Sắc mặt Tạ Doãn rất kém, hắn im lặng hoạt động nửa cơ thể tê dại, hồi lâu mới tìm về được chút tri giác. Lúc nãy đứng lên ngã xuống, mu bàn tay hắn va vào góc bàn, nổi một mảng đỏ tím như vết hoen tử thi mà hắn lại không hề thấy đau.
Chờ khi có thể vịn bàn đứng vững, Tạ Doãn mới lắc đầu “chậc” một tiếng, phủi ống tay áo, ung dung nói:
– Sư phụ, câu này người hỏi con làm gì? Đương nhiên là con muốn nhây thêm ngày nào hay ngày nấy, trước tiên cứ để con cố chịu đã, chừng nào người thấy con ngã xuống tắt thở thì đổ vị thuốc thứ ba cho con là được.
Đồng Minh đánh giá sắc mặt hắn, nói:
– An Chi, con thật sự…
Tạ Doãn nghiêng đầu:
– Dạ?
– Không oán giận sao?
Lúc Tạ Doãn ngã không cẩn thận làm đổ bút mực, trên bàn gỗ giờ đầy vết mực, hắn vừa cầm miếng khăn lụa cẩn thận lau chùi vừa đáp:
– Có chứ, nhưng ai mà chẳng oán giận? Người có, con có, mọi người đều có, thế thì đâu có gì lạ, nói nó làm gì?
Đồng Minh bước vào thư phòng của hắn, cảm giác trong phòng có một Tạ Doãn là như có một tòa núi băng giải nóng, trong cửa với ngoài cửa là hai loại khí hậu khác nhau, lão hòa thượng hơi lo lắng than thở:
– Dẫu sao con cũng là phượng tử hoàng tôn.
Tạ Doãn xin tha:
– A di đà Phật, đại sư, người nói toàn lời thế tục là do đọc kinh bậy bạ của vị tà Phật nào thế?
Hắn dừng lại, không biết nhớ ra gì, bèn cười nói:
– Sư phụ, con luôn thấy chuyện này rất thú vị, chúng ta biết các triều đại nổi lên đều là thắng làm vua thua làm giặc, hai chữ “chính thống” chẳng qua chỉ là lừa bách tính để họ ngoan ngoãn nghe lời thôi. Nhưng nếu nói lời nói dối một vạn lần thì đôi lúc chính chúng ta dù biết rõ không hề có lý nhưng vẫn bị nó ảnh hưởng trong tiềm thức… khá giống với tượng thần được cung phụng trong chùa miếu.
Đồng Minh:
– Hả?
Tạ Doãn:
– Chẳng qua chỉ là một tượng đất, mọi người bái lạy, hương khói lâu, lại thật sinh ra lòng kính nể.
– “Thánh nhân không bàn luận thứ ngoài thiên địa tứ phương” (), chớ nói bậy.
() Nguyên văn: “lục hợp chi ngoại, thánh nhân bất ngôn”, trích “Thánh nhân bất tri” của Lưu Cơ đầu thời Minh.
Đồng Minh ngắt lời hắn, xắn ống tay áo giúp hắn dọn dẹp bản thảo lung tung trên bàn, thấy trên tờ giấy trải ra là nét chữ rõ ràng ngay ngắn, không phải kiểu chữ phong lưu đa tình mà Tạ Doãn thường dùng, nhìn kỹ, chỗ chuyển bút có hơi cứng ngắc, thỉnh thoảng sẽ có nét không khống chế tốt, tạo ra nhiều chỗ không hài hòa, chắc là cổ tay hắn đang từ từ cứng lại, đến nay ngay cả cầm bút cũng khó tự nhiên.
Nét chữ tuy cứng nhưng nội dung rất nhàn hạ thoải mái, là một câu chuyện kỳ quái thần bí.
Thằng này, cầm bút không vững mà còn viết linh tinh!
Đồng Minh hỏi:
– Viết gì thế?
Tạ Doãn:
– Chuyện tào lao. Kể về một bộ xương trắng, chết đi sống lại, kết quả vừa bò lên nhìn thì phát hiện mình không nằm trong lăng tẩm đã xây sẵn, nghĩ mãi không hiểu, đành tự leo ra tìm phần mộ của chính mình. Con đặt tên cho nó là “Bạch cốt truyện”, thế nào?
Đồng Minh đại sư nghe nội dung chính của tác phẩm mới hoang đường của hắn thì không tùy tiện đánh giá, lật sơ sơ quyển “đại tác phẩm” này.
Nếu nói “Hàn nha thanh” còn có chút bóng dáng chuyện con người, thì “Bạch cốt truyện” hoàn toàn là lời quỷ quái huyên thuyên, nếu không phải Đồng Minh thấy ban nãy hắn nói năng mạch lạc rõ ràng thì có lẽ đã nghi ngờ Tạ Doãn bị bệnh hồ đồ nên mới viết ra mấy thứ linh tinh nhăng nhít.
Tạ Doãn nói:
– Nhờ Lâm sư thúc sao ra một bản giúp con, qua mấy ngày nhờ người đưa cho Vũ Y ban của Nghê Thường phu nhân. Người đừng thấy thế đạo bây giờ loạn lạc, đêm con xem thiên tượng, thấy ngày Nam Bắc nhất thống e chỉ trong vòng một hai năm nữa thôi. Phàm thái bình thịnh thế, người ta luôn thích mấy thứ ly kỳ, cái này của con có ly kỳ không? Không chừng đến lúc đó lại là một “Ly hận lâu” đột nhiên xuất thế cũng nên.
Đồng Minh đại sư không nói tiếp đề tài, chỉ lẳng lặng lật hết cả quyển chuyện ma quỷ, nói:
– A Phỉ từng giúp ta tìm “Bách độc kinh” trong mộ Lương đại nhân, lúc con bé đi, phát hiện mộ ông ấy đã bị người khác nhanh chân đến trước, hài cốt chủ nhân mộ đã không cánh mà bay, lúc đó con còn đang hôn mê, mấy việc nhỏ nhặt này chúng ta đều không nói với con. Hóa ra con đã biết rồi, là A Phỉ viết thư kể cho con à?
Tạ Doãn cười tít mắt bưng cốc trà nóng lên, không nói gì. Nước trà bốc hơi nóng hừng hực vừa vào tay hắn liền lạnh đi, ngoài thành cốc ngưng tụ ra những hạt nước nhỏ li ti.
Đồng Minh xếp xấp bản thảo lại lần nữa, hỏi:
– Xương trắng vì sao sống lại?
Tạ Doãn:
– Có lẽ vì nó bất tử.
Đồng Minh ngồi xuống, chậm rãi lần tràng hạt trên tay:
– Sư phụ ở lâu ngoài biển, tin tức bế tắc, tại sao con không nói từ đầu?
Tạ Doãn đặt cốc trà lạnh băng xuống, lại bóp một đoạn Giao Hương.
Ngón tay tái xanh của hắn chốc chốc gõ lên góc bàn, qua một lát mới như tìm được đề tài, nói:
– Năm đó Lương Thiệu thân mang trọng bệnh, biết mình không còn nhiều thời gian, bèn sai người áp chế tin tức, viết một bức mật thư gửi cho con, nhờ con vào Thục Sơn mời Cam Đường tiên sinh xuống núi.
Đồng Minh gật đầu:
– Không sai, đúng là có chuyện này.
Tạ Doãn khẽ nhướng một bên hàng mày dài, chậm rãi nói:
– Tuy con đi nhưng vẫn luôn nghi hoặc, canh cánh trong lòng.
Đồng Minh:
– Sao?
Tạ Doãn:
– Con sinh hơi muộn, không hiểu lắm ân oán của thế hệ trước, chỉ biết Lương đại nhân là người theo phái bảo vệ hoàng tộc. Mà Cam Đường tiên sinh tuy là đệ tử tâm đắc trước đây của ông nhưng đã ân đoạn nghĩa tuyệt với ông từ lâu, không gặp nhau nữa, đúng không? Hoàng thượng và Cam Đường tiên sinh, ai gần ai xa, vừa nhìn là biết ngay, nên con luôn lấy làm lạ, khi đó vì sao Lương Thiệu muốn giao thế lực cũ của mình ở Giang Nam cho Cam Đường tiên sinh mà không trực tiếp giao cho hoàng thượng? Trước kia Lưu hoàng thúc gởi gắm cho thừa tướng là vì Hậu Chủ “không phò tá nổi”, nhưng đương kim hoàng đế đang tuổi tráng niên, tài năng to lớn, dã tâm bừng bừng, đâu cần phó thác cho người khác?
Hai hàng mày trắng bạc phơ của Đồng Minh khẽ cau.
Tạ Doãn lại nói:
– Đó là chuyện kỳ lạ thứ nhất. Chu tiên sinh đại tài, sau khi vào triều liền như cá gặp nước, nháy mắt đã nắm thế cục Nam Bắc vào lòng bàn tay. Sau đó ông dốc lòng dốc sức, trải qua ba năm nghỉ ngơi dưỡng sức, ông và Phi Khanh tướng quân Văn Dục một văn một võ, đoạt liên tiếp mấy thành trì nơi biên cảnh, giết một Bắc Đẩu, đại phá thần thoại bất bại của Bắc quân, chiến dịch này có thể nói là vô tiền khoáng hậu, kinh tài tuyệt diễm. Chỉ có một tiếc nuối là trong quá trình này, Ngô Phí tướng quân và ẩn sĩ Tề môn lần lượt bại lộ, Ngô tướng quân lấy thân tuẫn quốc, Tề môn sụp đổ.
…
– Sau khi Ngô tướng quân chết, con côi của Ngô gia bị Bắc Đẩu Lộc Tồn truy sát, lúc đó trong thành Hoa Dung, mọi người tụi con đều mơ mơ hồ hồ, con, A Phỉ, thậm chí là người trại đích thân đến Động Đình đón người Ngô gia, đều chẳng ai biết Cừu Thiên Cơ truy sát mấy cô nhi quả phụ ấy rốt cuộc vì điều gì. Mấy chuyện này từng chuyện từng chuyện đều như chẳng biết đâu mà lần, kỳ thực nếu ngẫm kỹ sẽ thấy rất nhiều điều đáng nói.
Đồng Minh đại sư tuy thích ẩn dụ ý thiền nhưng là kiểu ý thiền gió mát nước trôi “đến từ đâu đi về đó”, lão nhân gia là một hoàng thân quốc thích tiền nhiệm, không thể lĩnh hội được những tâm tư cong cong quẹo quẹo của các hoàng thân quốc thích đương nhiệm, suy tư chốc lát vẫn không thu hoạch được gì, đành cười khổ nói với Tạ Doãn:
– A di đà Phật, xem ra lão nạp an phận một góc, làm một lão hòa thượng chỉ biết tụng kinh niệm Phật là một hành vi sáng suốt.
Tạ Doãn nghiêm mặt nói:
– Sư phụ, tạm chưa nói tới danh sách của Lưu thống lĩnh, “Hải Thiên Nhất Sắc” trong giang hồ bắt nguồn từ võ lâm Trung Nguyên, mà mấy năm nay võ lâm Trung Nguyên gió yên sóng lặng, chưa từng có ai tiết lộ mảy may. Con nhận nguyện vọng của tiểu sư thúc, truy tra Hải Thiên Nhất Sắc nhiều năm, thậm chí còn tạo quan hệ tốt với Nghê Thường phu nhân nhưng vẫn không thể có được chút manh mối nào từ bà. Bắc Đẩu làm sao mà biết?
Đồng Minh đại sư nói:
– Chuyện này cũng dễ nói, năm xưa Thanh Long chúa hại chết Sơn Xuyên kiếm Ân đại hiệp, e vì nghe lời đồn “Hải Thiên Nhất Sắc” là bí bảo của võ lâm nên mới muốn có được vỏ Sơn Xuyên kiếm trong tay Ân đại hiệp.
– Không sai.
Tạ Doãn nói:
– Lời đồn này đến nay vẫn còn, ngay cả Bắc Đẩu cũng tin như vậy. Lộc Tồn muốn độc chiếm nó, Tham Lang khinh thường nó, Cự Môn và Tào Ninh lấy nó làm mồi nhử, xách động Minh Phong lâu của trại, Văn Khúc muốn tìm nó để kéo dài tính mạng cho Tào Trọng Côn… Nhưng sư phụ à, vấn đề là, người nói năm xưa trong tay Nam đao và Sơn Xuyên kiếm có bí bảo võ lâm thì hợp tình hợp lý, nhưng Ngô Phí tướng quân thì sao? Một võ tướng to như ông ấy xưa nay không qua lại gì với giang hồ, sao lại dính líu tới “Hải Thiên Nhất Sắc” trên giang hồ? Điều này trước khi Ngô cô nương bị truy sát, con vạn lần cũng không nghĩ tới, nhưng lạ là Bắc Đẩu lại biết.
Tạ Doãn không đợi Đồng Minh đại sư trả lời, nói tiếp:
– Sau đó con nghĩ, hoặc là bản thân Ngô tướng quân không cẩn thận để lộ bí mật “Hải Thiên Nhất Sắc” – nhưng khả năng này rất thấp, ông ấy ẩn mình trong Bắc triều hơn hai mươi năm, luôn thận trọng tỉ mỉ, ngay cả với vợ con cũng chưa từng thẳng thắn về “Hải Thiên Nhất Sắc”, sao lại dễ dàng lộ cho Bắc Đẩu? Do đó chỉ có một cách giải thích, chính là sau lưng chuyện này còn có một người khác, người này cũng tham gia vào minh ước Hải Thiên Nhất Sắc, đồng thời vô cùng sợ nó.
Đồng Minh:
– Sợ, sao lại nói vậy?
– Giả như có một chuyện con không muốn người khác biết, thế mà người tham dự lại quá đông, ngoại trừ người nắm giữ hoa văn sóng nước, còn có đông đảo thích khách nấp trong bóng tối làm chứng, dù chứng cứ trong tay mỗi người đều không đầy đủ, vả lại có một phần đã chết không đối chứng, nhưng con không biết giữa họ liệu có mối liên hệ yếu ớt nào không, hễ con ra tay với một người trong số họ sẽ rất dễ bứt dây động rừng, đến lúc đó có khả năng chuyện sẽ phát triển theo hướng con không mong muốn nhất, thế con nên làm gì?
Giọng Tạ Doãn vô cùng nhẹ nhàng:
– Con không thể mạo hiểm, chỉ có khuấy cho đục nước, dùng một lời đồn trông có vẻ hợp lý hơn, khiến người ta đổ xô vào, thúc đẩy các nơi tin nó là thật, sau đó, có người đấu đá, có người lợi dụng nó để mưu cầu chuyện khác… cứ thế, con sẽ có cơ hội đục nước béo cò, mượn đao giết người, thế nào sư phụ, thủ đoạn này nghe có quen không?
Đồng Minh lắc đầu nói:
– Không thể tưởng tượng nổi, nghe những lời của con thật khiến người ta không rét mà run.
Tạ Doãn:
– Ngay cả “lời đồn” để khuấy đục nước này cũng có sẵn, ít nhất Thanh Long chúa Trịnh La Sinh luôn tin tưởng sâu sắc chưa từng nghi ngờ.
Mùi Giao Hương vô cùng nồng nặc, ngửi lâu, mũi cũng trở nên tê dại.
Hai sư đồ ngồi đối diện nhau, hồi lâu không nói tiếng nào, chỉ nghe tiếng tràng hạt trong tay Đồng Minh va chạm lẫn nhau.
Không biết qua bao lâu, Đồng Minh mới nói:
– An Chi, con có từng nghĩ những thứ này đều là suy đoán không? Liệu có phải vì con luôn canh cánh trong lòng về những gì Triệu Uyên làm năm xưa nên không khỏi cực đoan, cho rằng mọi việc đều là âm mưu, mà hễ là âm mưu thì ắt có một phần của ông ta? Theo như con nói, năm xưa Thanh Long chúa hại Sơn Xuyên kiếm, Bắc Đẩu vây công Nam đao, Hoắc bảo chủ hạ độc hãm hại Hoắc lão bảo chủ, cũng đều là mưu lược một tay ông ta bày ra? Điều này không khỏi quá… Triệu Uyên năm đó chẳng qua chỉ là một đứa trẻ tan nhà nát cửa mà thôi.
– Không sai.
Tạ Doãn nói:
– Nếu con đoán không sai, người bắt đầu năm xưa không phải là hoàng thúc đó của con, mà là người định ra minh ước Hải Thiên Nhất Sắc.
Đồng Minh:
– Con nói Lương Thiệu.
– “Lương… công thân…” thân gì? Thân khải?
Bóng đêm mê ly, trong sơn cốc Tề môn bó đuốc nghiêm chỉnh, cả người Lý Thịnh dán vào cái hộp gỗ móc ra được từ cấm địa Tề môn, hắn dành cả một ngày, cuối cùng nạy được bản đầu tiên của hộp gỗ, lộ chút đầu mối, phát hiện bên trong là một xấp thư dày.
Phế vật họ Lý tạm thời không dám đụng lung tung chỗ khác, nhìn qua lỗ hổng nhỏ mở ra ấy phí sức chín trâu hai hổ mới đọc được ba chữ trên thư.
Những người khác thoạt đầu còn xúm lại xem, nhưng không bao lâu liền chán quá bỏ đi. Ưng Hà Tòng cho rắn ăn, Dương Cẩn và Văn Dục phụng mệnh tới đưa tiền thì vây quanh Chu Phỉ “rèn giũa” đao pháp, Ngô Sở Sở cầm giấy bút ngồi bên cạnh xem chiến, vừa nghe Lý Nghiên giảng giải vừa đưa bút ghi chú nhanh.
Chu Phỉ cầm một cây gậy gỗ, chống lại một đao một kiếm của Văn tướng quân và Dương chưởng môn, nàng nghiêng người xuyên qua giữa hai người, thân hình loáng cái tránh được bội kiếm của Văn tướng quân từ phía sau đánh úp tới. Dương Cẩn giơ đao chém, Chu Phỉ đưa một chiêu “Phá” từ dưới lên, đâm thẳng vào sống đao y, trường đao Dương Cẩn đi nghiêng, vừa vặn chạm phải bội kiếm của Văn tướng quân chưa kịp thu thế, công lực hai người tương đương, đồng thời tê tay, mỗi người đều thoái lui hai bước.
– Không đánh nữa.
Văn Dục thở hổn hển thu kiếm lại:
– Trường Giang sóng sau xô sóng trước, ta già rồi. Đa tạ Chu cô nương chỉ giáo, nếu cô tìm ta báo mối thù gãy kiếm năm xưa thì ta chống không nổi đâu. Lý công tử vừa nói gì nhỉ? “Lương công thân khải”?
Lý Thịnh lật hộp gỗ qua cho ông xem, hỏi:
– Lương công này là chỉ ai? Không phải Lương tướng gia năm xưa chứ?
Văn Dục nhận khăn từ tay thân binh lau mồ hôi trên mặt, đáp:
– Không phải không có khả năng, Lương công thời trẻ kết giao rất rộng, có giao tình với rất nhiều tiền bối, nếu không thì năm xưa hoàng thượng xuôi nam tìm đâu ra nhiều cao thủ hộ giá như vậy chứ? Còn Đại Dược cốc nữa, đến nay rất nhiều thứ của Đại Dược cốc đều được giữ ở chỗ ông.
Lời này vừa thốt, tất cả mọi người đều nhìn sang, ngay cả Ưng Hà Tòng cũng ngẩng đầu.
Lý Thịnh không kìm được hỏi:
– Với tổ phụ con cũng vậy?
– Ừ.
Văn Dục ngồi xuống bên đống lửa:
– Giao tình với Lý lão trại chủ thì đặc biệt rất nặng, nghe nói năm xưa Chu tiên sinh được lão trại chủ đưa đến chỗ Lương công đi học.