Ngân hàng Mỹ chi nhánh hồ Geneva nằm ở phía Đông hồ trong thị trấn, gần đường giao nhau giữa Geneva và các con phố trung tâm.
Cầm chiếc phong bì bằng sợi dây chuối sơi, Harvath bước vào ngân hàng, đưa giấy uỷ nhiệm của Bộ An ninh Nội địa cho một nhân viên ở quầy cho vay và yêu cầu được nói chuyện với giám đốc chi nhánh.
Anh được chỉ vào một văn phòng riêng, nơi một phụ nữ hấp dẫn trạc bốn mươi tuổi đứng lên và tự giới thiệu mình là Peggy Evans. “Chúng tôi có thể giúp gì đây?” cô hỏi khi người khách đã ngồi xuống và sau khi cô đã xem xong chứng minh thư của anh.
Harvath mở phong bì, lấy ra những tấm ảnh của Philippe Roussard mà anh đã in ở quầy giao dịch của khách sạn. “Cô có nhận ra người này không?” anh đưa chúng cho Evans. Người phụ nữ nhìn trong vài phút rồi hỏi “Chuyện đó thì có liên quan gì?”.
“Người đàn ông trong những tấm ảnh ấy là khủng bố đang bị truy nã. Chúng tôi có dữ liệu cho thấy anh ta đã nhận được tiền thông qua các bức điện tín ở ngân hàng cách đây hai ngày”.
“Ý anh là ngân hàng đã làm gì sai? Tôi có thể đảm bảo rằng…”
Harvath giơ tay lên và gật đầu. “Không phải thế. Chúng tôi đang cố thu thập được càng nhiều thông tin về anh ta càng tốt”. “Cô có thông tin đặc biệt nào về giao dịch này không?”.
Harvath đưa cho cô các bản photo mà Claudia đã gửi cho anh từ ngân hàng Wegelin Company ở Thuỵ Sĩ. Evans xem xét các giấy tờ, rồi nhắc điện thoại lên và quay số nội bộ. “Arty, anh vào đây được không?”
Vài giây sau, một người đàn ông Tây Ban Nha to con khoảng ba mươi tuổi gõ cửa và bước vào văn phòng. “Cô muốn gặp tôi?”
“Đúng thế” Evans nói và giới thiệu anh ta với Harvath.
“Arturo Ramirez, đây là mật vụ Scot Harvath của bộ Nội an. Anh ấy muốn hỏi vài điều về một khách hàng đã tới chỗ chúng ta cách đây ngày”.
Harvath đứng lên bắt tay người đàn ông.
“Arturo phụ trách toàn bộ các bức điện tín” người phụ nữ nói tiếp. “Anh cũng chưa quên mặt người nào. Đúng không, Arty?”.
Ramirez mỉm cười lịch sự với giám đốc và đón nhận các bức ảnh. “Vâng, tôi có nhớ anh ta”, anh nói sau khi nhìn kĩ những bức ảnh. “Peter Boesiger là tên anh ta, tôi nghĩ vậy. Một người tốt bụng. Gốc Thuỵ Sĩ.”
“Hay lắm”, Harvath lấy một chiếc bút từ trong túi ra. “Sao anh biết anh ta là người Thuỵ Sĩ?”.
“Anh ta xuất trình hộ chiếu Thuỵ Sĩ. Thế nên tôi đoán anh ta là người Thuỵ Sĩ. Anh ta còn nói giọng Thuỵ Sĩ nữa”.
“Anh có bản photo hộ chiếu của anh ta không?”
“Tất nhiên là có”, Ramirez nói, “Đó là thủ tục bắt buộc của ngân hàng”.
“Tôi có thể xem bản photo được chứ?”.
Ramirez nhìn Evans và cô gật đầu.
Anh ta biến mất, vài phút sau quay trở lại với bản photo hộ chiếu mang ten Boesiger của Roussard.
“Còn điều gì anh có thể cho tôi biết không?” Harvath hỏi.
Ramirez nhìn anh “Ví dụ như cái gì?”
“Có ai đi cùng anh ta anh ta không?”
“Không”, người đàn ông to con đáp, “anh ta đến một mình”.
“Thế còn xe? Anh có để ý anh ta đi xe gì không?”
Ramirez lắc đầu, không. “Tôi không nhìn thấy”.
“Anh ta có nói chuyện gì với anh không? Anh ta có nhắc đến nơi anh ta sẽ ở, hay bất cứ cái gì như thế không?”
“Tôi không nhớ”
Trong trường hợp này, Harvath nhanh chóng nhận ra mình không thể hỏi thêm câu gì.
Sau đó Ramirez nói “Từ từ đã. Anh ta nhờ tôi chỉ đường. Đó là địa chỉ của một văn phòng bất động sản. Nó ở gần đây, nhưng tôi không thể nhớ được là cái nào. Chúng tôi đã nói chuyện đi bộ thay vì lái xe tới đó. Tôi bảo anh ta nếu đã đỗ xe rồi, thì anh ta nên đi bộ còn hơn là lại phải tìm một chỗ đỗ xe mới khi tới đó”.
Nhớ được những thông tin quan trọng ấy, khuôn mặt to bè của Ramirez nở nụ cười toe toét.
Lúc Harvath lấy quyển danh bạ điện thoại từ tay người giám đốc ngân hàng, anh tự hỏi không biết có bao nhiêu văn phòng bất dộng sản ở một thị trấn nghỉ mát như hồ Geneva này.