Chu Phỉ chọn trong đống vỏ sò Tạ Doãn ăn thừa lại cho nàng ra vài cái có màu sắc đẹp, tự đâm lỗ gắn vào chiếc áo mà Trần lão dệt từ lưới đánh cá thừa thẹo cho nàng, mặc vào tả tơi thôi rồi, nếu kiếm thêm hai cái bao tải vá chằng vá đụp thì với trang phục hành nghề này, nàng có thể lăn lộn thành một tiểu đầu mục Cái Bang cũng nên.
Chu Phỉ định trước tiên về nhà một chuyến, báo cáo với Lý Cẩn Dung, sau đó lại đến chỗ Chu Dĩ Đường xem cha có gì sai phái hay không, nếu chuyện bên này ổn, nàng muốn đi xuống phía nam một chuyến, tìm xem còn cái gan mãng xà nào khác có thể hốt về hay không.
Võ học hễ có thành tựu ở Trung Nguyên đều tự có hệ thống riêng, có tên có họ có ngọn nguồn gốc gác, nếu có loại nội lực mà Đồng Minh đại sư nói thì lẽ ra kiểu gì cũng không phải vô danh, nếu không tìm được trong võ lâm Trung Nguyên thì Chu Phỉ nghĩ có lẽ có thể đi tái ngoại và Nam Cương thử vận may. Vì việc này mà nàng đồng ý sau mùa đông sẽ đến Nam Cương tỷ thí đao với Dương Cẩn một trận, nhằm sai khiến y giúp để ý kỳ nhân dị sự ở Nam Cương.
Chuyện lớn chuyện nhỏ nhiều đến mức đủ xếp sang mùa xuân năm sau, Chu Phỉ không dám trì hoãn, gắn vỏ sò vào áo rồi ra roi thúc ngựa đi một mạch trên quan đạo, ai ngờ mới đi được nửa đường, nàng thấy pháo hiệu của trại. Lần này pháo hiệu thả khá tinh tế, chen lẫn trong đống pháo hoa bình thường, không giống có chuyện gì gấp mà giống như có thông tin mập mờ hơn.
Chu Phỉ nửa đường kéo dây cương, cau mày nhìn hướng pháo hoa biến mất, không biết có phải bọn hay gây họa thành tinh của trại đều bị Lý Cẩn Dung phái ra ngoài hết không, nếu không thì sao thường xuyên gây chuyện thế?
Nhưng nếu đã nhìn thấy thì không thể mặc kệ, nàng đành quay đầu ngựa chạy về phía đó.
Ngựa tung vó chạy khoảng một khắc, pháo hoa lớn nhỏ liên tiếp nổ giữa trời đêm như Tết, xa xa có thể nghe tiếng người náo nhiệt nơi pháo hoa nở rộ, người gặp phải trên đường cũng dần dần nhiều lên, dường như đều chạy về bên đó.
Một cô nương trẻ xinh đẹp như Chu Phỉ đi một mình luôn khiến người khác không kìm được ngoái đầu nhìn, thỉnh thoảng có những kẻ mặt dày to gan còn muốn tiến lên bắt chuyện với nàng.
Chu Phỉ lúc nhỏ hơi mang đến cảm giác “người sống chớ lại gần”, mấy năm nay thường xuyên đi trong hiểm cảnh, võ công tiến bộ, trên người càng lúc càng toát lên khí chất khó tả. Người đến bắt chuyện thấy nàng không hé răng thì đa số đều không dám dây dưa, chỉ có một “nam tử” thanh niên có hai cọng râu trên miệng đi tới đi lui quanh Chu Phỉ mấy vòng, bạo gan tiến lên hỏi:
– Vị cô nương này cũng đi Liễu gia trang sao?
Chu Phỉ nghiêng đầu liếc người này, khung xương nhỏ nhắn, cổ áo che cổ họng một cách giấu đầu hở đuôi, lưng ưỡn rất thẳng, lúc khuỷu tay buông xuống tự nhiên hơi đặt ở phía sau, lúc nói chuyện thì cằm hơi thu lại, tuy khóe miệng có hai cọng râu nhưng khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo phản quang trong màn đêm, vừa nhìn liền biết là một đại cô nương gắn râu vào.
