Khoảng Cách Của Người

chương 83: anh em

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Bữa cơm tiếp theo mà Đình Sương và Chúc Văn Gia ngồi ăn chung với nhau, là cái hôm Chúc Ngao được xuất viện.

Đình Sương đẩy xe lăn, bảo rằng: “Anh đã hứa rồi mà.”

Chúc Văn Gia đi ở phía đằng sau, nhớ lại những lời Đình Sương đã nói ngày hôm ấy: Đợi ba khỏe lại rồi, hai đứa anh chắc chắn sẽ về nhà ăn cơm.

Hàng cây bên đường rụng lá, Chúc Văn Gia co ro ôm chặt quần áo, không biết nên nói gì, đành “Shh” một tiếng.

Đình Sương quay đầu nhìn cậu ta, hỏi: “Sao em ăn mặc phong phanh thế?”

Chúc Văn Gia khụt khịt mũi: “Thời trang phang thời tiết.”

Kỳ thực không phải vì lý do ấy, chẳng qua đã nhiều ngày nay cậu ta không bước chân ra khỏi cửa, đâu biết được rằng chỉ một cơn mưa thu đã khiến cho thời tiết trở lạnh từ lâu.

Bữa cơm này rất yên tĩnh, yên tĩnh đến mức có hơi lúng túng.

Ăn xong bữa tối, Đình Sương bàn giao lại mấy việc cần chú ý khi chăm sóc Chúc Ngao cho hộ lý và bảo mẫu, sau đó đi tới căn phòng của mình.

Dưới mặt sàn chật cứng đống hành lý mà cậu ký gửi về nhà từ sau khi tốt nghiệp đại học chính quy, chúng vẫn còn nằm nguyên xi ở trong thùng giấy, ngay cả phiếu chuyển phát nhanh dính phía trên cũng chưa được gỡ. Dựng bên cạnh đống thùng các tông là một túi đàn guitar.

Đình Sương ôm lấy guitar rồi tùy tiện ngồi xuống một cái thùng, bắt đầu gảy đàn.

Cậu nhớ về bài dân ca tiếng Đức , cậu nhớ về Bách Xương Ý.

Cộc cộc, có người gõ cửa.

“Cửa không khóa.” Đình Sương tiếp tục mò mẫm dây đàn, cố nhớ xem bài dân ca kia hát như thế nào.

Chúc Văn Gia đẩy cửa bước vào, khép cửa lại, sau đó đứng yên ở đấy nhìn Đình Sương vừa gảy đàn vừa xì xồ hát. Một lát sau cậu ta mới mở miệng hỏi: “Câu anh vừa hát có nghĩa là gì thế?”

“Großer Reichtum bringt uns keine Her… của cải không mang lại tôn nghiêm cho chúng ta. Câu tiếp theo là, sự bần cùng cũng không mang đến sỉ nhục.” Đình Sương gảy gảy dây đàn vài cái, cùi đầu nở nụ cười: “Ca từ toàn ba xạo thôi, đúng không. Em tìm anh có chuyện gì?”

“… Em không biết.” Chúc Văn Gia cũng ngồi xuống một cái thùng các tông, chẳng biết nên để tay vào đâu, bèn ấn ấn mặt thùng: “Trong này là cái gì vậy?”

“Chả nhớ nữa.” Đình Sương để đàn guitar sang bên cạnh, đứng dậy tìm dao dọc giấy: “Mở ra thì biết.”

Chúc Văn Gia thấy cậu mở ngăn kéo, bèn hỏi: “Anh tìm cái gì thế?”

“Cái gì xiên được.” Đình Sương tìm thấy một cái kéo, đi qua bên đấy mở thùng.

Chúc Văn Gia vội vàng dịch mông sang bên cạnh, để chừa ra một cánh trên mặt thùng các tông.

“Đừng khẩn trương.” Đình Sương dùng kéo rạch đường băng dính trên thùng, vừa rạch vừa trêu chọc Chúc Văn Gia: “Tuy rằng quan hệ giữa hai đứa mình không ra gì, nhưng chưa tới mức độ anh phải cầm kéo chọc em đâu.” Rạch băng dính xong, cậu tiện tay đưa kéo cho Chúc Văn Gia.

Chúc Văn Gia cầm kéo quơ loạn trên không: “Nếu bây giờ em tự chọc mình một phát, chúng ta có thể xem như mọi chuyện chưa từng xảy ra được không?”

“Đương nhiên là không thể, vì vậy em tốt nhất là đừng có chọc.” Đình Sương mở thùng ra, bên trong là quần áo thu đông cậu từng mặc hồi đại học. Đình Sương bới một cái áo khoác rồi ném cho Chúc Văn Gia đang ăn mặc phong phanh, bảo: “Quần áo cũ của anh đấy, em mặc thử đi.”

Chúc Văn Gia tròng cái áo khoác kia lên người, rụt bàn tay vào bên trong ống tay áo, cảm thấy rất là ấm áp, thậm chí mặc được một lúc còn hơi nong nóng.

“Đồ gì phèn thế này, trông xấu hoắc.” Chúc Văn Gia ngửi ngửi ống tay áo, hỏi: “Chất gì thế?”

“Chê xấu thì em đừng có mặc.” Đình Sương nói.

Chúc Văn Gia không lên tiếng, rúc cổ với cằm vào bên trong áo khoác, chỉ để lộ nửa khuôn mặt và đỉnh đầu.

Đình Sương cầm kéo, tiếp tục rạch mấy thùng các tông còn lại.

Chúc Văn Gia nhìn động tác của cậu, hỏi: “Anh chuyển về nhà hả?”

“Không.” Đình Sương mở một cái thùng chứa đầy sách vở cũ và manga, cậu tiện tay cầm lấy một quyển truyện tranh: “Anh thuê trọ ở gần công ty rồi.”

“Nhưng lại xa nhà quá.” Chúc Văn Gia nói.

Đình Sương không lên tiếng.

Chúc Văn Gia nói tiếp: “Ba hi vọng anh sẽ về nhà sống.”

Đình Sương chỉ thùng truyện tranh trên mặt đất: “Em lấy không?”

Chúc Văn Gia liếc mắt nhìn giá sách trong phòng cậu: “Để phòng anh với để phòng em thì có khác gì nhau?”

“Cũng đúng.” Nói xong, Đình Sương mở tiếp một thùng giấy, bên trong là mấy món đồ linh tinh, còn có cả một quả bóng đá. Cậu cầm lên nắn bóp một chút, rồi lại bới tìm cái bơm ở trong thùng.

“Chuyển về nhà đi.” Chúc Văn Gia bước tới bên cạnh Đình Sương, gọi một tiếng: “Anh ơi.”

Đình Sương bơm xong trái bóng, rồi hỏi: “Anh ở nhà em không khó chịu à?”

Vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, Ông Vận Nghi hẵng còn bị tạm giam.

“Khó chịu.” Chúc Văn Gia hơi dừng lại một chút, rồi nói tiếp: “Nhưng anh không về nhà ở, em cũng khó chịu lắm.”

“Anh biết.” Đình Sương nói.

Mỗi đứa ngồi trên một cái thùng, hai anh em cùng nhau trầm mặc.

Đình Sương đập bóng lên xuống, sau đó mở miệng hỏi: “Đi ra ngoài đá bóng không?”

Chúc Văn Gia há miệng, khô không khốc nói: “Em không biết đá.”

Đình Sương ném trái bóng cho cậu ta: “Anh dạy em.”

Trời đã tối, toàn bộ đèn đuốc trong sân đều được bật lên, chiếu sáng mặt cỏ rộng rãi.

Đình Sương dạy Chúc Văn Gia cách tâng bóng, cậu ta học nửa ngày trời, dùng đến cả tay mà cũng chỉ tâng được nhiều nhất là ba cái, dáng vẻ trông chẳng ra làm sao.

“Không tập trò này nữa được không?” Chúc Văn Gia toát hết mồ hôi, ôm bóng ngồi xuống bậc thềm: “Chúng ta không đá luôn được à?”

Cậu ta chỉ chỉ hai gốc cây trong sân: “Cây kia là lưới bên anh, cây này là lưới bên em, hai đứa mình thi xem ai đá được vào nhiều hơn.”

Đình Sương đứng trước mặt Chúc Văn Gia, bảo: “Thôi đi, đá với anh em làm gì có cửa thắng được.”

“Nếu em thắng được thì sao?” Chúc Văn Gia buộc gọn mái tóc ướt đẫm mồ hôi, ngẩng đầu lên nhìn Đình Sương.

“Không có thưởng đâu.” Đình Sương đá một phát vào bắp đùi của cậu ta: “Đứng lên đá tiếp đi, chưa đâu vào đâu đã ngồi.”

Chúc Văn Gia đứng lên, nói: “Nếu như em cướp được bóng thì anh phải về nhà sống nhé. Không thì tối nay em sẽ về nhà trọ cùng anh.”

“Chúc Văn Gia em lại giở quẻ à?” Đình Sương nói: “Có ngon thì cướp bóng thử xem.”

Hai người họ đá bóng đến tối muộn, hộ lý đi ra nói với Đình Sương rằng cả tối nay Chúc Ngao đều ngồi bên cửa sổ nhìn bọn họ đá bóng, trông ông vui lắm, hiện giờ đã đi ngủ rồi.

“Ngủ được là tốt.” Đình Sương quay đầu, nói với Chúc Văn Gia: “Anh đi đây, ngày mai còn phải đi làm.”

“Anh phải chuyển về nhà.” Chúc Văn Gia xoa hông, thở hồng hộc: “Em không những cướp được bóng, em còn đá vào một quả nữa.”

Đình Sương gật đầu, bảo: “Ờ, nhờ chiêu tụt quần anh.”

Nói xong cậu bèn bật cười.

Chúc Văn Gia cũng nhếch môi cười, nhưng cười xong mắt lại đỏ hoe.

“Em làm gì thế?” Đình Sương thấy cậu ta sắp khóc tới nơi, bèn trêu chọc: “Ba ngủ rồi, em có khóc thì ba cũng không ra mắng anh được đâu.”

“… Anh ơi.” Chúc Văn Gia chậm rãi ngồi xổm xuống, dúi mặt vào trong đầu gối, khoang mũi ngửi thấy được hương cỏ thoang thoảng.

“Ừ.” Đình Sương đáp một tiếng.

Mãi một lúc lâu sau, giọng điệu buồn rầu của Chúc Văn Gia mới cất lên: “Đây là lần đầu tiên em gây họa mà không bị vạch trần.”

“Thì… cũng không tính là gây ra họa.” Đình Sương ngồi xuống bên cạnh Chúc Văn Gia, tung trái bóng lên lên xuống xuống, càng bay lên cao thì trái bóng lại càng nhỏ dần, gần như là biến mất, nhưng ở ngay thời điểm đôi mắt thấy nó sắp biến mất, trái bóng lại rơi xuống từ trên không, càng rơi càng nhanh, sau đó vững vàng hạ xuống lòng bàn tay của Đình Sương: “Đôi khi sự việc vẫn sẽ diễn ra như thế, không phải vì em, mà là do… đây cũng là lần đầu tiên anh gặp chuyện thế này, có lẽ là do anh xử lý không được tốt.”

Chúc Văn Gia chôn đầu, không nói lời nào.

“Trời không sập được đâu.” Giọng nói của Đình Sương nghe rất đáng tin cậy.

Chúc Văn Gia ngẩng đầu lên một chút, lộ ra khuôn mặt lấm lem nước mắt: “… Thật không ạ?”

“Em khóc thật đấy à?” Đình Sương thò tay vào túi quần để tìm giấy ăn, nhưng không thấy giấy ăn đâu, chỉ có một cái khăn tay nhàu nhĩ có thêu chữ “BAI” ở góc.

Cậu sửng sốt một chút, nghĩ mãi mới nhớ ra vì sao cái khăn này lại ở trong túi của mình.

Cái thuở bọn họ mới ở cùng nhau, Bách Xương Ý đạp xe chở cậu tới trung tâm thành phố, cậu có hái một chùm cherry ở ven đường, sau đó Bách Xương Ý đã đưa cậu cái khăn này để cậu lau tay.

Lúc ấy cậu có bảo sẽ giặt sạch rồi trả lại anh, ai dè vẫn quên béng ở trong túi quần.

Đình Sương đột nhiên ngửi thấy mùi hương của đầu hạ, mùi hướng ấy đưa cậu về những tháng ngày không sầu không lo, những tháng ngày giản đơn phải lòng Bách Xương Ý.

Dường như nó đã trôi qua rất lâu, lâu đến mức cậu thấy hơi hoảng hốt.

“Được rồi đừng khóc nữa, anh không có giấy ăn đâu.” Đình Sương nhét lại cái khăn vào túi quần, nghĩ một lúc rồi bảo: “Thời điểm mẹ anh rời khỏi căn nhà này, anh đã cho rằng đấy là trời sụp, nhưng qua một quãng thời gian thì sẽ quen được thôi. Có rất nhiều việc cũng giống vậy, ví dụ như hồi mới chia tay Lương Chính Tuyên, hoặc như lúc ba mình sinh bệnh. Trước đây anh cảm thấy phải học lại là một chuyện rất kinh khủng, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, chuyện này chỉ bé như cái lỗ kim.”

Đình Sương đứng lên, vừa tâng bóng vừa nói với Chúc Văn Gia: “Thật ra thì cuộc sống giống như trò tâng bóng vậy, trong tích tắc đỡ được trái bóng em sẽ cảm thấy thành công, nhưng rồi thành công ấy lại ra đi rất nhanh, em sẽ muốn đấu tranh để đỡ được một trái bóng khác. Thế nhưng quả bóng rất dễ bị rơi, khi đó em sẽ cảm thấy mình thất bại, hơn nữa cảm giác thất bại còn nhiều hơn cả cảm giác thành công, có điều thất bại hay thành công thì cũng thế, chỉ là một hiệp mà thôi, em cứ nhặt bóng lên rồi cố gắng tâng tiếp là được.”

Nói xong, Đình Sương một tay ôm bóng, một tay kéo Chúc Văn Gia từ trên mặt đất đứng dậy: “Đi thôi, vào nhà nào, tối hôm nay anh sẽ ở lại, ngày mai tan ca thì chuyển về nhà.”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio