Lúc sẩm tối, hoàng hôn bao trùm mặt đất, thành phố náo nhiệt nghênh đón một đợt giờ cao điểm như mọi ngày, dòng xe cộ ùn tắc mãi mà không di chuyển được.
Nguyễn Miên ra khỏi nhà đã gần bốn mươi phút, ngoài cửa sổ xe là ráng chiều phủ kín tầng mây, lúc này cô chẳng có tâm tình để thưởng thức phong cảnh.
Chiều nay, sau khi tiễn người nhà Trần Ngật về, Nguyễn Miên thu dọn hai bộ quần áo chuẩn bị sang chỗ Phương Như Thanh. Trước khi ra khỏi nhà, Nguyễn Minh Khoa thấy cô cầm chìa khóa xe bèn bảo cô lúc này ra ngoài nên đi tàu điện ngầm, nếu không vừa vặn gặp phải giờ cao điểm, khả năng sẽ bị tắc đường.
Nhưng không có tuyến tàu điện ngầm chạy thẳng từ Winbond Central City đến ngõ Bình Giang Tây, ra khỏi trạm còn phải bắt xe bus một chuyến. Nguyễn Miên ngại phiền phức nên vẫn quyết định lái xe, không ngờ lúc này bị tắc đường thật.
Đúng là không nghe lời người lớn sẽ bị thiệt mà.
Nguyễn Miên mở một nửa cửa kính ra, cơn gió chiều hòa lẫn mùi khói ô tô vô cùng khó ngửi, cô lại đóng cửa vào, cùng lúc đó dòng xe cộ cũng bắt đầu di chuyển chầm chậm.
Đến ngõ Bình Giang Tây, mặt trời đã xuống núi, bóng đêm lặng lẽ bao trùm, dấu vết của phồn hoa và xưa cũ ở nơi đây trở nên vô cùng rõ ràng.
Nguyễn Miên dừng xe ở bãi đậu xe cách con ngõ mấy trăm mét rồi đi bộ vào. Dọc đường đi cô gặp không ít người quen, về đến nhà, Phương Như Thanh đang bận làm cơm tối trong bếp.
“Mẹ —”
“Ơi.” Phương Như Thanh nghe thấy tiếng thì lập tức tắt bếp rồi lau tay đi ra, “Vừa nãy mẹ và Thư Dương còn nghĩ sao lâu thế mà con chưa tới.”
“Nay hơi tắc đường ạ.” Nguyễn Miên đặt đồ trên tay xuống, “Chú Triệu chưa về hả mẹ?”
“Về lâu rồi, nghe nói tối con qua ăn cơm, chiều nay buông hết mọi việc để chạy về nhà đấy.” Phương Như Thanh cười: “Ông ấy dẫn Thư Dương ra ngoài mua rau trộn rồi.”
“Triệu Thư Đường đâu ạ? Không về hả mẹ?”
Phương Như Thanh lấy cho cô cốc nước, “Có về, hôm nay mẹ của Lâm Thừa gọi con bé sang nhà ăn cơm, chắc tối nay mới về được.”
Nguyễn Miên ồ một tiếng, cầm cốc nước đi vào bếp cùng Phương Như Thanh, “Cậu ấy và Lâm Thừa định bao giờ thì cưới vậy mẹ?”
“Đầu xuân năm sau.” Phương Như Thanh bật bếp lên lần nữa, “Cha mẹ Lâm Thừa định Tết này hai nhà cùng nhau ăn một bữa cơm để chọn ngày.”
“Vậy thì cũng sắp rồi.”
“Đúng vậy.”
Nguyễn Miên uống một ngụm nước nữa, đang định nhắc đến Trần Ngật thì tiếng Triệu Thư Dương vang lên ngoài cửa, “Mẹ! Chị con về rồi ạ?”
Cô đặt cốc nước xuống bên cạnh rồi đi ra ngoài, đầu tiên chào Triệu Ứng Vĩ trước, “Chú Triệu ạ.”
“Miên Miên về rồi à.” Triệu Ứng Vĩ cười đáp, Triệu Thư Dương bên cạnh vừa gọi “Chị” vừa chạy tới. Mấy tháng không gặp, cậu nhóc lại cao hơn rồi.
Nguyễn Miên giơ tay ra ước lượng, “Triệu Thư Dương, giờ em cao bao nhiêu rồi?”
“1 mét 76 ạ.” Vẻ mặt cậu chàng rõ là đắc ý, “Cao nhất lớp em đó.”
“Ghê thế.” Nguyễn Miên đi giày bệt, thấp hơn cậu nhóc nửa cái đầu. Nghĩ đến cảm giác áp lực mỗi khi đứng cạnh Trần Ngật, cô lặng lẽ lùi về sau một bước.
Haiz.
Có hàng nghìn hàng vạn người cao, tại sao không phải là cô chứ.
…..
Ăn tối xong, Nguyễn Miên cùng Triệu Thư Dương quay về trường Trung học số Tám để lấy đề. Hè năm nay cậu nhóc đã thi vào cấp ba, bước chân vào lớp chuyên của trường Trung học số Tám bằng số điểm khá cao.
Càng trùng hợp hơn là chủ nhiệm lớp cậu nhóc chính là giáo viên môn Văn của Nguyễn Miên ngày xưa – Triệu Kỳ. Sau vài lần thi tuần Triệu Thư Dương lúc nào cũng viết văn lạc đề, thầy gọi cậu vào văn phòng gặp mặt, vô tình có nhắc tới một học trò ngày xưa mình từng dạy cũng giống y chang cậu, môn gì cũng giỏi, chỉ mỗi môn Văn và tiếng Anh là dốt.
Sau khi nghe thấy tên người đó, Triệu Thư Dương suýt nữa thì la lên, cậu nén cười đáp: “Xin lỗi thầy Triệu, đàn chị mà thầy kể chính là chị của em.”
Triệu Kỳ: “…..”
Lúc trước Nguyễn Miên chưa từng nghe Triệu Thư Dương đề cập đến chuyện này bao giờ, lúc này nghe cậu nói: “Chị không biết đâu, lúc thầy Triệu nghe đến câu chị là chị của em, sắc mặt lập tức đen như đáy nồi luôn, hơn nửa ngày mới thốt ra một câu.”
Cậu cố ý nhại lại lời Triệu Kỳ: “Đúng là không phải người một nhà thì không vào cùng một cửa.”
Nguyễn Miên: “…..”
Lấy đề ôn tập xong, buổi tối Nguyễn Miên gọi điện cho Trần Ngật, kể cho anh nghe chuyện này, cô bật cười: “Này, anh nói xem nếu thầy Triệu biết giờ anh và em đang yêu nhau không biết thầy ấy có cảm thấy cải trắng nhà mình bị heo ăn mất không nhỉ?”
Trần Ngật thản nhiên đáp: “Thầy Triệu có nghĩ vậy hay không anh không biết, nhưng chắc chắn thầy ấy sẽ nghĩ Triệu Thư Dương thay em đến để giày vò thầy ấy.”
Nguyễn Miên ngồi bên bàn học, nhìn thấy ánh đèn đối diện qua cửa sổ, cô thầm thì: “Lúc đó môn Văn của em đâu có kém như vậy.”
Anh bật cười: “Có thể dùng một ví dụ áp dụng cho sáu bài văn, anh nghĩ cũng không kém như vậy thật.”
“…..”
Hồi cấp ba, lúc Nguyễn Miên mới theo Trần Ngật học viết văn, điều duy nhất học được là cách trích dẫn các ví dụ thực tế trong bài làm của mình. Một thời gian sau, Trần Ngật phát hiện chỉ cần đề bài có liên quan đến dốc lòng cố gắng, cô luôn sử dụng ví dụ là câu chuyện của Beethoven.
Một học kỳ có mấy chục bài viết văn, anh phát hiện ra sáu bài giống nhau như đúc, thậm chí ngay cả số lượng từ trong thứ tự miêu tả cũng không có gì thay đổi.
Nguyễn Miên cãi lại: “Thầy Triệu đâu có nói một ví dụ chỉ được sử dụng một lần đâu, dù dùng một trăm lần cũng không có vấn đề gì.”
Trần Ngật cười khẽ, “Thế em cho rằng lúc giám khảo chấm bài sẽ thích một câu chuyện lặp lại một trăm lần ư?”
Ví dụ về Beethoven mà cô trích dẫn có thể xem là điển hình của Văn cấp ba, hầu như mọi người ai cũng sẽ dùng, đọc hay mấy cũng sẽ chán, chưa kể bài văn ấy còn không hay.
“Lúc đó bảo em mua nhiều sách như thế, còn viết bao nhiêu bài cảm nhận như vậy, sao không dùng cái nào?”
Trong ống nghe, tiếng cười trầm thấp của người đàn ông dần khớp với ngữ điệu lười nhác chế nhạo của chàng trai trong trí nhớ, Nguyễn Miên thoáng thấy mình như trở lại thời trung học.
— Trong lớp học huyên náo, chàng trai cầm bài văn cô viết lướt qua đám đông đi tới trước mặt cô. Dáng người cao ngất như tùng tựa trúc, mặc dù nội dung câu chuyện có hơi khó nghe song khuôn mặt của người nọ vừa sạch sẽ lại vừa sáng sủa, mặt mày sinh động, thế nên mới khiến cô nhớ mãi không quên dù đã qua nhiều năm như vậy.
Nói chuyện điện thoại với Trần Ngật xong, Nguyễn Miên cầm quần áo xuống tầng tắm rửa, lúc đi ra vô tình chạm mặt Phương Như Thanh đang cầm chăn đi vào phòng cô.
“Mẹ vừa xem dự báo thời tiết, nói là đêm nay sẽ có mưa, mẹ sợ đêm nay sẽ lạnh.” Phương Như Thanh theo cô vào phòng trải chăn đệm.
Nguyễn Miên đứng một bên, cúi đầu thấy trên tóc mẹ có vài sợi bạc trắng, bỗng giật mình nhận ra thời gian đã qua lâu đến vậy.
Hơn mười năm trước, cảnh tượng cô theo Phương Như Thanh đến ngõ Bình Giang Tây dường như mới là chuyện của ngày hôm qua, lại không ngờ năm tháng chẳng buông tha một ai, nó đều để lại vết tích hoặc nông hoặc sâu trên người mỗi người.
Nguyễn Miên đột nhiên gọi: “Mẹ ơi.”
“Ừ?” Phương Như Thanh dọn giường xong, quay đầu nhìn cô, “Sao thế con?”
Nguyễn Miên lắc đầu, “Không có gì ạ, con chỉ muốn gọi mẹ thôi.”
“Cái con bé này.” Bà xoay người dém góc chăn, trên chiếc tủ đầu giường bên cạnh là tấm ảnh tốt nghiệp trường Trung học số Tám của Nguyễn Miên năm ấy.
Phương Như Thanh cầm nó lên, ngồi xuống bên giường, bà cảm thán: “Thời gian trôi mau thật, chớp mắt cái con đã 26 rồi. Lúc mẹ lớn bằng con, chắc con đã biết đi rồi.”
“Thật ạ.” Mấy năm nay Nguyễn Miên rất ít khi về nhà, cũng hiếm khi có thời gian rảnh ngồi xuống tâm sự với Phương Như Thanh. Cô đoán Phương Như Thanh có chuyện muốn nói nên nói xong câu này cô không nói gì nữa.
“Hồi nhỏ con hơi chậm phát triển, biết nói muộn hơn các bạn nhiều. Mẹ và ba con vừa lo vừa sợ, con là đứa con đầu tiên của ba mẹ, ba mẹ sợ con có vấn đề gì.” Phương Như Thanh kể rất nhiều chuyện quá khứ, tất cả đều là chuyện xảy ra trước khi Nguyễn Miên 7 tuổi.
Là chuyện trước khi Phương Như Thanh và Nguyễn Minh Khoa ly hôn.
“Sau khi mẹ và ba con ly hôn, mẹ biết con có ý kiến với mẹ hơn là ba con, con nghĩ rằng mẹ và ba con sẽ có cơ hội tái hợp lần nữa, nhưng không ngờ mẹ nhanh chóng dẫn con theo rồi gả cho người khác. Sau khi con tới trường Trung học số Tám, con không còn kể chuyện xảy ra ở trường cho mẹ nghe như ngày xưa nữa, mẹ không biết con ở trường chơi với bạn nào, cũng không biết bạn cùng bàn của con là ai, con đến trường khác để thi mẹ cũng không biết.” Phương Như Thanh cúi đầu, nhìn Nguyễn Miên trong ảnh chụp, “Thậm chí mẹ còn không biết con gái của mẹ ở trường có người mình thích.”
Nguyễn Miên đỏ hồng đôi mắt, “Mẹ…”
“Lúc ba con nói cho mẹ nghe chuyện này, mẹ thật sự thấy xấu hổ, mẹ tự cho rằng mẹ có thể chăm sóc tốt cho con, cho nên mới muốn đưa con vào cuộc sống mới của mẹ, nhưng mẹ lại không nghĩ đến cảm nhận của con, thậm chí bây giờ ngay cả chuyện yêu đương của con mẹ cũng muốn can thiệp.” Phương Như Thanh rơi nước mắt, “Mẹ làm mẹ thật thất bại.”
“Không mà mẹ.” Nguyễn Miên ngả đầu lên đùi Phương Như Thanh, “Con không trách mẹ, ly hôn là chuyện của ba và mẹ, lúc đó mẹ và ba muốn tranh quyền nuôi nấng con, thật ra con rất vui vì con biết mẹ không bỏ rơi con, cũng sẽ không bỏ con lại một mình.”
Mặc dù khi ấy Nguyễn Miên từng nghĩ sẽ sống với Nguyễn Minh Khoa, nhưng lựa chọn kiên định của Phương Như Thanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của cô.
“Chú Triệu đối xử với con rất tốt, con ở đây cũng không quá tủi thân, ngược lại còn nhận được càng nhiều yêu thương và bảo vệ.” Nguyễn Miên nhìn khung ảnh trong tay Phương Như Thanh, nhìn chàng trai cười vô cùng phóng khoáng tự nhiên giữa đám đông, mắt đỏ hoe nhưng miệng mỉm cười, “Thậm chí ở đây con còn gặp được người con thích.”
“Mẹ ơi, con và Trần Ngật ở bên nhau rồi.” Cô cười rộ lên, “Con thấy con thật sự may mắn, con có thể ở bên chàng trai con thích hơn mười năm nay.”
Phương Như Thanh nhìn cô, lại cúi đầu nhìn tấm ảnh dù đã hơi cũ nhưng vẫn có thể nhận ra chàng trai có ngoại hình tuấn tú, giọng bà nghẹn ngào, “Ngày hôm ấy, từ chỗ ba con mẹ mới biết chuyện con và Trần Ngật yêu nhau, thật ra mẹ cũng ngạc nhiên. Trong những năm qua, con chưa từng giao lưu với ai trừ những người bạn ở đại học, nhắc đến việc tìm người yêu, con luôn qua loa lấy lệ với ba mẹ, mẹ không hiểu tại sao đột nhiên con muốn yêu đương.”
“Sau đó ba con kể cho mẹ nghe chuyện của con hồi cấp ba, nhắc đến người con thích, cũng kể rằng con và Trần Ngật là bạn học, lúc đó mẹ đã nghĩ rằng, hay người con thích là Trần Ngật nhỉ.” Phương Như Thanh nhìn Nguyễn Miên, “Sau khi về nhà, mẹ nhìn tấm ảnh tốt nghiệp của con, rốt cuộc mẹ mới nhớ ra lần đầu tiên mẹ đến trường họp phụ huynh cho con, con bảo mẹ tìm di động giúp mình, mẹ vô tình nhìn thấy tờ giấy nháp viết rất nhiều chữ ‘Sơn’ và chữ ‘Khất’. Lúc đó mẹ không nghĩ nhiều, chỉ tưởng con viết lung tung thôi, giờ ngẫm lại chắc đó là chữ ‘Ngật’ nhỉ.”
Không phải ‘Sơn’ cũng không phải ‘Khất’, mà là ‘Ngật’. [1]
‘Ngật’ trong Trần Ngật.
[1] Chữ Ngật (屹) gồm chữ Sơn (山) và chữ Khất (乞).
Lúc Trần Ngật nhận được điện thoại của Nguyễn Miên là khi anh vừa tắm xong đi ra. Trong ống nghe là tiếng khóc nức nở khiến anh không biết làm sao, cứ thế mặc áo ngủ đi dép lê chạy thẳng ra ngoài.
Cổng nhà vừa mở lại đóng.
Tống Cảnh ngồi trong phòng khách ngẩng đầu nhìn qua, lại liếc chồng mình là Trần Thư Du bên cạnh, thản nhiên nói: “Con của anh bị sao thế?”
Trần Thư Du cười, “Tuổi trẻ ấy mà.”
“…..”
Trần Ngật chạy thẳng đến cổng Bình Giang công quán, lúc nhìn thấy bóng người đứng dưới ngọn đèn đường đó không xa thì chợt dừng bước.
Nguyễn Miên nghe thấy tiếng bước chân, vừa ngẩng đầu đã thấy cách ăn mặc của người nọ, cô thấp giọng nói: “Em đâu bảo anh đến gấp vậy.”
“Anh lo.” Trần Ngật bước tới, nương theo ánh đèn nhìn rõ khóe mắt phiếm hồng của cô, lông mày khẽ nhíu, “Sao vậy em?”
Quả nhiên tối nay nhiệt độ giảm thấp, cơn gió thu cuốn bay sắc màu rực rỡ của thành phố, thổi qua những chiếc lá khô ven đường, cuộn lên từng đợt sóng lòng.
Nguyễn Miên rút tay ra khỏi túi áo, tiến lên một bước nhỏ, đưa tay ôm lấy thắt lưng anh, bắt tréo tay dán lên lưng anh, “Trần Ngật.”
“Ừm?”
“Hình như em còn chưa nói với anh câu này.”
Trần Ngật nhéo gáy cô, ép người nọ ngẩng đầu lên, “Nói gì?”
Cô ngửa mặt, lúc nhìn anh, trong mắt đong đầy ánh sáng, tràn ngập tình cảm mãnh liệt, “Em rất thích anh.”
— Trong lúc mà anh không hề hay biết, em đã thích anh nhiều hơn những gì anh nghĩ.
Ánh sao mùa thu đang tỏa sáng, lại chẳng sáng bằng đôi mắt cô. Lòng Trần Ngật như được lấp đầy.
Anh rũ mắt, con ngươi đen nhánh nhìn cô không chớp mắt, yết hầu lăn nhẹ, như khó thể kiềm chế, “Anh cũng vậy.”
“Rất rất thích em.”
Anh cúi đầu hôn cô.
Xung quanh là người qua đường tấp nập, nhưng Trần Ngật vẫn chẳng hề quan tâm, dù việc này đã phá vỡ nguyên tắc không thân mật trước công chúng của anh ngày xưa.
Anh giơ tay giữ gáy cô khiến nụ hôn này sâu hơn.
Ánh đèn mờ ảo, bóng của hai người in hằn xuống mặt đường. Lúc này đây, nó không phải là ảo giác nữa.
Hai cái bóng lặng lẽ hôn nhau, giống như hai người bên cạnh nó.
…..
Một lúc lâu sau Trần Ngật mới buông tay ra, có chút xúc động muốn ôm người nọ về nhà. Gió thu lành lạnh, thổi tan vài phần kích động và tình cảm phập phồng vừa nãy.
Anh lui về sau một bước nhỏ, kéo người nọ đi đến góc khuất gió, “Em đến đây khi nào vậy?”
“Chiều tối nay.”
“Đến nhà bác gái bên này ăn cơm à?”
“Vâng.” Nguyễn Miên câu lấy ngón tay anh, “Trước đó ba em có nói chuyện của chúng ta cho mẹ nghe, tối nay em với mẹ hàn huyên chuyện này.”
Trần Ngật nghĩ đến phản ứng và hốc mắt đỏ hoe của cô tối nay, trong lòng hồi hộp, giả vờ nói đùa: “Đừng bảo bác gái không đồng ý chuyện của chúng mình cho nên em mới tới đây tìm anh tự định chung thân đấy nhé?”
“Anh nghĩ gì vậy.” Nguyễn Miên vừa tức vừa buồn cười, “Mẹ em không phải người vô lý, mẹ chỉ muốn gặp anh thôi.”
Trần Ngật thầm thở phào nhẹ nhõm, “Giờ luôn à, để anh về thay quần áo khác đã.”
“Không cần gấp vậy, mấy hôm nay mẹ em đều ở nhà.” Nguyễn Miên nói: “Anh xem mấy hôm nay anh rảnh hôm nào.”
“Giờ anh rảnh.”
“…..”
Anh xoa đầu cô, “Tối mai được không em?”
“Được.” Nguyễn Miên buông tay ra, “Giờ muộn rồi, em về đây, anh cũng về đi.”
Trần Ngật lại không chịu buông, “Đi thôi, anh đưa em về.”
“Được ạ.”
Hai người đi qua con ngõ nhỏ có quán net, đến cửa nhà mình, Nguyễn Miên thấy tối nay trời lạnh nên giục anh nhanh về.
Trần Ngật đang chuẩn bị đi.
Trên cửa sổ tầng hai đột nhiên có ai đó hét lên, “Mẹ ơi! Mẹ mau đến đây! Chị con đang ở bên dưới kìa! Còn có cả anh rể nữa!”