Chu Phỉ “ừ” một tiếng rồi dời mắt qua chỗ khác, không hứng thú.
Ai ngờ cô nương kia vẫn quấn lấy, sáp lại nói với nàng:
– Liễu gia trang này đúng là ghê quá, lão phu nhân trong nhà mừng thọ, còn không phải thọ chẵn mà họ lại làm lớn đến thế, hèn gì người ta nói họ giàu sánh ngang một nước.
Chu Phỉ không hứng thú với Dương gia trang Liễu gia trang gì đó, vừa định thúc ngựa đi trước vờ như không nghe thấy thì chợt cảm thấy sai sai, nàng kéo nhẹ dây cương, quay phắt đầu nhìn người gắn râu kia.
Người đó im lặng, đoan trang ngồi trên lưng ngựa, mỉm cười với Chu Phỉ.
– Sao lại là cô?
Chu Phỉ kinh ngạc hỏi:
– Sao cô lại đến đây, còn biến thành như vậy nữa?
Hóa ra người gắn râu này là Ngô Sở Sở lẽ ra đang ở Thục Trung.
Ngô Sở Sở không toét miệng cười như Lý Nghiên, động tác nơi khóe miệng luôn không lớn bằng động tác nơi khóe mắt, nàng ấy cong mắt cười, hỏi:
– Sao, không giống à?
Chu Phỉ dở khóc dở cười lắc đầu.
– Của A Nghiên cho ta.
Ngô Sở Sở cúi đầu, bứt cọng râu xuống, lộ đôi môi như cánh hoa, nói:
– Ta vốn cảm thấy không lịch sự nhưng thấy muội ấy từ sáng đến tối ăn mặc kỳ quái chạy khắp núi, dường như cũng có chút thú vị, thế là ta không kìm được mà trông bầu vẽ gáo, quả nhiên ta bắt chước không giống.
Sau khi Chu Phỉ đi, người ở bên Ngô Sở Sở nhiều nhất trong trại chính là Lý Nghiên, Lý Nghiên cô nương bẩm sinh đã tự có tà khí không đứng đắn, lực ô nhiễm cực mạnh. Muội ấy vĩnh viễn không cách nào theo người khác “gần đèn thì rạng” nhưng luôn có thể khiến người khác theo muội ấy “gần mực thì đen”.
Chu Phỉ lại hỏi:
– Sao cô tới đây? Ai đưa cô tới? Pháo hiệu ban nãy là cô phóng hả?
– Tự ta đi, đã nói với đại đương gia rồi.
Ngô Sở Sở nói, nghiêng đầu thấy Chu Phỉ luôn cau mày thì cười nói:
– Biểu cảm gì đấy hả, đại đương gia đã dạy ta vài công phu nhập môn đơn giản, ta tự hiểu bản thân, không thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ như các cô đâu, ra ngoài tự vệ là đủ dùng.
– Đại đương gia? Đích thân mẹ ta dạy cô sao?
Chu Phỉ giật mình, lập tức nói:
– Hèn gì dạo này không thấy cô viết thư hỏi ta nữa.
Năm xưa nhóm của họ từ Vĩnh Châu về Thục Trung rồi đường ai nấy đi.
Lý Thịnh và Chu Phỉ quanh năm không ở trong trại, còn lại một mình Lý Nghiên tuy có thể tán gẫu bầu bạn nhưng bài tập của đệ tử rất nặng, dù được sủng ái đến đâu chăng nữa, Lý Nghiên mỗi ngày đều kiên trì luyện công sáng tối và bài kiểm tra định kỳ với Lý Cẩn Dung tránh không thoát, nên không có nhiều thời gian ở bên Ngô Sở Sở.
Ngô Sở Sở có dạo không biết mình nên làm gì, các thiên kim nhà quan ở cố đô cỡ tuổi nàng ấy đều học nữ công và quản gia, chờ “lệnh của phụ mẫu, lời của bà mai” để xuất giá, cuộc đời đến đó xem như đã bụi trần lắng đọng, yên ổn, những nhấp nhô lên xuống về sau đều chỉ trong trạch viện nho nhỏ, vinh hoa hay sa sút, toàn bộ đều dựa vào vinh nhục hưng suy của nhà chồng.
Nhưng nàng ấy giờ đây côi cút một mình, không còn là tiểu thư nhà quan, cũng không có nhà cho nàng ấy quản. Nàng ấy trà trộn trong đám giang hồ dân gian, giữa hai bên như có một khoảng cách sâu hơn biển. Người trong trại tuy đối xử tốt với nàng ấy nhưng cũng là “dùng lễ đối đãi”, không vượt quá chức phận mà an bài nàng ấy làm việc gì. Dũng khí nàng ấy tích góp được hơn mười năm qua đã dùng hết sạch trên đường chạy trốn, chỉ còn lại “ấm áp thiện lương” và “đoan trang trầm tĩnh”, hoàn toàn không đủ tạo tương lai tươi sáng cho bản thân.
Còn thâm thù của phụ mẫu nàng ấy đã thăng đến cấp độ quốc thù gia hận, là cuộc chiến giữa cố đô và Kim Lăng, nàng ấy không thể làm gì, không thể góp sức.
Cảm giác khốn đốn này không thể nào nói hết, trong loạn thế đầu ai mà chẳng như thắt lưng (), sống còn không dễ, ai rỗi hơi nghe những suy nghĩ mờ mịt yếu ớt và ngây thơ của một nữ cô nhi?
() Đầu như thắt lưng: một cách nói dân gian chỉ cuộc sống nguy hiểm đến tính mạng. Thời xưa, người nông dân bần cùng tết cỏ hoặc rơm rạ làm thắt lưng đơn giản, khom tới khom lui chẳng bao lâu là đứt, người ta dùng hình ảnh đó để ví von với cuộc sống trong thời loạn, khi mạng người (đầu người) chẳng khác nào cái thắt lưng, rẻ rúng và có thể chết bất cứ lúc nào.
Có lần Chu Phỉ về nhà, thấy Ngô Sở Sở bối rối chẳng biết làm sao, bèn thuận miệng tìm chút chuyện cho nàng ấy làm. Trong trận chiến với Tào Ninh, những tích lũy suốt mấy chục năm của trại suýt bị hủy trong một ngày, không ít môn phái trong trại vốn đã khan hiếm nhân tài, tiếp tục như vậy sẽ càng thêm sa sút. Điển tịch võ công mà các tiền bối để lại nhiều năm không được tu sửa biên tập, hoặc thiếu trang thiếu chữ, hoặc dính đầy bụi bặm, rất nhiều điển tịch bản thân nó vốn đã trúc trắc, vậy mà thỉnh thoảng còn xen vài cảm ngộ lung tung của các tiền bối, trích dẫn bách gia chư tử nào cũng có, cực khó xem hiểu, bị những người thô kệch không biết được mấy chữ truyền nhau hết thế hệ này tới thế hệ khác, sai sót nhiều như cái lỗ sàng. Vừa khéo Ngô Sở Sở từ nhỏ đọc đủ thi thư, Chu Phỉ bảo nàng ấy từ từ chỉnh lý lại kho võ học của trại.
Chu Phỉ vốn chỉ thuận miệng nói thôi, ý định ban đầu là để Ngô Sở Sở không có chuyện gì làm thì đi chép sách cho đỡ buồn.
Lẽ ra một tiểu thư yếu đuối chưa từng luyện võ ngày nào, chỉ dựa vào một cây bút đi chỉnh lý biên tập điển tịch võ học của trại thổ phỉ, nghe kiểu nào cũng thấy vớ va vớ vẩn.
Nhưng Ngô Sở Sở lại như đã nắm được cọng cỏ cứu mạng, thật sự một lòng một dạ đâm đầu vào.
Đầu tiên nàng ấy học những kiến thức cơ bản như kỳ kinh bát mạch, nhận biết huyệt đạo. Sau khi hiểu biết đại khái, Ngô Sở Sở bắt đầu sao chép nguyên văn, trước hết bắt tay vào những bản được bảo tồn hoàn hảo, những bản có thể đọc hiểu sơ sơ để làm. Mỗi lần gặp chữ thiếu, nàng ấy không dám mảy may qua loa, để tu bổ một chữ mà nàng ấy thường xuyên phải khảo chứng hơn cả tháng.
Ngô Sở Sở xuất thân tiểu thư khuê các, tính cách hướng nội, lúc mới tới trại, nàng ấy rảnh rỗi cũng ngại chủ động bắt chuyện với người khác, càng khỏi phải nói tới chuyện xin chỉ giáo. Mỗi khi có nghi vấn, nàng ấy chỉ có thể không ngại đường xa vạn dặm mà viết thư hỏi Chu Phỉ, mỗi lần gửi thư là gửi một xấp dày. Có lúc Chu Phỉ chạy tới rừng sâu núi thẳm không nhận được thư nên để dồn mấy tháng, trở về nhìn đống thư cao hơn nửa thước ở chỗ trạm ngầm mà trong thư toàn đủ loại vấn đề cổ quái kỳ lạ, Chu Phỉ tự cho là vững kiến thức cơ bản cũng thường xuyên bị hỏi đến mức đầu óc mơ hồ, những câu thực không trả lời được còn phải đi thỉnh giáo tiền bối khác.
Mấy năm qua Chu Phỉ tiến bộ cực nhanh là có liên quan rất lớn với Ngô tiểu thư lòng mang mười vạn câu “không hiểu” này.
Ba năm trôi qua, Ngô Sở Sở đã chỉnh lý được hơn quyển điển tịch, tuy về số lượng chỉ như muối bỏ biển nhưng nàng ấy đã dần dần tìm ra được cách thức, bắt đầu thử chỉnh lý những quyển có độ khó cao hơn, đồng thời có thể viết được vài chú giải.
Ngô Sở Sở đưa tay vén ít tóc rơi xuống ra sau tai, cười nói:
– Có lần sách ta sửa xong bị A Nghiên cầm xem, đại đương gia thấy liền hỏi ta có muốn tập võ không, ta vốn nghĩ mình đã lớn tuổi như vậy rồi mà bắt đầu tập võ sẽ không theo kịp. Nhưng đại đương gia nói với ta “xưa nay người thành công muộn nhiều không kể xiết, có người sau tuổi trung niên mới bắt đầu nhập môn, gặp cơ duyên thì cũng thành chuyên gia, huống hồ con chỉ mới mười mấy tuổi, cả đời dài lắm, con lại không gấp tỷ võ với ai, nhập môn muộn chút có hề gì? Chỉ cần con đồng ý thì luyện mười mấy hai mươi năm, dẫu tư chất và cơ duyên đều bình thường cũng đủ cho con dùng, không có gì là không kịp cả”.
Chu Phỉ ngẩn người, cảm giác lời ấy và lời Lý Cẩn Dung nói năm xưa khi truyền Phá Tuyết đao cho nàng hiệu quả như nhau. Lý Cẩn Dung không hổ là người mà tuổi trẻ đã dám lên Bắc đô ám sát hoàng đế, dẫu bị năm tháng mài mòn đến đâu, trong bản tính của bà vẫn có nét chuyện ta ta cứ làm của “Vô Thất” (), mấy năm nay, nếu không phải bị gánh nặng trại đè trĩu đôi vai, có lẽ bà có tiềm năng lật đổ núi Hoạt Nhân Tử Nhân, trở thành ma đầu một phương.
() Vô thất (无匹): đơn độc, đặc biệt, độc nhất vô nhị.
Ngô Sở Sở lại nói:
– Ôi, cảm giác có được qua trang giấy chung quy vẫn ít, khi ta bắt đầu học thì thấy quả thực khác với những lý luận suông trước đó. Lần này ta đến đây là để bái phỏng vị Liễu lão gia này.
Chu Phỉ nói:
– Chủ nhân nơi đây hả? Làm gì?
Ngô Sở Sở:
– Vị Liễu lão gia này trước đây là môn hạ phái Thái Sơn, thời trẻ có chút danh tiếng, sau đó rửa tay gác kiếm, rút khỏi giang hồ, tiếp quản việc kinh doanh trong nhà, tạo được gia nghiệp lớn. Dạo này ta đang chỉnh lý công phu phái Thiên Chung, Lý công tử nói phái Thiên Chung khởi nguồn từ Thái Sơn, võ công kế thừa hệ thống phái Thái Sơn, ta viết thư cho Liễu lão gia, muốn tới xin thỉnh giáo ông ấy.
Chu Phỉ há hốc mồm lần nữa.
Ngô Sở Sở trong quá khứ ngay cả nói mấy câu với Lý Thịnh cũng cảm thấy xấu hổ giờ đây lại viết thư cho một người lạ cách xa ngàn dặm!
– Cô gọi cái thứ đó là “Lý công tử” ta nghe hơi không quen.
Chu Phỉ ngẫm nghĩ rồi lại hỏi:
– Rất nhiều người đều có thói quen quý trọng đồ của mình quá mức, trừ phi gia nhập vào dưới trướng mình, bằng không sẽ không chịu chỉ điểm người khác… Liễu lão gia thật sự đồng ý với cô à?
– Đồng ý rồi.
Ngô Sở Sở vui vẻ nói:
– Liễu lão gia có gia nghiệp lớn, bản thân tuy không còn trong giang hồ nhưng vẫn thích kết giao đủ loại bằng hữu, mấy năm nay về phương diện làm ăn cũng nhờ các bằng hữu hỗ trợ nên mới thuận lợi như vậy. Ông ấy hồi âm cho ta, nói từ khi Hằng Sơn sa sút, mấy năm nay Ngũ Nhạc cũng lần lượt có ý mai danh ẩn tích, không ít đệ tử chưa xuất sư đã xuống núi mạnh ai nấy tự lo tìm đường sống riêng, lòng ông ấy cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Vả lại, ta tới khảo chứng nguồn gốc của Thiên Chung và Thái Sơn, xác minh lẫn nhau, tương lai nếu thật có ngày phát triển rạng rỡ thì cũng là chuyện tốt.
Chu Phỉ không ngờ mình chỉ thuận miệng nói mà Ngô Sở Sở lại có thể làm được đến mức này, đã thế còn tìm được một quái thai cùng chung chí hướng đồng ý phối hợp, nàng không khỏi cảm thán vạn sự thế gian đều do người làm. Ngô Sở Sở bỏ ra ba năm, đi tới bước ngày hôm nay, nếu nàng ấy thực có thể quyết chí năm không đổi thì truyền thừa của võ lâm Trung Nguyên mấy năm nay thực có thể nhờ nàng ấy mà để lại một hơi thở cho đời sau học tập.
– Đúng rồi.
Chu Phỉ hỏi:
– Pháo hiệu ban nãy do cô phóng hả?
Ngô Sở Sở lắc đầu:
– Nhà Liễu lão gia mừng thọ cao đường, hôm nay tam giáo cửu lưu đều có thể đến nhà ké chút không khí vui mừng, ta vốn nghĩ hôm nay nhà họ đông khách, nhất định rất loạn nên không đi gây thêm phiền phức, hai ngày nữa sẽ lại tới bái phỏng, nhưng ban nãy thấy pháo hiệu kêu gọi nên mới tiện đường qua đây luôn.
Trong lúc nói chuyện, hai người đã trà trộn vào đại đội ăn chực của Liễu gia trang. Liễu lão gia quả nhiên hào phóng hiếu khách, người qua lại Liễu gia trang có kẻ phong độ ngời ngời, cũng có kẻ áo quần lam lũ, nô bộc được huấn luyện nghiêm chỉnh, toàn bộ đều tươi cười đón tiếp, trong trang viên còn chưa giăng đèn kết hoa xong mà bàn tiệc đã bày ra tới cửa, chỉ cần tùy tiện nói vài câu cát tường với chủ nhà là có thể ngồi xuống dự tiệc.
Ngô Sở Sở tới báo tên kèm theo thư từ qua lại với Liễu lão gia, gia nô chạy vào báo tin, Chu Phỉ buồn chán nhìn quanh.
Chợt, nàng thấy trong đám đông có một bóng dáng vô cùng quen thuộc.