GIỮA LUÂN ĐÔN VÀ CHATHAM
Từ giã Brighton, anh bạn George của chúng ta ra vẻ một ông hoàng ngự xe bốn ngựa đến một khách sạn thật lịch sự ở khu phố Cavendish, một dãy phòng trang hoàng lộng lẫy đã được sửa soạn sẵn sàng để chờ đón cặp tân lang và tân giai nhân: trên mặt bàn tiệc bày toàn bát đĩa loại quý, xung quanh có đến nửa tá người hầu da đen đứng yên lặng túc trực sẵn sàng. George ra hiệu mời Joe và Dobbin ngồi, điệu bộ lịch sự như một ông hoàng. Lần đầu tiên Amelia ngồi chủ tọa bàn tiệc mà George gọi là bàn tiệc do chính cô chiêu đãi, cô có vẻ e dè ngần ngại làm sao.
George hết chê rượu rồi, lại quát tháo bọn hầu bàn, Joe thì ra sức mà chén món xúp ba-ba có vẻ khoái chí lắm. Dobbin làm nhiệm vụ tiếp món ăn cho anh ta, vì Amelia ngồi chủ tọa bàn tiệc không có kinh nghiệm nên lúng ta lúng túng mãi với đĩa thịt ba-ba đặt trước mặt; cô tiếp cho anh trai cả thịt lẫn mai không phân biệt. Thấy bữa tiệc sang trọng quá, mà mấy gian phòng thuê để đãi tiệc cũng hết sức lộng lẫy. Dobbin phát hoảng.
Ăn xong, thừa lúc Joe ngủ gật trong ghế bành, Dobbin khẽ trách bạn rằng món thịt ba-ba và rượu sâm-banh đặt quá thừa mứa, ăn tiêu sang như một vị giám mục, nhưng vô hiệu, George nói:
- Xưa nay đi đâu tôi vẫn quen tiêu pha cho ra con người lịch sự, và dĩ nhiên, nhà tôi cũng sẽ du lịch cho xứng với tư cách một phu nhân. Túi tôi còn tiền, nàng sẽ không thiếu một thứ gì hết.
Anh chàng “quen thói bốc trời” đó hoàn toàn hài lòng về tính hào phóng của chính mình. Dobbin cũng chẳng cố gắng phân tích cho anh ta hiểu rằng hạnh phúc của Amelia không phải là ở chỗ được ăn nhiều xúp ba-ba nữa.
Ăn xong được một lúc, Amelia dè dặt ngỏ ý muốn về nhà ở Fullham thăm mẹ một chút; George đành ưng thuận, nhưng cũng có vẻ không thoải mái lắm. Amelia nhanh nhảu bước về phòng ngủ của mình để sửa soạn; gian phòng rộng mênh mông, ở giữa kê một cái giường đồ sộ trông như một cái linh cữu lớn; xưa người em gái của hoàng đế Halixander đã ngủ trên giường này, khi những người bạn đồng minh đang thất bại tại nơi đây. Cô quàng khăn san, đội mũ trùm lên đầu, trong lòng dào dạt sung sướng.
Lúc Amelia quay lại phòng ăn vẫn thấy George còn ngồi uống rượu vang, không có ý tỏ ra muốn đứng lên. Cô hỏi chồng:
- Anh có về nhà với em không, anh yêu?
Không đâu. Tối nay “anh yêu” còn “có việc bận”. Đã có thằng hầu của George ra thuê xe ngựa đưa cô về thăm nhà. Chiếc xe ngựa đã đỗ trước cửa khách sạn; Amelia đưa mắt nhìn chồng hai ba lần, rồi thất vọng từ biệt chồng mà bước xuống thang gác. Đại úy Dobbin cũng xuống theo dắt tay Amelia đỡ lên xe rồi đứng nhìn theo mãi. Chính thằng hầu cũng lấy làm ngượng không muốn nói rõ địa chỉ cho anh xà ích ngay trước mặt đám hầu bàn của khách sạn; hắn bảo cứ đánh xe đi một quãng rồi sẽ nói cũng được.
Dobbin đi bộ về nhà trọ của mình là quán Slaughters; anh ta lẩn thẩn nghĩ rằng giá được cùng ngồi trên xe ngựa với bà Osborne thì sung sướng biết bao nhiêu. Sở thích của George thì lại khác hẳn; sau khi đã uống rượu vang chán chê rồi, anh ta đi mua một nửa vé để vào rạp hát lúc giữa chừng xem tài tử Kean sắm vai Shylock. Đại úy Osborne có tính mê xem diễn kịch; chính anh ta cũng đã có dịp sắm vai chính một cách khá xuất sắc trong vài vở kịch diễn trong trại lính. Joe vẫn ngủ lăn ra cho đến tối mịt; mãi tới lúc thằng hầu vào dọn dẹp bát đĩa ra và tu nốt chai rượu còn dở trên bàn tiệc, nghe tiếng động anh ta mới tỉnh dậy.Trạm xe ngựa gần đó lại phải cung cấp một chiếc xe đưa vị anh hùng béo phệ về nhà làm bạn với cái giường ngủ.
Bà Sedley vừa thấy chiếc xe đỗ trước cổng nhà đã vội chạy ra đón cô dâu mới đang vừa run run vì xúc động, vừa thút thít khóc; bà ôm ghì lấy con, tình mẫu tử khăng khích dào dạt trong lòng. Ông Clapp bận áo sơ mi trần đang đứng xới mấy cây trong vườn hoảng hốt chạy vào trong nhà. Chị hầu gái người Ai len nhảy bổ từ trong bếp ra mỉm cười chúc mừng cô chủ: “Cầu Chúa ban phúc lành cho cô”.
Amelia lảo đảo gần như không đủ sức leo nổi hết cầu thang dẫn lên phòng khách.
Mấy cái vòi nước lại được dịp chảy; hai mẹ con lại được ghì chặt lấy nhau trong gian phòng ấm cúng mọi ngày, họ khóc lóc thế nào, các bạn đọc hơi có tính đa cảm cứ tưởng tượng ra cũng đủ biết. Đàn bà lúc nào mà chẳng khóc được? Nước mắt họ sẵn sàng chảy ra bất cứ trường hợp nào, khi vui khi buồn cũng như lúc có công việc gì khác. Và sau một chuyện quan trọng như chuyện về nhà chồng, dĩ nhiên bà mẹ và cô con gái phải được tự do bộc lộ thói đa cảm cố hữu của phụ nữ. Cứ kể cũng êm đềm, và cũng hay hay.
Vào những dịp đi lấy chồng thì chính tôi đã từng thấy nhiều người đàn bà xưa nay vẫn không ưa nhau lúc ấy lại ôm lấy nhau mà vừa khóc vừa hôn nhau thật nồng nàn. Ví thử họ quý nhau thực, không biết lúc ấy họ đối với nhau đến thế nào? Đối với các bà cũng đi lấy chồng lần thứ hai; và ai dám bảo rằng trong những dịp này, các cụ già lại không có tình cảm tương tự, vì các cụ vốn giàu tình mẫu tử hơn ai hết? Có thể nói rằng một người đàn bà chỉ thực sự hiểu thấu thế nào là tình mẫu tử khi họ đã đến tuổi có cháu gọi bằng bà. Chúng ta hãy để mặc hai mẹ con bà Sedley ngồi với nhau trong căn phòng khách tranh tối tranh sáng mà thì thầm, mà thở vắn than dài, rồi hết cười tại khóc. Ông già Sedley cũng vậy, lúc xe ngựa vừa đỗ ngoài cổng, ông chưa biết là ai, ông không chạy xổ ra ngay để đón con gái, nhưng lúc Amelia bước vào phòng, ông cũng hôn con rất âu yếm; ông lão vẫn ngồi trong phòng như mọi khi với đủ các thứ giấy má, dây buộc hàng và sổ kế toán. Ngồi với vợ con một lúc, ông khôn khéo đứng dậy ra ngoài, để cho họ được tự do.
Thằng hầu của George đang đứng khinh khỉnh nhìn ông Clapp bận áo xơ-mi trần tưới nước cho mấy cụm hồng. Tuy vậy, hắn cũng lễ phép ngả mũ chào ông Sedley. Ông lão hỏi chuyện hắn về con rể ông, về chiếc xe ngựa của Joe, không biết đôi ngựa của anh ta đã mang về Brighton chưa. Ông lại hỏi cả đến chiến tranh nữa. Lát sau chị hầu gái bưng một cái khay trên có đặt một chai rượu vang ra cho ông; ông già nhất định đòi rót rượu mời tên người nhà.
Đoạn ông thưởng cho hắn một đồng nửa ghi-nê nói:
- Bác Trotter, hãy uống mừng sức khỏe cho ông chủ và bà chủ của bác đi. Và đây, bác cầm lấy gọi là để khi về nhà uống chút rượu cho ấm bụng.
Thằng hầu của George cầm tiền đút túi, nét mặt lộ vẻ vừa ngạc nhiên vừa khinh khỉnh.
Tính từ hôm Amelia rời bỏ nhà nhỏ bé này ra đi mới được chín ngày...nhưng nhớ lại cái buổi mình từ biệt nó để đi với George, Amelia cảm thấy như đã lâu lắm rồi. Giữa hiện tại và cuộc đời thiếu nữ vừa qua như có một vực thẳm ngăn cách. Nhìn lại quá khứ, Amelia thấy mình gần như là một người hoàn toàn khác; hồi ấy cô còn là một thiếu nữ chưa chồng, đang yêu say đắm, suốt ngày chỉ tâm niệm nghĩ đến người yêu; đáp lại sự trìu mến của cha mẹ, cô chỉ tỏ một thái độ nếu không phải là vô ơn thì cũng là hờ hững, coi như tự nhiên mình có quyền được hưởng, vì tâm hồn và trí tuệ cô còn mải hướng về một mục đích duy nhất là thỏa mãn ước vọng của mình. Ngẫm lại cuộc sống trong những ngày ấy, những ngày vừa mới trôi qua mà tưởng như xa xôi lắm rồi, Amelia cảm thấy xấu hổ và hối hận vì thấy cha mẹ đối với mình vẫn âu yếm như trước. Phải chăng lúc đã chiếm được phần thưởng - tức là thiên đường trong cuộc sống - thì con người may mắn ấy lại bỗng cảm thấy hoài nghi và không thỏa mãn?
Thường thường sau khi đã để cho đôi nhân vật nam nữ của mình thành vợ thành chồng, nhà tiểu thuyết vẫn buông tấm màn xuống, coi như tấm kịch đã trọn; ấy là lúc những nỗi băn khoăn, những sự vật lộn trong cuộc đời đã chấm dứt, như thể một khi người ta leo lên được cõi niết bàn của cuộc sống gia đình, thì thấy cỏ cây tươi tốt bốn mùa, mọi sự đều đáng hài lòng cả. Hai vợ chồng chỉ còn một việc là ghì chặt lấy nhau mà thơ thẩn đi xuống cái dốc dẫn đến tuổi già, đầy hạnh phúc. Song cô Amelia bé nhỏ của chúng ta vừa chân ướt, chân ráo bước vào địa giới của cái xứ sở mới mẻ này đã phải quay nhìn sang bờ sông xa tít bên kia để ngó lại những bộ mặt quen thuộc đang buồn rầu vẫy tay từ biệt mình.
Để gọi là mừng cô dâu mới về thăm nhà, bà mẹ nghĩ nên sửa soạn một bữa tiệc; hai mẹ con hàn huyên với nhau một lúc, bà để con gái ngồi lại một mình rồi xuống nhà dưới lo chuẩn bị dọn một bữa tiệc trà thật long trọng (gian nhà này là chỗ ở cho vợ chồng ông Clapp; chị hầu gái người Ai len là chị Flanagan, khi đã rửa bát đĩa xong xuôi và gỡ xong những chiếc cặp uốn tóc ra, thì cũng ngủ ở đấy). Ở đời mỗi người có một cách bộc lộ tình cảm riêng; bà Sedley nghĩ rằng nhân dịp đặc biệt này, Amelia hẳn phải thích một chiếc bánh mềm uống với nước trà và thật nhiều mứt cam đựng trong một cái bát thủy tinh.
Trong lúc bà mẹ bận sửa soạn món mứt ở dưới bếp thì Amelia rời gian phòng khách lên gác; không hiểu sao tự nhiên Amelia lại lẩn về căn phòng nhỏ của riêng mình hồi chưa đi lấy chồng, và lại ngồi xuống đúng chiếc ghế xưa kia đã nhiều lần mình ngồi lặng lẽ rầu rĩ hàng giờ. Cô cảm thấy như chiếc ghế bành dang rộng hai cánh tay ra đón mình, như đón một người bạn cũ; tâm trí cô vơ vẩn nhớ về tuần lễ vừa qua, nhớ về cuộc sống hồi còn con gái. Khi đã nhớ lại những kỷ niệm buồn bã, mơ hồ qua, Amelia lại luôn luôn than thở vì điều hằng mong ước, một khi đạt được, không đem lại sự vui sướng mà chỉ có sự đau khổ và hoài nghi; đáng thương thay cô thiếu nữ bé bỏng tội nghiệp và trong trắng, lang thang trơ trọi giữa những đám người hỗn độn trong Hội chợ phù hoa này.
Amelia ngồi đây âu yếm mường tượng lại hình ảnh George; trước ngày cưới, cô đã từng quỳ xuống mà thờ phụng hình ảnh con người ấy. Cô có dám tự thú nhận rằng con người thực ngoài cuộc đời khác xa hình ảnh người thanh niên anh hùng cô hằng phụng thờ trong mộng không? Chưa đâu vì người đàn bà muốn thắng nổi tính kiêu hãnh và thói phù hoa của chính mình để dám tự thú những điều như vậy, cần trải qua một thời gian dài, dài lắm... và phải đã bị đàn ông lừa dối nhiều lần. Lúc ấy đôi mắt xanh sáng long lanh và nụ cười ma quái của Rebecea lại hiện ra ám ảnh làm cho Amelia rùng mình; cô ngồi lặng một lúc lâu, tâm trí băn khoăn nghĩ ngợi, dáng điệu thờ thẫn, y như cái ngày nào lúc chị hầu gái bước vào trao cho cô lá thư của George ngỏ ý muốn nối lại mối duyên gần đứt đoạn.
Amelia nhìn chiếc giường nhỏ có trải đệm trắng; mấy ngày trước đây, chiếc giường ấy vẫn còn là của cô. Amelia thầm ước đêm nay lại được ngủ trên chiếc giường này, rồi cũng như ngày xưa, sáng ra thức dậy lại được thấy mẹ cúi xuống nhìn mình mỉm cười. Cô nghĩ đến chiếc linh cữu to tướng phủ vải hoa sặc sỡ kê trong gian phòng sang trọng mông mênh và tối tăm kia đang chờ đợi mình trong tòa khách sạn đồ sộ ở khu phố Cavendish mà ghê cả người. Ôi, chiếc giường bé nhỏ thân yêu! Đã biết bao đêm dài, cô nhỏ những giọt nước mắt đầm đìa trên mặt gối? Đã biết bao lần cô tuyệt vọng muốn cứ nằm trên giường như thế mà từ giã cõi đời. Nhưng bây giờ ước vọng của cô đã thành sự thật rồi; người tình nhân cô yêu đến đau khổ chẳng đã trở thành của cô mãi mãi rồi sao? Và bà mẹ hiền từ của cô cũng đã bao lần kiên nhẫn âu yếm quanh quẩn bên chiếc giường này săn sóc cho cô? Amelia lại bên chiếc giường quỳ xuống. Tấm linh hồn e lệ, dịu dàng và thiết tha nhưng đã bị giầy vò ấy hướng về thượng đế tìm nguồn an ủi, hướng về một sức mạnh mà phải nhận rằng xưa kia ít khi người thiếu nữ ấy tìm đến. Cho đến nay lòng tín ngưỡng của Amelia là tình yêu; nhưng giờ đây trái tim buồn rầu đang ứa máu vì thất vọng kia đã bắt đầu cảm thấy cần một nguồn an ủi khác rồi.
Chúng ta có quyền lắng nghe, hoặc nhắc lại đây những đời cô cầu nguyện không nhỉ? Thưa các bạn đó là những điều bí mật vượt ra ngoài phạm vi của Hội chợ phù hoa là cái thế giới của cuốn truyện này.
Điều có thể thấy được là khi bữa tiệc trà đã dọn ra cô thiếu nữ trẻ măng của chúng ta bước xuống thang gác, vẻ mặt hớn hở hơn nhiều. Cô không còn băn khoăn than thở cho số phận của mình, cũng không nghĩ đến thái độ lạnh nhạt của George hoặc đôi mắt của Rebecca như vừa rồi nữa. Cô xuống nhà hôn cha mẹ, ríu rít nói chuyện với ông lão, và làm cho ông Sedley cảm thấy vui vẻ khác hẳn mọi ngày. Cô ngồi vào cây dương cầm của Dobbin mua tặng vừa đàn vừa hát những bài hát cũ kỹ mà ông già rất ưa nghe. Cô nhận xét trà pha rất ngon, lại khen cách mẹ bày mứt trong bát thủy tinh cực khéo. Vì quyết làm cho mọi người trong nhà vui vẻ, nên chính cô cũng thấy mình vui lây. Trở về khách sạn, Amelia nằm xuống chiếc linh cữu ngủ thiếp đi; mãi tới lúc George đi xem hát về, cô mới thức dậy đón chồng với một nụ cười.
Ngày hôm sau George còn có những việc quan trọng hơn là việc đi xem ông Kean đóng vai Shylock. Vừa về đến Luân-đôn, anh ta đã viết thư ngay cho những luật sư của cha, tỏ ý muốn gặp mặt họ sớm hôm sau. Khi ở khách sạn anh ta chơi bi-a và đánh bài với đại úy Crawley đã thua gần hết nhẵn túi; trước khi lên đường ra nước ngoài, thế nào cũng phải lo lấy một món bù vào; không có cách nào khác, anh ta đành khấu vào khoản hai nghìn đồng mà mấy ông thày kiện được lệnh giao lại cho anh ta. George tin chắc như đinh đóng cột rằng chỉ sau một thời gian ngắn thế nào ông bố cũng phải nghĩ lại. Phải, có một cậu con trai quý báu như anh ta, bậc cha mẹ nào đành tâm giận lâu cho được? George còn tính toán rằng ví thử tài năng và giá trị của mình trong quá khứ không đủ khiến ông lão nguôi giận mà tha thứ, thì anh ta sẽ quyết tâm lập những chiến công thật hiển hách trong chiến dịch sắp xảy ra; như vậy hẳn ông lão phải hồi tâm nghĩ lại. Nhưng nếu ông cụ cứ khăng khăng một mực sắt đá thì sao? Dào ôi! Cuộc đời đang rộng mở trước mặt ta; chẳng lẽ đánh bài với thủ hạ, George cứ bị đen mãi sao. Vả lại hiện giờ cứ biết hãy còn hai nghìn đồng tiêu cái đã.
Thế là George lại thuê xe ngựa cho Amelia về thăm bà Sedley một lần nữa. Anh ta giao toàn quyền cho hai người liệu mà sắm sửa không được thiếu thứ gì, sao cho bà George Osborne có thể viễn du ra ngoại quốc xứng đáng như một bậc mệnh phụ. Thời giờ cấp bách, chỉ có chẵn một ngày để thu xếp việc này; chẳng nói ta cũng rõ hai mẹ con bà Sedley bận rộn thế nào. Lần này, bà Sedley lại được ngồi xe ngựa, tíu tít đi hết hàng len dạ này đến cửa hiệu và những người bán hàng xun xoe theo tiễn rất lễ độ; bà lão cảm thấy mình lại được là bà Sedley ngày xưa, và lần đầu tiên kể từ khi lâm vào cảnh hoạn nạn, bà sung sướng thật sự. Chính Amelia cũng lấy việc được đi thăm các cửa hiệu, được nhìn ngắm, được mà cả, được mua sắm những thức hàng đẹp mắt ấy là việc làm thú vị.
Đối với Amelia tuân theo ý chồng là một điều hạnh phúc; cô sắm một lô khá nhiều đồ dùng của phụ nữ, và tỏ ý rất có khiếu thẩm mỹ; mấy bác bán hàng đều phải công nhận như vậy.
Về cuộc chiến tranh sắp nổ ra, Amelia chả cần chú ý lắm. Bonaparte thì rõ ràng sẽ bị đè bẹp, có lẽ chẳng cần đánh cũng tan. Ngày nào tầu thủy ở Margate cũng chật ních những hành khách đi Brussels và Ghent; đàn ông cũng như đàn bà, toàn những người sang trọng lịch sự.
Người ta có cảm tưởng họ đi du lịch hơn là tham gia một cuộc chiến tranh: Báo chí ra sức mà giễu cợt tên phiêu lưu hãnh tiến một cách không thương xót. Cái tên dân đảo Corse khốn nạn ấy mà dám đương đầu với quân đội đồng minh Âu châu, dám chống lại thiên tài quân sự trác tuyệt của Wellington? Amelia coi khinh hắn như rơm rác. Con người hiền hậu dịu dàng ấy thường suy nghĩ theo ý kiến của người xung quanh, vì bản tính giản dị và phục tùng, cô không quen có thái độ của riêng mình. Tóm lại Amelia và bà mẹ chỉ những mua sắm mà bận túi bụi suốt một ngày trời; cô rất sung sướng vì thấy mình thắng lợi ngay trong bước đầu ra mắt giới thượng lưu của thành phố Luân- đôn.
Trong khi ấy George, mũ lệch về một bên đầu, hai khuỷu tay khuỳnh khuỳnh, tiến về Bedford Row; anh ta đường hoàng bước vào phòng làm việc của mấy ông luật sư, như thể mình là ông chúa mà đám thư ký mặt tai tái đang ngồi cạo giấy kia là nô lệ cả. George gọi một người ra lệnh đi báo ngay cho ông Higgs rằng đại úy Osborne đang đợi; điệu bộ anh ta khệnh khạng hung hăng, làm như cái lão luật sư “dân thường” kia, mặc dù có kiến thức gấp ba lần anh ta, giầu hơn anh ta gấp năm mươi lần, và có kinh nghiệm sống hơn anh ta gấp một nghìn lần, cũng phải lập tức xếp mọi việc làm ăn lại để ra hầu tiếp ông đại úy ngay. George không nhận thấy bọn nhân viên trong phòng nhìn nhau mà cười tỏ ý chế nhạo; viên thư ký đầu bàn giấy, liếc nhìn mấy bác thư ký tập sự; mấy bác thư ký tập sự gật gù với mấy người chạy giấy mặc quần áo chật ních. George điềm nhiên ngồi gõ gõ cái can vào chiếc ủng, khinh khỉnh nhìn cái bọn người cùng khổ, coi họ như rơm rác. Nhưng cái bọn cùng khổ này biết tỏng mọi chuyện của anh chàng rồi. Tối tối, ngồi uống bia với nhau trong quán rượu, họ vẫn lôi chuyện xích mích giữa hai bố con anh ta ra kháo với đám thư ký làm việc tại những phòng vật tư khác. Ở thành phố Luân-đơn này, đố có việc gì thoát khỏi tai mắt bọn luật sư và đám thư ký của họ. Bọn này soi mói biết hết mọi chuyện; và họ chỉ ngồi có một chỗ mà ngầm thống trị cả thành phố.
Có lẽ khi bước chân vào phòng giấy của ông Higgs, George hy vọng thấy ông này được ủy quyền trao cho mình lá thư hòa giải của cha. Cũng có lẽ anh ta làm ra cái vẻ lạnh lùng, khinh khỉnh ấy cốt để tỏ ra mình không cần gì, mình đã quyết định rồi. Nhưng đáp lại thái độ hung hăng của George, viên luật sư tỏ ra thản nhiên, mặt cứ lạnh như tiền, làm cho cử chỉ khệnh khạng của anh chàng trở thành lố bịch. Anh chàng đại úy bước vào thấy ông Higgs đang bận viết gì trên một tờ giấy. Lão nói:
- Mời ông ngồi chơi để một lát; tôi sẽ tiếp ông ngay.
Phiền ông Poe mang sổ chi lại đây hộ.
Đoạn lão lại cúi xuống hí hoáy viết tiếp. Ông Poe đi lấy sổ chi tiền mang lại; lão tính tiền chiết khấu của số hai nghìn đồng rồi hỏi xem đại úy Osborne muốn rút món này ra bằng ngân phiếu hay muốn chuyển khoản để mua tín phiếu. Lão thản nhiên tiếp:
- Hiện vắng mặt một người làm chứng trong chúc thư của bà Osborne đã quá cố, nhưng khách hàng của tôi muốn thanh toán công việc càng sớm càng tốt, nên bằng lòng thỏa mãn yêu cầu của ông ngay.
Viên đại úy bực mình lắm, đáp:
- Ông cho tôi một tờ ngân phiếu.
Thấy lão luật sư ghi rõ cả số tiền lẻ: George nói ngay:
- Vứt quách chỗ xu hào lẻ ấy đi, không cần.
Thấy cử chỉ hào hùng của mình làm cho lão thầy kiện già ngượng đỏ mặt, George khoái trí lắm; anh ta đút tấm ngân phiếu vào túi, hiên ngang bước ra khỏi phòng giấy:
Ông Higgs bảo ông Poe:
- Chỉ hai năm nữa, thằng này sẽ vào nhà đá.
- Ngài xem liệu cụ Osborne có nghĩ lại không?
Ông Higgs đáp:
- Có họa khi nào trời sụp.
Viên thư ký nói:
- Anh chàng này là tay “bán giời không cần văn tự”. Mới cưới vợ được một tuần lễ đấy; thế mà tôi đã gặp anh ta cùng mấy tay sĩ quan khác bâu lấy cô đào Highflyer mà đưa lên xe của ả sau buổi diễn kịch rồi.
Sau đó hai thầy trò xét đến hồ sơ của một thân chủ khác; họ không buồn nhớ tới George Osborne nữa.
Tờ ngân phiếu thuộc về tài khoản lưu ký tại ngân hàng Hulker và Bullock tại phố Lombard; George đến ngay nhà ngân hàng này để lấy tiền. Lúc anh ta bước vào, Frederick Bullock đang cúi bộ mặt vàng ệch xuống một cuốn sổ kếch xù, bên cạnh một bác thư ký lặng lẽ ngồi túc trực. Trông thấy viên đại úy bộ mặt vàng khè của Bullock bỗng đổi sang một thứ màu khủng khiếp hơn; anh ta vội lủi vào gian phòng khách phía trong, điệu bộ nom như kẻ có tội. George đang bận hau háu nhìn món tiền (vì chưa bao giờ anh ta được cầm một lúc số tiền lớn như vậy) cũng không kịp để ý đến sắc mặt hoặc sự lẩn tránh của cái anh chàng “thây ma” đang theo đuổi em gái mình kia.
Tối hôm ấy Fred Bullock đem chuyện George rút tiền ra kể lại với ông Osborne. Anh ta nói:
- Anh ấy coi bộ đường hoàng lắm, rút ngay một lúc cả số tiền không để lại một xu. Ăn tiêu bừa phứa như anh ấy thì hai nghìn bạc liệu được mấy bữa?
Ông Osborne văng tục rầm lên bảo rằng ông “đếch” cần quan tâm đến chuyện George ăn tiêu thế nào và bao giờ thì hết tiền. Hồi này ngày nào Fred cũng đến khu phố Russell ăn bữa tối.
Về phần George anh ta rất hài lòng về công việc của mình hôm ấy. Anh ta cấp tốc sửa soạn hành lý và ký ngân phiếu thanh toán tiền hàng Amelia vừa sắm sửa, hào phóng như một ông hoàng.