– Đoàng.
Một tiếng súng cực nhỏ từ xa truyền đến.
Thiên Anh quay phắt đầu lại, cô đã ra tới cửa sau, khu vườn sau lưng tối thui tựa như hố đen ăn thịt người. Cô hỏi người hầu bên cạnh:
– Cô có nghe thấy tiếng động gì không?
Cô hầu người Nhật thành thật lắc đầu. Hiện tại sân trước đang hát tuồng, tiếng hí khúc khua chiêng gõ trống bao phủ hết toàn bộ động tĩnh ở hậu hoa viên. Cô cũng không xác định âm thanh mình nghe được là tiếng súng hay tiếng pháo trúc.
– Thiên Anh!- Hứa Tinh Trình đã đến điểm hẹn chờ cô, đang ngồi trong một chiếc Ford vẫy tay với cô, vẻ mặt hệt như cậu bé trốn học đi chơi.
Cô bị trạng thái hưng phấn của anh thu hút, chạy nhanh đến ngồi vào trong xe. Xe lướt nhanh trong màn đêm.
Khi La Phù Sinh trở lại phòng tiệc chính, vở tuồng đã sắp kết thúc, Hồng Lan trách móc:
– Lúc nãy anh đi đâu vậy? Chẳng phải anh thích nghe kinh kịch nhất à? Lại bỏ lỡ cả một màn sau cùng.
– Đi vệ sinh mà, quay lại thì gặp được người quen nên nói chuyện vài câu- Ở đây, mấy cậu ấm trẻ tuổi tụ năm tụ ba nói chuyện, tìm kiếm mục tiêu trong lòng. Người lớn tuổi thì nâng ly bàn chuyện kinh doanh và tình hình chính trị đương thời. Trong lúc ăn uống linh đình, chỉ có vài vị phu nhân ít ỏi nghiêm túc nghe diễn.
– Hứa Tinh Trình đâu? Anh đi không bao lâu, anh ta cũng mất dạng.
– À, anh mới gặp anh ta, uống nhiều rồi nên về nhà trước- La Phù Sinh thấy cô ra vẻ nghi ngờ, nhanh chóng chuyển đề tài- Lát nữa tiệc rượu em có tham gia không? Nashi nói muốn em ở lại dự đó.
– Chậc, giờ gọi thẳng tên người ta luôn rồi ha, từ khi nào hai người lại thân nhau như vậy? Em không thèm ở lại, anh Lâm đưa em về- Hồng Lan nổi máu ghen, kiêu ngạo hất đầu.
Như vậy lại càng hợp ý của La Phù Sinh, anh thầm thở phào nhẹ nhõm, quay sang trưng cầu ý kiến của Lâm Khải Khải.
– Không thành vấn đề, để anh đưa Hồng Lan về, cậu nói giúp hai chúng tôi một tiếng với điện hạ Nashi nhé.
Sau khi Lâm Khải Khải và Hồng Lan ra về, La Phù Sinh nhìn chỗ ngồi trống không bên cạnh, thở dài một hơi. Lấy bình rượu nhỏ trong ngực ra, trên thân bình có dấu vết móp méo do lần trước ngã xuống núi. Anh cười khổ nốc một ngụm rượu cao lương, cảm giác cay xè lan tràn trong cuống họng, đã sớm nói rượu Nhật Bản rất nhạt mà.
Nashi Mirai đi tới ngồi xuống bên cạnh anh, khuỷu tay gác lên vai anh rất tự nhiên, nửa dựa vào người anh, làm như say rượu:
– Họ đi rồi à?
– Ừ- La Phù Sinh im lặng uống rượu.
– Vì sao anh không đi?- Câu hỏi này một lời hai nghĩa.
La Phù Sinh quay đầu nhìn vào đôi mắt mơ màng của cô:
– Bởi vì tôi phải nhảy điệu nhảy đầu tiên với cô mà.
– Đúng đúng đúng!- Nashi Mirai vui vẻ giơ ngón tay lên liên tục nói ba chữ đúng với anh, kéo anh ra khỏi chỗ ngồi, lui về biệt viện.
Trên sân khấu, Đoàn Thiên Tứ đã diễn xong. Không ai chú ý đến anh xuống sân khấu từ bao giờ, tất cả mọi người đều bận rộn chuyện quốc gia thiên hạ của chính mình.
Anh xuống đài thì không thấy Thiên Anh đâu, đi cả một vòng hậu đài cũng không thấy bóng dáng cô.
– Mọi người có ai nhìn thấy Thiên Anh không?
– Không- Các sư huynh đệ đáp. Đoàn Thiên Tứ cảm thấy bất an, muốn tập hợp các anh em lại đi tìm, nhưng đây dù sao cũng là địa bàn của người Nhật, anh không dám tùy tiện hành động.
Lúc này, một cô gái trông có vẻ là nha hoàn chạy đến nói với Đoàn Thiên Tứ:
– Điện hạ chúng tôi mời cô Đoàn ở lại dự tiệc rượu, muộn một chút sẽ đưa cô ấy về gánh hát. Giờ sẽ phái xe đưa mọi người về trước.
Đoàn Thiên Tứ cảm thấy sự việc có hơi kỳ lạ, nhưng không dám nói gì, chỉ có thể cung kính cúi chào cô gái nọ:
– Vâng, phiền cô rồi.
Người ở lại trong tiệc rượu trên cơ bản đều là người Nhật, họ không dùng tiếng Trung bập bẹ nữa mà nói thẳng tiếng mẹ đẻ của mình. La Phù Sinh cẩn thận quan sát, lại phát hiện trong đám người này đa số không phải khách mời, chỉ toàn là người nhà của Ninh Viên, Hạ Chân Ngô cũng nằm trong số đó.
Nashi Mirai nhìn ra ngờ vực của anh, than vãn thở dài:
– Ngoài mặt thì vẻ vang, mọi người tôn kính gọi một tiếng điện hạ, chỉ là sau lưng không có người nào chịu đến dự tiệc rượu của tôi, ngoại trừ anh ra. Chỉ có gọi người nhà tới, để bữa tiệc có vẻ đông vui mà thôi.
Nửa đầu bữa tiệc là vì nể mặt, vì tình hình nên không thể không đến, còn phải xã giao cho qua. Tiệc riêng tư nửa sau tiếp tục tham gia, e rằng sẽ bị gán cho cái danh là quân bán nước. Những người trong chính phủ quốc dân quý trọng danh tiếng biết bao, đương nhiên phân rõ quan hệ nặng nhẹ bên trong.
– Anh không sợ sao?- Nashi Mirai hỏi anh.
La Phù Sinh cười nhẹ.
– Là quạ rồi còn sợ bị đen à?
Nashi Mirai bật cười sảng khoái.
– Chúng ta một người là tắc kè hoa, một người là quạ đen, chẳng phải rất xứng đôi à?
Sắc mặt La Phù Sinh khẽ biến, một câu nói đùa của Lâm Khải Khải trong bữa tiệc nhanh như vậy đã đến tai cô, có thể thấy tai mắt của cô ta ở rộng khắp. Nashi Mirai dường như không hề tức giận với câu nói đùa này, ngược lại còn tự trêu đùa, nâng ly rượu lên:
– Vì tình hữu nghị của tắc kè hoa và quạ đen, cạn ly!
Quá ba tuần rượu, La Phù Sinh nghe được bên tai có tiếng nhạc vang lên, không phải nhạc jazz hay khúc dương cầm quen thuộc, mà là nhạc khúc ngũ cung gồm sáo trúc shakuhachi, đàn tam shamisen và đàn tranh Nhật Bản diễn tấu thành.
– Đây là âm nhạc truyền thống của Nhật Bản chúng tôi, bài này tên là “Ánh trăng nơi thành hoang – Kōjō no Tsuki”. Không biết có hân hạnh được nhảy một điệu với anh La không?- Nashi Mirai chủ động đứng lên mời anh khiêu vũ.
La Phù Sinh đứng dậy, đỡ eo cô đi đến trung tâm sàn nhảy chậm rãi chuyển động. Là điệu Waltz, không có bước nhảy cố định, hai người di chuyển tùy ý, tận hưởng sự gột rửa của âm nhạc.
La Phù Sinh cảm thấy khúc nhạc này có hơi giống với nhạc đời Đường cổ điển Trung Quốc, nghĩ kỹ lại cũng không lạ, nền văn hóa Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhạc nước nhà của họ chắc hẳn cũng có bóng dáng của nhạc thời Đường. Người Nhật xung quanh đều hát nhẩm theo khúc ca này, anh không hiểu ca từ, Nashi Mirai kề sát vào tai phiên dịch từng câu cho anh nghe.
“Chiều Xuân nhộn trên các đài cao
Thưởng hoa tay khách chén rượu đào,
Ảnh nguyệt xuyên cành tùng thiên kỹ
Giờ đây trăng đó sáng nơi nào?
Thu sương Dinh Trấn màu thẫm đỏ
kêu nhau chim nhạn bao nhiêu cánh
Ngổn ngang cung kiếm gác giữa thành
Giờ đây trăng đó sáng nơi nào?
Đêm khuya dưới trăng thành quách đổ
Trăng sáng như xưa có nhớ chi?
Rong rêu tường mục vô nhân ảnh
Gió rung cành Tùng cất tiếng rao
Trên trời cảnh vật nào có đổi
Vinh quan phú quí đến bao lần
Chốn ấy giờ đây có khác xưa?
Trăng khuya thổn thức khóc hoang thành…”[]
Là một ca khúc vô cùng bi thương, Nashi Mirai nhẩm theo lời ca mà rơi nước mắt:
– Tôi có hơi nhớ nhà.
La Phù Sinh thở dài, cô ấy không phải vừa sinh ra đã là tắc kè hoa:
– Vậy sao không về?
Cô lau vội nước mắt lại biến thành bộ dạng tươi đẹp động lòng người, mỉm cười với anh:
– Tại sao anh không đi cùng cô ấy? Chẳng phải anh thích cô gái kia à? Chúng ta đều không thể hành động theo ý của bản thân. Thực tế thì đa số thời điểm, chúng ta đều làm trái lòng mình, chẳng phải sao?
Đing đing đing… Đồng hồ quả lắc Tây Dương gõ mười hai tiếng.
– Tôi mười tám tuổi rồi- Nashi Mirai ngẩng lên nhìn La Phù Sinh cao hơn cô một cái đầu, hệt như cô gái đang đòi quà.
– Chúc mừng cô, đã bước vào thế giới người trưởng thành- La Phù Sinh cuối cùng cũng nở nụ cười thật lòng đầu tiên với cô, cho dù tương lai họ có gặp nhau trên lưỡi đao, là kẻ địch sinh tử bất dung, thì giờ khắc này họ vẫn thật lòng xem đối phương như tri kỷ.
– Điện hạ Nashi, đại nhân Kaya, xảy ra chuyện rồi!- Một người hầu hoang mang chạy vào, tiếp đó thì thầm với họ bằng tiếng Nhật, La Phù Sinh nghe không hiểu, chỉ đứng ở một bên.
Nashi Mirai nghe người nọ báo lại tình hình xong, nhìn thoáng qua anh với ánh mắt đầy phức tạp.
Ở hậu hoa viên phát hiện một thi thể, bị giấu trong góc khuất sau hòn non bộ, nếu không phải trong phủ có một đôi uyên ương lén lút ra đó hẹn hò, chỉ e đến khi thi thể bốc mùi mới có thể bị phát hiện ra.
Người chết là đối thủ không đội trời chung với Hội Hồng Hoàn, Phùng Đại Vinh của Cục kiểm định hải quan Trường Giang.