can tội đến trễ.

- Biết thế tớ đã nghe lời ông cụ ở nhà, ngủ sớm đi một tí. – Tiểu Man nói.

- …

Thư Lộ im bặt, bởi anh già cũng nói thế, nhưng cô gàn không chịu nghe. Cô tức ở chỗ, chỉ vì chuyện đó mà anh già không thèm gọi cô dậy.

- Mà hận nhất là, tối qua cố đấm ăn xôi đọc hết nửa cuốn tiểu thuyết khủng bố kia rồi mới đi ngủ, thế quái nào đến sáng nay lại quên béng mất tối qua đã đọc những gì… Giời ơi, đúng là mất cả chì lẫn chài.

- Haizzz…

Nhìn Tiểu Man mà Thư Lộ không khỏi thở dài.

Gần đến giờ tan tầm, tự nhiên Thư Lộ muốn tỏ thái độ với anh già, thế là cô quyết định phải muộn mới về. Đồng nghiệp trong văn phòng lẩn nhanh như trạch theo tiếng chuông tan ca. Thư Lộ nghĩ, tốt thôi, lâu rồi chưa ngồi yên tĩnh một mình.

Tiện thể, cô nhấc bức tượng trên giá sách mà năm ngoái Tâm Nghi tặng làm quà cưới. Bức tượng khắc hình đôi chim, cả hai đều không có chân. Nếu không có chân, cô nghĩ, nó sẽ bay mãi, bay mãi, phải chăng cứ bay cho đến tận cùng cuộc đời?

Thế rồi cô chợt liên tưởng đến Tâm Nghi, chị ấy như loài chim không chân, miệt mài vút bay, nhẽ nào không thấy mệt? Có lẽ, người như chị ấy sẽ khó nhận được sự cảm thông của mọi người, nhưng có hề gì, chỉ cần bản thân chị ấy hiểu là được. Thư Lộ không khỏi hâm mộ lòng dũng cảm của Tâm Nghi, để có được tự do trọn vẹn ắt phải đánh đổi rất nhiều.

Bỗng có tiếng gõ cửa vang lên, Thư Lộ ngẩng đầu thấy Dịch Phi đứng đó.

- Anh chỉ định ghé qua xem thế nào, không ngờ em ở đây thật. – Anh nhoẻn miệng cười.

- À, hôm nay em vướng chút việc nên phải tăng ca. – Cô cũng cười đáp lại.

Anh thong dong bước tới, đảo mắt quanh căn phòng rộng rãi.

- Anh không nghĩ em sẽ làm MC Radio.

- Đến em cũng không ngờ.

- Mà bất ngờ nhất là, A Khoan cũng làm ở đài, cứ tưởng nó chỉ làm vui mấy chương trình phát thanh ở trường, rốt cuộc thằng ranh học vật lý ấy lại chuyển ngành thật.

Thư Lộ bùi ngùi nói:

- Ở đời nhiều việc khó tiên liệu, thế mới nói “thế sự vô thường”.

- Phải. – Anh ngưng một lúc rồi nói: – Em biết không, cái cậu “siêu nhân con” hồi trước ở ký túc xá với anh đó, bây giờ làm “siêu nhân” thật rồi.

-?

- Cậu ấy diễn vai “siêu nhân” ở công viên bên Mỹ.

- Thật ạ? – Thư Lộ mở mắt tròn xoe, cố gắng nhớ lại dáng vẻ cậu bạn đó.

- Còn “A Tam” bây giờ đang làm phát triển phần mềm ở Ấn Độ, nó kể, cả người nó bây giờ có cảm giác sặc mùi cà ri.

Thư Lộ bật cười, những chuyện từng trải thời sinh viên như một màn kịch tái hiện trước mắt, mà tất cả đều sắm một vai trong đó, dù không ai thủ vai chính, và cũng chẳng ai đóng vai phụ.

- Hồi đó, anh ngây thơ nghĩ rằng, có những chuyện sẽ mãi mãi không thay đổi. – Khuôn mặt Dịch Phi trở nên dịu dàng hơn, dường như đang nhớ lại quãng dĩ vãng tuơi đẹp: – Nhưng rốt cuộc đã thay đổi cả rồi.

Vì câu nói đó mà hai người sững lại. Vở hài kịch nhẹ nhõm mang tên học đường mới rồi bỗng kết thúc đột ngột, thay vào đó là tấm màn che đen sịt, không ai trong hai người có thể nhấc nổi nó lên.

- … Xin lỗi em. – Sau một hồi lâu im lặng, Dịch Phi là người mở miệng trước tiên.

- … – Thư Lộ bặm môi không đáp.

- Anh không cố ý nhắc đến chuyện này, thoạt đầu chỉ định hàn huyên cùng em… – Anh giải thích.

- Không sao. – Cô gượng gạo mỉm cười.

- … – Anh cũng trầm ngâm, mặt mày u ám, không còn là anh chàng Dịch Phi mà Thư Lộ từng quen.

- Thực ra… – Thư Lộ lấy hết can đảm để nói: – Chuyện của anh và “bạn nằm giường số ba”…

-?

- Cô ấy đã viết thư kể toàn bộ với em rồi.

- … – Anh nhìn cô đầy kinh ngạc.

Thư Lộ nhoẻn miệng cười:

- Bất kể sai hay đúng, tất cả đều là chuyện đã qua cả rồi. Em không còn nghĩ ngợi gì nữa, mong anh cũng đừng tự trách mình.

- …

- Hồi mới chia tay, quả thực em rất buồn, cảm giác ấy từng giày vò em rất lâu. Nhưng giờ em sống rất hạnh phúc, nên em không trách cứ anh, cũng mong anh sống vui vẻ.

- … – Anh vẫn nhìn cô mà không thốt nên lời.

- …

- Cảm ơn em. – Bẵng đi một lúc lâu, Dịch Phi mới khẽ cất tiếng. Thế rồi, anh mỉm cười nói câu tạm biệt, đoạn vội vã bước ra ngoài.

Thư Lộ thoáng bần thần, cô không hề thích cái anh xuất hiện liên tiếp trong cuộc đời mình. Dù nhìn anh chẳng có vẻ gì ác ý, nhưng nó mang đến cho cô cảm giác bất an, tựa như trái tim đã nguội lạnh, nay bỗng nhen lửa bập bùng…

Thoạt đầu, Thư Lộ lên kế hoạch dẫn Gia Tu về nhà mẹ đẻ ăn cơm tất niên cùng chị gái và anh rể, nhưng mẹ cô nói:

- Theo lý mà nói, năm đầu nên ăn tất niên ở nhà chồng, nếu không thì ông Công ông Táo, hai vợ chồng qua luôn.

Sau này cô mới biết, thì hai cụ đi dự liên hoan khiêu vũ người cao tuổi vào hôm Ba mươi, nên mới tích cực thuyết phục hai con về nhà ăn cơm vào tết ông Công ông Táo.

Và một chuyện khác khiến cô buồn hết cả người đó là… từ năm nay, cô bị cắt suất lì xì mất rồi.

- Đừng buồn nữa, cứ sinh em bé như chị con kia kìa, ba mẹ sẽ lì xì cho cháu, tức là con cũng có phần rồi còn gì. – Mẹ cô khéo léo gợi ý.

Cô cười trừ ậm ừ cho phải phép, chẳng biết tự bao giờ, cô học được cách cười trừ trong câm lặng để phản kháng những việc mình không muốn làm.

Giờ cơm, Thư Linh tuyên bố: Kết quả siêu âm là con trai, cả nhà liền hồ hởi đặt tên cho đứa bé sắp chào đời. Thư Lộ háo hức nghĩ, vầy là cả nhà sắp có “Hoàng tử bé” đầu tiên rồi.

Tối đến, trước giờ đi ngủ, Thư Lộ bỗng hỏi Gia Tu:

- Ba mẹ anh có giục chúng mình sinh con không?

- Không. – Ánh mắt anh vẫn dán vào quyển sách: – Anh lấy được vợ là mẹ anh đã mãn nguyện lắm rồi, cụ không dám “được voi đòi tiên” với Phật tổ đâu.

Càng ngày Thư Lộ càng có cảm giác, trời phú anh già cái kiểu hóm hỉnh không phải lối, sánh đôi với vẻ ngoài thờ ơ của anh, đúng là đôi đũa lệch.

- Sao thế? – Anh nhìn cô một thoáng rồi ánh mắt lại dừng ở chỗ cũ.

- Không. Em chỉ sợ ba mẹ anh hy vọng quá lớn vào chúng mình, nếu chúng mình tạm thời không thể làm hài lòng các cụ… chí ít cũng phải báo các cụ một câu.

Thư Lộ nhẹ nhàng bôi kem Lanolin lên chân. Nói gì thì nói, lúc nào cũng vậy, cô không muốn thấy bạn bè và người thân thất vọng về mình, dù có thể, việc đó hành cô mệt mỏi vô cùng.

- Em đã đủ khả năng chăm sóc chính mình, vậy em nên học cách chịu trách nhiệm với bản thân. – Anh già nhìn cô: – Nhiều khi, em đừng bận tâm tới suy nghĩ hay sự kì vọng của người khác, em sống đâu phải chỉ cho họ. Vả lại, đối với em mà nói, họ thất vọng hay hy vọng về em thì có gì quan trọng. Nếu họ nói với em, cái này rất quan trọng, điều đó chứng tỏ, họ đang sống dựa dẫm vào người khác, đó là vấn đề của họ, không mắc mớ gì đến em.

Tối đó, Thư Lộ cứ suy đi ngẫm lại lời anh nói. Trước kia chưa một ai nói với cô như vậy, sau này có lẽ cũng không. Còn anh, trong lúc yêu nhau, anh không quên dạy cô trưởng thành, dạy cô tính độc lập và trao cô tự tin.

- Anh giống hệt ba em. – Thư Lộ ngập ngừng bổ sung: – Nhưng ngay cả ba em cũng không dạy em như vậy.

- Bây giờ em đã biết anh là “đồ hiếm” rồi chứ, sau này em phải báo đáp anh nhiều hơn đấy. – Nói rồi anh mỉm cười xoa má cô.

Hôm Giao thừa, mới tầm sáu giờ, ngoài đường đã dần quang người. Thư Lộ nhớ dạo bé cả nhà thường ngồi quây quầy trước tivi xem Chương trình liên hoan mừng Xuân, Thư Kubg thường bắt chước mấy tiểu phẩm trong đó, gợi cả nhà vui ơi là vui. Sau này chị sang Mỹ du học, không khí Tết nhất ở nhà trở nên quạnh quẽ buồn tẻ suốt mấy năm liền, cho tới khi chị dẫn anh rể về nước, cả nhà lại đông vui khác thường. Không bao giờ cô là diễn viên chính, mà cũng không muốn thủ vai chính.

Từ ngày Thư Lộ lấy Gia Tu, mỗi lần nhà họ Bùi họp mặt gia đình, địa điểm thường cố định ở nhà họ. Hai người chính là ông chủ và bà chủ của cái nhà này, tự nhiên Thư Lộ thấy mình cũng trở thành nhân vật chính mất rồi.

Tối nay Nhã Văn tỏ ra ngoan ngoãn cực kì, không chí choé với anh trai, cũng không cãi lại người lớn, thậm chí còn ân cần lấy dép đi trong nhà cho Gia Thần, lúc anh trở về nhà sau giờ trực ca.

Thư Lộ để ý thấy Gia Tu và Nhã Quân tủm tỉm trao nhau cái nhìn, dường như giữa hai chú cháu có việc gì đó không cần nói mà lòng vẫn hiểu.

Thoạt đầu, căn nhà này đối với cô mà nói vẫn thuộc phạm trù xa lạ. Nhưng giờ đây, phòng khách bày rải rác những con búp bê mà cô yêu yêu thích, chai lọ lỉnh kỉnh của cô chiếm phần lớn bệ rửa mặt, Gia Tu còn phải kê thêm một bàn làm việc trong thư phòng cho cô. Cô đã là một phần trong nhà, và cái nhà đã trở thành một phần trong cô.

Hôm nay dường như tâm trạng Gia Tu khá vui vẻ, anh nấu nhiều món ăn bày chật bàn. Tuy Thư Lộ hơi lo đống bát đĩa chốc nữa phải rửa, nhưng khuôn mặt hào hứng của mọi người đã xua tan chút lo lắng cỏn cỏn chỉ trong nháy mắt.

Gia Tu và ông anh trai hô hào đòi giải quyết sạch số rượu trong nhà, chắc bởi lâu lắm rồi hai anh em chưa uống rượu với nhau; Thư Lộ và hai đứa nhỏ ngồi bàn luận đủ thứ chuyện liên quan tới cuộc sống đại học, hai đứa gợi cô nhớ lại thời sinh viên nhẹ nhõm vui vẻ. Lần đầu tiên trong đời Thư Lộ không ăn Tết cùng ba mẹ, song cũng không lạc lõng cho lắm, bởi đây là nhà của cô và Gia Tu kia mà.

Miết tới khi Gia Thần và Gia Tu uống cạn số rượu trong nhà, cũng là lúc ba mẹ anh và chị gái từ Mỹ gọi điện về chúc mừng năm mới. Tiếng nói chuyện trong phòng khách bỗng sôi nổi hẳn lên, khiến Thư Lộ nhớ tới tiểu phẩm ca ngợi chiến sỹ biên phòng trong Chương trình liên hoan mừng Xuân.

Có lẽ Gia Tu say thật rồi, sau cùng, nhờ bỏ công “dõng dạc nhắc nhở” mà Nhã Văn mới “lấy” được lì xì từ chỗ ông chú. Thư Lộ tức cười nghĩ, chẳng trách con bé khép nép ngoan ngoãn suốt cả buổi.

Gia Thần được hai đứa nhỏ khênh về. Thư Lộ cầm khăn ấm đắp lên khuôn mặt đang nhắm nghiền mắt của Gia Tu. Lúc cô quay đi, bỗng anh kéo tay cô lại.

- Mình… – Khuôn mặt khuất dưới tấm khăn của anh không rõ đang mang biểu cảm gì: – Em đừng đi.

Thư Lộ hơi kinh ngạc, xưa nay anh đã gọi tiếng “mình” nào đâu.

- Em dọn cái bàn đã, rồi quay lại ngay… – Cô cố vằng khỏi anh.

- … Anh bảo em không được đi…- Anh ngắt lời cô bằng thứ câu từ líu ríu vào nhau.

Thư Lộ thoáng ngây người, chưa bao giờ anh trẻ con như lúc bày, người đàn ông luôn khiến cô phải ngước nhìn, thì ra cũng biết mè nheo cơ đấy.

Cô tủm tỉm mỉm cười, trao anh nụ hôn qua lớp khăn mặt.

Trưa mùng Một, đang rúc trong trong chăn ấm áp có Gia Tu nằm bên, bỗng Thư Lộ hỏi anh:

- Anh còn nhớ ngày này năm ngoái không?

- Ờm. – Hình như anh đọc được suy nghĩ trong đầu cô: – Thi thoảng thức dậy, anh cũng ngạc nhiên vì mình đã có vợ.

- Tại sao. – Cô chúm chím mỉm cười, quay sang nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của anh.

- Bởi vì… tuổi càng cao, tim càng lạnh.

- Thế hiện giờ, tim anh đang nóng lắm à? – Cô cười khúc khích.

Quay đầu sang nhìn cô ấy, anh nắm lấy tay cô đặt lên ngực mình:

- Em sờ thử coi.

Thư Lộ ngả đầu vào ngực anh, mắt nhìn lên trần nhà màu vàng sữa, bỗng đâu nhận ra, sao mình vui quá.

Đây là yêu ư? Là thứ tình yêu trường tồn vĩnh cửu mà sách báo thường nói đến ư? Cô vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

Nhưng cô có cảm giác, món tiền cược – cô đặt cho cuộc hôn nhân này không hề sai.

Mùng Ba âm lịch, Gia Tu bắt đầu đi làm. Sau khi anh rời nhà, Thư Lộ cũng tỉnh cả ngủ, cô liền bật dậy, mò sang thư phòng viết bản thảo.

Chiếc bàn làm việc Gia Tu mới mua cho cô có màu cà phê sậm, kiểu dáng châu Âu cổ điển đi liền với đồ nội thất trong thư phòng. Thoạt đầu, Thư Lộ còn chê nó già, nhưng sau rồi cũng dần thích nghi. Cô lục ngăn kéo, tìm gói cà phê hoà tan, uống vào, tinh thần sảng khoái hơn nhiều. Đứng trước kệ sách của Gia Tu, toan tìm mấy cuốn xem, kết quả chẳng gặt hái được gì, bởi sách của anh không viết bằng tiếng Anh thì cũng thuộc phàm trù chuyên ngành, không phù hợp với yêu cầu của cô.

Trên kệ bày cúp và bằng khen thời đi học của Gia Tu, từ giải văn học, giải Odyssey of the mind, cho đến diễn thuyết tiếng Anh, thi lắp ráp mô hình máy bay, thậm chí huy chương vàng giải bóng bàn. Thư Lộ không cầm được suy nghĩ, anh già thật đáng sợ, rốt cuộc có cái gì mà lão không biết?

Trên bàn làm việc của Gia Tu chất đầy tạp chí và báo, bên dưới chèn tập giấy vẽ nguệch ngoạc mà Thư Lộ từng thấy. Cô hớn hở mở ra xem, mấy chục trang giấy vẽ đã dùng hết nửa già.

Cô lật tới bức tranh bình mình Ubud, có cầu vồng bảy sắc vắt giữa thinh không, mà anh vẽ hồi đi Bali hưởng tuần trăng mật; lật trang sau, là hồ bơi phủ cánh hoa, sáng ngời trong đêm, khăn trài bàn trắng muốt làm nổi bật ly rượu toả sáng rực rỡ; sau nữa là sân trường rót nắng lấp lánh, Thư Lộ đoán, có lẽ là ngôi trường mà hai người đưa Nhã Văn tới.

Thế giới trong tranh của anh giống thế giới trong mắt mấy bé mầm non, cũng muôn màu muôn vẻ, tươi tắn đến chói mắt. Chỉ ngặt một điều, trong tranh không vẽ người bao giờ, hiển nhiên có chút trống trải.

Bỗng Thư Lộ nghĩ, anh già giống viên phi công trong “Hoàng tử bé”, sống giữa thế giới người lớn, nhưng luôn mang trong mình một trái tim trẻ thơ. Vậy, có khi nào nỗi cô đơn đeo bám anh trong lúc anh miệt mài theo đuổi chân lý?

Tiếng chuông cửa bất ngờ vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của cô, cô bèn khoác áo ra ngoài mở cửa.

- Chào em.

Điền Tâm Nghi mỉm cười xuất hiện sau cánh cửa.

Thư Lộ ngạc nhiên nhìn chị, ngây ngẩn mấy giây mới nhớ ra phải mời chị vào nhà.

- Ờm… hôm nay Gia Tu đi làm ạ. – Thư Lộ sắp xếp lại ghế sô pha, đoạn mời Tâm Nghi ngồi xuống.

- Không sao, chú ấy ở nhà hay em ở nhà thì cũng vậy.

- Vâng ạ… – Thư Lộ không dám nhìn thẳng vào mắt Tâm Nghi. Trước mặt chị ấy, lúc nào cô cũng thấy tự ti.

- Vốn không định quay về, nhưng vừa hay có lịch đi Thái tham gia huấn luyện, nên mùng Một chị quay về đây. – Nụ cười của Tâm Nghi luôn trong leo lẻo: – Thực ra chị cũng sợ đêm Giao thừa không ai đón năm mới cùng mình nên đành hoãn một hôm.

Thư Lộ không biết phải nói gì, đành gượng cười đáp lại.

- Hôm qua chị ăn cơm với Nhã Quân Nhã Văn, Nhã Văn luôn miệng kể chuyện “thím út”, đến nỗi chị cũng cảm thấy hơi ghen.

- Ấy… – Thư Lộ vội vã khoát tay: – Không có đâu, bình thường cháu nó cũng hay nhắc tới chị trước mặt mọi người…

Tâm Nghi bật cười, tiếng cười có sức cảm hoá cực mạnh:

- Lúc em nói dối nhìn rất dễ thương.

- Dạ… – Nụ cười bỗng cứng đờ trên mặt Thư Lộ.

- Chị đùa thôi. – Tâm Nghi nói: – Nghe Nhã Văn nói thế, dù có đôi chút buồn lòng nhưng chị không trách em đâu, còn cảm ơn em là đằng khắc.

-?

- Chứng tỏ hằng ngày em rất để tâm chăm sóc hai đứa. – Vẻ thành khẩn hiện trong mắt chị.

- … Cũng không có gì đâu ạ. – Ánh mắt chị khiến Thư Lộ ngại ngùng.

- Chị biết mình là người mẹ tắc trách, nhưng đã chọn con đường hiện nay rồi thì chị cũng chuẩn bị sẵn tinh thần lúc về già, hai đứa con sẽ không ở bên chăm sóc bên mình. – Chị nói chuyện với dảng vẻ hết mực điềm đạm.

- …

- Chọn lựa của chị quá sức ích kỷ, nhưng quả thực chị không thể thuyết phục nổi lòng mình đừng chọn như thế. Nên lúc mẹ con gặp nhau, hai đứa nhỏ chịu gọi một tiếng “mẹ”, hoặc lúc chị không ở đây, thỉnh thoảng chúng vẫn nhớ chị, là chị đã mãn nguyện lắm rồi.

- …

- Chị lấy làm mừng vì ngoài ba chúng và chú út ra, hiện giờ đã có thêm một người yêu thương và chăm sóc chúng. Chị biết, mọi người đã làm rất nhiều thứ. Chị thực lòng cảm ơn.

Lần đầu tiên trong cuộc đời Thư Lộ thấy buồn thay Tâm Nghi. Giờ đây, ngồi trước mặt cô, không còn là một vị bác sĩ vĩ đại, không còn là một người phụ nữ dám yêu dám hận, không còn là một người vợ dám theo đuổi cái tôi đích thực, chị chỉ là một người mẹ day dứt khôn nguôi mà thôi. Hoặc giống như chị vừa nói, con đường này chị đã chọn, buộc lòng chị phải buông gia đình và con cái, nhưng không có nghĩa chị vất bỏ mọi thứ một cách dễ, một cách tuyệt tình. Nỗi khổ tâm của chị, người khác khó mà hiểu được, nhưng tình mẫu tử thì chẳng bao giờ thay đổi.

Vốn định hỏi Tâm Nghi về chuyện Nhã Quân nhưng sau rốt, ý nghĩ ấy bị cô xua ra khỏi đầu. Bởi cô chợt nghiệm ra một điều, trong lòng Tâm Nghi, Nhã Quân là con nuôi hay con đẻ – điều đó không quan trọng, không hề ngăn trở tình mẫu tử chị dành cho nó. Nhã Quân mãi mãi là “Hoàng tử bé” trong lòng mẹ.

Tiễn Tâm Nghi ra về, tận sâu đáy lòng cô bỗng trào dâng lòng ngưỡng đối với người mẹ và tình mẫu tử. Có lẽ Nhã Quân và Nhã Văn không bao giờ biết rằng, tuy mẹ chúng luôn đón hai đứa với nụ cười rạng rỡ trên môi, động viên chúng nhất định phải sống vui vẻ, nhưng lúc chia ly, lại buồn bã, bịn rịn hơn tất cả.

Tối đến, Thư Lộ đến ngân hàng đón Gia Tu tan làm. Hai người lại đến quán mì quen thuộc gần thư viện trước kia. Trong quán vẫn ồn áo náo nhiệt như mọi khi, tiếng nói chuyện rì rầm vang lên không dứt.

- Hôm nay, mình em ở nhà làm những gì rồi. – Gia Tu tháo kính xuống, cất vào hộp. Chỉ những lúc làm việc, anh mới đeo cặp kính có số độ cực nhẹ này.

- À… – Thư Lộ làm bộ đăm chiêu: – Nhiều việc lắm, anh không đoán được đâu.

Gia Tu nhìn cô:

- Trừ ăn uống ra, chắc sang thư phòng lục lọi đồ của anh, chán chê thì viết một đoạn bản thảo là cùng chứ gì.

Thư Lộ phật ý ra mặt:

- Còn chuyện nữa anh chưa đoán trúng đâu.

- Hở? Gì thế? – Anh già háo hức nhìn cô.

- Anh đoán đi.

- Anh không đoán được. – Anh rất thẳng thắn, và không thích người khác làm khó mình.

- … Chị Tâm Nghi đến chơi.

Tuồng như Gia Tu chẳng ngạc nhiên là mấy, anh chỉ nói bâng quơ:

- Anh nghe Gia Thần nói, cô ấy về ăn Tết.

- Chị ấy đến để cảm ơn em. – Nhớ tới Tâm Nghi, Thư Lộ bỗng cảm thấy mình thật không xứng với lời cảm ơn của chị.

- Hử? – Anh hờ hững đáp lại, dường như cũng đang mải suy nghĩ gì đó.

- Chị ấy nói, cảm ơn em đã săn sóc Nhã Quân và Nhã Văn.

- …

- Nhưng mà… em thấy mình đã làm được gì đâu. – Thư Lộ rầu rĩ nói. Mà chính ra, không ai xung quanh đủ sức làm gì cho bọn nhỏ, là tự bản thân hai đứa luôn kiên cường, mới có thể vượt qua tổn thương để mà vui sống.

- Em làm rất nhiều. – Gia Tu dịu dàng nhìn cô: – Em không biệt đãi bọn nhỏ vì chúng không có một gia đình hoàn chỉnh, đó là điều chúng cần nhất.

- Em… – Cô ngơ ngác, nói không ra lời.

- Là bởi em không tội nghiệp chúng, cũng không kì thị hai đứa nó, mà em giao lưu với chúng bằng trái tim thực lòng muốn giúp đỡ. Anh nghĩ đây là việc tốt nhất mà những người đứng ngoài như chúng ta có thể làm.

Thư Lộ bật cười, thì ra trong mắt cô, những chuyện vốn chỉ là lẽ thường tình, lại trở nên vĩ đại đến vậy trong mắt Gia Tu.

Còn trên thực tế, Gia Tu trong mắt cô cũng vĩ đại không kém. Những lúc lạc lõng, anh luôn động viên cô; những lúc kiêu ngạo, anh luôn nhắc nhở cô. Anh giúp cô nhìn nhận nhiều việc, dạy cô biết cách cân nhắc vấn đề.

Cô cũng nên cảm ơn anh, phải không nhỉ?

Ngày cuối cùng của tháng Hai, vừa từ phòng thu đi ra, Thư Lộ liền mở di động, tức thì một cuộc gọi ào đến.

- Thư Lộ! – Mẹ cô thở hổn hển ở đầu dây bên kia: – Thư Linh sinh non rồi!

Cô hẵng nhớ, hôm đó là một ngày rối ren chưa từng có. Liền sau cuộc điện thoại của mẹ là Gia Tu gọi tới, anh nói sẽ đến đón cô ngay lập tức.

Trên taxi, ruột ganThư Lộ nóng như lửa đốt. Thư Linh mang thai khi tuổi đã cao, lại thêm sinh non, có lẽ đây là đại hạn lớn nhất trong cuộc đời luôn thuận buồm xuôi gió đến tận bây giờ của chị.

Đứng ngoài phòng phẫu thậu, lần đầu tiên Thư Lộ chứng kiến cảnh ba mẹ dìu nhau, tay trong tay siết chặt. Gia Tu cũng nắm tay cô, nhìn vào mắt anh mới khiến trái tim cô lấy lại nhịp đập bình tĩnh.

Gia Tu vỗ vai Kiến Thiết, tỏ ý chớ lo lắng, rồi mọi việc sẽ ổn.

Cả nhà đợi chờ trong nôn nóng, Kiến Thiết không ngừng gọi điện quốc tế. Gia đình anh cũng sốt ruột không kém. Thư Lộ thương chị, mấy lần vành mắt đỏ hoe nhưng vẫn gắng gỏi cầm dòng nước mắt.

Cuối cùng, sau bốn tiếng đồng hồ, y tá bước ra thông báo với gia đình cả mẹ lẫn con đều bình an, ngặt nỗi đứa bé rất yếu, phải nuôi trong lồng kính. Giây phút ấy, nước mắt Thư Lộ cứ thế đua nhau trào ra. Còn Kiến Thiết, anh òa khóc nức nở như một đứa trẻ.

Em bé được đưa ra trước tiên, khuôn mặt rúm ró cau có, nom vẻ cực đáng sợ, chắc vừa chịu lễ rửa tội sau khi chào đời, nên thằng bé không được vui cho lắm. Song trong lòng Thư Lộ, thằng bé luôn là Hoàng tử bé của cả nhà.

Một lúc sau Thư Linh mới được đẩy ra, khuôn mặt trắng bệch cắt không ra giọt máu, nhưng thấy cả nhà và con trai, chị vẫn nở nụ cười yếu ớt. Kiết Thiết ôm chị, khóc rưng rức. Bà mẹ dũng cảm Thư Linh vỗ đầu anh, ý khuyên anh đừng khóc nữa, phải kiên cường lên.

Thư Lộ và Gia Tu về đến nhà lúc mười giờ tối. Cô có cảm giác mình vừa trải qua một ca sinh đẻ, tuy không đau đớn về thể xác nhưng nhìn cháu trai được ẵm ra, bỗng nhiên cô có cảm giác mình cũng như mẹ đẻ nó. Bởi lẽ, cô cũng ngong ngóng thằng bé chào đời y hệt Thư Linh, đồng thời cũng cầu mong nó lớn lên khoẻ mạnh bình an.

- Thằng cha Kiến Thiết đúng là đồ vứt đi. – Anh già vừa đánh răng vừa bảo:

Thư Lộ đứng dựa bên cửa:

- Nếu đổi lại, người đợi bên ngoài là anh, còn em đang đánh vật bên trong, anh sẽ thế nào?

- … – Anh ngừng động tác tay, mắt nhìn cô qua tấm gương: – Không rõ, mà anh sẽ trốn vào nhà vệ sinh nếu có khóc.

- … – Thư Lộ cố gắng vận dụng trí tưởng tượng, song thật khó để hình dung bộ dáng nức nở của anh già.

- Đợi lúc em ra ngoài, anh sẽ lau nước mắt, tươi cười đón em. – Nói rồi, anh lại tiếp tục chải răng.

- Thật ạ? – Thư Lộ hơi rung rinh cảm động.

- Thật. – Anh ngậm ngụm nước rồi nhổ ra: – Nếu lúc đó anh chưa ngất.

- …

Đêm đó, Thư Lộ có một giấc ngủ an lành, cô nằm mơ, thấy mình ẵm một đứa nhỏ sơ sinh, từ phòng đẻ ngênh ngang đi ra. Anh già run rẩy hết hồn, thấy cô ra, mừng quá xỉu luôn. Bác sĩ và y tá hô hào cấp cứu cho anh, cô cười hả hê mấy tiếng, rồi lại khệnh khạng tiến về phòng bệnh…

Chỉ hiềm giấc mơ ấy, cho đến cùng đã không thành hiện thực.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio