MỘT CHƯƠNG TOÀN CHUYỆN TỒI TỆ
Bây giờ cần trở về với những người bạn cũ của chúng ta ở Hampshire một chút. Bao hy vọng họ hằng ôm ấp về việc chia xẻ cái gia tài kếch xù thế là tan thành mây khói. Chắc mẩm sẽ vớ được ba vạn đồng của em gái, rốt cuộc chỉ được có năm nghìn đồng lão Bute Crawley bị một vố điếng người. Món tiền này đem thanh toán cho xong món nợ của bản thân lão và những khoản nợ của anh chàng Jim, con trai lão, ở trường cao đẳng còn lại cũng không được bao nhiêu, chẳng đủ làm của hồi môn cho bốn cô con gái xấu xí. Bà Bute không bao giờ ngờ, hoặc ít nhất cũng không bao giờ chịu công nhận rằng cái thói nghiệt ngã của mình đã làm hại chồng con đến như vậy. Bà ta thề sống thề chết rằng mình đã làm tất cả mọi việc một người đàn bà có thể làm. Nếu như bà không có được cái tài nịnh hót xảo quyệt như thằng cháu Pitt Crawley, thì đâu phải lỗi tại bà? Tuy nhiên bà vẫn chúc anh ta hưởng hạnh phúc với số tiền không được trong sạch kia. Làm ra bộ phúc đức lắm, bà bảo: “Dẫu sao đi nữa thì cũng là “lọt sàng xuống nia” chứ đi đâu mà thiệt. Chắc chắn thằng Pitt sẽ không phá số tiền ấy đâu, ông nó ạ. Khắp nước Anh này, có ai bủn xỉn bằng nó. Nó cũng khốn nạn chẳng kém gì thằng em bán giời không văn tự tức là thằng Rawdon tuy mỗi đứa khốn nạn một cách”.
Thế là, sau cơn giận dữ và thất vọng ban đầu, bà Bute bắt đầu thích ứng với hoàn cảnh; bà ra sức tiết kiệm việc chi tiêu. Bà dạy con gái phải biết vui vẻ mà chịu đựng sự thiếu thốn, lại nghĩ ra hàng trăm cách tài tình để che giấu và đôi khi để thoát khỏi cảnh nghèo túng. Bà mạnh bạo dẫn con gái đến dự những buổi dạ hội, đi chơi tại những nơi công cộng trong vùng; bà còn thết đãi bạn bè một cách khá lịch sự ngay tại nhà thờ; so với hồi chưa được chia gia tài, bà lại tổ chức tiếp khách thường xuyên hơn. Cứ nhìn bề ngoài đố ai dám bảo rằng gia đình này bị một mẻ vỡ mộng, hoặc dám nghĩ rằng tuy mấy mẹ con chơi đây đó luôn, nhưng ở nhà phải bóp mồm bóp miệng khổ sở. Mấy cô con gái ăn diện lại sang hơn trước; các cô chăm chỉ đến dự những buổi họp mặt ở Winchester và Southampton; các cô đến cả Cowes để xem đua thuyền và thi ngựa. Đi đâu mấy mẹ con cũng dùng xe ngựa - mấy con ngựa hết kéo cày lại phải kéo xe, làm việc không kịp thở - bấy giờ ai cũng yên trí rằng bốn cô con gái đã được bà cô để lại cho vô khối tiền; bao giờ các cô cũng nhắc đến tên bà Crawley một cách vô cùng âu yếm và biết ơn trước mặt người khác. Trong Hội chợ phù hoa, cái trò dối trá này phổ biến nhất; có điều lạ là bọn người dối trá ấy vẫn yên trí rằng mình có đạo đức, đáng kính trọng, vì đã bịp được thiên hạ khiến họ tưởng là mình giàu có.
Bà Bute cũng cho rằng mình là người đàn bà đức hạnh nhất nước Anh, mọi người nên lấy gia đình bà làm gương. Con gái bà, người nào cũng vui vẻ, đáng yêu, có giáo dục, tính tình giản dị!
Martha vẽ hoa tài lắm, nửa số tranh bán lấy tiền làm phúc trong quận là do cô vẽ. Emma là con chim hoạ mi nổi tiếng khắp vùng; trong mục “thi ca” trên mặt báo “Tin điện Hampshire ” chỉ có những bài thơ của cô là hay nhất. Fanny và Matilda cùng hát, bà mẹ đệm dương cầm, hai cô kia vòng tay ôm ngang lưng nhau ngồi nghe thú vị lắm. Nào ai biết đâu các cô phải tập gõ dương cầm suốt ngày; ai biết đâu bà mẹ phải kỳ khu ngồi luyện cho các cô hàng giờ; tóm lại, bà Bute phải tươi tỉnh đường đầu với số phận, cố hết sức tô vẽ cho cái bề ngoài ra vẻ phong lưu.
Bà làm tất cả mọi việc mà một người mẹ đáng kính có thể làm. Bà tiếp trong nhà cả những tay ưa đua thuyền ở Southampton, những thầy mục sư ở nhà thờ Crawley tại Winchester và những sĩ quan đóng tại đây. Bà cố tìm cách lôi kéo bọn luật sư trẻ tuổi ở toà thượng thẩm, lại khuyến khích Jim bắt bọn bè bạn hay đi săn về nhà chơi. Trên đời này, một bà mẹ quý con gái có ngại việc gì mà không làm?
Giữa bà và ông anh chồng, tức là cái lão nam tước bỉ ổi ở bên trại kia, rõ ràng bây giờ không còn liên quan gì đến nhau nữa.
Quan hệ giữa Bute và cụ Pitt bị cắt đứt hoàn toàn rồi; thật ra cụ Pitt đã cắt đứt quan hệ cả với mọi người trong quận; ai cũng ghê tởm lão. Càng già lão càng ghét cay ghét đắng cái xã hội thượng lưu; từ ngày Pitt và công nương Jane đến thăm lão cho phải lẽ sau ngày cưới, thì cổng trại Crawley Bà chúa cũng chưa mở ra lần nào để đón xe ngựa của một vị khách sang trọng.
Thật là một cuộc thăm viếng kinh khủng, đáng sợ, hai vợ chồng Pitt cứ nghĩ đến mà ghê. Pitt lạnh lùng yêu cầu vợ không bao giờ được nhắc đến chuyện ấy nữa. Nhờ có bà Bute, vốn thông tỏ mọi chuyện xảy ra bên trại, nên mọi người mới rõ cách cụ Pitt đón tiếp con trai và con dâu như thế nào.
Hai vợ chồng Pitt giong chiếc xe ngựa mới tinh dọc theo con đường lớn trong trại; Pitt ngạc nhiên và giận quá vì thấy giữa đám cây cối…cây cối của anh ta... có nhiều chỗ trống; lão nam tước đã tự tiện đẵn đi để bán. Vườn cây trông thật tiêu điều xơ xác. Lối đi trong vườn không ai sửa sang, đầy những vũng nước, bùn bắn tung toé bẩn hết thành xe. Trước cửa chính, rêu phong kín mặt thềm; những cụm hoa trước kia đẹp là thế, bây giờ tàn lụi hết, cỏ dại um tùm. Hầu hết các cửa sổ đều đóng im ỉm; còn cổng trại thì kéo chuông mãi mới thấy cánh cửa hé mở. Thoáng thấy bóng một người đeo đăng-ten chạy vụt lên chiếc cầu thang bằng gỗ sồi: cuối cùng bác Horrocks ra mời người thừa kế trại Crawley Bà chúa cùng cô vợ mới vào trong ngôi nhà của tổ tiên để lại.
Bác dẫn hai người vào trong gian phòng sách - ở đây nó được gọi như vậy - của cụ Pitt; càng đến gần hai vợ chồng Pitt càng ngửi thấy mùi khói thuốc lá xông ra nồng nặc. “Cụ Pitt không được khoẻ lắm”. Bác Horrocks nói rõ như để thanh minh, ngụ ý ông chủ đang mắc chứng đau bụng.
Phòng sách trông thẳng ra vườn cây và lối đi trước nhà. Cụ Pitt đã mở cửa sổ, đang thò cổ ra quát tháo thằng phu xà ích và thằng hầu của Pitt; hai đứa vừa định dỡ hành lý trên xe xuống. Lão khua khua cái tẩu trong tay, hét ầm lên:
- Cứ để nguyên tất cả trên ấy, Tucker, thằng ngu, đến chơi có một lúc thôi mà. Cha mẹ ơi, con ngựa bị xước một miếng ở vó kìa! Dắt nó ra trạm “Đầu vua” mà chữa đi thôi. Thế nào? Pitt? Thế nào con gái yêu? Đến thăm lão già hả? Cha mẹ! Trông mặt mũi cũng xinh đấy chứ, không đến nỗi như cái mặt ngựa của bà mẹ. Lại đây hôn lão Pitt này một cái đi, chóng ngoan con.
Hôn bố chồng xong, cô con dâu có ý hơi kinh thì phải, vì lão để ria xồm xoàm không cạo, mồm sặc mùi thuốc lá. Nhưng cô ta nhớ ngay rằng Southdown, anh trai cô, cũng để ria mép, cũng hút thuốc lá, nên cố gắng tỏ ra nhã nhặn đúng mức.
Lão nam tước nói:
- Pitt hồi này béo ra đấy nhỉ? Nó có còn hay thuyết giáo dài dòng văn tự nữa không, con? Bài hát nguyện thứ một trăm, đồng ca buổi tối... hả, Pitt? Horrocks , đem một cốc rượu Malmsey và một chiếc bánh ngọt để công nương Jane xơi. Thằng ngu, sao mày cứ đứng ỳ ra đấy như con lợn ấy? Tôi không giữ anh chị ở lại đâu, ở đây vợ chồng anh chán ngấy lên mất. Tính tôi khác Pitt lắm. Tôi bây giờ già rồi, sinh cái tật nghiện thuốc lá, tối đến lại ham đánh bài.
Công nương Jane cười đáp:
- Thưa ba, con cũng biết chơi bài, tức là cái thú chơi cha vừa nói là rất ham mê.
- Nhưng cũng không nên vì thế mà bắt chị ở lại đây. Không, không, cứ quay về Mudbury mà trọ, cho bà Rincer kiếm ăn tý chút chứ, hay là đánh xe sang bên nhà thờ, vòi lão Bute một bữa cơm. Gặp anh, chắc lão thú lắm. Thấy anh được hưởng gia tài của bà già, lão nể anh ra phết. Ha, ha! Tôi mà chết đi thì anh cũng phải bỏ ra ít nhiều mà sang sửa lại cái trại này chứ?
Pitt cất cao giọng, nói:
- Thưa cha, con nhận thấy gia nhân trong trại đang chặt phá cây cối. Cụ Pitt đột nhiên điếc tịt hai tai, đáp:
- Phải, phải, trời đẹp quá, thời tiết dễ chịu lắm. Nhưng mà, anh Pitt ạ, tôi già rồi. Cầu trời phù hộ cho anh, mà anh cũng gần năm mươi rồi nhỉ. Thế mà trông còn tráng kiện lắm, phải không cô Jane? Biết kính Chúa, lại sống điều độ có lợi thế đấy. Trông tôi đây này, gần tám mươi tuổi đầu còn gì... hề hề !
Lão cười, rít một nhúm thuốc lá bột, liếc nhìn cô con dâu và véo một cái vào tay cô ta.
Pitt cố lái câu chuyện trở về việc phá gỗ, nhưng lão nam tước lại lập tức trở thành điếc đặc:
- Tôi già lắm rồi, năm nay lại khổ sở vì cái bệnh đau lưng. Tôi cũng không sống được bao lâu nữa đâu, nhưng chị đến thăm tôi thế này là quý lắm. Công nương Jane ạ, tôi ưa nét mặt của chị lắm, không có cái vẻ khinh khỉnh đáng ghét của nhà Binkie. Để tôi làm quà cho chị cái gì đèm đẹp mà đeo khi vào chầu trong triều.
Lão lòng khòng bước tới bên một cái tủ, lôi ra một chiếc hộp cũ đựng ít đồ trang sức đáng tiền. Lão nói:
- Cầm lấy con ạ, của bà cụ sinh ra tôi ngày xưa đấy; sau này bà Crawley vợ cả tôi cũng đeo. Ngọc quý lắm. Chưa bao giờ cho đứa con gái nhà hàng sắt dùng đâu. Thôi, cầm lấy mà đeo vào cổ, mau lên.
Vừa nói lão vừa dúi chiếc hộp vào tay con dâu. Thấy Horrocks bưng rượu bước vào, lão đóng sập cánh tủ lại.
- Cụ cho vợ anh Pitt cái gì đấy?
Vợ chồng Pitt vừa từ biệt lão già ra về, cái cô đeo đăng-ten đã căn vặn ngay lão già. Do là cô Horrocks , con gái bác quản lý... người đã gây ra những lời đồn đại xa gần về chuyện cụ Pitt trác táng... và hiện nay cũng là bà chủ nắm mọi quyền hành trong trại Crawley Bà chúa vậy.
Dân trong quận và cả họ Crawley thấy cô “Đăng-ten” làm ăn phát đạt quá mà kinh. Cô “Đăng ten” mở cả một ngân khoản ở chi nhánh Ngân hàng Mudbury. Cô “Đăng- ten” ngồi xe ngựa đi lễ nhà thờ, độc chiếm chiếc xe ngựa chở hàng mọi khi vẫn dành cho bọn đầy tớ trong trại dùng. Người làm, ai không vừa lòng cô, bị đuổi như chơi. Bác làm vườn người xứ Scotch chưa bị đuổi, lấy làm hãnh diện về vườn cây của mình lắm; bác vẫn đem rau quả ra chợ Southampton bán, ăn bớt được khối tiền. Một buổi sáng trời nắng ấm, bắt gặp cô “Đăng- ten” hái đào ở mé tường phía nam ăn, bác tỏ ý phản kháng, liền bị hai cái tát ù tai. Sau đó, vợ chồng con cái bác, những người duy nhất được vị nể trong trại, phải khuân đồ đạc dọn đi nơi khác; khu vườn cây sầm uất trước kia được chăm sóc cẩn thận là thế, bây giờ bị phá phách tan tành, hoa tàn cỏ rậm. Mảnh vườn trồng hoa hồng của Crawley phu nhân ngày trước, nay um tùm toàn gai góc. Còn lại độ hai ba người đầy tớ nằm run rẩy trong gian phòng lạnh ngắt dành cho người làm. Chuồng ngựa, chuồng bò trống tuềnh trống toáng, đóng cửa bỏ xó, đổ xiêu đổ vẹo.
Ông Pitt nằm lì một chỗ, đêm nào cũng say sưa với bác Horrocks (bây giờ lão gọi bác là quản gia) và cô “Đăng- ten” phóng túng. So với hồi cô ta ngồi chiếc xe cọc cạch đến trại, gặp bọn bán hàng vặt cũng một điều “thưa ngài”, hai điều “thưa ngài”, tình thế bây giờ khác hẳn. Xung quanh ai khinh, ai chửi cũng mặc, lão già cứ bịt tai nằm lỳ trong trại Crawley Bà chúa, không mấy khi ra khỏi cổng. Lão cãi nhau với bọn thầy kiện, viết thư chửi bọn tá điền. Suốt ngày chỉ thấy lão ngồi cặm cụi viết lách. Bọn thầy kiện và bọn cảnh sát có việc gì giao thiệp với lão đều phải qua tay cô “Đăng - ten”. Cô này tiếp họ ngoài cửa gian phòng của quản gia, có cửa hậu ăn thông với phòng sách. Mỗi ngày lão nam tước lại càng thêm bối rối vì việc làm ăn hỗn độn trong trại.
Chuyện lão nam tước già lẩm cẩm ra sao, người đứng đắn nhất trong vùng cũng rõ nên Pitt Crawley rùng mình kinh hãi. Anh ta chỉ nơm nớp lo có ngày ông cụ sẽ tuyên bố cô “Đăng-ten” chính thức trở thành mẹ kế thứ hai của mình. Sau lần lại thăm bố đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ấy, trong ngôi nhà lịch sự đẹp đẽ của Pitt Crawley, không hề nghe thấy ai nhắc đến tên lão già nữa. Lão chỉ còn là một xác chết, và mọi người trong nhà yên lặng ghê tởm bước qua. Bá tước Southdown phu nhân vẫn tiếp tục đi xe ngựa đến cổng ném những cuốn sách giảng đạo vào trong trại, những cuốn sách khiến ta phải dựng cả tóc gáy. Đêm đêm, bà Bute bên nhà thờ ra sân ngó xem sau hàng cây du che lấp toà nhà bên trại, bầu trời có rực đỏ lên vì ngôi nhà chính bốc cháy hay không. Ngài Wapshot và ngài Fuddlestone là mấy ông bạn cố tri của gia đình xưa vẫn không chịu ngồi cùng một ghế với cụ Pitt trong những kỳ họp quốc hội; một lần gặp lão ở High Street, tại Southampton, lão chìa bàn tay cáu bẩn nhăn nheo ra bắt, họ ngoảnh mặt đi thẳng. Lão cũng chẳng buồn để ý, thọc hai tay vào túi áo, phá ra cười, rồi hì hục leo lên chiếc xe bốn ngựa. Sách của bà Southdown cũng chỉ khiến lão phì cười chế nhạo; lão chế nhạo cả hai thằng con trai, lão chế nhạo tất cả thiên hạ, lão chế nhạo cả cô “Đăng-ten” những lúc cô ta cáu kỉnh, mà việc ấy xảy ra như cơm bữa.
Cô Horrocks được lĩnh chức quản gia trong trại Crawley Bà chúa; cô ta cai trị bọn gia nhân một cách hết sức nghiệt ngã, hống hách. Đầy tớ người nào cũng phải gọi cô ta là “bà... ”; có một chị hầu gái tôn xưng cô ta là “phu nhân” nhân dịp cô được đề bạt; cô ta cũng cứ nhất định không hề tỏ ý khó chịu. “Phu nhân” cũng có năm bảy đường, có người rất tốt, mà cũng có kẻ rất tồi”. Cô Horrocks trả lời bề dưới lúc được tôn xưng như vậy. Thế là cô tuyệt đối thống trị hết thảy mọi người, trừ cha cô. Nhưng bây giờ cô cũng ra mặt khinh khỉnh cả với bố, lại bảo cho bố cô biết rằng đừng có quá sỗ sàng với bà nam tước phu nhân tức là mình. Được đóng vai trò quý phái này, cô ta khoái chí lắm, mà lão Pitt cũng vui, lão thấy cô ta bắt chước điệu bộ sang trọng quý phái lão cứ cười lăn ra. Lão bảo rằng xem cô ta đóng trò mệnh phụ thú chẳng kém gì xem hát; lão lôi một bộ áo chầu của bà vợ cả ra cho cô ta mặc, khen nức nở rằng cô ta mặc vừa xinh, chỉ còn việc lên xe tứ mã vào triều chầu vua là xong. Cô Horrocks tha hồ lục lọi tủ áo của hai bà vợ lão, tuỳ ý chữa lại cho vừa người theo sở thích. Cô ta còn muốn lấy cả đồ trang sức của họ, nhưng lão nam tước đã khoá kín trong một ngăn kéo riêng, cô ta đã chịu khó ra sức mơn man chiều chuộng lão mà chưa lấy được chìa khoá. Ít lâu sau khi bà phu nhân này bị đuổi ra khỏi trại Crawley Bà chúa, người ta tìm được một quyển vở của bà, mới biết rằng cô “Đăng-ten” đã giấu giếm ra công tập viết, tập cẩn thận nhất là mấy chữ Crawley phu nhân, Betsy Horrocks phu nhân, Elizabeth Crawley phu nhân, v.v..
Những người đứng đắn trong vùng tuy không ai lai vãng đến, lánh xa lão chủ trại lẩm cẩm như lánh hủi, nhưng họ vẫn biết rõ mọi việc xảy ra không sót tý gì. Ngày nào họ cũng chờ đợi sự kết thúc chắc chắn phải đến, sự kết thúc mà cô Horrocks cũng đang tha thiết mong ngóng. Nhưng ác hại thay, số mệnh đã ngăn cản không cho cô hưởng phần thưởng xứng đáng với một người đức hạnh trong trắng như cô.
Một bữa, lão nam tước bắt gặp “phu nhân”- vẫn thích gọi đùa cô như vậy - ngồi bên chiếc dương cầm cũ rích đã mất tiếng kê trong phòng khách. Từ hồi Becky bỏ đi, cũng không ai sờ mó đến nó. Cô lấy điệu bộ hết sức trịnh trọng ngồi vào ghế, rồi ra sức mà gõ, bắt trước điệu âm nhạc thỉnh thoảng cô được nghe. Chị hầu gái mới được làm chân phụ đứng bên bà chủ lấy làm thưởng thức lắm, vừa gật gù cái đầu, vừa khen: “Úi chà, thưa bà hay tuyệt”, thật không kém gì cảnh tượng một ông nịnh hót đúng mốt tại một buổi tiếp tân thực sự trong triều.
Sự việc ấy khiến lão nam tước già cười phá lên. Tối hôm ấy, lão kể chuyện lại với bác Horrocks hơn chục lần làm cô Horrocks thấy vậy vô cùng buồn bực. Lão gõ gõ xuống mặt bàn và réo lên, bắt chước cách cô ta hát. Lão nhất định bảo rằng cô Horrocks có giọng hay như thế, không học hát cũng phí, phải thuê một ông thầy dạy hát mới được; cô “Đăng- ten” cũng thấy là phải. Đêm hôm ấy, lão vui quá, cùng ông bạn hầu rượu tha hồ nốc rượu rum cật lực... mãi đến khuya, người đầy tớ đồng thời là người bạn trung thành mới vực lão về phòng ngủ.
Nửa giờ sau, bỗng nhiên cả nhà tíu tít ồn ào hẳn lên. Lần lượt ánh đèn chiếu sáng rực từ cửa sổ này đến cửa sổ khác trong toà nhà cũ kỹ tiêu điều ấy, mà thường thường ông chủ chỉ dùng độ một, hai phòng. Một thằng nhỏ lập tức phi ngựa đi Mudbury tìm bác sĩ. Khoảng một giờ sau bà Bute Crawley và con trai là James Crawley từ nhà thờ chạy sang, qua cửa chính vẫn mở toang vào trong nhà (thế -nới biết bà này liên lạc chặt chẽ với bên trại tài tình thật).
Họ đi ngang qua gian phòng lớn và căn phòng khách nhỏ vách bằng gỗ sồi, thấy trên mặt bàn còn ba chiếc cốc vại, một cái vỏ chai rượu rum; qua căn phòng này đi thẳng vào phòng làm việc của cụ Pitt, họ bắt gặp cô Horrocks đeo “đăng-ten” đầy người đang lấm la lấm lét cầm một chùm chìa khoá tìm cách mở ngăn kéo bàn giấy và tủ “com-mốt”. Thấy đôi mắt bà Bute long lên sòng sọc như phát ra những tia lửa dưới chiếc mũ ngủ màu đen, cô ta sợ quá rú lên, đánh rơi chùm chìa khoá xuống đất.
Bà Bute chỉ ngay mặt cô con gái mắt đen bị bắt quả tang, thét:
- Nhìn xem kìa, này, ông Crawley và thằng James.
Cô “đăng - ten” vội kêu:
- Cụ ấy cho cháu đấy, cụ ấy cho cháu đấy!
Bà Bute rít lên:
- Cụ ấy cho mày à, quân khốn nạn kia. Có ông Crawley làm chứng nhé, chúng ta bắt quả tang cái con vô tích sự này đang hôi của của anh ông nhé. Rồi phải mang treo cổ nó lên mới được, tôi vẫn bảo thế mà.
Betsy Horrocks hoảng quá, vội quỳ mọp xuống đất, khóc nức nở. Nhưng ai hiểu thấu bụng dạ đàn bà, hẳn biết rằng họ không dễ dàng tha thứ, và càng thấy kẻ thù nhục nhã, họ càng sướng. Bà Bute nói:
- James, kéo chuông đi, kéo chuông gọi ngay mọi người đến đây.
Tiếng chuông réo lên inh ỏi không ngừng, ba bốn người đầy tớ chạy vội lại ngay. Bà Bute ra lệnh:
- Giam con này vào hầm. Chúng ta bắt quả tang nó đang ăn cắp của cụ Pitt. Ông Crawley làm hộ cho cái biên bản. Còn thằng Beddoes, sáng mai quăng nó lên xe ngựa mang về Southampton cho nó tù mọt gông.
Ông mục sư quan toà can thiệp:
- Bà nó ơi, con bé mới định...
Bà Bute giậm chân đành đạch, vẫn hét:
- Xiềng đâu? Trong nhà vẫn còn xiềng cơ mà. Thằng bố đẻ ra con ranh này đâu rồi?
Cô Betsy rên rỉ:
- Quả thực cụ ấy cho cháu, phải không chị Hester? Chị cũng trông thấy. Cụ Pitt cho tôi chùm chìa khoá từ lâu lắm rồi... có hay không thì chị biết đấy... Cái ngày sau phiên chợ Mudbury ấy mà, tôi có hỏi xin đâu. Nếu bà không tin, thì đây, cháu xin trả.
Nói đoạn cô Horrocks rút trong túi ra một đôi khoá giầy to tướng bằng nhựa cô ta vẫn thèm từ lâu, mãi vừa rồi mới lấy trộm được trong tủ sách ở phòng làm việc.
Hester, chị phụ bếp mới, vội nói:
- Này Betsy, chị dám mở mồm ra nói xưng xưng lên thế à? Mà lại nói dối cả bà Crawley là người nhân từ hiền hậu, cùng đức cha đáng kính đây à? (chị cúi rạp xuống chào).
- Thưa bà chìa khoá của cháu đây, xin bà cứ khám hòm xiểng của cháu, tuy bố mẹ cháu nghèo thật, lại được nuôi ở nhà tế bần nhưng... nếu bà tìm thấy một mụn vải nhỏ, hoặc một chiếc tất lụa nào, thì cháu chết ngay, không bao giờ còn đi lễ nhà thờ được nữa.
Người đàn bà đức hạnh rít lên:
- Đưa chìa khoá đây cho tao, con !
- Nến đây, thưa bà. Nếu bà cho phép, thưa bà, cháu xin dẫn bà đến phòng của nó; lại còn cái tủ trong phòng quản gia nữa, nó chất các thứ nhiều vô kể.
Chị hầu Hester hăng hái nói, ra vẻ hết sức nịnh nọt:
- Khôn hồn thì câm cái mồm ngay. Tao thừa biết con ở những phòng nào rồi. Bà Brown, mời bà cùng đi với tôi. Còn Beddoes, mày canh con kia cẩn thận cho tao.
Bà Bute vớ lấy cây nến tiếp:
- Ông Crawley, ông lên ngay trên gác, xem có phải chúng nó giết anh ông không?
Và bà Bute có bà Brown đi kèm, bước về phía phòng của cô “Đăng-ten”. Quả thật đúng như lời bà nói, bà biết rõ lối đi không chút bỡ ngỡ.
Ông Bute lên gác, đã thấy ông bác sĩ Mudbury đến cùng bác Horrocks đang hoảng hốt săn sóc lão chủ trại nằm trong ghế bành. Họ đang định trích huyết cho lão tỉnh lại.
Sáng sớm hôm sau, bà vợ ông mục sư gửi thư hoả tốc cho Pitt Crawley, bà này tự đảm nhiệm lấy quyền lo liệu mọi việc, thức suốt đêm để canh lão Pitt. Lão cũng đã tỉnh lại, tuy không nói được, nhưng hình như lão nhận ra mặt người nhà. Bà Bute quyết định ở lại bên giường bệnh của lão. Bà không hề thấy buồn ngủ. đôi mắt dữ tợn cứ mở thao láo, mặc ông bác sĩ lăn ra ngáy khò khò trong ghế bành. Horrocks cũng cố gắng tỏ ra mình có quyền săn sóc ông chủ, nhưng bị nhà Bute mắng cho là thằng khốn nạn rượu chè be bét, lại cấm không cho vác mặt về cái nhà này, nếu không muốn bị treo cổ như con gái.
Hoảng quá, bác ta chuồn ra căn phòng khách lát gỗ sồi; James vẫn ngồi đó; thấy chai rượu đã cạn khô, anh ta sai bác Horrocks đi lấy một chai rum khác và mấy cái cốc sạch, hai bố con ông thầy tu ngồi uống rượu, ra lệnh cho bác Horrocks trả lại chìa khoá rồi cút đi nơi khác mà ở, không được thò mặt về đây nữa.
Bác Horrocks mất hết tinh thần, vội giao trả chìa khoá; đêm hôm ấy, bác và cô con gái len lén chuồn thẳng hết hy vọng trở lại trai Crawley Bà chúa.