Không Là Bè Bạn Bình Thường

chương 80: chuyện bên lề 3: tết đặc biệt của nhà họ chu

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Đây là cái Tết đầu tiên của Giang Hướng Hoài ở nhà họ Chu.

Đêm giao thừa, Chu Bỉnh Trừng và Giang Hướng Hoài bận rộn trong bếp học kỹ thuật nấu nướng của ôn Chu.

Ôn Chu nói: “Nếu có tài nấu ăn thì không sợ vợ chạy theo người khác, cho dù có chạy thì nhớ tới đồ ăn con nấu cũng tự quay về.”

Giang Hướng Hoài không nói gì, anh đang rửa tôm tích, Chu Bỉnh Trừng ở bên cạnh vừa xắt rau vừa nói: “Ôn, ôn có thể mong gì tốt đẹp không, tụi con đều mới cưới hết đó.”

“Nói con đó, ôn coi video thấy người ta nói mấy đứa phi công đều rất hư đốn.”

“Oan chết mất, tụi con rất ngoan ngoãn. Đó là do người ta nói bậy bạ thôi. Ngành nghề nào không có người này người nọ? Tụi con bay theo lịch trình, phi công với tiếp viên không trùng nhau, mọi người đều là đồng nghiệp tốt.”

“Ai nói đồng nghiệp con? Là nói con luôn ở ngoài khách sạn.”

Chu Bỉnh Trừng lập tức dẫn lửa qua nơi khác: “Ôn biết mấy luật sư như Giang Hướng Hoài thường xuyên ở khách sạn khi đi khảo sát dự án…” Anh nói nửa chừng thì nhớ ra vợ mình cũng là luật sư tư bản, lập tức im bặt.

Ôn Chu mở lửa lớn xào rau, chảo kêu xèo một tiếng rõ to. Trong tiếng ồn của máy hút mùi, ông nói: “Tốt nhất là không, ôn chỉ muốn nói với hai đứa con, yêu chỉ một người, vợ cũng chỉ một người, phụ nữ bên ngoài dù đẹp đẽ giỏi giang nhưng không phải của các con, phải trân trọng người phụ nữ xây dựng gia đình với các con. Khi về già, con cái không ở bên cạnh, có thể chăm sóc lẫn nhau chỉ có vợ các con.”

Giang Hướng Hoài rửa tôm tích xong, anh nhìn ra cửa sổ phòng bếp theo bản năng.

Trong sân, Chu Chức Trừng và Khương Lê đang đốt pháo hoa, ánh lửa lập lòe chiếu sáng gương mặt hai người.

Khương Lê nhẹ nhàng xoay xoay cây pháo: “Mẹ mới hỏi tao, Tết có về không, tao nói không về, bà chửi tao vô lương tâm. Tao biết cuộc đời mẹ sống không tốt, so với hận tao thì bà hận ba tao hơn. Tuy rằng bà đánh chửi tao nhưng ít ra bà cũng nuôi tao lớn. Còn ba tao, ông ta chỉ muốn đem tao cho người khác, ép tao bỏ học đi làm, ông ta ham ăn biếng làm, khi uống rượu say thì đánh mẹ. Trong trí nhớ, ông ta không bao giờ đối xử tốt với tao dù chỉ một lần.

Tao đậu đại học ở Bắc thành, đi đến nơi xa như vậy, chính vì muốn thoát khỏi gia đình. Nhưng đôi khi nhận điện thoại mẹ khóc lóc kể lể sau khi bị đánh, tao sẽ mềm lòng muốn giúp bà. Tao bảo bà ly hôn, bà không muốn; tao giúp bà báo cảnh sát, sau khi cảnh sát đến bà lại đứng cùng phe với ba mà trách móc tao, nói tao bất hiếu, dám tố cáo cha ruột. Sau này tao mới hiểu, bà tìm tao khóc lóc chỉ muốn lấy tiền của tao, để cho cuộc sống họ tốt hơn. Tại sao bà không hiểu, bà đối xử tốt với ba và em trai cũng vô ích chứ?”

Mấy năm làm việc ở đây, Chu Chức Trừng tiếp xúc rất nhiều phụ nữ như vậy.

Cô ném cây pháo đã tắt xuống, châm lửa cây mới cho Khương Lê, cô nói: “Trước đây tao có một vụ ly dị, đương sự khi lên tòa đổi ý, xin ông chồng thường bạo hành quay lại, thẩm phán và chồng cô ấy đều nói do tao xúi giục ly hôn… Họ không được học hành, từ nhỏ đã quan niệm đàn ông là trời, con gái là con nhà người ta, có con trai mới tự tin, đàn ông đánh phụ nữ là chuyện nhỏ, phụ nữ không nghe lời nên mới bị đánh, phụ nữ không có tương lai gì vì những chức vị quan trọng trên đời đều do đàn ông nắm giữ.”

Cô quay đầu nhìn Khương Lê, cười khẽ: “Cảm thấy quá đáng nhỉ. Trên mạng có khi nghi ngờ về sự tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ ở thời đại này, vậy mà vẫn có rất nhiều phụ nữ chịu đựng điều đó.”

Khương Lê chống cằm, ánh đèn phủ tầng sáng nhẹ nhàng lên mặt cô: “Trừng Trừng, nói cho mày nghe một bí mật.”

“Gì?”

Cô tựa vào vai Chu Chức Trừng, khẽ khàng: “Ban đầu tao thích anh trai mày chỉ vì tao ngưỡng mộ mày. Tao muốn trở thành một thành viên trong gia đình mày, tao thích nhà mày, ôn Chu, mệ Thái, ba Chu, mẹ Chu. Mày không biết từ nhỏ tao đã ghen tị với mày thế nào đâu. Khi mày đau lòng khổ sở, gia đình là bến cảng cuối cùng của mày, nhưng tao chỉ có chính mình. Tao từng cho rằng Hàn Cảnh là cảng tránh gió cho tao, nhưng anh ta không phải. Có điều nếu tao với Chu Bỉnh Trừng không thành, cuối cùng tao vẫn sẽ chọn Hàn Cảnh.

Tao chỉ muốn làm người hưởng bóng mát chứ không muốn trồng cây. Kết hôn với Hàn Cảnh, tao có nhà ở Bắc thành, tao vẫn sẽ chăm chỉ làm việc nhưng không cần nơm nớp lo sợ, lo rằng một khi nghỉ ngơi thì tao sẽ lưu lạc đầu đường xó chợ.”

Chu Chức Trừng sờ sờ mặt Khương Lê: “Nhưng Khương đại luật sư vẫn chọn tình yêu, Chu Bỉnh Trừng không giàu bằng Hàn Cảnh.”

Khương Lê nhìn lại hơn hai mươi năm cuộc đời mình, cảm khái: “Mày còn nhớ lúc tụi mình quyết định học Luật, giáo viên với mẹ tao ngăn cản thế nào không?”

“Nhớ chứ.” Chu Chức Trừng cười.

“Con gái và người nghèo không phù hợp học Luật, luật sư cần có mối quan hệ, có gia cảnh tốt. Một cô gái nghèo từ một vùng quê nhỏ thì cứ chờ mà bị xử theo quy tắc ngầm đi.” Khương Lê bắt chước rất giống, nói xong thì hai người cùng bật cười.

Cô nói tiếp: “Người có tiền có quyền làm nghề gì mà không thành công chứ? Một cô gái nghèo chỉ biết học, muốn tốt nghiệp thì có được mức lương cao, có cuộc sống không tồi thì ngoài tài chính, luật và IT thì còn có thể làm nghề gì? Công ty luật thị trường tư bản chỉ nhìn bằng cấp, năng lực, cơ hội cạnh tranh công bằng, chỉ cần cố gắng thì chắc chắn sẽ có thu hoạch.”

Chu Chức Trừng gật đầu tán thành, sau đó nghĩ đến mình, thở dài: “Luật sư tố tụng ở quê thì không có quan hệ thì không có án, không có tiền.”

Khương Lê cười tủm tỉm: “Không sao, chồng mày giàu, mấy ngày nữa tụi mình có thể ở biệt thự ven biển của mày không?”

Giang Hướng Hoài bê đồ ăn ra đúng lúc nghe thấy: “Nếu muốn đêm nay đến ở cũng được.”

Ôn Chu hăm dọa: “Ôn xem hôm nay đứa nào dám không ở nhà?”

Đây là bữa cơm tất niên đêm giao thừa đông đủ, chỉnh tề nhất của nhà họ Chu trong mấy năm gần đây.

Trước khi ăn cơm, tiếng pháo đã rộn ràng từ nhà này lan sang nhà khác, khắp nơi tràn ngập không khí vui vẻ đón Tết.

Chu Chức Trừng dựng giá ba chân dưới đất, hẹn giờ để máy ảnh chụp ảnh, đây là thói quen đêm giao thừa bao năm qua của nhà họ Chu.

Mọi người đều mặc đồ đỏ, ngồi ghế dài phía trước là ba Chu mẹ Chu, ôn Chu mệ Thái, phía sau đứng là Giang Hướng Hoài, Chu Chức Trừng, Khương Lê và Chu Bỉnh Trừng. Ánh đèn phong cách thập niên 80-90 sáng ngời bao phủ phòng khách nhà họ Chu, dưới mái hiên, đèn lồ ng đỏ đung đưa, cây mộc lan trắng trong sân đã đâm chồi non, có lẽ sau kỳ nghỉ đông sẽ nở hoa, trên cây treo đủ loại bao lì xì hình Thần tài.

Mọi người nhìn ống kính, tách, hình ảnh dừng lại.

Ôn Chu, mệ Thái tiếp tục truyền thống tặng lì xì cho các cháu, Chu Bỉnh Trừng và Chu Chức Trừng vui vẻ nhận lấy.

Chu Bỉnh Trừng mở bao lì xì ra xem ngay: “Ôn, sao con có 100? Trước khi cưới con còn có 200.”

Chu Chức Trừng nắn nắn bao lì xì dày cộp, biết rõ tiền nhiều không lộ ra nên cô không mở. Chu Bỉnh Trừng thò tay muốn lấy xem cô được bao nhiêu, cô vội né ra, vỗ lên tay anh.

“Chu Chức Trừng, sao em được nhiều tiền vậy?”

Ôn Chu không thèm để ý tới Chu Bỉnh Trừng, đưa bao lì xì căng phồng cho Khương Lê, xoa xoa tay, cười hiền từ: “Khương Lê, đây là năm đầu tiên con ở nhà mình, ôn chúc con luôn vui vẻ, công việc thuận lợi!”

“Cảm ơn ôn.”

Mệ Thái cũng cười: “Đây là tiền lì xì mệ cho riêng con, Chu Bỉnh Trừng không có.”

Khương Lê cười, tay nắm hai bao lì xì. Trước khi kết hôn, cô chưa từng nhận được lì xì. Theo tập tục Nam Nhật, người đã cưới không được lì xì, thế nhưng ôn Chu vẫn cho cô. Không biết có phải do ánh đèn chói mắt quá không, Khương Lê chớp chớp mắt, mắt cay cay, ánh sáng trước mặt nhòe đi. Cô nhìn ôn Chu, mệ Thái, tim nhức nhối.

Đúng vậy, khi ấm áp cũng muốn rơi nước mắt.

Sau khi ăn cơm tất niên, nhà họ Chu ngồi trong phòng khách xem Xuân vãn. Tiệm tạp hóa có người tới mua pháo hoa, không ai ngạc nhiên khi thấy người thu tiền là Giang Hướng Hoài, khách quen đều biết đây là cháu rể từ Bắc thành của lão Chu.

“Chúc mừng năm mới.” Một thanh niên mua thuốc lá trò chuyện với Giang Hướng Hoài, “Tết Nguyên tiêu năm nay diễu hành, nhà họ Chu trúng hai thăm, cần hai cu li, là anh với anh Bỉnh Trừng nhỉ? Nhà tôi là tôi, con rể ở nơi khác đều phải đi khiêng kiệu.”

Giang Hướng Hoài không biết anh kia nói là ý gì nhưng không hỏi cụ thể. Người thanh niên đó không giải thích nhiều, mua thuốc xong thì đi.

Đêm giao thừa ở Nam Nhật vô cùng náo nhiệt, nhà nào cũng thắp đèn sáng trưng, cho dù không có người thức nhưng cũng phải mở đèn sáng đến bình minh.

Vừa qua 12 giờ, trên đường lại vang lên tiếng pháo trúc nối tiếp nhau hết đợt này đến đợt khác. Người lớn tuổi đã đi ngủ nhưng những người trẻ tuổi làm việc bên ngoài, hiếm khi về nhà nên vội vàng đốt nén hương đầu tiên của Tết nguyên đán, cầu mong một năm bình an thuận lợi.

Giang Hướng Hoài nắm tay Chu Chức Trừng, đi vào trong chánh điện giữa tiếng người ồn ào. Trên điện bày đầy những giỏ quà đêm giao thừa do các nhà dâng lên, ngoài hoa quả còn có đồ ăn cúng dường. Giang Hướng Hoài không dám nhìn lâu vì trong giỏ luôn có con gà hoặc vịt gì đó làm anh sợ.

Hai người quỳ trên đệm, trước mặt hương khói mịt mù, đạo sĩ đang giải xăm cho mọi người. Trên bục cao là tượng thần đang cúi mặt từ bi nhìn mọi người. Bên trên cột viết: Thượng Nguyên cầu phúc; bên cạnh anh là người anh yêu, đã từng thất lạc rồi tìm lại được. Nếu Bồ tát hiển linh, chỉ nguyện anh và Trừng Trừng vạn sự như ý, tuổi tuổi bình an, hàng năm làm bạn, trọn đời bên nhau.

Ngày Khương Lê và Chu Bỉnh Trừng làm đám hỏi, mẹ Khương Lê không gây khó dễ.

Khương Lê ngồi trong phòng khách nhà mình, chờ Chu Bỉnh Trừng dẫn người đến cửa.

Mẹ nói với Khương Lê: “Mẹ đã nói với mày từ trước, Chu Bỉnh Trừng là người tốt, mày không nghe. Khi đó mẹ đến nhà họ Chu, nếu mày nghe lời thì bây giờ đã cưới nhau có con rồi.”

Giọng Khương Lê lạnh nhạt: “Tạm thời con không có kế hoạch sinh con.”

“Xì, học nhiều nói chuyện tự tin nhỉ? Để xem mày không sinh con thì Thái Mai có lột da mày không.” Mẹ Khương Lê chua chát, sau đó lại nói: “Đừng nói mẹ không dạy mày, nhanh mà sinh con đi, giữ chặt Chu Bỉnh Trừng.”

Mẹ Khương cầm rất nhiều bao lì xì đỏ trên tay, theo thông lệ thì bao lì xì này do nhà gái chuẩn bị để tặng họ hàng, bạn bè bên chồng. Nhưng Chu Bỉnh Trừng lo mẹ Khương không chịu bỏ tiền nên anh tự bỏ bao lì xì, tự mình đưa đến nhà họ Khương, kể cả pháo và bánh ngọt hoa quả nhà gái đãi trong hôm nay.

Khương Lê chỉ chờ một lúc, Chu Bỉnh Trừng đã đến. Anh mặc vest, tay ôm mâm quả đỏ, đi sau là Giang Hướng Hoài, anh ôm một mâm quả đỏ khác, ngoài mệ Thái, mẹ Chu còn có bốn người phụ nữ “may mắn” là họ hàng bên nhà họ Chu đi theo, mọi người đều mặc đồ đỏ, bê mâm quả.

Mẹ Khương ra ngoài đốt pháo.

Cửa nhà họ Khương mở rộng, hàng xóm cũng đến góp vui, muốn xem Chu Bỉnh Trừng cho lễ gì trong đám hỏi.

Lễ vật bày trên bàn, trong hai mâm quả là nhẫn vàng, vòng tay, kiềng vàng, dây chuyền vàng. Chu Bỉnh Trừng cúi mắt nhìn Khương Lê, đeo lên từng thứ cho cô, cả người cô nặng trịch toàn vàng là vàng, đúng chuẩn nhà giàu mới nổi.

Mệ Thái nói: “Được rồi, treo nguyệt đậu, lễ thành.”

Mấy người khác lần lượt mở các mâm quả ra, túi xách, quần áo, giày dép, nước hoa, vòng cổ hoa tai, cần gì có nấy.

Chu Bỉnh Trừng vô cùng trân trọng: “Lê Lê, anh muốn cho em tất cả, cho dù em đã có hay chưa có.”

Thật ra Khương Lê hiểu, Chu Bỉnh Trừng biết từ nhỏ cô đã bị mọi người khinh thường, không muốn cô kết hôn còn bị người ta chê nghèo nàn nên anh mới tiêu nhiều tiền mua những trang sức hào nhoáng như vậy.

Anh vuốt v e chiếc nhẫn trên tay cô, trong tiếng pháo giòn giã, ánh mắt anh kiên định, dịu dàng: “Khương Lê, về nhà cùng anh nhé? Chúng ta kết hôn.”

“Được.” Cô cũng cười, nhìn sâu vào mắt anh.

Đến mùng 10 Tết, Giang Hướng Hoài mới hiểu ý anh thanh niên mua thuốc hôm trước.

Lễ Nguyên tiêu của huyện Nam Nhật kéo dài từ 11 âm lịch đến 16 âm lịch. Ngày 14 âm lịch là nhà họ Chu phải cho hai thanh niên tham gia hoạt động. Năm nay ôn Chu không may nên rút thăm trúng hai suất khiêng kiệu.

Mệ Thái trách ông: “Trúng thăm là chuyện tốt, không chỉ náo nhiệt mà năm sau cả nhà đều may mắn, nhưng ông rút một lần hai cái, nếu năm nay không có Hướng Hoài hoặc Bỉnh Trừng thì tôi xem lão già như ông làm sao khiêng kiệu nhé.”

Ôn Chu mạnh miệng: “Không phải còn có con trai tôi sao?”

Ba Chu: “Ba, con đau lưng…”

“Vô dụng.”

Ôn Chu vỗ vỗ vai Giang Hướng Hoài với Chu Bỉnh Trừng, “May còn hai đứa con, sức khỏe không tồi, chắc chắn có thể nâng thần nặng nhất, mang lại vẻ vang cho nhà mình. Lúc ôn còn trẻ là khiêng tượng to nhất, lúc đó bao nhiêu cô gái nhìn ngắm ôn, tuyệt vời! Lúc đó Nam Nhật đông người, không giống như bây giờ, lúc đó ai cũng muốn so sức lực với nhau, ai nhanh nhất, mạnh nhất mới có thể được nâng kiệu!”

Đêm 14 tháng Giêng.

Triệu Diên Gia và ba mẹ đến Nam Nhật xem, cậu nhận tin anh cậu sẽ biểu diễn tiết mục, không xem là hối hận cả đời.

Cả gia đình Triệu Diên Gia ăn cơm chiều ở nhà họ Chu, Chu Chức Trừng dẫn mọi người ra cửa chờ đội khiêng kiệu đi ngang qua nhà. Đêm qua tượng để ở khu khác, Giang Hướng Hoài và Chu Bỉnh Trừng phải nâng kiệu đi ngang qua đây.

Tiếng pháo lẫn tiếng reo hò ngày càng gần.

Chu Chức Trừng nói: “Họ sắp đến rồi.”

Triệu Diên Gia mở điện thoại ra quay lại, còn xúi ba mẹ: “Lát nữa ba mẹ nhớ chụp ảnh nhé.”

Ôn Chu đốt pháo hoa trong sân, tiếng pháo vang rền bốn phía, pháo hoa bay lên không trung, chiếu sáng chân trời, đám trẻ con đánh chiêng phía trước hét to: “Tránh đường, thần tuần kim đến đây.”

Theo sau là đội múa đèn và đội lân, tiếng trống vang trời của đội nữ trống lưng, vô số người thích náo nhiệt tụ tập theo sau, cuối cùng là những chiếc kiệu có tượng thần, người phụ trách hét lên: “Chạy đi chạy đi.”

Người trẻ tuổi khiêng kiệu dẫn dầu tăng tốc chạy tới.

Chu Chức Trừng và mọi người cũng theo đội khiêng kiệu đi đến quảng trường gần đó, hai đống lửa ở giữa đã được đốt lên, màn đêm bị pháo hoa thắp sáng, bên cạnh đống lửa là cây vàng cây bạc rơi như sao băng, đèn lồ ng đỏ xếp thành dãy dài, đêm xuân say lòng người.

Triệu Diên Gia sợ những quả pháo đột ngột nổ tung dưới chân mình nhưng cậu đã bắt được hình ảnh người anh trai lịch lãm, cao quý của mình. Cậu bật cười thành tiếng.

“Đúng là biểu diễn tạp kỹ ha?”

Giang Hướng Hoài và Chu Bỉnh Trừng khiêng chiếc kiệu có pho tượng lớn nhất, hai người mặc đồng phục huấn luyện võ thuật truyền thống, thắt lưng vải quanh eo, chân đi giày vải màu đen, bắp chân được buộc dây dài. Mọi người xoay tròn quanh đống lửa, theo nhịp trống dồn dập, tốc độ ngày càng nhanh, lửa bùng cháy quanh họ.

Đây là phong tục truyền thống dân gian huyện Nam Nhật, cầu mong mưa thuận gió hòa, thịnh vượng bình an.

Mệ Thái đại diện mọi người thắp hương, sau khi thành kính bái lạy, bà bước lên cắm nhang vào lư hương trong đám rước.

Triệu Diên Gia zoom to màn ảnh: “Anh Hướng Hoài phèn quá.”

Mẹ cậu lại không nghĩ vậy, không biết có phải vì bị pháo hoa hun hay không mà bà muốn khóc, quay đầu tựa lên vai chồng, lén lau nước mắt: “Ông xã.”

“Sao vậy?”

“Em rất hạnh phúc.”

Bà luôn xem Hướng Hoài như con của mình, bà nhìn thấy nỗi đau khổ của anh nhưng bất lực, không làm được gì.

Nhưng giờ đây, anh sẵn lòng tham gia những hoạt động dân gian này, hòa nhập vào nơi đây, tận hưởng niềm hạnh phúc của một người bình thường.

Thật tốt.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio