Hoa Vàng Mấy Độ

chương 1: chương 1

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

- Á! Đồ quỷ! Mầy biết tay tao nghe My My!

Lam Uyên vừa la vừa bước nhanh về chiếc bàn mica. Con mèo mướp giật mình giương đôi mắt xanh lá cây nhìn Uyên, rồi phóng mình chui tuốt xuống gầm giường mang theo gói khô bò cô vừa mua lúc sáng.

Dậm chân tức tối, Uyên với tay lấy cây chổi lông gà quơ nhanh dưới gầm giường:

- Có chui ra không nào?

Con mèo tinh quái vẫn im hơi lặng tiếng. Lam Uyên khom lưng nhìn vào gầm, lòng tức anh ách. Tìm quanh quất không ra vật gì dài hơn cây chổi để có thể quơ trúng… bà cô của cọp, Uyên hầm hừ đi tới đi lui, mồm lẩm bẩm…. Cô tiếc gói khô bò thì ít, nhưng ghét con mèo không bao giờ biết bắt chuột nầy lại nhiều. Hừ, xem ra dì Kiều Mai quý nó hơn cô gấp mười lần.

Nghĩ như vậy tự dưng chút tủi hờn trong lòng Uyên chợt bùng lên, cô phóng đại cây chổi vào trong, con mèo vọt ra cửa vừa lúc Hưng bước vô.

Lam Uyên vội hét:

- Bắt nó cho em mau lên.

Hưng nhào tới chụp con My My y như thủ môn chụp banh, nhưng với trái banh có tới bốn chân nầy anh không chụp trúng, đã vậy còn bị té xuống gạch. Hưng lồm cồm ngồi dậy trong tiếng chắt lưỡi của Uyên:

- Cái con quỷ nầy nhanh thật! Em mà bắt được, dứt khoát bỏ nó vào giỏ đệm đem vứt vào đống rác.

Hưng nhún vai:

- Nó làm gì mà em hăm dọa nghe ghê vậy?

- Khô bò mua về chưa kịp ăn, nó đã phổng chân trên. Đúng là thứ mất dạy.

- Ấy, coi chừng động chạm. Chửi mèo mắng chó cũng phải nể mặt người nuôi chớ! Dì Mai mà nghe thì em liệu hồn.

Lam Uyên bĩu môi:

- Nhịn người rồi phải nhịn cả … mèo. Em chán ngấy rồi đó.

Hưng an ủi:

- Thôi đừng chán nữa. Anh đền cho hai gói khô bò Tuyền Kỳ đàng hoàng.

Lam Uyên hếch mũi:

- Chắc không đời nào anh tốt bụng ngang xương như vầy. Muốn gì? Nói đi !

Giọng Hưng ngập ngừng, anh hơi quê trước cách nói của Uyên, nhưng vẫn phải hỏi:

- Đưa … thơ dùm anh chưa?

Uyên nheo nheo mắt:

- Thơ gì nhỉ?

- Đừng có giỡn. Em đưa Vi Lan rồi phải không?

Lam Uyên lơ lửng:

- Thời đại bây giờ còn thư với từ. Có điện thoại sao anh không nhấc máy lên rồi ân cần, âu yếm, ngọt ngào, nhỏ nhẹ nói: “Anh i…ê….u …em” khỏi phải nhờ giao liên!

Hưng ngắt ngang:

- Con nhỏ nầy rắc rối, em đưa thơ rồi phải không?

Lam Uyên nghiêm mặt:

- Em không biết chuyện thơ từ gì hết nghen. Anh kêu em đưa Vi Lan cuốn thơ “Em muốn dang tay giữa trời mà hét”, em đã làm xong bổn phận.

Hưng thở phào:

- Vậy thì tốt, chiều nay sẽ có hai gói khô bò.

- Em thấy hai gói chưa đủ si-nhê đâu.

Hưng trợn mắt:

- Định bóc lột hả? Vậy thì ra sân bóc lột con My My đi. Dầu sao thơ cũng vào tay Vi Lan rồi, con nhóc ạ. Anh cho em nhịn luôn đó.

- Cuốn thơ thì chắc nhỏ Lan đọc rồi, nhưng lá thơ thì chưa đâu.

Mặt Hưng xụ xuống:

- Em định …. chơi anh hả Uyên?

Lam Uyên thản nhiên đáp:

- Anh… chơi em thì có. Nhét thơ vào trong quyển sách mà không chịu khai thiệt, làm con người ta cong đuôi đạp xe đến đưa cho Vi Lan tới hồi về nhặt thấy lá thơ rớt lại trong giỏ xe, phải đạp trở lại đưa nó lần nữa mệt hụt hơi, mà nó còn không thèm nhận…

Hưng rên lên nghe thảm hết biết:

- Trời ơi, sao em vô ý quá vậy. Chết anh rồi. Quan trọng là lá thơ, chớ cái cuốn dang tay, dang chân gì đó thì nhằm nhò gì.

Lam Uyên mai mỉa:

- Tại dang tay, dang chân nên mới rớt thư ra đó chứ. Nếu đứng bình thường chắc yên chuyện rồi.

Hưng nóng nảy:

- Vậy lá thơ đâu?

Thấy bộ dạng Hưng, Lam Uyên phá ra cười:

- Tội quá ông ơi, tui năn nỉ một hồi con nhỏ nhận tuốt. Bởi vậy người ta nói hai gói khô bò là còn quá ít. Mà em hỏi thật, bộ anh “kết” nhỏ Lan hả?

Lừ mắt, Hưng nạt:

- Tò mò tọc mạch chuyện người lớn.

- Không có con nhỏ tò mò nầy lấy ai cho anh sai vặt. Đúng là làm ơn còn bị mắng.

Hưng vuốt:

- Nói chơi một chút đã lẫy. Em lúc nào cũng là quân sư của anh mà.

Lam Uyên chớp mắt:

- Hông dám đâu! Bộ anh có hẹn với Vi Lan sao lên đồ kẻng quá vậy?

- Anh tới chỗ thằng bạn hỏi nó chuyện xin việc làm cho em.

- Nhưng làm ở đâu? Và làm việc gì?

- Công ty may đồ xuất khẩu của ba nó cần một người thành thạo vi tính và có học qua nghiệp vụ xuất khẩu. Em chịu đi làm chỗ nầy không?

Giọng Lam Uyên có vẻ cam phận:

- Anh xin được việc ở đâu, em làm ở đó. Em đã nói vậy rồi mà. Dầu sao có một việc làm vẫn tốt hơn ở không vô tích sự trong ngôi nhà ai cũng có công việc hết. Ngày nào ngồi vào mâm cơm, dì Mai cũng nói xa nói gần, em chịu hết nổi rồi.

Hưng lặng thinh nhìn em gái. Lam Uyên đang hất cái cằm chẻ bướng bỉnh lên và đôi môi hơi trề ra. Bao giờ nhắc đến dì Mai, con bé cũng có thái độ như vậy.

Anh không trách em gái mình dù Lam Uyên hơi ích kỷ, độc đoán và ngang, nhưng ngược lại anh thầm trách Kiều Mai, người đàn bà có nét đẹp sắc sảo đang sống chung với ba anh, người đã chi phối toàn bộ gia đình anh. Bà ta lợi dụng tính hiếu thắng của Lam Uyên để khích bác chia rẻ tình cha con của anh em anh. Điều đáng buồn là ba Hưng luôn nghe lời ba Kiều Mai mới khổ. Tuy ông không mở miệng la rầy, nhưng lúc nào ông cũng lý giải vấn đề nghiêng theo ý bà vợ kế trẻ hơn ông cả mười hai tuổi.

Lam Uyên chợt hỏi:

- Anh nghĩ xem em có cần hỏi ý ba không.

Hưng mệt mỏi:

- Ý dì Mai cũng là ý ba. Hỏi làm gì nữa.

Cô ngập ngừng:

- Nhưng em muốn chính ba, chớ không phải bà ta buộc em đi làm.

- Dĩ nhiên không đời nào ba nói thẳng ra ý nghĩ đó vì ông dư sức nuôi em. Anh thấy em cứ đi làm rồi hãy nói với ba và dì Mai thì hay hơn.

- Như vậy chẳng khác nào mình coi không có ba.

Giọng Hưng khô khan:

- Đôi khi phải làm ra kiểu bất hiếu để ba nghĩ lại xem tại sao con cái hành động như thế.

Lam Uyên buồn bã:

- Anh tính sao thì tính. Quyền huynh thế phụ mà. Nhưng trong trường hợp nầy em thấy đau làm sao ấy, đúng là con mồ côi mẹ, cũng may em còn có anh hai…

Hưng bật cười:

- Cha, bây giờ mới biết có anh hai là sướng. Để mỗi lần nhờ tí việc thì em làm eo làm sách. Thôi anh đi nghe.

Lam Uyên ra mở cửa cho Hưng rồi thơ thẩn trở vào.

Đi làm! Điều nầy qủa là hoàn toàn mới. Uyên chưa cần đi làm để kiếm tiền nuôi thân, nhưng hiện tại cô cần đi làm để thoải mái, để tự do và để thấy mình đã lớn

Bước lên hàng hiên, Lam Uyên chợt thấy con My My. Cô nhào tới, con meo quái quỷ chạy vào phòng làm việc của ba cô, Uyên hầm hừ … phóng theo và hơi hẫng khi thấy bà Kiều Mai đang đưa tay ôm nó vào lòng, miệng ngọt ngào như đang hát ru:

- Làm gì mà chạy cong đuôi vậy con? Lại đây với mẹ nào My My.

Người Lam Uyên nổi ốc khi nghe từ mẹ con được thốt lên từ đôi môi hơi dầy đầy gợi tình của Kiều Mai, cô quay ngoắt người lại, chưa bước được bước nào đã nghe tiếng ông Trí hỏi:

- Anh hai con đi đâu vậy Uyên?

Cô chưa kịp trả lời, bà Kiều Mai đã nói:

- Anh hỏi lạ thật, con nó ăn mặc đẹp thế kia thì đi tới các cô chớ đi đâu nữa. Còn trẻ cần có thời gian chơi đùa, vui thú, phận già như chúng ta thì phải ráng cày cho tới hết cuộc đời. Hy sinh một chút vì con cái cũng là hạnh phúc, đúng không anh?

Ông Trí cười xòa:

- Em đâu đã già, trông em như chị tụi nhỏ.

- Nhưng vì bọn trẻ, em già cũng được mà. Phải không My My. Suốt ngày mầy chỉ ăn rồi chơi, đã vậy còn chọc người khác giận nữa chớ. Mèo không biết bắt chuột, nuôi mầy vô tích sự quá.

Lam Uyên nén sự căm ghét xuống, cô nửa đùa nửa thật:

- Đúng là con My My nầy vừa vô tích sự vừa hay ăn vụng. Lúc nãy mà bắt được nó là con bỏ vào bao thảy xuống sông rồi.

Ông Trí nhăn mặt:

- Con gái con đứa ăn nói nghe ác quá. Phải dịu dàng, nhỏ nhẹ cho quen đi.

Kiều Mai ngọt ngào:

- Đừng rầy con. Nó mất mẹ từ lúc chưa biết nói. Anh với thằng Hưng là đàn ông, hai người có dịu dàng, nhỏ nhẹ đâu mà con nhỏ bắt chước. Cái gì cũng từ từ, xem ra ở gần em, Lam Uyên có nhiều thay đổi đó chớ.

Ông Trí nghiêm mặt:

- Lúc nào em cũng bênh tụi nó. Lớn cả rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa. Ở tuổi nầy, con người ta đã lăn xả vào đời kiếm sống, đâu phải ai cũng sung sướng như chúng, từ cái ăn đến cái mặc nhất nhất đều có người lo.

Quay sang Lam Uyên, ông cao giọng:

- Thằng Hưng đi đâu Uyên.

Lam Uyên xẵng giọng:

- Anh đi xin việc làm cho con.

- Cái gì? Nó đi xin việc cho con? Ai biểu vậy?

- Con nhờ anh.

- Hừ. Con vẫn còn có ba mà Uyên. Ba có để con thiếu thốn bao giờ đâu mà phải đi xin việc làm.

Lam Uyên nhếch môi:

- Tại đầy đủ quá nên con đâm chán. Con đâu muốn mình là người vô công rỗi nghề hay muốn ba và dì phải hy sinh quá nhiều vì con. Con muốn đi làm , con muốn thành người lớn.

Kiều Mai gật gù:

- Biết tự lập là tốt, nhưng sao con không nhờ ba hay dì tìm chỗ làm. Ba và dì quen biết thiếu gì.

- Con muốn anh hai tìm việc làm cho con, vì dầu sao anh cũng hiểu ý và biết khả năng con hơn.

Ông Trí khó chịu:

- Con muốn trách ba không quan tâm tới con phải không?

Lam Uyên ngập ngừng:

- Con chỉ muốn làm theo ý mình.

- Hừ, còn ý của ba thì sao?

- Ba không bao giờ có ý kiến riêng, ý của ba phải là ý kiến độc lập kia con mới chấp nhận.

Kiều Mai đứng bật dậy:

- Xin lỗi, tôi đi khỏi nơi nầy thì tốt hơn. Nếu không Lam Uyên sẽ nghĩ anh nghe lời tôi trong mọi chuyện.

Ông Trí kêu lên:

- Em làm gì vậy? Đi chấp nhất lời trẻ con à? Chính vừa rồi em bảo con Uyên vụng ăn vụng nói, bây giờ lại trách nó?

- Trẻ con sao biết tự ý đi xin việc làm rồi còn trách khéo lại cha mẹ? Chúng nó không trẻ con đâu.

Lam Uyên thản nhiên nhìn Kiều Mai làm bộ làm tịch, bà ta hất con mèo một cái làm nó hết hồn phóng qua cửa sổ chạy mất. Cô muốn rút lui khỏi đây vô cùng nhưng chưa biết làm sao.

Tiếng chuông cửa vang lên inh ỏi làm Uyên mừng trong bụng, cô lẹ làng nói:

- Để con ra xem ai.

Ông Trí ngăn lại:

- Khoan đã, ba chưa dứt khoát việc xin đi làm của con mà.

Ngần ngừ một tích tắc, Lam Uyên vụt nói:

- Nhưng con dứt khoát rồi. Con sẽ đi làm đó.

Dứt lời cô chạy vội ra sân. Uyên hơi ngạc nhiên khi thấy Vi Lan đang đứng cạnh chiếc Chaly màu lá cây.

Vứt qua một bên những phút căng thẳng vừa rồi, Lam Uyên hất hàm:

- Tìm tao hay ông Hưng?

Vi Lan chau mày:

- Hỏi câu… dễ xa nhau ghê! Mầy nghĩ tao tìm ông Hưng để tao về vậy.

Kéo tay Lan thật mạnh, Uyên cười gượng:

- Đùa chút mà, tao đang bực bội quá. Tốt nhất là tụi mình lang thang ngoài phố hết chiều nay.

Vi Lan nhún vai:

- Được thôi, vào thay đồ đi.

Nheo mắt với Lan một cái, Uyên chạy ào vào nhà.

Cô chọn ình chiếc quần jean bạc phếch, chiếc áo vải gai màu xám thật nhạt. Xỏ chân vào đôi giầy mọi, Lam Uyên thầm nghĩ có lẽ bộ đồ bụi đời nầy hợp với tâm trạng đang muốn quậy phá hiện giờ của cô. Cho tay vào tủ lấy tiền, Uyên đút vội mọi thứ vào túi quần rồi vọt trở ra.

Nếu được, cô sẽ về thật khuya, thử xem ba cô la toáng lên không cho biết.

Vi Lan rồ ga:

- Đi đâu đây … em?

Vòng tay ôm eo Lan, Uyên cười:

- Chị Hai cho đi đâu cũng được.

Lan gắt lên:

- Nói bậy, tao ầy xuống đường bây giờ.

Uyên làm tới:

- Đố mầy dám, ông Hưng khai thật với tao hết rồi. Mầy liệu hồn, tao là bà ở nỏ mồm thứ thiệt đó.

- Vừa thôi quỷ à, mầy như thằng con trai chẳng tế nhị, thông cảm gì cho những người như tao với anh Hưng.

Uyên cắc cớ:

- Người như mầy với anh Hưng là người… làm sao?

Lan cười trừ:

- Mầy phải có một người già tay trị mới được Uyên ạ.

- Nhưng hắn ta bây giờ ở đâu? Tao cũng đang nôn gặp để xem ai trị ai cho biết.

- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ mà. Mầy lo chi ệt chớ.

Đang phóng xe ngon lành, Lan bỗng tấp vào lề:

- Vào đây ăn kem mầy, đi hoài hít khói xe ngộp quá.

Hai người gọi xe rồi bước vào một quán kem khá sang.

Đang đưa mắt tìm chỗ ngồi, Lan bỗng nghe có tiếng gọi:

- Hê Lan, Uyên, tới đây tới đây.

Nhận ra Hồng Linh ngồi với hai người lạ, cả Lan va Uyên đều thấy khó xử. Cuối cùng Lam Uyên lên tiếng từ chối:

- Linh tự nhiên đi, hai đứa mình ngồi đây được rồi.

Nói thì nói vậy, nhưng khổ nỗi quán kem đông nghẹt chẳng còn bàn nào trống. Vi Lan và Lam Uyên loay hoay mãi chẳng tìm được chỗ ngồi.

Đang nhăn nhó vì … xui, Uyên bỗng bị đập vào vai:

- Lại ngồi chung cho vui, mầy đứng chờ thời hơi lâu đó.

Vi Lan khách sáo:

- Có phiền không?

- Xời ơi, anh tao chớ ai mà phiền.

Lam Uyên nhún vai:

- Vậy thì tốt, tao đang khoái làm phiền người khác đây.

Hồng Linh lườm cô:

- Mầy lúc nào cũng giỏi nói, anh tao không phải cục bột đâu mà ham.

Hồng Linh ấn hai người ngồi xuống kế mình rồi tíu tít giới thiệu:

- Lam Uyên, Vi Lan bạn học chung hồi phổ thông với em. Còn đây là anh Duy, anh hai tao, chị Tố Nga “người tình trăm năm” của ảnh.

Lam Uyên thoáng thấy Duy hơi cau mày một chút, cô có cảm tưởng anh ta không bằng lòng cách giới thiệu thiếu vẻ nghiêm túc của Hồng Linh, trong khi “người tình trăm năm” của Duy thì cười thật tươi, cô ta hãnh diện ra mặt khi nghe Hồng Linh giới thiệu như vậy.

Tự nhiên Uyên lại hướng mắt về Duy và ngầm so sánh anh hai mình với anh hai của Hồng Linh.

Nhìn bề ngoài, có lẽ hai người trạc tuổi nhau, nhưng trông Duy nghiêm nghị, già dặn, lạnh lùng chớ không vui nhộn, trẻ trung và dễ gần như anh Hưng của cô. Duy có vẻ giống ông cụ non quá! Lam Uyên chớp mắt, cô tự hào về anh mình rồi không thể ngăn được cảm xúc rất trẻ con, Uyên ném cái nhìn ác cảm về phía Duy. Cái nhìn của cô bộ dữ dội lắm hay sao mà anh ta đang lơ đãng ngó chòm đèn pha lê trên trần bỗng sững lại rồi bất ngờ nhìn trả lại Uyên với vẻ ngạc nhiên.

Cô ương ngạnh ngó lại, một giây, hai giây rồi ba bốn năm giây.

Mặt anh ta đẹp và lì gớm ấy chớ. Nhưng lẽ nào Lam Uyên chịu thua đôi mắt lì ấy? Duy là anh hai nhỏ Hồng Linh chớ có phải anh hai mình đâu mà chưa chào hỏi nhau, anh ta đã trừng mắt thị uy thế nầy.

Hồng Linh đập vào tay Uyên làm cô giật mình, tủm tỉm cười cô quay sang và nghe Lan nói lòng vòng:

- Hôm nay là sinh nhật của anh Duy. Chị Tố Nga sẽ chiêu đãi mọi người một chầu vui hết ý. Phải vậy không…. thưa hai anh chị?

Vi Lan thắc mắc:

- Sao kỳ vậy? Sao lại là chị Nga đãi?

- Có gì đâu mà kỳ, anh Duy không nhớ ngày sinh của mình, chị Nga lại nhớ, thế là tổ chức dùm. Lẽ ra tao là khách mời duy nhất, nhưng tao vốn thích đông vui, dầu hơi hao một chút nên nhìn thấy tui bay, tao phải kéo vô cho được mới thôi.

Nhìn quanh một vòng, Hồng Linh hí hửng:

- Bây giờ phải vui hơn lúc nãy không anh hai?

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio