Hoa Vàng Mấy Độ

chương 13: chương 13

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Quang chắc lưỡi :

- Em lúc nào cũng giỏi trêu người khác, giỏi làm người khác phải nhớ tới em mãi. Nói thật, em thôi việc, anh buồn lắm. Anh thích mẫu phụ nữ có cá tính như em.

- Còn em lại ghét mẫu đàn ông lẻo mép, mình khó hòa hợp lắm.

Quang tỉnh bơ trước lời mai mỉa của Uyên.

Anh hỏi :

- Dạo nầy em làm việc ở đâu ?

- Trung tâm dịch vụ du lịch Hoa Lan.

Quang nhíu mầy :

- Hình như anh có nghe tên, nhưng chưa rõ chức năng của nó.

- Thì chức năng của nó là du lịch chớ gì đâu mà chưa rõ.

- Không đơn giản như em nói đâu. Trước đây cũng có một trung tâm dịch vụ du lịch với một lô chức năng nhớ chả nổi, đã bị đóng cửa.

Lam Uyên ngạc nhiên :

- Sao lại bị đóng cửa ?

Giọng Quang thản nhiên:

- Vì nó làm chức năng “dịch vụ mai mối hôn nhân với người nước ngoài". Thật ra đấy là một tổ chức phi pháp với kiểu lừa đảo “lấy chồng nước ngoài” để mua bán phụ nữ với hình thức hôn nhân. Các cô gái theo chồng ra nước ngoài rồi chắc không có ngày về mà chỉ có ngày sa chân vào những động chứa nơi đất lạ quê người.

Lam Uyên chột dạ. Cô ngẫm nghĩ rồi nói :

- Trung tâm dịch vụ Hoa Lan mướn khách sạn của ba em để đặt cơ sở, dì Kiều Mai là phó giám đốc, chả lẽ có gì sai quấy, trong khi em làm tại đó ?

Quang vội vàng nói tránh đi :

- Nếu dì Mai làm phó giám đốc thì chắc chẳng có gì đáng nói. Anh đưa ra thắc mắc tại Mai Phương cũng nghỉ việc rồi …

- Ủa ! Tại sao lại nghỉ ! À ! chắc một trăm phần trăm là tại anh.

- Sao lại tại anh ? Thề có đất trời, anh chưa bao giờ hứa hẹn gì với Mai Phương hết. Cô ta nghỉ việc để đi lấy chồng kia mà ! Tại Mai Phương lấy chồng ngoại kiều, nên anh mới thắc mắc ấy chớ.

- Anh thắc mắc về vấn đề gì ? Biết đâu số phận chị Phương lấy chồng xa xứ thì sao ?

Đẩy ly kem về phía Lam Uyên, Quang nhăn nhó :

- Phương lấy chồng gần, chồng xa gì anh cũng mặc, vì tự cô ấy chọn lựa mà. Có điều Mai Phương lại rủ thêm một số công nhân có tay nghề cao trong xí nghiệp cùng …. đi lấy chồng với mình, mới khổ cho anh chớ.

Lam Uyên buột miệng :

- Trời ơi ! Chồng ở đâu mà lắm thế ?

Dứt lời cô đỏ mặt vì thấy mình vô duyên quá. Ai ngờ Quang gật gù :

- Anh đã từng kêu trời như em. Hỏi Mai Phương, cô ấy bảo rằng “người ta có chồng không mừng dùm thì thôi, sao còn tra với hỏi”.

Lam Uyên cười thật vô tư :

- Chỉ trách khéo anh đó.

- Trách thì trách, nhưng công nhận nghỉ một lúc cả chục người, anh phải hỏi cho ra mới thôi.

- Vậy anh hỏi ra chưa ?

Quang tự hào :

- Dĩ nhiên là ra rồi. Anh hỏi Tú Anh …. Em biết Tú Anh chứ ? Con bé có hai lúm đồng tiền ấy. Và được biết có một trung tâm chuyên làm việc mối mai gái Việt Nam với người nước ngoài lo chuyện lấy chồng cho nó.

Lam Uyên thắc thỏm nói :

- Trung tâm nào ? Ở đâu ?

- Anh không biết. Vì nó giấu.

- Sao lại giấu nhỉ ?

Không trả lời, anh tiếp tục kể :

- Anh gặp ba Tú Anh, đãi một chầu bia ổng mới khai: mỗi cô gái đồng ý lấy chồng nước ngoài sẽ được nhận ba ngàn đô la, sau đó sẽ xuất cảnh theo chồng.

Quang chép miệng :

- Số tiền quá lớn so với lương một công nhân may quần áo xuất khẩu, ai mà không ham. Không khéo xí nghiệp của anh mất hết người vì các cô đèm đẹp cứ rủ nhau đi lấy chồng Đài Loan. Bởi vậy, theo anh biết, dạo nầy Mai Phương tích cực vận động, tìm người giới thiệu cho trung tâm dịch vụ mai mối ấy để kiếm tiền.

Lam Uyên sửng sốt :

- Thật không ngờ lại có chuyện nầy. Nhưng vậy có hỏi ra tên Trung tâm dịch vụ đó chưa ?

Quang lắc đầu :

- Chưa ! Nhưng chắc trung tâm cũ đội mồ sống lại.

Tự nhiên Lam Uyên hồi hộp. Cô nhớ gương mặt xảo trá của Ngô Vĩnh Kỳ, vẻ điêu ngoa của bà Kiều Mai và lo lắng. Nếu như …

- Ăn đi Lam Uyên, kem tan hết rồi kìa.

Lam Uyên gượng cười. Cô múc một muỗng kem cho vào miệng và hỏi :

- Anh đợi bạn hả ?

- Không ! Anh đợi Tố Nga … Sao ? Em ngạc nhiên à ?

Cô gật đầu thú nhận :

- Thật bất ngờ.

Cười to với vẻ thích thú, Quang nói :

- Tất cả là nhờ em, bởi vậy anh nhất định phải đãi em một bữa cơm Tàu mà.

Vẫn chưa nghĩ ra ý của Quang, Uyên ngơ ngác :

- Sao lại nhờ em ? Anh muốn nói là … là …

- Là nhờ em xuất hiện mà Tố Nga đã trở về với anh. Cô ấy hận anh chàng Duy thấu xương.

Lam Uyên trố mắt nhìn Quang, anh hồ hởi nói :

- Dạo nầy hai người vui vẻ chớ ?

Cô gượng gạo đáp :

- Cũng bình thường.

Vốn rất tinh ý, Quang nhíu mầy :

- Bình thường sao em lại lang thang không chủ đích ?

Thấy Lam Uyên im lặng, Quang hỏi :

- Duy lại chuyển hướng nữa rồi sao ?

Lam Uyên lắc đầu :

- Ảnh đang bận nhiều việc lắm, và em không muốn để ảnh lo ình nên phân chia thời gian gặp nhau.

- Theo anh biết, Duy là người làm việc theo cảm tính nhiều hơn nguyên tắc. Đã vậy anh ta lại rất đa tình, dễ gì Duy chịu gặp em theo đúng thời gian biểu đã phân chia.

- Khi thật sự yêu, người ta vẫn thay đổi để thành người tốt cơ mà.

Quang cười rất đểu, anh ta nhìn ra cửa quán rồi bảo :

- Vậy nếu đúng theo lịch, chiều hôm nay hai người không gặp nhau vì Duy bận việc chớ gì ? Chà ! Bận việc gì vậy ta ?

Vừa nhâm nhi kem, Uyên vừa khe khẽ gật đầu. Tâm trí cô cứ mãi để vào chuyện trung tâm dịch vụ quỷ quái Quang mới kể, nên không để ý đến hai người vừa bước vào quán. Mãi khi Quang đứng dậy chào ai đó, Lam Uyên mới ngước lên, cô suýt đánh rơi cái muỗng bạc nhỏ xíu khi thấy Duy đang hờ hững bắt tay Quang. Mắt anh nhìn đi đâu như chẳng biết cô đang ngồi chết trân một chỗ.

Quang vã lã :

- Không ngờ gặp nhau tận chốn nầy. Nơi mà tôi nghĩ ít có khả năng gặp người quen nhất.

Uyên nghe Duy cười nhẹ :

- Không nghĩ gặp mà gặp mới thú vị chớ ?

Quang lịch sự kéo ghế :

- Mời anh và … xin lỗi mời bà ngồi với chúng tôi cho vui.

Lúc nầy Uyên mới kịp tỉnh hồn để nhìn đến người đi cùng Duy. Anh giới thiệu :

- Mợ Thanh vừa ở Canada về với mẹ tôi. Đây là anh Quang, phụ tá đắc lực của ba cháu và … bạn gái của anh ấy … anh có số đào hoa đến mức tôi phải ganh tỵ đấy.

Quang cười cười :

- Anh khéo nói đùa đến mức làm người khác cười ra nước mắt. Tôi làm sao tài bằng anh được.

Thấy Duy cứ lưỡng lự, bà Thanh nhắc :

- Chúng ta ngồi chung cho vui đi Duy.

Uyên nhìn Duy, nhưng mắt anh hướng về nơi khác. Thời gian trôi chậm đến mức Uyên nghe rõ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cô đeo trên tay.

Giọng Duy lạnh lùng vang lên :

- Có lẽ mình đi tiệm khác thì hay hơn. Nơi đây không hợp với cháu.

Mặt Uyên tái hẳn đi, cô thấy bà Thanh nhìn mình ngạc nhiên, rồi cô nghe tiếng bà nhỏ nhẹ :

- Tiếc thật ! Đành chiều ý cháu vậy, trong khi mợ lại thích ngồi cạnh cô bé dễ thương nầy.

Nở nụ cười điêu luyện chỉ có ở những nhà ngoại giao, bà Thanh nói :

- Tôi vẫn chưa biết tên cháu. Người đẹp thế nầy, chắc tên cũng phải đẹp.

Lam Uyên vừa đau đớn trước thái độ phũ phàng của Duy, vừa bực dọc trước cử chỉ, lời nói đầy vẻ ngọt ngào giả dối của bà Thanh nên cô ngang ngạnh đáp :

- Xin lỗi ! Cháu không có thói quen giới thiệu tên mình với người xa lạ.

Rồi Lam Uyên hả hê khi thấy vẻ ngỡ ngàng của bà Thanh. Cô cắn môi nhìn theo Duy đến lúc anh dìu bà ta đi khuất dạng cuối đường.

Vậy là Duy trở về nhà vì bà mợ tuy có tuổi nhưng vẫn còn xuân sắc nầy. Anh phớt lờ, thậm chí không thèm giới thiệu tên cô vì người đàn bà đó.

Ngực Uyên như vừa bị ai đấm vào đau nhức nhối. Cô muốn chết được khi nghĩ Duy không đến với cô, vì anh đã hết yêu như anh từng nói.

- Sao ? Muốn khóc mà khóc không được phải không ? Bướng bỉnh thì tốt, nhưng phải có mức độ. Em đã làm gì để hắn ta giận đến mức … bán cái em cho anh không chút ngượng mồm vậy ? Giận nhau lâu chưa ?

Lam Uyên cộc lốc :

- Hơn nửa tháng rồi.

- Tại sao ?

Cô lắc đầu. Quang chắc lưỡi :

- Nhưng lỗi tại ai ?

- Đương nhiên là tại ảnh.

Tủm tỉm cười, Quang hỏi :

- Vì lỗi tại hắn nên em nhất định không làm hòa trước ?

- Em là con gái mà.

- Là con nít thì có. Đã yêu thật sự rồi sao lại tị nạnh từng chút vậy. Em phải rộng lượng tha lỗi cho người mình yêu chớ.

- Nhưng mà …. Duy lại cho rằng em có lỗi, và rõ ràng hành động lúc nãy chứng tỏ ảnh cố chấp, không tha lỗi cho em.

- Em phải thông cảm, vì anh ta ghen mà.

Lam Uyên kêu lên :

- Ghen em với anh à ? Bậy bạ thật.

Quang nheo mắt :

- Vậy em ghen Duy với bà già đó, không bậy sao ?

Mặt Uyên đỏ rần lên :

- Em không có.

Quang cười cười :

- Đừng tưởng anh không biết gì. Tố Nga cũng đang hậm hực vì bà mợ từ phương xa mới về của Duy. Cô ta ghen với bà Thanh còn hơn ghen với em. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi, vì so ra bà ta giàu có và toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Đàn bà như bà Thanh dễ có mấy tay. Lam Uyên nầy ! Anh thành thật khuyên em nên làm lành với Duy đi. Đàn ông khi yêu thì dữ dội lắm, đến khi giận cũng khó lường trước được chuyện gì xảy ra khi kế bên anh ta có một người khôn ngoan, già dặn. Nhún nhường một chút vì yêu có gì là xấu hổ. Em thấy đó. Khi biết Tố Nga bị Duy bỏ rơi, anh đâu ngại việc đeo đuổi từng ngày từng giờ để cô ta trở lại với anh. Anh sắp đạt được mục đích rồi. Anh không muốn mất Nga lần nữa.

- Chính vì vậy nên anh khuyên em phải làm lành với Duy. Anh nghĩ Tố Nga sẽ quay lại với anh sao ?

Quang im lặng. Anh ngẫm nghĩ rồi nói :

- Theo anh nghĩ, lẽ ra Tố Nga chưa chịu buông Duy đâu, dù cô ấy biết Duy đã yêu em. Nhưng sau nầy Nga biết Duy chỉ mê Tin Học, chớ không màng nghĩ đến công ty may xuất khẩu, trong khi bản thân Tố Nga lúc nào cũng có tham vọng khuếch trương cơ nghiệp nầy lên. Nga hiểu rằng có lấy Duy, cô cũng không dựa vào anh để thực hiện tham vọng của mình, ngược lại biết đâu chừng cô phải thuận theo ý chồng là khác. Từ suy nghĩ đó Tố Nga đã buông Duy ra và quay về với anh. Tuy anh không có tài sản nhưng có khả năng và tham vọng như Tố Nga. Anh sẽ là chỗ dựa vững chắc mà cô ấy đang cần. Nhưng chuyện đời khó lường trước lắm. Nếu em và Duy êm ấm hạnh phúc bên nhau, anh vẫn an tâm hơn … Bây giờ tự nhiên Duy lại thân mật với người đàn bà khác già đời, khôn ngoan, giàu có, sẵn sàng đáp ứng mong muốn của hắn. Anh thấy lo cho em.

Lam Uyên nhìn Quang :

- Anh tính toán và lo xa quá ! Sao tự nhiên anh lại thành thật với em vậy ?

Mắt Quang bỗng ánh lên tia nhìn đắm đuối khiến Lam Uyên bối rối.

Anh buông một câu bất ngờ :

- Vì anh yêu em.

- ….

- Có thể em nghĩ anh đang tán tỉnh vì anh vốn rất lẻo mép. Nhưng lời vừa rồi phát xuất từ trái tim anh. Anh sống thực tế, thực tế đến mức thực dụng. Anh yêu một người và sẵn sàng theo đuổi người khác để mưu lợi. Anh không hề yêu Tố Nga, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi cô ấy bao nhiêu năm nay. Tố Nga sẽ là nấc thang để anh bước lên, hay anh là công cụ cho cô ta làm giàu ? Có lẽ cả hai đều đúng, vì mẫu người của anh và Nga y chang nhau : phải yêu như thế nào cho có lợi, và cả hai đang nghĩ rằng mình đã chọn đúng đối tượng.

Nhếch miệng cười đầy chua cay, Quang nói tiếp :

- Nhưng dù sao anh vẫn hơn Nga ở chỗ anh đã thật sự yêu em. Còn cô ấy thì không. Tố Nga chỉ yêu bản thân mình.

Thấy Lam Uyên vẫn ngồi lặng thinh, Quang dịu dàng :

- Đây là phút nói thật hiếm hoi ở anh. Anh yêu em và luôn mong muốn em có hạnh phúc.

Lam Uyên trấn tĩnh trở lại, cô châm chọc :

- Cám ơn lời nói … yêu của anh. Em luôn cầu mong anh đạt được những gì thực tế, cụ thể và có giá trị đích thực hơn tình yêu mà anh đã hy sinh.

Đứng dậy, Lam Uyên tự nhiên bắt tay Quang :

- Bây giờ em về, để dì Mười trông.

Quang siết tay cô thật lâu, giọng anh chân tình :

- Có gặp gì khó khăn trong cuộc sống hãy nhớ đến anh. Anh sẽ giúp em.

Lam Uyên bật cười :

- Sài Gòn - Chợ Lớn coi vậy chớ nhỏ lắm. Chắc mình sẽ còn gặp nhau. Anh nói gì mà nghe giống như …. chia tay vĩnh viễn vậy ? Ở lại vui vẻ …. Người tình trăm năm” nghen !

Quang ngọt ngào :

- Cho anh gởi lời thăm bác trai và dì Mười. Đêm nay ngủ ngon nghe.

- Chắc không ngon đâu. Em phải trằn trọc để nghĩ xem lời anh nói, thật hay dối. Nếu thật thì thật được mấy phần trăm.

Rồi chẳng để Quang nói thêm câu nào, Lam Uyên vội bước đi. Ra đến cửa, cô quay lại, vẫy tay chào anh với điệu bộ hết sức nhí nhảnh, dễ thương.

- Duy có thật yêu mình không nhỉ ?

Vừa lơ đãng nhìn các bộ váy cưới đủ màu treo đầy các tủ kính, Lam Uyên vừa tự hỏi.

- Chẳng lẽ lại có mẫu người sẵn sàng dẹp tình yêu qua một bên như Quang ? Và cũng có mẫu người mau thay đổi tình yêu như Duy ?

Chớp mắt một cái, Lam Uyên thẫn thờ nghĩ tiếp :

- Còn mình, mình phải làm gì để có được một tình yêu thật sự ?

Nhớ đến cái tát tay nảy lửa, cùng thái độ dửng dưng lạnh nhạt của Duy, cô xót xa đau đớn. Lẽ nào cô đã yêu lầm ? Nhớ tới những lời Quang nói về bà Thanh và những điều cô nhìn thấy chiều nay, Lam Uyên tê tái.

Lẽ nào khi chối bỏ Tố Nga để đến với cô, Duy đã yêu với cách riêng của anh. Duy không như Quang nên cũng không yêu như anh ta. Vậy Duy yêu theo cách nào mà chưa bao lâu đã phũ phàng xa lánh cô rồi.

Buồn quá ! Buồn quá ! Phố xá đông vui chừng nào, Uyên càng buồn chừng nấy. Cô thấy mình lớ ngớ giữa cuộc đời với biết bao nhiêu điều khó hiểu, khó lường. Cô hổ thẹn nhận ra từ trước đến giờ cô quá tự cao khi nghĩ mình khôn ngoan, hiểu biết hơn những người cùng tuổi.

Thật ra có phải thế đâu. So với Vi Lan thôi, cô vẫn thua nhiều thứ. Cô không có sự dịu dàng đầy nữ tính mà anh Hưng vốn chết mê chết mệt. Cô cũng thiếu lòng kiên nhẫn, chịu đựng mọi bực dọc, gắt gỏng của người mình yêu như Lan. Cô hơn Vi Lan ở chỗ ích kỷ, ganh tỵ, cô chỉ nghĩ đến mình, chớ chưa vì Duy bao giờ. Thật ra Lam Uyên có biết bao nhiêu điểm xấu mà cô từng không nhận thấy ?

Lam Uyên thở dài thấm thía, khi bắt đầu nhìn lại mình thì đã trễ. Đã trễ rồi !

Bà Kiều Mai thảy lên bàn một xấp hồ sơ khá dầy và bảo :

- Con ráng làm cho xong trong ngày. Ông Vĩnh Kỳ hứa sẽ bồi dưỡng thêm.

Lam Uyên lật lật xấp giấy rồi hỏi :

- Bộ gấp lắm hả dì ?

- Ờ , gấp lắm.

- Sao con thấy xin hợp tác lao động toàn phụ nữ không vậy ?

Bà Kiều Mai ngập ngừng :

- Ờ ! Tại ở bển họ cần nữ để làm công nhân dệt hoặc may mặc, nên ở đây chúng ta không tuyển nam. Vả lại nữ làm hồ sơ xuất cảnh cũng mau và dễ hơn.

Vừa dợm bước ra, bà đã nghe Lam Uyên hỏi tiếp :

- Sao dì cho bà Kim Anh thôi việc vậy ? Con thấy bả siêng năng, kỹ lưỡng hơn người mới nhiều.

Bà Kiều Mai nhíu mầy :

- Đó là ý của ông Vĩnh Kỳ, ông ấy chê bà Kim Anh chậm chạp.

- Nhưng dì vẫn có thể bênh bà ấy mà ! Ông Kỳ không tình nghĩa đối với nhân viên, chả lẽ dì cũng vậy ?

- Hừ ! Công việc và tình cảm khó đi đôi với nhau lắm. Bà Kim Anh già quá rồi, làm sao bì với người trẻ. Ông Kỳ cho bả nghỉ là đúng.

Lam Uyên nhếch môi :

- Đúng với lý do khác. Vì nếu chê già, sao trước đây ổng nhận người ta vô làm ?

Sa sầm mặt xuống, bà Mai cao giọng :

- Con muốn ám chỉ chuyện gì ? Đây là nơi làm việc chớ không phải nhà mình. Muốn nói cần lựa lời, không thì lôi thôi phiền phức tới cả dì.

Nhìn quanh nhìn quẩn, bà nói :

- May mà ổng không nghe không hiểu gì hết.

- Nếu không nghe không hiểu và thậm chí không nhớ gì hết, ông ta đã không cho dì Kim Anh nghỉ việc. Con không ngốc lắm đâu, nhưng con vẫn thắc mắc tại sao ông Kỳ giả vờ chi vậy ?

Bà Kiều Mai ngạc nhiên :

- Con muốn nói ổng giả vờ chuyện gì ? Nãy giờ dì vẫn hoàn toàn không hiểu sao con cứ vòng vo mãi.

Lam Uyên lưỡng lự :

- Con muốn nói rằng ông Kỳ cho dì Kim Anh nghỉ việc vì lý do khác.

- Là lý do nào cơ chứ ? Sao con đa nghi quá.

Nhún vai, Uyên cộc lốc :

- Dì đi mà hỏi ổng.

- Được ! Dì sẽ hỏi cho ra. Bây giờ con ráng làm cho xong việc.

Đợi bà Mai ra khỏi phòng, Lam Uyên chán nản nằm úp mặt lên bàn. Bà Mai giả vờ hay thật ! Bà làm như không biết gì về con người Vĩnh Kỳ, trong khi lão ta đã ló bộ mặt thật ra với cô rồi.

Hôm qua lão đã bước vào phòng cô và chống nạnh chưởi đổng.

- Mẹ … khôn hồn thì chuyện ai nấy biết, nấy làm, còn lộn xộn thì… mẹ nó, tao sẵn sàng cho đi theo con Kim Anh. Đừng tưởng dựa vào Kiều Mai là yên đâu.

Uyên chưa kịp hoàn hồn, lão đã buột miệng chưởi thề…. Ngọt còn hơn người Việt Nam thật sự, rồi đóng sầm cửa phòng lại.

Suốt đêm Uyên ngủ không được vì tức. Thái độ của Ngô Vĩnh Kỳ chứng tỏ lão khinh rẻ nhân viên của mình. Một ông chủ nước ngoài đối với người bản xứ như vậy, thật quá quắt.

Nhưng tại sao lão lại hăm dọa cô bằng những lời thiếu văn hóa đến thế ?

Lam Uyên bực bội hất tay trên bàn. Xấp hồ sơ sổ tung xuống đất. Cô vội vàng ngồi xuống nhặt lên và giật mình khi thấy hình của Mai Phương kẹp ở góc sơ yếu lý lịch.

Lam Uyên lật những hồ sơ khác và lần lượt nhận ra Tú Anh, Liễu Minh, cùng một số công nhân may ở xí nghiệp xuất khẩu của Quang.

Vậy là rõ rồi ! Uyên mím môi đứng bật dậy. Người cô run lên vì tức và sợ. Trung tâm chuyên làm việc mối mai gái Việt Nam với người nước ngoài chính là trung tâm Hoa Lan.

Chắc chắn ba cô biết vụ nầy, sao ông lại cho bà Kiều Mai tham gia điều hành công việc, rồi cho cả cô vào đây ?

Nếu đây là những dịch vụ hợp pháp, thì tại sao Ngô Vĩnh Kỳ lại bắt nhân viên thề giữ bí mật việc làm của công ty ? Tại sao mọi người chịu kết hôn với người nước ngoài lại được hưởng ba ngàn đô la, tiền đó là tiền cưới hỏi hay tiền gì ?

Đang ngồi thừ ra với trăm ngàn thắc mắc thì Vĩnh Kỳ mở cửa bước vào.

Lam Uyên trừng mắt nhìn lão, cô không dằn được sự căm ghét của mình nên nói:

- Dù làm giám đốc đi chăng nữa, trước khi vào ông cũng nên gõ cửa, đó là phép xã giao tối thiểu mà.

Khác với vẻ hách dịch hôm qua, Vĩnh Kỳ xoa hai tay vào nhau hề hà nói :

- Tôi xin lỗi. Vì nôn gặp …. em nên tôi quên câu phép xã giao thông thường ấy. Em thẳng tính lắm. Tôi thích những người như vậy.

Chẳng đợi Lam Uyên mời, Vĩnh Kỳ tự động kéo ghế ngồi đối diện với cô.

Lam Uyên hỏi ngay :

- Dì Mai đã nói gì với ông ?

- Ồ ! Kiều Mai có nói gì với tôi đâu.

- Ông tìm tôi chi vậy ?

Ngô Vĩnh Kỳ mỉm cười :

- Sao em nóng nảy thế ?

- Vì tôi không có thời gian.

- Tục ngữ Việt Nam có câu “thời giờ là vàng bạc”. Tôi không làm mất … vàng bạc của em đâu, trái lại tôi muốn chúng ta cùng làm việc để biến câu tục ngữ ấy thành hiện thực.

Lam Uyên bất ngờ vì đề nghị đột ngột cũng như thái độ Ôn hoà lịch sự khác ngày thường của Vĩnh Kỳ. Không hiểu được mục đích của lão ta, nên cô vờ lảng sang chuyện khác.

- Ông nói tiếng Việt giỏi quá, tại sao từ trước đến giờ ông không dùng đến nó ?

Ngô Vĩnh Kỳ hơi chồm người về phía Uyên :

- Tại tôi chưa tìm được người hiểu mình.

Tránh đôi mắt ti hí của lão ta, Uyên nói với vẻ khiêu khích :

- Ông tìm ra được người nào hiểu mình chắc người đó sẽ bị đi khỏi đây như dì Kim Anh chẳng hạn.

- Sao em lại nói vậy ? Mỗi người có phần riêng của họ chớ ! Em đâu thể nào như bà Kim Anh.

Đan hai bàn tay vào nhau, Lam Uyên hỏi :

- Vậy phần riêng của tôi là gì ?

Ngô Vĩnh Kỳ gật đầu :

- Khá lắm ! Thật tôi không nhìn lầm người. Câu hỏi vừa rồi chứng tỏ em thẳng thắn, tự tin, đầy bản lĩnh. Em không ngu ngơ, khù khờ vô tích sự như Kiều Mai vẫn thường than phiền với tôi đâu.

Nghe Vĩnh Kỳ nói thế, Lam Uyên bừng bừng tự ái, cô cười nhạt :

- Dì Mai bao giờ chả cho rằng mình hơn người khác về mọi mặt.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio