Đã 5 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc Châu Thanh được đưa vào phòng cấp cứu.
“Xin hỏi, ai là người nhà của bệnh nhân Châu Thanh?”
“Tôi là chồng cô ấy.”
Vị bác sĩ già mang một nét mặt nặng nề, gật gật gù gù, rồi thở dài.
“Ba ơi, tình hình khả quan không ba?” Sở Nghiên níu tay áo ba mình, đôi mắt còn đỏ vì vừa khóc một trận, giờ lại chuyển sang trông chờ vào điều gì.
“Hai bào thai vẫn an toàn.
Vấn đề xuất huyết não, chúng tôi cũng đã cấp cứu xong.
Hiện tại không còn nguy kịch nữa, nhưng…có tỉnh lại được hay không, chúng tôi không dám chắc.
Trong thời gian bệnh nhân bất tỉnh, thai nhi vẫn có thể được nuôi lớn bằng phương pháp truyền dinh dưỡng vào cơ thể người mẹ.”
Viện trưởng Sở nắm tay con gái trấn an, nhìn đến Lục Hoài Nam cứng đơ như pho tượng, vững vàng đứng trước mặt ông.
“Tôi nhận ra cậu.
Mười mấy năm trước tôi không cứu được bà cậu, lần này tôi rất biết ơn vì mình đã cứu được vợ cậu.
Cậu biết đấy, sinh ly tử biệt là do trời định, nếu vợ cậu không tỉnh lại…”
Sự ngập ngừng trong lời nói của vị bác sĩ lớn tuổi, Lục Hoài Nam biết rõ lý do.
Anh không trả lời ông là vì không còn sức để đáp lại, và không muốn chấp nhận chuyện cô nhóc nhà anh có khả năng sẽ rời xa anh bất cứ lúc nào.
“Chàng trai, viên đạn đi sát mép bụng người mẹ, lại thêm cả thai nhi 2 tuần tuổi rất nhỏ nên mới tránh được một mạng.
Hai đứa con của cậu mệnh lớn như thế, tôi tin vợ cậu cũng vậy.”
***
Không khí miền quê những ngày cuối cùng của năm luôn nhộn nhịp, tất bật hơn ngày thường.
Ông Châu đưa Châu Thanh đi chợ phiên, vừa là dạo chơi, cũng là giúp bà Châu mua chút đồ về chuẩn bị cho mùa Tết sắp tới.
Ông Châu nắm bàn tay be bé của Châu Thanh lượn sang khu bán áo quần, dừng lại ở một sạp bán áo dài tết.
“Con gái, con thích bộ nào, ba mua cho con.”
“Con thích ba chọn.”
Ông Châu thoáng ngạc nhiên, khẽ xoa đầu Châu Thanh, “Được, để ba xem mắt thẫm mĩ của ba có khiến công chúa nhà chúng ta hài lòng không nhé.”
Quanh đi quẩn lại một hồi, cuối cùng ông Châu chọn một bộ áo dài cách tân màu đỏ, kiểu dáng đơn giản, nhã nhặn, lại trẻ trung.
Đặc biệt, ông đã kỹ lưỡng chọn ra chất vải mềm mịn quen thuộc, sẽ không làm con ông cảm thấy khó chịu hay bị nổi mẩn đỏ.
“Bộ này thế nào con?”
Châu Thanh giơ ngón trỏ cái cả hai tay, gật đầu liên hồi: “Tuyệt vời! Ba của con thật có mắt qua đi mất.”
“Còn phải nói.”
Người bán hàng tặng thêm cho Châu Thanh một chiếc băng đô cùng màu với áo dài, thân thiện hỏi: “Cô bé xinh gái quá nhỉ, bao nhiêu tuổi rồi?”
“Con gái tôi năm nay 10 tuổi.”
Ghé sang khu bán cây quất, ông Châu đăm chiêu, có vẻ đang đắn đó nên mua chậu nào mới đẹp.
“Ba mua quất sớm thế á? Mẹ không biết chăm đâu nhé.”
“Ba chăm.”
“Nhưng ngày mai…ba đi biển, sao ba chăm được.
Cây để lâu sẽ héo, uổng lắm.”
Ông Châu chắp tay sau lưng, đi dạo xem thêm mấy cây nữa, “Ai nói con ngày mai ba đi biển thế? Năm nay khí hậu biến đổi thất thường, thời gian này nhiều gió bão, ba ở nhà cho lành.”
Châu Thanh lẽo đẽo theo sau lưng ông như cái đuôi nhỏ, “Thật á ba? Ba đón Tết với mẹ con con ạ?”
Ông Châu dừng chân, nhìn lại cô con gái, tự hỏi vì sao hôm nay Châu Thanh lại hỏi những câu như thế, giống như sợ ông nói dối vậy, mà trước giờ ông chưa từng nói dối con.
“Ba nói thật mà, một gia đình thì phải cùng nhau đón Tết chứ.”
Ngày giao thừa hôm đó, ông bà Mộ đưa Mộ Từ An sang nhà Châu Thanh cùng nhau nấu bánh chưng, cùng trực pháo hoa đón năm mới.
Năm 10 tuổi, Châu Thanh được đón một cái Tết trọn vẹn.
Có bao lì xì, có bánh chưng, bánh mứt, có áo dài và cây quất ba mua, và cả bó hoa ly thơm thơm mẹ sắm, quan trọng nhất là có ba và mẹ.
***
Thời gian thi chuyển cấp đến gần, cũng là thời điểm tài năng hội họa của Châu Thanh được bộc lộ mạnh mẽ.
Ông bà Châu ngồi trước hiên nhà, vừa ăn trái cây, vừa ngắm những bức tranh đủ màu sắc mà Châu Thanh đang phơi cho khô màu.
“Ông, con bé vẽ đẹp thế này, hay mình đầu tư cho con đi học nhỉ? Biết đâu lại trở thành họa sĩ?”
“Tôi thấy con cũng đam mê kiến trúc lắm, có thể sẽ theo nghề kiến trúc sư hoặc thiết kế nội thất.”
“Con mình nói năng cũng dễ nghe, lại hay xem báo chí, nói không chừng lại chọn làm phóng viên cũng nên.”
Ông Châu lắc đầu: “Con thi lên lớp 10 mà bà cứ làm như đi thi đại học không bằng.
Nhưng tôi nghĩ con mình xinh xắn, nết na như này có khi lại làm giáo viên hay người mẫu ấy chứ.”
“Ba mẹ đoán sai hết rồi, con sẽ làm cảnh sát.” Châu Thanh từ trong nhà đi ra, tay còn đang loay hoay chỉnh lại đồng phục học võ.
Ông Châu kinh ngạc: “Hả? Con chắc chưa?”
“Chắc hơn mấy cây đinh ba đóng vào cột nhà mình.”
Bà Châu bật cười: “Đồ chồng dởm, con gái tôi đóng đinh làm kệ sách còn chắc chắn hơn ông.
Ơ nhưng mà cảnh sát nguy hiểm lắm con ơi…mẹ sợ…”
“Mẹ sợ con bị kẻ xấu hại chứ gì? Đó là lí do con bắt đầu học võ từ lớp 6 đấy mẹ ạ.” Châu Thanh phủi phủi lại áo quần rồi xỏ dép, “Con đi học đây, con chào ba mẹ.”
***
Mùa quýt thái đến, khắp khu chợ quê, hễ là sạp trái cây, chắc chắc sẽ có góc sạp vàng ươm loại quả này.
Ông Châu vừa đi chợ về, trên tay cầm một giỏ đầy những trái quýt ngọt, đi vào trong hiên.
“Con gái của ba, đang làm gì đấy?”
Châu Thanh tô xong nét màu cuối cùng trên bức tranh, tự hào mà mỉm cười: “Ba, con vừa vẽ xong một bức tranh.”
Ông Châu đặt giỏ quýt xuống chiếc bàn gỗ, ngắm nhìn bức tranh do chính tay Châu Thanh vẽ, lại thêm một tác phẩm nghệ thuật nữa của con gái ông ra đời.
“Thanh à,” Bà Châu từ trong nhà bước ra, đưa cho Châu Thanh tờ giấy mà bà vừa tìm được trong lúc dọn phòng cô, “Giấy gì thế con?”
Bàn tay Châu Thanh mò mẫm vào giỏ quýt, vừa bóc vỏ vừa nói, xong thì nhét cả quả vào miệng.
“Giấy đăng ký nguyện vọng thi đại học mẹ ạ.”
“Quýt ngọt không con?” Ông Châu hỏi.
“Vâng, ngọt lắm ba.”
Ông Châu cũng bóc một quả, rồi học theo Châu Thanh, cho tất cả vào miệng thưởng thức, “Ừ, quýt năm nay ngọt thật.”
“Hai ba con nhà ông, trước khi ăn phải rửa cho sạch chứ.”
“Đằng nào cũng bóc vỏ, rửa làm gì cho tốn công, con nhỉ?”
Châu Thanh gật gật đầu, “Ba chỉ được cái nói đúng.”
Bà Châu lắc đầu cười cười, trông sang bức tranh mà Châu Thanh vừa vẽ, “Ồ, con gái nhà ai mà vẽ đẹp thế nhỉ?”
“Con gái tôi.” Ông Châu xoa xoa đầu Châu Thanh, “Để tôi xem, hôm nay con gái tôi vẽ gì nào?”
Trước mắt ông bà Châu là một bức tranh chưa khô màu.
Nền màu chủ đạo hơi tối, vẫn nhìn thấy được gợn nước sóng sánh.
Một cô gái đứng trên mặt nước ở giữa bức tranh, sau lưng là làn khói đen lốm đốm những chấm đỏ như màu than hừng lửa tụ thành hình người, phía trước cô ấy có một người đàn ông đang đưa tay về phía cô.
Ông Châu chống cằm, tay giả vờ vuốt mấy sợi râu vừa nhô lên khỏi lớp da, “Con gái, bức tranh phong cảnh của con hôm nay có người rồi này.
Nhưng mà sao màu sắc không tươi sáng như mọi lần thế?”
“Vâng, hôm nay con vẽ cả người nữa.
Ở giữa là cô gái bị mắc bệnh về tâm lý, còn kia là người cô ấy yêu, cũng là người cứu cô ấy khỏi khoảng không tối tăm đó.” Giọng nói Châu Thanh trầm tĩnh hơn, “Cô gái đó là Châu Thanh, và người đàn ông cô ấy yêu tên là Lục Hoài Nam.”
Bà Châu thoáng một vẻ bất ngờ: “Con gái chúng ta có người yêu rồi à? Cũng phải, đã lớn thế này rồi mà.”
“Thanh nhà mình cũng biết yêu là gì cơ à?” Ông Châu khẽ xoa đầu con, nom nét mặt còn non trẻ của Châu Thanh, nghĩ bụng tầm tuổi này, tâm trí kia chỉ có thể dừng lại ở chuyện thích, không thể hiểu được yêu là như thế nào.
Trái ngược với suy nghĩ của ông, Châu Thanh nhìn thẳng vào mắt ba, nghiêm túc trả lời:
“Yêu là cảm xúc xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim, nó mang cả dư vị của niềm vui lẫn nỗi buồn, và có khả năng chữa lành mọi vết thương lòng đang rỉ máu.
Yêu không cần có lý do, vì nó được hình thành từ những rung cảm vụn vặt, nhỏ nhặt nhất.”
“Yêu là khi anh buồn, con cũng buồn, anh vui, con cũng vui.
Yêu là không mong cầu được đền đáp, chỉ cầu cho anh mãi mãi bình an, mãi mãi được đón nhận những điều tốt đẹp nhất.”
Từng lời nói của con dường như không phải học thuộc lòng, mà giống với lời nói đúc kết từ cả một hành trình hơn.
Điều đó không khiến ông lo lắng, ít nhất con gái ông đã trưởng thành hơn, chỉ là ông có hơi ngạc nhiên: “Con yêu người tên Lục Hoài Nam đó đến vậy à?”
Đôi mắt kiên định của Châu Thanh bỗng nhiên hoe đỏ, bà Châu vội vàng sang vỗ vai trấn an con gái: “Con nó cũng 17 rồi, đang lứa tuổi biết yêu, ông căng thẳng cái gì?”
“Phải, con yêu Lục Hoài Nam, rất rất yêu anh.” Giọng nói Châu Thanh nhỏ dần và ngắt quãng: “Vì vậy…ba mẹ có thể…trả con về với anh…được không?”.