Kiếm Động Trung Châu

chương 46: tứ đại hiền tụ hội kim lăng bách lý hạc đưa ra phản kiến

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Thành Kim Lăng …

Đó là một tòa thành quách nằm bên bờ Tần Hoài, một đô thị phồn hoa nhất nhì cõi Trung Nguyên. Nơi đây có rất nhiều những tòa phủ đệ rộng lớn nguy nga. Phần lớn là gia tư của giới quan quyền, rồi đến các thân hào đại phú có danh tiếng trong vùng, cũng như trên cả nước.

Phía tây thành có một tòa phủ đệ rất khí khái uy nghi, trước cổng treo một tấm biển chỉ đề vỏn vẹn hai chữ : Vưu phủ.

Trên con đường nhiệt náo, người qua kẻ lại tấp nập, cảnh buôn bán nhộn nhịp đông đúc, chợt có hai nhân vật phong thái đường bệ xuất hiện, rồi dừng bước trước cổng phủ. Cả hai đều vận thanh bào, đội nho cân, một tác độ trung niên, còn một đã quá ngũ tuần, khí vũ phi phàm, dáng điệu ung dung nho nhã.

Văn sĩ tuổi quá ngũ tuần đưa mắt ngắm nhìn tấm biển treo trước cửa phủ một lúc, rồi mới quay sang trung niên văn sĩ, khẽ gật đầu.

Trung niên văn sĩ liền bước lên nắm lấy vòng đồng trên cánh cửa, gõ nhẹ ba tiếng, người kia tay chắp sau lưng ung dung đứng chờ.

Hồi lâu, không thấy có động tĩnh gì, trung niên văn sĩ trong lòng nóng nảy, lại cầm vòng đồng vận lực gõ thật mạnh. Thanh âm chắc chắn vang động đến tận hậu viện. Còn người kia vẫn ung dung nhàn nhã đứng chờ.

Hồi lâu sau nữa, cánh cổng mới từ từ hé mở, bên trong có thanh âm già nua nói vọng ra :

- Ai đó. Tệ phủ từ khách đã lâu rồi.

Trung niên văn sĩ bực bội nói :

- Lão Phúc. Có chuyện gì vậy. Tử Thanh huynh sao rồi. Ngay cả ta mà cũng không muốn gặp hay sao.

Bên trong cửa liền có một cái đầu thò ra nhìn ngó, vừa trông thấy trung niên văn sĩ thì vội mở rộng cửa, nói :

- Lão nô tưởng ai. Thì ra là Chu tiên sinh. Đã lâu rồi tiên sinh không đến chơi, chủ nhân của lão nô cứ nhắc tiên sinh mãi. Mời vào. Mời vào.

Văn sĩ trung niên chính là Chu Kỳ Xương, và người kia đương nhiên là Văn Đức Cung Ngoại Sự Tổng quản Bách Lý Hạc. Cả hai người họ đang đứng trước phủ đệ của Vưu Tử Thanh, một nhân vật trong số Võ lâm Tứ đại hiền nhân, là nhân vật mà Bách Lý Hạc nhắm tới trước tiên.

Nhìn lão bộc già, Chu Kỳ Xương mỉm cười hỏi :

- Tử Thanh huynh hiện có trong phủ hay không. Có chuyện chi mà lại đóng cửa từ khách thế.

Lão bộc già ngập ngừng đáp :

- Dạ. Chủ nhân của lão nô vẫn ở trong phủ, chỉ là có chút chuyện …

Đến lúc này thì lão đã nhìn thấy Bách Lý Hạc, liền hỏi :

- Vị này là …

Chu Kỳ Xương nói :

- Lão hãy vào thông báo với Tử Thanh huynh một tiếng là Chu mỗ đã mời đến cho Vưu phủ một vị quý khách.

Lão bộc ngần ngừ giây lát, rồi nói :

- Cảm phiền nhị vị tiên sinh hãy chờ một lát, lão nô xin vào bẩm báo với chủ nhân ngay đây.

Nói đoạn, lão quay người đi vào trong, để mặc hai vị quý khách đứng ngoài cửa. Chu Kỳ Xương quay sang Bách Lý Hạc phân trần :

- Trước nay Vưu Tử Thanh luôn xử sự hòa nhã với mọi người, tránh không để làm mất lòng ai. Không hiểu sao lần này lão ta lại để khách đứng ngoài cửa thế này. Và thái độ của lão bộc kia trông cũng lạ lắm.

Bách Lý Hạc chỉ mỉm cười chứ không nói gì. Đột nhiên, hai người nghe một tràng cười sang sảng từ trong nhà vọng ra, tiếp theo là tiếng nói :

- Chu huynh đệ. Hôm nay, ngọn gió nào lại đưa huynh đệ đến đây thế. Lão phu thật không ngờ …

Lời chưa dứt thì đã thấy một lão nhân tóc bạc hoa râm rảo bước đi ra. Người này tướng mạo thanh nhã, râu dài ba chòm, dáng vẻ thanh cao, niên kỹ đã ngoài ngũ tuần, mình vận lam bào trông rất hiền hậu nho nhã.

Chu Kỳ Xương thấy lão đi ra, liền cười nói :

- Tử Thanh huynh vẫn khỏe chứ.

Thì ra vị lão nhân này chính là Vưu Tử Thanh, một nhân vật trong số Võ lâm Tứ đại hiền nhân. Lão ta cười ha hả nói :

- Vẫn khỏe. Vẫn khỏe. Huynh đệ không thấy đây sao.

Lão lại ngó qua Bách Lý Hạc, nói :

- Hàn xá được tiên sinh ghé bước, lão phu thật lấy làm vinh hạnh. Chẳng hay tiên sinh xưng hô thế nào.

Bách Lý Hạc khẽ mỉm cười, nhưng vẫn chưa lên tiếng, mắt quan sát đối tượng, thầm đánh giá con người Vưu Tử Thanh. Trong khi đó, Chu Kỳ Xương có vẻ không hài lòng, cau mày nói :

- Tử Thanh huynh. Chúng ta vào trong rồi hãy nói được không.

Nghe y nhắc khéo, Vưu Tử Thanh lộ vẻ ngại ngùng, nói :

- Ồ. Lão phu thật là hồ đồ. Ai lại bảo khách nhân đứng ngoài cửa nói chuyện chứ. Nào. Nào. Xin mời nhị vị vào trong.

Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương theo Vưu Tử Thanh vào trong đại sảnh. Sau khi phân ngôi chủ khách cùng ngồi xuống, có mấy thanh y tiểu tỳ dâng trà nước. Đợi khách uống vài ngụm trà rồi, họ Vưu mới hỏi :

- Chu huynh đệ. Vị tiên sinh đây phong thái đường bệ, nghi biểu phi phàm, đương nhiên phải là một nhân vật rất có lai lịch. Sao huynh đệ không mau giới thiệu cho lão phu được biết.

Chu Kỳ Xương nghiêm giọng nói :

- Tiên sinh đây là Hoài Giang Tú Sĩ Bách Lý đại hiệp, chắc Tử Thanh huynh cũng đã từng nghe qua.

Tuy đồng tuổi tác, nhưng Bách Lý Hạc là cao thủ lớp trước, khi lão ẩn cư thì họ Vưu còn chưa có mấy tiếng tăm trên chốn giang hồ, vì vậy nghiễm nhiên được xem là võ lâm tiền bối, địa vị rất cao. Họ Vưu vội đứng ngay dậy, hướng vào Bách Lý Hạc vòng tay vái chào, nói :

- Thì ra là Bách Lý đại hiệp. Uy danh của đại hiệp lão phu đã được nghe nhiều, tiếc là trước đây chưa từng được bái kiến. Nghe đâu hai mươi năm trước đại hiệp đã ẩn cư, không hỏi đến chuyện giang hồ. Đại hiệp rửa tay gác kiếm ngay giữa lúc danh vọng đang lừng lẫy chói ngời, lão phu kính phục vô cùng.

Bách Lý Hạc cười nói :

- Vưu huynh đệ không nên quá khách sáo. Lão phu xem trong lòng huynh đệ dường như có điều chi bất an.

Chu Kỳ Xương vội hỏi :

- Tử Thanh huynh. Ở đây đã xảy ra chuyện gì chăng.

Vưu Tử Thanh lắc đầu nói :

- Nhị vị chờ cho một lát.

Nói rồi lão quày quả đi vào phía hậu sảnh, thái độ xem ra hơi có vẻ kỳ lạ. Bách Lý Hạc đưa mắt nhìn Chu Kỳ Xương, thấy y có vẻ nôn nóng muốn biết chuyện gì, liền khẽ mỉm cười, nói :

- Lão đệ bất tất phải nôn nóng như vậy. Có chuyện gì thì chờ lát nữa, khi Vưu huynh đệ trở ra là sẽ biết ngay thôi mà.

Nhưng Chu Kỳ Xương vẫn nôn nóng nói :

- Dựa theo tính cách của Tử Thanh huynh mà luận thì chuyện xảy ra tất phải nghiêm trọng lắm.

Bách Lý Hạc chỉ mỉm cười, lặng lẽ nhấm nháp chung trà, mặc cho Chu Kỳ Xương lo nghĩ bồn chồn.

Lát sau, Vưu Tử Thanh đã quay trở lại đại sảnh. Đi theo phía sau lão ta còn có ba lão già dáng điệu cũng đầy vẻ văn nho, tính tình hòa nhã, vận y phục văn nhân giống như Vưu lão. Chỉ có đều sắc diện cả ba đều giống như Vưu lão, như đang có điều lo lắng. Cả ba chắc đã nghe họ Vưu nói lại nên khi vừa ra đến là đồng chắp tay thi lễ với Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương, rồi phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Vậy là Võ lâm Tứ đại hiền nhân đều tề tựu đông đủ tại Vưu phủ.

Đôi bên khách sáo vài câu. Nữ tỳ mang thêm trà nước. Sau đó, Vưu Tử Thanh đưa cho Bách Lý Hạc xem một lá thư. Bách Lý Hạc chỉ liếc mắt xem qua rồi trao lá thư lại cho Chu Kỳ Xương.

Đọc xong lá thư, như vẫn chưa tin vào mắt mình, Chu Kỳ Xương lại đọc lại lần nữa, rồi lần nữa. Lá thư là của Cửu Trùng Giáo gửi cho Vưu Tử Thanh, mời lão phải nhập bang và nhận chức Hộ pháp. Tuy dùng tiếng “mời”, song lời lẽ trong thư rất cứng rắn, có vẻ như bắt buộc đối tượng phải chấp thuận chứ không được phép từ chối. Chu Kỳ Xương quay sang Bách Lý Hạc, nói :

- Tổng quản. Chuyện này …

Bách Lý Hạc mỉm cười nói :

- Chuyện này cũng chẳng có chi là lạ. Bạch Cốt Hung Thần vì phạm tội đại nghịch mà bị xử tử. Kim Chỉ Thần Ma được gia phong thay quyền giáo chủ. Cũng vì thế là thực lực của Cửu Trùng Giáo cũng có phần yếu đi. Chuyện bọn họ tăng cường nhân số để củng cố thực lực là chuyện đương nhiên thôi.

Mấy lời này của Bách Lý Hạc đã làm bọn Vưu Tử Thanh choáng váng. Cái gì mà Bạch Cốt Hung Thần, rồi Kim Chỉ Thần Ma, mấy danh hiệu đó đều làm bọn họ rúng động, nghe như sấm động bên tai, khiến tất cả ngơ ngác bần thần. Nhưng Bách Lý Hạc vẫn an nhiên nói tiếp :

- Cửu Trùng Giáo tuy xưng hùng xưng bá trong võ lâm, nhưng thế lực so với các bang phái khác cũng chẳng có gì vượt trội. Muốn tăng cường thực lực đương nhiên cần phải thu nạp nhân tài.

Chu Kỳ Xương nói :

- Nhưng một khi Cửu Trùng Giáo tiến hành thu nạp nhân tài thì các bang phái khác lẽ nào lại chịu ngồi yên. Bọn họ tất nhiên cũng sẽ làm tương tự. Như thế há chẳng phải võ lâm sẽ thêm một phen náo động hay sao.

Bách Lý Hạc nói :

- Đúng ra thì chuyện này vẫn còn một nguyên nhân nữa, tuy không công khai nói ra, nhưng lại chính là nguyên nhân quyết định. Cửu Trùng Giáo với Thiên Âm Giáo vốn có mối hiềm khích vô cùng sâu nặng. Song phương như nước với lửa. Ngoài những lúc buộc phải giữ hòa khí khi cùng phụng sự chúa công, thời gian còn lại thì bọn họ đối với nhau như kẻ thù. Có khi chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt không đâu mà cũng sinh sự đánh nhau. Chúa công cũng đang rất buồn lòng về chuyện này.

Chu Kỳ Xương nói :

- Vậy sao chúa công không đứng ra hòa giải. Nếu để hai đại giáo phái này khởi sự đánh nhau thì hậu quả … thật khó lường trước.

Bách Lý Hạc thở dài nói :

- Chuyện ấy nói ra thì dễ, nhưng … Lão đệ tưởng chúa công chưa nghĩ đến điểm ấy ư. Chỉ cần chúa công lên tiếng thì tất nhiên đôi bên sẽ cung kính tuân theo. Nhưng rồi vì không cam tâm mà bọn họ sẽ còn ngấm ngầm làm những gì nữa thì ai mà biết được. Vì thế, những chuyện thế này chúa công không can thiệp vào. Chỉ cần các lộ không hành động trái với điển lệ là được.

Rồi Bách Lý Hạc quay sang Trúc Thanh Sơn, hỏi :

- Trúc huynh đệ định cư ở Lạc Dương, chắc hẳn đã nhận được thư mời của Thiên Âm Giáo.

Trúc Thanh Sơn lẳng lặng gật đầu. Bách Lý Hạc lại đưa mắt nhìn Hứa Thi Đường, rồi đến Tần Sĩ Đình, nói :

- Hứa huynh đệ ở Nam Xương, có lẽ đã nhận được thư mời của Thiên Tinh Bang. Còn Tần huynh đệ ở Hà Đông, đương nhiên thư mời là từ Thiên Hùng Bang.

Cả hai lão đồng thời gật đầu, sắc diện lộ vẻ ngạc nhiên. Cả bốn người đều không thể hiểu là do đâu mà Bách Lý Hạc lại biết rõ tường tận đến như thế. Chợt đâu, lại nghe Bách Lý Hạc khẽ lẩm bẩm :

- Cũng đâu cần phải vội vã như thế chứ. Cả mấy bang phái đều đồng loạt gấp rút tăng cường nhân số, củng cố thực lực. Lẽ nào … chắc là đang chuẩn bị đánh nhau đây. Hà. Không biết chúa công có cách an bài nào hay không. Sắp tới chắc sẽ có nhiều sự phiền phức lắm đây.

Lòng quá hiếu kỳ, Vưu Tử Thanh vội hỏi :

- Bách Lý đại hiệp. Nãy giờ nghe đại hiệp và Chu huynh đệ nhiều lần nhắc đến chúa công. Vậy chẳng hay đó là vị nào.

Bách Lý Hạc mỉm cười nói :

- Chúa công là truyền nhân của Thánh cung, là một vị nhân quân đức trải vạn phương. Các đại bang hội giáo phái khắp cả tam sơn ngũ nhạc đều vì cảm đức mà cùng theo về phụng sự chúa công.

Đoạn Bách Lý Hạc quay sang Chu Kỳ Xương gật đầu nói :

- Nói chuyện loanh quanh như thế cũng đủ rồi. Lão đệ hãy mau trình bày mục đích của chúng ta đến đây hôm nay cho các vị đây được biết.

Chu Kỳ Xương vâng dạ, hướng về bốn lão Võ lâm Tứ đại hiền nhân vòng tay nói :

- Chư vị lão huynh. Chúa công nghe nói đến Võ lâm Tứ đại hiền nhân nên phái tại hạ cùng Bách Lý Tổng quản đến đây mời chư vị lão huynh về đảm nhiệm trách vụ tại Văn Đức Cung. Không hiểu ý của chư vị thế nào.

Đưa mắt quan sát thái độ của bốn lão, Chu Kỳ Xương lại nói thêm :

- Đương nhiên là nếu chư vị lão huynh đã theo về tùng sự tại Văn Đức Cung thì không cần phải bận tâm đến những lời mời gọi của Cửu Trùng Giáo, Thiên Âm Giáo hay Thiên Hùng Bang gì gì nữa. Bọn họ cũng đều là thần tử của chúa công nên sẽ không dám làm khó dễ gì chư vị đâu.

Trúc Thanh Sơn nói :

- Đã mấy chục năm trời bọn lão phu không hỏi gì đến chuyện giang hồ, ngày nay lẽ nào lại dấn thân vào chỗ thị phi.

Bách Lý Hạc khẽ mỉm cười :

- Chúa công triệu mời chư vị huynh đệ nhập cung là muốn giúp chư vị thoát khỏi vòng thị phi đó chứ.

Trúc Thanh Sơn thản nhiên nói :

- Mình tự hỏi mình không có điều chi đáng tiếc là được, hà tất phải nghĩ đến chuyện ở đâu, làm gì, ra sao.

Bách Lý Hạc mỉm cười nghĩ thầm :

- Mấy lão già này lẩm cẩm mất rồi, e rằng không thể dùng cách bình thường để điểm hóa. Lão phu phải dùng đến mấy món pháp bảo trong hồ lô mới được.

Trong khi đó, Chu Kỳ Xương hỏi :

- Vậy còn những lá thư kia. Chư vị lão huynh đã nghĩ ra diệu sách nào để đối phó với bọn họ chưa.

Trúc Thanh Sơn đáp :

- Lòng dạ người quân tử như gió mát trăng thanh. Sống chẳng phụ người, chết chẳng oán ai.

Chu Kỳ Xương nói :

- Chư vị lão huynh không chấp nhận lời đề nghị của bọn họ, e rằng bọn họ chẳng chịu để yên. Chẳng lẽ chư vị ngồi yên chờ bọn họ đến hành xử hay sao.

Tần Sĩ Đình đáp :

- Trong vẫn là trong, đục vẫn là đục. Bọn lão phu đã hiểu được lẽ sống ở đời, dù cát dù hung cũng chẳng bận tâm.

Chu Kỳ Xương lại hỏi :

- Chư vị chấp nhận buông xuôi, để mặc cho người ta hành xử à.

Hứa Thi Đường thản nhiên nói :

- Bọn lão phu rửa tay gác kiếm đã lâu, không muốn bị lôi kéo vào vòng ân oán trong chốn võ lâm.

Bách Lý Hạc vì trong lòng đã có chủ định nên vẫn mỉm cười ngồi yên. Trong khi đó thì Chu Kỳ Xương có vẻ tức mình, nói móc :

- Chư vị đều là bậc đại hiền đại thánh. Tại hạ uổng công lo lắng cho chư vị hóa ra lại chính là làm việc thừa thải rồi.

Vưu Tử Thanh nói :

- Thọ ân phải biết báo đền, còn oán hận thì nên tiêu giải. Huynh đệ lo nghĩ cho bọn lão phu, bọn lão phu rất cảm kích.

Chu Kỳ Xương càng nghe mấy lão nói thì lại càng tức mình không sao chịu được, quay sang Bách Lý Hạc khẽ đằng hắng mấy cái, có ý giục lão lên tiếng. Bách Lý Hạc mỉm cười, thủng thẳng nói :

- Mấy chục năm trời chư vị không hỏi đến chuyện giang hồ, được tiếng là Tứ đại hiền nhân. Hiền thì hiền rồi. Nhưng không khỏi mang tiếng là chỉ biết thân mình, không phân biệt được thế nào là phải, thế nào là trái.

Tần Sĩ Đình nói :

- Thuyết thị phi vẫn có hai mặt. Bọn lão phu đã thoát khỏi vòng thị phi ân oán mà lại bảo là đi không đúng đường ư.

Bách Lý Hạc cười nhạt nói :

- Người xuất gia hãy còn lo nghĩ đến việc phổ độ chúng sinh. Chư vị mắt thấy võ lâm gặp kiếp nạn lớn lao mà tự mình chỉ biết vui thú lâm tuyền, lo lấy thân mình, lại còn nhơn nhơn đắc ý. Những lúc canh khuya thanh vắng, chư vị có thử vấn tâm xem như thế là hiền hay không hiền.

Vưu Tử Thanh cùng mấy lão hữu đều sửng sốt, không tìm ra lời nào để biện giải. Bách Lý Hạc lại bồi thêm :

- Chư vị có khí phách hơn đời, không đếm xỉa đến tư thù, khác hẳn với người võ lâm, thật xứng với danh hiệu hiền nhân. Nhưng chư vị lại không đoái hoài đến đại thể, không biết phân biệt hành động phải quấy, không biết nghĩ đến những người xung quanh, như thế liệu có đáng mặt hiền giả hay không.

Càng nghe nói, bốn lão càng thất sắc, xuất hạn đầm đìa ướt cả y phục. Lần đầu tiên trong đời bọn họ bị người chỉ trích, mà lời chỉ trích lại rất thích đáng, không thể cãi vào đâu được. Bách Lý Hạc lại nói tiếp :

- Cái hư danh thường làm người ta lầm lẫn. Chư vị không màng danh lợi, không gây thù oán, độ lượng quảng đại ít người bì kịp. Nhưng thực chất thì hành động của chư vị cũng không ngoài mục đích muốn duy trì lấy tiếng tốt là Tứ đại hiền nhân. Như vậy có phải là tư lợi ích kỷ hay không.

Nói rồi, lão đứng dậy, nói :

- Chu huynh đệ. Chúng ta về thôi.

Chu Kỳ Xương ngập ngừng nói :

- Thế còn …

Bách Lý Hạc xua tay ngắt lời :

- Tiếng chuông chính giác không thấu đến những người câm điếc. Lời phải không thức ngộ được những kẻ hồ đồ. Chúng ta về thôi. Tư cách bọn họ như thế, làm Hộ pháp trong Cửu Trùng Giáo có lẽ thích hợp hơn.

Nói tới đây, Bách Lý Hạc quay mình đi thẳng ra cửa, chẳng thèm chào hỏi một ai. Chu Kỳ Xương đành vội vã theo sau, và cũng cố nói thêm câu cuối :

- Mong chư vị lão huynh hãy suy nghĩ lại thật thấu đáo.

Hai người nhanh chóng bước ra khỏi cửa. Trong đại sảnh chỉ còn lại bốn lão nhân ngồi ngơ ngẩn xuất thần.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio