Hữu Phỉ

chương 169: ngoại truyện 1

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chu Phỉ vừa về cái rột, ngay cả nước cũng chưa kịp uống đã bị đại đương gia gọi đi.

Lý Cẩn Dung làm việc gọn gàng, không nhiều lời thừa thãi, chỉ hất cằm về phía bàn, nói với Chu Phỉ:

– Phiền toái con chuốc lấy, tự đi mà giải quyết.

Chu Phỉ:

– …

Nàng bước tới lật thử, thực muốn điên. Trên bàn nhỏ để một xấp dày toàn là chiến thư, chưa kể đủ loại kiểu chữ con nít xiêu vẹo và chữ viết sai của đại hiệp, thì mấy chiến thư này có chung một kiểu, giống như cả đám đều nhờ cùng một tiên sinh viết.

Một Dương Cẩn yên tĩnh thì có hàng ngàn hàng vạn “Dương Cẩn” khác chờ ngoài cổng núi.

Chu Phỉ không nhịn nổi nữa:

– Mẹ, trại có thể lập lại quy củ người không liên quan không được vào không?

Lý Cẩn Dung đưa tay chỉ nàng:

– Bớt nói nhảm.

Chu Phỉ đành kẹp xấp chiến thư dưới nách, nổi giận đùng đùng đi xuống núi.

Các “đại hiệp” tới khiêu chiến kỳ thực không nhiều, phần lớn là nghe ngóng được nàng không có nhà nên mới chạy tới đưa chiến thư, đưa xong là chạy về khoác lác với người khác “ta đây từng một mình khiêu chiến Nam đao, chậc, dọa cho nàng ta không dám ứng chiến luôn”.

Nhưng mấy kẻ ngốc thật thà cũng không phải ít, chẳng hạn năm vị đợi dưới núi này.

Sư huynh canh gác thấy nàng thì cười hì hì nói mát:

– A Phỉ à, vừa về hả? Huynh cùng họ đợi muội hết hai cái nửa tháng rồi đấy!

Chu Phỉ liếc xéo huynh ấy.

Nàng vừa lộ diện, năm “đại hiệp” khiêu chiến ào ạt đứng dậy, đầu tiên là dùng ánh mắt khó tin đánh giá đại cô nương không lưng hùm cũng chẳng eo gấu trước mặt chốc lát, vài tiểu thanh niên đỏ mặt, những câu vốn học thuộc sẵn suýt chết non trong bụng, hồi lâu mới có một người lắp ba lắp bắp nói:

– Các… các hạ… không, cô nương, cô chính là Nam đao tự tay giết bảy… bảy đại Bắc Đẩu sao?

– Bảy Bắc Đẩu, có một người ta căn bản chưa từng gặp đã rơi đầu, hai người bị người của chúng chó cắn chó hại chết, còn hai người bị kẻ thù tìm tới cửa làm thịt, một người đi ám sát hoàng đế, bị mấy vị tiền bối liên thủ bắt lại, đã bị trảm, chỉ có một người đầu bị úng nước, võ công kém nhất, nghe đồn là nhờ quan hệ bám váy nên mới có chân trong Bắc Đẩu, là do ta giết – còn là ngay lúc ông ta khinh địch.

Năm đại hiệp nhìn nhau chốc lát, có ba người không giữ được nét mặt, cúi đầu nói với nàng “đắc tội rồi”, rút khỏi vòng chiến, chân bỏ đi như bôi dầu.

Vì không hiểu sao mọi người lại cho rằng, một cô nương tuổi tác không lớn, nếu không phải tướng mạo kỳ dị như dạ xoa thì võ công thông thường đều không quá lợi hại. Người gặp được Chu Phỉ sẽ tự động nghi ngờ lời đồn đại trên giang hồ về “Nam đao” là không thể tin hết, kế đó nghe nàng nói thì rất nhiều người đều tin chắc suy đoán của bản thân “Nam đao chỉ là lời đồn nhảm” không chút nghi ngờ, tới mức thường xuyên bỏ qua câu “chỉ có một người… là do ta giết”, cũng không ai muốn đi truy cứu vì sao nàng lại rõ như lòng bàn tay về nguyên nhân cái chết của đám Bắc Đẩu.

Cứ thế, những người có chút tên tuổi trong giang hồ và những người tuổi tác hơi lớn đều sẽ tự phụ thân phận mà không động thủ với nàng nữa.

Loại thành kiến khó hiểu này khiến nàng bớt đi không ít phiền toái, may mà Chu Phỉ không quá để ý người khác nhìn nàng thế nào.

Dẫu sao đao của một người có sắc bén hay không, kẻ địch biết là đủ rồi.

Chu Phỉ dùng miệng lưỡi và khuôn mặt giải quyết ba người, còn lại hai người, một người cảm thấy mình đến cũng đến rồi, không mài giũa tí thì uổng sức trẻ chạy không một chuyến, còn một người trông ngốc nghếch giống người phiên bang như Dương Cẩn. Chu Phỉ dùng thời gian một nén nhang, Hi Vi còn chưa ra khỏi vỏ đã giải quyết xong hai người này – hai vị “đại hiệp” một người bị đập mẻ nửa cái răng cửa, một người bị vỏ kiếm chọc vào bụng, ói chết đi sống lại.

Chu Phỉ hờ hững chắp tay, khách sáo qua loa:

– Đa tạ, vào trong trại ta uống chén trà không?

Hai vị đại hiệp chạy trốn còn nhanh hơn ba vị lâm trận lùi bước trước đó, nháy mắt liền không còn bóng dáng.

Chu Phỉ chán ngắt thở dài, cúi đầu đi vào trại, cảm giác dạo này đại đương gia luôn cố ý kéo nàng đi.

Thái độ của Lý Cẩn Dung là “người tới là khách”, chịu nể mặt cho Đoan vương điện hạ dừng chân ở trại mà không có bất kỳ dị nghị gì. Một mặt bà chưa bao giờ thể hiện rõ ràng sự bất mãn của mình, mặt khác lúc sai Chu Phỉ đi làm này, lúc sai Chu Phỉ đi làm nọ, đại đương gia lên cơn thì ngay cả loại việc nhảm ruồi vốn nên giao cho Lý Thịnh như đi tặng quà mừng thọ bạn cũ cũng giao cho nàng, cứ không cho nàng rảnh rỗi để có tiếp xúc gì với Tạ Doãn.

Chu Phỉ thầm nhủ: “Không biết lần này có thể cho mình ở nhà được mấy ngày đây.”

Đúng lúc này, phía sau nàng chợt có người ho khẽ một tiếng, cố ý giả giọng:

– Các hạ chính là Nam đao tự tay giết bảy đại Bắc Đẩu sao?

Chu Phỉ giật mình, với công lực của nàng mà không hề nghe thấy người phía sau tới gần khi nào!

Tay cầm đao của nàng đột nhiên siết lại, quay phắt đầu qua, thấy một người quen thuộc đầu đội nón rộng vành, tay cầm một cái quạt “Đời người chẳng được trăm năm”, mỉm cười dùng quạt đẩy nón lên, nở nụ cười ló răng. Chưa đợi Chu Phỉ đáp, hắn liền xoay người, bắt chước tư thế đứng không hiếu khách của Chu Phỉ, ngửa đầu lên, hắng giọng, thao thao bất tuyệt nói lại đoạn ban nãy của nàng không sai một chữ.

Chu Phỉ:

– …Sao chàng lại ở đây?

Tạ Doãn cười nói:

– Ta chủ động xin ra trận, xuống núi giúp đại đương gia quản lý sản nghiệp dưới chân núi.

Vẻ mặt Chu Phỉ nghi hoặc, không hiểu sao hắn lại ăn no rửng mỡ đi tìm việc để làm.

Tạ Doãn vẫy tay với vị sư huynh gác cổng tò mò nhìn sang bên này, lại nhỏ giọng nói:

– Ta không ở trong trại cũng tốt cho nàng có thể ở trong trại yên ổn được vài ngày. Cũng tiện cho ta ở dưới chân núi thần không biết quỷ không hay chặn đường tài lộ của người khác, đúng không? Đi.

Chu Phỉ nghe mà sững sờ, vô thức hỏi ngược lại:

– Về nhà?

– Về cái quỷ á!

Tạ Doãn nắm tay nàng, bay vút đi.

Tay hắn vẫn hơi lạnh hơn người bình thường nhưng không còn là người băng nữa, “chạy mất dép” đại pháp xuất thần nhập hóa, nghiễm nhiên cao hơn trước đây một bậc.

Chu Phỉ vừa mới nói chữ “đợi” thì đã bị hắn kéo đi hơn mấy trượng.

Từ sau khi trại đại loạn đã qua mấy năm, đất đai cháy trụi đã nhú chồi non, vết thương khắc sâu đã đóng vảy, cũng đủ cho nơi này lại tụ tập hơi người mới, khiến những trà lâu tửu quán đã đóng cửa dần dần khai trương lại, còn mời lão tiên sinh kể chuyện trước đây về.

Đặc biệt là sau khi Tạ Doãn tiếp quản, gần như đều có chút tươi tốt phồn vinh.

– Đi đâu?

Chu Phỉ hỏi:

– Ta không muốn nghe mấy tiểu khúc xàm của chàng đâu.

Từ sau khi định cư ở Thục Trung, “Thiên Tuế Ưu” tiên sinh hễ rảnh rỗi là thường xuyên linh cảm dạt dào, viết vài đoạn cho người dưới núi hát, dần dà tụ tập cả đám người hâm mộ, sắp tự lập thành gánh hát của riêng mình, hát đến mức Thục Trung dường như sắp ngang vai ngang vế với cả Vũ Y ban. Chu Phỉ đoán Lý Cẩn Dung chướng mắt Tạ Doãn, không phải không có lý do ở mặt này.

Tạ Doãn không trả lời, tự đưa nàng tới một cửa tiệm nhỏ.

Chu Phỉ ngạc nhiên:

– May đồ?

– Ừ.

Tạ Doãn quen đường quen nẻo đưa tay gõ cửa, thò đầu nói:

– Vương thẩm, may xong chưa?

Thợ may già đều không thẳng lưng lên được, lúc làm việc, đôi mắt già cả phải kê sát vào mũi kim mới có thể may, bà thấy Tạ Doãn thì rất vui vẻ:

– Tới rồi à? Tốt, tốt!

Bà vừa nói vừa chạy vội vào, lát sau bê từ sau tấm bình phong ra một xấp y phục đỏ chói mắt, Chu Phỉ sững sờ, thấy bà thợ may già đứng trước mặt nàng, rung mở đồ ra – là một chiếc váy đỏ rực như lửa.

– Vị công tử này thật tinh mắt, may đồ cho cô nương đây, đẹp lắm, mau xem nè.

Chu Phỉ chợt giống như bị bỏ thuốc câm, không nói tiếng nào đứng đờ ra đó, ngoan ngoãn cho bà thợ may cầm cái váy ướm tới ướm lui trên người nàng.

Bà thợ may nắm tay nàng nói:

– Nếu có chỗ nào không vừa thì đưa lại cho Vương thẩm sửa nhé.

Chu Phỉ còn chưa nói gì, Tạ Doãn bên cạnh liền chậm rì rì chen vào:

– Không cần, kích cỡ ta liếc mắt qua là biết, không sai đâu.

Chu Phỉ:

– …

Bà thợ may ngẩn người, sau đó bụm mặt cười.

Chưa đợi Chu Phỉ thẹn quá hóa giận, Tạ Doãn đã chuồn mấy bước ra khỏi tiệm, miệng còn nói:

– Đừng đánh đừng đánh, ta còn muốn cho nàng biết một chuyện tốt nè.

Chu Phỉ cẩn thận để bà thợ may già giúp nàng gói lại chiếc váy đỏ rồi mới đi ra ngoài hỏi:

– Chuyện tốt gì?

Tạ Doãn cười nói:

– Cha nàng sắp về rồi.

Chu Phỉ giật mình.

– Mấy ngày trước, đại đương gia đã tập hợp năm tín vật hoa văn sóng nước với nhau, phát hiện in lên giấy vừa đúng thành một đường vòng cung gợn sóng.

Tạ Doãn nói:

– Khác với ấn nhỏ mà các nàng tìm được năm đó từ nhân chứng – chẳng hạn Minh Phong lâu, “hoa văn sóng nước” của nhân chứng không có đường cong. Mẹ nàng đưa tờ giấy in hoa văn sóng nước đó ra ngoài, do đích thân ta đưa đến trạm ngầm, muốn đưa tới kinh thành. Nàng nghĩ xem, đại đương gia không có khả năng vô duyên vô cớ đùa họ chơi, nên ta đoán cha nàng e sắp treo ấn từ quan rồi, muốn xin hoàng đế được tự do.

Chu Phỉ càng nghe mắt càng sáng, lúc này, một bóng người như chó hoang thoát cương chạy tới, kêu loạn khắp đường:

– A Phỉ! A Phỉ!

Chính là Lý Nghiên.

Lý Nghiên vừa thấy Chu Phỉ và Tạ Doãn đứng bên đường thì vội nói:

– A Phỉ, đại đương gia bảo tỷ đi…

Sáu chữ này khiến mắt Chu Phỉ đen lại.

Lý Nghiên:

– …đón cô phụ!

Chu Phỉ kinh ngạc:

– Gì? Nhanh vậy?

Tạ Doãn ở bên cạnh cười:

– Ta nói sao sáng nay lại thấy chim hỉ thước chứ, không uổng công ta dậy sớm rửa mặt thay y phục, hóa ra là ông trời nhắc nhở ta sắp gặp…

Chu Phỉ trừng hắn.

Tạ Doãn ho khẽ một tiếng, nuốt xưng hô phía sau về, đồng thời nháy mắt vô cùng bỡn cợt với nàng, bình tĩnh chỉnh lại áo mũ, đi phía trước:

– Mời A Nghiên cô nương dẫn đường, chúng ta cùng đi nghênh đón.

Lúc này, Tạ Doãn tự cho là cuối cùng cũng đợi được cứu tinh e vẫn chưa biết mỗi lần Chu Dĩ Đường nhìn thấy Hi Vi sẽ có sắc mặt gì.

Ôi, đường của hắn còn dài lắm.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio